Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Hồi ký chiến
trường
Chủ đề: Trận chiến An
Lộc
Tác giả: “Hổ Xám” Phạm Châu Tài
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
(Viết cho những chiến hữu của tôi đã một thời vào sanh ra tử
trên khắp
chiến trường sôi bỏng để bảo vệ đất nước)
Tác Giả,
Cựu Thiếu tá Hổ Xám Phạm Châu Tài, cùng 2 cựu Sĩ Quan Võ Bị Đà
Lạt.
Hình từ
trái qua phải:
Cựu Thiếu tá Phạm Châu Tài, cựu Đại Tá Phan Văn Huấn
(Khóa 10 VBQGĐL, nguyên Liên Đoàn
Trưởng LĐ81 Biệt Cách Dù)
và thi văn sĩ
Quốc Nam
(Khóa 22 VBQGĐL, Chủ Tịch HĐQT An-Lộc Foundation, Tác giả 21 tác
phẩm đã xuất bản trước & sau năm 1975, trong số này có 2 thi tập
Tình Ca
Lính Alpha Đỏ xuất bản 1968 & Bản Thánh Ca Alpha Đỏ
xuất bản 2012).
Photo by Việt Long.
Mùa
hè năm 1972 đi qua như cơn ác mộng mà khi tỉnh dậy người ta vẫn
còn bàng hoàng như đang mê sảng.
Mùa hè đến với những cơn lốc bạo tàn,
với những trận cuồng phong kinh hãi, sẵn sàng hủy hoại tất cả
những gì gọi là sự sống của con người, mà những tiếng kêu thương,
bi ai thống khổ nhất vẫn còn âm vang cho đến ngàn sau.
Mùa hè đến với bão lửa ngụt trời, bão
lửa cuồn cuộn vút lên như hỏa diệm sơn bao trùm khắp bầu trời
Miền Nam Việt Nam, bão lửa hừng hực thiêu đốt muôn vạn sinh linh
đang sống an lành, tự do phía Nam vĩ tuyến 17.
Ðau đớn thay, ác mộng kinh hoàng ấy,
cuồng phong và bão lửa ấy lại do chính con người gây nên, con
người mang nhãn hiệu cộng sản, lãnh đạo bởi một lũ người cuồng
tín đã bán linh hồn cho quỷ đỏ đang ngự trị tại Hà Nội.
Người ta được biết, sau khi tiếp nhận
sự chi viện khổng lồ không giới hạn về các loại vũ khí và phương
tiện chiến tranh tối tân nhất từ phía cộng sản Nga - Tàu, Hà Nội
điên cuồng tung vào Miền Nam ba cuộc tấn công vũ bão vào Tỉnh
Quảng Trị của vùng giới tuyến, vào Tỉnh Kontum của Tây Nguyên và
vào Tỉnh Bình Long thuộc miền Ðông Nam Phần.
Cuộc chiến bùng nổ khốc liệt chưa từng
xảy ra từ ngày cộng sản phát động cuộc chiến tranh gọi là giải
phóng vào thập niên 60. Lửa, máu, nước mắt hòa với bom đạn đã cầy
xới và tràn lan khắp quê hương Miền Nam tự do, tuy nhiên cộng sản
miền Bắc phải trả một giá rất đắt về hành động điên cuồng, dã man
của chúng để nhận sự thất bại đắng cay: Quảng Trị vẫn đứng vững,
Kontum vẫn kiêu hùng quật khởi và Bình Long vẫn anh dũng hiên
ngang phất cao ngọn cờ chính nghĩa.
Trong chiến tranh, tấn công xâm chiếm
mà không lấy được mục tiêu, bị thiệt hại nặng nề là thất bại hoàn
toàn. Trái lại, phòng thủ quyết tâm chống trả, dù phải chấp nhận
ít nhiều tổn thất hy sinh mà vẫn giữ vững phần đất quê hương thì
được gọi là chiến thắng.
Với lý lẽ căn bản nêu trên, ba cuộc tấn
công của cộng sản Bắc Việt vào mùa hè năm 1972 trên lãnh thổ Việt
Nam Cộng Hòa thì cộng sản Việt Nam là kẻ chiến bại, và Quân Lực
Việt Nam Cộng Hòa là người chiến thắng.
Phát động tấn công xâm chiếm vào đầu
tháng 04 năm 1972, tính đến tháng 09 năm 1972, thiệt hại nhân
mạng của cộng sản Bắc Việt được ước lượng khoảng 100 ngàn người!
100 ngàn vong linh của những người
“sinh Bắc tử Nam” trở thành lũ âm binh lạc loài, vất vưởng tha
hương mà gia đình họ không bao giờ biết được.
Giành lấy chiến thắng một cách kinh
hoàng và oai hùng nhất trong ba cuộc tấn công của cộng sản Bắc
Việt vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa có thể nói là chiến thắng
Bình Long, mà trận chiến vô cùng khốc liệt đã bùng nổ tại Thị xã
An Lộc. Một tài liệu chính thức của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa
được ấn hành sau mùa hè năm 1972 đã công bố: “Tại mặt trận An Lộc
cuộc tấn công đầu tiên của quân cộng sản khởi đầu vào ngày
13-04-1972 bằng toàn bộ của các Sư Ðoàn 5, 7, 9 và Sư Ðoàn Bình
Long với tổng số vào khoảng 50 ngàn người.” Cộng sản ước tính sẽ
đánh chiếm An Lộc từ 5 đến 10 ngày và dự trù ngày 20-04-1972 sẽ
ra mắt chính phủ “Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam” tại thành phố An
Lộc.
Thật vậy,
lực lượng cộng sản Bắc Việt tại Bình Long, ngoài 4 Sư Ðoàn với
quân số mỗi Sư Ðoàn là 10,400 người, còn có một Trung Ðoàn Ðặc
Công, 2 Trung Ðoàn Pháo Binh và Phòng Không và hai Trung Ðoàn xe
tăng. Hơn nữa, sự bổ sung quân số dễ dàng từ Mimot, Snoul bên kia
biên giới Miên là nguồn nhân lực chính mà người ta khó ước tính
được con số chính xác.
NHẬN DIỆN CHIẾN TRƯỜNG
An Lộc là quận châu thành Tỉnh Bình
Long, cách thủ đô Sài Gòn khoảng 100 cây số về hướng Tây Bắc, với
diện tích bề dài 1,800 thước và bề ngang đo được 900 thước, một
Thị xã nhỏ bé đìu hiu, chung quanh là rừng cao su ngút ngàn đến
tận biên giới. Bình Long có ba quận hành chánh, cực Nam là quận
Chơn Thành và cực Bắc là quận Lộc Ninh.
Quốc lộ 13, con đường huyết mạch nối
liền từ Lai Khê của Tỉnh Bình Dương đi qua các quận lỵ, xã ấp của
Tỉnh Bình Long. Cách An Lộc 18 cây số về hướng Bắc là Lộc Ninh và
cách An Lộc 30 cây số về hướng Nam là Chơn Thành.
Từ Chơn Thành xuôi Quốc lộ 13 về hướng
Nam khoảng 30 cây số là Lai Khê, nơi đặt bản doanh của Bộ Tư Lệnh
Sư Ðoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa.
Cơ sở hành chánh và quân sự Tỉnh Bình
Long đặt ngay trong quận châu thành An Lộc dưới sự điều hành của
viên Tỉnh Trưởng là Ðại tá Trần Văn Nhựt.
Trước khi trận chiến bùng nổ, quận Lộc
Ninh được tăng cường với Trung Ðoàn 9 thuộc Sư Ðoàn 5 Bộ Binh
Việt Nam Cộng Hòa, một khẩu đội pháo binh đặt tại căn cứ yểm trợ
hỏa lực Alpha cách Lộc Ninh khoảng 8 cây số về hướng Bắc và một
Chi Ðoàn Thiết Giáp thuộc Thiết Ðoàn 5 Kỵ Binh Việt Nam Cộng Hòa.
Tại An Lộc, ngoài một số Ðịa Phương Quân, Cảnh Sát, và các cơ sở
hành chánh Tỉnh mà nhân số không quá 200 tay súng, còn có pháo
đội 105ly, Chi Ðoàn Thiết Giáp, Trung Ðoàn 7 thuộc Sư Ðoàn 5 Bộ
Binh Việt Nam Cộng Hòa, và Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân. Ðể đánh
chiếm Bình Long, Cộng quân cắt đứt Quốc lộ 13 từ Lai Khê đi Lộc
Ninh, đồng thời phong tỏa bầu trời Bình Long bằng một hệ thống
phòng không để ngăn chặn sự can thiệp của Không Quân Việt Nam
Cộng Hòa.
TRẬN CHIẾN BÙNG NỔ
Ba giờ sáng ngày 05 tháng 04 năm 1972
Trung Ðoàn Pháo có bí danh E6 bắn phủ đầu vào các cứ điểm phòng
ngự của Trung Ðoàn 9 Bộ Binh do Ðại tá Trần Công Vĩnh chỉ huy
bằng hàng ngàn quả đạn pháo đủ loại, sau đó Cộng quân tung Sư
Ðoàn 5 cộng sản Bắc Việt có xe tăng yểm trợ bắt đầu tấn công. Mặt
khác, Cộng quân sử dụng Trung Ðoàn 272 thuộc Sư Ðoàn 9 cộng sản
Bắc Việt phục kích Quốc lộ 13 từ An Lộc đi Lộc Ninh để tiêu diệt
đường rút lui của quân trú phòng.
Mặc dù có sự can thiệp hữu hiệu của
Không Quân, căn cứ yểm trợ hỏa lực Alpha, phi trường Lộc Ninh và
cứ điểm quân sự của Trung Ðoàn 9 Bộ Binh bị tràn ngập sau hơn hai
ngày chống trả mãnh liệt. Lộc Ninh được ghi nhận hoàn toàn mất
liên lạc lúc 19 gìờ ngày 07-04-1972.
Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư
Ðoàn 5 Bộ Binh kịp thời nhảy vào An Lộc với hai Tiểu Ðoàn của
Trung Ðoàn 8, tăng cường cho mặt phòng thủ phía Bắc Thị xã ngày
06-04-1972 và tuyên bố tử thủ An Lộc.
Hai tiếng tử thủ lần đầu tiên được nhắc
nhở nhiều lần trong chiến tranh Việt Nam qua lời tuyên bố của vị
Tướng Tư Lệnh chiến trường, biểu lộ ý chí sắt đá của người chiến
binh Việt Nam Cộng Hòa, quyết tâm chiến đấu để bảo vệ, gìn giữ
mảnh đất quê hương.
Hai tiếng tử thủ như lời thề cùng sông
núi, lời hứa hẹn với tiền nhân đã ra công dựng nước và giữ nước.
Hai tiếng tử thủ đã làm rung động con
tim nhân dân miền Nam và cả nước hướng về An Lộc!
Chiếm xong Lộc Ninh, Cộng quân tiến về
phía Nam và bắt đầu tấn kích An Lộc rạng sáng ngày 13-04-1972.
Thực ra kể từ ngày 08-04-1972, cộng sản Bắc Việt đã dùng pháo
binh rót vào An Lộc, Chơn Thành và Lai Khê để cầm chân sự tiếp
viện của Việt Nam Cộng Hòa.
LỰC LƯỢNG TĂNG VIỆN CỦA QUÂN
LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA
Lực lượng đầu tiên được tăng viện đến
Lai Khê ngày 05-04-1972 là Lữ Ðoàn I Nhảy Dù do Ðại tá Lê Quang
Lưỡng chỉ huy gồm ba Tiểu Ðoàn tác chiến và Pháo Đội Nhảy Dù.
Lực lượng tăng viện thứ hai là Liên
Ðoàn 81 Biệt Cách Dù do Trung tá Phan Văn Huấn chỉ huy gồm 4 Ðại
Ðội xung kích và 4 toán thám sát.
Ngoài ra, Bộ Tổng Tham Mưu Việt Nam
Cộng Hòa quyết định sử dụng toàn bộ Sư Ðoàn 21 Bộ Binh từ vùng
đồng bằng sông Cửu Long tăng cường cho mặt trận Bình Long, giải
tỏa Quốc lộ 13.
Ngoài quân bộ chiến nêu trên, Sư Ðoàn 5
Không Quân Việt Nam Cộng Hòa đã yểm trợ cho chiến trường từ những
ngày đầu chiến sự bùng nổ tại Lộc Ninh với những phi vụ tấn công
và yểm trợ xuất phát từ căn cứ không quân Biên Hòa và Tân Sơn
Nhất. Hai đơn vị Không Quân của Không Lực Hoa Kỳ có mặt tại Quân
Khu III Việt Nam Cộng Hòa là Lữ Ðoàn 7 Kỵ Binh Không Vận và Lữ
Ðoàn 1 Không Vận cũng góp phần vào việc yểm trợ cho chiến trường
Bình Long một cách đắc lực và hữu hiệu.
Với nhiệm vụ cắt đứt Quốc lộ 13 ngăn
cản sự tiếp viện của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ Lai Khê, Sư
Ðoàn 7 cộng sản Bắc Việt được tăng cường pháo binh và phòng không
tổ chức chằng chịt các vị trí phục kích, chốt chặn, chốt kiềng,
giật sập cầu, phá đường mong biến Quốc lộ 13 thành một sạn đạo,
có đi mà không đường trở lại.
Ngày 12-04-1972, Lữ Ðoàn I Nhảy Dù mới
đặt chân đến quận Chơn Thành sau 7 ngày chạm trán với Cộng quân
để giải tỏa một khoảng đường không quá 30 cây số.
MỞ MÀN TRẬN CHIẾN TẠI AN LỘC
“Tiền pháo hậu xung” là một chiến pháp
dùng để tấn kích một căn cứ quân sự, một đồn binh hay một trại
lính có pháo đài, có công sự chiến đấu, có nhiều lớp rào kẽm gai
làm chướng ngại vật và hệ thống mìn bẫy giăng mắc chung quanh.
An Lộc không phải là một căn cứ quân
sự. An Lộc chỉ đơn thuần là một Thị xã nhỏ bé, có nhà, trường
học, bệnh viện và đường phố tấp nập người đi. An Lộc là một phố
thị mà dân cư nhiều hơn lính chiến.
Áp dụng chiến thuật “tiền pháo hậu
xung” để đánh chiếm An Lộc, cộng sản Bắc Việt đã hiện nguyên hình
là loài quỷ đỏ điên cuồng bắn hàng ngàn quả đạn pháo 130ly,
155ly, súng cối 120 và hỏa tiễn 122ly vào phố thị đông người để
sát hại dân lành vô tội.
Pháo! Loại đạn vòng cầu có tầm phá hủy
kinh khủng nhất đã rót liên tục vào Thị xã, ngày cũng như đêm,
pháo từng hồi, từng phút, từng giờ biến An Lộc bỗng chốc trở
thành hỏa ngục. Nhà cửa, nhà thờ, chùa chiền, cao ốc, bệnh viện
tất cả đều thay hình đổi dạng, sụp đổ hoang tàn.
Trú ẩn trong nhà cũng bị thương vong,
chạy ra đường cũng chết. Sự chết đau thương và đến bất chợt theo
tiếng ầm vang của pháo, theo tiếng gió rít của tầm đạn đi. Sự
chết hãi hùng, chết không kịp nhắm mắt, chết không toàn thây,
chết vô thừa nhận đầy dẫy khắp nơi trên đường phố. Ngay khi mưa
pháo thưa dần và chấm dứt, Cộng quân tung vào trận địa Sư Ðoàn 9
và Sư Ðoàn Bình Long với sự yểm trợ của chiến xa T54.
Tuyến phòng thủ phía Tây Thị xã do
Trung Ðoàn 7 Bộ Binh đảm nhiệm và phía Ðông do Liên Ðoàn 3 Biệt
Ðộng Quân án ngữ, chống trả mãnh liệt, khi thì dãn ra, lúc co cụm
lại, nhưng vẫn đứng vững, trong khi tuyến phòng thủ phía Bắc do
hai Tiểu Ðoàn thuộc Trung Ðoàn 8 vừa đến tăng cường đã bị chọc
thủng. Ðặc công, xe tăng và quân bộ chiến cộng sản Bắc Việt tuôn
vào thành phố như nước vỡ bờ. Ác chiến diễn ra trên thành phố,
đạn bay súng nổ, thây người gục ngã, dân lành bồng bế, dìu dắt
nhau bỏ chạy, chạy đi đâu để tránh thương vong... Nỗi khổ, nỗi lo
và niềm hy vọng mong manh để được sống đã đến với người dân An
Lộc sao quá bi thương, sao lắm đọa đày!
Xe tăng Cộng quân rú gầm nhiều nơi
trong thành phố, chạy ngang chạy dọc, tiếng xích sắt ken két
nghiến trên đường tráng nhựa hòa lẫn với tiếng nổ ì ầm bắn ra từ
đại bác 100ly trên pháo tháp nhắm vào các cao ốc, và những bức
tường nhà hiển hiện trên hướng tiến của chúng.
Trên bầu trời Thị xã, Không Quân, bất
chấp hiểm nguy, nhào lộn và len lỏi qua mạng lưới phòng không,
tung ra những tràng đại liên và những quả bom chính xác vào vị
trí giặc thù. Bom nổ làm rung chuyển thành phố như cơn địa chấn,
từng cột khói đen bốc lên cao cuồn cuộn.
Giây phút nao núng ban đầu khi thấy xe
tăng cộng sản xuất hiện tan biến nhanh chóng trong lòng những
người lính tử thủ. Bây giờ đã đến lúc vùng lên bắn hạ những con
quái vật đó, phải biến chúng thành những khối sắt bất động, không
còn tác yêu tác quái nữa. Một đoàn 4 chiếc tăng T54 từ hướng Bắc
theo đường Nguyễn Trung Trực nối đuôi nhau tiến vào phía sau khu
Chợ Mới. Một anh lao công đào binh tạo được công đầu bằng một quả
lựu đạn tung vào thùng xăng phụ đèo sau đuôi xe tăng T54. Lựu đạn
nổ, xe tăng bốc cháy! Việt Cộng từ trong xe tăng mở nắp pháo tháp
chạy thoát ra ngoài bị thanh toán ngay tại chỗ, thây nằm vất
vưởng bên thành xe. Chiếc thứ hai xuất hiện sát Bộ Tư Lệnh Sư
Ðoàn 5. Ðại tá Lê Nguyên Vỹ Tư Lệnh Phó liền bắn một quả M72 vào
chiến xa T54. Vì bắn quá sát nên đạn M72 không nổ, chiếc T54 bỏ
chạy liền bị một chiếc trực thăng Cobra từ trời cao lao mình
xuống phóng liền hai trái hỏa tiễn trúng chiếc tăng đi đầu nổ
tung. Ba chiếc tăng còn lại lúng túng, rú gầm trên khoảng đường
bề ngang quá hẹp không xoay sở được, dễ dàng biến thành mục tiêu
của hỏa tiễn cầm tay M72 được phóng ra từ quân trú phòng. Bây giờ
người ta mới biết sức công phá mãnh liệt của loại hỏa tiễn cầm
tay M72, một loại vũ khí chống tăng lợi hại mà bấy lâu nay bị
người ta coi thường. Những chiếc tăng T54 đầu tiên bị bắn hạ tạo
nên sự phấn khởi dây chuyền trong hàng ngũ quân trú phòng, họ
xông vào xe tăng địch như một đợt thi đua lập chiến công. Hai
khẩu pháo 105ly của Thị xã đặt tại sân vận động cạnh đại lộ Trần
Hưng Ðạo hạ nòng bắn trực xạ vào xe tăng cộng sản, bắn lật tung
pháo tháp xuống đất, bắn đứt xích, gẫy nòng và biến chúng thành
những con cua rang muối, hừng hực đỏ lửa. Ðây là hai khẩu pháo
cuối cùng của An Lộc đã bắn hết đạn trước khi tắt thở. Và bắt đầu
từ đó, sự yểm trợ của hỏa lực cơ hữu vào Thị xã hoàn toàn bất
khiển dụng.
Trận đánh khởi đầu từ mờ sáng đến xế chiều dưới ánh nắng chói
chan của mùa hè vùng nhiệt đới, dưới sức tàn phá kinh hoàng của
đạn bom, mà mỗi giờ mỗi phút đi qua đều mang theo hình ảnh của sự
hủy diệt.
Sự
can thiệp của Không Quân gây ít nhiều thiệt hại cho Cộng quân,
nhiều chiếc xe tăng T54 bốc cháy ven rừng trước khi vào thành
phố.
Ngoài ra,
sự xuất hiện của pháo đài bay B52 được coi như khắc tinh của
chiến thuật biển người, đã gây nhiều nỗi khiếp đảm và làm tổn
thất nặng nề cho 4 Sư Ðoàn Cộng quân đang bủa vây An Lộc.
Pháo đài bay B52, một vũ khí chiến lược
của Không Lực Hoa Kỳ phát xuất từ Thái Lan và đảo Guam đã can
thiệp vào chiến trường Bình Long theo yêu cầu của Chính Phủ Việt
Nam Cộng Hòa thực hiện 17 phi vụ đánh bom, mỗi phi vụ gồm 3 phi
cơ bay trên thượng tầng khí quyển mà mắt thường ít khi nhìn thấy,
chỉ nghe tiếng ù ù xa xăm của động cơ mà không biết bom sẽ nổ nơi
nào. Mỗi phi vụ mang 42 quả bom nặng 500 ký và 24 quả bom nặng
250 ký đồng loạt rơi xuống chính xác mục tiêu đã ấn định. Vài
giây đồng hồ trước khi bom nổ, người ta phát hiện tiếng gió rít
ghê rợn của hàng loạt bom đang rơi, tiếng rít gió ào ào như trận
cuồng phong, như tiếng kêu của tử thần. Bom chạm mục tiêu, nổ
hàng loạt, nổ từng chuỗi dài, tiếng nổ làm rung chuyển mặt đất,
lửa và khói đen bốc cao, từng luồng khí nóng hừng hực tỏa ra với
vận tốc cực nhanh, 500 thuớc bề ngang và 1,000 thước bề dài trong
tầm sát hại của bom rơi, tất cả đều biến thành bình địa.
Trong trận chiến An Lộc, B52 đã đánh
bom, có khi chỉ cách tuyến phòng thủ 900 thước, theo tin tức tình
báo được kiểm nhận, có cả một Trung Ðoàn Cộng quân bị biến mất
trong lúc bao vây thành phố.
Sau ba ngày đêm chống trả dữ dội, khu
vực phía Bắc thành phố, kể cả đồi Ðồng Long, một cao điểm chiến
thuật quan trọng đã lọt vào tay giặc. Từ đồi Ðồng Long, Cộng quân
quan sát và nhìn rõ mọi hoạt động trong thành phố, hơn nữa nơi
dây là cao điểm lý tưởng để tổ chức các vị trí súng phòng không
12.8ly, đại bác 23, 37ly và hỏa tiễn địa không SA-7 đã khống chế
và làm giới hạn sự can thiệp của Không Quân. Tuyến phòng thủ An
Lộc càng lúc càng thu hẹp dưới sức ép của pháo binh và tấn công
liên tục của cộng sản.
Quốc lộ 13 chưa được giải tỏa, do đó sự
tiếp viện bằng đường bộ hoàn toàn bị tê liệt. Sự yểm trợ bằng
Không Quân cũng gặp khó khăn. Hơn 80% đồ tiếp liệu như đạn dược,
thuốc men và thực phẩm được thực hiện bằng phương tiện thả dù đã
rơi vào vùng địch kiểm soát. Những đơn vị cơ giới và pháo binh
của An Lộc hoàn toàn bất khiển dụng, phân nửa lực lượng phòng thủ
bị loại ra khỏi vòng chiến.
An Lộc đang hấp hối, nhưng chưa tắt
thở. Trong tình trạng chiến đấu tử thủ hôn mê đó, An Lộc vẫn củng
cố niềm tin vào kế hoạch giải vây sẽ được bùng nổ vào giờ thứ 25.
Không, An Lộc không thể chết tức tưởi như Lộc Ninh. An Lộc cần
phải được mở một nút thoát hơi để thở. Các nhà lãnh đạo quân sự
Việt Nam Cộng Hòa đã khẳng định điều đó và đã dự trù một kế hoạch
để đối phó trong tình huống xấu nhất xảy ra để cứu nguy An Lộc!
THEO CHÂN ÐOÀN QUÂN MA
Bóng quân đi
Theo
kế hoạch giải vây, hai đơn vị thiện chiến được sử dụng đến là Lữ
Ðoàn I Nhảy Dù và Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù.
Cả hai đơn vị này đều nhảy thẳng vào An
Lộc với hai nhiệm vụ khác nhau, một phía trong và một phía ngoài
Thị xã.
Lữ
Ðoàn I Nhảy Dù sẽ quét sạch hành lang vây khốn bên ngoài chu vi
phòng thủ và Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù mở đường máu đánh thẳng
vào An Lộc tiếp tay với quân trú phòng bên trong, chiếm lại phân
nửa thành phố đã mất.
Người ta nghĩ kế hoạch này là một ván
cờ liều, một kế hoạch đánh xả láng, “thí chốt để tiến xe” và
những đơn vị thi hành sẽ là những con thiêu thân bay vào ánh lửa.
Ðúng vậy, họ là những con chốt của Quân
Lực Việt Nam Cộng Hòa, những con chốt đã sang sông và đã nhập
cung, trở thành một pháo đài sừng sững trước mặt quân thù.
Ngày 14-04-1972, từ Chơn Thành, Lữ Ðoàn
I Nhảy Dù và một pháo đội được trực thăng vận vào một địa điểm
cách An Lộc bốn cây số về hướng Ðông Nam.
Từ ấp Shrok Ton Cui, Tiểu Ðoàn 6 Nhảy
Dù chiếm lĩnh cao điểm 176 còn được gọi là Ðồi Gió, đặt 6 khẩu
105ly để yểm trợ cho Bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn cùng Tiểu Ðoàn 5 và 8
Nhảy Dù tiến về hướng An Lộc.
Linh động và bất ngờ là hai yếu tố quan
trọng trong binh pháp được Lữ Ðoàn I Nhảy Dù khai thác triệt để
trong cuộc hành quân này.
Cộng quân đang bao vây An Lộc bị cú bất
ngờ khi thấy lính Nhảy Dù xuất hiện phía sau. Yếu tố bất ngờ đã
làm địch quân hốt hoảng, trận đánh đẫm máu nổ ra và Nhảy Dù đã
chiếm ưu thế, mở được một khoảng trống trong vòng vây kín mít từ
phía Ðông Nam hướng về An Lộc.
Cùng ngày 14-04-1972, trong khi Lữ Ðoàn
I Nhảy Dù được trực thăng vận vào An Lộc, thì từ những khu rừng
già vùng Tây Nam Xa Mát dọc theo biên giớì Miên Việt, Liên Ðoàn
81 đang hành quân được triệt xuất để trở về Trảng Lớn thuộc Tỉnh
Tây Ninh.
Sáng
ngày 16-04-1972, Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù được vận chuyển qua
Lai Khê bằng trực thăng Chinook CH-46, 12 giờ trưa cùng ngày, khi
kho đạn Lai Khê bị đặc công cộng sản phá hoại nổ tung là lúc toàn
bộ 550 quân cảm tử của Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù sẵn sàng tại phi
trường để được trực thăng vận vào An Lộc.
Nắng hè chói chan oi bức, ánh nắng lung
linh theo cánh quạt của trực thăng tiễn đưa đoàn quân ma đi vào
vùng đất cấm. Ðịa điểm đổ quân là những đám ruộng khô cằn nứt nẻ
phía Tây Tỉnh lộ 245, chung quanh là những cánh rừng thưa trải
dài theo hướng Tây Bắc, khoảng cách một cây số để đi đến Ðồi Gió.
Phải cần một hợp đoàn 45 chiếc trực
thăng đa dụng HU1D với hai đợt đổ quân mới thực hiện xong cuộc
chuyển quân, và Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù đã vào vùng hành quân
lúc 4 giờ chiều ngày 16-04-1972.
Mở tần số liên lạc với Tướng Lê Văn
Hưng trong An Lộc, liên lạc với Lữ Ðoàn I Nhảy Dù để biết vị trí
quân bạn và nhanh chóng khai triển đội hình chiến đấu, di chuyển
về hướng Tây, len lỏi theo đường thông thủy giữa hai ngọn đồi Gió
và đồi 169. Âm thầm và ngậm tăm mà đi.
Một sự kiện bất ngờ không may xảy đến
khi đoàn quân đang di chuyển: một quả bom của Không Quân đánh vào
vị trí của Cộng quân lại rơi ngay vào đội hình di chuyển của Biệt
Cách Dù, gây thương vong cho một vài binh sĩ, trong đó có Thiếu
úy Lê Ðình Chiếu Thiện. Lập tức trái khói vàng được bốc cao giữa
đoàn quân để phi công nhận diện phía dưới là quân bạn.
Phải mất một thời gian ngắn cho việc
tản thương. Hai cố vấn Mỹ, Ðại úy Huggins và Thượng sĩ Yearta
nhanh chóng liên lạc với Lữ Ðoàn 17 Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ yêu
cầu trực thăng cấp cứu và được thỏa mãn. Ðây là hai cố vấn thuộc
Lực Lượng Ðặc Biệt Hoa Kỳ vẫn còn chiến đấu bên cạnh Liên Ðoàn 81
Biệt Cách Dù khi quân bộ chiến Mỹ đã rút lui khỏi chiến trường
Việt Nam theo kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” được thi hành
vào năm 1970.
Sự kiện thứ hai xảy đến là sự xuất hiện của 47 quân nhân thuộc
Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân từ đồi 169 chạy tuôn xuống, mặt mày
hốc hác vì mệt mỏi và thiếu ăn, bị thất lạc và phải trốn trong
rừng. Họ đi theo Biệt Cách Dù để trở lại đơn vị gốc trong An Lộc.
Vài tràng súng AK ròn rã nổ ở hướng
Ðông, có lẽ địch bắn báo động. Tiếp tục di chuyển, rẽ về hướng
Tây Bắc để vào rừng cao su Phú Hòa. Tiếng súng nổ liên hồi, đứt
khoảng phía trước. Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù đang chạm địch. Gặp Tiểu
Ðoàn Trưởng Nhảy Dù, Trung tá Hiếu cười méo miệng, nói như phân
trần: “Tụi nó đông như kiến và bám sát tụi ‘moi’ như bày đỉa
đói.”
“Tụi nó
đông như kiến” đã nói lên thực trạng chênh lệch lực lượng quân sự
đôi bên mà phần ưu thế về phía Việt Cộng! Nhưng đã là Nhảy Dù thì
phải “cố gắng”, cố gắng cho đến lúc tàn hơi. Ðã là Biệt Cách Dù
thì phải chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh cho màu cờ sắc áo của
đơn vị.
Hoàng
hôn phủ xuống thật nhanh, bóng tối lần lần bao trùm cảnh vật
chung quanh. Súng vẫn nổ rải rác từng đợt, từng hồi trong rừng
thẳm. Biệt Cách Dù tiến chiếm ấp Sóc Gòn trong im lặng và an toàn
vì địch vừa rút ra khỏi đây. Lục soát, bố trí và dừng quân chung
quanh ấp trong những công sự chiến đấu đã có sẵn của Việt Cộng.
Bóng đêm dày đặc, im vắng, xa xa về hướng An Lộc, đạn pháo ì ầm
nổ như tiếng trống cầm canh.
Sự đổ quân ồ ạt của Việt Nam Cộng Hòa
về phía Ðông Nam cách An Lộc 4 cây số đồng nhịp với các phi vụ
đánh bom B52 tàn khốc về phía Tây Nam của thành phố đã làm cho
Cộng quân hoang mang, hốt hoảng. Lữ Ðoàn I Nhảy Dù là lực đối
kháng vòng ngoài để thu hút địch quân, đồng thời tạo một lỗ hổng
để Biệt Cách Dù xâm nhập vào thành phố sáng ngày 17-04-1972, cùng
một thời điểm của Tiểu Ðoàn 8 Nhảy Dù tiếp cận ngoại vi tuyến
phòng thủ của Thị xã về phía Nam cạnh Quốc lộ 13.
Cộng quân không ngờ Biệt Cách Dù đã lọt
vào Thị xã tiếp hơi cho quân tử thủ và mở cuộc tấn kích ngay đêm
đó vào các khu phố mặt Bắc. Với kỹ thuật đánh đêm điêu luyện,
thần tốc, khi phân tán, khi hội tụ, Biệt Cách Dù đã giáng lên đầu
Cộng quân những đòn sấm sét, đánh không có sự yểm trợ của pháo
binh hay bất cứ một loại vũ khí vòng cầu nào, đánh bằng súng cá
nhân, bằng lựu đạn, đánh cận chiến bằng lưỡi lê. Ðánh nhau từng
căn nhà, từng cao ốc đổ vỡ, chiếm lại từng con đường, từng khu
phố trong đêm dài dường như bất tận.
Sáng ngày 18-04-1972, Biệt Cách Dù đã
có mặt hầu hết trong các khu phố phía Bắc Thị xã và giải thoát
gần 100 gia đình cư dân còn kẹt lại trong vùng kiểm soát của cộng
sản.
Từ các
căn nhà sụp đổ bên vệ đường, từng toán Việt Cộng tuôn ra tháo
chạy thục mạng về hướng Bắc, vì chúng bị đánh phủ đầu ban đêm,
sáng ra nhìn chung quanh nơi nào cũng thấy “lính rằn ri”, loại
lính đã hơn một lần chặn đánh chúng trên đường Trường Sơn heo hút
mưa bay.
Mặc
dù đã chiếm lại toàn bộ khu vực phía Bắc, nhưng vẫn còn một ổ
kháng cự mà Cộng quân vẫn cố thủ bên trong, đó là đồn Cảnh Sát Dã
Chiến. Biệt Cách Dù tấn công nhiều đợt nhưng vẫn chưa vào được.
Hơn nữa, từ đồi Ðồng Long, Việt Cộng dùng đại bác 57ly, sơn pháo
75ly và súng không giật 82ly bắn trực xạ vào Biệt Cách Dù để yểm
trợ cho bọn chúng cố thủ bên trong đồn. Cố vấn Huggins của Biệt
Cách Dù vào ngay tần số của Lữ Ðoàn 1 Không Quân Hoa Kỳ xin yểm
trợ hỏa lực. Hai chiếc phi cơ AC-130 Spector bay lượn trên vùng
trời An Lộc với cao độ ngoài tầm sát hại của cao xạ và hỏa tiễn
địa không SA7, bắn từng quả đạn 105ly hoặc từng loạt 3 quả đạn
40ly vào mục tiêu yêu cầu được điều chỉnh từ dưới dất. Cuối cùng
đồn Cảnh Sát lọt vào tay Biệt Cách Dù vào lúc 4 giờ chiều. Phần
nửa thành phố phía Bắc được chiếm lại sau gần 24 tiếng đồng hồ
chiến đấu liên tục. Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù yêu cầu Bộ Tư Lệnh
Sư Ðoàn 5 Bộ Binh điều động quân bạn hai bên cạnh sườn cùng tiến
lên ngang hàng với quân Biệt Cách Dù. Sự yêu cầu không được đáp
ứng, vì quân số của quân trú phòng đã hao hụt và bất khiển dụng
quá nhiều, do đó cạnh sườn của Biệt Cách Dù bị bỏ trống. Lợi dụng
sơ hở này, Cộng quân phản công mãnh liệt bằng hai mũi tấn công,
mũi thứ nhất đánh trực diện từ hướng đồi Ðồng Long có sự yểm trợ
của cối 61ly, cối 82ly và sơn pháo 75ly, mũi thứ hai từ phía Tây
đánh thốc vào ngang sườn với quân số khá đông. Trước tình huống
phải đối đầu phía trước mặt và phía ngang hông, Biệt Cách Dù phải
rút quân về phía khu chợ Mới, tuy nhiên vẫn còn để lại một Ðại
Ðội cố thủ trong đồn cảnh sát.
Ðồn cảnh sát đương nhiên trở thành một
tiền đồn án ngữ lẻ loi phía Bắc Thị xã, một tiền đồn bất đắc dĩ
mà không thể nào bỏ trống được, và nơi đây là một cái gai mà Cộng
quân bằng mọi cách phải nhổ đi, do đó muốn duy trì vị trí chiến
thuật quan trọng đó, phải đổ máu rất nhiều. Biệt Cách Dù chấp
nhận sự lựa chọn này để giữ vững tiền đồn suốt một thời gian dài.
Sự tham chiến của Liên Ðoàn 81 Biệt
Cách Dù đã làm cho An Lộc hồi sinh sau cơn mê dài hấp hối, và sự
có mặt của Biệt Cách Dù đã mở màn cho những trận đánh ác liệt xảy
ra trong lòng Thị xã.
Ðêm 19-04-1972 Cộng quân sử dụng Trung
Ðoàn 141 và Trung Ðoàn 275 có xe tăng yểm trợ tấn công Ðồi Gió
sau khi rót vào vị trí này hàng ngàn quả đạn pháo, tiêu diệt 6
khẩu pháo 105 duy nhất của pháo đội Nhảy Dù và tràn ngập Tiểu
Ðoàn 6 Nhảy Dù của Trung tá Ðỉnh đang án ngữ tại đây, đồng thời
pháo kích dữ dội vào An Lộc để chuẩn bị cho hai mũi tấn công từ
hướng Tây và hướng Bắc thành phố. Trận đánh kéo dài suốt đêm,
tuyến phòng thủ vẫn đứng vững trước chiến thuật biển người của
cộng sản. Riêng khu Bắc Thị xã, Biệt Cách Dù và Cộng quân giao
tranh ác liệt, có khi chỉ cách nhau một con đường bề ngang 4
thước trong tầm ném tay của lựu đạn.
Mất đồi Gió, một cao điểm quan trọng
nằm bên ngoài phạm vi phòng thủ với 6 khẩu pháo 105ly còn lại duy
nhất để yểm trợ, An Lộc càng lúc càng thấy cô đơn trong mênh mông
bão lửa. Môt số quân của Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù do Trung tá Ðỉnh chỉ
huy chạy thoát về sông Bé hướng Ðông, và được trực thăng cứu cấp
bốc về Lai Khê tái huấn luyện và bồ sung quân số chờ ngày phục
hận.
Cuộc
chiến giảm dần cường độ vì sự thiệt hại của hai bên công - thủ.
Bên ngoài phạm vi phòng thủ, Lữ Ðoàn I
Nhảy Dù đã là một thành đồng vững chắc án ngữ mặt Ðông Nam, bên
trong thành phố, Biệt Cách Dù mở cuộc tấn công đêm liên tục, đánh
phá những vị trí Cộng quân chiếm giữ, làm cho chúng ăn không
ngon, ngủ không yên. Ngoài ra sự oanh tạc của B52 gần An Lộc đã
gây tổn thất rất nhiều cho địch quân, tuy nhiên mức độ pháo kích
của Cộng quân vẫn đều đặn rót vào An Lộc khoảng 2,000 quả đạn mỗi
ngày.
Bên phố
chợ, người dân ngậm ngùi nhìn thấy những nấm mồ của tử sĩ Biệt
Cách Dù mỗi ngày một nhiều hơn. Họ đánh nhau hằng đêm và hì hục
chôn xác bạn bè hằng đêm trong mưa pháo tuôn rơi, khi mặt trời
chưa thức giấc. Sống, chiến đấu bên nhau trong cuộc hành trình
gian khổ để tiêu diệt quân thù trên khắp nẻo đường đất nước, lòng
thủy chung và tình chiến hữu keo sơn chan hòa thắm thiết khi có
người nằm xuống, vĩnh viễn ra đi. Hình ảnh nghĩa trang Biệt Cách
Dù đã nói lên điều đó.
AN LỘC, CHIẾN TRƯỜNG ÐI KHÔNG HẸN
Theo
lời cung khai và thú nhận của tù hàng binh cộng sản mà Quân Lực
Việt Nam Cộng Hòa bắt được, có ba thứ mà cán binh cộng sản lo sợ
khi vượt Trường Sơn để xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.
Thứ nhất là B52, thứ nhì là Biệt Kích số 81, và thứ ba là chạm
súng với quân Nhảy Dù. Cả ba thứ đó đều hiện hữu và có mặt tại
chiến trường An Lộc.
Liên Ðoàn Biệt Cách Nhảy Dù, dân Miền
Nam thường gọi tắt là Biệt Cách Dù, Việt Cộng gọi là Biệt Kích số
81, thực ra là đơn vị Tổng Trừ Bị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa,
với quân số khiêm nhường trên bảng cấp số là 916 người, được đào
tạo và huấn luyện thuần thục về chiến thuật phản du kích trong
chiến tranh ngoại lệ, nhảy toán, thám sát, đột kích, bắt cóc tù
binh, đánh phá vào các cơ sở hậu cần của địch. Nhảy vào lòng đất
địch để chiến dấu bằng phương tiện nhảy dù, nhưng phần lớn bằng
trực thăng vận, âm thầm hoạt động trong vùng khu chiến, cách biệt
xa tầm yểm trợ của pháo binh. Bước chân của người chiến binh Biệt
Cách Dù đã lần lượt đi qua các chiến trường sôi động một thời
vang danh quân sử.
Từ Làng Vei, A Sao, A Lưới, Tà Bạt, Khe
Sanh, Lao Bảo quanh năm sương mờ bao phủ của vùng biên giới
Việt-Lào, vượt lên phương Bắc hỏa tuyến với Mai Lộc, Cam Lộ, Ðông
Hà, Quảng Trị và xuôi về vùng núi rừng cận duyên của Tam Quan,
Bình Ðịnh, Bồng Sơn, An Lão. Ði miệt mài, hành quân không ngơi
nghỉ để về Tây Nguyên với Boloven hùng vĩ, đổ xuống Tam Biên, đi
Tân Cảnh, Diên Bình và tạm dừng chân, nâng chén quan hà bên bờ
sông Dakbla nước chảy ngược dòng của chiến trường Kontum mịt mờ
bụi đỏ. Tây Ninh nắng cháy nung người không làm nao lòng chiến
sĩ, Bình Giả, Ðồng Xoài nặc nồng mùi tử khí. Khi chiến trường im
tiếng xung phong thì bước chân của người chiến binh Biệt Cách Dù
vẫn còn dong ruổi trong cuộc hành trình vô định.
Vào An Lộc, chiến trường nặng độ với
trung bình mỗi ngày hơn hai ngàn đạn pháo, chiến trường cô đơn
khi tổn thất của quân tử thủ mỗi lúc một gia tăng, đánh đêm đánh
ngày, dằng dai khi công, khi thủ ròng rã kéo dài suốt tháng.
Cứ mỗi lần Cộng quân gia tăng cường độ
pháo kích vào thành phố là để chuẩn bị cho cuộc tấn công bằng bộ
binh ngay sau đó.
Ðêm 04-05-1972, Cộng quân ồ ạt tấn công
vào phòng tuyến phía của Biệt Cách Dù.
Ở thế công thì dù sao cũng có ít nhiều
sơ hở nhưng khi Biệt Cách Dù ở vào thế thủ thì một con kiến cũng
khó lọt qua. Lựu đạn, mìn thi nhau nổ, AK, súng máy rít vang
trời. Trận đánh kéo dài đến sáng tỏ trời. Xác địch nằm la liệt,
ngổn ngang bên ngoài phòng tuyến. Lần đầu tiên trong trận địa
chiến, Biệt Cách Dù tịch thu được 2 khẩu súng phun lửa do Trung
Cộng sản xuất. Trong túi áo của mỗi xác chết đều có mang theo một
mảnh giấy nhỏ bề ngang 5 phân, bề dài 20 phân với câu viết ngắn
gọn: “Quyết tâm bắt sống Sư Trưởng Sư Ðoàn 5, dựng cờ chiến
thắng.” Thì ra bọn này có học tập trước khi lao mình vào tử địa.
Ngày 10-05-1972, Cộng quân bắt đầu pháo
kích dữ dội từ 5 giờ sáng, pháo liên tục ròng rã suốt ngày. Người
ta đếm có hơn 8,000 quả đạn pháo rơi xuống thành phố. Nhà cửa đã
hoang tàn lại thêm hoang tàn. Người ta tiên liệu một cuộc tấn
công lớn của Cộng quân sắp xảy ra và trận đánh lớn nổ tung lúc 5
giờ sáng ngày 11-05-1972 với toàn bộ lực lượng còn lại của 4 Sư
Ðoàn đang vây hãm An Lộc.
Ðịch ồ ạt tiến vào thành phố từ nhiều
phía. Tuyến phòng thủ phía Ðông Bắc của Biệt Ðộng Quân bị thủng,
một số Cộng quân lọt vào Ty Chiêu Hồi. Xe tăng T54 xuất hiện
nhiều nơi trong thành phố, có chiếc tiến lại gần bản doanh tử thủ
của Tướng Lê Văn Hưng và bị bắn cháy. Xe tăng và quân bộ chiến
của Cộng quân bị chặn đứng tại phòng tuyến của Biệt Cách Dù. Trời
sáng tỏ và trận đánh trở nên ác liệt. Phòng tuyến phía Tây của
Trung Ðoàn 7 Bộ Binh bị thủng và co cụm lại thành từng ổ kháng cự
chung quanh Tiểu Khu. Không Quân can thiệp kịp thời, dội bom bên
ngoài, bắn phá bên trong thành phố. Xe tăng của cộng sản và bộ
đội không phối hợp chặt chẽ với nhau khi tấn công vào thành phố,
do đó nhiều chiếc xe tăng chạy lạc đường, bị lẻ loi, dễ bị tiêu
diệt. Quân trú phòng nhảy ra khỏi vị trí chiến đấu để săn đuổi xe
tăng như thợ săn đang săn đuổi con mồi. Ðây là lần thứ hai xe
tăng địch đã vào thành phố để biến thành những khối sắt bất động.
Ðơn vị nào cũng bắn cháy được xe tăng, kể cả một số ít Ðịa Phương
Quân còn lại cũng hăm hở diệt tăng với khẩu M72 lần đầu tiên được
sử dụng. Trận đánh tàn dần lúc 3 giờ chiều với sự thiệt hại nặng
nề của Cộng quân. Người ta đếm được 40 xác chiếc xe tăng rải rác
đó đây trong thành phố và ngoài tuyến phòng thủ, không kể đến
hàng loạt thi thể không toàn vẹn của những người lính đến từ
phương Bắc xa xôi. Tuy nhiên An Lộc vẫn còn nằm trong khả năng
pháo kích ngày đêm của cộng sản, An Lộc vẫn còn chịu ảnh hưởng
nặng nề của lực lượng bao vây khi Quốc lộ 13 chưa được giải tỏa.
Sư Ðoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa
với nhiệm vụ giải tỏa Quốc lộ 13, mặc dù tiến quân chậm và vững
chắc cũng bị thiệt hại nhiều.
Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù đã lấy lại sinh lực
sau lần thất bại tại Ðồi Gió đã trở lại tham chiến, và là đơn vị
đầu tiên của lực lượng giải tỏa tiến về An Lộc sau bao trận đánh
phục thù ven Quốc lộ 13.
Ngày 08 tháng 06 năm 1972 lúc 5 giờ
chiều, Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù đến Xa Cam bắt tay vói Tiểu Ðoàn 8
Nhảy Dù do Trung tá Ðào Thiện Tuyển đang án ngữ tại đây. Xa Cam,
cửa ải địa đầu cực Nam An Lộc, khoảng 2 cây số nằm ven Quốc lộ
13, một đồn điền với rừng cao su ngang dọc thẳng tắp đã trở thành
chiến địa mà Tiểu Ðoàn 8 Nhảy Dù “nhất kiếm trấn ải” tung hoành
trong suốt thời gian gần hai tháng để chiến đấu sống còn với lực
lượng địch quân có quân số và hỏa lực đông và mạnh gấp nhiều lần.
Cái bắt tay của Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù với
Tiểu Ðoàn 8 Nhảy Dù như một tiếng sấm vang trời trong cơn mưa tầm
tã báo hiệu trời quang mây tạnh sẽ đến. Những người lính Nhảy Dù
truyền hơi ấm cho nhau, mỉm cười với ánh mắt long lanh tin tưởng
vào ngày tàn của Cộng quân trong chiến trường An Lộc.
Ngày 10 tháng 06 năm 1972, Liên Ðoàn 81
Biệt Cách Dù tung toàn bộ lực lượng quét sạch tất cả các ổ kháng
cự của Cộng quân trong các khu phố phía Bắc Thị xã, bắt được một
tù binh đang thúc thủ dưới hầm sâu. Ðây là một tên bộ đội thuộc
Sư Ðoàn 5 cộng sản Bắc Việt, sau hơn 6 tháng vượt Trường Sơn để
bổ sung cho chiến trường với nhiệm vụ “anh nuôi”. Anh nuôi là
tiếng của Việt Cộng dùng để chỉ những tên lính chuyên lo việc bếp
núc, nấu ăn cho đơn vị. Gương mặt hốc hác vì hoảng sợ, nước da
xanh như tầu lá vì thiếu ánh nắng mặt trời và tay chân hơi run
rẩy vì thiếu ăn, Tên bộ đội lắp bắp khai: “Ðơn vị hết người chiến
đấu vì bị chết quá nhiều, cho nên Thủ Trưởng bắt buộc em cầm súng
ra trận. Em chưa bắn một phát nào, đến đây đã được ba ngày cứ lo
đào hầm để tránh bom.” Lời cung khai của tên bộ đội khoảng 18
tuổi với gương mặt non choẹt còn phơn phớt nét thơ ngây của tuổi
học trò đã nói lên tình trạng tổn thất bi đát của lực lượng Cộng
quân sau gần 2 tháng bao vây và tấn công mà không chiếm nổi An
Lộc.
Ngày 12
tháng 06 năm 1972, Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù tái chiếm đồi Ðồng
Long, một cao điểm quan trọng nằm sừng sững phía Bắc, cách An Lộc
khoảng 500 thước.
Lực lượng tấn công tái chiếm đồi Ðồng
Long gồm Ðại Ðội 2 Xung Kích do Ðại úy Nguyễn Sơn chỉ huy, Ðại
Ðội 3 Xung Kích do Ðại úy Phạm Châu Tài chỉ huy, và 4 toán Thám
Sát do Trung úy Lê Văn Lợi chỉ huy. Biệt Cách Dù chia làm 3 mũi,
bọc trái, bọc phải và chính diện hướng về mục tiêu trước mặt có
cao độ 128 thước. Họ xuất quân và đến lưng chừng đồi lúc nửa đêm,
đồng loạt xung phong khi hừng đông vừa ló dạng chân trời. Bị đánh
bất ngờ và vô cùng táo bạo, lựu đạn tung vào hầm trú ẩn, đạn bắn
xối xả vào công sự chiến đấu, những tiếng hét xung phong vang dội
một góc trời. Ðịch quân chủ quan và còn mê mệt trong tình trạng
ngái ngủ, trở tay không kịp, hoảng hốt bỏ chạy không có thì giờ
xỏ chân vào đôi dép râu, nói chi cầm đến khẩu súng để chống trả.
Một số chạy thoát vào rừng để lại sau
lưng chiến địa còn nặng mùi khói súng với nhiều xác chết vương
vãi đó đây.
Ðột kích là phương pháp tấn công vô cùng táo bạo, đánh nhanh,
đánh mạnh với hỏa lực tập trung tối đa được Biệt Cách Dù áp dụng
trong thời điểm bất ngờ nhất làm cho địch không có thì giờ xoay
trở.
Trung úy
Lê Văn Lợi hãnh diện cắm lá Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa trên đỉnh
đồi Ðồng Long.
Quốc Kỳ rực rỡ căng gió phất phới bay
trên nền trời xanh biếc của mùa hè vùng bão lửa. Ðám mây mờ bao
phủ vùng trời An Lộc bấy lâu nay lần lần tan biến. Trung tá Phan
Văn Huấn, con chim đầu đàn của Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù, vào tần
số liên lạc với các cánh quân Biệt Cách Dù đang có mặt trên đỉnh
đồi Ðồng Long, giọng cảm động, ông nói: “Chúng ta đã chu toàn
nhiệm vụ cao cả nhất mà quân đội đã giao phó, nhiệm vụ phải trả
bằng xương máu của các anh em, của các tử sĩ Biệt Cách Dù đã nằm
xuống. Tôi thành thật ca ngợi lòng dũng cảm của anh em trong
chiến tích hôm nay.”
Chiếm xong đồi Ðồng Long, Biệt Cách Dù
truy kích, lục xoát xung quanh, và phát hiện một căn hầm sâu ven
rừng, có tiếng động khả nghi bên trong. Tất cả họng súng đen ngòm
hướng vào miệng hầm chờ đợi như con hổ rình mồi. Có tiếng hét lớn
từ trong đám lính:
- Chui ra ngay, đầu hàng ngay, tao tung
lựu đạn vào chết cả đám bây giờ!
- Khoan, dừng tay, coi chừng bắn lầm
vào dân! Tiếng nói khẩn cấp của người chỉ huy từ xa vọng lại. Tất
cả đều chờ đợi. Bước lại gần miệng hầm, người chỉ huy nói to:
- Chúng tôi là lính Việt Nam Cộng Hòa.
Ai trốn trong hầm thì chui ra mau.
Câu nói được lập lại lần thứ hai. Có
tiếng thút thít bên trong hầm vọng ra.
- Ra đi, chui ra đi, không sao đâu!
Tiếng người lính thúc dục. Tiếng động
bên trong rõ dần. Những ánh mắt long lanh của những chiến binh
Biệt Cách Dù chùng xuống khi thấy hai em bé gái 9, 10 tuổi lê lết
tấm thân tàn, chậm rãi bò ra khỏi căn hầm trú ẩn.
- Trời ơi! Hai đứa bé gái! Ba má các em
đâu, sao lại như thế này? Còn ai trong đó không?
Người chỉ huy nắc nghẹn giọng nói. Hai
em bé mặt mũi lem luốc, mắt mờ đẵm lệ, thân mình khô đét như hai
bộ xương biết cử động, chỉ lắc đầu sau những câu hỏi dịu dàng của
người chỉ huy Biệt Cách Dù. Hai em bé đã tránh bom đạn trong căn
hầm này bao lâu rồi, một tháng, hai tháng, lấy gì ăn để sống đến
nỗi thân thể phải xác xơ như thế này!
Ôi chiến tranh! Chiến tranh tàn khốc mà
người cộng sản đã mang đến cho dân tộc mình như thế đó.
AN LỘC ÐỊA SỬ LƯU CHIẾN TÍCH
Kể từ ngày cắm lá Quốc Kỳ trên đỉnh
Ðồng Long, Biệt Cách Dù bung ra khỏi thành phố và án ngữ trong
các khu rừng phía Bắc An Lộc. Thành phố tuy sạch bóng quân thù,
nhưng mức độ pháo kích vẫn còn rời rạc, vô chừng.
An Lộc đã được giải tỏa trong điêu tàn
và đổ vỡ! An Lộc sụp đổ hoang tàn trong cái hình hài đầy vết đạn
bom, nhưng An Lộc đã đi vào huyền thoại của những người tử thủ.
“An
Lộc địa sử ghi chiến tích,
Biệt Cách Dù
vị quốc vong thân.”
Trong hoang tàn và đổ vỡ của một thành
phố đã chịu đựng sức tàn phá hãi hùng của đạn bom, hai câu thơ
của cô giáo Pha được Biệt Cách Dù cứu thoát khi bị thương, được
khắc trên đài tưởng niệm trước nghĩa trang bên phố chợ đìu hiu,
mà trong đó 68 nấm mồ của tử sĩ Biệt Cách Dù được chôn vội vã
từng đêm khi chiến trận tàn khốc xảy ra đã làm mủi lòng dân cả
nước với lòng ngưỡng mộ và niềm xúc cảm vô biên.
Sau khi đồi Ðồng Long được tái chiếm,
thành phố An Lộc xem như được giải tỏa, Trung tướng Nguyễn Văn
Minh, Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 lần đầu tiên đến thăm An Lộc và Trung
tá Phan Văn Huấn, Chỉ Huy Trưởng Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù, là
người đầu tiên được vinh thăng Ðại tá tại mặt trận. Tác giả Sao
Bắc Ðẩu, trong cuốn “Một ngày trong An Lộc”, trang 296 và 297 đã
ghi lại việc thăng cấp như sau:
“Một ông Ðại tá mặt trận”
Trung tướng Minh cẩn thận giải thích
rằng không phải chỉ riêng Trung tá Huấn, Chỉ Huy Trưởng Liên Ðoàn
81 Biệt Cách Dù là có công, là xứng đáng được tặng thưởng. Sở dĩ
ông cẩn thận như vậy là ngại có người sẽ hỏi: “Tại sao chỉ một
mình Trung tá Huấn được thăng cấp tại mặt trận?”. Tướng Minh cẩn
thận như vậy cũng phải, nhưng trên thực tế, không ai có ý phân bì
với tân Ðại tá Huấn cả. Những người lính Biệt Cách của ông đã
chiến đấu hơn một người lính và đã giúp đỡ dân chúng hơn một cán
bộ Chiến Tranh Chính Trị.
Chính một binh sĩ của Tiểu Ðoàn 2 Nhảy
Dù đã xác nhận với chúng tôi rằng đó là “những người lính tuyệt”.
Một người khác kể lại rằng nếu không gặp lính Biệt Cách thì hai
đứa trẻ nằm trong hầm 70 ngày đã chết vì lựu đạn. Anh này khẳng
định:
- Miệng
hầm trông khả nghi lắm. Lại nghe văng vẳng có tiếng động. Gặp
người nhát là phải tung lựu đạn trước khi xuống.
Nhưng những anh Biệt Cách của Ðại tá
Huấn đã không tung lựu đạn xuống. Họ kiên nhẫn nằm trên miệng hố
rình rập vì họ nghĩ rằng dù có lính Bắc Việt phía dưới thì những
người này cũng đói lả không còn sức kháng cự nữa. Cuối cùng họ đã
cứu sống được hai em nhỏ, nạn nhân chiến cuộc.
Tôi hỏi vị Ðại tá tân thăng:
- Người ta nóí với chúng tôi rằng dân
chúng An Lộc lập một nghĩa trang riêng để chôn những tử sĩ của
Ðại tá. Xin Ðại tá cho chúng tôi hiểu rõ vì lý do nào, ngưòi lính
Biệt Cách lại có một tác phong đặc biệt đối với dân chúng như
vậy?
- “Tôi
thiết tưởng điều này cũng dễ hiểu. Anh nghĩ coi, từ trước đến
nay, lính Biệt Cách chúng tôi chỉ nhảy từng toán 5 người vào tác
chiến sau lưng địch. Nói một cách khác, chúng tôi đã quen sống
với thái độ thù địch của dân chúng trong vùng chiến đấu. Ðây là
lần đầu tiên chúng tôi là bạn chứ không phải là thù, dân chúng
giúp đỡ chứ không chống lại chúng tôi.”
Biệt Cách Dù nhảy vào An Lộc ngày
16-04-1972 và rời khỏi An Lộc ngày 24-06-1972. Tính ra đúng 68
ngày tham chiến.
68 ngày tử chiến với 68 Biệt Cách Dù hy
sinh và trên 300 bị thương, trong mưa pháo kinh hoàng, ngày cũng
như đêm không tròn giấc ngủ, đục tường, khoét vách, đào hầm để
giành lại từng tấc dất trong tay quân thù. Chiến đấu trong từng
căn nhà, từng khu phố, từng đoạn đường lỗ chỗ hố bom, vùng lên
diệt xe tăng cũng như đồng loạt truy kích khi địch đã tàn hơi, và
cuối cùng cắm lá Quốc Kỳ trên đỉnh Ðồng Long tượng trưng cho sự
chiến thắng, hình ảnh người chiến binh Biệt Cách Dù mãi mãi sống
trong tâm hồn người dân An Lộc, hình ảnh dũng cảm, can trường
biểu tượng cho sự chịu đựng bền bỉ, sức chiến đấu hào hùng của
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
48 giờ sau khi rời khỏi chíến trường An
Lộc, ngày 26-06-1972, Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù đã có mặt tại
miền hỏa tuyến để tham gia chiến dịch “ba tháng vùng lên tái
chiếm Quảng Trị”. Còn giặc thù, còn chiến trường, người chiến
binh Biệt Cách Dù vẫn còn xông pha tiến bước, dù một lần sảy chân
nằm yên trong nghĩa trang hiu quạnh thì đó cũng là một điều vinh
quang cho người chiến sĩ để báo đền ơn Tổ Quốc.
Hổ Xám PHẠM CHÂU TÀI
(cựu Thiếu tá Biệt Cách Dù QLVNCH)
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
|
Hình nền: An Lộc sau lũy tre làng. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E-mail by MĐ Trần Hồng Minh chuyển
Đăng ngày Thứ Tư, May 24, 2017
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang