Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Hòa
Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới
Peace As The Fruit
Of Justice and Solidarity
(Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39)
http://www.conggiaovietnam.net
conggiaovietnam@gmail.com
Bản tin CGVN
Chủ Đề:
Thư gửi Giáo dân VN
Tác giả:
HĐGMVN
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
1. Anh chị
em thân mến,
Chúng tôi, các Giám mục thuộc 27 Giáo phận, tham dự Đại hội XIV
tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Hải Phòng, xin gửi lời chào thân
ái trong Chúa Ky-tô đến toàn thể Dân Chúa, đặc biệt các bạn trẻ.
Đại hội là cơ hội để chúng tôi nhìn lại những hoạt động của các
Giáo phận và các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục, chia sẻ cho
nhau những kinh nghiệm và bàn thảo với nhau những kế hoạch mục vụ
để có thể phục vụ Dân Chúa cách tốt đẹp hơn. Cũng vì thế, vào lúc
kết thúc Đại hội, chúng tôi muốn gửi đến anh chị em một vài suy
tư và định hướng mục vụ cho Giáo hội Việt Nam trong những năm
tới.
Trong ba
năm qua, chúng ta đã thực hiện chương trình “Mục vụ gia đình”.
Cảm ơn anh chị em đã đồng lòng hưởng ứng lời mời gọi của Hội đồng
Giám mục bằng những nỗ lực hành động cụ thể. Tạ ơn Chúa vì chương
trình mục vụ đã đem lại nhiều hoa trái cho các gia đình, nhất là
các gia đình trẻ gặp khó khăn, cũng như giúp cho người trẻ chuẩn
bị bước vào đời sống hôn nhân gia đình.
2. Các Ky-tô hữu trẻ luôn là mối quan
tâm đặc biệt của toàn thể Giáo hội. Để thể hiện mối quan tâm này,
Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XV họp tại Rô-ma vào tháng 10
năm 2018 đã bàn về chủ đề “Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn
gọi”. Từ những kinh nghiệm, suy tư và đề nghị trong Thượng Hội
đồng, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã ban hành tông huấn “Chúa Ky-tô
đang sống” (Christus vivit), trong đó ngài khắc họa Dung nhan
sống động, tươi trẻ và gần gũi của Chúa Ky-tô Phục sinh đang sống
giữa chúng ta. Người là bạn của người trẻ và mong ước kết thân
với họ để giúp họ sống tuổi trẻ cách sung mãn, lớn lên trong sự
thánh thiện, dấn thân phục vụ xã hội và Giáo hội.
Cùng chung những thao thức ấy, chúng
tôi quyết định chọn chủ đề Mục vụ Giới trẻ cho Giáo hội Việt Nam
trong ba năm tới (2020–2022).
Trình thuật Đức Giê-su hiện ra và đồng
hành với hai môn đệ trên đường Emmaus là trình thuật truyền cảm
hứng cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về người trẻ. Đấng
Phục sinh đã đồng hành, lắng nghe, đặt câu hỏi và giải thích cho
hai môn đệ đang buồn sầu thất vọng, giúp họ hiểu chương trình cứu
độ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Đó không chỉ là câu chuyện
của 2,000 năm trước, nhưng còn là cuộc gặp gỡ của ngày hôm nay và
mãi mãi về sau. Vì thế, hành trình Emmaus đã trở thành khuôn mẫu
của mục vụ giới trẻ; theo đó, đồng hành với giới trẻ cần được
thực hiện theo ba bước:
(1) lắng nghe cuộc sống của người trẻ;
(2) cùng với người trẻ phân định thánh ý Chúa dưới ánh sáng của
sứ điệp Tin Mừng;
(3) giúp người trẻ
hành động để sống tuổi trẻ cách phong phú.
A – Lắng nghe: Thuận lợi và thách đố
đối với người trẻ tại Việt Nam hôm nay
3. Tại Việt Nam, gia đình vẫn là
“trường học đầu tiên”, nơi đó các Ky-tô hữu trẻ đón nhận những
bài học căn bản cho đời sống làm người và làm con cái Chúa. Ngoài
ra, sống trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, giới trẻ có nhiều
cơ hội học hành, làm việc, sinh hoạt cộng đồng, du lịch, mở rộng
giao lưu gặp gỡ, có những hoạt động phong phú trong lãnh vực văn
hóa, thể thao.
Bên cạnh đó, người trẻ cũng phải đối
diện với những thách thức của thời đại mới. Hiện tượng di dân vừa
đem lại những hiệu quả tích cực vừa gây nhiều hệ lụy tiêu cực
trong đời sống gia đình và xã hội. Thế giới kỹ thuật số vừa là
một phương thế rất hữu hiệu cho việc truyền thông và thiết lập
các mối tương quan, nhưng cũng là nguyên nhân gây nên nhiều tác
hại cho bản thân người trẻ. Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và
trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi
vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm
và vô trách nhiệm. Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của
thời đại như nghiện ngập, buôn bán ma túy, hôn nhân thử, đồng
tính, phá thai. Bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm
nghiêm trọng.
B – Phân định: Ơn gọi và sứ mệnh của người trẻ
4. Trong bối cảnh trên, không ít người
trẻ băn khoăn đi tìm ý nghĩa và hướng đi đích thực cho đời sống.
Cũng như Chúa Ky-tô đã công bố Tin Mừng cho những người trẻ
Emmaus, ngày nay Giáo hội cũng muốn gửi đến các bạn trẻ sứ điệp
cao cả của Tin Mừng: Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương các bạn,
Chúa Ky-tô đã cứu độ các bạn, ngày hôm nay Người vẫn đang sống,
vẫn đồng hành với các bạn như một người Bạn thân thiết. Tuổi trẻ
là ân sủng và quà tặng mà các bạn cần đón nhận với lòng biết ơn
và sống sung mãn chứ không lãng phí, hãy phát huy các khả năng
Chúa ban để trở nên một người trưởng thành toàn diện.
Hơn thế nữa, “tuổi trẻ còn là một phúc
lành cho Giáo Hội và thế giới” (Tông huấn Chúa Ky-tô đang sống,
số 134). Thật vậy, người trẻ không chỉ là đối tượng phục vụ của
Giáo hội, mà còn là chủ thể phản ảnh Đức Giê-su Ky-tô giữa lòng
nhân thế; không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại của thế giới,
họ đã và đang góp phần làm phong phú thế giới (x. Tông huấn Chúa
Ky-tô đang sống, số 64).
Người trẻ làm phong phú Giáo hội và thế
giới bằng nhiều cách, trước hết bằng việc nên thánh: “Hương thơm
thánh thiện tỏa ra từ đời sống lành thánh của biết bao người trẻ
có thể băng bó các vết thương của Giáo hội và của thế giới, và
đưa chúng ta trở lại với tình yêu viên mãn mà chúng ta đã được
kêu gọi từ thuở đời đời” (Tông huấn Chúa Ky-tô đang sống, số 50).
Đồng thời, các bạn trẻ cũng thể hiện sự thánh thiện qua việc sống
đức ái trong gia đình và trong xã hội. Nhiều người trẻ tham gia
tích cực vào các hoạt động giáo xứ hoặc dấn thân vào các hoạt
động bác ái xã hội. Các phong trào vì môi trường ngày càng phổ
biến mà thành phần đông đảo là người trẻ. Tất cả làm nên sức sống
trẻ trung của Giáo hội, đồng thời là sự dấn thân cụ thể để Phúc
âm hóa xã hội và thế giới, mở rộng Triều đại của Thiên Chúa (x.
Tông huấn Chúa Ky-tô đang sống, số 168).
C – Hành động: Đồng hành để giúp người
trẻ thăng tiến và dấn thân
5. Theo hướng đi trên, chúng tôi mời
gọi tất cả các thành phần Dân Chúa đồng hành với giới trẻ và đổi
mới mục vụ giới trẻ. Những người tham gia mục vụ giới trẻ, đặc
biệt các linh mục, cần đổi mới cách nhìn và cách tiếp cận người
trẻ. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhận xét: “Người trẻ cảm thấy có
một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ
đang sống. Những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân
lý không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới
chế nhạo các giá trị ấy, họ cũng không học được cách cầu nguyện
và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững giữa nhịp sống vội vã của
xã hội” (Tông huấn Chúa Ky-tô đang sống, số 221). Vì thế, thay vì
áp đặt lên người trẻ một chương trình có sẵn, cần phải đồng hành
và lắng nghe các bạn trẻ, giúp họ khám phá những khả năng và các
đặc sủng Chúa Thánh Thần đã ban, và tạo điều kiện thích hợp để
người trẻ phát huy những khả năng đó. Mục vụ giới trẻ phải mang
tính “hiệp hành”, nghĩa là có khả năng liên kết mọi thành phần
dân Chúa trong một “hành trình chung” (Tông huấn Chúa Ky-tô đang
sống, số 206). Nếu biết quan tâm đúng mức và hướng dẫn đúng cách,
Giáo hội sẽ có những người trẻ vui tươi, can đảm, nhiệt tâm dấn
thân cống hiến cho công cuộc Phúc âm hóa.
6. Chúng tôi đề nghị Chương trình Mục
vụ Giới trẻ 3 năm (2020–2022) với các chủ đề sau:
– 2020: Đồng hành với người trẻ hướng
tới sự trưởng thành toàn diện.
– 2021:
Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình.
– 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã
hội.
Để thực
hiện chương trình mục vụ trên, chúng tôi đề nghị:
a – Học hỏi:
– Tạo điều kiện cho người trẻ tiếp cận
những tài liệu hữu ích của Giáo Hội như Youcat (Giáo lý cho người
trẻ), Docat (Giáo huấn xã hội cho người trẻ), và Tông huấn “Chúa
Ky-tô đang sống”; đồng thời, nên chú trọng hơn đến việc giúp phân
định thiêng liêng cũng như tư vấn tâm lý cho người trẻ.
– Các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám
mục sẽ đồng hành với các Giáo phận và Giáo xứ trong việc soạn bản
hướng dẫn học hỏi cho chương trình ba năm.
b – Cử hành:
– Giáo phận tổ chức Ngày Giới trẻ vào
Chúa nhật Lễ Lá hằng năm hoặc một ngày khác phù hợp.
– Kết thúc 3 năm mục vụ, sẽ tổ chức Đại
hội Giới trẻ toàn quốc.
c – Sống:
– Tạo điều kiện cơ sở vật chất và không
gian phù hợp cho hoạt động giới trẻ như văn phòng mục vụ, phòng
sinh hoạt, sân chơi thể thao, ca nhạc...
– Trước tình trạng ngày càng đông các
bạn trẻ rời làng quê đi học và làm việc ở các đô thị lớn, cần có
sự phối hợp giữa giáo xứ nơi đi và nơi đến, bằng cách cấp chứng
chỉ của nơi đi và hướng dẫn cho người trẻ gia nhập cộng đoàn địa
phương nơi đến. Các Giáo phận có những người trẻ đến học tập và
làm việc tại các trường Đại học, Cao đẳng, các công ty, xí
nghiệp, cần bổ nhiệm các linh mục đặc trách đồng hành để giúp các
bạn trẻ có khả năng hội nhập, sống và làm chứng cho Tin Mừng
trong môi trường mới.
– Ứng dụng mạng xã hội vào công tác mục
vụ giới trẻ. Nếu sử dụng tốt, mạng xã hội là phương tiện rất hữu
ích để củng cố đức tin và kinh nghiệm thiêng liêng, cung cấp
thông tin [tin tức] về mục vụ xã hội, trau dồi kiến thức và kỹ
năng cần thiết để sống hiệp thông và loan báo Tin Mừng.
7. Trong Thư Chung này, chúng tôi muốn
trình bày chi tiết hơn về chủ đề năm 2020: “Đồng hành với người
trẻ trong tiến trình hướng tới sự trưởng thành toàn diện”. Trong
Tông huấn “Chúa Ky-tô đang sống” (số 26–27), Đức Thánh Cha
Phan-xi-cô mời gọi các bạn trẻ chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giê-su
để lớn lên và trưởng thành cách toàn diện theo gương của Người:
“Trong thời gian sống tại Na-da-rét, Đức Giê-su vâng lời cha mẹ,
‘lớn lên, thêm khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa và
người ta’ (Lc 2, 52). Đức Giê-su đang ở trong thời gian chuẩn bị,
và trong giai đoạn này, Người đi sâu vào mối tương quan với Chúa
Cha và với tha nhân. Người không chỉ lớn lên về mặt thể lý, mà
còn về tâm linh nữa. Trong những năm tuổi trẻ, Người đã ‘tự rèn
luyện’, chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện kế hoạch của Chúa Cha.
Người đã hướng tuổi niên thiếu và tuổi trẻ của mình theo sứ mạng
cao cả ấy”.
Dựa vào hướng dẫn trên, chúng tôi đề nghị các mục tử, những người
làm công tác mục vụ giới trẻ, đặc biệt là cha mẹ, hãy đồng hành
để giúp các thanh thiếu niên lớn lên và trưởng thành về thể lý,
tâm lý, tâm linh, và phân định ơn gọi.
a – Thể lý: giúp người trẻ rèn luyện
thân thể khỏe mạnh, giữ kỷ luật đối với chính bản thân, phòng
ngừa các đam mê nguy hại như rượu, bia, ma túy, cờ bạc, nghiện
game.
b –
Tâm
lý: giúp người trẻ tập luyện các đức tính nhân bản, đặc biệt tính
trung thực, ý thức công bằng, lương tâm ngay thẳng, tinh thần
trách nhiệm; tạo điều kiện để người trẻ có nhiều cơ hội sinh hoạt
cộng đồng, nhờ đó hướng mở tới tha nhân, tập sống chung và làm
việc chung với tinh thần liên đới, quảng đại, vị tha; mở các lớp
kỹ năng sống về nhận diện giá trị bản thân, trưởng thành tâm lý
và tính dục, phát triển tương quan hài hòa với mọi người.
c – Tâm linh: giúp các bạn trẻ gặp gỡ
và củng cố tình bạn với Chúa Ky-tô, Đấng đang sống, nhờ cầu
nguyện với Lời Chúa, tôn thờ Thánh Thể, tham dự phụng vụ cách
tích cực. Để thực hiện mục tiêu này, các mục tử và giáo lý viên
cần canh tân việc dạy giáo lý cho giới trẻ bằng cách tổ chức các
buổi tọa đàm, thảo luận theo chuyên đề, nhất là những vấn đề
thiết thân với giới trẻ.
d – Văn hóa: không thể tách rời việc
đào tạo tâm linh ra khỏi đào tạo về văn hóa. Đào tạo văn hóa đích
thực là phát triển sự khôn ngoan, tức là tri thức nhân văn và
phát triển nhân bản, chứ không chỉ tìm lợi ích vật chất và hiệu
quả cụ thể tức thời (x. Tông huấn Chúa Ky-tô đang sống, số 223).
e – Phân định ơn gọi: người trẻ cũng
cần được đồng hành và hướng dẫn trong việc phân định tiếng gọi
của Thiên Chúa, kêu mời họ bước vào đời sống tu trì hoặc đời sống
hôn nhân, để họ có thể đáp lại tiếng gọi của Chúa với tất cả tự
do, ý thức đức tin và quảng đại dấn thân.
8. Kết thúc thư này, chúng tôi muốn ngỏ
lời với tất cả các bạn trẻ Công giáo tại Việt Nam.
Các con rất thân mến,
Khi chiêm ngắm hai người trẻ trong hành
trình Emmaus, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết như sau: “Chúa Giê-su
cùng đi với hai môn đệ... Người bước vào trong đêm tối của họ.
Khi lắng nghe Người, họ cảm thấy lòng ấm lên và trí sáng ra; khi
Người bẻ bánh, mắt họ mở ra. Chính họ chọn đi trở lại ngay lập
tức con đường vừa đi, để về với cộng đoàn và chia sẻ kinh nghiệm
gặp gỡ Đấng Phục Sinh” (Tông huấn Chúa Ky-tô đang sống, số 237).
Như hai người trẻ trên đường Emmaus,
các con hãy đến với Chúa Giê-su, tâm sự với Người trong cầu
nguyện, lắng nghe lời Người trong Sách Thánh, đón nhận sức sống
của Người trong Thánh Thể, nhờ đó biết nhìn cuộc đời với cặp mắt
mới và nhận ra Chúa luôn đồng hành với các con.
Như hai người trẻ trên đường Emmaus,
các con hãy đến với cộng đoàn Giáo hội ở nơi các con đang sinh
sống, học hành, làm việc. Đức tin Ky-tô giáo luôn mang chiều kích
cộng đoàn. Các con không sống đức tin một mình nhưng với cộng
đoàn và trong cộng đoàn. Hãy tích cực tham gia các sinh hoạt của
giáo xứ, hội đoàn, hoặc cộng đoàn Ky-tô hữu nhỏ; nhờ đó các con
cảm nhận được sự nâng đỡ trong những lúc khó khăn, đồng thời học
mở lòng ra trước nhu cầu của tha nhân.
Như hai người trẻ trên đường Emmaus,
các con hãy mạnh dạn kể lại cho các bạn trẻ khác về kinh nghiệm
đức tin của mình, kể bằng lời và bằng chính cuộc sống tốt lành
của các con. Hơn ai hết, chính các con phải là tông đồ cho người
trẻ, những người cùng trang lứa, sống trong cùng một thời đại và
môi trường với các con. Được như thế, các con sẽ trở thành những
sứ giả loan báo Tin Mừng của Chúa Ky-tô Phục Sinh cho mọi người,
đồng thời góp phần dựng xây quê hương và dân tộc Việt Nam thịnh
vượng, công bằng và hạnh phúc.
Vào thời điểm sứ thần Gabriel truyền
tin cho Đức Maria, Mẹ cũng là một người trẻ. Mẹ đã lắng nghe, suy
đi nghĩ lại trong lòng, và quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi.
Và một khi đã thưa ‘Xin vâng’, Mẹ dấn bước với tất cả tình yêu
trung tín, kể cả trong những lúc khó khăn và thử thách nhất. Mẹ
thực sự là mẫu gương và hơn nữa, là Ngôi Sao Hy Vọng, dẫn bước
chúng ta vượt qua mọi gian nan thử thách để bước đi trên con
đường của Tin Mừng. Chúng ta cùng hướng về Đức Maria với tâm tình
cậy trông và yêu mến. Nguyện xin Mẹ luôn đồng hành và chúc phúc
cho chúng ta.
Làm tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Hải Phòng
Ngày 4 tháng 10 năm 2019
đã ký
+ Giu-se Nguyễn Chí Linh
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam
+ Phê-rô Nguyễn Văn
Khảm
Tổng Thư ký Hội
đồng Giám mục Việt Nam
đã ký
HỘI
ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
ĐẠI HỘI LẦN THỨ
XIV
BIÊN BẢN
Hội
Đồng Giám Mục Việt Nam họp Đại hội lần thứ XIV từ thứ Hai ngày
30/9/2019 đến thứ Sáu ngày 04/10/2019, tại Trung tâm Mục vụ giáo
phận Hải Phòng, với sự tham dự đông đủ các giám mục của 27 giáo
phận.
Hội Đồng
Giám Mục hân hoan chào đón Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại
diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam; đồng thời lắng nghe Đức Tổng
Giám mục trình bày Tự Sắc “Các con là ánh sáng thế gian” (Vos
estis lux mundi) của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cũng như thông tin
về mối quan hệ song phương giữa Tòa Thánh và Nhà nước Việt Nam,
và những thông tin khác.
Đại hội chúc mừng Đức cha Đa-minh
Nguyễn Văn Mạnh, tân giám mục chính tòa giáo phận Đà Lạt; đồng
thời tri ân Đức cha An-tôn Vũ Huy Chương, thành viên của Hội Đồng
Giám Mục mới được Tòa Thánh chấp nhận đơn từ chức.
Trong dịp Đại hội lần này, Hội
Đồng Giám Mục đã thực hiện những việc sau đây:
1. Bầu Ban Thường vụ và Chủ tịch các Ủy
ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhiệm kỳ 2019–2022.
Ban Thường vụ gồm có:
Chủ tịch: Đức
Tổng Giám mục Giu-se Nguyễn Chí Linh
Phó Chủ tịch: Đức cha Giu-se Nguyễn
Năng
Tổng thư ký:
Đức cha Phê-rô Nguyễn Văn Khảm
Phó Tổng thư ký: Đức Tổng Giám mục Giu-se Vũ
Văn Thiên
Các Ủy ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gồm có:
1. Ủy ban Giáo lý Đức tin
Chủ tịch: Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân
2. Ủy ban Kinh Thánh
Chủ tịch: Đức cha Vinh-sơn Nguyễn Văn Bản
3. Ủy ban Phụng tự
Chủ tịch: Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn
4. Ủy ban Nghệ thuật thánh
Chủ tịch: Đức cha Mat-thê-ô Nguyễn Văn Khôi
5. Ủy ban Thánh nhạc
Chủ tịch: Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị
6. Ủy ban Loan báo Tin Mừng
Chủ tịch: Đức cha An-phong Nguyễn Hữu Long
7. Ủy ban Giáo sĩ – Chủng sinh
Chủ tịch: Đức cha Giu-se Đỗ Mạnh Hùng
8. Ủy ban Tu sĩ
Chủ tịch: Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt
9. Ủy ban Giáo dân
Chủ tịch: Đức cha Giu-se Trần Văn Toản
10. Ủy ban Truyền thông xã hội
Chủ tịch: Đức cha Giu-se Nguyễn Tấn Tước
11. Ủy ban Giáo dục Công giáo
Chủ tịch: Đức cha Phê-rô Huỳnh Văn Hai
12. Ủy ban Mục vụ Giới trẻ – Thiếu nhi
Chủ tịch: Đức cha Phê-rô Nguyễn Văn Viên
13. Ủy ban Văn hóa
Chủ tịch: Đức cha Giu-se Đặng Đức Ngân
14. Ủy ban Công lý – Hòa bình
Chủ tịch: Đức cha Giu-se Nguyễn Đức Cường
15. Ủy ban Mục vụ Gia đình
Chủ tịch: Đức cha Đa-minh Nguyễn Văn Mạnh
16. Ủy ban Bác ái Xã hội – Caritas
Chủ tịch: Đức cha Tô-ma Vũ Đình Hiệu
17. Ủy ban Mục vụ Di dân
Chủ tịch: Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn
18. Đức cha S-tê-pha-nô Tri Bửu Thiên
đặc trách Đối thoại liên tôn và đại kết.
2. Soạn thảo và công bố Thư Chung gửi
cộng đồng Dân Chúa về định hướng mục vụ trong ba năm tới
(2020–2022).
3. Quyết định Học viện Công giáo Việt Nam trực thuộc Hội Đồng
Giám Mục Việt Nam và vị Viện trưởng của Học viện do Hội Đồng Giám
Mục bổ nhiệm.
4. Thảo luận việc tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập Hàng Giáo phẩm
Việt Nam (1960–2020) và việc khánh thành Vương cung Thánh đường
Đức Mẹ La Vang dự kiến vào năm 2020.
5. Chấp thuận cho thử nghiệm ba năm văn
kiện “Hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên” của Ủy ban Văn hóa.
6. Phê chuẩn bản dịch tiếng K’Ho Sách
Các Bài Đọc Thánh lễ Chúa nhật (Mùa Thường niên) và ba Thánh lễ
trọng (Lễ Chúa Ba Ngôi, Lễ Mình Máu Thánh và lễ Thánh Tâm).
7. Trao đổi về việc sáp nhập giáo phận
Vinh và giáo phận Hà Tĩnh vào giáo tỉnh Huế.
8. Bàn thảo về tiến trình xin phong
thánh cho Đức cha Lambert de la Motte, Đức cha François Pallu,
Đức cha Jean Cassaigne cùng với các đấng tử đạo Việt Nam trong hồ
sơ của Tòa thánh.
9. Lắng nghe các giáo phận và các Ủy
ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chia sẻ:
– Ủy ban Giáo sĩ – Chủng sinh trình bày
về Hội nghị các Đại Chủng viện Việt Nam;
– Ủy ban Giáo dục Công giáo trình bày
về sinh hoạt của Học viện Công giáo;
– Ủy ban Loan báo Tin Mừng trình bày
hoạt động truyền giáo và việc thành lập các Hội Giáo hoàng truyền
giáo tại Việt Nam;
– Ủy ban Mục vụ Di dân xin tiếp tục thử
nghiệm văn kiện “Hướng dẫn Mục vụ Di dân” đến năm 2022;
– Ủy Ban Phụng tự thông báo việc in
Sách Lễ Rô-ma và Sách Các Bài Đọc;
– Ủy ban Tu sĩ trình bày việc nghiên
cứu “Quy chế hoạt động của các dòng tu”.
Hội Đồng Giám Mục ấn định Hội nghị
thường niên kỳ I/2020 sẽ được tổ chức từ ngày 20 đến 24/4/2020.
Đại hội bế mạc trong niềm vui cùng với
giáo phận Hải Phòng mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, Quan Thầy giáo phận,
và Khánh thành Trung Tâm Mục Vụ của giáo phận vào sáng thứ Sáu
ngày 04/10/2019.
Trung Tâm Mục Vụ giáo phận Hải Phòng,
ngày 04/10/2019
Tổng thư ký Hội Đồng
Giám Mục Việt Nam
Đã ký
+ Phê-rô Nguyễn Văn Khảm
Giám mục giáo phận Mỹ Tho
Nguồn:
http://hdgmvietnam.com
Kính thưa Quý
vị, đặc biệt các bạn trẻ,
Trong số những người thân của chúng ta.
Không phải tất cả đều đã có máy điện toán (vi tính) hoặc có dùng
email, hoặc đã có thể nhận được những thông tin này...
Vì vậy, xin hãy ủng hộ chúng tôi bằng
cách phổ biến thông tin này bằng email hoặc in ra, photocopy và
gởi cho người thân của Quý vị. Đặc biệt xin gởi cho những ai chưa
có sử dụng internet.
Xin chân thành cám ơn
conggiaovietnam@gmail.com
http://www.conggiaovietnam.net
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Nhà thờ Chính Tòa Chúa Ky-tô, Garden Grove, California-Hoa Kỳ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by conggiaovietnam@gmail.com chuyển
Đăng ngày Thứ Sáu, October 4, 2019
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang