Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Văn Hoá
Chủ đề:
Tiếng Việt
Tác giả:
BS Trần Văn Tích
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Từ điển là tài liệu
tham khảo có chức năng chính là giải thích từ ngữ; ngoài ra từ
điển còn chú trọng cách viết từ ngữ sao cho đúng chính tả. Cộng
đồng người Việt lưu vong tỵ nạn cộng sản tồn tại kể ra đã hơn bốn
mươi năm nhưng không hề có một cuốn từ điển tiếng Việt nào in
trên giấy, dẫu rằng chúng ta có Văn bút Việt nam Hải ngoại, Hội
Việt học, Thư viện Việt ngữ và không biết bao nhiêu là hội nhà
văn cũng như hội nghị bàn thảo về ngôn ngữ học tiếng nước nhà.
Hơn nữa, những câu chuyện bất đồng ý kiến về chính tả, về phát
âm, về ý nghĩa, về cấu trúc Việt ngữ xảy ra rất thường xuyên,
nhất là từ ngày có kỹ thuật điện toán và mạng lưới internet.
Hai mẩu chuyện vui vui và vô
hại
Hạ bộ
Trong mấy tuần lễ vừa qua, có chuyện
lời qua tiếng lại giữa hai nhân vật cộng đồng, một nam một nữ.
Nhân vật nam mô tả nhân vật nữ như sau: “Y thị (là) một con đầy
tớ (...) tay vỗ bành bạch vào hạ bộ.”
Xin ghi ra đây các từ điển-tự điển
giảng nghĩa “hạ bộ” là “bộ phận sinh dục của đàn ông”:
Việt Nam Tự điển, Hội Khai Trí Tiến
Đức: “hạ bộ” tức là dương vật
Việt Nam Tự điển Lê Văn Đức-Lê Ngọc
Trụ: “hạ bộ” bộ phận sinh dục đàn ông.
Từ điển Tiếng Việt Hoàng Phê: “hạ bộ”
phần ngoài của cơ quan sinh dục ở đàn ông.
Từ điển Tiếng Việt Văn Tân: “hạ bộ” bộ
phận sinh dục ngoài của đàn ông.
Từ điển Tiếng Việt Nguyễn Văn Đạm: “hạ
bộ” bộ phận sinh dục ngoài của đàn ông.
Sổ tay từ Hán Việt, Phan Văn Các-Lại
Cao Nguyện: “hạ bộ” bộ phận sinh dục ngoài của đàn ông.
Chỉ riêng Hán Việt Tự điển Trần Trọng
San ghi “hạ bộ” là phần dưới.
Còn chữ Hán thì có khi dùng chữ “hạ
thân” để chỉ phần dưới cơ thể, đôi khi để chỉ bộ phận sinh dục.
Kết luận: “hạ
bộ” là tiếng Hán-Việt nhưng ngôn ngữ Việt Nam dùng
với ý nghĩa khác với ngôn ngữ Hán tộc. Phải chăng đây cũng là
trường hợp các từ: bác sĩ, thủ đoạn, đáo để, tử tế, đinh ninh,
lịch sự, v.v.
Chữ “phản biện” là chữ của Miền Bắc, nó có nghĩa riêng, không
phải là criticism.
Có người viết bài phê bình văn hoá
tranh luận của người Việt, nhân đó nhắc đến “phản biện” và ghi
thêm từ tương đương trong tiếng Anh là “criticism”. Tác giả có
nhiều điều không đúng, xét về mặt thuần túy ngôn ngữ.
Thứ nhất, từ “phản biện” chỉ có Miền
Bắc dùng, trước 75 không hề thấy nó xuất hiện trên sách báo tại
Miền Nam. “Phản biện” có ý nghĩa rất độc đáo, “phản biện” là đánh
giá phẩm chất một công trình khoa học được đưa ra bảo vệ để lấy
học vị trước hội đồng giám khảo.
Thứ hai, và đứng vào vị trí của người
nghiên cứu về từ điển học, tiếp vĩ ngữ ism trong tiếng Anh, isme
trong tiếng Pháp đã được dịch thống nhất là “chủ nghĩa”. Ví dụ:
marxisme: chủ nghĩa Mác, impérialisme: chủ nghĩa thực dân,
communisme: chủ nghĩa cộng sản, nationalisme: chủ nghĩa quốc gia.
Có cả hàng trăm từ ngữ Tây phương dùng suffixe ism, isme và khi
chuyển sang Việt ngữ, nên dịch nhất quán là “chủ nghĩa”. Cho nên
criticism nên dịch là “chủ nghĩa phê bình”.
Xin nhấn mạnh là criticism không phải
là một chủ nghĩa hiểu theo quan điểm chính trị nhưng ngôn ngữ cần
có những nguyên tắc tạo từ cơ bản và thống nhất, do đó mới có đề
nghị chuyển criticism thành “chủ nghĩa phê bình”; tương tự như
vậy, formalisme là chủ nghĩa hình thức, impressionisme là chủ
nghĩa ấn tượng, structuralisme là chủ nghĩa kết cấu, v.v. Trong
các trường hợp này, hai chữ “chủ nghĩa” biểu thị nội hàm quan
điểm, ý thức, tư tưởng mang tính hệ thống về văn học, chẳng phải
về chính trị.
Sử dụng sai lầm “phản biện” thay cho “phản bác” là một hiện tượng
khá phổ biến trong sinh hoạt văn học hải ngoại.
Sử dụng/Xử dụng
Chữ “sử dụng” là một từ Hán-Việt. Đối
với các từ Hán-Việt, muốn biết chính tả chính xác thì phải căn cứ
vào phép phiên thiết và căn cứ vào phiên thiết thì phải viết sử
trong sử dụng với chữ s; nói cách khác, phải viết sử dụng mới
đúng, viết xử dụng là sai.
Bên Hoa Kỳ có nhà văn thành lập một cơ
sở ấn loát phát hành đặt tên là Tiếng nước mình. Một nữ tác giả ở
bên Pháp gửi thành quả trí tuệ cho nhà xuất bản để nhờ in. Trong
tác phẩm của mình bà viết “sử dụng” với s. Chủ nhân cơ sở ấn
loát-phát hành viện dẫn những “tiêu chí” (sic) do bản thân ông
phát minh để bắt buộc nữ sĩ phải viết “xử dụng”, nghĩa là với x.
Thấy chuyện vô lý và sai lầm, tôi lên tiếng và được nữ tác giả
nạn nhân hoan nghênh. Một vị túc nho ở Hoa Kỳ cũng đồng ý với
chúng tôi. Được thỉnh ý về vụ này, nhà văn phụ trách cơ sở ấn
loát-phát hành bảo ông không bận tâm, ông còn nhiều việc khác
phải làm. Không rõ những việc khác phải làm là những việc gì
nhưng chắc chắn không phải là việc biên soạn từ điển đơn ngữ
Việt-Việt. Câu chuyện này mang hơi hướng bi kịch.
Mang màu sắc hài kịch là chuyện thầy
giáo dạy Việt văn tại một trường đại học Mỹ. Anh thuộc thế hệ thứ
hai trong cộng đồng tỵ nạn và chắc chắn anh không có cuốn tự
điển-từ điển đơn ngữ tiếng Việt nào trong tủ sách gia đình, mặc
dầu anh dạy tiếng mẹ đẻ. Anh phân vân không biết viết “sử dụng”
đúng hay viết “xử dụng” đúng. Lợi dụng internet, anh đưa vấn đề
lên hỏi ý bà con trên mạng. Có chừng hai, ba chục người góp ý; kẻ
bảo s mới đúng, người bảo x mới phải. Tôi cũng trình bày với anh
là phải viết với s, nhưng tôi không giải thích tại sao vì biết
anh không thể nào hiểu được phép phiên thiết. Vì số người đề nghị
nên viết với s và số người cho rằng nên viết với x không chênh
lệch bao nhiêu nên anh áp dụng biện pháp kiểm phiếu (chắc anh
theo Cộng hoà, như Tổng thống Đỗ Anh Trâm chế giễu?) với kết quả
là số người đề nghị viết “sử dụng” với x nhiều hơn! Anh quyết
định dạy học trò của anh viết “xử dụng”! Cung cách cư xử này
khiến tôi nhớ tới chuyện cán ngố dạy nhân dân học tiếng Tây. Một
hôm cán ngố mở lớp dạy tiếng Tây cho nhân dân ta. Gặp chữ table
trong tiếng Tây, cán ngố không biết nó giống đực hay giống cái
nên lấy biểu quyết. Kết quả đa số trong nhân dân giơ tay biểu
quyết table là giống đực, từ đó tiếng Tây phải ghi le table là
cái bàn.
Từ điển tiếng Việt hai Miền
Tôi xin thử so sánh Việt-Nam Tự-điển
của Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ (Miền Nam) với Từ điển Tiếng Việt do
Hoàng Phê chủ biên (Miền Bắc).
Từ điển Miền Bắc triệt để tôn trọng thứ
tự theo vần chữ cái abc, tự điển Miền Nam chủ trương tôn trọng
“nghĩa gốc mỗi tiếng đồng âm mà tách rời những tiếng phụ ra”. Cho
nên Hoàng Phê ghi lần lượt ban ân, ban bố, ban đêm trong khi Lê
Văn Đức-Lê Ngọc Trụ ghi ban chiều, ban đêm vào một nhóm và tách
ban ân, ban bố ra thành nhóm thứ hai. Người tra từ điển thấy lề
lối trình bày của Hoàng Phê khoa học hơn, hợp lý hơn, tiện lợi
hơn.
Từ điển
Miền Bắc có chữ “bộ sậu”, tự điển Miền Nam không ghi. Hoàng Phê
không ghi hai chữ “vọng động”, Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ ghi với
nghĩa hơi lạ: “vọng-động” là động-dụng, xảy ra việc có dính dáng
đến: Hễ có vọng-động chi thì sợ quýnh lên. Dường như trong ngôn
ngữ hằng ngày, chúng ta không dùng “vọng động” theo nghĩa vừa
được ghi. Nhị vị họ Lê không ghi “nhà nước”, “tha hoá”, “ươn, ưỡn
và ưỡn ẹo”; những chữ đó đều được tác giả họ Hoàng ghi.
Khái niệm “vô hình trung”
được Nam Bắc định nghĩa khác nhau gần như một trời một vực, chưa
kể Miền Nam viết có gạch nối còn Miền Bắc thì không. Theo Lê Văn
Đức-Lê Ngọc Trụ thì:
“vô hình trung:
Tóm lại, rút ra những phần cốt-yếu mà khó thấy: Làm chánh-trị
phải có nhiều thủ-đoạn để giải-quyết trăm ngàn việc khó-khăn
phức-tạp; nhưng vô-hình-trung, là làm cho nước mạnh dân giàu,
an-cư lạc-nghiệp.”
Trong khi đó Hoàng Phê giải thích:
“vô hình trung:
Tuy không có chủ định, không cố ý, nhưng tự nhiên là. Anh không
nói gì, vô hình trung đã làm hại nó.”
Cá nhân người gõ những dòng này sử dụng
“vô hình trung” theo nghĩa do từ điển Miền Bắc ghi, đồng
thời cũng ghi nhận là nhiều người ở hải ngoại viết sai chính tả
thành “vô hình chung”.
Tự điển Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ có nhiều
phần phụ lục như Phụ lục Thành ngữ, Tục ngữ, Điển tích; Phụ lục
Nhân danh, Địa danh mà từ điển Hoàng Phê không có.
Cần có một bộ từ điển “quốc
gia”
Văn bút Việt Nam Hải ngoại, Hội Việt học, các thư viện Việt ngữ,
các cuộc hội nghị về Việt ngữ ở hải ngoại không có dự án biên
soạn từ điển tiếng Việt thì một nhóm người có thiện chí đứng ra
làm. Chư vị biên soạn từ điển tiếng Việt rồi tiến thêm bước nữa,
biên soạn từ điển tam ngữ đối chiếu Việt-Pháp-Anh. Sau đây xin
phép trình bày trích đoạn một phần “Lời phi lộ” của nhóm
với niềm tin tưởng nhóm sẽ chấp nhận cho trích dẫn.
Trích: “Xem
lại các từ điển cũ (được ấn hành trong nước trước năm 1975 tại
miền Nam Việt Nam) và mới (được ấn hành sau năm 1975 tại Việt
Nam), chúng tôi thấy chúng rất công phu và tương đối đầy đủ, từ
đó thấy được sự cố gắng của các soạn giả. Tuy nhiên, một số từ
được các vị ấy giải thích theo sức hiểu của dân gian mà không dựa
trên các yếu tố khoa học, nên việc định nghĩa đã không chính xác.
Cũng có một số từ mới xuất hiện sau này chưa được cập nhật. Ngoài
ra, có tác giả được học tập và sinh hoạt trong trường Đảng cộng
sản, và lớn lên trong hai cuộc chiến Việt-Pháp và Nam-Bắc, nên
cách giải thích từ dựa trên quan điểm đấu tranh giai cấp và thù
hận, trích dẫn các câu nói của các lãnh tụ của Đảng, và coi chúng
là khuôn vàng thước ngọc cho ngôn ngữ để làm thí dụ cho giải
thích của mình, nên nội dung cuốn từ điển không khác nào một tập
tài liệu tuyên truyền.
Hơn thế nữa, khi theo dõi các chương
trình trên các phương tiện truyền thông từ trong nước cho đến hải
ngoại, người ta không khỏi băn khoăn lo ngại cho sự trong sáng
của tiếng Việt. Trên các chương trình phát thanh, phát hình, hay
báo chí chính thức của nhà cầm quyền đương thời, người ta đã thấy
những từ, tuy cũ và rất thông dụng, bị dùng sai cả về văn phạm
lẫn ý nghĩa, không phải một đôi lần mà là thường xuyên hàng ngày,
không phải từ cá nhân người đọc tin hay diễn xuất trên màn hình,
mà từ các bản văn chính thức của nhà nước. Bởi thế, việc phải
chọn các từ Việt ngữ nào được coi là chuẩn, là đúng, để dịch qua
tiếng Anh, tiếng Pháp, cũng lại là một vấn đề cần lưu tâm.”
Hết trích.
Các soạn giả nói đúng. Người trong
nước, người ngoài nước dùng bừa bãi các chữ “ấn tượng”,
“thần tượng” vốn là danh từ thành động từ, tính từ. Chữ
“hoành tráng” được sử dụng một cách thật lố lăng.
Xin miễn kể thêm.
Chỉ xin kể là nhóm biên soạn đang làm
việc rất tích cực nhằm tìm những đơn vị từ ngữ tương đương chính
xác trong tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Một tiểu ban hiệu
đính cũng đang thành hình.
Bài viết này xin dành tặng những anh em
có lòng với ngôn ngữ dân tộc vào thời điểm tiếng nói và chữ viết
của chúng ta đang bị đe dọa. Tổ quốc như con cá nằm trên thớt
dưới tay tên đồ tể Tàu cộng. Dân tộc đang chịu đựng nguy cơ bị
đồng hoá vì đám chóp bu Việt cộng đã bán đất, bán biển, bán đảo
giờ đang chuyển sang bán dân. Cho nên hơn bao giờ hết, cần một
cuốn hay một bộ từ điển-tự điển tiếng Việt mang các đức tính nhân
bản, khai phóng của nền văn hoá quốc gia, của nền văn hoá Việt
Nam Cộng Hoà.
19/11/2013
BS Trần Văn Tích
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Mùa Lễ Tạ Ơn 2018
Cám Ơn Tấm Lòng Thế Giới
Lời Cám ơn trong ngày Thanksgiving
Soạn Từ điển tiếng Việt
Lời
Cám Ơn
Lời Tri Ân
Tạ Ơn Hoa Kỳ
Trọn đời Tạ ơn
Vẫn thèm Món quê
Tâm Thành Tạ Ơn
Người lính Khố Xanh
Người Lính VNCH
Từ "quốc gia" trong Pháp, Mỹ và Việt ngữ
Hương vị nước Tương Maggi của Pháp
Tiệc Mừng Lễ Tạ Ơn 2018 Của Hội Thân Hữu Quảng Đà Vùng Đông Bắc HK
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Mùa Tạ Ơn. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by tvt chuyển
Đăng ngày Thứ Năm,
November 22, 2018
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang