Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện ngắn
Chủ đề:
XHCN VN
Tác giả:
Nguyên Nhung
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Lời giới thiệu: Trong một đời sống hoàn toàn không
lối thoát, như khi những người tù “cải tạo” - cũng chính là kẻ thù
của “cách mạng” - vừa được trả về lại nơi cư trú cũ, thì thanh âm
của tiếng đàn guitare, lời hát của bài nhạc cũ sẽ dễ trở về với họ
như những an ủi của người bạn chân tình không bao giờ bội phản trong
một thế giới mới đầy phản bội.
Nhưng không một thanh âm
huyền diệu nào lại có thể ngăn chận được những thù địch, và áp bức
mà người cộng sản VN thường trực áp đặt lên đời sống của những kẻ
thù của “cách mạng” và người thân của họ.
Như những con chim
mất tổ và bị trọng thương, những con người thật bình thường - được
chỉ đích danh là kẻ thù của “cách mạng” đó - kẻ vừa xuất tù, người
chưa kịp lớn, đã tìm đến nhau, đã run rẩy tựa vào nhau, để truyền
cho nhau chút hơi ấm của tình người, để có cơ may sống còn, qua từng
ngày, từng ngày một... Nhưng, không bao giờ họ có thể phục hồi lại
được những gì đã bị “cách mạng” cướp mất.
Những ngày dài đen
tối đó trên quê hương Việt Nam không thể bị quên đi. Mà phải được
cẩn thận ghi lại, lưu giữ lại.
Đặc San Lâm Viên xin mời quý
vị theo dõi những điều đã được ghi nhận lại từ những mảnh đời tan vỡ
sau “giải phóng” và được tác giả Nguyên Nhung cô đọng lại trong
truyện ngắn
Căn Gác Đìu Hiu.
đslv
Hình
như dĩ vãng không hề tách rời khỏi tâm hồn Ðoàn, mỗi lần nghĩ về
những
khoảnh đời cũ, Ðoàn lại nhớ như in căn gác lửng mái tôn có cái
trần thấp lè tè, một thế giới đầy kỷ niệm của những ngày trẻ
tuổi. Mỗi lần bước lên gác, chàng lại phải khom mình xuống, để
tránh đụng đầu vào cây kèo trên căn gác chật hẹp ấy.
Thế nhưng, căn gác thấp tuy nhỏ bé lại
là cả một giang sơn của một cậu học sinh thời Trung học, có một
chiếc bàn nhỏ làm bàn học, vứt đầy những bản nhạc mua được bằng
tiền dành dụm quà sáng.
Chiếc kệ bằng gỗ tạp xếp nghiêng
nghiêng những cuốn sách học, những tập vở, lẫn lộn vào đó là vài
cuốn tiểu thuyết, hay một vài bài thơ viết dở dang. Rồi khi thêm
được cây đàn, ngoài những lúc đi vắng, căn gác nhỏ là cả một thế
giới âm thanh của tuổi trẻ và tình yêu. Những ngày với bạn bè
lang thang ngồi quán cà-phê ngắm những tà áo màu tung bay trên hè
phố, khuôn viên trường Ðại học, hay có khi chỉ một mình trong căn
gác thấp và tối, âm nhạc quả là thế giới kỳ diệu để tuổi trẻ tạm
quên đi nỗi buồn chiến tranh.
Hình như tất cả xung quanh chàng lúc đó
chỉ mơ hồ là một nỗi nhớ không tên. Cơn mưa tới bất chợt vào một
chiều thứ Bảy, đập ầm ầm trên mái tôn như một bản nhạc ào ạt của
sự phẫn nộ, hay những giọt mưa rơi rả rích suốt canh khuya, quyện
vào nhau để thành một nỗi nhớ rất đằm thắm. Kỷ niệm là thế, chiếc
bàn con có chiếc phao đèn màu xanh lơ, tỏa ánh sáng dịu dàng lên
từng trang vở, hay lá thư viết dở dang cho người con gái yêu thầm
nhớ vụng. Những lá thư màu xanh ấy được viết đi viết lại nhiều
lần, đọc đi đọc lại nhiều lần mà vẫn chưa dám gửi, mỗi lần nhớ
tới cái ngây thơ vụng dại tuổi học trò, Ðoàn lại cười một mình.
Ðời chàng hình như đã loanh quanh với nhiều mối tình như thế,
trong suốt thời gian đi học, để rồi khi bước vào đời lính, chàng
đã lấy được tự tin để làm quen một vài cô gái, nhưng những khuôn
mặt dễ thương của thời đi học mà chàng không chụp bắt được, vẫn
lảng vảng trong ký ức...
Thế cũng hay, biết đâu nhờ vậy nó lại
trở thành những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời, khi mà những mối tình
sau này, đã nói hết, cho hết mà dường như vẫn chẳng nắm lại được
gì. Chắc chỉ có căn gác nhỏ mới giữ hết hộ chàng những kỷ niệm
đầy ắp trong tâm tưởng. Ðúng vậy, trên chiếc bàn cũ là tấm hình
của cô em gái người bạn chung lớp, cũng chẳng phải chàng được
“người ta” tặng tấm hình ấy, mà do một tình cờ, chàng lại có được
tấm hình để cất giữ trong cái ví nhỏ suốt thời gian đi lính. Tình
yêu thuở ấy như sương khói, nó ẩn hiện lắm khi làm chàng xốn xang
xúc động, rồi lại lu mờ đi bởi những gặp gỡ khác.
Ði xa nhiều năm, trở về căn gác nhỏ của
mình, Ðoàn vẫn thấy xúc động khi có dịp sống lại với những kỷ
niệm cũ, và trong đời chàng, có lẽ khoảng thời gian ấy, là thời
gian đẹp nhất trong cuộc đời, khi bỏ lại đời sinh viên, xa khung
trời Ðại Học, chọn binh nghiệp làm hướng đi của người trai thế
hệ. Thế hệ của chiến tranh, của những đêm nhìn ánh hỏa châu lơ
lửng trên vùng đêm đen ở phía xa thành phố, của những ngày đi học
nhìn bạn bè chuẩn bị lên đường nhập ngũ, Ðoàn đã có lúc nghĩ, thế
nào rồi cũng tới lượt mình. Không có chọn lựa nào khác thì đành
là phải chọn lựa thôi, nếu như bảo rằng vì say mê binh nghiệp,
giã từ nếp áo sinh viên để lăn mình vào chỗ chết, chưa chắc lúc
ấy Ðoàn đã có ý nghĩ đó. Nhưng khi bước chân vào đời quân ngũ, tự
nhiên hoàn cảnh đưa đẩy, khiến chàng phải xác định lại chỗ đứng
của mình, nhất là khi có những người bạn nằm xuống lúc tuổi còn
đang độ thanh xuân.
Ðoàn không thể nào quên bốn năm nơi
quân trường Ðà Lạt, với bạn bè một thuở đầy ắp bao kỷ niệm. Xung
quanh ngôi trường Mẹ là đồi thông xanh ngắt và những con đường
đất đỏ uốn lượn vòng quanh rất đẹp. Ðó là những năm tháng tôi
luyện vất vả, đoạn đường dài để một người lính trưởng thành khi
thực sự bước vào cuộc đời chiến chinh gian khổ. Ðà Lạt với phố
núi mờ sương, bên này Hồ Xuân Hương ngó qua bên kia là Nhà thờ Ðà
Lạt, mỗi buổi sáng tiếng chuông ngân thong thả như đánh thức
thành phố đang mơ ngủ trong màn sương. Sáng chủ nhật dăm cô con
gái má đỏ môi hồng tan buổi lễ sớm, mùi nhựa thông hăng hắc quyện
trong gió. Những buổi chiều Ðà Lạt sợi nắng se sắt còn vương trên
ngọn cây, những bông cúc vàng rung rinh trên lối đi nơi con dốc
Phan đình Phùng, Ðà Lạt đã trở thành nỗi nhớ khôn nguôi trong
lòng Ðoàn khi tháng mười hai năm ấy, chàng rời trường ra đơn vị.
Bấy giờ thì căn gác của Ðoàn thật sự
buồn hiu vì sự vắng mặt của chàng, để mỗi lần về phép trong đời
lính, khi nhìn lại những đồ vật quen thuộc trên căn gác xép, lòng
chàng vẫn vu vơ nỗi nhớ đằm thắm của một thời hoa mộng. Chàng hay
lẩn thẩn nhìn mặt bàn, chiếc ghế, bâng khuâng nhớ đến dáng ngồi
khép nép và mái tóc dài của người bạn gái cùng lớp, chiếc cặp tóc
bỏ quên trên mặt bàn khi ra về, Ðoàn vẫn giữ gìn nâng niu như một
kỷ niệm khó phai. Ít ra cũng có một chút gì để nhớ. Sau này khi
ra đơn vị, đóng quân ở Pleiku, thành phố có những con đường quanh
co gió núi với mây mù, đi loanh quanh một buổi chiều đã hết mấy
con đường của thị xã. Ly cà-phê đậm đắng, ngồi lơ mơ với điếu
thuốc rồi thả hồn theo những tiếng hát, Ðoàn lại thú vị vì biết
đời vẫn rất cần có những nỗi nhớ dịu dàng như vậy.
Những ngày cuối cùng của cuộc chiến,
chạy thục mạng theo đoàn quân đổ về phương Nam. Suốt một đời làm
lính Ðoàn chưa bao giờ khóc, thế mà những ngày cuối tháng Tư năm
ấy, nó cứ in vào lòng chàng một nỗi buồn ray rứt khôn nguôi. Làm
sao quên được chặng đường thương khó đầy máu và nước mắt, Ðoàn
bắt gặp hình ảnh người vợ lính, một mình tay bồng tay dắt mấy đứa
con nhỏ để chạy theo đoàn quân lui về phương Nam. Ðể rồi trên một
chặng nghỉ chân, người vợ lính ấy gào khóc thảm thiết đến tuyệt
vọng khi đứa con bốn tuổi đã lạc mất trong dòng người hỗn độn...
Lúc đó, tự nhiên nước mắt Ðoàn cứ tuôn như mưa trên đôi gò má xạm
đi vì nắng bụi, sự đổ vỡ tan tác của gia đình người lính trong
thời loạn, đã trở thành nỗi buồn khó phai trong lòng chàng mãi
mãi về sau...
Tưởng như một phép lạ khi Ðoàn lại trở về với căn gác nhỏ, sau
những ngày dài đói khát vượt rừng bằng đôi chân không đau buốt,
đem theo cái buồn u uất lẫn với nỗi phẫn hận khiến chàng mệt mỏi,
nằm vùi trên chiếc giường nhỏ. Vật vờ vì cơn sốt chợt đến chợt
đi, bao nhiêu nhiệt huyết của tuổi trẻ dường như cũng theo đó mà
sụp đổ. Nhìn qua khung cửa sổ bé tí trên căn gác tối, một nửa
vầng trăng và những ánh sao đêm ấy sao lạnh lẽo quá chừng, chưa
bao giờ chàng cảm thấy cô đơn bằng lúc ấy. Cơ thể mệt mỏi rã rời,
tâm hồn trống rỗng hụt hẫng, tất cả thực tại hình như trong
thoáng chốc đã biến mất, như có như không, những bạn bè năm cũ,
những gương mặt đồng đội bỗng dưng lại có thể nhanh chóng biến
thành những bóng ma dật dờ sau cơn đồng thiếp chiến tranh.
Ðể rồi sau cuộc đổi đời đó, người lính
biến thành người tù còn nhận thêm những cay đắng của thân “cá
chậu chim lồng”. Cái hào khí ngất lửa năm xưa tạm nằm im để chịu
đựng thêm những nhục nhằn, cơ cực. Cuối cùng, Ðoàn đã trở về căn
gác cũ của mình sau ba năm xa vắng, nó vẫn cho chàng đầy ắp cảm
giác được trở về căn nhà xưa, như người bạn tình chung không hề
thay lòng đổi dạ.
Ðời đã
bước qua một bước ngoặt, thế nào đi nữa Ðoàn vẫn phải có một việc
làm để mưu sinh. Không phải lúc để chọn lựa, vì trước mắt chàng
tương lai hoàn toàn không có. Có chăng là phải thoát ra khỏi cuộc
đời đầy bóng tối vây bủa những tù ngục vô hình, lúc nào cũng lởn
vởn trong chàng ý muốn được đi xa. Có những đêm khuya Ðoàn cố nằm
im đợi giấc ngủ, bỗng chàng chợt ngồi bật dậy, một luồng hơi tức
nghẹn trong lồng ngực khiến mắt chàng cay cay, rồi cứ vậy chập
chờn suốt đêm khuya...
Không còn làm gì được nữa, thôi thì
đành chấp nhận hoàn cảnh rồi đời muốn ra sao thì ra. Ngày hôm sau
Ðoàn đạp xe lang thang đi tìm những người bạn cũ đồng cảnh, may
mắn sao chàng lại tìm được một việc làm tương đối thích hợp. Ðó
là vẽ mặt cho những con búp bê biết cười bằng gỗ, một thứ đồ chơi
tiểu công nghệ rẻ tiền cho trẻ con, dựa vào những câu chuyện cổ
tích thần thoại Liên Xô đang được hâm mộ lúc bấy giờ.
Lúc nhận việc, Ðoàn vẫn hóm hỉnh nghĩ
đến cái tương phản của công việc với tâm hồn mình lúc ấy, vẽ mặt
người cười trong khi mặt chàng lúc nào cũng muốn méo xệch đi vì
thất vọng. Người ta đang ru ngủ những đứa trẻ thơ, để tin rằng
vẫn có những mơ ước trong cái cõi đời đầy bịp bợm, riêng với
Ðoàn, chắc khó tìm lại được niềm tin khi vừa trải qua nhiều tháng
ngày vật lộn với tù tội, đói khát. Nhưng cũng thời gian ấy, trong
nỗi buồn miên man, Ðoàn mơ hồ rằng giữa lúc cuộc đời đến tận cùng
bằng số, chàng vẫn có một mối tình để nhớ.
Công việc quả không cực nhọc gì, bề bộn
quanh mình là những con búp bê bằng gỗ đang chờ được chàng vẽ
phác một nụ cười. Nhân vật là thằng bé có cái mũi dài, cô bé Lọ
Lem, công chúa với hoàng tử, mụ phù thủy và những vị “Thần Tháng”
râu tóc bạc phơ. Mỗi lần ngồi tô điểm nụ cười cho những nhân vật
không có thật ấy, Ðoàn cảm tưởng mình cũng quên được phần nào nỗi
buồn của thực tại.
Ðược phân công làm việc chung với một
cô bé, có lẽ thua chàng đến gần chục tuổi, vì thế mà cô ta gọi
Ðoàn bằng chú. Thật tình lúc ban đầu, chàng cũng thích lối xưng
hô ấy, khi Tâm cho Ðoàn biết bố cô cũng là một sĩ quan Ðà Lạt lớp
đàn anh, đang bị tập trung cải tạo. Và bây giờ vì hoàn cảnh sống,
Tâm phải bỏ học đi làm để tiếp mẹ nuôi lũ em còn bé dại. Sau thấy
Ðoàn còn trẻ, lại độc thân, Tâm tự nhiên thay đổi lối xưng hô.
Như một người anh lớn, Ðoàn thường chỉ vẽ thêm cho Tâm cách tô
điểm sao cho những con búp bê, mỗi con một vẻ đầy tính cách nghệ
thuật. Tự nhiên Ðoàn có cảm tưởng hai người rất gần nhau, vì họ
có chung một cảnh đời bất hạnh như nhau. Tâm cũng khéo tay, từ từ
đã vẽ được đôi mắt, chiếc mũi xinh xinh cho những con búp bê gỗ,
rồi đẩy qua Ðoàn để chàng vẽ vào đó một cái miệng cười. Có lần
Đoàn vừa vẽ, vừa nhìn đôi môi chúm chím cười trên khuôn mặt còn
đầy nét thơ ngây của Tâm, chàng bỗng liên tưởng đến nụ cười xinh
xinh của cô bé Lọ Lem trong cổ tích. Tự nhiên Ðoàn hy vọng, một
ngày nào đó cô bé Lọ Lem đang ngồi trước mặt chàng, sẽ có thể
biến thành một công chúa.
Ðể rồi từ đấy với một tâm hồn nghệ sĩ,
mỗi khi vẽ nụ cười cho búp bê, chàng lại có cảm tưởng mình đang
vẽ nụ cười của Tâm, nhờ thế mà khuôn mặt của những con búp bê
sinh động hẳn lên, đến nỗi ai nhìn qua cũng đều tấm tắc khen đôi
tay tài hoa của chàng. Anh bạn cũ cũng là chủ nhân của cơ sở sản
xuất búp bê thật tinh mắt, anh đã nhìn ra được tâm hồn bạn mình
gửi gấm qua những nụ cười búp bê, đôi khi anh ta hay nhìn Ðoàn
rồi nheo mắt cười thông cảm.
Chuyện vẫn chỉ là thế nếu không có lần
hai người cùng làm việc chung, Ðoàn bất chợt nghe Tâm hát. Nàng
hát nhỏ thôi nhưng vì lúc ấy trời mưa, mưa nhỏ thôi nhưng không
gian chừng như giăng giăng những cụm buồn trên nền trời đầy mây
xám, chỉ có tiếng mưa vẫn rích rắc nhỏ giọt xuống hàng hiên ẩm
ướt bên ngoài khung cửa. Tự nhiên Ðoàn xúc động, lâu lắm rồi
chàng bỗng nghe lại một tiếng hát, hay là một bài hát mà chàng
thích, trong những buổi chiều ẩm ướt ngồi uống cà-phê nơi thành
phố gió núi và bụi đỏ ngày xưa. Giọng hát Tâm còn non nớt, không
điêu luyện lắm, nhưng bản nhạc vô tình lại khiến Ðoàn xúc động:
“Phố
núi cao, phố núi đầy sương.
Phố núi cây
xanh, trời thấp thật buồn.
Anh khách lạ
đi lên đi xuống,
may mà có em, đời còn
dễ thương.
Em
Pleiku, má đỏ môi hồng,
ở đây buổi
chiều, quanh năm mùa Ðông,
nên mắt em
ướt, và tóc em ướt,
nên em mềm như mây
chiều trôi....”
Chàng buông cây cọ trên tay, thẫn thờ
nhìn ra khung cửa sổ, những sợi mưa mỏng đan nghiêng nghiêng làm
không gian càng ẩm ướt một nỗi buồn. Giá như có cây “guitare” để
đệm theo tiếng hát buồn buồn của Tâm trong buổi chiều hôm đó, có
lẽ hạnh phúc đối với Ðoàn chỉ có vậy. Không biết Tâm có cảm được
bản nhạc cô vừa hát đã khiến Ðoàn xúc động đến thế không, nhưng
khi thấy Ðoàn im lặng lắng nghe, cô bé đang hát bỗng bẽn lẽn ngồi
im, khiến chàng phải lên tiếng:
“Tâm hát hay lắm. Bản nhạc này khiến
tôi nhớ nhiều đến một thành phố cũ...”
Vốn ít nói, Ðoàn cũng chỉ nói tới đó
rồi thôi, những nỗi buồn chàng vẫn thường hay giữ lấy một mình,
như những lá thư tình tuổi học trò chàng gửi vào đấy bao nỗi nhớ
nhung, để rồi nó vẫn không bao giờ được gửi đi cho người nhận.
Tâm vẫn vừa chăm chỉ tô những đường nét trên khuôn mặt búp bê,
sơn phết lại áo quần cho nhân vật trong phim “Mười hai vị Thần
Tháng”, vừa hát nho nhỏ... “may mà có em, đời còn dễ thương...”,
khiến Ðoàn tủm tỉm cười, thầm ao ước rằng câu hát ấy được Tâm
dành riêng cho chàng trong buổi chiều nay. Chàng bỗng dưng chợt
nhớ đến mấy vần thơ thật dễ thương của một cô bé chàng quen thời
đi học, mỗi chiều tan trường đi ngang nhà, vẫn lắng nghe tiếng
đàn “guitare” của chàng vọng xuống từ mái hiên căn gác nhỏ. Rồi
khi chàng nhập ngũ, Ðoàn có nhận được mấy vần thơ trước lúc lên
đường, như một lời tỏ tình rất dễ thương:
“Chắc
anh người trai trẻ,
Ðã lên đường tòng
quân,
Ðường đi ra chiến trận,
Có mang đàn theo không?”
Bây giờ ngồi làm việc chung với Tâm,
càng gần gũi với những nhân vật trong huyền thoại cổ tích, cô bé
cũng như Ðoàn, đã có lúc đắm hồn vào những mơ ước của mộng ảo, để
quên đi nỗi buồn thực tại. Có lần Ðoàn đã thân mật nói với Tâm,
bằng sự chân thành nhất của lòng mình:
“Lắm khi nghĩ lại thấy công việc của
tụi mình rất buồn cười. Ðời thì buồn nẫu ruột ra vì không có
tương lai, thế mà ngày nào cũng sống trong thế giới mơ ước của
công lý, kẻ ác phải đền tội, người hiền sẽ được hạnh phúc. Thế mà
đời vẫn không là vậy...”
Ngày nào cũng như ngày nấy, công việc
chỉ có vậy, mà cũng không phải dễ để có việc làm đều đặn hoài như
thế. Những con búp bê bằng gỗ xinh đẹp biết cười sắp hết thời,
đám trẻ nhỏ chắc cũng không tin tưởng lắm vào đôi đũa thần của sự
mơ ước. Như Ðoàn và Tâm lúc ấy, cũng phập phồng nghĩ tới một hôm
nào đó, sẽ không còn việc làm để nuôi thân và giúp đỡ gia đình...
Tất cả đều trở thành thói quen, dù sự
đau khổ hay nỗi cô đơn, nó cũng sẽ chỉ là thói quen khi con người
đã quen chịu đựng nó, huống gì mỗi ngày được làm việc chung với
một cô bé dễ thương như Tâm, đã cuốn hút Ðoàn vào nỗi đam mê vốn
có sẵn không rời ra được. Nhìn Tâm, Ðoàn bỗng nhớ da diết khung
trời Ðà Lạt mà những mối tình ở lại, cũng mong manh như những sợi
tơ trời lãng đãng trên nền trời xanh biếc. Chàng mơ hồ mình đã
yêu, rồi lại dối lòng bảo rằng không khi chạnh nghĩ tới thực tại,
chàng có gì để dám ngỏ thật với Tâm là thực sự chàng đang muốn
chia sẻ với cô bé, những khó khăn trong cuộc sống hiện tại. Chắc
chỉ trong đêm khuya nằm trằn trọc chờ giấc ngủ trong căn gác nhỏ,
Ðoàn vẫn thấy hình ảnh Tâm lúc nào cũng lảng vảng trong tâm trí.
Trong chàng như có hai con người lẫn lộn, giữa tình cảm và lý
trí. Một đứa như bảo chàng, làm sao khi yêu còn kiểm soát nổi
nhịp đập của trái tim, thế nhưng tiếng nói của đứa kia mạnh mẽ
hơn, thực tế hơn khi lôi chàng trở về với hiện tại, bảo chàng
phải đi đâu đó, phải tìm một cái gì đó. Cuối cùng chàng cũng mơ
hồ hiểu rằng đó là niềm khao khát được thở một chút không khí tự
do mà chàng đã mất...
Với những mâu thuẫn nội tâm, có lẽ cả
đời Ðoàn vẫn chưa nói hết được điều hay ho, dù con tim chàng nó
xúi bẩy chàng nói đi, sống thật đi kẻo hết một đời cũng vậy thôi.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, Ðoàn chưa nói được gì thì chính Tâm
lại là người nói trước. Ðoàn vẫn không bao giờ quên chiều hôm ấy,
lúc hai người cùng cắm cúi làm việc chung với nhau thì Tâm bỗng
thở dài rồi nói khẽ:
“Anh em mình sắp xa nhau rồi.”
Ðoàn thảng thốt nhìn Tâm, nhưng vẫn im
lặng. Ðôi mắt Tâm thật buồn, chẳng bao giờ chàng quên nổi đôi mắt
u uẩn như còn đọng đầy một hồ lệ. Tâm nói tiếp, rất nhỏ như một
cơn gió thoảng:
“Tâm sắp đi rồi...”
Chữ “Ði” lúc này có nghĩa là ly biệt,
và khó có ngày gặp lại. Ði là đi tìm tương lai ở một vùng trời xa
lạ, nhưng chữ “Ði” vẫn có nghĩa là sắp bước vào một đoạn đời
chông chênh đầy bão tố, một sống một chết, một mất một còn, hay
tệ hơn là trước khi tìm thấy tương lai, đã phải đánh đổi bằng
nhiều mất mát. Lúc ấy, không hiểu sao khi nghe Tâm nói, Ðoàn lại
chỉ nói:
“Nếu
đi được thì cũng nên đi, nhưng phải cẩn thận...”
Tâm lắc đầu, mái tóc nàng thoảng mùi
hương bồ kết. Giọng Tâm trầm xuống gần như muốn khóc:
“Nếu chỉ đi thôi thì đã không có gì để
nói, nhưng...”
Ðoàn ngắt lời Tâm với nỗi lo sợ lẫn xót
xa:
“Nhưng làm
sao hở Tâm?”
Rồi chàng chờ đợi, như chàng sợ sắp sửa phải nghe Tâm nói điều gì
đó mà chàng mong đợi, mà lại hoàn toàn không biết sẽ trả lời ra
sao. Nhưng Tâm chỉ buồn buồn bảo Ðoàn:
“Tâm sắp đi, nhưng trước khi đi thì
phải lấy chồng đã. Người ta muốn vậy, đời luôn luôn là sự đổi
chác.”
Gần như
choáng váng vì câu nói của Tâm, nó lạnh lẽo như nước đá dù cô bé
đang đề cập đến chuyện quan trọng trong đời mình. Ðoàn hỏi lại:
“Sao lại như thế?”
Tâm mím chặt đôi môi như để giữ lại nỗi
xúc động, mà lại có vẻ liều lĩnh khi chấp nhận một sự thật ê chề:
“Bố
đang bị tù, mẹ không biết làm gì để nuôi được các em, chỉ còn
cách là phải đi thì mới đem lại niềm hy vọng cho gia đình. Nhưng
khả năng lại không có, chỉ còn cách này thôi. Họ có phương tiện,
còn mình thì không, nhưng không chấp nhận thì không còn con đường
nào nữa.”
Ðoàn hiểu, lòng quặn lên nỗi thương
cảm. Cô con gái của một người sĩ quan chế độ cũ, đã có một quyết
định quyết liệt dù rằng cô hiểu niềm hy vọng đó có thể làm tan
nát trái tim cô. Người cha giờ này đang mịt mù nơi rừng sâu núi
thẳm, trong một trại tù nào đó tuốt ngoài miền Bắc, chắc hẳn
những lá thư gửi về đã xa gần nhắn gửi đến vợ con điều mong mỏi
của ông...
Chiều hôm đó, lần đầu tiên hai người đạp xe đi bên nhau đến một
quán cà-phê vắng, nói nốt câu chuyện dở dang mà có lẽ sau này
không bao giờ có dịp nói nữa. Ðoàn vẫn nhớ giọng nói dịu dàng của
Tâm, khi cô se se những sợi tóc vương trên áo trắng:
“Anh Ðoàn nhỉ? Có những điều người ta
không cần nói ra, mà vẫn hiểu là đã nhận, đã nghe. Tâm rất mến
anh, nhất là hôm vô tình anh lắng nghe Tâm hát. Ðúng là đời dù có
tàn tạ tới đâu, vẫn cần giữ cho mình một chỗ riêng để nhớ. Mai
mốt dù đi đâu, ở đâu, Tâm vẫn không bao giờ quên anh...”
Lúc ấy Ðoàn cũng chỉ muốn nói: “Anh
cũng thế, anh cũng sẽ không bao giờ quên em, cô em bé bỏng dễ
thương của anh”. Nghĩ thế nhưng Ðoàn vẫn không nói được, nhưng
chàng hiểu khi nhìn vào mắt chàng, Tâm có thể nhận hết những gì
chàng đang nghĩ trong lòng.
Buổi chiều trong quán cà-phê vắng, tự
nhiên Ðoàn thèm nghe tiếng hát của Tâm, với bản nhạc vô tình nhắc
nhở Ðoàn những ngày cuối cùng của một người lính tâm hồn nhiều
mộng mơ, quán cà-phê và con đường Hai Bà Trưng ở Pleiku, những
buổi chiều mùa Ðông lẩn khuất trong hàng cây ven đường.
Chiều bỗng dưng đổ mưa, Ðoàn trầm ngâm
nhìn khói thuốc bay trong không gian mờ tối, trong khi Tâm âu yếm
bỏ đường vào ly cà-phê cho Ðoàn, rồi nhấp môi nếm thử. Có lẽ
những giờ cuối còn ngồi bên nhau, không biết ngày mai đời sẽ như
thế nào, Tâm muốn dành riêng cho Ðoàn chút êm dịu của một mối
tình không ngỏ được. Không biết nghĩ sao, Ðoàn nhìn vào đôi mắt
Tâm, cầm ly cà-phê đặt môi mình vào chỗ đôi môi của Tâm vừa nhấp,
tưởng như chàng vừa đặt một nụ hôn lên đôi môi xinh xinh của
nàng. Ðôi mắt họ bối rối nhìn nhau, cho đến suốt cả đời, chàng
vẫn không bao giờ quên được đôi mắt Tâm chiều hôm ấy...
Những
ngày sau đó, Tâm không còn đến Tổ Hợp Búp Bê để làm việc, Ðoàn
một mình làm hết những công việc cho khuôn mặt búp bê, nhưng lòng
hoàn toàn trống rỗng để không làm sao vẽ trọn vẹn một nụ cười.
Những nụ cười vui tươi, xinh xinh trước kia được chàng say sưa,
nắn nót để tô điểm, nay cứ méo xệch đi như sắp khóc. Cứ mỗi lần
vẽ nụ cười cho con búp bê gỗ, tùy theo khuôn mặt của nó, chàng
lại thấy mắt mình cay cay, nhòe đi như không nhìn rõ được gì
nữa...
Chắc
chắn rằng Ðoàn không còn hứng thú gì để tiếp tục công việc này,
dù nó cũng giúp cho chàng ngày hai bữa cơm, thêm thắt vào đời
sống gia đình cho cha mẹ. Sự ra đi của Tâm đã mang theo tất cả
niềm hy vọng màu xanh vừa hồi sinh trong trái tim chàng, khiến
Ðoàn buồn rã rượi. Làm sao đời lại chỉ là những bất hạnh này tiếp
nối những bất hạnh khác, nhất là điều ấy lại xảy ra với một cô
gái vừa ngơ ngác bước vào đời như Tâm, đã phải chua chát chấp
nhận hoàn cảnh đau xót ấy. Những bế tắc của đời sống hiện tại,
khiến người ta chỉ nghĩ đến chuyện thoát ra, mà không biết những
bất hạnh đang rình rập ở phía trước.
Ðoàn vẫn cầu nguyện cho Tâm gặp nhiều
may mắn trên con đường vượt biển đầy hiểm nguy và bão tố. Không
lẽ ông Trời lại nghiệt ngã không ban cho nàng niềm hy vọng cuối
cùng, ước muốn là con chim đầu đàn trong gia đình, bay đến một
phương trời xa và mang niềm hy vọng cho người thân trong nhà.
Cuối cùng, Ðoàn cũng từ giã những người
cùng làm chung trong Tổ Hợp Búp Bê, vì đã tìm được một việc khác,
tuy nặng nhọc hơn nhưng đỡ phải suy nghĩ. Chàng hy vọng thời gian
sẽ làm chàng nguôi đi nỗi nhớ, chút tình yêu dịu dàng khởi đầu
bằng một tiếng hát, để nhìn về tương lai với một niềm hy vọng,
cho chàng và cho Tâm...
Những buổi chiều một mình trong căn gác
đìu hiu, nhìn những mảng mây tím lãng đãng trên bầu trời lúc
hoàng hôn, Ðoàn vẫn nghĩ về Tâm, nghĩ tới nụ cười xinh như con
búp bê trong cổ tích, nhớ hoài đôi mắt buồn còn ngấn những giọt
lệ. Nhất là những buổi chiều mưa, Ðoàn đứng mãi bên khung cửa sổ,
để những giọt mưa hắt vào ướt đẫm trên mặt mình, không biết đó là
giọt nước mưa hay những giọt nước mắt. Ðoàn bâng khuâng dạo lại
bản đàn cũ, nghe như trong không gian im vắng của buổi chiều, có
tiếng hát êm êm của Tâm còn bỏ lại.
(Viết theo tâm sự của một người)
Nguyên Nhung
(Đặc San Lâm Viên)
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Thu trên Non. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by đslv chuyển
http://www.dslamvien.com/2018/11/can-gac-diu-hiu.html
Đăng ngày Thứ Hai, November 5, 2018
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang