Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Thời sự Xã hội Việt Nam
Chủ đề:
Bình luận
Tác giả: Nguyễn Quốc Đống
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Ngày 30-4-1975, cộng
sản Miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam. Thành trì cuối cùng
của tự do, dân chủ sụp đổ, và cả nước bị đặt dưới sự thống trị
của Đảng cộng sản Việt Nam (CSVN). 42 năm đã trôi qua, nước nhà
thống nhất, quy về một mối, tiếng súng trên các mặt trận đã ngưng
hẳn. Đảng CSVN có đủ điều kiện để “xây dựng và phát triển đất
nước, thực hiện những hứa hẹn về một quốc gia độc lập, và một
cuộc sống tự do, hạnh phúc cho người dân”. Những lời hứa đó có
thành hiện thực hay không?
1. Các hiệp định quốc tế có
thực sự đem đến hòa bình cho người dân Việt Nam hay không?
Hiệp định Geneve ký ngày 20-7-1954 chấm
dứt cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ nhất (1945-1954). Đất nước
Việt Nam bị tạm thời chia đôi tại vĩ tuyến 17, ranh giới là sông
Bến Hải thuộc tỉnh Quảng Trị. CSVN chiếm được miền Bắc, họ thành
lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đồng thời chuẩn bị cho việc
dùng võ lực để cưỡng chiếm miền Nam sau này. Người Việt quốc gia
yêu nước, không cộng sản, không đồng ý với giải pháp chia đôi đất
nước, và không ký hiệp định Geneve. Họ xây dựng quốc gia Việt Nam
Cộng Hòa tại miền Nam, theo chế độ tự do, dân chủ. Hiệp định
Geneve thực chất chỉ giúp cho Pháp chấm dứt cuộc chiến không lối
thoát tại VN. Hiệp định này không đem lại hòa bình cho người dân
Việt. Chữ ký của CSBV chưa ráo mực, họ đã chuẩn bị cho việc xâm
nhập miền Nam, năm 1956 đã bắt đầu tấn công quốc gia non trẻ
VNCH, tiến hành chiến tranh, nhằm tiêu diệt chế độ dân chủ tại
miền Nam, thâu tóm trọn VN cho Quốc Tế cộng sản (QTCS), và chuẩn
bị cho việc xích hóa toàn vùng Đông Nam Á.
Vì vậy, người dân hai miền Nam, Bắc, bị
CSVN ném vào cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ hai, kéo dài 20
năm (1955-1975). Máu người dân Việt đổ ra, có thể đã thành sông,
xương có thể chất thành núi!
Cuộc chiến Việt Nam lần thứ 2 không
phải là cuộc nội chiến của người Việt, mà là cuộc chiến giữa 2
khối: một bên theo QTCS, muốn áp dụng chủ thuyết Mác - Lê-nin;
một bên là khối tự do, dân chủ, theo chủ nghĩa tư bản. Vì thế
cuộc chiến tai Việt Nam ngày càng khốc liệt với sự tham chiến của
phe CS (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Liên Sô, Tàu, Đông Âu), và phe
chống CS (Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ, Úc, Tân Tây Lan, Đại Hàn,
Thái Lan, Phi Luật Tân...).
Cuộc chiến kéo dài, bất phân thắng bại,
làm tiêu hao lực lượng của 2 bên. Đầu thập niên 1970, Hoa Kỳ muốn
rút ra khỏi cuộc chiến kéo dài này, đã thu xếp để các bên ngồi
vào bàn hội nghị. Hiệp định Paris được ký ngày 27-1-1973 tại
Paris, Pháp. “Hòa ước” này quy định quân đội ngoại quốc phải rút
khỏi Việt Nam, quân đội CS miền Bắc và quân đội VNCH, đâu ở đó,
không được tấn công nhau, các bên tham chiến tại Việt Nam sẽ đối
thoại để tái lập hòa bình. Thực tế cho thấy hiệp định Paris được
thu xếp, chỉ để giúp Hoa Kỳ ra khỏi vũng lầy chiến tranh VN, và
người dân VN vẫn không được hưởng hòa bình. Chỉ 2 năm sau, CSBV
xé hiệp định Paris, xua quân tổng tấn công cưỡng chiếm miền Nam
vào ngày 30-4-1975. Chiến tranh chấm dứt, nhưng người dân Việt có
được hưởng hòa bình hay không?
2. Cuộc chiến thầm lặng trên
quê hương Việt Nam sau ngày 30-4-1975:
Tại sao gọi nó là cuộc chiến thầm lặng?
Vì đây là cuộc chiến không có bom rơi, đạn nổ, nhưng máu người
dân Việt vẫn đổ, và nước mắt họ vẫn rơi, gia đình họ tan nát, và
cuộc sống của họ bị hủy hoại.
Kẻ gây chiến vẫn là Đảng CSVN. Lần này,
kẻ thù của Đảng CSVN không phải là “thực dân Pháp”, “đế quốc Mỹ”,
hay “ngụy quyền Việt Nam Cộng Hòa”, mà chính là “người dân Việt
Nam”, những người đã đổ máu xương giúp Đảng được “quang vinh” như
ngày nay.
Đầu
tiên, họ gây chiến với quân, dân miền Nam, “bên thua cuộc”. Người
lính quân đội VNCH, và các viên chức chính quyền VNCH bị giam
trong các trại tù lao động khổ sai nhiều năm, nơi nhiều người đã
chết đói hay chết bệnh, hay bị hành quyết vì trốn trại. Các đợt
“đánh tư sản tại miền Nam” sau 30-4-1975 khiến dân miền Nam thành
“vô sản”, kinh tế miền Nam kiệt quệ, đưa cả nước vào tình trạng
nghèo đói. Người dân miền Nam bị Đảng cướp nhà, cướp tiền, cướp
của cải, phải vượt biên, vượt biển để rồi bị chết trong rừng sâu,
biển cả. Con em các gia đình “ngụy quân, ngụy quyền” bị kỳ thị,
không được học hành. Cuộc chiến này diễn ra ác liệt nhất thời
gian sau 30-4-1975 (1975-1980). Sau đó, các đợt di dân của người
dân miền Nam ra khỏi nước (di tản năm 1975, cựu tù nhân cải tạo
ra đi theo chương trình H.O., người Việt ra đi theo chương trình
đoàn tụ gia đình...) đã giúp người dân miền Nam có cuộc sống dễ
thở hơn. Các thương binh VNCH còn ở lại quê nhà thì vẫn bị kỳ
thị. Họ phải sống nhờ vào sức lao động của những người vợ yếu
đuối. Họ phải đi bán vé số, thậm chí phải đi ăn xin! Quê hương VN
im tiếng súng, nhưng miền Nam VN đầy những mảnh đời rách nát!
Thời gian đầu sau khi chiến tranh chấm
dứt, đời sống người dân miền Bắc khá hơn chút đỉnh, nhờ vào của
cải cướp được của miền Nam, nên quân, dân miền Bắc còn rất phấn
khởi với công trạng “giải phóng miền Nam” của Đảng.
Vì cả nước kiệt quệ sau thời gian dài
chiến tranh, thêm phải trả nợ cho Liên Sô, cho Tàu cộng, nên CSVN
phải chấp nhận chính sách “đổi mới” vào năm 1986, biến nền kinh
tế chỉ huy xã hội chủ nghĩa thành kinh tế thị trường tư bản chủ
nghĩa, nhưng vẫn còn duy trì “cái bóng ma của chủ thuyết Mác -
Lê-nin bằng “định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Sự thay đổi này đã giúp CSVN không
những sống còn, mà còn sống mạnh. Tầng lớp tư sản đỏ ra đời, tài
sản của họ lên đến nhiều triệu, thậm chí nhiều tỷ đô-la. Họ ở các
biệt thự nguy nga, con cháu họ đi du học tại các nước tư bản “thù
địch” như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Úc, Canada... Vì sao họ trở thành
giàu có khủng khiếp như vậy?
Các dự án đầu tư của tư bản nước ngoài
vào VN luôn cần sự chấp thuận của “cấp trên”, nên chủ đầu tư phải
đút lót cho giới chức thẩm quyền, và thế là cán bộ CS, mạnh ai
nấy ăn, lớn ăn lớn, nhỏ ăn nhỏ. Tham nhũng trở thành một quốc
nạn, và cán bộ CS trở thành “những bầy sâu”, ăn bẩn khắp nơi.”
Khi chủ tư bản ngoại quốc vào đầu tư,
với kế hoạch xây dựng các khu công nghiệp, các nhà máy nhiệt
điện, nhà máy giấy, nhà máy nhựa, nhà máy hóa chất... thì biết
bao hệ lụy nảy sinh. Đất đai của dân bị cưỡng chiếm, môi trường
bị hủy diệt.
Vài thí dụ điển hình về môi
trường sống của người dân bị hủy diệt:
• Quặng bauxite ở Tây nguyên đã thải ra
chất bùn đỏ độc hại, ảnh hưởng đến môi trường sống tại địa
phương.
• Nhà
máy thép Formosa, Hà Tĩnh, đã thải chất độc công nghệ trực tiếp
xuống biển, khiến biển 4 tỉnh miền Trung bị ô nhiễm, cá chết hàng
loạt, người dân miền Trung không còn phương tiện sinh sống, suốt
1 năm nay chưa được đền bù thỏa đáng.
• Nhà máy giấy Lee & Man tại đồng bằng
sông Cửu Long đang thải chất độc, khiến không khí ô nhiễm, sông
Cửu Long rồi sẽ bị hủy hoại như vùng biển miền Trung.
Các nhà máy, các khu đô thị, các khu
công nghiệp mọc khắp nơi, nên đất đai trở thành món hàng vô cùng
đắt giá. Khi đất công không còn để bán cho chủ đầu tư, nhà cầm
quyền CS bắt đầu việc chiếm nhà, chiếm đất của người dân. Sau
30-4-1975, chỉ người dân miền Nam bị CS chiếm nhà, chiếm đất, do
đi vượt biên, hay bị đuổi về các vùng kinh tế mới. Kể từ khi CS
làm kinh tế thị trường (từ thập niên 1990), người dân cả nước đều
có thể bị mất đất, thành phần nào cũng có thể trở thành dân oan,
từ dân thành thị đến dân nông thôn, từ dân thường đến cựu bộ đội,
từ thương binh đến mẹ liệt sĩ...
Người dân mất đất, mất ruộng, mất nhà,
không được đền bù thỏa đáng, phẫn uất đi khiếu kiện 20 năm nay,
nhưng chẳng cấp lãnh đạo nào lắng nghe tiếng nói của họ. Họ xuống
đường biểu tình, kêu cứu Quốc Hội, kêu cứu Đảng, kêu cứu chính
phủ, nhưng họ đều bị công an, cảnh sát đàn áp, quẳng lên xe như
thú vật, bắt đưa trở lại quê nhà.
Dân oan miền Bắc nhiều lần nằm, ngồi
chật cả vườn hoa Mai Xuân Thưởng ở Hà Nội, chờ đưa đơn khiếu
kiện. Từ năm 1993, ông Đoàn Văn Vươn, một cựu bộ đội, đã bỏ công
khó, khai khẩn khu đất ven biển tại Tiên Lãng, Hải Phòng thành
đầm nuôi thủy sản, được nhà cầm quyền địa phương cho thuê sử dụng
một cách hợp pháp. Công việc đang tiến triển tốt đẹp thì năm
2012, cán bộ Tiên Lãng đòi thu hồi đầm nuôi thủy sản của ông. Ông
Vươn không đồng ý, kiện cáo, nhưng không được giải quyết. Ông đã
dùng mìn tự chế và đạn hoa cải chống lại đội cưỡng chế đất lên
tới 100 người gồm công an và cả quân đội, nhưng cuối cùng cũng
phải chịu thua, nhà cửa bị phá tan hoang, bản thân chịu án tù 4
năm. Ngày 11-9-2013, ông Đặng Ngọc Viết, ở tỉnh Thái Bình, phẫn
uất vì bị thu hồi đất, mà không được đền bù thỏa đáng, đã đến trụ
sở UBND thành phố Thái Bình, bắn vào 4 cán bộ của trung tâm phát
triển quỹ đất, khiến 1 chết và 3 bị thương. Sau đó ông Viết tự
sát. Ông được gọi là “người con yêu của nông dân Thái Bình”, vì
đã can đảm nói lên tiếng nói chống đối của nông dân đối với bạo
quyền CS.
Dân
oan tại các tỉnh miền Nam cũng cùng số phận. Họ kéo lên Sài Gòn
biểu tình nhiều lần, nhưng bị đàn áp, bị đuổi về quê. Chúng ta
từng nghe câu chuyện về hai mẹ con người nông dân ở Cần Thơ đã
khỏa thân để giữ đất, và bị lôi kéo đi như súc vật. Mới đây chúng
ta lại nghe chuyện người dân tại xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc,
tỉnh Kiên Giang, đã phải quỳ xuống lạy bọn cướp đất. Những cảnh
khổ nhục như thế này chưa từng xảy ra cho người dân miền Nam Việt
Nam trước 30-4-1975.
Đảng CSVN đã và đang gây chiến với
chính người dân của họ. Bằng cách nào? Họ dùng pháp luật để hợp
pháp hóa hành động cướp đất của người dân. Luật đất đai ghi trong
Hiến pháp 1992 của CSVN quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân,
do nhà nước đại diện chủ sở hữu quản lý”. Đây là chiêu bài mỵ dân
quen thuộc của CSVN. Họ vẫn nói: “Trong chế độ mới xã hội chủ
nghĩa, Đảng lãnh đạo, người dân làm chủ tập thể, và chính quyền
quản lý”. Như vậy, dù là nhà, đất, hay ruộng, trước kia là của tư
nhân, do tư nhân đứng tên sở hữu, nay nếu nhà nước cần, họ có
toàn quyền “thu hồi đất”. Sau khi bồi thường cho người dân với
giá rẻ mạt, họ sẽ đem bán cho chủ đầu tư với giá thật cao, để
kiếm lời. Như vậy “cướp đất” là chữ người dân dùng, là điều chúng
ta nghĩ, còn nhà nước luôn tuyên bố chỉ “thu hồi đất vì công
ích”. Quyền sở hữu đất của tư nhân không được nhà nước công nhận,
thì tư nhân không phải là chủ sở hữu đất thực sự, nếu họ không
đồng ý giao đất, nhà cầm quyền sẽ dùng võ lực cưỡng chế, và người
dân trở thành tội phạm: tội không tôn trọng pháp luật, tội gây
rối trật tự, tội chống người thi hành công vụ...
Các vụ cưỡng chế đất tại Thái Bình
(1997), nơi rất nhiều cựu bộ đội trở thành nạn nhân và bị giết
hại thảm khốc trong nhà tù, tại Tây Nguyên (2001), tại Đông
Triều, Quảng Ninh (2012), tại Văn Giang, Hưng Yên (2012), tại Vụ
Bản, Nam Định (2012), tại Yên Dũng, Bắc Giang (2012), tại Dương
Nội, Hà Đông (2014), tại Thạnh Hóa, Long An (2015)... khiến người
dân rơi lệ và đổ máu rất nhiều. Nhiều người bị đánh trọng thương,
thậm chí có người bị đánh chết (tại Bắc Giang), hay phẫn uất phải
tự tử (tại Quảng Nam, tại Thái Bình).
Chuyện sôi động nhất về tranh giành đất
đai mới xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội,
vào tháng 4, 2017. Người dân không hài lòng với việc phân chia
đất của nhà cầm quyền, đất họ coi là đất nông nghiệp thuộc quyền
sử dụng của họ lại biến thành đất quốc phòng mà nhà nước muốn thu
hồi để giao cho công ty Viettel (Tập đoàn viễn thông quân đội).
Mâu thuẫn bắt đầu nhiều năm nay, trở thành căng thẳng, dẫn đến
việc ngày 15-4-2017, CSCĐ bắt cóc 15 người dân Đồng Tâm, đánh 1
thanh niên gần chết, và hành hung một cụ già 83 tuổi (cụ Lê Đình
Kình). Người dân Đồng Tâm tức giận, bắt giữ cả chục cảnh sát cơ
động, và một số viên chức xã, đem nhốt tại Nhà Văn Hoá xã làm con
tin. Người dân đổ xăng vào các con tin, dọa đốt sống họ, và tử
thủ, nếu xã bị tấn công. Chưa bao giờ xảy ra tình trạng căng
thẳng như vậy. Có lẽ hai bên cùng mệt mỏi, nên ngày 22-4-2017,
người dân ĐT đã thả con tin, và chủ tịch UBND thành phố Hà Nội
Nguyễn Đức Chung phải ký Bản Cam Kết: không truy tố hình sự dân
xã ĐT, xem lại quyết định phân chia đất, truy cứu kẻ đã hành hung
cụ Lê Đình Kình. Thật nực cười cho “quan chức và pháp luật xã hội
chủ nghĩa”. Chủ tịch UBND thành phố thủ đô Hà Nội, mà phải ngồi
ký một bản cam kết viết tay trên giấy học trò, không đóng dấu
(giống như giấy phạt thày cô giáo bắt học trò viết tại trường
tiểu học, hay trung học!)
Không biết sau trận chiến diễn ra hơn 1
tuần lễ, người dân xã Đồng Tâm có đạt được nguyện vọng của họ về
đất đai hay không? Trong một video clip, chúng ta đọc thấy một
biểu ngữ lớn viết như sau: “Toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm luôn
luôn tin tưởng vào đường lối và chính sách của Đảng và nhà nước.”
Họ có biết rằng Đảng chẳng biết chữ tín là gì, đã lừa bịp người
dân cả nước rất nhiều lần, và pháp luật của Việt Nam chỉ là luật
rừng, được coi như công cụ phục vụ cho quyền lợi của Đảng CS mà
thôi. Chẳng biết người dân xã Đồng Tâm có còn nhớ nhà cầm quyền
xã Lộc Hà, Hà Tĩnh đã đối xử với người dân của họ thế nào vào
trung tuần tháng 4 vừa qua không? Sau thảm họa Formosa vào đầu
tháng 4, 2016, khiến cá chết hàng loạt, và môi trường biển bị
nhiễm độc nặng nề, người dân 4 tỉnh miền Trung đã không còn
phương tiện mưu sinh, lại không được đền bù thiệt hại thỏa đáng.
Đầu tháng 4, 2017, dân xã Lộc Hà, biểu tình đòi bồi thường thiệt
hại mà họ phải gánh chịu cả năm qua. Giới chức địa phương cho côn
đồ giả dạng công an bắn vào dân, khiến họ phẫn nộ kéo đến bao vây
trụ sở UBND xã LH, bắt một tên côn đồ đánh dân, và cũng không cho
tên này đi cấp cứu. UBND xã tránh mặt, và sau cùng người đại diện
xã phải ký giấy cam kết sẽ truy cứu kẻ xấu bắn vào dân. Người dân
LH chịu giải tán. Nhưng ngày hôm sau, nhà cầm quyền LH lại cho
phát tin trên VTV, nói là dân LH bị “thế lực xấu kích động, có
hành động gây rối trật tự, vi phạm pháp luật”, và quyết định sẽ
truy tố 6,000 dân trong xã ra tòa! Lời nói và việc làm của CS có
bao giờ đi đôi đâu! Chỉ sợ người dân xã Đồng Tâm rồi sẽ lại bị
lừa như người dân Lộc Hà thôi.
Ngoài chuyện căng thẳng tại Đồng Tâm,
cũng vào tháng 4, 2017 (20-4-2017) chúng ta lại chứng kiến cuộc
đối đầu giữa người dân Vọng Đông, Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, và
lực lượng cảnh sát cơ động đi chiếm đất của dân. Đoàn CSCĐ được
trang bị khiên, gậy, chó... Cứ im lặng tiến tới. Người dân, không
vũ khí, chỉ biết ồn ào chống lại bằng tiếng la hét, tiếng chửi
thề, họ đem cả quan tài chặn giữa đường quê, nhưng vẫn không ngăn
được bước tiến của “người thi hành công vụ”, họ phải lùi dần, và
chạy tán loạn. Người dân, tay không tấc sắt, không người lãnh
đạo, làm sao chống lại đội quân CSCĐ được huấn luyện chuyên
nghiệp, được trang bị đầy đủ phương tiện trấn áp!
Cuộc chiến giữa CSVN và người dân về
vấn đề đất đai là cuộc chiến không cân sức, kết cuộc ra sao chúng
ta đều biết rõ. Bao nhiêu nhà của người dân mất đi, bao nhiêu
thửa ruộng, mảnh vườn bị quy hoạch, ngay cả đất hoang do người
dân khai phá [cũng]
bị thu hồi... Có ai đòi lại được không, hay người dân phải đau
đớn mất trắng. Nhiều người đã phải rời bỏ quê nhà ra tỉnh thành
kiếm sống, hay đi lao động ở nước ngoài.
Cuộc chiến này sẽ không bao giờ có kết
cuộc, vì Đảng CS quá gian tham, và tàn nhẫn. Họ gây chiến với
chính đồng bào mình, coi người dân là kẻ thù, thì “Họ là ai?” Họ
dùng công an, cảnh sát, quân đội (từ dân mà ra) đánh đập người
dân, thậm chí bắn cả vào dân, đem chó đi rượt dân để cướp đất,
thì đây là loại “chính quyền” gì? Họ còn đủ tư cách ngồi ở vị trí
lãnh đạo dân, cai trị dân hay không?
3. Người dân Việt phải làm gì
để bảo vệ quyền sống?
Người dân Việt Nam có một phần trách
nhiệm khi để bọn cầm quyền xấu xa này tại vị. Mỗi lần CSVN tổ
chức bầu cử đại biểu quốc hội (đại diện cho dân), người dân vẫn
tham gia vào các cuộc “đảng cử, dân bầu”. Vì sợ, vì muốn an thân,
vì để thủ lợi... họ vẫn đến phòng phiếu, thi hành “nghĩa vụ công
dân”, và cho CSVN cơ hội khoe khoang thành tích “bầu cử đạt
99%”... Nếu người dân rủ nhau tẩy chay bầu cử thật đông đảo, chắc
chắn CSVN không thể khoe thành tích này, và cuộc bầu cử sẽ thất
bại. Người dân vẫn tham gia bầu cử đông đảo, thì chế độ độc tài
này vẫn được khoác cái áo dân chủ đẹp đẽ! Hãy tẩy chay các cuộc
bầu cử dỏm này của CSVN, cho chúng mất uy tín.
Khi người dân miền Trung gặp thảm họa
cá chết, biển nhiễm độc, giới hữu trách thờ ơ, có đại biểu quốc
hội nào tiếp xúc với họ, giúp họ kiện Formosa, giúp họ thực phẩm
sống qua ngày hay không?
Khi dân oan 3 miền bị cướp đất, bị đánh
đập, bi bỏ tù, bị truy sát..., có đại biểu quốc hội nào đứng lên
nói dùm họ không, hay im lặng đồng lõa với kẻ thủ ác?
Hãy tuyên bố bất tín nhiệm Quốc Hội,
bất tín nhiệm các đại biểu quốc hội, chỉ biết ngồi làm bù nhìn,
làm nghị gật.
Còn cái Đảng CSVN ăn hại, ngồi trên đầu người dân, thu đủ mọi thứ
thuế của dân, để nuôi sống bản thân, gia đình, phe nhóm..., đã
không biết ơn dân, lại còn đi cướp nhà, cướp đất của họ. Nông dân
mất đất, ngư dân mất biển, thử hỏi họ sống bằng gì?
Hãy hành động giống cụ ông Vương Văn
Thả, một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ở An Phú, An Giang, đã tuyên bố
“bất tín nhiệm Đảng cộng sản”, và hô hào “Hãy lật đổ Đảng cộng
sản”.
Người
dân cả nước cần tham gia biểu tình đòi quyền sống (bảo vệ môi
trường, đuổi Formosa, chống cưỡng chế đất, chống bóc lột công
nhân, chống cán bộ tham nhũng...) cùng với các nạn nhân trực
tiếp. Đừng thờ ơ, đừng có thái độ “cháy nhà hàng xóm, bình chân
như vại”. Hãy biết đau nỗi đau của đồng loại, của đồng bào. Đây
là đạo đức cha ông đã dạy chúng ta. Nếu cả trăm ngàn người cùng
nhất tề đứng dậy, cùng lên tiếng, cùng xuống đường, cùng đòi hỏi
nhà cầm quyền một điều cụ thể nào đó, thử xem họ sẽ làm gì, có
dám đàn áp và bắn vào dân không?
Tiến xa hơn nữa, người dân có thể yêu
cầu hủy bỏ luật đất đai hiện hành, lập ra luật đất đai mới công
bằng, hợp lý. Có như vậy, nhà cầm quyền CS mới không dám coi
thường dân, và từng bước, người dân sẽ lập được một chế độ dân
chủ đúng nghĩa. Con đường dẹp bỏ chế độ độc tài hiện nay là con
đường gian nan, đòi hỏi người dân phải có quyết tâm, kiên trì, và
chịu hy sinh. Nhưng nếu người dân không đứng lên tranh đấu cho
quyền sống, bây giờ, cho chính họ, và cho con cháu họ sau này,
thì ai sẽ làm dùm họ đây?
Xin đồng bào trong nước hãy vượt qua
nỗi sợ hãi, cùng các nạn nhân của thảm họa môi trường, các nạn
nhân của cưỡng chế đất..., hãy xuống đường biểu tình, để trước
hết bắt nhà cầm quyền phải hành xử có trách nhiệm, và xa hơn nữa
là để mở trang mới cho lịch sử nước nhà. Các nhóm tranh đấu cho
dân chủ hãy đoàn kết lại. Một nhà dân chủ trẻ tuổi trong nước
(nhà báo Huỳnh Quốc Huy), cho biết chỉ cần 3.5% người dân thức
tỉnh, và cùng nhau hành động (khoảng 3 triệu người thôi) thì chế
độ CS ăn hại này sẽ lung lay, và sụp đổ.
Đồng bào hải ngoại cũng phải nhiệt tâm
ủng hộ các cuộc tranh đấu của người dân trong nước. Họ đã lên
tiếng kêu cứu: “Hãy giúp chúng tôi kiện Formosa.” Mỗi người chúng
ta hãy góp một bàn tay vào công việc chung này, giúp đồng bào
trong nước đòi quyền sống, giúp người dân trong nước giải thể chế
độ độc tài toàn trị hiện nay, hầu lập ra một thể chế mới, một chế
độ mới biết bảo vệ nền độc lập của đất nước, và biết lo cho hạnh
phúc của người dân; để máu họ thôi đổ, và nước mắt họ ngừng rơi
trên quê hương Việt Nam.
Kết luận, cuộc chiến
thầm lặng, không bom rơi, đạn nổ do Đảng CSVN tiến hành 42 năm
qua, sau ngày đất nước “thống nhất”, chống lại chính người dân,
là một cuộc chiến khủng khiếp, sẽ hủy hoại nòi giống Việt, và
tương lai nước Việt. Đảng CSVN vẫn rêu rao “con người là vốn quý
của xã hội”. Nay họ hủy diệt con người, nhất là giới nông dân,
tuy số người làm nông nghiệp có giảm, nhưng hiện nay vẫn còn
chiếm hơn 70% dân số Việt Nam; họ sẽ xây dựng và phát triển đất
nước theo đường lối nào? Rốt cuộc, sẽ chỉ là đường lối “bán nước,
buôn dân”, như bấy lâu họ vẫn theo đuổi!
Nguyễn Quốc Đống, K13-VBQGĐL
23 tháng 4,
2017
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
Chiều
Thu trên Biển Hồ
Hallstätter,
thuộc tỉnh
Salzkammergut, nước Áo, Âu châu.
Hồ nằm trên tọa độ 47°34′43″N
13°39′38″E.
Mặt nước hồ rộng
khoảng 8.55km², sâu 125m.
|
Hình nền: Mùa Thu Áo Quốc. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E-mail by Nguyễn Quốc Đống chuyển
Đăng ngày Chúa Nhật,
October 15, 2017
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang