Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tản mạn đầu năm
Chủ đề:
Xã hội
Tác giả: Phan Văn Song
Bấm vào đây để in ra giấy (PDF)
Lời
Tác giả: Cuộc bầu cử Tổng thống Huê Kỳ năm qua, với một
ứng cử và cuối cùng một ông Tổng Thống Trump không giống ai,
cũng là dịp để báo chí truyền thông và các luật gia nước Mỹ - và
thế giới - vừa nhấn mạnh và cũng vừa nhắc nhở rõ cho chúng ta
nhiều lần rằng có một bảo đảm lớn cho đất nước Huê Kỳ là Hiến
Pháp Huê kỳ. Đó là hàng rào cản tất cả mọi nguy hiểm do những
đòi hỏi thái quá của mọi thái độ cầm quyền cực đoan.
Thật
vậy, các nhà làm luật, các cha già dân tộc Mỹ, qua bản Hiến
Pháp, và các tu chính tiếp theo qua bao năm tháng, đã không
ngừng giữ vững và bảo vệ nền dân chủ của chế độ nhà nước Huê kỳ.
Nhưng thật sự, nền dân chủ Huê Kỳ có thật sự được bảo vệ
triệt để không?
Bằng lý luận Toán học, nhà Toán học Kurt
Gödel (1906–1978) đã chỉ rõ cho thiên hạ thấy là một Hiến Pháp
Mỹ, mặc dầu là một Hiến Pháp bảo vệ Dân chủ nhứt, cũng có lỗ
hổng để có thể bị kẻ gian lạm dụng để chuyển đến một chế độ độc
tài.
Từ cuối năm qua, trời quá lạnh, chỉ ngồi nhà, không
dám chu du đi lang thang nữa, chỉ vui thú đọc sách cùng máy điện
toán, gặp được chuyện nhà toán học Kurt Gödel, rất tâm đắc, biết
tâm sự cùng ai, nên bèn xin phép đôi hàng khơi chuyện, bàn
chuyện thời sự, gởi tâm sự đến với hai anh bạn toán học Võ Văn
Rân và Nguyễn Vĩnh Tráng, để sưởi nóng không khí.
Phan Văn Song
1. Toán học “không hoàn chỉnh” và “không liên hệ”:
Câu chuyện bắt đầu bởi một môn học rất xa với đề tài rất -
chánh trị học chung chung của chúng tôi - là luật học hay nói rõ
hơn là ngành Luật Hiến pháp học - le Droit Constitutionnel: ấy
là môn Toán học. Và với ngành Toán học, chúng tôi vừa gặp được
và vì quá thú vị, nên vội vã, phải giới thiệu cùng quý vị. Ấy là
nhà toán học đại tài: ông Kurt Gödel (1906-1978) - nhưng ít
người biết đến.
Năm 1925, Kurt Gödel, sanh quán ở Brno –
Cộng hòa Tiệp ngày nay, 18 tuổi, nhập vào Đại học Vienna, Áo
quốc, (lúc bấy giờ thuộc lãnh thổ Đế quốc Hung-Áo). Tuy ghi danh
học ngành Vật Lý đại cương, nhưng chàng cũng theo học ngành Toán
học và Triết học (Năm 1929, chàng lấy Tiến sĩ Triết của Đại học
Vienna và cùng nhập quốc tịch Áo). Brno, ngày nay, có một chợ
Việt Nam khá náo nhiệt, cư dân Việt Nam tại Vienna, Áo, thường
thích rủ nhau đi chợ Brno, mua hàng Việt Nam, cách khoảng 100
cây số ngoài – 2 tiếng lái xe.
Năm 1931, nghiên cứu sinh
Toán học, Kurt Gödel, 25 tuổi, phổ biến được hai định lý Toán
học:
Über formal unentscheidbare Sätze der Principa
Mathematica und verwandter Système
– Sur les
propositions formellement indécidables de Principa Mathematica
et des systèmes apparentés - On Formally Undecidable
Propositions of Principa Mathematica and Related Systems –
Về những đề nghị không thể quyết định được của Nguyên lý Toán
học và của những hệ thống cùng họ.
Chỉ với hai định lý
này, tên tuổi của Kurt Gödel đã bước vào giới “Những tài năng
bất tử”.
Với những định lý không giải được – như axiome
không giải được.
Và với cái chức năng “không hoàn chỉnh –
l’incomplétude”.
Tóm lại,
Với hai định lý: -chứng
minh sự không liên hệ – l’incohérence [và] -chứng minh sự không
hoàn chỉnh – l’incomplétude của Toán học!
Thực tình là cả
một sự thiếu thốn!
-Không liên hệ – l’incohérence:
Trong vài trường hợp, người ta vừa chứng minh một việc vừa theo
chiều thuận, nhưng cũng vừa theo chiều ngược lại. Thật đáng ngại
cho một ngành khoa học!
-Không hoàn chỉnh –
l’incomplétude: Có nhiều sự thật toán học không thể có
đặng! Không thể chứng minh đặng. Thật bực mình!
Và như
vậy, không thể dùng Toán học để giải thích mọi chuyện trên đời,
hai người bạn đáng phục của thằng tôi, người viết, hai bạn Võ
Văn Rân và mệ Vĩnh Tráng của chúng tôi chắc chắn rồi cũng sẽ
trách tôi sao chê Toán học như vậy! Hay sẽ xem chúng tôi, vốn
dốt toán vẫn tiếp tục dốt toán và hoàn toàn là một người rất
“xa” những ngành khoa học!
Chắc cả Euclide và cả Aristote
cũng phải “se mình vật mẩy” khó lòng nghỉ yên!
Nhưng tại
sao? Và tại sao Toán học lại dính líu tới Hiến Pháp Huê Kỳ.
Có phải cái thằng dân Luật học của tôi dốt Toán lẩn thẩn nói
“chuyện ba láp” không?
Xin quý thân hữu chữ nhẫn. Để
thằng tôi vào đề:
2. Thành Công từ Áo đến Mỹ:
Hãy trở về với Kurt Gödel. Với đề tài của bài luận nêu trên,
chàng Kurt Gödel, lúc đấy là một ngôi sao sáng nên được Đại học
Princeton, New Yersey, Huê Kỳ mời qua giảng dạy. Ở đấy, Kurt
Gödel gặp Albert Einstein, hai ngôi sao sáng gặp nhau. Luồng
điện thông cảm bắt nhanh. Hai người mến nhau. Và cùng nhau kết
bạn. Và nhờ vậy – nhờ Albert Einstein đúng hơn, chàng Kurt tiếp
tục, sau đó, đi lại hợp tác, với Princeton. Vì đi lại, vượt Đại
Tây Dương nhiều lần (tàu thủy), vì công việc bề bộn, lại thêm
tình hình chánh trị căng thẳng – phong trào Nazi đang lớn mạnh -
làm tổn hại đến sức khỏe và nhứt về sức khỏe tinh thần chàng
nhiều. Kurt Gödel bắt đầu bị những cơn sốt, và suy yếu tâm thần,
thoạt đầu nhẹ nhưng với thời gian càng ngày càng nặng hơn và
thường xuyên hơn!
1938, Anschluss! Áo quốc bị Đức quốc Xã
tràn ngập xâm chiếm và Đức Quốc Xã Hóa (Viễn tượng không xa, năm
2020 Việt Nam cũng sẽ bị Hán Hóa như vậy!). Tuy không phải là
người gốc Do Thái, nhưng vì sống, làm việc, cộng tác với người
Do Thái nhiều, nên chàng cũng bị liên lụy. Cuối năm 1939, bị rất
nhiều hăm dọa và khó dễ, đành phải, quyết định vượt biên, tỵ
nạn, qua Huê Kỳ.
Con đường Vượt Biên khá ngoạn
mục và gay go:
Nhưng để tránh bị theo dõi, chàng
lựa đường vượt biên, đáng lý sang phía Tây, chàng cùng gia đình
vượt biên giới phía Đông, qua Liên Sô, xuyên Tây Bá Lợi Á –
Sibéria đến [hải] cảng Vladivostok, trên bờ Hoàng Hải, dùng tàu
nhập Nhựt Bổn, để từ Nhựt lại dùng tàu vượt Thái Bình Đương đến
San Francisco, xong, dùng xe lửa xuyên lục địa Mỹ, nhập về
Princeton, New Jeysey nằm bên bờ Đông lục địa Huê Kỳ. Phải vượt
cả gần hai lục địa, một bãi sa mạc, một đại dương để đến nơi đến
chốn!
Hành trình này có khác chi những hành trình của
những dân vượt biên - boat people - phe ta của những năm tháng
vừa sau 30 tháng Tư năm 1975 đâu? Cuộc chạy trốn chủ nghĩa Nazi
rừng rú, khác chi cuộc chạy trốn chủ nghĩa cộng sản man dại!
Vào được Mỹ, ông được làm việc ngay với Albert Einstein,
cùng nhau nghiên cứu để chứng minh qua một giải đáp đầy ngang
trái – paradoxale các phương trình của thuyết tương đối của
Einstein. Thế nhưng, với thuyết “những thế giới quay vòng – les
univers tournants” do ông nghĩ rằng đã tìm được qua các nghiên
cứu của ông, có thể giúp nhơn loại đi du lịch trong thời gian;
cũng đã một thời, làm cho Einstein mất ngủ, vì tin tưởng vào
những nghiên cứu về thuyết “Tương đối” của mình...
Bấy
giờ đã là 1947, Gödel quyết định định cư, và gia nhập quốc tịch
Mỹ. Theo thủ tục, ông phải qua một cuộc khảo sát xem ông có hiểu
biết gì về Hiến Pháp Huê Kỳ không? Và đây là lúc Toán học và
Luật học đụng độ nhau.
3. “Tự quy chiếu -
l’autoréférence” và Điều 5 của Hiến Pháp Huê kỳ:
Để nói rõ, sau đây là những nguyên tắc mà Gödel dùng để
chứng minh các định lý của ông. Ông thường dùng các nguyên lý
“tự quy chiếu - l’autoréférence”. Hay “quy chiếu vào cá nhơn
mình”.
Nói một các vắn tắt, dùng những kinh nghiệm xưa
của mình, dùng trường hợp cá nhơn mình, lấy mình làm chuẩn, để
luận cho việc làm mới của mình.
Thí dụ: anh Thợ Cạo: “Tại
một làng nhỏ, anh thợ cạo (râu) duy nhứt tuyên bố”:
“Tôi
cạo râu cho tất cả những ai không cạo râu được một mình. Và dĩ
nhiên tôi không cạo râu những ai tự cạo râu”.
Rất rõ.
Nhưng sẽ có câu hỏi với ông thợ cạo? “Vậy ai cạo râu ông?” Một
cách trả lời, nhưng hai mâu thuẫn:
A - “ông tự cạo râu”!
Sai! Ông thợ cạo không cạo râu ông thợ cạo được: vì ông không
cạo người tự cạo râu.
B - “ông tự cạo râu”! Ông không còn
làm nghề nghiệp thợ cạo nữa!
Vậy ai cạo râu ông? Ông
thuộc nhóm nào, nhóm A (thợ cạo) hay nhóm B (không thợ cạo)? Và
ông là ai – lý lịch nghề nghiệp không còn nữa! Lỗ hở do
auto-référence này, chứng minh rằng sự thật của câu nói không có
sự bảo đảm!
Câu hỏi nhức đầu này xin ngưng bàn ở đây! Xin
để các thân hữu vui với câu chuyện anh thợ cạo. Trở về chuyện
Kurt Gödel và Hiến Pháp Huê Kỳ. Gödel gạo rất kỹ Hiến Pháp, để
đi thi vào quốc tịch Mỹ. Và ông bỗng tìm ra một lỗ hổng trong
Hiến Pháp Mỹ, có thể qua Hiến Pháp, biến một quốc gia dân chủ
trở thành một quốc gia độc tài. Ông bèn kể chuyện ấy cho hai
người bạn sẽ là những chứng nhơn ngày ông đi thi vào quốc tịch:
Einstein và Morgenstern – một nhà toán học cũng rất nổi tiếng
thời gian ấy. Cả hai khuyên ông hãy cẩn thận, lúc đi thi, không
nên bàn cãi nói đến những gì ngoài đầu đề những câu hỏi, chọc
nóng ban giám khảo, có hại cho kết quả vào quốc tịch. Thế nhưng,
ngày thi đến, ông quan tòa tò mò hỏi về chế độ chánh trị nước
Áo. Gödel trả lời, xưa kia, nước Áo là một quốc gia có chế độ
dân chủ, nhưng ngày nay là một nước độc tài. Ông quan tòa bèn
buột miệng phán “Một chuyện như vậy không thể xảy ra ở Hiệp
Chủng Quốc.”
Thế là chọc nóng Gödel! Ông nổi nóng, nói
ông tòa không biết gì cả và ông sẽ dẫn chứng ngay. Vị quan tòa,
cẩn thận vì thấy trước mặt mình ba anh chàng bác học nổi tiếng,
nên giữ ôn hòa và chấp nhận cho Gödel vào quốc tịch.
Gödel không bao giờ chỉ cho thiên hạ biết cái lỗ hổng ấy ở đâu.
Cả Einstein và Morgenstern cũng không nói cho mọi người biết. Và
dĩ nhiên các nhà luật học, hiến pháp học, và tất cả những tay mê
những hội luận mâu thuẫn cũng nhảy vào... Và hình như có giải
quyết.
Vấn đề ấy thuộc Điều 5 của Hiến Pháp Mỹ. Điều 5
nói về những điều kiện để có thể sửa đổi Hiến Pháp. Muốn sửa
đổi, phải dùng tu chính -amendment, do đề nghị của 2/3 - hai
phần ba Quốc Hội (Thượng và Hạ Viện) và được phê chuẩn bởi 3/4 –
ba phần tư các Tiểu bang. Thật là một điều kiện khó khăn và do
đó, nền dân chủ chắc chắn được bảo đảm.
Trừ trường hợp,
tự quy chiếu – auto-référence. Thật vậy, không có luật nào cấm
Tự áp dụng quy chiếu Điều 5 cho Điều 5. Và con số 2/3 Quốc Hội
và 3/4 cho các Tiểu Bang đều có thể rút nhỏ lại.
Và một
thay đổi có thể xảy ra. Dĩ nhiên, phải cần những điều kiện rất
đặc biệt, trong những trường hợp rất đặc biệt. Nhưng tất cả đều
có thể. Cái “có thể” đó là một nguy hiểm! Là một lỗ hổng!
Và từ đó Gödel sống trong sợ sệt, ám ảnh sợ bị đầu độc. Ông
bèn nhịn ăn, và mất ngày 14 tháng giêng 1978, chỉ còn da bọc
xương và 30 ký-lô!
Kết luận:
Nên
nghi ngờ các nhà Toán học? Hay nên nghi ngờ các nhà làm chánh
trị?
“Nghề làm chánh trị là một nghề xưa thứ hai của nhơn
loại. Nhưng tôi cảm tưởng nghề này càng ngày càng giống nghề thứ
nhứt” - Cựu Tổng thống Ronald Reagan đã một hôm nói như trên.
(Nghề xưa thứ nhứt của nhơn loại là nghề gì, khỏi nói, chắc
quý thân hữu đã biết rõ rồi!)
Chúc tất cả một 2018 Đầy
Tình Thương Gia đình Ấm Cúng!
Hồi Nhơn Sơn, 19 tháng Giêng
2018. 1/19/2018
Phan Văn Song
Ghi Chú:
-Công ty Kurt Gödel - Société Kurt Gödel:
thành lập nêm 1987, được đặt tên để tưởng niệm ông. Đây là một
hiệp hội quốc tế để ủng hộ và khuyến khích mọi nghiên cứu về
những luận lý, về triết lý, và lịch sử ngành toán học - la
promotion de la recherche dans les champs de la logique, de la
philosophie et de l'histoire des mathématiques.
-Giải
Gödel - Prix Gödel: tặng và thưởng tất cả mọi
nghiên cứu xuất sắc nhứt về nghành tin học lý thuyết –
informatique théorique - được thành lập để vinh danh ông năm
1992.
Bấm vào đây để in ra giấy (PDF)
Trung tâm lưu trữ các Ngày lễ mừng Bổn mạng BCND/QLVNCH...
|
Hình nền: Bản đồ VIỆT NAM hoàn toàn. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E-mail by Nam Ngưu chuyển
Đăng ngày Thứ Sáu,
January 19, 2018
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang