Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tản
mạn về Ngày Lễ Giáng Sinh
Chủ đề:
Mùa Vọng
Tác giả:
Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Mùa
Vọng là mùa chuẩn bị Chúa đến vào ngày cuối cùng của lịch sử khi
chúa Giê-su xuất hiện như một ông vua khải hoàn vinh quang tột
đỉnh. Mùa Vọng theo như suy nghĩ bình thường của chúng ta là mùa
chờ Chúa giáng sinh trong máng cỏ mà lại nghĩ về ngày Chúa giáng
trần lần thứ hai? Ba bài đọc Kinh Thánh hôm nay thúc dục chúng
ta chọn một thời biểu để Chúa xuất hiện lần thứ hai dù còn xa
nhưng lại rơi vào chính thời điểm này.
VIỄN TƯỢNG CỨU ĐỘ BẤT NGỜ
Bài đọc 1 sách tiên tri Isaiah (Is
2:1–5) đưa ra hình ảnh làm chúng ta hoảng sợ. Tiên tri tả một
viễn ảnh huy hoàng và bất ngờ về ơn cứu độ, công lý và hòa bình,
không chỉ riêng cho Jerusalem và Đất Thánh, mà còn cho toàn thể
nhân loại:
Trong những ngày đó, ngọn núi Nhà Chúa sẽ là ngọn núi cao nhất.
Tất cả mọi quốc gia và dân tộc sẽ đổ dồn về đó và hô to: “Hãy
đến đây và cùng nhau leo lên núi Chúa, nhà của Chúa Jacob, Người
sẽ dạy chúng ta theo cách của Người, và chúng ta sẽ theo bước
chân Người. Từ Zion, luật lệ sẽ được ban hành; và từ Jerusalem
Lời Chúa sẽ được phát ra.” (c.2–3).
Trong vương quốc, các tiên tri coi nhà
Chúa là ngai vương quyền và nguồn mạch giáo lý thì trong sáng và
chắc chắn. Tất cả mọi dân tộc đều tự nguyện chấp hành luật lệ,
tuân giữ chế tài theo lương tâm một cách vui vẻ, và hướng về nền
hòa bình phổ quát.
Bài đọc Isaiah rất thích hợp để khởi
đầu Mùa Vọng, vì cuộc di hành thực sự chỉ bắt đầu trong vài tuần
nữa – một cuộc hành hương dài và buồn nản đến với Chúa để chúng
ta tỏ lòng tôn kính Người và nhận biết Con Trẻ nơi Belem là
Thiên Chúa.
HÃY TỈNH THỨC, ĐỪNG MÊ NGỦ
Trong bài đọc 2 thư gửi tín hữu Roma
(Rm 13:11–14), thánh Phao-lô yêu cầu người Ky-tô hữu hãy tuyên
xưng mình là dân của ngày mới tức ngày chúa Ky-tô trở lại. Câu
11–12 ngài khuyên tín hữu Roma hãy ra khỏi cơn mê... vì ơn cứu
độ đã gần kề. Hãy vất bỏ mọi tư tưởng, hành động xấu và đứng lên
chiến đấu bằng vũ khí sự sáng....
Mê ngủ là gì? Là say đắm trong tội
lỗi, gian trá, oan nghiệt của ác quỷ mà lại sung sướng. Trong
mùa vọng này chúng ta hãy tự hỏi “Chúng ta có bị mê hoặc không?”
Tội lỗi xác thịt không chỉ là tội dâm dục, mà là tất cả những gì
đối nghịch với sự sống thiêng liêng khởi đầu là đức tin. Thay vì
đi trong sai lạc, thì hãy tập trung vào những công tác tốt,
thiện đức, nhân hậu, phù hợp với lợi ích cho việc Chúa trở lại.
HÃY CHUẨN BỊ NGÀY CỦA NOE
Theo bài Phúc Âm hôm nay (Mt
24:37–44), dân chúng thời ông Noe đã không chuẩn bị để tránh đại
hồng thủy. Họ cưới hỏi và ăn uống linh đình, chẳng để ý đến biến
cố ngày tận cùng mà họ đã được biết. Họ bận rộn suốt ngày chẳng
thèm chuẩn bị phòng ngừa bão lụt. Ba dụ ngôn này nhắc nhở chúng
ta phải tỉnh thức, vì ngày Chúa đến lần thứ hai thì “không thể
biết trước được”.
Câu chuyện “Hai người đàn ông ở ngoài
đồng và hai người đàn bà xay lúa thì một người được chấp nhận,
một người không (c. 40–41). Người được nhận có thể được vào
vương quốc, người kia chắc là bị loại. Có đối xử khác biệt như
vậy là do có hay không chuẩn bị đón mừng Con Người. Yếu tố Tỉnh
Thức và Sẵn Sàng dùng để so sánh và ví Con Người như kẻ trộm đợi
lúc chủ nhà đi vắng hay ngủ mê thì đào tường chui vào nhà ăn
trộm.” (c 42–44).
THỜI GIAN LÀ QUAN TRỌNG
Đối với Ky-tô hữu, yếu tố thời gian là
quan trọng. Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta màu nhiệm đức tin chỉ
hoàn thành khi chúa Giê-su giáng thế lần thứ hai. Chúng ta đang
ở giữa thời điểm của Phục Sinh–Thăng Thiên–Hiện Xuống và thời
điểm Chúa Giê-su tái thế lần thứ hai. Làm sao chúng ta có thể
đáp ứng yếu tố thời gian? Đức Ky-tô đã báo trước biến cố này
rồi, chúng ta không thể nói “Chúng tôi không biết, không có ý
niệm gì về việc này” như những người thời ông Noe nói là ông Noe
đi vào tầu rồi đóng cửa lại.
Chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng.
Mùa Vọng đánh thức người Ky-tô hữu đang mê ngủ. Nếu chúng ta
chưa tự vấn và chưa trả lời Chúa như trong Kinh Thánh, thì đây
là lúc chúng ta phải thức dậy và đừng ngủ mê nữa! Mùa Vọng đòi
hỏi chúng ta phải có tinh thần trách nhiệm và hoàn thành nó trọn
vẹn. Mùa Vọng thúc dục chúng ta lấy lại tình liên đới, cầu
nguyện, tri ân Thiên Chúa vì đã ban cho ta sự sống! Việc Chúa
giáng thế lần thứ hai rất quan trọng nên Mùa Vọng giúp chúng ta
thêm nghị lực để sống thực sự có ý nghĩa.
CUỘC GIÁNG THẾ CỦA CHÚA KY-TÔ
Do đó, Mùa Vọng không làm thay đổi
Thiên Chúa, nhưng làm cho những phỏng đoán và ước mơ của chúng
ta sâu đậm và có ý nghĩa hơn như Thiên Chúa đã làm những điều
các tiên tri và ngôn sứ đã hứa. Chúng ta xin Chúa khoan dung tha
thứ cho những đam mê của chúng ta để chúng ta có thể nhận ra và
cảm thấy lời Chúa hứa ban ơn cứu chuộc trong lúc này. Là Ky-tô
hữu, chúng ta tuyên xưng Chúa Ky-tô đến – không phải lần đầu mà
là một lần khác xa xôi và huy hoàng hơn nhiều. Lần đầu xảy ra
với dấu hiệu yếu đuối đau khổ; lần hai –trái lại– chúa Ky-tô đội
triều thiên Vua thiên quốc, đồng thời cũng có nhu cầu thánh giá
vì Đức Giê-su và những ai tin vào Người.
MÙA THAI NGHÉN
Chín năm trước đây cũng vào chiều thứ
bảy vọng Mùa Vọng, ngày 27/11/2010, Biển Đức XVI đã chủ tế lễ
“Các Thánh Mới Sanh” tại đại thánh đường thánh Phê-rô, trùng hợp
với kinh chiều Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng. Lời ngài giáo huấn
như sau:
“Đây
là thời gian chúng ta chuẩn bị đón mừng lễ Giáng Sinh, thời gian
rất thích hợp để xin Thiên Chúa che chở mạng sống của những con
người được kêu gọi để hiện hữu ở trần gian, và cám ơn Thiên Chúa
đã ban cho chúng ta sự sống mà chúng ta có được từ cha mẹ”.
“Mới Sanh” là một từ không được dùng
thường xuyên trong ngôn ngữ hàng ngày. Nó ám chỉ sự sống con
người chưa được chào đời, nhưng có những ý nghĩa đặc biệt như
“tràn trề hứa hẹn”, “đang phát triển”, “đầy hy vọng”. Khi chúng
ta đi vào Mùa Vọng, cảm nghĩ tự nhiên của chúng ta là Hy Vọng và
Mong Đợi Chúa Ky-tô đến. “Chúa Ky-tô đến với chúng ta trước tiên
như một con trẻ bé tí, chưa sinh ra, còn nằm trong bụng mẹ và
rất dòn mỏng, cần phải được người mẹ che chở và săn sóc.”
Kêu gọi cả thế giói cầu nguyện, Biển
Đức đã mời gọi chúng ta chú tâm vào cả hai vấn đề Hy Vọng và Lời
Hứa về Sự Sống Mới trong Chúa Ky-tô mà chúng ta mừng ngày lễ
Giáng Sinh, nhưng cũng để nhận biết về một sự kiện đáng buồn là
hiện trên thế giới có chừng 50 triệu vụ phá thai mỗi năm. Mạng
sống con người đơn giản chỉ là quẳng vào thùng rác. Nhiều người
trong thời đại chúng ta đã bị “thôi miên, mê hoặc” vào trong
thực tế đó. Chúng ta đã hợp thức hóa lý luận của chúng ta trong
việc hủy hoại mạng sống con người trong bụng mẹ chỉ vì nó làm
cho ta bối rối và khó chịu, khiến ta phải thay đổi cách sống.
Vậy những điều kiện mê hoặc nào đã chống lại mạng sống con người
mà chúng ta đã trải qua lại không ý thức được?
Hơn bất cứ thời gian nào, Mùa Vọng là
mùa ‘thai nghén’. Chúng ta cần canh tân niềm tin và hy vọng về ý
nghĩa của sự sống như là suy niệm về Thiên Chúa. Thời khắc cầu
nguyện cho “sự sống chưa chào đời” vào đầu mùa Vọng là một trùng
hợp lý thú nhắc nhở chúng ta nghĩ về một tặng vật vĩ đại mà Chúa
ban cho mỗi người chúng ta.
HÃY BẢO VỆ SỰ SỐNG CON NGƯỜI
Trong mùa chờ đợi đấng thiên sai đến
chúng ta hãy để ý việc bảo vệ mạng sống con người, đừng bắt
chước những người thời ông Noe để rồi phải thất bại ê chề vì
không chuẩn bị tai biến đại hồng thủy. Mùa Vọng nhắc nhở chúng
ta phải chú ý đến một điều mới đặc biệt sắp xảy ra!
Chúng ta hãy cầu nguyện: Xin Thiên
Chúa là Cha sự sống, thương xót tất cả những ai phạm tội chống
lại sự sống. Xin Thiên Chúa của Abraham, Isaac, Jacob và Giê-su,
đấng đã đặt chúng ta trong bụng mẹ, gìn giữ tất cả con trẻ khỏi
bị hãm hại ngay từ giây phút thụ thai. Xin chúa Giê-su, Con
Thiên Chúa và con mẹ Maria, đấng đã nâng sự sống con người lên
hàng cao quý thánh thiêng khi trở thành máu thịt trong bụng
người con gái Zion, soi sáng tâm trí chúng ta để chúng ta nhận
thấy nhân phẩm của từng con người ngay từ những giây phút khởi
đầu sự sống.
Xin chúa Giê-su Nazareth, người đã yêu thương những kẻ bị hành
hạ ức hiếp, người bệnh hoạn yếu đuối, kẻ nghèo khổ thiếu thốn và
những kẻ khóc lóc thở than, ban sức mạnh cho cha mẹ những hài
nhi chưa được mở mắt chào đời đã bị tàn tật để họ vui mừng chào
đón đứa con đã được Chúa trao phó cho họ săn sóc. Xin Thiên Chúa
là đấng tha tội cho từng người mỗi ngày, lôi kéo tất cả những ai
đã xúc phạm đến mạng sống con người vô tội trở về đường ngay nẻo
chính, hàn gắn những vết thương của họ nhờ ân sủng Chúa.
Xin Thiên Chúa Israel tăng lòng mong
đợi Chúa Ky-tô, đấng Cứu Thế của chúng ta, và ban cho chúng ta
sức mạnh để thăng tiến tình yêu thương để buổi bình minh Chúa
đến, Chúa thấy chúng ta vui mừng hân hoan trước mặt Chúa và chào
đón ánh sáng sự thật.
ĐÔI LỜI KẾT: NGHĨ VỀ NGÀY CHÚA
TRỞ LẠI LẦN THỨ HAI
Trong mùa Vọng này, chúng ta hãy nhớ
lại lời thánh Cyril thành Jerusalem:
“Lần đầu tiên Chúa đến, Chúa được cuốn
trong tấm vải thô và đặt trong máng cỏ nghèo nàn; lần thứ hai
Chúa đến, áo Chúa sẽ sáng chói ánh ngự bào. Hành trình xuất hiện
lần thứ nhất, Chúa chịu đau khổ trên thập giá không biết xấu hổ;
lần thứ hai, Người sẽ đến trong vinh quang, chung quanh có cả
một đạo binh thiên thần ca hát. Do dó chúng ta chớ có ngừng lại
ở lần xuất hiện đầu tiên, nhưng hãy nhìn xa về tương lai ngày
Chúa đến lần thứ hai. Chúng ta chào mừng Chúa đến lần đầu với
những lời ca: ‘Vinh quang đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến’ thì
lần thứ hai chúng ta cũng vinh danh Người cùng một cách như vậy.
Chúng ta sẽ đi ra để gặp Chúa cùng các thiên thần, và quỳ phục
tạ ơn trước mặt Chúa mà ca vang: ‘Vinh
danh Thiên Chúa trên Trời cao cả!’”.
Fleming Island, Florida
November 15, 2019
NTC
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
|
Hình nền: Ngàn Ánh Sao Đêm. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by psxh chuyển
Đăng ngày Chúa Nhật, December 1, 2019
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang