Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
Thời sự Chính Trị
Chủ đề: 30-T4Đ
Tác giả: Nguyễn Quốc Đống, K13/TVBQGVN
07 tháng 4, 2019

Nỗi Nhục Của Người Dân Việt,
Dưới Bóng Lá Cờ Máu của CNXH

-----00-O-00-----



Tưởng Niệm Các Chiến Sĩ của 11 SĐBB QLVNCH đã Vị Quốc Vong Thân
In Memory of  Fallen Soldiers of  11 Infantry Divisions of  ARVN

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

Sau khi thực hiện cuộc đảo chánh thực dân Pháp vào ngày 9-3-1945, ngày 11 tháng 3, 1945, Nhật Bản tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam, và Vua Bảo Đại đã chỉ thị cho ông Trần Trọng Kim đứng ra thành lập chính phủ. Tuy nhiên chính phủ của thủ tướng Trần Trọng Kim không có điều kiện để điều hành một đất nước kiệt quệ sau thời gian chiến tranh lâu dài, dưới ách thống trị của thực dân Pháp (1867-1945), và sự cai trị của phát-xít Nhật (1940-1945). Sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt (tháng 9, 1945), Nhật là nước thua trận, và Pháp thuộc phe đồng minh thắng trận, nên Pháp lại có dã tâm quay lại thống trị thuộc địa Việt Nam như xưa. Tình trạng này đã giúp cho Việt Minh, tay sai của Quốc Tế Cộng sản (QTCS), nổi lên như một lực lượng “kháng chiến chống thực dân Pháp” tại Việt Nam. Tháng 8, 1945, Việt Minh lợi dụng một cuộc biểu tình của người dân Hà Nội nhằm ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, đã cho cán bộ trà trộn vào dân, thực hiện được việc cướp chính quyền của chính phủ TTK một cách dễ dàng. Kể từ đó, lá cờ đỏ sao vàng của Đảng cộng sản VN đã xuất hiện công khai, lấy danh nghĩa “chống thực dân Pháp, giành độc lập”, và CSVN đã chính thức phát động chiến tranh chống Pháp trên toàn quốc.

Cộng sản Việt Nam (CSVN), dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, gọi biến cố “cướp chính quyền hợp pháp của thủ tướng TTK” ngày 19-8-1945 là “cách mạng mùa thu”, kêu gọi toàn dân theo Việt Minh, làm “cách mạng dân tộc giải phóng Việt Nam”, dưới bóng cờ đỏ sao vàng. CSVN hứa hẹn “độc lập, tự do, hạnh phúc” sau khi “cách mạng xã hội chủ nghĩa” thành công. Chúng ta hãy xem người dân Việt được “vinh”, hay “nhục”, trong bóng đêm tối tăm của chủ nghĩa xã hội, dưới bóng “Lá Cờ Máu”, suốt từ 1945 đến nay (hơn 7 thập niên).

1. Đảng CSVN với “cờ đỏ sao vàng” tận dụng chiêu bài “yêu nước” trong 2 cuộc chiến (1945-1954) và (1954-1975):

Lòng yêu nước là tình cảm thiêng liêng của người Việt Nam. Nhìn vào dòng lịch sử Việt từ thời dựng nước, tổ tiên chúng ta nhiều lần phải chống lại các cuộc xâm lăng của giặc phương bắc (đế quốc Nguyên-Mông, giặc Minh, giặc Thanh...), trải qua cả ngàn năm bắc thuộc, rồi nhiều lần nam tiến gian khổ để mở mang bờ cõi; chịu nhiều hy sinh, chúng ta mới có được giải giang sơn gấm vóc ngày hôm nay. Chính nhờ lòng yêu nước, mà nhiều thế hệ con cháu dòng Việt luôn sẵn sàng chịu hy sinh để bảo vệ mảnh đất của tổ tiên, và giống nòi Lạc Việt. Các vị anh hùng dân tộc có công đánh đuổi giặc ngoại xâm như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... là những tấm gương sáng trong lịch sử Việt. Đảng CSVN đã lợi dụng lòng yêu nước của người Việt, phát động chiến tranh chống thực dân Pháp, giành độc lập (1945-1954), nên rất nhiều thanh niên Việt cả nam lẫn nữ đã “lên đường vào chiến khu”, chiến đấu dưới “ngọn cờ hồng” của Đảng CS.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7 tháng 5, 1954), và với việc ký hiệp định Geneve (20 tháng 7, 1954) chia đôi Việt Nam, Đảng CS chiếm được quyền cai trị tại miền bắc, thành lập nhà nước xã hội chủ nghĩa, lấy tên nước là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, chọn quốc kỳ là “cờ đỏ sao vàng”. Tại miền Nam VN, một quốc gia dân chủ, tự do, không cộng sản được thành lập, mang tên Việt Nam Cộng Hòa, với quốc kỳ là “cờ vàng ba sọc đỏ”. CSVN quyết chiếm cho được miền Nam VN, nên lại phát động một cuộc chiến tranh mới, cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước”, nói là để “giải phóng miền Nam” (1954-1975).

Cả hai cuộc chiến do CSVN phát động, tại miền bắc (1945-1954), và tại miền Nam (1954-1975) đã khiến cả triệu quân, dân hai miền mất mạng, đất nước kiệt quệ, lâm cảnh đói nghèo. Chiêu bài CS đưa ra là: độc lập cho tổ quốc; tự do, hạnh phúc cho người dân. Người dân được hứa hẹn sẽ được sống “vinh” trong một tổ quốc Việt Nam vĩnh viễn sạch bóng thù, sẽ được hưởng “nền dân chủ xã hội chủ nghĩa” tốt đẹp nhiều lần hơn “nền dân chủ tư bản”.

2. Nỗi nhục của người dân Việt dưới bóng “cờ đỏ sao vàng” tại miền bắc xã hội chủ nghĩa (1954-1975):

Sau khi thiết lập nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên tại miền bắc, CSVN đã phá sập hệ thống kinh tế tại nửa nước VN bằng cuộc “cải cách ruộng đất”. Với quan niệm của chủ nghĩa Mác-Lê cho đất đai và phương tiện sản xuất là công cụ khiến giới địa chủ, tư sản bóc lột giai cấp vô sản, CS tịch thu hết đất đai, ruộng vườn, nhà cửa của các nông dân có ruộng (phú nông và trung nông), nói là để chia cho nông dân nghèo, không có ruộng, phải đi làm thuê và bị địa chủ “bóc lột”. Khoảng 172,000 nông dân bị đấu tố, giết hại, trong đó có rất nhiều người bị oan, có cả những địa chủ có công nuôi “cách mạng”, như bà Nguyễn Thị Năm. Người nông dân miền bắc có ruộng đất, từng giúp cho những nông dân nghèo có phương tiện sinh sống, bỗng chốc biến thành “địa chủ bóc lột, có tội với nhân dân vô sản”, bị lôi ra đấu tố, sỉ nhục tại tòa án nhân dân, rồi bị hành hình, và chết một cách tức tưởi.

Vì chỉ là tay sai của Quốc Tế cộng sản, CSVN lại phát động tiếp cuộc chiến tranh “giải phóng miền Nam”, nhằm biến cả nước VN, và vùng Đông Nam Á thành chư hầu của đế quốc đỏ CS. Cán bộ CS đang hoạt động tại miền Nam được lệnh trốn ở lại miền Nam, không trở về bắc theo quy định của hiệp định Geneve, nhằm xây dựng cơ sở nằm vùng; một số cán bộ gốc Nam kỳ được lệnh tập kết ra bắc để hoạt động tại miền Nam sau này. Thanh niên miền bắc được tuyên truyền phải “sinh bắc, tử nam”, hàng trăm ngàn phải rời bỏ gia đình, quê hương bản quán, thành bộ đội Trường Sơn. Ngày “trúng tuyển nghĩa vụ quân sự”, họ ra đi và biết khó có ngày trở về. Gia đình cũng phải vận động con em vào Nam, nếu không muốn bị “sỉ nhục” tại địa phương là “kẻ phản quốc”, và bị bỏ đói (cắt gạo, nhu yếu phẩm...).

Một số trí thức miền bắc lên tiếng đòi tự do sáng tác cho các văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, bình luận văn học... (Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm). Nhưng Đảng thẳng tay dẹp bỏ cuộc tranh đấu này, cho rằng phong trào có “xu hướng chính trị”. Những trí thức phản kháng phải trả giá bằng nhiều năm trong lao tù, như Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Trần Dần...

Nói đến trí thức miền bắc theo CS, chúng ta không thể quên trường hợp của giáo sư Trần Đức Thảo, và luật sư Nguyễn Mạnh Tường. Cả hai ông đều là những nhân tài của VN, là những người yêu nước, muốn đem tài năng phục vụ đất nước và dân tộc. Vì chọn đứng về phía người dân, không cam lòng theo một đảng mà hai ông đánh giá là đã phạm những sai lầm trầm trọng (không tôn trọng tự do, dân chủ; tàn ác với dân qua cải cách ruộng đất tại miền bắc, bóp nghẹt tiếng nói của trí thức qua vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm...), các ông đã bị trù dập, phải sống trong cô lập, nghèo khó.

3. Nỗi nhục của người dân dưới bóng “cờ đỏ sao vàng” trong một nước Việt Nam thống nhất:

Trong cuộc chiến Quốc-Cộng tại miền Nam (1954-1975), CSVN biến xã hội miền bắc thành một thế giới khép kín sau bức màn sắt, người dân như một con ngựa bị che hai bên mắt, chỉ biết tiến về phía trước theo con đường Đảng chọn, nên họ cũng chưa ý thức trọn vẹn thân phận “hèn nhục” của họ, khi nó còn bị che khuất bởi “hào quang” của “sự nghiệp giải phóng miền Nam”.

Chỉ đến khi việc “giải phóng miền Nam” hoàn thành, đất nước thu về một mối dưới chế độ độc tài toàn trị, và nhất là sau năm 1986, là thời kỳ “đổi mới” bắt đầu, với đường lối “kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa”, thì bộ mặt thật của CS mới lộ ra trần trụi, và người dân ngày càng thấm cái “nhục” của công dân một nước xhcn. Kinh tế thị trường (kiểu tư bản) cho phép tư nhân được kinh doanh kiếm lợi nhuận trong thị trường tự do, nhưng với cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”, nên chỉ giới cán bộ cs và phe nhóm lợi ích của họ hưởng lợi nhuận từ việc kinh doanh theo kinh tế tư bản, người dân vẫn phải nai lưng làm việc cực nhọc, và đóng thuế để nuôi đám tham quan nay đã trở thành các “tư bản đỏ”.

Người dân đau xót nhận ra sự thật: ngày xưa họ là người đổ xương máu làm đá lót đường đưa Đảng đến thời “vinh quang” hiện nay, nhưng bây giờ Đảng lại xem họ như “thế lực thù địch”, như “kẻ thù” cần trấn áp. Cái “vinh” Đảng hưởng, còn cái “nhục” thì dân chịu.

Hãy nhìn vào đời sống người dân Việt hiện nay, để thấy thảm cảnh họ phải chịu, và nỗi nhục họ phải mang từng ngày, trong mọi lãnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, pháp luật...

Về chính trị, hiến pháp VN cho người dân quyền ứng cử và bầu cử để chọn người đại diện hầu bảo vệ quyền công dân cho họ. Thực tế, đây chỉ là những cuộc “Đảng cử, dân bầu”, nên đại biểu quốc hội chỉ là những con rối, phải làm những gì Bộ Chính Trị Đảng CS ra lệnh, ngay cả những điều trái lòng dân, hay đi ngược với luật pháp. Lấy thí dụ, năm 2018, đại biểu quốc hội thông qua Luật An Ninh Mạng, ngăn chặn quyền tự do phát biểu của dân trên internet, bất chấp người dân phản đối quyết liệt qua các cuộc biểu tình rầm rộ vào tháng 6, 2018. Tháng 9, 2018, chủ tịch nước Trần Đại Quang đột ngột qua đời, theo hiến pháp, phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh lên thay, cho đến khi quốc hội bầu người mới. Tháng 10, 2018, quốc hội VN đã 100% đồng ý giới thiệu TBT-ĐCS Nguyễn Phú Trọng kiêm luôn chức chủ tịch nước, và sau đó Trọng đã được quốc hội phê chuẩn việc kiêm nhiệm này. Một việc làm chuyên quyền, vi hiến như vậy, nhưng quốc hội CSVN vẫn nhắm mắt thi hành!

Trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, người dân trở thành nạn nhân của nhiều tầng áp bức: của nhà cầm quyền trung ương lẫn địa phương, của chủ đầu tư ngoại quốc... Đời sống của họ ngày một khó khăn; giá sinh hoạt và thuế má gia tăng chóng mặt, khiến nhiều người không lo đủ ngày 2 bữa ăn, trẻ em phải bỏ học vì cha mẹ không đủ tiền đóng các chi phí cho nhà trường. Trong khi “quan chức” xhcn sống trong những biệt phủ xa hoa trị giá tiền tỷ, dát vàng; người già, người nghèo, người tàn tật phải lê lết xin ăn ngoài đường phố; trẻ em các vùng xa xôi phải đu dây hay ngồi bọc nylon qua sông đến trường... Nhà cửa, đất đai của họ có thể bị “quy hoạch, cưỡng chế” bất cứ lúc nào, nếu nằm trong tầm ngắm của quan tham. Là công dân một nước “độc lập, tự do, hạnh phúc”, nhưng họ luôn cảm thấy bất an. Chính sách đất đai của CS không cho tư nhân quyền sở hữu nhà, đất; chỉ cho họ quyền sử dụng vì “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý”. Hệ lụy của chính sách này khiến nhiều cơ sở tôn giáo và tư nhân mất nhà mất đất, trở thành người dân oan trên khắp 3 miền đất nước. Vụ cưỡng chế đất, phá nhà của dân tại Vườn Rau Lộc Hưng ở quận Tân Bình, thành phố Sài Gòn tháng 1, 2019 là thí dụ điển hình. Mất nhà, mất đất, cũng có nghĩa là mất nơi cư trú, mất sinh kế, mất quyền sống.... Còn nỗi khổ nhục nào hơn? Cuộc sống đói nghèo đã xua dân Việt phải tìm cách mưu sinh ở nước ngoài, trai bán sức lao động dưới hình thức “xuất khẩu lao động”, gái bán thân dưới hình thức “làm cô dâu” tại nhiều nơi trên thế giới, nhiều nhất là tại Đại Hàn, Đài Loan.

Việt Nam có khoảng 3,400km bờ biển, nên nhiều người sống bằng ngư nghiệp, nhất là tại các bờ biển miền trung. Họ đánh bắt cá, sản xuất hay buôn bán các sản phẩm từ biển. Nhiều năm gần đây, ngư dân VN không còn an toàn khi đi đánh cá tại các vùng biển lâu đời của VN. Tàu, thuyền Tàu cộng liên tục truy đuổi thuyền đánh cá VN, cướp của, giết người.... Nhà cầm quyền VC không dám gọi đích danh bọn tội phạm này, chỉ dám gọi là “tàu lạ”, lại còn kêu gọi ngư dân Việt phải trang bị vũ khí để tự bảo vệ. Đây là một điều nhục quốc thể, vì một nhà nước có chủ quyền không thể cư xử như vậy với công dân của mình!

Nhà cầm quyền VNCS thường ca tụng các “thành tích phát triển kinh tế” nhưng không bao giờ đề cập đến một hệ lụy của nó, đó là việc hủy hoại môi trường sống của người dân khắp mọi miền đất nước, từ thành thị, đến nông thôn, rừng, và biển. Các nhà máy nhiệt điện ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhà máy thép Formosa ở miền trung, nhà máy bauxite ở Tây nguyên... xả khói độc và chất thải kỹ nghệ khiến bầu trời, sông ngòi, biển, hồ VN thành những bãi rác khổng lồ, độc hại. Hít phải chất độc này hàng ngày làm sao sức khỏe người dân không bị ảnh hưởng. Dân phản đối, nhưng nhà chức trách làm thinh, chẳng ai thèm nghe tiếng dân kêu!

Không khí thì ô nhiễm như vậy, đồ ăn người dân phải tiêu thụ hàng ngày cũng chứa đầy chất độc: gạo giả, trứng giả, bánh tráng nylon, thịt thối, trái cây tẩm hóa chất... Thực phẩm từ Tàu tràn sang, rẻ mạt, nhưng toàn là hàng độc. Thực phẩm do người Việt làm ra để bán cho người Việt cũng là hàng độc, vì thương nhân chạy theo lợi nhuận, cam tâm đầu độc cả đồng bào mình.

Điều kiện sống kinh hoàng như thế nên số người bị bệnh nan y, đặc biệt là ung thư gia tăng rất nhiều. Các bệnh viện chữa ung thư không đủ sức chứa, khiến nạn nhân phải nằm ngồi vất vưởng dọc hành lang, một giường bệnh chứa đến 2 hay 3 người! Người ta cho rằng việc “đầu độc” dân Việt bằng thực phẩm độc, thuốc giả, hàng hóa độc (quần áo, đồ dùng gia dụng, đồ chơi trẻ em...) là kế hoạch độc ác của Tàu cộng, muốn diệt chủng dân Việt bằng cách làm hao mòn sức khỏe, và hủy diệt ý chí phản kháng của họ. Trong một bài viết, tác giả Bùi Bảo Trúc nhắc đến sự kiện xảy ra vào giữa thế kỷ 19: đế quốc Anh cho nhập rất nhiều thuốc phiện vào nước Tàu dưới triều Thanh, nhằm kiếm lời. Hậu quả là người Tàu bị nghiện ngập, sức khỏe người dân hao mòn, kiệt quệ; và Tàu bị các nước phương Tây chế giễu là “Đông Á bệnh phu” (the sick man of Asia). Với tình trạng sức khỏe người Việt hiện nay, ung thư bùng phát, giới trẻ nghiện bia rượu, thuốc lá... Việt Nam cũng đang trở thành một “Đông Á bệnh phu” của thế kỷ 21. Thủ phạm lần này không phải là đế quốc tư bản Anh, mà chính là Tàu cộng, người anh em xhcn của Việt cộng.

Nền giáo dục dưới chế độ xhcn là một bức tranh thê thảm. Xác định giáo dục là “công cụ” của Đảng, được dùng để đào tạo “con người mới xã hội chủ nghĩa”, nhà cầm quyền hoạch định chính sách giáo dục phục vụ cho Đảng, chứ không nhằm phát triển trí tuệ, xây dựng kỹ năng... phù hợp với văn hóa dân tộc, thể hiện tính nhân bản, và tính khoa học. Kết quả, sản phẩm của nền giáo dục xhcn tạo ra những con vẹt, chỉ biết hót những gì Đảng dạy. Số giáo sư, tiến sĩ được đào tạo nhiều, nhưng bằng phát minh giá trị chẳng có cái nào! Sinh viên tốt nghiệp đại học không kiếm ra việc làm thích hợp. Đạo đức học đường suy đồi: thày đánh trò, trò đánh thày, trò đánh nhau như băng đảng xã hội đen, cô giáo bắt trò uống nước giẻ lau bảng, phụ huynh bắt cô giáo quỳ xin lỗi, cán bộ giáo dục cao cấp bắt cô giáo tiếp khách của ngành như tiếp viên quán bia ôm... Hàng năm nhà trường xhcn đều cho tổ chức rình rang Ngày Nhà Giáo VN 20-11, để vinh danh các thầy cô giáo, các “kỹ sư tâm hồn” của chế độ, nhưng có ai nghĩ đến những “cái nhục “ trên của các nhà giáo xhcn?

Một đất nước muốn giàu, mạnh; yếu tố chính không phải là lãnh thổ rộng lớn, tài nguyên phong phú, hay dân số đông, mà chính là đất nước đó phát triển xã hội như thế nào, có đào tạo được những người công dân có trách nhiệm với đất nước, biết nghĩ đến lợi ích chung hay không. Nền giáo dục tại VN cộng sản ngày nay không đào tạo được những con người như vậy. CS vẫn cao giọng “con người là vốn quý” của xã hội, nhưng con người do nhà trường xhcn VN đào tạo ra ngày nay đang làm băng hoại đất nước, phá hủy văn hóa dân tộc, vì tính vô cảm, vô trách nhiệm của họ. Họ chạy theo vật chất, coi thường giá trị tinh thần, hủy diệt văn hóa dân tộc, sống ích kỷ, không quan tâm đến chính trị... Kết quả xã hội VN dưới thời cộng sản không còn kỷ cương, tham nhũng tràn lan, người dân vô cảm, ra nước ngoài thì tạo ra tệ nạn: ăn cắp, băng đảng, buôn lậu, bán dâm... nên bị người dân bản xứ coi thường.

Trong không khí chính trị ngột ngạt như vậy, người dân không cảm thấy an toàn, họ lo sợ đủ thứ. “Độc lập, tự do, hạnh phúc” gắn liền với tên nước, nhưng người dân nhận thức được tất cả chỉ là bánh vẽ. Đất nước mất chủ quyền (mỗi khi Đảng CSVN họp đại hội bầu cấp lãnh đạo mới đều phải qua Tàu xin phê chuẩn), lãnh thổ, lãnh hải thu hẹp, ngôn ngữ có nguy cơ bị đồng hóa, văn hóa truyền thống đang mất dần, nhường chỗ cho một thứ văn hóa lai căng, chịu ảnh hưởng của Tàu rất nặng do phim ảnh Tàu tràn ngập, khu phố Tàu, và trường dạy tiếng Tàu gia tăng. Các quyền tự do căn bản của người dân chỉ có trên lý thuyết, trên thực tế thì không có. Người dân lên tiếng về các vấn đề nhân sinh (bảo vệ môi trường), chính trị (bảo vệ lãnh thổ, biển, đảo, chống Tàu xâm lược...) đều bị đàn áp dã man, bị gán cho các tội danh “phá rối trật tự công cộng, tuyên truyền chống chế độ, âm mưu lật đổ chính quyền...”, và phải nhận những bản án tù phi lý, nặng nề.

Năm 2016, trên diễn đàn internet, nhiều người đọc được một bài viết của tác giả Hân Phan, “người việt nam hèn hạ”. Tác giả sinh năm 1979, tốt nghiệp đại học Luật, và hiện là giám đốc một công ty truyền thông tại Sài Gòn. Cảm tưởng của cô về xã hội và con người Việt Nam ngày nay như sau, “... Thế là cái dân tộc đầy sợ sệt, bất an đó cuống cuồng kiếm tiền, cuống cuồng vơ chỗ này, cấu chỗ kia để lo cho cái thân mình. Họ còn biết làm gì nữa? Và khi họ chăm chăm vào tiền và sự yên ổn cho mình, họ để mặc cho một bọn ác khác lên ngôi, bọn này là sản phẩm của công thức: Bên trên chúng nhìn thấy cách hành xử của một chính quyền côn đồ, có tiền là ra luật + Bên cạnh, chúng nhìn thấy những con người thờ ơ với người khác + Bên dưới, chúng nhận ra một đám người khổ sở, sợ sệt, yếu ớt = Chúng chợt nhận ra rằng chúng có khả năng luồn cúi bên trên, tránh né bên cạnh... ức hiếp bên dưới.”

4. Sự phản kháng của người dân:

Tuy nhiên, không phải tất cả người dân Việt đều là “dân ngu, dân ngoan, dân hèn”. Người cộng sản đã gặp sự phản kháng mạnh của người dân, nhất là giới trẻ. Một trong những hành động phản kháng của họ nhắm vào biểu tượng của chế độ, lá cờ đỏ sao vàng, ngọn cờ của “cách mạng xã hội chủ nghĩa”, niềm hãnh diện của người cộng sản VN.

Một thanh niên dũng cảm, đi đầu trong phong trào phản đối chế độ đại diện bởi lá cờ đỏ sao vàng, bằng cách vinh danh chế độ Việt Nam Cộng Hòa trong nước là Nguyễn Viết Dũng (sinh năm 1986, có biệt danh là Dũng Phi Hổ). Dũng từng treo cao lá cờ vàng ba sọc đỏ trên nóc nhà của mình tại Nghệ An. Anh mặc áo lính VNCH đi biểu tình chống chặt cây xanh ở Hà Nội năm 2015, và bị kết án 15 tháng tù giam vì tội “phá rối trật tự công cộng”. Tháng 9, 2017, Dũng lại bị tuyên án 6 năm tù giam và 5 năm quản chế với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”. Ngày ra toà phúc thẩm cho bản án lần 2, Dũng mặc 1 áo thung in vân tay hình cờ vàng ba sọc đỏ, với hàng chữ “it’s in my DNA”. Những hành động can đảm của Nguyễn Viết Dũng là hình thức phản kháng của những công dân Việt Nam không chịu nhục trước bạo quyền cộng sản, thà mất tự do của bản thân trong lao tù cộng sản, nhưng không thể im tiếng nói yêu tự do, dân chủ, mà biểu tượng của tiếng nói này là lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa.

Sinh viên Lê Trung Thành, một du học sinh Việt Nam, chỉ ngoài 20 tuổi, năm 2016 đã viết bài “Còn cờ đỏ sao vàng thì không thể có độc lập, tự do, hạnh phúc”. Trong bài viết này, anh nói lên những lời tâm huyết “Này bạn tôi ơi! đất nước mình có độc lập không khi đất nước bị lèo lái bởi những thái thú của Tàu cộng, tự do là gì khi đến lòng yêu nước cũng bị tước đoạt, và hạnh phúc ở đâu khi hàng chục triệu người trên đất nước mình vật lộn kiếm ngày 2 bữa ăn không nổi. Khi nhìn thấy các mẹ, các chị cầm cờ đỏ và ảnh ‘bác’ đi khiếu kiện; thấy sinh viên học sinh yêu nước mang cờ đỏ đi biểu tình chống Tàu cộng; thấy các anh lính gìn giữ tổ quốc nơi biên ải xa xôi mang theo lá cờ đỏ sao vàng, tôi đã thốt lên ‘các anh ơi! các chị ơi! các mẹ ơi! Còn cờ đỏ sao vàng thì không bao giờ có độc lập, tự do, hạnh phúc!’”

Lá cờ đỏ sao vàng của Đảng CSVN thực ra giống cờ của tỉnh Phúc Kiến bên Tàu, không có liên hệ gì với màu cờ vàng truyền thống của dân tộc Việt (màu vàng là màu tượng trưng cho các vị vua VN, cũng được coi là tượng trưng cho màu của đất tổ). Anh Lê Trung Thành nhận xét rất đúng như sau: “...ở đâu có cộng sản thì ở đó có phi lý, có bất công, có mùi tanh của máu, có xú uế của xác người, nên người ta còn gọi cờ đỏ sao vàng với một cái tên dễ nhớ khác: Cờ Máu”.

Trong tình trạng tối tăm của đất nước hiện nay, tuy số đông người dân còn vô cảm, chưa ý thức được trách nhiệm đối với đất nước đang lâm nguy, khi giặc ngoại xâm đã vào đến nhà; vẫn còn những công dân yêu nước, nhất là giới trẻ. Họ chọn “tách khỏi đám đông” thờ ơ, chọn con đường tranh đấu gian khổ cho tự do, chọn những lối mòn ít người dám bước vào, cất cao tiếng nói của lương tâm, bất chấp những đòn thù của chế độ. Nhiều người lâm vòng tù tội vì những hành động can đảm này. Như tác giả Trần Quốc Việt viết trong bài “Những người đi vào lịch sử”: “Nhờ họ có can đảm, quốc gia có can đảm. Nhờ họ có phẩm giá, quốc gia có phẩm giá. Nhờ họ có hy vọng, quốc gia có hy vọng. Nhờ họ là những tù nhân lương tâm, quốc gia có lương tâm.” Họ là những người như Nguyễn Viết Dũng, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Huỳnh Anh Tú, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh, Trần Vũ Anh Bình, Lê Đình Lượng, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Văn Hóa... Họ có thể chưa thành công ngày hôm nay, nhưng việc làm của họ sẽ giúp khối người dân vô cảm hiện nay thức tỉnh. Những “anh hùng” này đã lên tiếng, để người khác thấy rằng họ cũng có trách nhiệm phải lên tiếng vì tương lai của đất nước.

“Đất nước ta, có lúc cường, lúc nhược, tùy thời; nhưng hào kiệt thời nào cũng có”.

Kết luận

Người dân Việt Nam đang sống trong một Việt Nam thống nhất, chiến tranh chấm dứt đã 44 năm rồi, nhưng vẫn không được hưởng một cuộc sống có phẩm giá, “chính quyền” thì hèn với ngoại bang (Tàu cộng), không bảo vệ được lãnh thổ, người dân; trong khi thẳng tay đàn áp, cướp nhà, cướp đất của dân, bịt miệng dân bằng “pháp luật” và bạo lực, bắt họ sống “nhục, sống hèn” như những nô lệ. Biết bao anh hùng dân tộc Việt đã không khiếp nhược trước kẻ thù truyền kiếp phương bắc, và đã chết để bảo vệ giang sơn. Chúng ta không thể sống kiếp lưu vong ngay trên quê hương mình, không thể “hèn” và “nhục” để Đảng cộng sản VN đem đất nước dâng cho Tàu cộng. Đây là lúc mọi thành phần dân Việt phải đoàn kết, hy sinh; để cứu nước Việt sắp diệt vong, dân tộc Việt sắp diệt chủng.

Nguyễn Quốc Đống,
K13/TVBQGVN

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trung tâm lưu trữ những buổi lễ Mừng Thánh Tổ SĐND/QLVNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mùa Quốc Hận năm nay, 2019, đặc biệt chúng ta Tưởng Nhớ đến
những chiến sĩ của 11 SĐBB QLVNCH đã Vị Quốc Vong Thân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mùa Quốc Hận năm nay, 2019, đặc biệt chúng ta Tưởng Nhớ đến
những chiến sĩ của 11 SĐBB QLVNCH đã Vị Quốc Vong Thân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Mùa QH-30-T4Đ/2019. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet eMail by nqđ chuyển

 

Đăng ngày Thứ N(m, April 11, 2019
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang