Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Thời sự Chính trị
Chủ đề: VNCH & Lịch sử
Tác giả: Nguyễn Tường Thụy
Một mặt trận hai kẻ thù
Giặc cộng bán nước, tàu phù xâm lăng
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Bộ
Lịch sử Việt Nam vừa xuất bản đang được công luận quan tâm. Nội
dung có những thay đổi về cách nhìn nhận một số sự kiện lịch sử,
trong đó, điều mà công luận quan tâm nhất là trả lại tên gọi cho
chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm và tế
nhị vì vậy bộ sử nhận được rất nhiều hoan nghênh nhưng còn có cả
những ý kiến phản đối dữ dội.
Thực ra, không phải bây giờ mà từ 6, 7
năm nay, trong hệ thống chính trị đã đề cập về vấn đề này.
Đại đoàn kết
có lẽ là tờ báo đầu tiên đưa ra luận điểm này với bài “Công
hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”
(20/07/2011)
“theo
Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm
phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ
Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Trong thời điểm đó, dưới góc độ tài
phán quốc tế, thì Chính phủ VNDCCH không có nghĩa vụ và quyền hạn
hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế.”
Nhưng phải 3 năm sau, vào thời điểm
Trung Cộng đem giàn khoan HD
981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục
địa của VN (tháng 5/2014), báo chí VN mới phản công rầm rộ. Nhiều
tờ báo dẫn lại đoạn trích trên của Đại Đoàn Kết hoặc dựa theo
luận điểm này để bác bỏ luận điểm của Trung Cộng cho rằng Công
hàm 1958 do ông Phạm Văn Đồng ký đã công nhận Hoàng Sa và Trường
Sa là của Trung Cộng.
Còn báo điện tử của Chính phủ
viết:
“Chính
quyền VNCH, theo Hiệp định Genève 1954, đã liên tục thực thi chủ
quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước cũng như bằng việc
triển khai chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này. Đỉnh cao của
sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa là trận hải chiến quyết liệt của Hải quân VNCH chống
lại sự xâm lược của tàu chiến và máy bay Trung Quốc tại quần đảo
Hoàng Sa năm 1974.”
Ông Trần Công Trục nguyên trưởng ban
Biên giới của Chính phủ, tức là một quan chức cao cấp có trách
nhiệm trực tiếp đến chủ quyền của đất nước, trong chương trình
thời sự 19 giờ ngày 22/5/2014 của đài VTV1 còn nói toạc ra là
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nếu có tuyên bố này nọ về Hoàng Sa,
Trường Sa thì cũng chẳng có giá trị pháp lý gì:
“Các
bạn hãy nhớ rằng tuyên bố của chúng ta vào thời kỳ 1958 nghĩa là
cái lúc mà hai miền Bắc, Nam được hiệp định Genève ký kết năm
1954 phân chia quyền quản lý cho 2 nhà nước với tư cách là chủ
thể trong quan hệ quốc tế là Việt Nam dân chủ cộng hòa và Việt
Nam Cộng Hòa. Quần đảo Hoàng Sa của chúng ta nằm dưới vĩ tuyến 17
thuộc quyền quản lý của VNCH với tư cách là chủ thể trong quan hệ
quốc tế theo hiệp định Genève, Và vì vậy, mọi tuyên bố, mọi hành
vi của VNCH có giá trị pháp lý thay mặt Nhà nước VN quản lý vùng
đất ấy còn VNDCCH chúng ta không trực tiếp quản lý. Vì vậy cho dù
tuyên bố đó như thế nào thì giá trị pháp lý trong quan hệ quốc tế
không có. Cho nên TQ họ muốn dùng tất cả mọi lý lẽ để nói rằng
chúng ta thừa nhận thì đấy hoàn toàn là sự bịa đặt.”
Đấy là báo chí, còn bây giờ là chính
sử. Vấn đề xoay quanh thể chế chính trị ở Miền Nam Việt Nam, từ
vĩ tuyến 17 trở vào là ngụy quyền hay Việt Nam Cộng Hòa. Câu hỏi
dễ trả lời, đó là Việt Nam Cộng Hòa vì đấy là sự thật lịch sử.
Xuyên tạc VNCH là ngụy quyền, Quân lực
VNCH là ngụy quân là cách gọi nhằm phục vụ ý đồ tuyên truyền của
Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là miệt thị đối phương. Sau
khi VNCH thua trận, cách gọi này vẫn được duy trì, thể hiện tính
hẹp hòi, bần tiện, không sạch sẽ của kẻ thắng trận.
Trả lại tên gọi VNCH và chính thức đưa
vào chính sử thì vấn đề ảnh hưởng sâu và rộng hơn so với báo chí.
Nhưng dù báo chí hay sử sách thì về nguyên tắc, nó không phản ánh
quan điểm của thể chế chính trị đương thời mà trong trường hợp
này là Nhà nước Việt Nam hiện nay. Cần phải có sự khẳng định,
thừa nhận bằng văn bản hay bằng tuyên bố hoặc lồng vào nội dung
nào cũng được của Nhà nước Việt Nam hay Bộ ngoại giao Việt Nam.
Tuy nhiên, do đặc thù của hệ thống
chính trị ở Việt Nam thì việc báo chí, đặc biệt là sử sách viết
như thế nào cũng do đảng CSVN và Nhà nước VN chi phối, vì vậy nó
vẫn phản ánh quan điểm, thái độ của Nhà nước Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng thừa nhận VNCH là
bước tiến quan trọng. Tôi không cho đây là bước tiến. Bản chất
của vấn đề là gọi lại cho đúng tên, thế thôi. Điều này có thể ghi
nhận, chứ không có gì đáng khen. Liên hệ đến công cuộc gọi là đổi
mới năm 1986. Từ chỗ nền kinh tế bị bóp nghẹt, đảng CSVN nới lỏng
ra một phần nên thoát ra được cuộc khủng hoảng kinh tế. Như vậy,
cái gọi là “đổi mới” ở đây thực chất là sửa sai, từ chỗ cấm rồi
buông, trói rồi cởi. Tuy nhiên, ông Đỗ Mười đã vơ công ấy là công
của đảng CSVN: “Không có Đảng thì không có đổi mới.” Chỉ cần đặt
ra câu hỏi ai cấm, ai trói và tự trả lời thì sẽ hiểu, công của
Đảng CSVN có hay không.
Vấn đề Việt Nam Cộng Hòa cũng vậy, gọi
chính thể này đúng tên cũng là việc sửa sai, có gì đáng khen.
Lịch sử phải ghi lại những sự kiện một cách khách quan trung thực
như nó đã xảy ra. Đó là thiên chức của người viết sử. Lịch sử
không xu nịnh ai. Trả lại sự thật cho lịch sử là tất yếu.
Nhiều người còn nghi ngờ sự thực tâm
khi gọi đúng tên của chính thể ở miền Nam giai đoạn 1954-1975,
cho rằng việc này nhằm vào nhiều mục đích chính trị. Có chăng,
việc thừa nhận này nên ghi nhận và khuyến khích ở sự can đảm.
Dẫu đơn giản chỉ là gọi lại cho đúng
tên, thế mà nhiều người đã giãy nảy lên, ra sức phản đối. Với họ,
cứ phải gọi VNCH là ngụy quân ngụy quyền mới được. Họ cho rằng,
Giáo sư Phan Huy Lê “đánh tráo sự thật lịch sử”. Điển hình cho
nhóm người này là ông Nguyễn Thanh Tuấn, trung tướng - nguyên Cục
trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục chính trị, Bộ Quốc phòng. Ông ta
tỏ ra hậm hực và rất cay cú về bộ Lịch sử mới xuất bản, đòi xử lý
nhóm biên soạn.
Đây là kết quả của sự nhồi nhét, tuyên
truyền một chiều. Sự nhồi nhét ấy đã tạo ra một lớp người còn bảo
thủ hơn cả Đảng. Đã có lời cảnh báo rằng rô-bốt là sản phẩm của
con người nhưng coi chừng có ngày con người không kiểm soát nổi
nó.
Nhưng ý
nghĩa của việc thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa không đơn thuần chỉ là
tên gọi. Điều quan trọng ở chỗ, khi đã công nhận VNCH là một thực
thể, có giá trị pháp lý theo Hiệp định Genève tương tự VNDCCH ở
Miền Bắc thì vấn đề nảy sinh từ đó là:
- Bản chất của cuộc chiến tranh
1954 – 1975 là gì? Đó có phải cuộc chiến tranh chống Mỹ
cứu nước như trước nay vẫn tuyên truyền không?
- Sự có mặt của Mỹ và đồng minh
của VNCH ở Miền Nam (Úc, New Zealand, Nam Hàn, Thái Lan và
Philippines) có khác gì về bản chất so với sự có mặt của
đồng minh của VNDCCH ở Miền Bắc (Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên)
ở miền Bắc không khi cả 2 nhóm đồng minh này đều tham chiến? v.v.
- Và vấn đề quan trọng nhất là
tại sao quân đội VNDCCH lại có mặt trên lãnh thổ VNCH và lật đổ
nó?
Ở
đây, tôi chỉ gợi mở vấn đề, chứ không có tham vọng lý giải nó
trong phạm vi một bài viết.
Dù sao thì, việc thừa nhận Việt Nam
Cộng Hòa cũng đáng hoan nghênh và là một sự can đảm cần khuyến
khích. Thế hệ lãnh đạo Việt Nam hiện nay, vào năm 1975 họ chưa có
vai trò gì. Họ không phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh.
Cái khó nhất của họ là cuộc chiến tranh do thế hệ lãnh đạo trước
tiến hành đã cho họ thừa hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi mặc dù
với dân tộc và với đất nước thì không. Vì vậy, nếu họ dám thừa
nhận sai lầm của thế hệ lãnh đạo trước và dám sửa cũng là một sự
can đảm. Họ hoàn toàn nhận thức được bản chất của cuộc chiến
tranh 1954-1975 chứ không đến mức bảo thủ như ông trung tướng
Nguyễn Thanh Tuấn vừa nêu trên. Điều quan trọng là họ có thực tâm
hay không và thực tâm đến đâu. Nếu biết đặt quyền lợi của đất
nước, của dân tộc lên trên hết thì những vấn đề tưởng như là phức
tạp sẽ giải quyết được. Đó là chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc, là
sự hòa giải dân tộc, là khai thác và phát triển giá trị của Việt
Nam Cộng Hòa và cao hơn là đưa đất nước tiến cùng thời đại chứ
không phải hổ thẹn với quốc dân và thế giới như hiện nay.
22/8/2017
Nguyễn Tường Thụy
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Những bài liên hệ
Ý nghĩa của việc thừa nhận chính thể Việt Nam Cộng Hòa
Có nên mừng, khi cộng sản biết lịch sử?
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Bộ Huy hiệu Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E-mail by ddcb chuyển
Đăng ngày Thứ Năm, August 24, 2017
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang