Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Trang
Tin tức
Chủ đề:
Lịch sử
Tác giả:
Liên Thành
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Nam California. USA
Ngày 3 tháng 5/2020
Nguyễn Phúc Liên Thành
Thân mến gởi: Anh Lê Xuân Nhuận.
Về Việc: Một số sĩ quan và hạ sĩ quan
thuộc Bộ Chỉ huy Cảnh sát Quốc gia Thừa Thiên yêu cầu tôi lên
tiếng để TRẢ LẠI SỰ THẬT CHO VỤ KHÔNG TẶC VÀO CHIỀU THỨ BẢY, NGÀY
20 THÁNG 4 NĂM 1974 TẠI PHI TRƯỜNG PHÚ BÀI, HUẾ.
Khi họ đọc bài: “TRUNG TÁ TRẦN PHƯỚC
THÀNH” do Anh Lê Xuân Nhuận đăng trên diễn đàn điện tử ngày
1/5/2020 hồi 12:40 chiều.
Nhưng trước khi đi vào câu chuyện, tôi
xin gởi lời thăm anh Nhuận cùng gia quyến có được sức khỏe và sự
bình yên trong thời gian đại dịch Covid–19 đang làm cả thế giới
kinh hoàng.
Anh Lê Xuân Nhuận thân mến,
Khi đọc bài viết của anh về vụ không
tặc tại phi trường Phú Bài, tôi rất ngạc nhiên vì nhiều sự kiện
anh nêu ra đã không đúng với những gì đã xảy ra tại hiện trường.
Tôi xin thưa với anh sự việc đã xảy ra
như sau:
Vào
chiều thứ Bảy, ngày 20 tháng 4 năm 1974, chứng nhân và tác nhân
vụ không tặc tại phi trường Phú Bài là những người chỉ huy và
chịu trách nhiệm an ninh tại Thừa Thiên–Huế sau đây:
1/ Thiếu tá Liên Thành, Chỉ huy Trưởng
Bộ Chỉ huy Cảnh sát Quốc gia Thừa Thiên–Huế;
2/ Thiếu tá Nguyễn Văn Ngôn, Chỉ huy
Phó Bộ Chỉ huy Cảnh sát Quốc gia Thừa Thiên–Huế (hiện đang cư trú
tại South Dakota, USA);
3/ Thiếu tá Trương Công Ân, Phụ tá
ngành Cảnh sát Đặc biệt Bộ Chỉ huy Cảnh sát Quốc gia Thừa
Thiên–Huế (đã mất tại Nam California ngày 14/10/2017);
4/ Đại úy Trần Văn Tý, Đại đội trưởng
Đại đội 102, Cảnh sát Dã chiến thuộc Bộ Chỉ huy Cảnh sát Quốc gia
Thừa Thiên–Huế (hiện đang cư trú tại thành phố San Diego,
California, USA];
5/ Đại úy Bác sĩ Chung Châu Hồ, Đại đội
Phó Đại đội 102, Cảnh sát Dã chiến, Bộ Chỉ huy Cảnh sát Quốc gia
Thừa Thiên–Huế (đã mất tại Việt Nam);
5/ Ba (3) Trung đội Cảnh sát Dã chiến
gồm khoảng hơn 120 người tham dự nội vụ nói trên (một số hiện
đang ở rải rác tại California và các Tiểu Bang khác của Hoa Kỳ);
6/ Đại úy Phạm Bá Nhạc, Chỉ huy Trưởng
Bộ Chỉ huy Cảnh sát Quận Hương Thủy (hiện cư trú tại San Diego,
USA);
7/ Thiếu
úy Hồ Đình Chi, Phụ tá ngành Đặc biệt Bộ Chỉ huy Cảnh sát Quốc
gia Quận Hương Thủy (đã mất tại Louisiana).
Vào khoảng quá trưa ngày thứ Bảy, ngày
20 tháng 4 năm 1974, tôi đang ngồi làm việc thì chuông điện thoại
trong phòng reng lên. Tôi nhấc máy thì đầu dây bên kia:
–Trung tá Tạo đây, Liên Thành. Em giữ
máy nhận lệnh khẩn cấp của Thiếu tướng Tư lệnh. (Trung Tá Tạo là
Chánh văn phòng của Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình, Tư lệnh Cảnh
sát Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa).
Tôi chưa kịp trả lời Trung tá Tạo thì
đã nghe tiếng của Thiếu tướng Tư lệnh.
–Thiếu tướng Bình đây Liên Thành, mình
bị không tặc.
Một phi cơ Air Việt Nam rời phi trường Liên Khương Đà Lạt, bay từ
Đà Lạt và đáp xuống Quy Nhơn, rồi từ Quy Nhơn bay ra phi trường
Đà Nẵng là điểm đến cuối cùng. Nhưng khi máy bay rời Quy Nhơn
Khoảng 15 phút thì có một thanh niên khoảng 21 tuổi, đưa một mảnh
giấy nhỏ cho phi hành đoàn. Trên mảnh giấy có hàng chữ: “Yêu cầu
cho máy bay bay ra phi trường Đồng Hới, nếu không sẽ cho nổ máy
bay”. Dưới mảnh giấy nhỏ nó ghi tên là Nguyễn Cửu Viết. Trong lúc
đó, tay nó cầm 1 trái lựu đạn M–26 [loại mini].
Phi công trưởng chiếc máy bay Air Việt
Nam này là Đại tá Dương Văn Em. Đại tá Em đã liên lạc với cục
Hàng Không Air Việt Nam để xin lệnh.
Cục Hàng Không Air Việt Nam đã liên lạc
với Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình và Thiếu tướng đã yêu cầu họ –
bằng mọi giá — phải đáp chuyến bay đó xuống phi trường Phú Bài,
Huế. Tại phi trường Phú Bài, Huế sẽ có lực Cảnh sát của Bộ Chỉ
huy Cảnh sát Quốc gia Thừa Thiên–Huế giải quyết. Thiếu tướng yêu
cầu Đại tá Em liên lạc với Thiếu tá Liên Thành, Chỉ huy trưởng Bộ
Chỉ huy Cảnh sát Quốc gia Thừa Thiên qua hệ thống kiểm soát không
lưu của phi trường Phú Bài, Huế, để cùng phối hợp hành động.
–Liên Thành, đây là lệnh của Thiếu
tướng: “Phải bắt sống tên đó, tránh thiệt hại cho hành khách và
phi hành đoàn. Em và Trung tâm hành quân Cảnh lực Bộ Chỉ huy Cảnh
sát Thừa Thiên–Huế phải báo cáo từng chi tiết của mỗi hành động
về cho Thiếu tướng ngay.”
Tôi trả lời Thiếu tướng Tư lệnh:
–Em nhận rõ lệnh Thiếu tướng 5/5. Em là
người sẽ chỉ huy một toán Đặc biệt đột nhập lên phi cơ, và xin
phép Thiếu tướng trong trường hợp không thể bắt sống được nó, em
buộc lòng phải nổ súng hạ sát tên này.
Thiếu tướng Tư lệnh:
–Em toàn quyền, tùy theo tình huống mà
giải quyết. Điều quan trọng là phải bảo vệ tối đa sinh mạng của
hành khách và phi hành đoàn.
Liên Thành:
–Nhận rõ và thi hành.
Cuộc điện đàm giữa tôi và Thiếu tướng
Tư lệnh chấm dứt.
Ngay lập tức tôi bấm máy gọi Đại úy
Trần Văn Trinh, Trung tâm trưởng Trung tâm Hành quân Cảnh lực
(Đại úy Trinh và gia đình hiện đang định cư tại Seattle, Tiểu
bang Washington, USA), bảo Trinh gọi Thiếu tá Ngôn Chỉ huy phó;
Thiếu tá Ân, Phụ tá ngành Đặc biệt; Đại úy Trần Văn Tý, Đại đội
trưởng, Đại Đội 102 Cảnh sát Dã chiến; yêu cầu họ mười lăm (15)
phút sau có mặt tại Phòng họp Trung tâm Hành quân Cảnh lực để họp
khẩn cấp. Tôi cũng không quên dặn Đại úy Trinh yêu cầu Thiếu tá
Ân gọi viên Cố vấn Cảnh sát Đặc biệt Bob Bellars [CIA] đến họp,
và Đại úy Trần Văn Tý gọi Viên Cố vấn cho Đại đội Cảnh sát Dã
chiến Vukovid (Tôi không nhớ họ của anh ta), thượng sĩ của Lực
lượng Đặc biệt Mỹ làm Cố vấn cho Đại đội Cảnh sát Dã chiến của
Đại úy Trần Văn Tý.
Chỉ khoảng 20 phút sau phiên họp bắt
đầu. Trinh làm thư ký ngồi viết biên bản buổi họp. Tôi trình bày
chỉ thị của Thiếu tướng Tư lệnh và sau đó để anh em và cố vấn Mỹ
góp ý kiến. Nhưng trước tiên phải sưu tra xem tên này có nằm
trong danh sách đen của phòng Cảnh sát Đặc biệt, và trong danh
sách hạ tầng cơ sở của Ủy ban Phượng hoàng tỉnh hay không. Rất
may là sau chưa đầy 15 phút, Thiếu tá Ân và Đại úy Trinh đều cho
biết tên Nguyễn Cửu Viết, người Huế, là tên Việt cộng nằm vùng
thuộc địa hạt Lăng Xã Bầu, quận Hương Thủy. Mậu Thân 1968 hắn với
du kích xã đã giết một số cán bộ xã ấp và đồng bào vô tội. Sau
Mậu Thân 1968 hắn bị lực lượng Đặc biệt và Ủy ban Phượng Hoàng
tỉnh truy nã gắt gao nên đã trốn lên Đà Lạt.
Trở lại vấn đề làm thế nào để hành động
theo lệnh của Thiếu tướng Tư lệnh. Chúng tôi cả Việt lẫn Mỹ đều
lắc đầu vì vấn đề quá khó.
1/ Cái khó thứ nhất là làm thế nào cho
nó tin là báy bay đã đáp xuống phi trường Đồng Hới.
2/ Cái khó thứ hai là làm sao đột nhập
lên phi cơ để hoặc bắt sống hoặc nổ súng hạ sát nó, vì nó đang
cầm trên tay trái lựu đạn M–26. Nếu nó cho nổ lựu đạn thì số
thiệt hại nhân mạng hành khách và phi hành đoàn sẽ rất lớn.
Mỗi người mỗi ý. Tôi là người phải
nhanh chóng đưa ra quyết định cuối cùng để còn phải chạy xuống
phi trường Phú Bài vì không còn nhiều thì giờ.
Để giải quyết vấn nạn thứ nhất,
a/ Tôi đề nghị ngụy trang phi trường
Phú Bài thành phi trường Đồng Hới bằng cách hạ cờ VNCH xuống và
treo cờ đỏ sao vàng lên trên chóp toà cao ốc của phi trường;
b/ Cho 6 Cảnh sát Dã chiến ngụy trang
thành bộ đội chính quy Bắc Việt với nón cối, dép râu, và súng
AK–47. Sáu nhân viên này đi qua đi lại tuần hành phía mặt toà cao
ốc, phía mà phi cơ sẽ đậu.
Bob Bellars Cố vấn Đặc biệt hỏi tôi:
–Chief Thanh, mấy thứ đó mình làm sao
có được.
Tôi
trả lời:
–Ông
đừng lo, mấy món đồ chơi này chúng tôi có sẵn. Thiếu tá Ân lấy
trong kho, giao cho Đại úy Tý.
Vấn nạn thứ hai:
Phân công trách nhiệm và hành động.
a/ Đích thân tôi chỉ huy 6 nhân viên và
Đại úy Tý đột nhập phi cơ. Tùy hoàn cảnh, nếu bắt sống được thì
quá tốt, còn bằng không phải bắn hạ nó, và tôi sẽ là người nổ
súng đầu tiên.
b/ Tôi, Tý và 6 nhân viên phải mặc đồ
phường phục để khi đột nhập vào được phi cơ sẽ lẫn lộn vào đám
hành khách thì nó sẽ không phát hiện. Chúng tôi sẽ dùng súng lục
(súng ngắn) chứ không dùng súng dài M–16.
c/ Tôi sẽ liên lạc để bàn việc này với
Đại tá Em, phi công trưởng, là cứ bình tĩnh đáp xuống, cho phi cơ
chạy vào chỗ đậu thường ngày, và mở cửa bên hông máy bay cho
chúng tôi đột nhập lên phi cơ.
d/ Ngoài ra tôi còn giao trách nhiệm
cho Thượng sĩ Vokovic dùng súng bắn tỉa, có máy nhắm, lên nằm
trên sân thượng của cao ốc, cùng với một sĩ quan Cảnh sát Đặc
biệt, nhìn qua cửa sổ máy bay, sẵn sàng bắn hạ tên Viết, khi nhận
dược ám hiệu của tôi.
e/ Ân, Ngôn, chỉ huy 20 nhân viên cảnh
sát Đặc biệt cùng với Hồ Đình Chi, sẵn sàng theo mật hiệu, đưa số
hành khách rời khỏi phi cơ càng nhanh càng tốt, và cố vấn Đặc
Biệt Bob Bellars cùng đi với Ân.
f/ Đại úy Bác sĩ Chung Châu Hồ, Đại đội
phó, Cảnh sát Dã chiến, cho 3 trung đội mời tất cả xe hơi, xe gắn
máy, dân sự cũng như quân đội phải rời khỏi phi trường ngay để
ngụy trang thành phi trường Đồng Hới vắng vẻ, sau đó bố trí lực
lượng quanh cao ốc, đợi lệnh.
g/ Thiếu tá Ân cho 1 xe chở bác Trần
Văn Nghị, Giám đốc Hàng không Việt Nam tại Huế về thẳng Phú Bài
để nhờ bác một tay trong việc điều hành các máy bay dân sự cũng
như quân sự nếu có, rời khỏi phi trường ngay.
Về đến phi trường Phú Bài, tôi dặn Ân
nhớ gọi Đại úy Phạm Bá Nhạc và Thiếu úy Hồ Đình Chi về gặp nhau
tại phi trường.
Mọi người đều đồng ý kế hoạch của tôi,
và 15 phút sau một đoàn xe khá dài trực chỉ phi trường Phú Bài.
Khoản hơn 20 phút sau, chúng tôi đã có
mặt tại phi trường. Trung úy Cảnh sát Nguyễn Văn Chính, Trưởng
ban An ninh phi trường và Trung úy Cảnh sát Trần An Bằng, Phó
trưởng ban an ninh đã đứng ngay của chính vào phòng hành khách
đợi chúng tôi.
Trung úy Chính nói ngay:
–Thiếu tá, mình lên ngay đài kiểm soát
không lưu. Phi công trưởng đang đợi Thiếu tá trên hệ thống truyền
tin. Tất cả anh em sĩ quan và hai viên Cố vấn Mỹ cùng tôi chạy
lên đài kiểm soát không lưu.
Tôi vừa chạy vừa hỏi Trung úy Chính:
–Còn mấy tiếng nữa thì máy bay vào
không phận Phú Bài.
–Khoảng 2 tiếng rưỡi nữa, Thiếu tá.
Tôi nói với Chính:
–Dư sức qua cầu.
Tôi dùng bạch văn nói chuyện với Đại tá
Em, phi công trưởng:
–Đại tá, Tôi là Liên Thành, chỉ huy
trưởng Cảnh sát Quốc gia Thừa Thiên–Huế. Tôi nhận lệnh của Thiếu
tướng Nguyễn Khác Bình, Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia liên lạc với
Đại tá để phối hợp hành động. Theo chỉ thị của Thiếu tướng Bình
là bắt sống tên này, vạn bất đắc dĩ thì chúng tôi mới nổ súng.
Đai tá Em cũng cho tôi biết ông cũng đã
nhận được lệnh cũa Tổng cục Hàng không Việt Nam liên lạc và phối
hợp công tác với tôi.
Đại tá Em cho biết:
–Từ Quy Nhơn sau khi bay khoảng hơn 15
phút thì một thanh niên khoảng 21 tuổi nói giọng Huế đưa một
miếng giấy nhỏ cho một nữ tiếp viên, nội dung “Yêu cầu đưa nó ra
phi trường Đồng Hới, bằng không nó sẽ cho nổ máy bay” dưới cùng
nó đề tên là Nguyễn Cửu Viết. Trên tay nó có cầm 1 trái lưu đạn
M–26 loại mini nhưng chưa rút chốt an toàn. Ông còn cho tôi biết
nó ngồi ở vị trí bên phải hay bên trái của máy bay và hàng ghế số
mấy.
Lời yêu
cầu của Đại tá Em:
–Tình hình rất nguy, anh Liên Thành ạ,
nếu nó tung trái lựu đạn thì nhiều sinh mạng của hành khách và
phi hành đoàn sẽ phải hy sinh. Anh phải cố gắng giúp chúng tôi và
hành khách.
Tôi trình bày kế hoạch mà anh em chúng tôi đã họp ở Bộ Chỉ Huy và
hỏi ông có ý kiến gì không, thì Đại tá Em trả lời:
–Không, như vậy là quá tốt.
Tôi yêu cầu đại Em:
–Để cho chúng tôi hành động, xin Đại
tá:
1/ Trước
khi đáp, Đại tá cho các tiếp viên chuyện trò gần tên không tặc để
dánh lừa nó là Phi cơ sắp đáp xuống phi trường Đồng Hới.
2/ Làm cách nào cho nó có thể thấy cờ
đỏ sao vàng treo trên nóc cao ốc.
3/ Cho nó thấy bộ đội cộng sản đang
tuần hành gần cao ốc.
4/ Quan trọng nhất là Đại tá cần cho
máy bay đậu sát cao ốc chính và đã đậu vào vị trí, xin mở ngay
cửa bên hông máy bay, tôi và 6 anh em sẽ từ đuôi máy bay chạy
nương theo thân máy bay và sẽ đột nhập vào máy bay ngay cửa bên
hông. Phần còn lại chúng tôi sẽ tùy cơ ứng biến.
Đai Tá Em trả lời:
–Tôi nhận rõ.
Và ông cũng còn cho tôi biết khoảng
1:35 phút nữa, ông mới vào không phận Phú Bài.
–Xin Đại tá
giữ liên lạc cho đến khi phi cơ hạ cánh.
Cả ông và tôi cùng chúc nhau may mắn.
Và tôi chấm dứt cuộc điện đàm.
Sau đó tôi nói với anh em chúng ta có
60 phút để bố trí, và ngụy trang biến phi trường Phú Bài thành
phi trường Đồng Hới. Thế nhưng chỉ 45 phút sau là mọi việc đã
hoàn tất. Trụ cờ ở cao ốc chính của phi trường đã có lá cờ máu,
nền đỏ sao vàng phất phới trong gió. Nhìn xuống ngoài sân lầu 1
của cao ốc chính, 6 tên bộ đội nón cối, dép râu mang súng AK đi
tới đi lui tuần tiễu.
“Phi trường Đồng Hới” ngụy trang chiều
thứ Bảy, ngày 20 tháng 4 năm 1974 vắng hoe, âm u, căng thẳng, như
chiều mồng một Tết năm 1968 tại Huế mà tôi đã trải qua. Liếc nhìn
qua Đại úy Trần Văn Tý và 6 anh em đứng quanh Tý đang chuyện trò
với nhau, những người này chốc nữa đây sẽ cùng tôi xông lên máy
bay thi hành nhiệm vụ của người Cảnh sát Quốc gia để bảo vệ sinh
mạng cho đồng bào. Rồi ra 7 anh em chúng tôi ai còn, ai mất, nào
ai biết được. Chút gió chiều vào cuối tháng Tư thoảng qua, tôi
quay mặt đi nhìn về hướng phi cơ sẽ xuất hiện mà có chút xao
xuyến trong lòng... Cuộc chiến kéo dài trên quê hương Miền Nam đã
quá lâu, anh em, bạn hữu, kẻ đã đi khuất, người còn ở lại. Gánh
nặng của đồng bào lầm tham, tổ quốc điêu linh, vẫn tháng...
năm... đè nặng lên vai chúng tôi...
Bỗng Trung úy Chính gọi to:
–Thiếu tá! Phi Công trưởng muốn nói
chuyện với Thiếu tá.
Tôi chạy lên đài kiểm soát không lưu,
viên Cố vấn cho tôi cũng chạy theo.
–Tôi nghe đây, Đại tá
–Anh xong chưa? Khoảng 10 phút nữa tôi
vào không phận Phú Bài.
–Tôi đã xong, sẵn sàng. Nhắc lại Đại tá
nhớ đậu phi cơ gần sát cửa vào cao ốc cho chúng tôi dễ hành động.
–Nhớ mở cửa bên hông phi cơ, chúng tôi
sẽ từ phía sau đuôi phi cơ để nhảy lên.
Đại tá Em:
–Nhận rõ. Chúc may mắn.
Tôi gác ống liên hợp xuống máy. Xoay
qua viên cố vấn, tôi nói:
–10 phút nữa.
Viên Cố vấn trông thật tội nghiệp, chạy
theo tôi xuống lầu, vừa chạy vừa nói:
–Chief Thành! Cẩn thận!
Tôi đưa hai bàn tay lên cao, anh em đều
hiểu là 10 phút nữa, máy bay đến. Mọi người đều vào vị trí, im
lặng chờ đợi...
Tôi đứng trước, Tý và 6 anh em tiếp
theo sau... Chúng tôi ở vị trí giấu quân chờ đợi... Mười phút mà
sao lâu quá...
Bỗng một chấm đen xuất hiện ở không
phận Đầm Thủy Tú, hướng 12 giờ. Chấm đen lớn dần... Đó là chiếc
máy bay Douglas C54A (DC–4) của hãng Hàng không Air Việt Nam. Phi
hành đoàn 2 người, 4 tiếp viên Hàng Không. Tối đa là 46 hành
khách.
DC–4
đáp xuống phi đạo, chạy nhanh, rồi chậm lại, quay đầu chạy vào
phía cao ốc chính của phi trường.
Phi cơ đã ngừng hẳn, tắt máy, đậu đúng
vị trí. Cánh cửa bên hông đã mở, tôi phóng ra khỏi vị trí, Tý và
6 anh em chạy theo, nương theo từ đuôi máy bay chạy đến cửa bên
hông của máy bay. Chúng tôi đã vào lọt trong máy bay, ở phần cuối
đuôi máy bay.
Nhưng... đời không ai biết được chữ ngờ...
Trong buồng lái, hai cánh cửa nhỏ hai
bên đã mở. Đại tá Em và viên phi công phụ đã quá hoảng sợ nên cả
hai đã phóng ra khỏi phi cơ nhảy xuống đất cắm dầu chạy vào cao
ốc, bỏ lại phi cơ, hành khách và tiếp viên.
Trong cơn hỗn loạn, tên không tặc biết
mình đã bị lừa bèn rút chốt lựu đạn tự sát.
Một tiếng nổ ầm thật lớn, xác tên không
tặc văng lên trần phi cơ, kế tiếp là 2 hành khách ngã gục. Nói
thì lâu nhưng sự việc xảy ra quá nhanh làm chúng tôi không tài
nào trở tay kịp.
Kết quả:
1/ Tên không tặc chết tại chỗ.
2/ Hai hành khách khác bị sức ép và
mảnh lựu đạn chết tại chỗ. Họ là hai Hạ sĩ quan Cảnh sát Quốc gia
vừa thụ huấn khóa huấn luyện Cảnh sát Dã chiến tại trung tâm Huấn
luyện Cảnh sát Đà lạt mới mãn khóa trở về.
3/ Trần máy bay bị một lỗ thủng khoảng
2x3m.
Tôi rời
phi cơ báo cáo mọi sự việc xảy ra với Thiếu tướng Tư lệnh.
Mười lăm (15) phút sau Trung tướng Ngô
Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn I và Trung tướng Lâm Quang Thi,
Tư lệnh Tiền phương, Quân đoàn I đều có mặt tại hiện trường.
Tôi Trình bày đầy đủ mọi diễn tiến với
Tướng Ngô Quang Trưởng và Tướng Lâm Quang Thi. Kế tiếp là Đại tá
Tôn Thất Khiên cũng có mặt tai hiện trường và cũng là lần thứ tư
(4) tôi trình bày sự việc xảy ra, lần này với Đại tá Tỉnh trưởng.
Viên Cố vấn Tình báo CIA cùng với chiếc
máy truyền tin xách tay cũng đã phúc trình theo hệ thống của ông
ta.
Đại tá
Lộc, Chỉ huy trưởng CSQG vùng I cũng như các viên chức phụ tá
ngành Đặc biệt Vùng I đều không có mặt tai hiện trường chiều hôm
đó.
Chúng tôi
làm việc tại hiện trường cho đến khi xong việc thì trời đã tối từ
lâu. Chiếc máy bay đã dược bác Nghị, Giám đốc Air Việt Nam tại
Huế, cho kéo đậu sát bờ rào của cao ốc chính.
Thưa Anh Lê Xuân Nhuận,
Vì một số anh em là chứng nhân và tác
nhân của sự kiện yêu cầu tôi lên tiếng về vụ này để phản ánh đúng
sự thật vì vậy tôi phải viết lại chi tiết nội vụ.
Anh đã viết sai hai điều quan
trọng trong vụ này:
1/ Không tặc đòi bay ra phi trường Đồng
Hới chứ không phải – như anh nói – là nó đòi bay ra phi trường
Gia Lâm, Hà Nội.
2/ Không tặc là tên Việt cộng đã từng
cùng với du kích địa phương giết hại rất nhiều cán bộ xã và đồng
bào vô tội tại Lăng Xá Bầu, Quận Hương Thủy trong dịp Mậu Thân
1968, và đã bị Cảnh sát Đặc biệt và Ủy ban Phượng hoàng Thừa
Thiên truy nã nên đã chạy trốn trên Đà Lạt. Chứ không phải như
anh nói nó không phải là Việt cộng, còn trẻ, được cha mẹ gởi vào
Đà Lạt học nghề thợ mộc.
Điều 1 và 2 mà tôi nêu trên quả thật là
hai sai lầm lớn mà anh đã vấp phải. Mong rằng từ nay khi viết
lách anh nên cẩn trọng, vì nếu tự sáng tác không đúng sự thật
thì, thứ nhất, anh sẽ mang tiếng xấu và, thứ hai, quan trọng hơn
nhiều, là con cháu sau này sẽ mắc phải lỗi lầm trầm trọng khi
nghiên cứu lịch sử của đất nước vì những sai lầm sử liệu của anh.
Xin bảo trọng,
Nguyễn Phúc Liên
Thành
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Danh sách những Bài viết của Tác giả Liên thành
|
Hình nền: Xuân trên non-Rặng An-pơ, Thụy Sĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Liên Thành chuyển
Đăng ngày Thứ Tư, May 6, 2020
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang