|
Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bình
luận Thời sự
Chủ đề:
Chiến tranh Nga–Ukraine
Tác giả:
Út Bạch Lan
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Chỉ còn chưa đầy một tuần lễ nữa, Giáng
Sinh đến với nhân loại trong không khí giá lạnh của mùa đông. Vài
năm trước Giáng Sinh đến với con Covid–19 trong nỗi hoang mang lo
sợ vì bệnh dịch lây lan. Giáng Sinh năm nay rơi vào tình trạng
khủng hoảng kinh tế toàn cầu vì cuộc chiến Nga–Ukraine. Lo ngại
lớn nhất là sự khủng hoảng năng lượng của Âu Châu và trầm trọng
nhất cho Ukraine đang trong hoàn cảnh chiến tranh. Chúng ta hãy
hình dung hàng triệu người dân Ukraine đang chen chúc nhau dưới
những đường hầm không điện nước thuốc men thực phẩm để tránh hỏa
tiễn đạn pháo của Nga thì sẽ thấy ngay cái khổ nạn cùng cực của
người dân trong khói lửa chiến tranh. Trong những đường hầm tăm
tối lạnh lẽo đó, hàng triệu người dân Ukraine đang âm thầm cầu
nguyện “Lạy Chúa Xin Ban Phép Lành Cho Dân Tộc Chúng Con Được
Bình An Trong Vòng Tay Chúa!”
Trong bài “Viễn Ảnh Đàm Phán” ngày
28/11/2022 xạo tôi có viết:
“Trong Hội Nghị G20 tại Bali Indonesia,
Zelensky đề xướng 10 điều kiện để ngồi vào bàn đàm phán, thì điều
thứ 6 và thứ 7 là điều kiện buộc Putin phải chấp nhận thất bại và
bị sỉ nhục. Nếu là Putin thì ai là người chấp nhận những điều
kiện như vậy? Zelensky không màng đến nguyên tắc quan trọng trong
việc đàm phán ‘không chỉ quan tâm đến lợi ích của mình, mà còn
phải quan tâm đến lợi ích của đối phương’. Dĩ nhiên Putin xem như
chuyện chẳng có gì phải quan tâm, Zelensky muốn kéo dài chiến
tranh thì nạn nhân chịu nhiều thảm họa nhất là chính dân tộc và
đất nước Ukraine...”
Sự kiện thực tế phũ phàng đó ai cũng
nhận thấy sau 10 tháng hai bên đánh nhau, và ai cũng nhận thấy
rằng cuộc chiến tranh này có kéo dài đến bao lâu chăng nữa thì
không có bên nào chiến thắng mà cũng chẳng có bên nào chiến bại,
chỉ có người dân Ukraine bị thiệt hại trầm trọng từ vật chất lẫn
tinh thần, và Âu Châu bị ảnh hưởng nặng nề. Sự tổn thất và thiệt
hại của Nga–Ukraine tuy không ai biết chính xác, nhưng là một con
số to lớn đáng kể có thể khiến cho hai bên suy nghĩ lại cùng với
áp lực từ bên ngoài, nhất là áp lực của Mỹ, Nato và EU đối với
chính quyền Kiev.
Đó là lý do Xạo Sự tôi viết bài “Ánh
Sáng Cuối Đường Hầm” ngày hôm nay.
Nhân đầu tuần này, xạo tôi đọc được bài
viết có tựa đề “Ukraine And The Shadow Of Korea” (Ukraine Và Bóng
Ma Triều Tiên) trên Financial Times ngày 12/12/2022 của Gideon
Rachman, nội dung bài viết khiến xạo tôi hình dung ra ngay, có
thể chiến tranh Nga–Ukraine sẽ kết thúc như giải pháp “Bàn Môn
Điếm” năm 1953 chăng!? Có thể lắm, vì nó mang tính chất thực tế
và hữu hiệu nhất, để đưa đến việc “ngừng bắn” của đôi bên. Hai
cuộc chiến Nga–Ukraine và Nam Bắc Triều Tiên tuy hình thức khác
nhau nhưng bản chất thì tương tự như nhau. Sau lưng hai cuộc
chiến này vẫn là hai anh khổng lồ Mỹ–Nga, khác nhau ở chỗ, Triều
Tiên thì Mỹ trực tiếp tham chiến tại mặt trận, còn Ukraine thì
Nga.
Khi chiến
tranh Nga–Ukraine bùng nổ từ cuối tháng hai 2022, chỉ trong vòng
10 ngày đầu, Hồng Quân Nga từ biên giới Belarus tiến quân chớp
nhoáng áp sát thủ đô Kiev trên dưới khoảng 20 Miles, giới quan
sát và dư luận cho rằng Kiev sẽ thất thủ trong vòng một thời gian
ngắn, nhưng quá bất ngờ, Mạc Tư Khoa ra lệnh lui quân! Cuối tháng
3/2022, Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga tuyên bố “Giai đoạn một của
chiến dịch quân sự kết thúc tốt đẹp” mà không ai biết có giai
đoạn hai hay không và sẽ như thế nào. Cho đến cuối tháng tư đầu
tháng năm mới thấy rõ kế hoạch giai đoạn 2 của Putin, dốc toàn
lực để chiếm toàn bộ lãnh thổ Donbass gồm hai tỉnh Lugansk và
Donetsk và vùng phía nam Ukraine giáp ranh với Crimea và biển Hắc
Hải. Chiếm Kherson nhưng lại bỏ ngõ Odessa?
Rồi từ đó đến nay, tin mới nhất Ukraine
ăn mừng chiến thắng tái chiếm Kharkiv, Kherson, máy bay không
người lái tấn công các căn cứ không quân của Nga chỉ cách Mạc Tư
Khoa 150km, phía Nga thì tuyên bố nã hàng trăm rocket vào thủ đô
Kiev, thiêu hủy nhà máy phát điện ở Odessa, v.v. và v.v., hai bên
khai thác tối đa bộ máy tuyên truyền chiến tranh tâm lý để cổ võ
cho mình, hai bên cứ tha hồ tuyên bố chiến thắng này qua chiến
thắng khác trong khi cuộc chiến không ai biết đến bao giờ mới kết
thúc, người dân Ukraine vẫn phải chịu khổ nạn chiến tranh ngày
càng bi thảm!!!
Giờ thì đã đến lúc có một chút ánh sáng
le lói ở cuối đường hầm.
Khi Putin tuyên bố bốn (4) tỉnh
Lugansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson sáp nhập vào lãnh thổ
Nga đầu tháng 10/2022 thì giới quan sát chính trị nhận định rằng
có thể tới đây sẽ có một giải pháp nào đó để tạm thời ngừng bắn
tại chỗ. Giới bảo thủ thì cho rằng mọi vận động ngoại giao để
chấm dứt chiến tranh Ukraine chẳng qua là hình thức một hiệp ước
Munich năm 1938. Đối với một số người cánh tả thì cuộc chiến
Ukraine có nguy cơ biến thành cuộc chiến Việt Nam, Hiệp Định
Geneve 1954 và Hiệp Định Paris 1973.
Hiệp ước Munich 1938 cho phép Đức sáp
nhập những phần đất của Tiệp Khắc vào lãnh thổ Đức, nơi đa số dân
Đức sinh sống và làm việc, đó là vùng đất có tên “Sudetenland”.
Sudetenland có một địa thế chiến lược rất quan trọng của Tiệp
Khắc, bởi vì hầu hết những tuyến phòng thủ biên giới nằm ở vùng
này và cả những khu vực kỹ nghệ nặng cũng nằm ở đó. Tiệp Khắc
không được mời tới hội nghị, nên đã cho là mình đã bị phản bội
bởi Vương quốc Anh và Pháp, cho nên người Séc và người Slovak gọi
đó là “Hiệp Ước Cưỡng Bức và Phản Bội”.
Hiệp Định “Ngừng Bắn” Geneve 1954 của
Việt Nam, vì áp lực của Nga và Mỹ, Pháp và Hà Nội phải miễn cưỡng
ký kết chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17. Ngay sau đó Mỹ đưa Cụ Ngô
về nước chấp chính và hủy bỏ cuộc tổng tuyển cử, hất cẳng Pháp ra
khỏi Đông Dương. Cuộc chiến tranh nam bắc xảy ra và tiếp diễn hơn
20 năm cho đến khi miền Nam đầu hàng.
Trước đó một năm Hội Nghị Bàn Môn Điếm
1954 giữa ba bên, Bộ Tư Lệnh Quân Sự Liên Hiệp Quốc, Quân Đội
Giải Phóng Nhân Dân Trung Cộng và Quân Đội Nhân Dân Triều Tiên
cùng với sự giám sát của Lực Lượng Thái Bình Dương của Mỹ. Một
thỏa thuận đình chiến đã được ba bên ký kết ngày 27/7/1953. Thỏa
thuận này đã thiết lập một khu phi quân sự rộng 4km dọc theo
đường ranh giới đình chiến, phân chia bán đảo Triều Tiên thành
hai quốc gia riêng biệt Bắc và Nam. Quân đội và tất cả vũ khí
hạng nặng của cả hai miền nam bắc tuyệt đối cấm hiện diện trên
vùng đất phi quân sự này.
Cái khác biệt của ba hiệp ước quan
trọng này là:
– Hiệp Ước Munich 1938. Sau khi Đức thất trận, vùng đất
Sudetenland được trả về cho Tiệp Khắc, nhưng toàn thể đất nước
Tiệp Khắc rơi vào tay của cộng sản Liên Bang Xô Viết ngay sau khi
chiến tranh kết thúc.
– Hiệp Định Geneve 1954. Sau khi Pháp
thất trận Điện Biên Phủ, và sau khi ký kết hiệp định đình chiến,
chiến tranh vẫn tiếp diễn hơn hai mươi năm giữa Nam Quốc Gia, Bắc
Cộng sản và cuối cùng kết thúc vào ngày 30/4/1975 tưởng không cần
nhắc lại.
–
Hiệp Định Bàn Môn Điếm 1953. Sau khi ký kết và chia đôi nam bắc,
nhà ai nấy ở, con ai nấy nuôi, cơm ai nấy ăn, hoàn toàn không có
tiếng súng giao tranh thù địch giữa nam bắc. Miền Bắc Cộng sản vì
là con nhà nghèo (Nga–Tàu) nên èo uột lớn không nổi. Nam Triều
Tiên con nhà giàu (Mỹ) nên lớn như thổi, tựa như Phù Đổng Thiên
Vương, chỉ sau hơn một thập niên trở thành một trong những con
rồng Á Châu. Suốt 70 năm nay (1953–2022) sau khi ký Hiệp Định
Đình Chiến, không có một sự xung đột vũ trang nào xảy ra của hai
miền, chỉ có Bắc Hàn hung hăng đánh võ mồm bằng mấy giàn hỏa tiễn
làm kiểng cho sân khấu chính trị vùng Đông Á thêm hoa hòe hoa sói
cho vui vậy thôi, trong khi nhận gạo tiếp tế từ Nam Hàn.
Phân tích một cách tổng quan ba hiệp
ước nói trên để làm căn bản cho bài viết “Ánh Sáng Cuối Đường
Hầm” hôm nay.
Theo như nhận định của Gideon Rachman trong bài viết “Ukraine Và
Bóng Ma Triều Tiên” thì giới chính trị ngoại giao Mỹ và EU đang
vận dụng mưu tìm một giải pháp tương tự như “Bàn Môn Điếm” của
Triều Tiên cho Ukraine. Có nghĩa là một “Hiệp Định Đình Chiến”
chứ không phải một “Hiệp Ước Hòa Bình” chính thức. Đình chiến là
hai bên ngừng không đánh nhau nữa, ở đâu ở đó, chờ một giải pháp
chính trị do sự thỏa thuận đôi bên để đi đến hòa bình dưới sự
giám sát và bảo vệ của Liên Hiệp Quốc. Nếu cả hai bên thỏa thuận
và chấp nhận giải pháp “Bàn Môn Điếm” ngay vào lúc này thì
Ukraine phải chịu thiệt thòi rất lớn, phải chấp nhận mất một phần
lãnh thổ khoảng 20% đang bị Nga chiếm đóng, giữ phần đất còn lại
khoảng 70%–80% để làm “con nuôi” hay “em nuôi” của những đại gia
Mỹ và EU vào thời hậu chiến tương tự như Nam Hàn. Về phía Nga
phải cam kết là “dừng bước tại chỗ”, chấp nhận và hoan hỷ cho
Ukraine gia nhập Khối Liên Âu, và để tỏ thiện chí hòa bình đối
với cả thế giới là có thể để cho Ukraine gia nhập Nato, ngược lại
Nato phải cam kết là không dùng Ukraine làm bàn đạp để đe dọa nền
an ninh quốc gia của Nga.
Sỡ dĩ tác giả bài viết nói đến “Bóng Ma
Triều Tiên” là vì có những tia ánh sáng hy vọng chiến tranh sớm
chấm dứt qua cuộc đàm phán với những nguyên nhân sau đây:
– Sau gần một năm cuộc chiến, Nga và
Ukraine nhận chân sự thật là cả hai đều không thể đạt được chiến
thắng hoàn toàn cuối cùng được.
– Lập trường chính trị của cả đôi bên
quá khác biệt khó có thể đạt đến một thỏa thuận hòa bình lâu dài
được.
– Sự
thiệt hại và tổn thất của cả đôi bên đã đến mức khó có thể chịu
đựng tiếp được. Đó là chưa kể đến ảnh hưởng trực tiếp đến Liên Âu
và cả thế giới nữa.
Đã đến lúc Mỹ và EU phải xét lại và
chẳng những gây áp lực mạnh hơn với Nga mà còn phải gây áp lực
với chính quyền Kiev cứng rắn hơn, không chiều chuộng như trước
đây nữa.
Trên
đây cũng chỉ là những dự kiến hay tiên đoán trên lý thuyết mà
thôi, còn trên thực tế thì với hai bộ óc “cứng đầu cứng cổ” của
Zelensky và Putin khó mà thuyết phục được.
Cho đến bây giờ, Zelensky vẫn một mực
khẳng định rằng nếu phương tây viện trợ đầy đủ khí tài, quân dân
Ukraine sẽ quyết tâm chiếm lại lãnh thổ ngay cả Crimea. Dân tộc
Ukraine có những lý do mạnh mẽ về đạo đức và tồn vong sự sống còn
của dân tộc họ để tiếp tục chiến đấu. Qua những hành động tàn bạo
của hồng quân Putin trong suốt thời gian chiến tranh vừa qua,
lòng hận thù Nga ngày càng sâu đậm, nên ý tưởng sống hòa bình với
chính quyền Nga là một điều khó chấp nhận được. Và quan trọng hơn
hết là Kiev không tin tưởng những điều cam kết của Nga, tương tự
như Hiệp Định Paris năm 1973 của Việt Nam. Nhược điểm sinh tử của
Ukraine là sự sinh tồn của Kiev hoàn toàn lệ thuộc vào sự chi
viện của nước ngoài giống như Việt Nam Cộng Hòa trước đây.
Về phía Nga thì Mạc Tư Khoa vẫn cho
rằng mình đã chiến thắng, nhưng thực tế thì Putin đã thất bại.
Tính đến nay có khoảng trên dưới 100 ngàn binh sĩ Nga tử thương
hoặc bị thương, dần dần bị cô lập về kinh tế thương mại tài chính
ảnh hưởng đến đời sống dân sinh của người Nga cũng là một vấn đề
khiến cho Putin phải suy nghĩ lại. Putin và Điện Cẩm Linh vẫn
không thừa nhận thảm họa xảy ra là do Nga khởi động, đồng thời
luôn phủ nhận tội ác chiến tranh do Putin gây ra. Buộc Nga phải
lui quân về biên giới trước tháng 2/2022 đã khó, buộc quân Nga
phải rút quân trở lại nguyên trạng trước năm 2014 thì quả là một
điều không tưởng bất khả thi.
Nói một cách rõ ràng minh bạch hơn là
“NẾU” (Xin nhấn mạnh chữ nếu ở đây) cả
hai
Kiev và Moscow thỏa thuận đình chiến ngay bây giờ theo mô hình
Bàn Môn Điếm của Triều Tiên thì 80% diện tích lãnh thổ của
Zelensky có viễn ảnh tương lai là một Nam Hàn thứ hai. 20% lãnh
thổ và bán đảo Crimea sẽ trở thành một Bắc Hàn thứ hai. Dĩ nhiên
không thể thiếu vắng sự cam kết bảo đảm của phương tây, nhất là
Mỹ, Nato và EU. Bảo đảm một nền hòa bình giữa đông và tây Ukraine
tương tự như nam bắc Hàn, một nền hòa bình ổn định kéo dài hơn 70
năm nay trong phát triển và thịnh vượng.
Đó là lý do tại sao ngày 16/11/2022
Tướng Mark Milley, chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân
Hoa Kỳ kêu gọi Chính quyền Zelensky:
– Ukraine không thể đạt được một chiến
thắng quân sự đồng thời nhấn mạnh rằng
mùa đông này có thể là một
cơ hội để tiến hành các hoạt động ngoại giao. Khi có cơ hội đàm
phán, khi có thể đạt được hòa bình, hãy nắm lấy nó. Hãy nắm bắt
thời điểm này.
Một tháng trước đây, lời kêu gọi này bị
Kiev giận dữ phản đối, nhưng sau những cuộc tấn công dữ dội bằng
hỏa tiễn trong vài tuần qua, có thể khiến Zelensky phải xét lại
lời kêu gọi này và cũng có thể khiến Putin đem cuộc chiến này lên
bàn cân để cân đo đong đếm trở lại khi mùa đông đang đổ nhưng cơn
bão tuyết ngập tràn vạn vật của cả đôi bên.
Trong chính trị ngoại giao mọi điều đều
...“Có Thể”!!!
Xạo tôi thiển nghĩ đã đến lúc Ukraine
và Nga cần ôn lại câu nói chiến lược của Lenin:
“Lùi Một Bước Để Tiến Lên Hai Bước”.
Không nhẫn nhịn nhau ngay lúc này thì
kẻ chiến thắng cuối cùng là... Hoa Kỳ!!!
Thân Kính Chúc Một
Mùa Giáng Sinh An Bình Trong Vòng Tay Chúa.
Út Bạch
Lan
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
|
Hình nền: Đêm Thánh với muôn muôn vàn vì tinh tú... Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Mai Loan chuyển
Đăng ngày Chúa Nhật, December 18, 2022
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang