Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Thời sự nước Đại Việt
Chủ đề: Xã Hội
Tác giả:
người lính già oregon
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
1. Tối thứ năm
19/7, tôi lại được trực tiếp nói chuyện với Nguyễn Thị Tuyết Lan,
mẹ
của tù nhân Mẹ Nấm. Mở đầu, cô nói “em đã nhận và đọc bài ‘Đi tìm
thời gian đã mất’ của thầy viết về mẹ con em, do các bạn Thánh Tâm
từ khắp nơi chuyển đến cho em.” Tôi hỏi: “Và họ nói sao về bài đó?”
Cô đáp: “Họ không tin bài đó là của thầy, vì thầy dạy tiếng Pháp
không thể viết rành tiếng Việt như vậy.” Tôi cười.
Sau đó, cô thông báo là cho tới nay đã
nhận được tiền ủng hộ của 13 vị và hứa, nói chuyện xong, sẽ nhờ tôi
chuyển danh sách và lời cảm tạ của cô và con gái, Mẹ Nấm, đến tất cả
ân nhân.
2. Tiếp theo,
tôi xin phép được hỏi vài câu về đời tư, gia đình và Như Quỳnh. Tôi
chỉ lắng nghe, để cho cô tự nhiên, mà không ghi, không hỏi thêm chi
tiết, chỉ ráng nhớ. Cô cho biết gia đình cô theo đạo Công giáo.
Chồng cô, tức cha của Như Quỳnh, là một quân nhân Biệt Động Quân bị
thương bởi đạn VC. Cha cô mất đã lâu. Mẹ cô mất vào tháng 4, năm
nay.
Gia đình cô,
trước 1975, cư ngụ tại Thanh Hải (Đồng Đế), gần trường Trinh Vương
của các bà sơ, nơi cô theo học khi nhỏ, và hàng tuần đi lễ tại nhà
thờ Vĩnh Phước (An Tôn), mà cha tôi là “ông câu họ” (danh xưng bây
giờ là Chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ), và ông cậu ruột cô, em của mẹ cô,
là “ông biện Trung” (một thành viên trong HĐGX), ở gần nhà tôi. Cô
biết, và nói đúng, tên cha mẹ tôi, và nhà tôi ở Xóm Bóng, đường Tháp
Bà, “gần nhà cậu Trung của em”, và kể vanh vách tên những người cư
ngụ tại Xóm Bóng trước 1975, mà chính tôi vì học ở Sài Gòn và đi
lính xa chỉ biết mang máng. Khiến tôi ngạc nhiên, thích thú, vì cô
vừa là đồng hương Nha Trang nói chung vừa là đồng hương Xóm Bóng nói
riêng.
Sau này,
gia đình cô dời qua thành phố Nha Trang sinh sống, và học tại Thánh
Tâm đến lớp 10, rồi trường Hưng Đạo của Linh Mục Benoît Phương, dưới
chân Nhà Thờ Núi, cho đến khi đậu Tú Tài II. Tại Thánh Tâm, cô kể,
cô học cùng lớp với Mộng Hằng, người Huế (cô dừng lại, đột ngột hỏi,
“thầy có nhớ Mộng Hằng, xinh đẹp và dễ thương, học Pháp Văn với thầy
không”?), lúc ấy là người bạn thân nhất, bây giờ nghe nói đang ở Nam
Cali. Ngoài Mộng Hằng, cô còn là bạn đồng lớp với Tôn Nữ Thu Dung,
mà hôm nay tôi mới biết, là nhà văn nổi tiếng được nhiều người ái
mộ. Tuyết Lan còn nhắc thêm tên vài thầy cô. Tôi nghĩ bụng, TL là
dân Thánh Tâm thứ thiệt.
Tại thành phố Nha Trang, lúc đầu gia đình
ở một địa chỉ khác, hàng xóm rất tử tế. Nhưng từ lúc Như Quỳnh tham
gia hoạt động chính trị và bị bắt lần đầu, năm 2009, thì mỗi sáng
trước cửa nhà thấy có một đống phân heo, phân người do ai ném vào,
rất hôi thối, tốn công dọn rửa. Lối xóm có người bắt đầu nói xỏ
xiên, bàn tán, bóng gió. Chưa kể, có một chiến dịch bịa đặt và bêu
xấu về đời tư của Như Quỳnh. Sau, chịu không nổi, phải đổi về địa
chỉ hiện tại, ở Xóm Mới.
3.
Như Quỳnh bị bắt đi bắt lại nhiều lần, điều mà ai cũng biết, và đăng
trên báo chí, từ 2009 đến 2016. Đến ngày 10/10/2016 thì bị bắt hẳn
và giam tại Cam Ranh, và bị Tòa Sơ thẩm Nha Trang kết án 10 năm tù
giam, và ngày 29/6/2017, bị xử lại, và Tòa chung thẩm y án. Trong
phiên tòa này, Tuyết Lan không được phép vào tham dự, vì Công An lấy
cớ là phòng xử không đủ chỗ.
Sau phiên xử, Tuyết Lan kể, cô đưa cho một
Đại tá Công An một quyển Thánh Kinh nhờ trao giùm lại cho Như Quỳnh.
Đúng là giao trứng cho ác. Vì, quả nhiên, ra Thanh Hóa thăm con lần
đầu, khi nghe con kể không nhận được sách, Tuyết Lan tức giận đi tìm
gặp tên Đại tá cai tù tại văn phòng, nhưng y tìm cách lẩn tránh. Lần
thăm nuôi sau, bất ngờ gặp y tại văn phòng trại, cô hỏi: “Tại sao
ông không đưa quyển Thánh Kinh cho con gái tôi?”, thì y quắc mắt,
hỏi ngược: “Tại sao tôi có nhiệm vụ phải trả lời câu hỏi của chị?”
TL kể tiếp: “Bấy giờ, em nổi khùng lên, không biết sợ là gì nữa. Em
đấu lý với y, đại khái em nói, một người đàn ông lịch sự và biết tự
trọng, nhất là một đại tá Công an, phải phục vụ và làm gương tốt cho
nhân dân, nghĩa là phải biết giữ đúng lời hứa, lại là lời hứa đối
với gia đình một nữ tù nhân mà số phận bị ông nắm giữ trong tay. Ông
đã lẩn tránh tôi, bây giờ ông bảo ông không có bổn phận trả lời cho
tôi. Như vậy nghĩa là làm sao?”
Nghe đến đây, tôi khoái quá, bật cười, hỏi
đùa: “Em cãi hay lắm, làm sao thằng đại tá đó chịu nổi? Có phải em
gốc Quảng Nam?” Tuyết Lan không hiểu ý tôi, thành thật trả lời:
“Không, em gốc Bắc di cư, năm 1954, cha mẹ vô Nha Trang, từ lúc em
chưa sanh! Em sanh ra tại Nha Trang!”
4.
Sau đó, Tuyết Lan kể về cuộc sống khổ cực của Như Quỳnh trong nhà tù
Thanh Hóa, đúng y như trong những bài viết mà tôi đã đọc trước đây.
Bị một con nặc nô đồng tù chửi rủa, vô cớ, bằng những câu quá tục
tĩu, mà “tụi em cả đời chưa bao giờ nghe”. Như Quỳnh yêu cầu được
đổi phòng. Lúc đầu cai tù từ chối. Sau cho một phòng, gọi là riêng,
nhưng trống trải, nhà cầu, nhà tắm không cửa, không phên che, người
ngoài thấy hết. Một bữa, Quỳnh nhai cơm thấy có mùi vị lạ, và sau đó
bụng khó chịu, ói ra hết. Nghi ngờ có âm mưu đầu độc, và để phản đối
điều kiện sống quá tồi tệ và khắc nghiệt đối với một (nữ) tù nhân,
Quỳnh quyết định tuyệt thực. Dưới đây là nguyên văn cuộc đối thoại
giữa Tuyết Lan và tôi về chuyện tuyệt thực của Mẹ Nấm:
NKQ: Tôi nhận thấy tuyệt
thực là phương cách đấu tranh bất bạo động của những người yếu thế
để phản đối ai đó và điều gì đó. Trước kia, phương cách này, cũng
như tự thiêu, rất hữu hiệu, mang lại kết quả tốt, nhất là ở các nước
văn minh, tôn trọng mạng sống con người. Bây giờ, ở các nước độc
tài, đảng trị, nhất là VN, người ta không quan tâm, hay không quan
tâm nhiều, đến nữa, sống chết mặc bây. Ngay tại Liên Hiệp Quốc, Ủy
Ban Bảo Vệ Nhân Quyền gồm toàn những nước vi phạm nhân quyền nhiều
nhất, như Tàu Cộng, Venezuela, Nga, Syria... khiến Tổng Thống Trump
của Mỹ phải rút ra khỏi Ủy Ban ấy, để phản đối. Vì vậy, tôi đã suy
nghĩ kỹ, và đã tham khảo ý kiến của vài bạn thân cùng lập trường
chính trị, và đề nghị với em, lần sau, nếu thăm gặp Quỳnh, em nên
khuyên cháu ngưng tuyệt thực. Không có lợi cho cuộc tranh đấu, mà có
thể thiệt hại đến thân.
TL: Em biết. Và đã
nhiều lần nói với nó ngưng tuyệt thực. Thấy nó ốm yếu, xanh xao quá,
bước đi không vững, em xót xa lắm, đã phải khuyên nó như vậy rồi. Nó
cương quyết không chịu. Em phải nói với nó, con còn hai đứa con thơ
dại, bây giờ mẹ còn nuôi và lo cho các cháu được, nay mai mẹ già
yếu, hoặc nằm xuống, mà rủi con chết, lấy ai nuôi và chăm sóc chúng
nó? Con phải sống. Nó trả lời: “Mạng sống của con đâu đáng kể, nhưng
những gì con làm cho đất nước mới quan trọng, có ý nghĩa”.
NKQ: Đúng là như vậy.
Nhưng dựa trên kinh nghiệm bản thân của tôi, chín năm ở tù VC bị đói
triền miên, em nên cố gắng thuyết phục cháu rằng muốn tranh đấu dài
lâu thì phải có sức. Và ăn uống là một điều kiện cần thiết để nuôi
thể xác cho có sức mạnh và cái đầu cho tỉnh táo. Đói quá, đầu óc
không thể hoạt động được, chỉ vật vờ, buông xuôi, không còn làm gì
được nữa... Nếu sợ bị đầu độc, thì khuyên Quỳnh ăn thức ăn của gia
đình tiếp tế.
TL: Dạ, cám ơn thầy. Ngày 2 tháng 8, là tới
ngày thăm nuôi, em đã mua vé máy bay rồi. Đồ thăm nuôi chỉ được 5 ký
thôi, kể cả sách vở và sách kinh, vì Quỳnh ngoan đạo, luôn cầu xin
Chúa, và Chúa luôn thương yêu và giúp đỡ nó một cách đặc biệt. Em sẽ
cố gắng thuyết phục Quỳnh ngưng tuyệt thực, nhưng em biết tánh nó
cứng đầu lắm...
NKQ: Không phải cứng đầu,
mà là cương quyết. Cám ơn em.
5.
Nói chuyện với Tuyết Lan xong thì đã quá khuya, tại Portland, và đã
sang trưa ngày 20/7 bên VN rồi, tôi mở tin tức, và biết được công
dân Mỹ Will Nguyễn thoát khỏi án tù, nhưng bị Tòa án Rừng Rú VC trục
xuất ra khỏi nước ngay.
Theo báo quốc doanh Thanh Niên, ngày 20/7,
11:25, do các thân hữu phe ta chuyển, tôi đọc được như sau:
“Trong lời
nói sau cùng, Việt kiều Mỹ Nguyen William Anh mong HĐXX khoan hồng
để bị cáo về Mỹ tiếp tục con đường học tập. Nguyen William
Anh bị trục xuất vì hành vi gây rối trật
tự công cộng. [...]
Tại phiên tòa, William thừa nhận toàn bộ
hành vi phạm tội. Bị cáo khai đã mua vé may bay từ đầu tháng 6/2018
để về Việt Nam du lịch. Trong thời gian chuẩn bị về, bị cáo có lên
mạng tìm hiểu thông tin về Việt Nam thì thấy có thông tin về việc
biểu tình nên tham gia.
William khai trước tòa là chưa tìm hiểu
sâu về 2 dự luật trên nhưng muốn tìm hiểu về con người, văn hóa Việt
Nam nên hòa vào dòng người cùng biểu tình”.
Báo Thanh Niên là Fake News VN thổ tả đối
với chúng ta, tin chúng nó là bán hết thóc giống. Tôi bèn đi tìm tin
tức trên Truyền Thông An Nam Phe Ta và Tin Tức (tương đối) Trung
Thực Mỹ, như Fox News, về chuyện Will Nguyễn xin tòa án VC khoan
hồng. Nhưng tất cả chỉ loan tin vắn tắt: Mỹ hài lòng, vì Will “được”
trục xuất, mà không thấy đăng tin về việc Will xin lỗi. Hỏi gia đình
ở Sài Gòn, thì không ai được, và không ai có nhu cầu, vào tham dự,
và họ cũng chỉ theo dõi tin tức trên ti-vi và báo chí. Nhưng họ
thêm: “Vụ những người tổ chức biểu tình đang đêm bị Công An Côn Đồ
bắt cóc vào đồn là có thật, bị tra tấn, đánh đập là có thật, bị đưa
lên ti-vi xin lỗi nhà nước và cả nhân dân là có thật. Thì không có
gì lạ trong vụ Mỹ kiều Will Nguyễn, nếu chuyện anh ta xin lỗi trước
tòa là chuyện có thật...” Nghĩa là anh ta đã bị tra tấn, đánh đập,
hù dọa, trước khi ra tòa, như những nạn nhân vô tội, đáng thương
khác, trên đất nước VN.
6.
Tuy nhiên, nghĩ về Như Quỳnh, và Tuyết Lan, và những nữ lưu can
trường khác, hậu duệ lẫy lừng của bao anh hùng tiền nhân trong lịch
sử chống ngoại xâm phương Bắc, tôi thấy lòng buồn kỳ lạ. Một nỗi
buồn không tên, mênh mông, cứ ám ảnh giấc ngủ không đến, khác với
thường đêm. Lại miên man nghĩ đến cuộc đời, đến định mệnh, đến sự
phi lý khôn cùng của kiếp sống, đến nỗi bất hạnh của con người, đến
những bài triết học ngày cũ. Đến Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, liễu yếu đào
tơ, đang bị đọa đày, dập vùi trong nanh vuốt của loài thú rừng VC dã
man, cực kỳ ác độc, duy nhất còn sót trên quả địa cầu chúng ta. Đến
tất cả những tù nhân chính trị ở quê nhà. Đến Jean-Paul Sartre và
học thuyết hiện sinh (existentialisme) nổi tiếng cho mãi đến hôm nay
–còn được áp dụng cho trường hợp nữ anh hùng Mẹ Nấm. Quả vậy, cũng
như Như Quỳnh, mọi người chúng ta sinh ra đều có một bản thể
(essence) giống nhau, như cỏ cây, như viên đá cuội, vô tri vô giác.
Hơn nhau, và khác nhau, là ở sự lựa chọn và hành động. Ngồi nói,
mình có ý định (intention) thôi, chưa đủ. “Hỏa ngục lát đầy những
thiện ý”, Sartre cảnh báo trong Huis-Clos. Chỉ có sự lựa chọn, khó
khăn và đầy dằn vặt (angoisse) mới có thể biến bản thể thành hiện
hữu (existence), hay hiện sinh. Và như vậy, con người mới có thể tìm
được sự tự do đích thực, ngay khi bị giam giữ trong ngục tù, hay
trong bối cảnh rộng lớn hơn, lúc đất nước bị quân thù chiếm đóng
(occupation).
Tự
do tuyệt đối và cao quý đó, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, với sự lựa
chọn dũng cảm và hành động phi thường, nhất quyết không chịu hạ mình
khóc lóc, cầu khẩn, xin ban cho điều gì, đã và đang tìm thấy trọn
vẹn trong trại giam Thanh Hóa của loài ác quỷ, man rợ và đê hèn.
Portland, thứ bảy 21/7/2018
NLGO
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Những
bài liên quan
Mẹ Nấm dưới nhãn quan Hiện sinh
Về Như Quỳnh
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Thắng cảnh thiên nhiên Bắc Mỹ châu. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Tôn Thất Sơn chuyển
Đăng ngày Thứ Ba, July 24, 2018
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang