Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Thời sự Hải Ngoại
Chủ đề:
Chống cộng
Tác giả: Bác sĩ Trần Văn Tích
Bấm vào đây để in ra giấy (PDF)
Đầu
tiên là vụ “sử
dụng/xử dụng”, tôi thích thú thấy hậu quả feedback rất khả
quan, quá sức ước lượng của tôi. Trong bài viết này tôi xin
tường thuật một số ý kiến do bà con đóng góp liên quan đến “sử
dụng/xử dụng” trước khi chuyển qua trình bày tâm tình của ngòi
bút lưu vong. Phần thứ nhất chỉ là cái cớ, nó không quan trọng,
nó rất ngắn. Phần thứ hai mới là phần chính, nó dài hơn nhiều.
Các ý kiến đóng góp
Tôi xin miễn nêu tên họ chư vị đã
góp ý kiến vì tôi quan niệm chỉ các kiến giải, các lý luận mới
đáng được đề cập còn xuất xứ lý lịch người góp ý thì chẳng mấy
quan trọng.
Đôi ba người bảo nói sao thì viết vậy, quen
phát âm “xử dụng” thì viết “xử dụng”. Tôi kính trọng tập quán
ngôn ngữ học của quý vị này. Dẫu vậy tôi vẫn cầu mong một ngày
nào đó chư vị sẽ thấy rằng tiếng Anh nói một đằng viết một nẻo
còn trong tiếng Pháp thì con công tuy đọc là “pan” nhưng lại
viết là “paon” và chìa khóa thì có khi viết là clé, có khi viết
là clef.
Có người bảo nói hoặc viết “sử dụng” hay “xử
dụng” thì chúng ta vẫn hiểu nhau như thường. Đúng thế nhưng hiểu
nhau ở tầm cỡ nào? Một số đồng hương sang Hoa Kỳ nói tiếng Mỹ
đến mỏi cả hai tay, Mỹ vẫn hiểu. Có người giúp việc cho viên
công sứ Pháp muốn kể chuyện cho Tây nghe, anh ta bảo “lúy pa
bớp, lúy măng gê bớp...”, ông quan cai trị vẫn hiểu như thường.
Robinson Crusoe cũng hiểu Friday cho dẫu người nô lệ da đen
không hề biết tiếng Anh. Nhưng giữa chúng ta, chúng ta mong ước
hiểu nhau qua tiếng mẹ đẻ ở một trình độ không quá thấp.
Nhiều người bảo rằng mình nhớ trước 75 chỉ nói “xử dụng”, sau 75
người cộng sản mới mang chữ “sử dụng” vào Nam. Họ chỉ dựa vào ký
ức trong khi tôi có tự vị, tự điển, từ điển. Tôi còn có cả tác
phẩm của một giảng viên Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn với bằng
Tiến sĩ Văn chương Đệ tam cấp; Ông viết “sử dụng”.
Có
người nhiệt tâm nhiệt tình rất lớn nên yêu cầu đừng thảo luận vớ
vẩn (!) về “sử dụng/xử dụng” mà hãy dành thì giờ cho việc chống
cộng sản chống Hán hóa. Thật quý hóa. Tuy nhiên vị thức giả lơ
đãng quên không chỉ dẫn giúp cho rằng nếu chớ có thảo luận thì
phải làm gì.
Lại có ít nhất hai người ngỏ ý ái ngại vì
tôi khổ công liệt kê tài liệu để bênh vực lập trường và đối
thoại với “những kẻ nói năng bá láp” (nguyên văn). Tôi rất cảm
kích ghi ơn vì lòng lân tuất quý hóa nhưng xin tường trình rằng
gõ máy đối đáp cũng là một liệu pháp phòng ngừa giúp tôi chận
trước phần nào chứng bệnh Alzheimer.
Ngòi
bút lưu vong
Trước
75 tôi cũng từng viết. Nhưng tôi chỉ viết quanh quẩn về một nội
dung: biện hộ cho đông y đối trước thái độ không mấy thân thiện
của tây y.
Tỵ nạn ở nước ngoài, tôi chuyển dần thế đứng
và thay dần cách viết. Tôi ngầm ký thác lập trường chống độc tài
đảng trị trong một số lớn bài viết của tôi. Tôi có những bài
nghị luận chính trị trực tiếp chống cộng bên cạnh những bài đả
kích cộng sản một cách xa xôi. Rất nhiều bài không nói gì về chủ
nghĩa mác-xít, trái lại nội dung hoàn toàn thuộc lĩnh vực văn
học văn chương nhưng vẫn mang màu sắc chống cộng.
Tôi
quan niệm rằng trước tai họa vô song đổ lên đầu dân tộc, mỗi
người Việt lưu vong góp vào công cuộc cứu quốc được cái gì thì
góp, kẻ bằng cánh tay, kẻ bằng hiện vật, kẻ bằng lời nói, kẻ
bằng trang báo. Tôi nghiệm ra rằng chỉ có một số tương đối hạn
chế ngòi bút tỵ nạn rời bỏ thế đứng chống đối đại họa độc tài
đảng trị và cũng không có nhiều người chấp nhận chính sách văn
học chỉ huy. Thế mạnh của văn học chính thống là thể hiện, biện
luận, phân giải những vấn đề chính nghĩa, xoay quanh công cuộc
chống ách nô lệ mác-xít. Chính nghĩa cũng hàm nghĩa chính xác,
đặc biệt trong lĩnh vực ngôn ngữ học bởi cộng sản cướp bóc của
chúng ta tất cả khiến nhiều người tấp được vào đảo chỉ còn cái
khố che thân nhưng chúng không thể nào tước đoạt được ngôn ngữ
của chúng ta. Đối với tôi, người viết văn lưu vong tỵ nạn không
coi sáng tác là một biểu hiệu của tài hoa, mà là một bổn phận,
vừa thỏa mãn nhu cầu tinh thần, vừa đóng góp cho đại cuộc.
Văn hóa văn học lưu vong của chúng ta không chịu đầu hàng
thực tế mà tự thấy đương nhiên có nhiệm vụ ngăn chặn làn sóng
man rợ và tàn bạo đang đe dọa cuộc sống tự do. Tin tưởng vào
tính thiêng liêng của các bản thông điệp do mình gửi đi, các
ngòi bút nuôi hy vọng tác động đến quần chúng. Cho nên người cầm
bút có trách nhiệm tự động tự giác từ bỏ việc tìm tòi nghệ thuật
thuần túy, lìa xa con đường dẫn đến văn nghệ trừu tượng hay thi
ca bí hiểm. Trái lại nhiều người trong chúng ta quan niệm sáng
tác phải có tác dụng vận động quần chúng, mà mong ước tác động
vào thực tại cuộc sống tất yếu sẽ dẫn đến tham gia vào cuộc đấu
tranh chính trị trước cơn sốt trầm trọng của lịch sử tổ quốc. Đó
là một trong những lý do và cũng là kích động khiến nhiều trang
báo trang mạng ra đời để tồn tại cho đến tận hôm nay.
Nhưng trong thực tế, tờ Văn học ở Cali, tờ Làng văn ở Toronto,
hai tờ tạp chí có uy tín ở hải ngoại, đã phải đình bản mặc dầu
các tòa soạn liên hệ hết sức cố tìm cách thích nghi: thay vì ra
hàng tháng chuyển sang ra mỗi hai tháng, in cỡ chữ lớn hơn vì
khối độc giả càng ngày càng mắt kém. Ở quận 13 Paris, nhà sách
Nam Á đóng cửa, nhà sách Khai Trí bây giờ chủ yếu thu nhập tài
chánh qua dịch vụ cung cấp bánh mì.
Tuy nhiên chúng ta
không phải chỉ biết sử dụng văn phong đề cao trực tiếp chính
nghĩa quốc gia hoặc truyền bá rõ ràng lập trường chống cộng. Là
những người có học, chúng ta dùng sở học sở trường gián tiếp
chứng minh cho người cộng sản thấy rõ trình độ, bản lĩnh, kiến
thức, v.v. của người tỵ nạn trong nhiều lĩnh vực. Trong nước có
Viện Văn học, có Viện Sử học, có Viện Hán-Nôm, có Viện Đông y;
có Tạp chí Nghiên cứu Văn học, có Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, có
Tạp chí Hán-Nôm, có Tạp chí Đông y; có cả một tập thể rất đông
đảo những cán bộ lĩnh lương hằng tháng để làm công việc nghiên
cứu, biên khảo. Nhưng họ vẫn không tìm hiểu được đích xác mục
túc trong thơ chữ Hán Nguyễn Trãi là cây gì, thổ cẩu trong thơ
đi sứ Nguyễn Du là con gì. Và họ cũng không biết đường thiếp lập
cho tác giả Truyện Kiều một bệnh án theo những tiêu chuẩn thuộc
y học cổ truyền như một mình kẻ viết bài này đã đơn thân làm
được và cho đăng trên báo chí hải ngoại. Tôi viết biên khảo văn
học và gởi đăng Văn học, Làng văn, Tập san Y sĩ, v.v. là với mục
đích ngấm ngầm chống cộng, kín đáo nhắn những người đang đứng
bên kia và trong thực tế, vào một số trường hợp, tôi đã nhận
được tiếng vọng từ trong nước. Chẳng hạn và chỉ riêng đối với
Đào Tấn, sau hai bài do tôi cho đăng trên tạp chí Văn Học phát
hành tại Garden Grove, California, tôi đã ghi nhận được hai đáp
ứng từ quốc nội:
1. Tác giả Nguyễn Huệ Chi
khi đọc bài Hý trường tùy bút của Đào Tấn của tôi xuất hiện trên
Văn Học số 219, tháng 07-2004, đã công khai công nhận rằng mình
phiên âm một số chữ Hán không đúng với phép phiên thiết, như tôi
chỉ rõ. Ông ngỏ lời cám ơn tôi và hứa sẽ cải chính khi cho tái
bản bài biên khảo của ông cùng với lời ghi rõ xuất xứ những điều
đính chính mà tôi nêu ra. (Ông Nguyễn Huệ Chi và thân phụ là Ông
Nguyễn Đổng Chi đều là những nhà Hán học cự phách).
2. Tác giả Phạm Văn Ánh trong bài viết Sự thực
về Mộng Mai từ lục của Đào Tấn đăng trên trang Web Văn hóa Nghệ
An đưa nhận xét rằng bài viết Vấn đề văn bản học của một số bài
từ Đào Tấn do tôi chấp bút và gửi đăng trên Văn Học số 203-204,
tháng 3-4-2003 là “nghiêm túc, công phu”.
Đương nhiên đây
chỉ là những trường hợp tôi tình cờ biết được và tất nhiên tôi
chẳng thể nào biết được tất cả những phản ứng từ giới cầm bút
trong nước.
Vận tải những nội dung chuyên biệt về văn học
thường khi khô khan, nhiều khi khúc mắc, những bài biên khảo về
văn học cổ trung đại Việt Nam do tôi trước tác cố gắng mang ba
đặc tính cơ bản về hình thức: sáng sủa, đơn giản và chính xác.
Tôi không đi tìm văn phong hoa lệ, tôi tránh cung cách dụng ngữ
cầu kỳ. Tôi quan niệm thời điểm viết bài cũng là thời điểm sáng
tạo. Văn chính luận với nội dung văn học của tôi cũng là văn
chính luận gián tiếp chê bai, thậm chí kết án văn học chủ nghĩa
xã hội. Tôi không viết cho cá nhân tôi mà viết cho chủ đích tự
vạch. Chủ đích đó là chống cộng.
Trần Văn Tích
Bấm vào đây để in ra giấy (PDF)
Những bài viết của Tác giả đăng trong website này
Trung tâm lưu trữ các Ngày lễ mừng Bổn mạng BCND/QLVNCH...
|
Hình nền: Bản đồ VIỆT NAM hoàn toàn. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E-mail by Bác sĩ Trần Văn Tích chuyển
Đăng ngày Thứ Sáu,
December 29, 2017
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang