Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Thời sự Việt Nam
Chủ đề: Đấu tranh
Tác giả: Phạm Đoan Trang
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Sau
cuộc “đào thoát” hôm 26/2/2018 (tôi có kể lại chuyện này trong
bài “Chúng
sẽ đến”), tôi đã nghĩ là mình thoát rồi, và
đã nói với bạn bè rằng mình đang “lẩn trốn ở Việt Nam”.
Sự thực là không phải đến bây giờ tôi
mới “lẩn trốn”. Tôi đã ở trong tình trạng này từ cuối tháng 6 năm
ngoái.
Tôi đã
không ở nhà gần một năm rồi, và cứ thế lang thang hết vùng này
lại vùng khác, hết nhà này lại nhà khác. Di chuyển bằng ô-tô, xe
khách, không dám đi máy bay để khỏi bị phát hiện. Có những lần
nằm giường tầng, không có chỗ để cây đàn guitar, tôi ngủ luôn với
cây đàn trên ngực.
Và cái cảm giác mơ hồ, “không biết có
qua được đêm nay không? Không biết giờ này đêm mai thế nào?” lướt
qua khi ngồi bên những người thân, bạn bè của mình trong những
ngày tháng căng thẳng.
Ngay cả khi chơi đàn, trong đầu tôi vẫn
thoáng câu thơ của Thanh Tâm Tuyền: “Ôm em trong tay mà đã nhớ em
ngày sắp tới” (Dạ khúc, 1964).
Nhiều bạn sẽ hỏi tôi phải sống như thế
để làm gì? Sao không về nhà mình mà ở cho đàng hoàng, phải chui
lủi, vạ vật như chuột vậy?
Vâng, tôi cũng muốn ở nhà lắm chứ. Tôi
yêu căn phòng nhỏ của tôi lắm. Ở đó, có tủ sách để một người viết
như tôi có thể lần từng trang sách tham khảo bất kỳ lúc nào, có
đồ ăn, có... thuốc, có cây đàn guitar, có giá để nhạc, và quan
trọng hơn tất cả, có mẹ tôi.
Không phải ngẫu nhiên mà một đứa dốt
thi ca như tôi lại rất nhớ câu “tôi yêu đất nước này chân thật/
như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi”.
Nhưng tôi không thể ở nhà được.
Tôi không thể ở nhà để cứ mỗi ngày “có
sự kiện” (như Chủ nhật 5/3/2017) là dưới chân tòa chung cư lại la
liệt thanh niên đông vui như hội - mà hễ cứ tôi bước xuống đường
là họ nhẹ thì chặn đường nhìn lừ lừ rồi mới tránh cho đi, nặng
thì giang tay ra ngăn: “Chị đi đâu? Lên nhà”.
Nếu tôi tỏ ý không nghe thì câu chuyện
lại kết thúc ở đồn công an. Và phải ngồi đúng một tư thế trên cái
ghế gỗ ở một đồn công an nào đấy (tôi bị đau chân nên có nhiều tư
thế không ngồi được), cứ nguyên như thế đến cuối ngày, không làm
gì cả, kể ra khá mệt. Phía an ninh cũng vào hỏi này khác nhưng
thực sự thì tôi có gì để nói với họ? Chưa kể có lần đôi bên còn
chửi nhau tàn tệ, chỉ còn thiếu nước ném các bộ phận cơ thể vào
mặt nhau.
Tôi
cũng không muốn ở nhà để phải chịu cái cảm giác ai đó vẫn kè kè,
lẩn quất đâu đó quanh tôi. Theo dõi “kín” còn lịch sự; có lần họ
còn cố tình đi sau tôi chỉ vài bước chân, gần đến mức tôi cảm
thấy hơi thở của họ sau gáy mình. Tôi quay lại, cáu kỉnh: “Đi
theo người ta làm cái gì?”. Cô nàng tên Hằng (?) vênh mặt lên:
“Tôi thích đi theo đấy, chị làm gì tôi?”.
Thỉnh thoảng tôi bị bắt giữa đường khi
chỉ đơn giản là đang đi có hẹn cafe với bạn. Người bạn ra quán
ngồi chờ mãi không thấy gì, liên hệ tôi
[liên lạc với tôi]
không được, đành bực bội bỏ về. Khổ lắm, làm sao tôi báo được cho
bạn để nói một câu xin lỗi, khi mà một khi đã tóm được tôi thì
một trong những việc đầu tiên “anh em an ninh” làm luôn là giật
ngay điện thoại - ngôn ngữ của công an là “khống chế, thu giữ
phương tiện liên lạc”.
Lâu lâu, căn hộ tôi ở lại mất điện, mất
Internet (các nhà khác trong chung cư vẫn sinh hoạt bình thường,
không có vấn đề gì). Có những “kỹ thuật viên” mặt già đanh đến
sửa mạng, quần thảo cả ngày rồi kết luận “tư vấn”: “Chị dùng mạng
thì thỉnh thoảng nên ngắt modem cho nó nghỉ lấy vài tiếng chứ
chạy liên tục, nó hỏng đấy”. “Sao dạo này công ty mình không dùng
mấy cậu kỹ thuật viên trẻ trẻ nữa?”. “À ừ, dạo này nhiều việc,
bên tôi tăng cường”. Cái từ “tăng cường” làm tôi không giấu được
một nụ cười.
Lần gần đây nhất, sau hai ngày, kỹ thuật viên (trẻ hơn) cũng đến
sửa mạng cho nhà tôi, nhưng giải thích loằng ngoằng một hồi rồi
cười gượng: “Thôi, cái này em không nói được đâu chị”.
Có những ngày, những tuần tôi không thể
ra khỏi nhà được, trừ phi muốn... lên đồn ngồi tới chiều tối rồi
thất thểu về.
Có thể bạn sẽ bảo: Sống như thế thì có làm sao? Người ta còn đi
tù kia kìa.
Đúng vậy. Đối với tôi, cuộc sống như thế tuy không bình thường
lắm nhưng cũng chưa có gì đáng phải than vãn. Nhưng, đơn giản là
nếu như vậy, tôi không thể đi đâu, làm gì, gặp gỡ ai được cả. Mà
điều đó, với một nhà báo, một người viết, hay một nhà hoạt động,
đều là sự tự tiêu diệt mình (hay là sự chấp nhận để bị tiêu diệt
thì cũng vậy).
Tôi không phải là Khổng Minh để nằm lều
cỏ, sau màn trướng định việc thiên hạ. Không phải là “mẹ Suu Kyi”
vĩ đại của dân Myanmar để ngồi nhà mấy chục năm “làm biểu tượng”
cho cuộc tranh đấu của người Miến. (Nói là bị quản thúc nhưng
thật ra bà vẫn được gặp rất nhiều người, “quần chúng” vẫn đến
thăm tư dinh bà nườm nượp, và bà vẫn là lãnh đạo một đảng đối lập
chứ không bị khép vào tội “hành động lật đổ chính quyền nhân dân”
theo Điều 79 Bộ luật Hình sự (cũ) như ở ta).
Tất nhiên tôi
cũng hiểu, họ đâu có coi tôi là một công dân bình thường, một
người viết như mọi người viết khác. Họ coi tôi là một phần tử
chống phá “Đảng và Nhà nước” của họ quyết liệt.
Tôi hiểu điều đó, và tôi chấp nhận hậu
quả của nó. Suy cho cùng, chúng ta chống độc tài thì độc tài tiêu
diệt chúng ta là đương nhiên, chứ lẽ nào cả một bộ máy đang vẫy
vùng thỏa thuê, phè phỡn trong quyền lực như thế lại để một vài
công dân ngang nhiên chống lại nó, thách thức nó?
Cho nên, nếu có ai hỏi tôi “cảm thấy
thế nào?” thì câu trả lời thành thực là “vẫn chưa có gì ghê gớm
lắm, vẫn ở trong mức chịu đựng được, và tôi chấp nhận”.
Tuy nhiên, dù sao cũng phải nói rằng:
Đây đúng là một cuộc chiến, nhưng nó... bất bình đẳng quá. Giá
như đó là một cuộc cạnh tranh chính trị bình đẳng, bằng lá phiếu
chẳng hạn, thông qua bầu cử tự do và công bằng, thì sẽ làm đẹp
cho cả hai bên.
Còn cuộc chiến giữa một bên là cả bộ
máy độc đảng với hàng trăm ngàn công an, hàng ngàn tổ chức ngoại
vi “cánh tay nối dài”, quyền lực vô đối trong tiếp cận ngân sách
nhà nước, các nguồn tài chính, sở hữu và kiểm soát chặt chẽ cả
ngàn tờ báo, hàng chục kênh
[đài] truyền hình-phát thanh,
chưa kể không gian mạng, rồi viện kiểm sát của công an, tòa án
công an trị, nhà tù của công an... với một bên là vài cá nhân tay
không tấc sắt, đi khỏi nhà còn chẳng được, hơi một tí là lại bị
xách cổ về đồn... Cuộc chiến ấy chẳng quân tử vẻ vang gì cho bên
thắng cuộc, nhỉ? (Cứ tạm cho họ là bên thắng cuộc đi).
Họ còn muốn gì ở tôi nữa? Muốn tôi ở
yên trong nhà, “đi đâu thì báo với nhau một tiếng”, cho đi mới
được đi hay sao? Muốn tôi viết những bài chỉ trích phong trào dân
chủ, chê bai dân trí thấp, người dân ý thức kém, giới hoạt động
thì toàn bọn cơ hội chính trị hay sao?
Không đâu. Tôi - và chúng ta - không
chiều họ dễ dàng như thế được đâu.
Tôi chấp nhận bị đàn áp, vì tôi chống họ. Nhưng phải kính sợ,
nể phục một “cái gọi là nhà nước” hèn như thế thì không. Không
bao giờ.
Phạm Đoan Trang
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Những bài liên hệ
Họ
còn muốn gì nữa?
Chúng sẽ đến trong năm phút nữa
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Bộ Huy hiệu Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Tôn Thất Sơn chuyển
Đăng ngày Chúa Nhật, March 11, 2018
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang