Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện ngắn đầu xuân
Chủ đề:
Gót Chinh nhân
Tác giả: Tiên Sha - Lê Luyến
Bấm vào đây để in ra giấy (PDF)
I
Sống ở xứ người buồn nên cuối tuần anh em thường tụ họp uống
trà tán gẫu. Ôi thôi đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, toàn
thiên hạ sự. Nhưng lần nào cũng vậy, chu du khắp năm châu bốn bể
rồi sau rốt họ cũng trở về với câu chuyện của mảnh đất quê hương
hình chữ S xa xôi ngàn dặm.
Lớp trẻ ngạc nhiên khi nghe
người lớn luôn nhắc đến đề tài chiến tranh và ngục tù cũ rích mà
không bao giờ biết chán. Họ nói với chút ngậm ngùi cay đắng; có
kẻ ủ ê thở dài nhưng cũng có người bộc phát lòng căm ghét và
khinh miệt. Làm sao giải thích cho lớp trẻ hiểu rằng đó là hoài
niệm, là sự tìm kiếm quá khứ, là vốn liếng cuộc đời của cả một
cuộc bể dâu tang thương mà thời đó những người trong cuộc bị
cuốn hút, có khi không còn nhận ra được ngay cả chính bản thân
mình. Làm sao cho lớp người trẻ biết rằng sau những năm tháng
tăm tối của định mệnh, sau thời gian đăng đẳng đầy rẫy tai ương
gai góc, những con người ngày xưa may mắn còn sống sót, quây
quần cố nhóm lên đóm lửa tưởng chừng đã bị vùi lấp, chìm khuất
trong bão giông quên lãng. Hiện tại họ đã già, vết thương bom
đạn đục khoét làm bạc nhược thân xác. Cái đầu thì cằn cỗi lão
hóa thiếu chất xám, họ chấp nhận làm bất cứ công việc gì để giải
quyết cấp thời chuyện cơm áo qua ngày. Quá khứ đối với họ như
món đồ cổ trân quý dẫu rằng có bị sứt mẻ, méo mó vì thời gian
tàn nhẫn nhưng vẫn luôn được săm soi, nhìn ngắm bằng tấc dạ bồi
hồi lẫn xót xa. Họ nâng niu trau chuốt như tìm kiếm đời mình ở
trong đó, như để gạn lọc chuyện đúng sai, phải trái cuộc đời.
Chúng ta hãy lắng nghe lời tâm sự của một người lính già còn
sống sót sau cuộc chiến...
II
Anh
người miền Trung. Tuổi mới năm mươi mà thoạt nhìn cứ tưởng đã
ngoài sáu chục. Anh vào lính rất sớm, sau khi tốt nghiệp trung
học phổ thông.
Anh bảo là không thể bình thản tiếp tục
con đường học vấn khi chiến tranh bùng phát như ngọn lửa táp
ngang mày, khi bạn bè lần lượt lên đường và xã hội miền Nam như
bị nén chặt trong không khí bức bối, lo sợ với những cuộc xuống
đường biểu tình của bọn tả khuynh đội lốt tôn giáo, của bọn hoạt
đầu chính trị đang xâu xé, tranh dành quyền lực. Tuổi trẻ sống
với nhiều thắc thỏm, ưu tư, hoài nghi và đau khổ. Chiến tranh,
bạo loạn và suy đồi đã đưa họ đến cùng cực chán nản. Anh gia
nhập quân đội, tốt nghiệp trường Hạ sĩ quan thông dịch, anh tình
nguyện về đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Một năm hành quân
bình an khắp mặt trận vùng I chiến thuật. Năm sau - 1967, anh
xin chuyển về binh chủng Biệt Kích Lôi Hổ.
Người
lính trẻ đầu đội beret đỏ, vai áo mang phù hiệu cọp trắng và
cánh dù đó tên là Nguyễn thanh Châu, vỏn vẹn chỉ nhảy được ba
chuyến công tác thì kết thúc cuộc đời binh nghiệp. Trong lần
hành quân hiểm nghèo tại vùng biên giới Hạ Lào cùng với ba chiến
binh VN và hai lính Mỹ, anh không may sa vào tay giặc. Cuộc đọ
sức quá chênh lệch giữa các tay súng trong cuộc chơi sinh tử và
tất nhiên phần thua sẽ thuộc về phe nào có tay súng ít hơn. Địch
đông gấp nhiều lần, do vậy số phần những người lính cảm tử lẻ
loi đã được an bày. Hai người lính Mỹ và một quân nhân truyền
tin VN bị bắn hạ ngay từ loạt đạn đầu tiên. Toán ba người còn
lại vất bỏ ba-lô tháo chạy về phía rừng sâu biên giới.
Sau nhiều ngày chiến đấu cam go đơn độc, đói khát và căng thẳng,
cuối cùng kiệt sức họ bị bắt. Người sĩ quan trưởng toán không
chịu khai ra mật lệnh truyền tin bị địch xử bắn ngay tại chỗ.
Còn lại anh và một người bạn bị trói dong về nơi chạm súng lúc
ban đầu, chỗ có xác hai quân nhân Mỹ và người lính truyền tin
VN. Đến nơi họ phát hoảng khi nhìn thấy hình hài các bạn bị xé
banh tan nát nhầy nhụa đầy máu, ruột gan tim phổi bị tha đi mất,
cái đầu bị liếm gần như trọc lóc, chỉ còn lơ thơ vài mảng tóc
dính bết vào xương sọ. Ba người lính xấu số đã bị hùm beo móc
ruột tan nát. Số phận không cho họ được tiếp tục làm “cọp sấm
sét” ngược lại bị “cọp ăn thịt” đúng nghĩa. Thân xác họ bị rỉa
rói tàn nhẫn bởi thú dữ, kên kên ở trên rừng chết chẳng toàn
thây. Riêng Châu thì may mắn hơn. Sau ba tháng mỏi mòn không tin
tức, cha mẹ anh được lãnh tiền tử tuất và đành lấy ngày ra đi
công tác làm ngày kỵ cơm anh hàng năm. Không ai biết là Châu vẫn
còn sống lây lất trên trần gian để trả nợ thua trận.
III
17 năm sau
Năm 1985, trên
đường phố quen thuộc của thành phố Đà Nẵng bỗng xuất hiện một
quán nhậu bình dân. Thực khách đa số là dân mánh mung, chợ trời.
Đứng tên đăng ký ngôi quán là một bà già ngoài diện tuổi lao
động, đủ điều kiện hợp pháp để nhà cầm quyền cộng sản cấp giấy
phép mở quán, nhưng thật tế chủ nhân điều hành lại chính là đôi
vợ chồng trung niên, con trai của bà lão. Vợ là người đảm đang,
nấu ăn giỏi, tính tình hòa ái. Chồng là mẫu đàn ông lịch lãm,
tháo vát, vừa ở tù về.
Công an địa phương quản lý người
chặt chẽ, nhất là thành phần chế độ cũ. Vô phương làm ăn, túng
cùng bạn bè bày kế để cho bà già đăng ký tên chủ quán, còn vợ
chồng anh là người giúp việc kiếm cơm. Dần dà khi vỡ lẽ ra thì
chuyện đã rồi nên cũng phải làm ngơ bỏ qua.
Quán nhờ món
nhậu ngon, giá bình dân, chủ yếu lấy công làm lời nên chẳng bao
lâu khách đến viếng mỗi ngày một đông. Gia đình chủ quán năm
người, vợ đứng bếp có cô con gái lớn phụ giúp. Chồng lo tiếp
khách, bán bia rượu, ghi sổ, thu tiền. Đứa con trai cả và bé út
13 tuổi chạy bàn phục vụ. Những hôm đông khách quá, người ta
thấy có vài dân nhậu tự động bỏ bàn đứng dậy, giúp cha con chủ
quán một tay như người trong nhà. Cũng có hôm quán ồn ào vì có
kẻ say sưa quậy phá hay muốn nhậu chạy làng, thì lập tức xuất
hiện ngay vài tay giang hồ tứ chiếng, kịp thời giải quyết ổn
thỏa mọi việc. Trước sau, người chủ quán vẫn giữ thái độ bàng
quang của kẻ ngoại cuộc, thản nhiên đứng nhìn như chẳng hề mảy
may dính dáng đến mình.
Riêng mấy tay anh chị này thì dân
giang hồ Đà Nẵng không ai là không biết đến. Ngày trước họ đã
một thời lừng lẫy như Phước Mèo nổi danh giỏi võ, với cây dao
“tàng chiêu quái đao” đã từng đụng độ lính Đại Hàn có đai đen
Taekwondo; hay Hoàng Rouleau, trắng trẻo đẹp trai giống thư sinh
nhưng quay súng và bắn nhanh như phim cao bồi Django, đã có lần
thử súng với tài xế Mỹ lái xe ẩu đụng người bỏ chạy. Một Đề “đầu
bạc” gan to bằng trời, một thân một mình tung hoành nhiều năm ở
thành phố lớn miền Trung này. Ngoài ra còn có Khiếu râu, Sang
què, hai sĩ quan BĐQ độc thân, thường ngâm nga thơ phú mỗi khi
tửu hứng. Sau 75, họ bị nhốt tại địa phương vì bị thương tật và
các trại tù chứa đầy người quá. Các anh làm đủ nghề, chạy
áp-phe, buôn bán. Riêng Đề “đầu bạc” thì hành nghề xe ôm, nhưng
không chở người, chở hàng mà chỉ chuyên chở những thứ lậu thuế,
quốc cấm.
Những người bạn này tuy mang tiếng giang hồ
nhưng họ sống như những “hảo hớn thảo dã Lương sơn Bạc” đầy khát
vọng công lý, phóng khoáng và nhất mực thủy chung với bạn. Thời
gian người chủ quán còn ở trong tù, thỉnh thoảng họ xúm nhau
giúp gạo, giúp củi cho vợ bạn nuôi con chờ chồng. Những lúc gia
đình bạn gặp cơn khốn đốn đều có mặt họ bên cạnh. Ngày bạn ra
tù, họ rủ đến vầy cuộc nhậu, chén tạc chén thù, say túy lúy càn
khôn suốt một ngày. Biết hoàn cảnh bạn khó khăn, họ gợi ý giúp
mở quán nhậu rồi phân công người mua xốp về làm thùng đựng nước
đá, người giúp gỗ đóng bàn ghế, sau đó dẫn bạn đến giới thiệu
các đề-pô bia, rượu, thuốc lá mua trả gối đầu với giá đặc biệt.
Sau cùng họ góp tiền lại cho bạn mượn vốn làm ăn. Vợ người chủ
quán nhìn họ bằng ánh mắt cảm động, biết ơn. Riêng với họ chẳng
bao giờ nhọc lòng bận tâm. Họ làm nghĩa cử giúp bạn một cách
thản nhiên như uống một ly rượu, hút một điếu thuốc.
IV
Một buổi sáng mùa hè năm 1986, trong
ngôi quán bất đắc dĩ được cải biến từ căn nhà ở nằm trên đường
Huỳnh Thúc Kháng, một người đàn ông cao gầy, đội nón lá rách toe
vành, mặc chiếc áo bạc màu sờn vai đẫm ướt mồ hôi, có những
quầng muối trắng loang lỗ còn in lại trên lưng - Người đi bán
củi dạo. Thấy chủ quán bước ra, ông khẽ chào. Bà vợ chủ quán
nói:
- Củi ông này bán đượm lửa mà giá lại rẻ hơn mấy mối
trước. Anh vào lấy tiền trả giúp em. Khi người chủ quán trở ra
ngồi đếm tiền trả ông bán củi mà trong lòng anh cứ ngờ ngợ, hình
như quen thuộc với ông này lắm. Khuôn mặt xương xương, cái miệng
hay cười toét, vầng trán rộng hơi vồ đầy vẻ bướng bỉnh với mái
tóc lờm xờm biếng chải, muối nhiều hơn tiêu... Tất cả dường như
gần gũi lắm nhưng người chủ quán cố nhớ mãi vẫn không ra. Chợt
nghĩ ra được một điều. Chủ quán bước đến chỗ quầy hàng, vói tay
lấy chai rượu và hai chiếc ly nhỏ. Anh rót mời người bán củi và
nói:
- Rượu gạo 100%, uống không bị nhức đầu. Anh dùng
thử một ly nhé.
Đón ly rượu, ông bán củi không khách sáo
chiêu thử một ngụm. Cái miệng bỗng nở toét ra vẻ khoái trá.
Người chủ rót thêm và gợi chuyện:
- Anh ở đâu? Sao ít
thấy qua lại đường này.
- Tôi ở Nại Hiên. Mới hành nghề
bán củi dạo, kiếm cơm qua ngày.
Giọng nói dửng dưng,
khuôn mặt bình thản, ông tiếp tục uống rượu đốt thuốc. Chủ quán
lại nói tiếp:
- Tôi cũng có vài người bạn nhà ở Nại Hiên,
trước đây học cùng trường Tây Hồ.
- Tôi cũng học Tây Hồ.
Bạn anh tên chi?
- Tên Châu... Nhưng đã chết lâu rồi.
- Tôi cũng tên Châu, Nguyễn Thanh Châu.
Chủ quán mở
to mắt nhìn chăm chăm người đàn ông ngồi đối diện, miệng hỏi dồn
dập:
- Châu “Lôi Hổ”?
Khuôn mặt ông bán củi chợt
thoáng buồn:
- Hổ lôi thì có, chứ làm gì còn hổ sấm sét
nữa.
Người chủ quán xô ghế đứng bật dậy, dang hai tay
chụp vào vai ông bán củi lay mạnh, giọng thảng thốt, ướt sũng
xúc động:
- Đúng là Châu, Châu điên đây rồi. Mi còn sống
hả? Tau là Luyến, Luyến lồi đây.
Nghe tiếng la lớn, vợ
người chủ quán bỏ bếp chạy vội lên nhà trên. Đôi bạn ngày xưa
đang ôm choàng nhau cảm động, thổn thức trước cặp mắt ngơ ngác
của bà.
Chín giờ sáng hôm sau. Trong ngôi quán bất đắc dĩ
đã diễn ra một khung cảnh tình nghĩa, ấm cúng. Bảy người đàn ông
trung niên thuộc đủ mọi thành phần buôn bán, làm thuê, mánh mung
hay mới ra tù, ngồi quây quần quanh chiếu nhậu, bên những chai
rượu, chai bia và một mâm thức nhắm thịnh soạn do chính tay bà
chủ nấu ra để chồng chiêu đãi người bạn thuở xưa, mang bản án 17
năm lưu đày mà cứ ngỡ đã chết mất xác từ lâu. Họ là những tay
giang hồ anh em thường xuyên có mặt ở quán này như: Phước mèo,
Đề đầu bạc, Hoàng rouleau, Sang què, Khiếu râu. Trong ngày hội
trùng phùng, họ nâng ly với tấm lòng dạt dào nỗi nhớ niềm thương
của những kẻ may mắn còn sống sót sau chiến tranh và tù ngục.
Rượu đầy rồi cạn, men thấm dần, họ thúc hối người bạn Biệt
kích vào chuyện. Ánh mắt mênh mang, một thoáng buồn suy tư, chậm
rãi nhả những vòng khói thuốc mờ nhạt, Châu bắt đầu câu chuyện
17 năm về trước...
V
Trên cõi đời
này ngoài tôi ra, chắc chắn không còn ai biết câu chuyện định
mệnh năm xưa. Sẽ không bao giờ có ai nhớ đến cái tên Mỹ Missouri
của toán chúng tôi.
Sau trận chạm súng bất ngờ, ba bị cọp
ăn, một tử hình, toán sáu người chúng tôi chỉ còn sống sót lại
hai đứa. Tôi và Lô viết Cầu bị bắt trói quặt cánh khuỷu, rời
khỏi vùng tử địa có bốn xác chiến hữu chết không toàn thây. Ngày
đi đêm nghỉ, chúng tôi phải gồng mình chịu cái nóng ngột ngạt,
khô cháy của gió Lào ban ngày và cái rét kinh khủng, buốt xương
của núi rừng Trường Sơn ban đêm. Cuộc hành trình về nơi lưu đày
tưởng chừng bất tận. Ban đầu còn khỏe, ý nghĩ đào thoát cứ lởn
vởn trong suốt đoạn đường đi qua. Dần dà bị đói khát, gian khổ,
bệnh tật hành hạ, cái chết không còn là nỗi ám ảnh ghê gớm nữa.
Tôi nghĩ, đôi khi cái chết đòi hỏi phải có ý nghĩa, nhưng trong
tình thế hiện tại thì cái chết chẳng còn nghĩa lý gì nữa khi
phải sống với hoàn cảnh nhục nhã, tồi tệ như thế này. Có thể cái
chết sẽ làm chúng tôi bớt đau khổ hơn là sống hèn, sống nhục.
Nhưng kẻ địch không để chúng tôi có cơ hội. Hiếm lắm chúng mới
bắt được một người lính quốc gia chứ đừng nói chi là thứ Biệt
Kích đặc biệt. Do vậy không những chúng canh phòng nghiêm ngặt
ngày đêm, mà còn tỏ thái độ thù hằn căm ghét đến thậm tệ nữa là
khác.
Một tháng sau chúng tôi đến Quảng Bình, vùng đất
khô cằn sỏi đá của địa đầu “Xã hội chủ nghĩa”. Tôi thấy người
dân ở đây cũng thiếu thốn, khổ cực như người tù, chỉ khác là họ
không bị trói thúc ké như chúng tôi. Kế tiếp, xe bộ đội chở hai
đứa về Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Đông. Ngày xưa, nơi đây đã một
thời nổi tiếng bánh cuốn Thanh Trì và bài thơ “Áo lụa Hà Đông”
được Ngô thụy Miên phổ thành nhạc, đã thâm nhập sâu sắc vào lòng
mọi người và dòng văn học nước nhà. Tất cả những ấn tượng đẹp đẽ
của xứ sở nhiều giai thoại này bỗng chốc tiêu tan trong lòng
người tù binh trẻ khi nhìn thấy hàng chữ “Xà lim Bộ Công an” đập
vào mắt. Đó là khởi đầu của năm tháng lưu đày kinh hoàng, là
thời gian của cùm gông đọa đày, là triền miên trong đói rét nhục
hình.
Từ đó, cuộc đời hai đứa tôi hầu như có mặt cùng
khắp ở các địa ngục trần gian như: Nhà tù Vỉnh Quang, Tân Lập,
Hồng Thắng, Thanh Phong. Những nơi đi qua, tôi đã thấy hàng ngàn
bộ xương còn thở, còn đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống. Những thây
ma biết cử động, những cái bóng im lìm mỗi ngày một gầy gò tiêu
hao, từ thể xác đến tâm hồn. Cứ thế cho đến một lúc, những kẻ
bất hạnh bỗng biến mất vĩnh viễn trên cõi đời. Họ ra đi lặng lẽ
cũng như họ đã sống cuộc đời lặng lẽ. Tất cả bình thường, tự
nhiên từ cái chết đến cả sự mơ ước một ngày được trả tự do, dần
dần rồi cũng dửng dưng, bình thản chẳng hề bận tâm suy nghĩ.
Ngày tháng tù, những người lính chúng tôi xem nhau như anh
em một nhà, không cho phép ai nghĩ điều gì khác ngoài tình đồng
đội, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ, bảo vệ nhau để sinh tồn. Nếu
địch muốn chúng tôi chết thì phải cố mà sống. Nếu họ muốn chúng
tôi sống hèn thì phải bảo ban, nhắc nhở nhau sống cho dũng cảm,
hiên ngang để xứng đáng với tinh thần bất khuất của người lính
từng xem nhẹ sinh tử và thấu đáo lẽ sống chết vô thường. Những
khi chập chờn nửa mê, nửa tỉnh, phiêu hốt trôi nổi trong các
phòng biệt giam khủng khiếp của nhà tù, chúng tôi đã kiên trì
vận dụng nghị lực để chế ngự bất hạnh, cố tập trung suy nghĩ,
mài giũa ý chí bằng hùng khí và lý tưởng. Đó là phương pháp tự
rèn để tồn tại. Chính nhờ vậy nên đã nuôi dưỡng mạng sống cho
hàng chục chiến hữu chịu cùm gông suốt hai mươi năm, hăm lăm năm
như Quách Rạng, Nguyễn văn Hợp, Hà văn Chấp, Lê văn Tụng, Đinh
Anh, Bùi văn Tư... được tồn sinh để có ngày trở về. Phải chăng
đó là phép lạ nhiệm màu, là sự phấn đấu bền bỉ kiên cường của
những con người yêu chuộng lẽ sống thiêng liêng.
Sự độc
ác, dối trá và ngu xuẩn của kẻ thù chỉ có thể làm nung nấu lòng
người tù càng sống khí phách, quật cường hơn nữa với năm tháng
lưu đày vô hạn định.
Bọn cán bộ làm sao hiểu được điều
đó. Đầu óc chúng rỗng tuếch, đần độn như hình nhân Rô-bô thì làm
sao có thể cải hóa được những con người thừa nhiệt huyết, dũng
cảm và cứng đầu, dẫu rằng chúng có thể dày xéo cả tinh thần lẫn
thể xác chúng tôi. Người cộng sản ngây thơ cứ nghĩ rằng khi đã
hành hạ người ta bằng đủ thứ nhục hình là đã khuất phục được. Họ
nhầm lẫn khi thấy chúng tôi im lặng. Họ đâu biết rằng những điều
nói ra với chúng tôi chỉ là nước đổ lá môn, có khi còn bị ép-phê
ngược lại là đằng khác. Điển hình như câu chuyện ngốc nghếch sau
đây:
“Năm 1973, Cục quản lý Trung ương Hà Nội đến trại.
Buổi chiều, lúc xếp hàng điểm danh vào phòng, chợt thấy một
người từ Ban chỉ huy đi xuống, vừa đi vừa nghe phát thanh từ
chiếc radio nhỏ mang trên vai. Cán bộ trực trại ngẩn mặt nhìn ra
vẻ ngưỡng mộ lắm rồi quay sang chúng tôi, anh ta vênh váo nói:
chỉ cán bộ cao cấp cách mạng mới có được tiêu chuẩn ưu đãi những
thứ quý hiếm như 3Đ đó, chứ ngụy các anh thì cả đời cũng không
có được. Thoạt nghe qua chúng tôi ngẩn ngơ không hiểu, nhưng khi
được tên cán bộ giải thích thì mới bật ngửa ra, không nhịn được
phải phát cười rộ lên. Thì ra 3Đ đó là: đạp, đồng, đài. Thời
điểm đó, xe đạp, đồng hồ và radio là niềm mơ ước to lớn của cán
bộ và nhân dân miền Bắc, trong khi đối với miền Nam thì những
thứ đó thật quá tầm thường, nhỏ nhoi làm sao”.
Còn khối
chuyện ngu dốt của bọn cai tù làm chúng tôi khinh bỉ và nực cười
đến chảy nước mắt. Cứ thế chúng tôi lần lữa cố sống, kéo lê
chuỗi năm tháng đoạn trường để chờ đợi một ngày vận nước, mệnh
đời thay đổi.
Thế nhưng, ngày tang thương tháng Tư năm
bảy lăm đã bóp chết tất cả mọi niềm tin mà chúng tôi ôm ấp, nuôi
dưỡng hàng chục năm qua. Ngày miền Nam thất thủ đã nổ ra như một
quả bom có sức hủy diệt mọi hy vọng trong lòng người bị lưu đày
biệt xứ. Ngày hôm đó trời đất như cũng đồng cảm với tù, trở nên
u ám ảm đạm như lòng người sầu thảm, héo hắt. Câu thơ thuộc nằm
lòng của Thi hào Nguyễn Du hồi còn đi học “người buồn cảnh có
vui đâu bao giờ”, đến nay tôi mới cảm nhận được hết ý nghĩa thâm
sâu của nó. Đêm nằm thao thức, nghe tiếng thở dài vang lên từng
chập. Người bạn tù bên cạnh cũng trằn trọc, thao láo đôi mắt,
buồn bã nhìn ra dãy núi Tam Đảo chập chùng sương khói trắng đục,
câm nín chẳng thốt nửa lời. Đất trời đêm ba mươi tháng Tư này
sao mà ảm đạm, thê lương lạ lùng. Gió khuya trở giấc vọng về
tiếng rít gào, mây đen kịt từ đâu kéo đến che lấp cả vầng trăng
hạ tuần, mờ mờ ảo ảo, le lói những ánh ma trơi. Cảnh vật xao xác
cũng giống lòng người đòi đoạn như bốn câu thơ:
“Hồn
tử sĩ gió ù ù thổi,
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.
Chinh
phu tử sĩ mấy người,
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn...”
Quê hương chúng ta chiến tranh ròng rã, hết đời ông đến đời
cha rồi đến đời con cháu. Hết đánh giặc ngoài lại xâu xé với thù
trong. Người chết lên đến con số triệu. Xương cao thành núi, máu
chảy tựa sông. Nơi đâu cũng đầy rẫy tiếng kêu gào của oan hồn
uổng tử.
Sau bảy lăm, kẻ thù lại có thêm cơ hội lên mặt
huênh hoang, đắc chí của kẻ vừa chiến thắng. Miền Nam thất trận,
chúng tôi tắt đi tất cả niềm hy vọng còn sót lại. Thêm tám năm
tù nữa, tôi sống quằn quại trong nỗi đau thua trận mới nhưng
đồng thời cũng có cơ hội để kiểm chứng thật kỹ những sai lầm của
kẻ chiến thắng. Trình độ dân trí và sự ngu dốt không thể tưởng
tượng nổi của kẻ thù chính là sự sai lầm của chế độ Xã hội chủ
nghĩa miền Bắc. Thế mà đau đớn thay, kẻ bại trận lại là chúng
ta.
Cuối năm 1984 tôi được ra tù. Tất cả đều xa lạ, ngỡ ngàng.
Con đường ngày xưa vào đất địch gian nguy chẳng hẹn ngày trở
lại. Con đường hôm nay cũng chẳng khác gì mấy, hun hút trời mây,
mịt mờ vô định. Có khác chăng là mái tóc xanh ngày xưa bây giờ
đã lốm đốm bạc mầu, thân hình ốm o già cỗi. Bao nhiêu năm lê lết
trong những trại tù khổ sai không thấy mặt trời, sống với một
bầy lang sói hóa thân thành bọn cai ngục. Không sách báo, không
ánh sáng văn minh, không phố phường đô thị... vô vàn cái không
khiến con người tôi trở thành đần độn.
Hai ngày hai đêm
thao thức, vài lần đổi tàu xe, tôi mới đặt chân về tới quê nhà.
Phố xá nhiệt náo xô bồ. Nhịp sống chuyển động hối hả, bon chen
khác xưa, con người thì lạnh nhạt và xa lạ hơn. Chỉ riêng dòng
sông Hàn vẫn thủy chung như ngày nào, êm ả hiền hòa trôi ra cửa
biển Tiên Sa. Kỷ niệm học trò đầy ắp chợt hiện về. Một góc trời
quê hương, một bến sông tuổi thơ và tháng ngày vô tư ngụp lặn
thỏa thích trong dòng sông mộng mị. Cái ngổ ngáo pha chút lãng
mạn của người lính năm xưa bỗng chốc sống lại. Tôi tìm chỗ vắng
trên Bến Mía, nhảy ùm xuống làn nước ngọt ngào tình quê, đắm
mình trong thứ hạnh phúc vay mượn mong manh nhưng rất thật. Đầu
óc vẩn vơ ý nghĩ là để gột rửa sạch sẽ những cát bụi bẩn thỉu
của cuộc đời phong trần đã áp đặt lên số phận tồi tệ, bất hạnh
của mình. Tôi muốn tìm lại cho tâm hồn đôi chút bình an và hơi
hướm một thoáng hạnh phúc thần tiên của thiên đường tuổi thơ vô
tư yêu đời, đầy ước mơ với trang giấy trắng tinh khôi có hoa và
bướm của thuở học trò.
Con đường ngắn ngang qua Cổ Viện
Chàm dẫn về làng Nại Hiên nay không còn nhận ra được nữa. Nhiều
người đi qua, họ nhìn kẻ mặc áo tù với vẻ hững hờ pha chút tội
nghiệp. Tất cả đã đổi thay xa lạ, không còn ai nhớ ra tôi nữa.
Tôi bật cười chua chát. Quả thế, chuyện đời đổi thay, có đôi khi
mình còn không nhận ra chính mình nữa thì làm sao cuộc đời có
thể dung chứa được hết thảy mọi con người trong cuộc bể dâu.
Đêm hôm đó tôi có mặt trong ngôi từ đường của tộc Nguyễn
Thanh. Bên cạnh, cha tôi đứng trầm ngâm như mặc niệm trước di
ảnh tổ tiên. Mẹ tôi thì sụt sùi mãi từ lúc tôi mới bước về. Chỉ
có mỗi hai Người là không xa lạ với tôi. Nhìn thằng con trai từ
cõi chết bao nhiêu năm bỗng hiện về, rồi nhìn tấm ảnh của tôi
đặt trên bàn thờ nhang đèn hoa trái đầy đủ, mẹ tôi cứ khóc ngon
khóc lành. Bà vuốt ve, sờ nắn tôi như ngày còn bé dại. Mẹ nói
nhìn thấy tôi còn sống như nằm mộng gặp chiêm bao. Lối xóm nghe
tin ùn ùn kéo đến thăm hỏi chật nhà. Vài thằng bạn thua trận may
mắn còn sống sót, nay thất cơ lỡ vận đi làm thuê làm mướn, đạp
xích lô xe thồ, hùn tiền kéo tôi vào quán nhậu bình dân, chén
đầy chén vơi, chén mầy chén tau, cạn đến mềm môi. Vài tuần sau
tôi theo chúng nó, rồi cùng một kiếp cu-li lê lết kiếm sống,
đoạn tháng qua ngày.
Châu ngửa cổ tợp một hớp rượu lớn,
đặt ly không xuống chiếu rồi thở dài. Anh trầm ngâm đốt thuốc
rít vài hơi rồi tiếp tục câu chuyện cuộc đời:
- Đã nhiều
năm kẻ thù đặt ách cai trị độc tài, bạo ngược lên đầu lương dân
miền Nam. Ngẫm cho cùng, tôi nghĩ đến nay chắc họ cũng đã hiểu
ra một điều: họ chẳng bao giờ là kẻ chiến thắng. Giờ đây họ đã
tận mắt nhìn rõ bộ mặt thật đẹp đẽ của miền Nam. Cuộc sống ấm no
tiến bộ, nhà cửa tiện nghi và xã hội văn minh khác xa những lời
tuyên truyền bịp bợm, dối trá của bọn đầu gấu cộng sản. Sự thật
oái oăm khiến họ thức tỉnh, mới biết mình bị đảng lừa một cú cay
độc. Bao nhiêu năm nằm gai nếm mật chiến đấu gian khổ, đến lúc
chiến thắng mới bật ngửa ra là họ còn thua cả người dân nghèo
miền Nam từ vật chất lẫn tri thức và nhiều phương diện khác.
Hàng ngũ lãnh đạo vô học, dốt nát nhan nhản trong các cấp đảng
bộ cầm quyền làm gì họ không biết.
Té ra kẻ chiến bại
không phải ai khác lại chính là họ. Những người “đồng chí lớn”
đểu giả của họ cộng thêm sự bịp bợm của chế độ đã dồn đuổi họ
vào con đường phẫn nộ và đến một lúc mất hết niềm tin, họ bắt
đầu quay trở lại chống đối kịch liệt. Lần này thì những con
người cách mạng, ngày xưa chỉ biết tiến lên bằng mũi súng, ngày
nay đã bị một vết nội thương trí mạng như tâm chưởng mà không hề
thấy máu chảy ra bên ngoài cơ thể. Những kẻ huênh hoang chiến
thắng trong Bắc bộ Phủ lại có thêm những kẻ thù mới, xuất phát
từ trong hàng ngũ của họ như: Trần Độ, Bùi Tín, Hoàng minh
Chính, Đặng kiên Giang, Phạm quế Dương, Nguyễn thanh Giang...
Riêng tôi, sau ngày trở về đã trở thành cái gai nhọn đáng
ghét trước mắt công an. Họ bắt lên đồn viết báo cáo, răn đe rồi
trình diện hàng ngày. Mặc, tôi vẫn thản nhiên sống. Mắt luôn
luôn nhìn thẳng vào họ khi đối diện. Nhiều lần quá họ đâm nhợn,
lâu dần rồi cũng lửng lơ con cá vàng... họ lảng đi. Họ ngây thơ
quá, làm sao hiểu được những điều suy nghĩ trong cái đầu chai
sạn của người tù lưu đày biệt xứ mới trở về. Tôi không muốn trở
thành địch thủ của những kẻ háo thắng, vừa ngu xuẩn lại vừa ấu
trĩ như những đứa bé chưa ráo máu đầu, mới bước chân chập chững
vào cuộc đã may mắn có sẵn chiến thắng trong tay. Miền Nam thua
trận vì có nhiều sai lầm nhưng chắc gì những kẻ chiến thắng miền
Bắc đã không mắc phải sai lầm lớn hơn? Điều bất hạnh nhất là quê
hương sau cuộc chiến được xếp vào hàng nghèo đói, lạc hậu và
tham nhũng nhất thế giới. Đời sống người dân lao động muôn vàn
cơ cực nhưng vẫn không đủ ăn mặc. Trẻ con thất học. Xã hội suy
đồi. Lỗi ấy thuộc về ai? Câu hỏi xin dành lại cho lịch sử luận
tội và phán xét những người có trách nhiệm từ cả hai phía đối
nghịch. Có điều tôi biết chắc chắn rằng Việt Nam chỉ là một canh
bài được sắp sẵn trên chiếu bạc quốc tế. Chiến thắng của kẻ thù
không phải vì thiện chiến hơn chúng ta, nhưng họ có chỗ tựa vững
chắc cộng thêm sự may mắn và dã tâm tráo trở, phản bội của cả
hai khối Quốc Cộng.
Trận chiến đã tàn. Cuộc thư hùng đã
kết thúc. Cho đến nay toán chúng tôi chỉ còn sót lại mỗi mình
tôi. Lô viết Cầu rồi cũng đã chết vì bị sốt ác tính vào năm
1984.
Hôm nay tôi không là cái gì hết, đơn giản chỉ là
một người lính muốn nói lên những suy nghĩ của đời người vận
nước; chỉ là kẻ đứng chông chênh ngoài xã hội, bên lề cuộc đời,
là chứng nhân của một cuộc bể dâu tang thương để ghi nhận thêm
cho lịch sử quốc gia, dân tộc sự chuyển mình sang một trang mới
với nhiều nỗi bẽ bàng, đau xót và phiền muộn. Thời gian rồi cũng
dần phôi phai đi. Tôi rồi cũng sẽ một ngày trở về với cát bụi,
nơi chốn cội nguồn, một thứ quê hương cuối cùng trong tâm linh
người sống. Nhưng, lịch sử sẽ là vĩnh viễn, là bất tử với thời
gian. Tốt, xấu, đúng, sai rồi phải có một ngày được vạch trần
hẳn hoi ra ánh sáng. Sự thật lịch sử sẽ được hoàn nguyên và
chúng ta hãy vững tin chờ đợi ngày ấy ắt đến không xa.
Với các bạn, lời tâm tình thân thiết của tôi là mãi mãi chỉ muốn
làm một người lính trọn trung, trọn nghĩa, trọn tình với quốc
gia, dân tộc. Và tôi dám xác quyết với các bạn rằng, tôi không
có điều gì phải ân hận, hối tiếc khi đã chọn làm một người lính
quốc gia chân chính như đã từng chọn trước đây.
VI
Phải đến năm 1995 gia đình anh mới đặt chân
được đến Mỹ. Nghe anh kể thì suýt chút nữa lại bị Mỹ chơi đểu,
bỏ rơi thêm lần thứ hai.
Lần thứ nhất vào năm 1973 tại
hòa đàm Paris, trong điều khoản cam kết về việc trao trả tù
binh, các anh bị gạt ra khỏi danh sách vì Mỹ không thừa nhận BK
là người được họ huấn luyện, trả lương và thực hiện các kế hoạch
hành quân trong cuộc chiến bí mật. Các anh đã sớm bị người bạn
Mỹ gian trá phản bội, trước khi hiện rõ bộ mặt trơ tráo bán đứng
miền Nam, trắng trợn bỏ rơi chiến hữu.
Hồ sơ bí mật BK
nằm kín trong văn khố Ngũ giác Đài chưa hề một lần được giải
mật. Phải đợi nhiều năm sau, đến lúc chương trình HO ra đời và
những người lính Việt Nam hoạt động bí mật bên kia bức màn sắt
còn sống sót được thả về, lần lượt ra đi tỵ nạn và có mặt trên
đất Mỹ thì nội vụ mới được một số người Mỹ chân chính đưa ra ánh
sáng. Tác phẩm”Secret Army, Secret War” của Sedgwick Tourison,
cựu nhân viên tình báo lục quân Mỹ được ra đời ngay vào thời
điểm đó đã phơi trần tất cả sự thật bỉ ổi của chính quyền Nixon.
Đồng thời trong dịp Đại Hội ra mắt Gia Đình Biệt Kích VN tại
tiểu bang Georgia vào tháng 10 năm 1995, S. Tourison là diễn giả
người Mỹ duy nhất đã thuyết trình và trả lời bằng ngôn ngữ tiếng
Việt, thông suốt tất cả các câu hỏi có liên quan đến những hoạt
động vượt tuyến trong cuộc chiến tranh ngoại lệ VN.
Cùng
thời gian đó, một tập thể luật sư hùng hậu của ông John Mattes
đã phát đơn kiện chính phủ Hoa Kỳ bội tín, bỏ rơi các quân nhân
BKVN. Hội đồng lưỡng viện Hoa Kỳ quyết định giải mật các hồ sơ
có liên quan đến vấn đề này. Sau đó các quân nhân BKVN hiện đang
sống trên đất mỹ được mời đến điều trần tại quốc hội vào ngày 19
tháng 6 năm 1996 và tất cả sự thật giấu diếm từ lâu đã được phơi
bày ra ánh sáng. Giới truyền thông, báo chí Hoa Kỳ đồng thanh
ủng hộ. Họ đưa tin, viết bài, lên tiếng công kích sự gian trá
của chính quyền Mỹ thời đó và đòi hỏi chính phủ phải hoàn trả
tiền lương 20 năm cho những BK bị họ bỏ rơi. Những chiến sĩ Kinh
Kha thời đại VNCH được hồi sinh như những anh hùng. Đó chính là
giá trị đích thực của lòng yêu nước, của sự hy sinh cao cả không
hề tiếc máu xương của những chàng trai đất Việt yêu chuộng tự
do, công lý và dân chủ. Đó chính là lòng dũng cảm, sự cao thượng
của trai trẻ VN, sẵn sàng sống cho tha nhân và chết cho dân tộc.
Số tiền bốn mươi ngàn mỹ kim bồi thường cho một người lính
BK so ra chẳng nghĩa lý vào đâu đối với sinh mạng quý giá của
con người. Cái may mắn to lớn nhất đối với họ là còn sống trở về
với cha mẹ, vợ con, những người thân yêu đã hàng bao nhiêu năm
mỏi mắt chờ trông. Phần thuởng tinh thần mới chính là những cái
thật sự họ cần thiết. Bốn mươi ngàn đô-la đối với họ, những
người lính kiêu hùng, chỉ là bãi nước bọt nhổ vào mặt những tên
điếm đàng buôn bán chiến tranh như Nixon, Kissinger... bắt chúng
phải cúi đầu nhận tội phản bội. Bốn mươi ngàn đô-la là cái đấm
thôi sơn vào những bộ mặt trơ tráo đã một thời mật ngọt, giả
nhân giả nghĩa, là sự vạch trần cho thế giới biết rõ về bản chất
gian manh của những tên hoạt đầu chính trị trên một xứ sở dư
thừa bơ sữa nhưng thiếu thốn tình người. Những người lính BK đã
tự hào sống xứng đáng là một con người Việt Nam chân chính.
VII
Đến nay chiến tranh đã đi qua,
thiên hạ gặp nhau, nhìn nhau, tất cả đều bình thường như nhau.
Duy chỉ có những người trong cuộc mới hiểu được mình. Do vậy,
chẳng lấy chi làm lạ khi bầy con trẻ vẫn thường nghe cha chú
nhắc đi nhắc lại hoài chuyện ngày xưa. Chỉ những giây phút đó họ
mới thật sự sống trọn vẹn cho chính mình.
Hôm nay, trên
những nẻo đường luân lạc của kiếp người lưu vong, họ xóa sổ làm
lại từ đầu, bôn ba tần tảo kiếm sống. Thời gian rỗi rảnh họ dành
cho mớ hoài niệm quá khứ với nhiều vết tích đau thương còn hằn
sâu trên da thịt quê hương, dân tộc và chính bản thân mình.
Trong lòng họ không hề hối tiếc hay oán trách những lần ra đi
sống chết trong nguy nan cuộc đời, dù họ đã bị phản bội, dù họ
đã từng chết đi sống lại.
Trăng ở đây không sáng bằng
những đêm trăng ở quê nhà. Đã bao nhiêu lần họ nhìn thấy lại
hình bóng của chính mình. Ở đó có hạnh phúc, thương đau... khởi
đầu từ một thời son trẻ cho đến cuối chặng đường trăng khuất.
Đời người rồi cũng đã trôi qua mau như ánh đèn, như gió thổi,
như mây bay, như chiêm bao. Tất cả đều là phù vân.
Tiên Sha - Lê Luyến
Bấm vào đây để in ra giấy (PDF)
Trung tâm lưu trữ các Ngày lễ mừng Bổn mạng BCND/QLVNCH...
|
Hình nền: Bản đồ VIỆT NAM hoàn toàn. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E-mail by ddcb chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy,
January 27, 2018
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang