Bắc đẩu tinh

 

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Những Chiến sĩ QLVNCH xưa
Chủ đề: Ngày QL–19–6
Tác giả: Trần Xuân Dũng

Người Hùng Thuỷ Quân Lục Chiến – NGÔ VĂN ĐỊNH

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

Ngô Văn Định là một Đại tá Thuỷ Quân Lục Chiến Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Ông sinh năm 1935 tại làng Viêm Xá, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Thân phụ ông từng là Giám Đốc Chi Nhánh Pháp–Á Ngân Hàng (Banque Française de L’Asie), ở Passage Eden đường Tự Do, Sài Gòn. Song thân ông sinh được 4 trai và 1 gái. Ngô Văn Định nhập ngũ ngày 19/3/1954.

Dưới đây là vài dòng về tình hình Bắc Việt trong khoảng 1951–1953.

Ngày 13/1/1951 Việt Minh bắt đầu tấn công tỉnh Vĩnh Yên, ở vùng Tây Bắc Hà Nội, và là vị trí phòng thủ vững chắc cuối cùng của thủ đô. Nếu Vĩnh Yên mất, thì chỉ một hai tuần sau, Hà Nội cũng sẽ bị lọt vào tay chúng.

Sau khi khởi sự tấn công được một ngày, lực lượng Việt Minh đã vây quanh tỉnh một cách trọn vẹn. Trận chiến diễn ra ác liệt. Việt Minh dùng chiến thuật biển người hai lần liên tiếp nhưng thất bại. Sáu ngàn (6000) tên giặc bỏ mạng. Lực lượng phòng thủ Vĩnh Yên chỉ mất khoảng trên dưới 500 người. Ngày 17/tháng 1, Việt Minh rút lui. Thế là Hà Nội tạm yên.

Tâm lý chung của dân chúng đang sống trong vùng quốc gia lúc bấy giờ, vô cùng bất ổn. Trong những năm 1951–1953 Việt Minh lần lượt chiếm được những vùng đất rộng lớn ở biên giới Bắc Việt–Lào. Sự lo âu cứ thế tăng dần. Hai thái độ xuất hiện.

Thứ nhất là thờ ơ. Những người có thái độ này, hầu như chỉ còn biết sống qua ngày. Được ngày nào hay ngày ấy. Không phải họ thân Việt Minh, nhưng nhận thấy khó thoát khỏi, nên buông xuôi.

Thái độ thứ hai là muốn chống lại sự xâm chiếm của Việt Minh, một cách cương quyết. Đa số thanh niên ở vùng quốc gia thời đó, có ý tưởng này.

Ngô Văn Định, ở trong số những người có lập trường yêu nước kể trên. Ông “xếp bút nghiên” lại...

Ngày 19/3/1954, ông nhập ngũ, theo học khóa Cương Quyết tại trường Võ bị Liên Quân Đà Lạt. Người đặt tên khóa học này đã chọn đúng chữ để diễn tả được tấm lòng và ý chí của các sinh viên theo học.

Cái tâm trạng này cách đây 14 thế kỷ cũng đã được diễn tả trong bài thơ Tòng Quân Hành của Dương Quýnh thời Sở Đường.

Phong hỏa chiếu tây kinh

Tâm trung tự bất bình
Nha chương từ Phụng khuyết
Thiết kỵ nhiễu Long thành
Vân ám điêu kỳ họa
Phong đa tạp cổ thanh
Ninh vi bách phu trưởng
Thắng tác nhất thư sinh.

Dương Quýnh (khoảng năm 692)

Giáo sư Trần Trọng San đã dịch nôm và dịch thành thơ như sau:

Ngọn lửa báo động soi sáng Tây kinh

Trong lòng cảm thấy bất bình
Binh phù từ biệt cửa Phụng
quân kỵ diễu quanh thành Long
Đám mây đen tối làm mờ những nét vẽ trên cờ
Tiếng gió thổi mạnh xen lẫn tiếng trống
Thà làm người đứng đầu trăm lính
Còn hơn làm một gã học trò.

Bài ca tòng quân Lửa hiệu rực Tây kinh

Lòng ta thấy bất bình
Binh phù rời Phụng Khuyết
Kỵ mã ruổi Long Thành
Mây tối mờ cờ trại
Gió nhiều lẫn trống dinh
Thà làm bách phu trưởng
Hơn một gã thư sinh

Trần Trọng San dịch

Ra trường ngày 1/10/1954, Ngô Văn Định được thuyên chuyển về Đại đội 7 Tuần Giang và cũng là đơn vị đầu tiên sát nhập vào thành lập Tiểu đoàn 1 Đổ bộ Thủy Quân Lục Chiến 1955.

Ròng rã 21 năm, Ngô Văn Định đã ở trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến từ đầu đến ngày 30/4/1975.

Ông có một kho tàng sử liệu về binh chủng nằm trong trí, tính can trường Thủy Quân Lục Chiến nằm trong máu và một tình thương yêu gắn bó, với những anh em đã hy sinh vì tổ quốc, nằm trong tim.

Ông lần lượt giữ những chức vụ:

–Trung đội Trưởng 1955,
–Đại đội trưởng 1960, Tiểu đoàn 1,
–Sĩ quan Hành Quân Huấn Luyện, Tiểu Đoàn 3,
–Tiểu đoàn Phó Tiểu đoàn 3,
–Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 2,
–Lữ đoàn Trưởng.

Cấp bậc sau cùng của ông là đại tá. Ông đã theo học những khóa:

–Khóa 1 Sĩ Quan Căn Bản TQLC/Hoa kỳ tại Quantico, Virginia 1/1958,
–Khóa 1 Chiến tranh trong rừng rậm tại Panama 1962,
–Khóa Tham Mưu Trung cấp 1964,
–Khóa Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp 1971.

Quan niệm của ông khi viết, như sau:

Đã nhiều năm qua, tôi muốn quên đi những giông bão đã đi qua cuộc đời mình cũng như những ray rứt của cuộc chiến trong những ngày cuối cùng. Nhưng khi muốn quên là lúc mình nhớ đến nhiều nhất. Làm sao mà quên được. Nó luôn luôn hiện diện trong óc trong tim. Nó là những dòng máu luân lưu trong huyết quản. Nó là những nhịp đập của con tim. Nếu nó ngừng lại thì mình đã đến lúc phải nhắm mắt xuôi tay.

Tôi viết không phải để vinh danh một binh chủng hay một cá nhân nào kể cả bản thân tôi, mà viết để trả một món nợ tinh thần với các chiến hữu, đồng đội đã nằm xuống, ít nhất họ không tủi hờn vì bị bỏ quên. Ta có bổn phận phải viết để vinh danh họ, để trả ơn những người đã nằm xuống cho một Quê Hương Miền Nam Nước Việt Tự Do và Công Lý. Viết để xác nhận một điều, trong cuộc chiến vừa qua, chúng ta đã chiến đấu thẳng thắn và can đảm, không mặc cảm, không tự ti và nhất là không hề có một hành động hiếu sát hay bất nhân với những người không cùng chung chiến tuyến nhưng cùng dòng máu đỏ da vàng
.”

Những bài viết của Đại tá Ngô Văn Định phân làm 2 loại:

Tổng quát: cho những ai muốn biết một điều căn bản về binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, về những trận đánh lớn trong cuộc chiến Việt Nam.

Chi tiết: cho những người muốn tìm hiểu cách chiến đấu của những chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến.

Cả 2 loại bài, có 1 điều đặc biệt là thường gồm những giai thoại. Độc giả nào có sở thích sau đây:

Tôi chỉ ưa những giai thoại trong sử ký, và trong số này tôi thích nhất những giai thoại mà trong đó tôi tưởng tượng tìm thấy được một bức tranh vẽ thực những phong tục và những nét đặc thù của một thời kỳ nào đó”.

(Je n’aime dans l’histoire que des anecdotes, et parmi les anecdotes, je prefère celles où j’imagine trouver une peinture vraie des moeurs et des caractères à une époque donnée)

Prosper Merimée

Chắc chắn sẽ tìm thấy hứng thú khi đọc những bài viết của Ngô Văn Định. Những câu chuyện bên lề này dẫn chúng ta đến những bất ngờ. Những chi tiết liên quan đều rất thật, nhân vật thật, hoàn cảnh thật.

Nghệ thuật tự sự (kể lại của Ngô Văn Định rất hay). Ung dung nhàn nhã, đúng như cảnh ông, bà già kể chuyện đời xưa. Người đọc không bị thúc bách. Chẳng phải gấp. Không phải vội. Cách viết của ông khiến cho người đang dán mắt vào trang sách có được cái thư thái. Rất tự do. Muốn ngưng lúc nào cũng được. Muốn trở lại lúc nào cũng xong. Nhưng không phải vì thế mà lời văn buồn tẻ.

Khi đến đoạn tả chân, cảnh chiến đấu, các nhà sản xuất phim ảnh đọc được chắc cũng phải theo sự miêu tả để thực hiện.

Trong các bài viết, dù ngắn hay dài, lúc nào lòng biết ơn cũng bộc lộ. Biết ơn cả cấp trên lẫn cấp dưới. Biết ơn những người hiện đang còn sống và cả những người đã hy sinh vì tổ quốc non nửa thế kỷ trước đây.

Đại tá Ngô Văn Định bị thương 4 lần.

Ông viết lại hai lần được săn sóc khi bị thương. Sự chu đáo của một Quân Y sĩ trong lần thứ nhất đối nghịch hẳn với sự kém phối hợp, nếu không muốn nói là lơ là, trong lần thứ hai, tại một Tổng Y Viện.

Mặc dầu trải qua hai cách đối xử khác nhau của những người trong cùng một ngành (là ngành Quân Y) Ngô Văn Định không vơ đũa cả nắm. Ông viết rõ ràng về từng sự việc mà không dùng một trường hợp cá biệt, rất xấu, để suy rộng ra và mạt sát cả một cơ quan hay một tập thể. Có hai điều trùng hợp ngẫu nhiên, trong đời Đại tá Ngô Văn Định:

1. Ngày ông tốt nghiệp sĩ quan từ trường Võ bị Liên Quân Đà Lạt, trùng với ngày binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến thành lập: 1/10/1954.

2. Năm 1955, trùng vào ngày sinh nhật thứ 20 của ông, Tiểu đoàn 1 Đổ Bộ Thủy Quân Lục Chiến, tham dự trận Giồng Riềng ông bị thương lần đầu tiên.

Trong suốt 21 năm ở trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, ông được ân thưởng 20 Anh Dũng Bội Tinh với nhành Dương Liễu và 3 Bảo Quốc Huân Chương. Khi còn mang cấp bậc trung úy, sau chiến thắng Đầm Dơi của Tiểu đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến, ông cùng 3 Đại đội Trưởng khác được Tổng thống Ngô Đình Diệm ân thưởng Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương. Năm 1965, Tiểu đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến đã đánh tan một Trung đoàn của Sư đoàn 3 Sao Vàng (Bắc Việt). Đại úy Ngô Văn Định, Đại đội Trưởng Đại đội 4, cùng 3 Đại đội Trưởng khác, được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ân thưởng Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương.

Sau chiến thắng Quảng Trị 9/1972, Đại tá Ngô Văn Định, Lữ đoàn Trưởng Lữ đoàn 258 được ân thưởng Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương. (Nên nhớ là số sĩ quan cấp tướng và cấp tá được ân thưởng Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, có thể đếm trên đầu ngón tay)

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu luôn luôn đến thăm những đơn vị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sau mỗi chiến thắng. Trong những năm là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên Thủy Quân Lục Chiến và Lữ đoàn trưởng 258, ông được diện kiến và được Tổng thống Thiệu đích thân khen tặng và thăm hỏi 3 lần.

Đọc xong phần trên, có người sẽ hỏi: “Ngô Văn Định đối với các đồng đội như vậy, thế còn trong gia đình thì ông cư xử ra sao?”

Xin thưa: “Mời độc giả đọc câu chuyện dưới đây!”

Vua Cảnh Công nước Tề có cô con gái yêu, muốn gả cho Án Tử đang giữ chức Tể Tướng. Một hôm vua đến ăn tiệc nhà Án Tử, thấy vợ Án Tử, hỏi: “Phu nhân đấy phải không”

Án Tử thưa: “Vâng, phải đấy”

Vua nói: –”Ôi! Người trông sao vừa già vừa xấu. Quả nhân có đứa con gái trẻ và đẹp, muốn cho về hầu, khanh nghĩ sao?”

Án Tử đứng dậy thưa rằng: “Nội tử tôi lấy tôi và cùng tôi ăn ở đã lâu, kể từ lúc còn trẻ đẹp. Xưa nay đàn bà lấy chồng lúc trẻ cốt để nhờ cậy lúc già, lúc đẹp lấy, cốt để nhờ cậy lúc xấu. Nội tử tôi thường nhờ cậy tôi mà tôi cũng đã nhận sự nhờ cậy ấy.

Nay nhà vua tuy muốn ban ơn, chắc cũng không nỡ để cho tôi ăn ở bội bạc với những điều nội tử tôi đã nhờ cậy tôi bấy lâu nay.”

Nói đoạn Án Tử lạy hai lạy, xin từ không lấy.
(Trích trong Cổ Học Tinh Hoa)

Trở lại câu hỏi trên.

Sau thảm họa mất miền Nam 1975, Đại tá Định cùng gia đình định cư ở San José. Vào năm 1999, phu nhân Đại tá Ngô Văn Định bắt đầu bị bệnh mất hết trí nhớ.

Đại tá Định liên tục, đêm ngày săn sóc Phu nhân không dám bước ra khỏi nhà, vì e chuyện bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào cho một người với bệnh trạng như vậy. Ròng rã 10 năm cho đến tận khi phu nhân qua đời năm 2008.

Đất Mỹ là nơi, những thú vui vật chất có thể đến với con người nhiều hơn là người con gái vua muốn tặng cho Án Tử. Ngô Văn Định đã tự ý, từ hết tất cả, để chọn con đường Thủy Chung và tận tụy.

Là một sĩ quan rất có công với quốc gia, luôn luôn biết ơn các bạn đồng ngũ, dù đã hy sinh hay hiện còn sống, Ngô Văn Định đã cư xử với người vợ tao khang theo cung cách của một thừa tướng cách đây 20 thế kỷ.

Chúng ta hãy đọc một số bài viết của ông.

Trần Xuân Dũng
Trích Văn Học Quân Đội

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: phong cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by TTD  chuyển

 

Đăng ngày Thứ Bảy, June 20, 2020
Ban kỹ thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang