Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tự
Truyện
Chủ đề:
LĐ5BĐQ & Mặt trận Quảng Trị
Tác giả:
Nguyễn Văn Nam
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
Lời giới thiệu: NHÂN KỶ NIỆM
NGÀY THÀNH LẬP BINH CHỦNG BĐQ 1 THÁNG 7, XIN TRÂN TRONG GIỚI THIỆU
BÀI VIẾT CỦA NIÊN TRƯỞNG NGUYỂN VĂN NAM.
Khuyết danh
Nói đến Mặt trận Quảng Trị,
chúng ta thường đọc những tài liệu và phim ảnh về cuộc hành quân
tái chiếm Quảng Tri là chiến thắng của Thủy Quân Lục Chiến tại Cổ
Thành “Cờ bay, cờ bay trên thành phố thân yêu, vừa chiếm lại đêm
qua bằng máu...”.
Rất ít người biết được trước đó, vào
giữa tháng Tư năm 1972, lực lượng Biệt Động Quân, Thiết giáp đã
chận đứng và đánh bại quân xâm lược Bắc Việt tại phòng tuyến Tây
Nam Đông Hà. Đến nay, chiến thắng lẫy lừng này hầu như bị bỏ
quên, ít ai còn nhắc đến, cũng như ít có tài liệu nói về giai
đoạn này.
Cuối
tháng 3 năm 1972, cộng sản Bắc Việt ngang nhiên xé hiệp định
Genève 1954 đưa toàn bộ lực lượng tràn qua Bến Hải tấn công vào
Sư Đoàn 3 và Một Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến trấn đóng tại các
căn cứ hỏa lực dọc theo biên giới Lào. Trước áp lực quá mạnh và
bất ngờ của địch, sau vài ngày chống trả chờ quân bạn tiếp viện
trong vô vọng, Trung tá Phạm Văn Đính, Trung Đoàn Trưởng Trung
Đoàn 56/Sư Đoàn 3, đã buộc phải đầu hàng địch. Trong khi đó, Lữ
Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, rút bỏ các căn cứ hỏa lực dọc theo biên
giới Lào, đã tạm rút về lập phòng tuyến mới tại phía Tây Nam Đông
Hà. Ngoài ra, một số đơn vị quân đội phải lui quân, bỏ ngỏ quận
Gio Linh và Cam Lộ, Quảng Trị. Trước tình thế trên, Bộ Tổng Tham
Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cấp tốc điều động 3 Liên Đoàn 4,
5, 6 Biệt Động Quân, tăng cường cho Quân Đoàn I.
Từ cuối năm 1971, toàn bộ LLXK/QĐIII
rút khỏi chiến trường Kampuchea. Liên Đoàn 5 BĐQ vào vùng hành
quân Tam Giác Sắt thay Lữ Đoàn Nhảy Dù của Đại tá Lê Quang Lưỡng.
Sau Tết, khi Liên Đoàn 5 bắt đầu hành quân vào chiến khu D thì
được lệnh cấp tốc gom quân về căn cứ Trảng Lớn, Tây Ninh. Tại
đây, Liên Đoàn được lịnh trang bị ba ngày lương khô và hai cấp số
đạn sơ khởi, khẩn cấp ra tăng cường cho Quân Đoàn I.
Liên Đoàn 5 BĐQ được không vận đợt đầu
tiên từ phi trường Trảng Lớn, Tây Ninh ra Phú Bài. Khoảng 5:00
giờ chiều, toàn bộ Liên Đoàn 5 đã có mặt tại Huế và được di
chuyển gấp ngay trong đêm ra căn cứ Hòa Mỹ. Không Quân tiếp tục
chuyển 2 Liên Đoàn 4 và 6 BĐQ trong đêm. Sáng sớm hôm sau, hai
Liên Đoàn bạn cũng có mặt tại Phú Bài. Đến căn cứ Hòa Mỹ vào
khoảng 22:00 giờ, qua bầu trời trong lấp lánh ánh sao, lần đầu
tiên chúng tôi chứng kiến từng đợt hỏa tiễn SAM của CSBV đuổi
theo B52 cho đến khi hết tầm nổ tung như pháo bông.
Hôm sau, Liên Đoàn, được tăng cường
Thiết Đoàn 17 (Trung tá Dung, Thiết Đoàn Trưởng) và một Chi Đoàn
Chiến Xa M48 thuộc Thiết Đoàn 20 vừa mới được thành lập, cấp tốc
ra Đông Hà thay thế Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến đang trấn giữ
phòng tuyến Đông Hà. Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 5 lập căn cứ dọc Quốc
Lộ 1 cách Đông Hà khoảng 4km về phía Nam cùng BCH/Thiết Đoàn 17 +
Tiểu Đoàn 33 BĐQ (–2) + Đại Đội 5 Trinh Sát và Pháo Đội 105ly.
Tiểu Đoàn 33 BĐQ (–2) và một Chi Đoàn M113 giữ phòng tuyến Đông
Hà. Tiểu Đoàn 30 BĐQ và một Chi Đoàn M48 giữ tuyến Tây Nam Đông
Hà dọc theo dãy Trường Sơn.
Tiếp theo là Tiểu Đoàn 38 BĐQ + Chi
Đoàn M113, LĐ4 BĐQ, Liên Đoàn 6 BĐQ. Vài ngày sau LĐ6 được điều
động tăng cường Quân Đoàn II và LĐ1 thay thế Liên Đoàn 6. Vừa vào
vùng trách nhiệm để thay thế đơn vị bạn, chúng tôi đã được địch
quân chào đón bằng những trận mưa đại pháo 130ly và đủ loại hỏa
tiễn của VC. Khi quen với pháo kích của chúng, chúng tôi có thói
quen tính bằng thời gian chứ không đếm bằng quả như ở các mặt
trận khác. Đến vị trí ấn định chúng tôi vẫn chưa tìm thấy quân
bạn. Sau khi liên lạc nhau trên hệ thống Truyền Tin và cho tọa độ
chính xác, vài phút sau các tiểu đoàn mới bắt tay được với nhau.
Đi đâu cũng gặp toàn dân Võ Bị nên việc bàn giao rất nhanh chóng
sau khi được dặn dò tỉ mỉ. Ở đây, mọi bài học ở quân trường và
binh thư căn bản đã được tạm xếp sang một bên.
Theo kinh nghiệm của đơn vị bạn cũng
như thực tế trước mắt, chúng tôi chọn những thung lũng lòng chảo
để bố trí quân thay vì chiếm các cao điểm như thường lệ. Cao điểm
có ưu thế chiến thuật kiểm soát khu vực, nhưng có bất lợi là làm
thành mục tiêu chính xác cho VC pháo kích. Chúng tôi đã chia tay
nhau, trong sự lo lắng với những lời chúc lành của những đứa con
cùng trường mẹ.
Hơn 500 BĐQ nhận lãnh trách nhiệm của
trên 700 Thủy Quân Lục Chiến mà mọi người đều biết chắc rằng nơi
đây sẽ xảy ra những trận đánh khốc liệt trong vài ngày tới. Việt
Cộng không dám liều lĩnh vượt sông Đông Hà tấn công BĐQ nên
chuyển hướng về Trường Sơn đến quận Cam Lộ (đã thất thủ), tập
trung quân, chuẩn bị. Những toán tiền sát viên pháo binh của VC
giả dạng, mặc quân phục Sư Đoàn 3 Bộ Binh QLVNCH, len lỏi bám sát
gọi pháo binh, bắn liên tục vào các vị trí đóng quân của ta.
Chúng tôi phải liên tục ngày đêm tung các toán tuần tiễu, phục
kích tiêu diệt bọn này, trong khi chờ đợi những trận tấn công mới
của bọn chúng.
Ngày 9 tháng 4 năm 1972, Việt Cộng,
tung chiến xa và mở đợt tấn công dữ dội từ hướng Cam Lộ xuống,
đâm thẳng vào phòng tuyến Tiểu Đoàn 30 BĐQ. Chúng tôi ra lịnh anh
em giữ vững vị trí, trong khi Chi Đoàn Chiến Xa M48 tấn công ngay
khi chiến xa T54 của địch lọt vào tầm tác xạ. Nhiệm vụ của BĐQ là
phải cản cho được bộ binh địch tùng thiết, nên chỉ được tác xạ
khi chiến xa chúng đến được gần phòng tuyến mình – trong tầm tác
xạ của M72.
Khi trái đại bác đầu tiên của M48 hạ ngay chiếc T54 địch trước sự
reo hò của anh em, chúng tôi đã phát giác ra ngay đám con cháu
HCM đánh giặc rừng, chưa học được bài Nhị Thức Bộ Binh – Thiết
Giáp mà đã xung trận. Chúng dàn thiết giáp đi giữa, bộ binh tiến
hai bên. Chuối đã đưa đến miệng cưỡng. Chỉ hơn nửa giờ sau, M48
đã bắn cháy 13 chiến xa T54, khiến những xe còn lại quay đầu bỏ
chạy về hướng Trường Sơn. BĐQ và Thiết Kỵ reo hò trước hiệu quả
của chiến xa M48 lần đầu được trang bị và xung trận.
Ranh giới hoạt động giữa hai Tiểu đoàn
30 và 38 BĐQ là một con suối cụt, hai bên bờ có cây cối rậm rạp.
Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn còn nghe tiếng thiết giáp di chuyển
dưới bờ suối. Để kiểm soát lại thật kỹ xem đó có phải là của bạn
hay địch, TĐ30 đề nghị 38 để 30 kiểm soát con suối. Chúng tôi cho
một toán trinh sát bám theo tiếng máy xe và bất ngờ gặp 3 chiếc
T54 trốn dưới suối chạy lạc. Lúc trồi lên để tìm đồng đội, chúng
lại đâm ngay vào Bộ Chỉ Huy/Tiểu Đoàn. Cả đơn vị đều la lên:
– “T54, Việt Cộng!”
Tức thì 2 chiếc lãnh đủ mọi hỏa lực, bị
bốc cháy, trong khi chiếc còn lại hoảng hốt lách tránh đạn bị lật
nằm chỏng gọng.
Tôi la lớn:
– “Tất cả ngưng tác xạ.”
Tôi đích thân điều động 2 đại đội xung
phong lên “bắt sống” (chữ của VC trả lại cho VC) chiếc T54 đầu
tiên cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Khi nhận báo cáo, Trung tá
Hồng – Liên Đoàn Trưởng – đã đích thân vào máy kiểm chứng lại với
tôi, giọng nửa đùa nửa thật.
– Báo lại cho đàng hoàng. Thiết Giáp
chứ phải cua hay sao mà mầy bắt sống dễ dàng vậy? Kiểm soát lại
để tao còn báo cáo lên Quân đoàn.
– Trình 78 (danh hiệu LĐT), nửa tiếng
nữa tôi sẽ nhờ anh em Thiết Giáp kéo về nộp cho Liên đoàn. Chiếc
T54 còn nguyên chưa lãnh đạn.
– Tốt lắm, cho tôi gởi lời khen ngợi
đến anh em TĐ30 và Thiết Giáp.
Chiếc T54, chiến lợi phẩm đầu tiên do
Tiểu Đoàn 30 BĐQ và Chi Đoàn Chiến Xa M48, thuộc Thiết Đoàn 20
tịch thu được tại mặt trận Tây Nam Đông Hà ngày 9 tháng 4 năm
1972, được kéo về trưng bày tại Phú Vân Lâu và sau đó được đưa về
trước Tòa Đô Chính Sài Gòn, cùng với chiếc thứ nhì do Thủy Quân
Lục Chiến tịch thu được sau này. Thật tội nghiệp cho bọn VC như
bầy vịt con ngơ ngác!
Khi đám cua sắt đi giữa nhanh chóng bị
loại khỏi vòng chiến, chúng bị tách rời thành hai cánh làm mồi
cho hỏa lực thiết giáp và sức tấn công vũ bão của 2 TĐ30, 38 BĐQ.
Chỉ trong một ngày chúng tôi tịch thu trên 200 súng đủ loại trong
đó có 8 khẩu đại bác không giật 82ly lần đầu tịch thu được. Đúng
là một trận đánh thật ngoạn mục như trong phim La Mã thời xưa,
trên một chiến trường rộng lớn trùng trùng điệp điệp đồi sim bát
ngát. Quân ta đã lấy súng địch như lấy củi! Để gỡ gạc, bọn VC
pháo kích dữ dội rồi dùng những đơn vị bộ binh còn lại cố gắng
tấn công nhưng chỉ thêm tổn thất. Sau hai ngày đêm kịch chiến,
bọn VC đã hoàn toàn bị đẩy lùi vào Trường Sơn. Chúng tôi bắt sống
được 3 tên VC trẻ măng, chừng 16 tuổi.
Khi tôi hỏi:
– Sao còn con nít như vầy không chịu đi
học mà lại đi lính làm gì?
– Họ bắt đi lính hết, vào “giải phóng”
miền Nam. Làm gì được tiếp tục đi học.
Anh em BĐQ lại đốt thuốc lá đưa cho họ
hút, cho ăn cơm gạo sấy và thịt hộp ba lát. Chúng thấy thuốc thì
hí hửng hút nhưng cơm thì ngần ngừ không dám ăn, mà chỉ đưa mắt
nhìn từng người rất lấy làm ngạc nhiên. Thấy vậy, tôi hối thúc:
– Ăn đi chứ chờ gì nữa. Lính tráng gì
mà rụt rè như con gái vậy. Bộ sợ bị thuốc độc à?
– Sao tử tế vậy? Lại cho ăn ngon nữa.
Ăn xong rồi đem bắn hả?
– Tụi mầy cắc ké kỳ nhông bắn làm gì
cho uổng đạn. Cơm sấy thịt hộp có gì là cao lương mỹ vị. Ăn đi.
Vài phút nữa sẽ có trực thăng đem mấy chú về nơi an toàn rồi. Mấy
chú khỏe hơn chúng tôi rồi đó.
– Thực à?
Cũng trong lúc đụng trận, chúng tôi còn
tìm thấy trong một hố nhỏ, hai em bé thật ốm đang nằm tránh đạn.
Cô chị khoảng chín tuổi đang ôm chặt đứa em chừng 5 tuổi. Hai chị
em đang run lẩy bẩy trên tay còn cầm một gói nhỏ gạo sấy. Thật là
một thảm trạng đau lòng!
Trước chiến thắng lẫy lừng này, tinh
thần binh sĩ lên cao nên họ chỉ muốn “Bắc tiến” để chiếm lại
những phần đất đã mất. Bộ Tư Lịnh Quân Đoàn I thảo sẵn lệnh hành
quân Quang Trung 720, nhưng chẳng hiểu sao không được thi hành
(Ngày N giờ G chưa ấn định). Tiến không tiến, thủ không thủ. Cứ
nằm tại chỗ chờ lịnh. Việt Cộng cấp tốc điều động quân dọc Trường
Sơn, bọc sâu về phía Nam lập tuyến phục kích dọc theo sông Trường
Phước, thành hình chữ U bẻ dọc theo phía Tây Quốc Lộ 1 và dãy
Trường Sơn dài 3km. Tuyến phục kích này đã đi vào quân sử với tên
gọi Đại Lộ Kinh Hoàng.
Sau khoảng mười ngày chờ đợi, bọn VC
nhận được tiếp tế và quân tiếp viện từ ngoài Bắc gởi vào, nên
chúng bắt đầu mở cuộc phản công thăm dò. Chúng tôi chẳng những
không được tăng cường mà vì nhu cầu chiến trường, Chi Đoàn M48 đã
được rút đi tăng cường cho Thủy Quân Lục Chiến ở mặt trận khác.
Thay vào đó, chúng tôi nhận lại Chi Đoàn Thiết Quân Vận M113 của
Thiết Đoàn 17, để tiếp tục nhiệm vụ trấn ải địa đầu này. Thật là
trớ trêu! Nhưng tôi cũng còn được chút an ủi vì chi đoàn trưởng
là chú em sát nút với tôi: anh Viễn Sum, khóa 21. (Anh đã bị tử
trận sau này.)
Chẳng hiểu Quân Đoàn I đánh đấm như thế
nào mà hầu như bỏ lỏng mặt trận Đông Hà chỉ lo chống trả ở mặt
trận phía Tây giữa Huế và Quảng Trị? Chúng tôi trì hoãn chiến với
VC ở mặt trận Tây Nam Đông Hà và co dần về phía Quốc Lộ 1.
Gần cuối tháng 4, phòng tuyến hai TĐ30
và 33 đã rút bỏ, chỉ còn TĐ30 BĐQ đơn độc ở lại trấn giữ căn cứ
của BCH/LĐ5BĐQ, vì BCH/LĐ đã rút về phía sau (hướng Nam về phía
tỉnh lỵ Quảng Trị) khoảng hơn 1km. Cách căn cứ TĐ30 về phía Nam
300 mét có con sông nhỏ Vĩnh Phước do một đơn vị Địa Phương Quân
trấn giữ chiếc cầu bắc qua sông này. Cách đó 500 mét là TĐ38 BĐQ.
Trước tình hình này tôi đoán chắc việc rút bỏ Đông Hà chỉ là vấn
đề thời gian, nên đã bàn với Thiếu tá Thúy, TĐT, nên đưa một đại
đội về giữ chiếc cầu cho an toàn. Anh do dự một hồi và quyết định
chưa tới lúc phải làm như vậy.
Rạng sáng hôm sau, tôi linh cảm tình
thế rất nặng nề và bất lợi nên tôi đề nghị một lần nữa ý định tối
hôm qua. Lần này, đề nghị của tôi không những gửi một đại đội mà
phải kèm thêm một chi đội thiết quân vận M113. Thấy Thiếu tá Thúy
vẫn còn lưỡng lự, tôi không chần chờ ra lịnh cho ĐĐ3 và Đại úy
Xứng, chi đoàn trưởng, cấp tốc thi hành. Nhưng đã muộn, khi lực
lượng chúng tôi vừa đến cầu thì VC đã có mặt sẵn. Chi Đoàn M113
và ĐĐ3 tấn công dữ dội và vượt qua được bên kia cầu, trước khi VC
giật sập cây cầu này! Tôi cho anh em dừng lại bố trí quân và sẵn
sàng yểm trợ hỏa lực cho tiểu đoàn.
Cùng lúc ấy, chúng tôi thấy các cánh
quân của VC từ phía Trường Sơn, từ ngoài biển đang đâm thẳng về
tiểu đoàn, đúng lúc BCH/LĐ cho lịnh TĐ30 khẩn cấp rút bỏ Đông Hà.
Chúng tôi dồn nỗ lực thanh toán nhanh chóng đám VC chiếm cầu còn
sót lại và tìm cách vượt sông. Hai thành cầu vẫn còn nên BĐQ qua
được không mấy khó khăn. Tiếng anh Sum vang lên hối thúc tôi:
– Mần răng chừ, niên trưởng? Mần răng?
– Anh liệu M113 có cách nào vượt sông
được không?
–
Mần răng được. Sông miền núi hai bên vách đều cao, mần răng xuống
được, qua bên kia bờ cũng không leo lên được.
Mần răng chừ?
– Bỏ xe.
– Bỏ xe hỉ? Bỏ hỉ?
– Anh cho tháo đại liên quăng xuống
sông. Bỏ lựu đạn khói vào bình xăng, rồi rút nhanh qua cầu. Tôi
nói.
Cả liên
đoàn được lịnh triệt thoái khẩn cấp về Ái Tử, nơi đặt Bộ Tư Lệnh
Sư Đoàn 3 Bộ Binh. Tôi liên lạc với Thiếu tá Vũ Đình Khang (K19),
Tiểu Đoàn Trưởng TĐ38 BĐQ, ráng chờ và thu xếp cho chúng tôi cùng
tùng thiết theo đơn vị anh. Tiểu đoàn 30 vừa kịp tháp tùng với
TĐ38 thì toàn bộ Liên Đoàn 5 và Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh, của Đại tá
Nguyễn Trọng Luật, bỏ Đông Hà rút nhanh về Ái Tử. VC pháo kích
theo như rải cám.
Trong khi đó, B52 cũng bắt đầu trút bom
ngăn chận bước tiến của VC. Dân chúng cũng gồng gánh bỏ chạy theo
chúng tôi. VC dồn hết hỏa lực pháo kích theo. Đến Ái Tử chúng tôi
vội vàng bổ sung đạn dược và chỉnh đốn lại đơn vị. Trung úy Đoàn
Văn Xường, Khoá 22, ĐĐT/ĐĐ2, bị thương đã được tải thương trong
những ngày trước đó và Trung úy Bé ĐĐT/ĐĐ4 mất tích. TĐ30 được tổ
chức lại thành hai liên đội. Trong trường hợp xấu nhất Thiếu tá
Thúy và tôi mỗi người sẽ chỉ huy một liên đội. Đại úy Sum đến
siết chặt tay chúng tôi từ giã. Anh được lịnh về Huế để tái tổ
chức đơn vị vì chỉ còn có một chi đội.
Mọi người chia tay vội vàng và chúc
nhau may mắn. Chúng tôi được lịnh tiếp tục lui binh về phối trí ở
bờ Bắc sông Thạch Hãn. Thật quái đản chúng tôi không hiểu nổi
Quân Đoàn I đánh giặc theo kiểu gì đây???
Sáng hôm sau, chúng tôi mới biết được
Tư Lệnh Sư Đoàn 3 cũng là Tư Lệnh Mặt Trận Quảng Trị đã quyết
định bỏ Quảng Trị và ra lệnh cho các đơn vị tự túc rút về Mỹ
Chánh. Cầu Thạch Hãn cũng đã bị VC pháo sập. Cũng may mùa này mực
nước xuống rất thấp. Chúng tôi cho một binh sĩ lội thử sang sông,
chỗ sâu nhất cũng chỉ tới ngang ngực. Cả tiểu đoàn lần lượt vượt
sông Thạch Hãn. Toàn bộ LĐ5 tiếp tục rút về La Vang.
Bộ Tư Lịnh Sư Đoàn 3 và Tiểu khu Quảng
Trị, cùng dân chúng đã lọt vào ổ phục kích. Việt Cộng tập trung
mọi hỏa lực, điên cuồng tàn sát không nương tay. Trên đoạn đường
dài 3 cây số đầy xác người và xe cộ. Thật là một thảm cảnh rùng
rợn, đáng nguyền rủa!
Liên Đoàn 5 rút về tới La Vang, gặp hai
Liên Đoàn BĐQ 1 và 4, Thiết đoàn 18. Các đơn vị thuộc Sư Đoàn 3
và Tiểu Khu Quảng Trị còn bị kẹt lại chưa qua được tuyến phục
kích địch. Thiết Đoàn 18 đề nghị Liên Đoàn 5 tùng thiết chung.
Cùng lúc đó, Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân Quân Đoàn I ra thăm
Liên Đoàn 1 bị kẹt tại đây. Ông cố thuyết phục Trung tá Hồng tấn
công vào ổ phục kích của VC nhằm cầm chân địch cho 2 Liên Đoàn 1
và 4 rút theo hướng Đông Quốc Lộ cho đỡ bị tổn thất. Ông cho rằng
Liên Đoàn 5 còn đủ mạnh để nhận lãnh trọng trách này. Trung tá
Hồng mở cuộc họp khẩn cấp để vạch ra kế hoạch.
Chúng tôi đều nêu lên cùng một ý kiến
là đồng ý 3 liên đoàn bảo bọc nhau để vượt qua ổ phục kích VC,
cùng nhau đánh cầm chân ở rìa phía Đông, và rút theo thế chân
vạc. Đánh vào tuyến phục kích của địch nằm chờ sẵn tại đây, trong
tình thế không có tiếp tế và yểm trợ thật là phiêu lưu và vô cùng
nguy hiểm. Vả lại đây là vùng trách nhiệm của LĐ1.
Dù sao, LĐ1 cũng có nhiều ưu thế hơn.
Nhưng vì danh dự và màu cờ sắc áo binh chủng, Liên Đoàn 5 đã chấp
nhận hy sinh và thiệt hại để nhận lãnh trách nhiệm đầy cam go và
nguy hiểm này. Nhờ đó các đơn vị bạn có thể qua khỏi Đại Lộ Kinh
Hoàng với tổn thất nhẹ nhất.
Trung tá Hồng quyết định thi hành kế
hoạch A, đánh vào tuyến phục kích VC với hai TĐ33 và TĐ30. Đại
Đội Trinh Sát bảo vệ BCH/LĐ đi giữa và TĐ38 giữ mặt hậu. Không
xong thì theo kế hoạch B, rút ngược trở lại, rồi theo thế chân
vạc đánh cập rìa phía Đông Quốc lộ 1 và rút theo hai liên đoàn
bạn. Ban ngày chúng tôi còn được sự yểm trợ về Không Quân của Đệ
Thất Hạm Đội từ ngoài khơi, nhưng vào ban đêm hoàn toàn tự lực
cánh sinh. Chúng tôi ngầm thỏa thuận với nhau trước, sẽ đánh
xuyên luôn qua tuyến phục kích để về Mỹ Chánh. TĐ33 giao cho TĐ30
hướng dẫn oanh kích. Chúng tôi tập trung oanh kích chọc thủng một
lối để làm đầu cầu và mở đường vượt qua tuyến phục kích này.
Đánh được vài phi tuần, thình lình
chiếc OV10 hướng dẫn oanh kích bị phòng không bắn trúng. Lửa bốc
cháy, khói mịt mù nhưng viên phi công Mỹ vẫn bình tĩnh cố gắng
bay theo hướng dẫn của chúng tôi để tìm đến vị trí quân bạn. Anh
bấm dù nhảy ra khỏi phi cơ và đáp ngay vào BCH của TĐ30. Tóc và
chân mày của anh bị cháy sém nhiều nơi. Chúng tôi bắt tay chúc
mừng anh. Chiếc OV10 rớt nổ tung cách chúng tôi gần 300 mét. Anh
cố gắng gọi và hướng dẫn phi đoàn tiếp cứu, nhưng hỏa lực phòng
không của địch dầy đặc, quá mạnh nên không thể nào thực hiện
được. Sau nhiều lần cố gắng, toán cấp cứu đành phải rời vùng và
buộc lòng anh phi công phải ở lại để cùng rút theo đường bộ cùng
toán cố vấn của LĐ5/BĐQ. (Vào lúc này chúng tôi chỉ còn lại toán
cố vấn duy nhất ở cấp liên đoàn).
Chúng tôi nghiên cứu bản đồ, chọn lộ
trình và địa điểm tập trung quân, ban lệnh kỹ cho hai liên đội
trưởng và xuống đến các cấp Trung đội, Tiểu đội Trưởng; điều
chỉnh địa bàn để đi đêm, tránh giao tranh, và chỉ sử dụng lựu
đạn. Chúng tôi bắt đầu xuất phát khi trời vừa tối, TĐ33 đi trước
và TĐ30 bám sát theo sau. Trời bắt đầu tối hẳn, chỉ còn nhìn thấy
lờ mờ nhờ vào ánh sao. Thiếu tá Danh, K18 dẫn đầu với hai đại
đội.
Khi vượt
được qua sông Trường Phước thì VC đã phát giác. Chúng từ các vị
trí phục kích tác xạ xối xả vào chúng tôi. Nhờ vào vị trí khá
thuận lợi, chúng tôi ẩn núp vào các luống khoai lang của dân
chúng, theo dõi và cố nhận định tình hình. VC bố trí trong các
lùm tre dọc theo bờ ruộng, bờ sông Trường Phước bắn thẳng vào các
đơn vị. Nương theo các luống khoai lang, anh em binh sĩ tiến gần
vị trí địch, ném lựu đạn tiêu diệt từng vị trí VC và tiến lên bên
phải TĐ33. Hai đại đội còn lại của TĐ33 liên lạc máy, báo lại
tình hình và gọi chúng tôi tiếp cứu.
Tôi ra lệnh:
– Anh em bình tĩnh bố trí tại chỗ, sử
dụng lựu đạn thanh toán các vị trí VC ở gần, và yểm trợ nhau tiếp
tục vượt sông theo kế hoạch dự trù. Chúng tôi sẽ lên ngang bên
phải các anh. Khi đến được bờ sông, tôi bố trí lại và kiểm soát
đơn vị.
Giờ
đây, tôi mới biết trong lúc giao tranh Thiếu tá Thúy – TĐT, và
Trung úy Xuân (K22) – Ban 3 bị thất lạc. Chúng tôi tìm mãi cũng
không được vì khoảng cách nhìn thấy được không quá 2 mét. VC biết
được chúng tôi vượt sông nên báo động và bắt đầu điều động thiết
giáp khóa phía sau. Trung tá Hồng quyết định thi hành kế hoạch B
nhưng tình thế này không thể nào thực hiện nổi. Vì thế, tôi tiếp
tục cho đơn vị vượt sông và di chuyển về Mỹ Chánh.
Trời về khuya trăng lưỡi liềm đã lên,
khoảng cách quan sát được thêm được vài mét. Tôi cho anh em di
chuyển theo lưng chừng triền núi, trong khi đó thiết giáp VC đang
di chuyển bên trên để chận đường chúng tôi. Đến khoảng 3 giờ
sáng, tình hình có vẻ yên lặng đôi chút nên tôi cho anh em dừng
quân nghỉ ngơi, chờ trời sáng. Từ khá xa, tôi đã thấy TQLC đang
bắn từng quả pháo binh soi sáng về hướng chúng tôi. Khi trời vừa
hừng sáng, chúng tôi tiếp tục tiến về Mỹ Chánh. Tay bắt mặt mừng,
Lê Quang Liễn, bạn cùng khóa 20 của tôi cho đệ tử mang đến cho
tôi một tô mì gói và cho biết Liên Đoàn 1 và 4 Biệt Động Quân đã
rút được về đây từ sáng sớm. Anh hối thúc tôi ăn lẹ lên rồi tiếp
tục di chuyển. Anh cũng đã nhận được lệnh rút về lập phòng tuyến
mới ở phía Nam bờ sông Mỹ Chánh.
Qua được bờ Nam Mỹ Chánh, tôi liên lạc
về tiền trạm ở căn cứ Hòa Mỹ, cho lệnh anh em thu dọn về Huế, tập
trung phương tiện ra Mỹ Chánh và đưa hết anh em về hậu trạm Mang
Cá, Huế. Tôi vào căn cứ Hòa Mỹ và liên lạc với bộ phận tiếp vận
Quân Đoàn I để xin phương tiện chuyển số anh em bị thương và vài
thi hài mà nơi đây chưa di chuyển được. Xong xuôi, tôi trở ra Mỹ
Chánh để kiểm soát lại việc di chuyển anh em về Huế. Thành phố
Huế vắng tanh như một thành phố chết, không còn một người dân nào
vì họ đã di tản hết về Đà Nẵng từ hôm qua.
Tôi gặp Thiếu tá Danh. Hai anh em bàn
tính với nhau, sáng sớm ngày mai chúng tôi sẽ đưa toàn bộ LĐ5BĐQ
về Phú Bài. Đến giờ phút này, LĐ chỉ còn Thiếu tá Danh và tôi. Bộ
Chỉ Huy Biệt Động Quân ở Sài Gòn nhận được tin tức từ Bộ Tư Lệnh
Quân Đoàn I, BCH/Liên Đoàn 5 BĐQ được ghi nhận mất liên lạc từ
ngày hôm qua. Gia đình chúng tôi đứng ngồi không yên.
Sáng hôm sau, chúng tôi đưa toàn bộ LĐ5
về Phú Bài, liên lạc với đơn vị Mỹ đóng tại đây, điều đình với
đơn vị đồng minh dành cho chúng tôi một vị trí để cùng nhau phòng
thủ. Thiếu tá Danh phụ trách liên đoàn, đóng bên trong với BCH/LĐ
cùng với TĐ33 BĐQ và ĐĐ/TS. Tôi phụ trách vòng ngoài với hai Tiểu
đoàn 30 và 38 BĐQ. Chúng tôi cắt cử một toán nhỏ đưa đoàn xe GMC
cơ hữu ra Mỹ Chánh để tiếp tục đón các quân nhân còn thất lạc.
Qua ngày hôm sau, Thiếu tá Thúy và
Trung úy Xuân về được Mỹ Chánh. Thiếu tá Thúy chỉ huy vòng ngoài
và tôi phụ trách TĐ38. Ba ngày sau nữa, Trung tá Hồng, LĐT, và
Trung tá Hòa, LĐP, cũng được trực thăng QĐI bốc về Huế. Thiếu tá
Vũ Đình Khang (K19), TĐT38, được ghi nhận mất tích nên Trung tá
Hồng chỉ định tôi thay Thiếu tá Khang.
Sau khi Trung tướng Ngô Quang Trưởng ra
nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn I thay thế Trung tướng Hoàng Xuân
Lãm, ông đã xin BTTM cho Sư Đoàn Dù thay thế hai Liên Đoàn 4 và 5
BĐQ về dưỡng quân và bổ xung quân số. Chúng tôi rời Quân Đoàn I
về hậu cứ Đồng Dù, Củ Chi mang theo một số chiến phẩm, chưa kịp
giao nộp cho QĐI, về nộp thẳng phòng 2 TTM. LĐ5BĐQ được Bộ TTM
tuyên dương công trạng trước Quân Đội, hiệu kỳ Liên Đoàn, trong
khi các đơn vị trực thuộc, các đơn vị trưởng được ân thưởng...
Anh Dũng Bội Tinh với nhành Dương Liễu. Thành tích trước đó của
LĐ5BĐQ cũng bay theo “sương gió” khi vị Tư Lệnh QĐI cũ không còn
và Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh bị mất chức! Tất cả đã trở thành
huyền thoại!
Nguyễn Văn Nam,
K20 VBQGVN/Đà Lạt
Nguồn: Trường Võ Bị
Quốc Gia Việt Nam - Đa Hiệu
Bấm vào đây để in ra giấy (Print PDF)
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: phong cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by Đoàn Hữu Định chuyển
Đăng ngày Thứ Tư,
July 1, 2020
Ban kỹ thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang