Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Trang Tôn giáo
Chủ đề: Kinh Mân Côi
Tác giả: Đức cố Giám mục Giu-se Vũ Duy Thống
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Ngày
16 tháng 10 năm 1978, trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng
sau
khi
đắc cử Giáo Hoàng, Đức Gioan Phao-lô II đã ký thác sứ vụ của ngài
cho Đức Mẹ Maria và giới thiệu lại Kinh Mân Côi cho toàn thế giới
như là “lời kinh diệu kỳ.”
Sau hai mươi lăm năm, tức là vào
dịp mừng Ngân khánh Giáo Hoàng, trong Tông thư “Kinh Mân Côi,” một
lần nữa ngài ân cần nhắc lại kỷ niệm xưa mà nay đã trở thành xác
tín: Kinh Mân Côi là lời kinh kỳ diệu. Đơn giản trong hình thức, đơn
sơ trong nội dung, nhưng không đơn thuần là một kinh dành cho giới
bình dân như có thời người ta nghĩ, nhất là sau Vatican II khi Phụng
Vụ tìm lại được vị thế đỉnh cao và trung tâm.
Vâng, Kinh Mân
Côi là kinh phổ quát cho hết mọi người, phổ cập cho mọi trình độ và
phổ biến trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhưng đâu là nét kỳ diệu của
Kinh Mân Côi?
1. Kinh Mân Côi hệ tại việc gặp gỡ Đức
Maria trong tình mẫu tử
Đành rằng lời kinh nào dâng
lên Đức Maria cũng là dâng lên trong tình mẫu tử, như được thể hiện
qua truyền thống cầu nguyện Việt Nam, nhất là trong lãnh vực ca
nguyện. Cứ thử làm một bảng liệt kê những ca khúc hát dâng Đức Mẹ ắt
sẽ rõ. Nhiều lắm. Chỉ những ca khúc bắt đầu bằng chữ “Mẹ ơi” từ nốt
bậc năm về nốt bậc một không phân biệt trưởng thứ cũng có thể làm
thành một cuốn sưu tập không mỏng. Nhưng vượt lên tất cả, riêng Kinh
Mân Côi đã đẩy tình mẫu tử ấy lên một cung bậc diệu kỳ.
Phần
đầu Kinh Kính Mừng dựa trên Phúc Âm là lời chào của sứ thần Gabriel
phối hợp với lời mừng của bà Ê-li-sa-bet làm thành lời xưng tụng Đức
Maria là Mẹ Chúa Giê-su, Đấng từ trời cao xuống thế làm người. Phần
sau Kinh Kính Mừng là lời xin ơn trợ giúp qua đó tín hữu xưng hô Đức
Maria là Mẹ Thiên Chúa. Và tổng hợp cả hai phần ngắn ngủi đọc lên
chỉ trong mười lăm giây đồng hồ là cả một lời kinh kỳ diệu nối kết
tâm tình con thảo vào với mầu nhiệm Đức Maria trên đỉnh vị thế là Mẹ
Thiên Chúa, Mẹ con người; Mẹ Chúa Giê-su và Mẹ của mỗi người chúng
ta.
Nếu “nải chuối buồng cau, đường mía lau xôi nếp một” là
ca dao tình mẹ ngọt ngào trong văn học dân gian Việt Nam, thì Kinh
Kính Mừng quả là lời kinh tuyệt diệu ngọt ngào tình mẫu tử thiêng
liêng giúp ta gặp được Đức Maria cao xa là Mẹ Chúa Trời, nhưng vẫn
cứ luôn gần gũi với người dương thế cho dẫu phận người hôm nay không
đẹp đẽ gì, vì xét cho cùng chỉ là kẻ có tội “khi nay và trong giờ
lâm tử.” Chính vì thế Kinh Kính Mừng đã trở thành lời nguyện tắt mọi
lúc mọi nơi.
2. Kinh Mân Côi: Qua Mẹ để tới Chúa
Ki-tô
Thật vậy, hình thức lời kinh trực tiếp dâng
lên Đức Mẹ, nhưng nội dung chiêm niệm lại là mầu nhiệm cuộc đời Chúa
Giê-su trải ra theo mười lăm ngắm truyền thống Vui Thương Mừng và
năm mầu nhiệm sự Sáng do Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đề nghị.
Chả thế mà Đức Phao-lô VI trong Tông huấn Marialis Cultus đã gọi
Kinh Mân Côi là “cuốn Phúc Âm rút gọn”, rất gọn không còn cách nào
gọn hơn được nữa, để có thể ghi vào trong bộ nhớ sống, sẵn sàng bung
ra làm việc trên màn hình máy tính cuộc đời. Từ việc Chúa Giê-su
sinh ra trong Máng cỏ đến việc Người biến hình trên Núi Tabor, rồi
qua việc Người như bị Chúa Cha ruồng bỏ, để hiện hình sáng tỏ trong
mùa Phục Sinh.
Tất nhiên người ta có thể đến với Chúa Giê-su
bằng nhiều cách khác nhau như đọc Phúc Âm, rước Thánh Thể, thương
giúp người..., nhưng đến với Chúa Giê-su bằng cung cách của Kinh Mân
Côi thì quả là độc đáo; không phải là bí tích nhưng hiệu quả dọn
đường cho bí tích; không phải là Phụng Vụ nhưng tâm tình rất cận kề
Phụng Vụ; và nhất là được cùng với Đức Mẹ trên từng cây số cuộc đời
Chúa Giê-su và theo phong cách của Đức Mẹ là “lưu giữ và suy niệm
trong lòng”, tức là “khẩu tụng” đều đều lời kinh Đức Mẹ và “tâm suy”
dài dài cuộc đời Đấng Cứu Thế.
“Ad
Jesum per Mariam” chính là đây, bằng phương
thức tụng niệm tức là vừa đọc vừa suy niệm của Kinh Mân Côi. Đó là
kết cấu tinh thần. Ngay trong kết cấu vật thể của tràng hạt Mân Côi,
người ta cũng thấy rõ dụng ý này: năm mươi Kinh Kính Mừng kết thành
tràng hạt, nhưng cả tràng hạt chỉ được kết thúc bằng tượng Chúa
Giê-su chịu chết treo trên Thánh Giá. Thật diệu kỳ được Đức Mẹ dẫn
tới Chúa Giê-su.
3. Kinh Mân Côi là phương thế giúp
người người vững bước trên đường nên thánh
Khi nêu
lên hiệu quả thánh hóa của Kinh Mân Côi trong nhịp sống Giáo Hội,
Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô II đã không quên gợi lại những chứng
tích lịch sử, những khuôn mặt tiền nhiệm, những lời kêu gọi của Đức
Mẹ trong những lần hiện ra tại Lộ Đức và Fatima, và nhất là chính
kinh nghiệm bản thân gắn bó với chuỗi Mân Côi, ngày xưa còn bé cũng
như trong sứ vụ hiện nay, và cách riêng qua biến cố ngài bị ám sát
hụt ngày 13 tháng 05 năm 1981 kỷ niệm dịp Đức Mẹ hiện ra lần đầu
tiên tại Fatima. Kinh Mân Côi, như kiểu nói bình dân, chính là vũ
khí giúp ta chống lại ba thù “ma quỷ, thế gian, xác thịt”, và là
sinh tố tăng cường ba việc “nên thánh, mến Chúa, yêu người.”
Nếu nhân đức là việc tốt lành được tập tành lặp đi lặp lại thành
thói quen phản xạ tự nhiên, thì Kinh Mân Côi chính là một bửu bối
không thể thiếu được cho người tu thân luyện đức theo gương Đức Mẹ
và theo chân Chúa Giê-su từ Máng Cỏ ấp ủ qua Thập Giá, trui rèn tới
Nhà Tạm chiêm ngưỡng. Mỗi một mầu nhiệm xướng lên là một nhân đức
khơi gợi để theo lời kinh thả nhẹ và dưới tác động của ơn thánh,
lòng người được bớt bất xứng hơn, tạo điều kiện thuận lợi dần dần
cho việc nên thánh.
Những nhà thông thái có sách vở chữ
nghĩa, những nhà cai trị có sức mạnh quyền hành, những nhà tu trì có
bầu khí ổn định làm phương tiện, còn hầu hết chúng ta là những nhà
“tu hành” nghĩa là tu thân bằng việc hành đạo như người giáo dân,
hay đi tu mà vẫn phải đi tới đi lui, đi xuôi đi ngược ở giữa cuộc
đời như các giáo sĩ triều, thì Kinh Mân Côi chính là một hành trang
và phương tiện “bỏ túi” (hoặc đeo tay đeo cổ) gọn nhẹ giúp thánh hóa
bản thân, gia đình và xã hội. Theo định nghĩa này, Kinh Mân Côi
không khác gì điện thoại di động hòa đời ta vào mạng sự sống thiêng
liêng.
Tóm lại, Kinh Mân Côi, đúng như kiểu nói của Đức Giáo
Hoàng Gioan Phao-lô II, chính là lời kinh diệu kỳ dâng qua Đức Mẹ
tới Chúa Giê-su để người đọc được vững bước đi trên đường thánh hóa.
Chúng ta quyết tâm đọc Kinh Mân Côi với nhiều xác tín hơn, để tâm
hồn được bình an hơn, và nhất là từng người được nỗ lực sống thánh
đức hơn.
ĐGM Giu-se Vũ Duy Thống
(trích trong “Từng Bước Một Thôi”)
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by ddcb chuyển
Đăng ngày Chúa Nhật,
October 8 2017
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang