Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
Trang
Thi–Văn
Chủ đề: Bình Thơ
Tác giả: Văn Nguyên Dưỡng
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Đầu
tháng sáu, tôi khởi đọc tập thơ của Cung Trầm Tưởng do Tủ Sách Tiếng
Quê Hương xuất bản trong năm. Nhà thơ gửi tặng. Kèm theo là bài viết
của ông về pho sách Nhân Văn Giai Phẩm Và Vấn Đề Nguyễn Ái Quốc của
nhà biên khảo văn học Thụy Khuê. Cuối tháng sáu còn đọc. Tôi biết sẽ
còn đọc nhiều lần nữa trong nhiều ngày nhiều tuần nhiều tháng nữa.
Tập thơ là một hành trình và là một công trình kiến tạo độc nhất vô
nhị của một nhà thơ làm tôi suy nghĩ, thao thức, trằn trọc từng đêm
của một tuần, hai tuần, ba tuần và sẽ còn làm tôi thức ngủ chập chờn
bao đêm nữa trong bao lâu nữa nếu tôi không bỏ giấc, ngồi dậy mà gõ
vào các nốt chữ của chiếc laptop hình như cũng thôi thúc chờ tôi gõ,
gõ gì đó, về chữ và chất của thơ Cung Trầm Tưởng. Gõ chữ ray rứt
không là gõ những nốt nhạc quyến rũ của một Beethoven, một Chopin,
một Stravinsky, hay một Dương Thiệu Tước. Tôi chưa từng viết bình
luận hay khảo luận về một tác phẩm văn chương bất cứ thuộc thể loại
nào, nhất là thi ca. Thôi, chỉ viết tản mạn, và chỉ có vậy thôi.
Khi đọc bài viết của Cung Trầm Tưởng về pho sách của Thụy Khuê,
nhất là tập thơ toàn–tập độc đáo của Cung, tôi muốn suy nghĩ chín
chắn về một ngôi nhà văn học Việt Nam thực sự trang trọng. Cầm quyển
thơ đẹp trong tay ––bìa cứng, giấy tốt, trang nhã với hơn mười phụ
bản tranh màu của các họa sĩ nổi tiếng hiện đại–– trở qua trở lại,
mở ra xếp vào, tôi tự nhủ: phải rồi, phải như vậy, phải có những
người làm văn học nghệ thuật chân chính ––như các nhà chủ trương
TSTQH–– khi xuất bản tập thơ của Cung đã biết đang trải thảm chính
thức mời nhà thơ này vào ngôi nhà đó, vào khung trời văn học vòi vọi
hơn, và dành riêng cho ông một tọa độ chính xác như buổi sáng người
ta nhìn thấy ngôi sao mai và buổi tối nhìn thấy ngôi sao hôm trên
vòm trời xa xa của vô tận. Hai ngôi sao đó chỉ là một mà đầu hôm
thấy, sáng mai thấy, tự nó có một tọa độ trường cửu, ai gọi là sao
mai cũng được, sao hôm cũng hay, vì mỗi người đứng ở mỗi góc nhìn
khác nhau, ở thời điểm khác nhau.
Thoạt nhìn vào bản văn viết
về pho sách của Thụy Khuê tôi đã thấy ngay Cung Trầm Tưởng là chữ,
tập thơ cũng là chữ. Những chữ vô cùng mềm mại, mượt mà của loại cốt
mìn dữ dội nhất, hay những từ mang thức cá tính, ngôn tính, sử tính
và thi tính thần tình như lối ảo họa vũ bút của một Trương Tam
Phong, mềm mại, nhẹ nhàng, uyển chuyển, nhưng có sức mạnh ẩn tàng
chuyển núi dời non. Hay cứ nói lượt qua là tôi chưa hề nhìn thấy một
lối ngôn ngữ thi ca nào vừa bay bướm vừa quyết liệt như thế trong
văn chương hay trong các tác phẩm thi ca Việt Nam từ trước. Lối chữ
mang tính lưỡng trạng (the sort of binary opposition) này là thứ mà
giáo sư triết gia cũng là chưởng giáo khoa phê bình văn học và triết
học người Pháp, Jacques Derrida, cha đẻ của lý luận văn học Hậu Cấu
Trúc Luận và phương pháp phê bình “Phân Tạo Thức”,
Post–Structuralism, Deconstruction –– mà Tiến Sĩ Nguyễn Minh Triết
hay nhà văn Lưu Nguyễn Từ Thức gọi là “Hủy Tạo” Hậu Kiến Trúc Luận
(1) – đang đốt
đuốc đi tìm trong đêm tối văn học thế giới từ mấy thập niên qua. Chữ
văn xuôi (prose) của Cung đáng nói, chữ thi ca (poésie) của Cung
càng đáng nói hơn.
Xin nêu một vài chữ trong bản văn viết về
pho sách của Thụy Khuê trước.
Trong bản
văn này CTT có nêu một câu Pháp văn mà nhà phê bình kiêm lý thuyết
gia phê bình văn học Pháp Roland Barthes (1918–1980) đã viết: “c’est
le frisson du sens que j’interroge en écoutant le bruissement du
langage,” mà Cung dịch ra Việt ngữ “qua nghe tiếng lao xao của cõi
chữ, tôi hỏi về cái dợn mình của nghĩa.”
Hai chữ khá khác thường trong câu dịch này
mà chúng tôi muốn nói đến là các chữ “lao xao” và “cõi”. Chữ trước
“lao xao”, hình dung từ kép, cũ, thường dùng, thuộc thể động, nói
lên cái chất của tiếng động nhẹ và đều đều như tiếng lá rung rinh
theo cơn gió thoảng, đã trở thành mới mẻ khi nói về cõi chữ. Chữ
sau, “cõi”. Cõi là danh từ nếu đứng riêng một mình ––thí dụ như
trong câu “một mình một cõi”–– nhưng khi dùng chung với một danh từ
khác muốn chỉ định thì nó trở thành trợ từ (article) thuộc thể tĩnh.
Tôi nói thể tĩnh vì “cõi” thường chỉ một vùng vô cùng rộng lớn nên
cái động trong ấy trở thành li ti như hạt cát trên sa mạc khi lặng
gió. Thực vậy, “cõi” thường đứng trước một danh từ nói về một trong
các vùng vĩ mô như cõi trời là thiên đường, cõi đất là trần gian,
cõi chết là địa ngục, hay cõi mộng là mông lung. Nhưng “cõi chữ” thì
thật là thần tình, chưa từng nghe thấy trong văn viết hay văn nói.
Sự tương phản của động và tĩnh như là sự giao thoa của âm dương làm
chất sống hữu thể hay vô mục trong vạn vật sinh sôi, nảy nở, vận
chuyển và hủy vong, lặp đi lặp lại, như thuyết luân hồi hay thuyết
hóa thân theo quan niệm triết học Đông phương của Thích, của Lão.
Động tính hóa chữ của Cung tài tình, sống động, bay bướm như thứ
langue vivante Pháp ngữ hay Anh ngữ hơn là langue morte Việt ngữ,
mặc dù tiếng mẹ đẻ của chúng ta đã vô cùng phong phú. Cung Trầm
Tưởng châm chữ vào phong phú chữ cho văn thêm phong phú như một đại
danh họa điểm màu lên tinh túy màu cho tranh thêm tinh túy. Barthes
viết các quyển sách lý thuyết văn học –Literary Theory– với lối dùng
từ hoa mỹ nhưng câu cú mực thước, nên không mang phong thái bay bướm
của một tay bút thuộc trường phái tự nhiên ––naturalisme–– như một
Emile Zola (1840–1902, nhà văn Pháp). Barthes muốn tô đẹp chữ cho
cõi chữ, nhưng đã để lộ chân tướng của một tay bút thuộc trường phái
hiện thực –réalisme– khi viết câu trên, vì đã đóng khung câu văn quá
chặt chẽ trong qui tắc văn phạm. Mở đầu, ông dùng pronom
démonstratif “ce… que” bó động từ “être” vào giữa mà văn phạm của
ngôn ngữ Pháp bắt buộc; “est” ––troisième personne du singulier,
temps Présent, mode Indicatif của động từ être–– phải nằm trong
khung của “ce que” trở thành “c’est... que”. Các đại danh từ ce qui,
ce que, ce dont, ce à quoi là lối viết rất duy luận mà các nhà văn
trường phái hiện thực thường dùng, giúp cho tứ văn rõ ràng hơn,
nhưng cũng làm câu văn thực hơn, nên nặng hơn. Chữ dùng của Barthes
bóng bảy, như “le bruissement du langage”, nhưng Barthes muốn nhấn
mạnh ý của mình nên mới dùng đến “c’est... que”. Và như vậy phải đảo
ngược câu văn mà thành ra mất tự nhiên. Hình như Cung nhìn thấy điều
này nên khi dịch đã bỏ hai đại danh từ chỉ định đó, nhờ vậy câu dịch
của CTT mang chất lênh đênh phiêu hốt như của một nhà văn thuộc
trường phái tự nhiên. Cung dùng chữ “qua” nghe nhẹ nhàng thanh
thoát, người đọc cảm thấy câu văn không bị gò bó theo lối dịch chắc
nịch, sát từng chữ, thí dụ như: “chính vì... nên...,” quá ư la đà.
Chữ thứ ba khá khác thường Cung Trầm Tưởng viết trong bản văn
NVGP & VĐNAQ của Thụy Khuê mà chúng tôi ghi nhận là chữ “quả”. Thông
thường ai cũng nghe người miền Bắc nói quả cam, quả quít, quả chanh
mà người miền Nam gọi là trái cam, trái quít, trái chanh. Quả là
trái. Quả hay trái lớn nhất là quả đất hay trái đất, ngôi nhà chung
của chúng ta. Những loại nhỏ hơn quả là hạt, như: hạt tiêu, hạt đậu,
hạt thóc hay hột tiêu, hột đậu, hột thóc. Tất cả các loại quả và hạt
đều hữu hình, trừ hạt nhân ––nhiều người viết hạch nhân–– phải nhờ
đến các nhà khoa học nguyên tử chỉ giùm cho. Xin nhớ hạt nhân chớ
không phải hột nhân. Cái khó và cái khôn của Việt ngữ nằm trong cách
dùng chữ. Trong bản văn này, Cung dùng chữ quả chỉ một loại quả
––không phải là trái–– không cân đo được, vô khối lượng, vô hình
dung, vậy mà đọc xong ai cũng hiểu nó đen hơn mực tàu, đỏ hơn máu
heo, cao hơn Hy Mã Lạp Sơn và rộng hơn Thái Bình Dương. Đó là “quả
lừa”. Quả lừa vĩ đại của Hồ Chí Minh. Quả lừa thì thật hết ý. Chữ
nghĩa như thế trong văn xuôi CTT dù chỉ trong bản văn không hơn mười
trang mà lắm lần tôi phải đọc đi đọc lại. Còn trong tập thơ CTT–MHTT
những chữ độc đáo giông giống như vậy quá nhiều. Chúng tôi chưa đọc
hết, đếm hết, chưa nói được. Chỉ có thể nói chữ của Cung thì khó,
chữ mới hoặc chữ cũ ý mới. Đọc thấy thâm thấm, như say men. Nếu đi
sâu vào “cõi chữ” thi ca của Cung, ta sẽ thấy “chữ” và “chất” thơ
của ông sẽ làm ta suy nghĩ chín chắn hơn khi nói ông là một nhà thơ
có phong thái viết của một tác giả học phái tự nhiên. Không dễ dàng
như vậy đâu. Muốn viết về thi ca CTT, phải đọc và nghiên cứu có
phương pháp chớ không thể nói lượt qua như trên. Thực ra, có thể
viết nhiều hơn về CTT, nếu dựa vào một, hai, hay ba, lý thuyết phê
bình văn học hiện đại ––Modern Literary Theory–– như Hình Thái Luận
hay Hình Thức Luận (Formalism), Hiện Tượng Luận gồm cả Giải Dịch
Luận và Thụ Cảm Luận (Phenomenology, Hermeneutics and Reception
Theory), Cấu Trúc Luận và Ký Hiệu Thức (Structuralism and
Semiotics), Hậu Cấu Trúc Luận dựa trên Phân Tạo Thức, hay phương
pháp tháo ra lắp lại Deconstruction (Post–Structuralism based on
Deconstructive Operations), Phân Tâm Luận (Psychoanalytic
Criticism), Mác Luận (Marxist Criticism), Hậu Hiện Đại Luận
(Post–Modernism), Tân Phê Bình Luận (New Criticism), Tân Sử Luận
(New Historicism), hoặc Văn hóa Thực Trạng Luận (Cultural
Materialism) và... còn nữa.
(2)
Nhân nói về các luận phái phê bình văn học, chúng tôi xin đề cập
thêm về Roland Barthes (1915–1980), một trong các lý thuyết gia và
là nhà phê bình văn học lừng lẫy mà chúng ta đã biết sơ qua ở trên,
về tính cách tương phản trong tư tưởng của Barthes. Nghiệm chứng cho
thấy Barthes là một trong hai học giả Pháp (ông kia là nhà Nhân
Chủng học Claude Lévi– Strauss) cha đẻ của lý thuyết phê bình Cấu
Trúc Luận sau đó lại trở thành một trong hai lý thuyết gia khai sáng
lý thuyết Hậu Cấu Trúc Luận vừa là nhà phê bình đã áp dụng phương
pháp Phân Tạo Thức để phê bình văn học, (vị thứ hai là triết gia
Jacques Derrida). Lý thuyết Hậu Cấu Trúc Luận là một phản thuyết
––an antithesis–– chống lại Cấu Trúc Luận quyết liệt. Hay nói cách
khác, các nhà hậu cấu trúc luận chống các nhà cấu trúc luận dữ dội
vì hai luận phái này có hai học thuyết tương phản nhau trên nhiều
mặt. Chỉ riêng về mặt ngôn ngữ ––“sign”–– hai luận thuyết trên như
lửa và nước.
Xin ghi lại nguyên văn một đoạn viết về sự khác biệt này trong
quyển “Beginning Theory” (Manchester University Press, 1995) của
Giáo sư Peter Barry, thuộc Đại học Wales, Aberystwyth:
“3. Attitude to language. Structuralists accept
that the world is constructed through language, in the sense that we
do not have access to reality other than through the linguistic
medium. All the same, it decides to live with that fact and continue
to use language to think and perceive with. After all, language is
an orderly system, not a chaotic one, so realising our dependence
upon it need not induce intellectual despair.
By contrast,
post–structuralism is much more fundamentalist in insisting upon the
consequences of the view that, in effect, reality itself is textual.
Post–structuralism develops what threaten to become terminal
anxieties about the possibility of achieving any knowledge through
language. The verbal sign, in its view, is constantly floating free
of the concept it is supposed to designate. Thus, the
post–structuralist’s way of speaking about language involves a
rather obsessive imagery based on liquids –signs float free of what
they designate, meanings are fluid, and subject to constant
‘slippage’ or ‘spillage’. This linguistic liquid, slopping about and
swilling over unpredictably, defies our attempts to carry
signification carefully from ‘giver’ to ‘receiver’ in the containers
we call words.”
(3)
Ở đây tôi xin miễn dịch hai nhận xét của Giáo sư Peter
Barry ghi trên về sự nghịch biện của hai luận phái phê bình
văn học Cấu Trúc Luận và Hậu Cấu Trúc Luận riêng trong
phạm trù ngôn ngữ, và đó là sự nghịch biện thứ ba trong
bốn nghịch biện chính giữa hai luận phái này. Dẫn trích
này mang đủ tính chất để giải thích chữ nghĩa của Roland
Barthes đồng thời cũng nói lên được tầm quan trọng về chữ
nghĩa trong văn và thơ của Cung Trầm Tưởng. Về Roland Barthes,
thoạt tiên, ông cũng như Claude Lévi–Strauss, đã áp dụng Ký
Hiệu Thức [Semiotics] của nhà ngôn ngữ học Thụy Sĩ Ferdinand
de Saussure (1857–1913) khai sáng–– coi ngôn ngữ [sign hay
language] đạt đến tuyệt đỉnh của nó như Giáo sư Peter Berry
ghi nhận “những nhà kiến trúc luận chấp nhận vũ trụ được
kiến tạo qua ngôn ngữ” như trích–đoạn ở trên [“structuralists
accept that the world is constructed through language...”] và đóng
khung nó vào mực thước trong phê bình văn và thơ của người
khác, cũng áp dụng nó ngay cả trong cách hành văn của
mình, mực thước, quy củ, vì “suy cho cùng ngôn ngữ là một
hệ thống trật tự, không phải là thứ hệ thống rối rắm”
[“after all, language is an orderly system, not a chaotic one....”
Sau đó ít lâu, chính Barthes đã chán ngán về những gì mà
ông đã khai phóng, nhất là khuôn mẫu trong “ngôn ngữ”, và
thấy nó, vào một thời điểm nào đó, đã không còn đúng
nữa, cần phá bỏ nó đi. Thực vậy, chính ông thấy “chữ” và
“nghĩa” [“signifier” and “signified”] mà môn lý thuyết phê bình
văn học coi là hai thành phần của “ngôn ngữ” được gọi là
“sign” hay “signs”, tức là những từ quy ước [conventional
words] đã mất dần nguyên tính mà trở thành “linguistic
liquid” ––ngôn ngữ chất lỏng–– “signs float free of what they
designate, meanings are fluid, and subject to constant ‘slippage’ or
‘spillage.’” Hai chữ sau được Giáo sư Peter Barry Pháp hóa nhưng
cũng không khó hiểu. Ngôn ngữ chất lỏng có nghĩa là nếu
rót vào chai vuông, chai tròn, ly, tách, chum, vại, lu, hũ,
cũng được; đổ xuống suối thành nước suối, đổ vào sông
thành nước sông, đổ ra biển thành nước biển, bốc lên trời
thành mây, thành mưa. “Nghĩa” [signified hay signifieds] của
ngôn ngữ [sign or signs] luôn thay đổi khi “chữ” [signifier or
signifiers] dùng trong các trường hợp khác nhau. Có nghĩa là
một “chữ” hay một nhóm chữ mang rất nhiều “nghĩa” khi tác
giả viết trong trường hợp này hay trong trường hợp khác. Độc
giả hiểu ngôn từ của tác phẩm theo cách riêng của mỗi
người. Chính Roland Barthes cũng cho rằng tính chất của sự
mượt mà hay lợn cợn của ngôn ngữ văn chương không còn nằm
trong cách dụng từ của người sử dụng nó ––hay tác giả––
mà ở trong tầm mắt của người đọc hay thính giác của người
nghe –độc giả hay thính giả. Barthes mang cá tính lưỡng lập,
hay một biaxe théoricien. Có lẽ ông đã trăn trở và tự đập
phá mình rồi tự lập lại. Lạ thay, tính lưỡng lập (biaxial
character hoặc binary opposition) này là đặc tính của Ký Hiệu
Thức [Semiotics] mà các nhà Cấu Trúc Luận và cả Hậu Cấu
Trúc Luận đều lấy làm căn bản cho luận thuyết dù có những
quan điểm khác nhau như đã trình bày ở trên. Một nhà văn hay
nhà thơ tân học ý thức rõ tầm quan trọng của ký hiệu thức
mà sử dụng ngôn từ sống động hơn tự đó đã làm cuộc cách
mạng văn học. Chúng tôi cho rằng Cung Trầm Tưởng là một
trong những nhà thơ của lớp trí thức mới này. Xin hiểu chữ
tân học không phài là chữ tôi muốn dùng để chỉ những nhà
văn thơ trong thế hệ tân học đem tư tưởng và học thuật từ
nước ngoài về và dùng quốc ngữ trong văn chương Việt Nam
trước năm 1945, nhất là các nhà khoa bảng xuất thân từ Pháp
và Âu Châu, mà để chỉ lớp văn thi sĩ hiện đại cảm nhận và
thấu triệt tư tưởng đại đồng của nền văn học thế giới đang
rộng mở. mở.
Chúng tôi nhân sự kiện tập thơ CTT–MHTT ra
mắt, nói về Cung và thời đại của ông, mà còn đề cập đến
một khả năng tất yếu mong đóng góp một ý kiến thật nhỏ
xây dựng nền văn học cho hiện tại và tương lai mà mọi người
Việt Nam đều muốn kiện toàn. Thử nghĩ, chỉ một câu văn của
Barthes như trên đã tạo được ảnh hưởng đặc biệt riêng cho
từng độc giả, như CTT và tôi chẳng hạn, hẳn là một áng văn
như Tội Lỗi và Hình Phạt –Crime and Châtiment– của một Fédor
Dostoievski (1822–1881, đại văn hào Nga), một kịch phẩm như
Hamlet hay Macbeth của một William Shakespeare (1564–1612, đại
thi hào & kịch tác gia Anh) đã gây ảnh hưởng tốt đẹp và
lớn lao cho nền văn học của một nước Nga hay một nước Anh
như thế nào. Tuy nhiên, dù các tác phẩm văn học có tuyệt
tác đến mấy mà không qua sự giới thiệu hay phê bình của
những nhà bình luận hay phê bình văn học thì độc giả không
nhiều và tiếng tăm không vang dội, ảnh hưởng văn học cũng
hạn chế. Vì vậy, ở các nước có nền học thuật tân tiến
––nhất là ở Âu Châu–– như Pháp, Nga, Đức, Anh, ngoài những
trường phái sáng tác văn chương của ba thế kỷ XVII, XVIII,
XIX, và đầu thế kỷ XX, trong năm thập niên sau của thế kỷ
này các học giả, triết gia, nhà văn, nhà giáo, nhà bình
luận văn học của các quốc gia này đã sáng lập những luận
phái phê bình với những hệ lý thuyết phê bình văn học mà
tôi đề cập một phần nhỏ ở trên ––dù mỗi luận phái có
những quan điểm và phương pháp riêng về phê bình trong lý
thuyết–nhìn chung, đã đóng góp lớn lao cho sự phát triển
học thuật từ văn chương, hội họa, triết lý, đến kiến trúc,
kể cả nghệ thuật tạo hình dạng lẫn tri thức cho một xã
hội lớn mạnh về vật chất lẫn tâm linh, nên hiện nay dường
như trong các xã hội đó khoa học và tôn giáo đã phải
nhường bước văn học. Trong năm thập niên đó, nếp sống trí
não và tâm thức trỗi dậy mạnh mẽ hơn trong lớp người bình
dân và trung lưu, phụ nữ, da màu và thuộc địa nhất là vùng
Châu Mỹ. Từ trong nhà ra mọi ngõ, sách vở, báo chí, tập
san, tập thơ, các quyển tiểu thuyết theo với độc giả trung
lưu và bình dân trên máy bay, tàu thủy, tàu hỏa, xe điện, xe
bus; trong lều, bạt của các nhà thám hiểm; trong hành lý
hay sách tay của những nhà du lịch. Đó là điều các nhà tân
luận về các lý thuyết phê bình văn học hầu hết các luận
phái đều quan tâm. Riêng về văn học, như đã nói, tác phẩm
tự nó không có nghĩa gì cả nếu không có độc giả. Nhà phê
bình là một độc giả đặc biệt hơn vì có phương pháp đọc
và phương pháp nghiên cứu, phân tích và lối viết khoa học
theo lý thuyết các luận phái tân học thì mới giúp được cho
các độc giả không chuyên nhìn thấy hết vẻ đẹp của văn bản
(text) hay tác phẩm (work) kể cả chữ (hay ký hiệu diễn đạt
––signifier) và chất (nghĩa ––signified–– hay nội dung) hàm
chứa sự phát triển thầm lặng của tri thức nhân loại ––the
silent working of the mind in the development of secular humanism––
từ đó hình thành một xã hội lý tưởng hơn, cũng từ đó
tìm ra chân lý của kiếp sống con người trong mỗi thời đại
và vĩnh cửu như một Đức Phật, một Khổng Tử, một Lão
Trang, một Voltaire hay một Jean Paul Sartre đã nhìn thấy. Từ
đó chúng ta không bỡ ngỡ về các danh từ như thuyết bản thể
(essentialism) và thuyết hiện sinh (existentialism).
Roland Barthes là một điển hình mà các vị học giả, các
nhà sáng tạo nghệ thuật, các nhà lý luận và phê bình văn
học, văn gia, thi sĩ Việt Nam không thể bỏ qua. Ông bắt đầu
viết về lý thuyết Cấu Trúc Luận từ thập niên 1950 và hai
thập niên kế tiếp 1960, 1970 như: “Mythologies” (1957), “On
Racine” (1963), “Elements of Semiology” (1964) và “Système de la
Mode” (1967). Với tác phẩm sau ông cũng đã trở thành người
phê bình phân tích tính trang trọng của hệ thống sáng tạo
thời trang và nghệ thuật vũ thoát y. Nhưng tác phẩm chính
về luận thuyết cấu trúc luận là quyển “Introduction to the
Structural Analysis of Narrative” (1966). Quan trọng hơn có thể
là quyển “Michelet Par Lui–même”; trong quyển này Barthes dùng
lý luận hiện tượng (Phenomenology) vào phê bình. Khi phê bình
Racine ông đã dùng cả phân tâm học (Psychoanalysis) của Freud.
Năm 1968 Barthes xuất bản “The Death of the Author” bắt đầu
bước chuyển quan trọng từ Structuralism sang Post–Structuralism.
Sau đó, khi phê bình tác phẩm “Sarrassin của Balzac” (Honoré
de Balzac, 1799–1850, đại văn hào Pháp, tác giả quyển tiểu
thuyết tả chân nổi tiếng “Comédie Humaine”) Barthes đã dùng
cả phân tạo thức ––deconstruction–– như Jacques Derrida. Barthes
tách tác phẩm 30 trang nói trên của Balzac thành 561 tiểu
luận đề (lexis) và viết bài phê bình S/Z dài trên hai trăm
trang năm 1970.
(4)
Năm 1973, khi xuất bản quyển “The Pleasure of the Text”, ông đã
hoàn toàn chuyển hướng. Quyển sách này và bài phê bình
Sarrassin của Balzac biến Roland Barthes thành người cha đẻ
của thuyết Hậu Cấu Trúc Luận –Post–Structuralism.
Nhưng
người cha đẻ thứ hai của Post–Structuralism Jacques Derrida,
cũng là người Pháp, có thể nổi tiếng hơn Barthes. Năm 1966,
Giáo sư Triết gia Jacques Derrida trong bài giảng luận
“Structure, Sign and Play” có ít nhiều xa gần với quan điểm
triết học của Nietzsche, Heidegger và Phân Tâm luận của Freud
đã đả phá “thứ” được gọi là “chuẩn đích” hay “trung tâm”
của mọi vật –the norm or centre of all things– thí dụ như thời
Phục Hưng cho rằng con người là chuẩn để so sánh mọi tạo
vật khác trong vũ trụ, nói cách khác con người là trung tâm
của vũ trụ; lối quy nạp quan trọng hóa người da trắng “white
Western” phương Tây là biểu trưng của trang phục, tư cách,
kiến trúc và tri thức và nhiều thứ khác nữa như chuẩn mực
từ đó người ta nhận ra sự sai trái, biến dạng hay dị biệt
của một ai đó không theo chuẩn mực quy nạp của nền văn minh
đó. Nhưng rồi theo thời gian, đến thế kỷ XX, người ta đã
nhận ra lớp dưới của màu mỡ, sự thực bị bóc trần, và bộ
mặt khác đã hiện rõ trong xã hội đó, với nhiều sư kiện đi
ngược với sự tiến hóa của nhân loại, với một sự kiện vô
tiền tuyệt hậu “Holocaust” đã hủy diệt tiếng tăm một Âu Châu
văn minh.
Jacques Derrida (1930–) cho rằng lịch sử chuyển
dịch, khoa học phát hiện con người sống trong thời gian và
không gian không phân định như trong một vũ trụ của một tương
đối chuyển dần mà không nơi nào là chuẩn định của vũ trụ
––a notion of relativity destroyed the ideas of time and space as
fixed and central absolutes–[quan điểm này có thể Derrida bị
ảnh hưởng bởi thuyết tương đối về thời gian của Albert
Einstein (1879–1955) từng làm thay đổi thuyết hấp dẫn vạn
vật của Issac Newton (1642–1727)], và cuối cùng là sự cách
mạng tri thức và nghệ thuật phá vỡ cái hòa âm du dương của
âm nhạc, cái quy củ từ chương của văn chương và những thứ
mà người ta gọi là sự tiêu biểu trên mặt nổi của nghệ
thuật. Tóm lại trong vũ trụ này không có những điểm chuẩn
cố định –“In the resulting universe are no absolutes or fixed
points, so that the universe we live in is ‘decentred’ or inherently
relativistic.” Một lần nữa ta thấy ở đây một chữ đảo ngược
Pháp bị Anh hóa “decentred”, được hiểu là dẹp bỏ “quan niệm
về trung ương”
(5)
Nó vừa mang nghĩa decentralize của Anh ngữ lại vừa mang
nghĩa décentrer của vật lý học và décentraliser của chính
trị học theo Pháp ngữ.
Nhận định trên đây của Jacques
Derrida là quan điểm triết học phá vỡ mọi quan niệm về một
“trung tâm” trong tư tưởng con người tạo ảnh hưởng sâu rộng
trên nhiều mặt, trừu tượng, siêu hình, lẫn hiện thực trong
xã hội loài người kể cả tín ngưỡng, chính trị, nghệ
thuật và văn học. Chúng tôi chỉ xin đề cập sơ qua một vài
phạm trù. Về chính trị đó là quan điểm phá vỡ trung ương
tập quyền không bằng cách mạng bạo lực như của chủ thuyết
hung bạo Marxism–Leninism đập phá một chính quyền và tạo nên
một chính quyền độc tài toàn trị hơn. Quan điểm của Derrida
phá vỡ trung tâm “hệ” là lý thuyết cách mạng đẩy mạnh
tiến trình dân chủ và dân quyền lên mức độ cao nhất cho đến
nay. Còn về văn học đó là một cuộc cách mạng mang tính
năng của một “hành trình chuyển hóa ngôn từ văn học” không
còn bị gò bó vào một nghĩa, một ý chơn phương, mà từ một
chật hẹp, cách điệu đến những biến nghĩa, biến thái, có
thể khó hiểu gút mắc hơn và cũng có thể rộng mở hơn mà
giới văn học nhìn thấy trong thi ca nhiều hơn so với các thể
văn khác. Những giải trình cách mạng văn học đó của Derrida
chỉ chúng tôi nhìn thấy rõ hơn chữ nghĩa thi ca Cung Trầm
Tưởng trong “Một Hành Trình Thơ”.
Tôi tự hỏi,
chỉ Một Hành Trình Thơ thôi ư?
Không, không chỉ
là một hành trình của định mệnh mà tác giả bị bó chặt
vào với sự vận chuyển của lịch sử, không tự giải thoát
được sự ràng buộc thân thể mình trong một xã hội đảo lộn
với những hành trình tiếp nối và bất định của tự thân.
Nếu có thể nói rõ hơn thì dù bước bước đi vào vô định,
dù thì thầm, lao xao, dù an định hay chấn động “phiếm
định”, Cung đã bỏ lại tất cả mọi thứ về vật chất mà mang
theo trên hành trình trong hai túi hành lý tim và óc chỉ có
hai thứ: tình yêu và thơ. Cung đã đi, đi qua những quãng hành
trình không dễ quên trong đời. Không chỉ một mà đến bốn.
“Với thơ thới của đời lên sung thiệm,
Nắng phố
phường trải lụa nõn hồng tơ,
Em thanh tâm tan lễ sớm nhà
thờ,
Ngay quán hẹn gót thon dài thoắt bước.”
Cung Trầm Tưởng tên thực Cung Thức Cần, người cùng tuổi,
cùng thời, với Nguyên Sa Trần Bích Lan. Hai nhà thơ trí thức
này đều được đào tạo ở Pháp, chịu ảnh hưởng đậm đà văn
hóa Pháp –nhất là nền văn học của các trường phái lãng
mạn và siêu thực của văn học Pháp, nhưng không thấy một thể
hiện nào của thuyết hiện sinh trong những vần thơ tình yêu
tuyệt tác của mình và cũng không thấy dấu vết gì của thơ
Pháp trong hình thức sáng tác của các nhà thơ này, chỉ trừ
chất trữ tình và lãng mạn. Cả hai đều là những nhà thơ
có tầm vóc lớn ngay khi trở về thủ đô Nam Việt Nam. Riêng,
tôi đọc thơ Cung Trầm Tưởng trước thơ Nguyên Sa. Bốn câu thơ
trên trong bài thơ “Về Một Thành Phố Thân Yêu” là lúc nhà
thơ này đã đặt chân trên đất Sài Gòn rồi, mà tôi chỉ mới
đọc gần đây. Trước đó, nhiều bài thơ của Cung, không biết
từ đâu mà từ lúc nào đã nằm sâu trong trí nhớ của tôi,
trước khi Pham Duy phổ thành nhạc và Cung đổi một số chữ,
như các bài Mùa Thu Paris, Michèle Bài Ru Nghìn Lành, Chưa
Bao Giờ Buồn Thế, Khoác Kín, Kiếp Sau, Và Kiếp Sau Nữa ––hay
hai bài thơ Bù Em”. Tuy nhiên bài thơ tiêu biểu được nhiều
người yêu thơ thích và nhớ nhất là bài “Chưa Bao Giờ Buồn
Thế”. Xin ghi lại bài thơ này với bản ngày xưa tôi nhớ và
bản mới có sửa chữa trong tập thơ MHTT để biết rằng gần
nửa thế kỷ sau khi làm những bài thơ này, Cung vẫn ray rứt
và gọt giũa lại thi ngữ của ông:
CHƯA BAO GIỜ
BUỒN THẾ
BẢN CŨ
Lên
xe tiễn em điem đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly.
Tiễn em về
xứ mẹ,
Anh nói bằng tiếng hôn
Không còn gì lâu hơn
Một trăm ngày xa cách.
Ga Lyon đèn vàng,
Tuyết rơi
buồn mênh mang,
Cầm tay em muốn khóc,
Nói chi cũng muộn
màng.
Hôn nhau phút này rồi chia tay tức khắc.
Khóc
đi em, khóc đi em
Để luồn qua mái tóc
Những vì sao
rụng ướt vai mềm.
Khóc đi em, khóc đi em,
Hỡi người
yêu Xóm Học
Để sương thấm bờ đêm
Đường anh đi tràn
ngập lệ buồn em.
Ôi! đêm nay
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly.
Tàu em đi
tuyết phủ,
Toa em lạnh gió đầy,
Làm sao em không rét
Cho ấm mộng đêm nay,
Và mơ ngon trên khắp nẻo đường rầy.
Trời em đi có sao?
Mình anh đêm ở lại,
Trời mùa
đông Paris
Không bao giờ có sao,
Trời mùa đông Paris
Chưa bao giờ buồn thế!
BẢN MỚI
Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn
thế
Trời mùa đông Paris
Sướt mướt làm chia ly.
Tiễn
em về xứ mẹ,
Anh nói bằng tiếng hôn
Không còn gì lâu
hơn
Một trăm ngày xa cách.
Ga Lyon đèn vàng,
Tuyết rơi cuồng mênh mang,
Cầm tay em muốn khóc,
Nói chi
cũng muộn màng.
Hôn nhau phút này rồi chia tay tức
khắc.
Khóc đi em, khóc đi em
Để luồn qua tóc rối
Những vì sao rụng ướt vai mềm.
Khóc đi em, khóc đi em,
Hỡi người yêu Xóm Học
Để sương thấm bờ đêm
Đường anh
đi ngùi ngậm lệ nồng em.
Ô! đêm nay
Chưa bao giờ
buồn thế
Trời mùa đông Paris
Rét cắt nghìn phân ly.
Tàu em đi tuyết phủ,
Toa em lạ lẫm đầy,
Làm sao em
yên thấm
Cho ấm mộng đêm nay
Và xuôi ngon trên trống
trải đường dài.
Trời em đi có sao?
Mình anh đêm ở
lại
Trời mùa đông Paris
Đêm thường hiếm hoi sao,
Trời
mùa đông sinh ly
Chưa bao giờ buồn thế!
Bài thơ trên
đây, CTT sáng tác năm 1954 và các bài thơ khác làm trong mấy
năm sau đó là thời kỳ Cung còn là du sinh quân sự ngành kỹ
sư khí tượng ở quân trường Salon, Pháp ––nơi mà chúng tôi
thuở đó hằng mơ ước được vào học. Cung thường lên xuống
Paris với ánh đèn vàng trên sân ga Lyon và con tàu xuyên vùng
tuyết trắng mênh mang của những đêm mùa đông trong cảnh ngậm
ngùi của những lần em tiễn anh hay anh tiễn em, như trên. Một
lần ghi thành thơ sau nhiều lần đưa tiễn đã trở thành dấu
ấn trữ tình thiên thu trong thi ca lãng mạn của CTT. Các nhà
thơ vốn dĩ thuộc nòi tình. Tình yêu và những giấc mơ. Thơ
Cung trong những hành trình ngắn vào ra kinh đô ánh sáng này
đẹp vô cùng. Nói cách nào đi nữa hay thay đổi chữ thế nào
đi nữa thì thơ của Cung Trầm Tưởng ở giai đoạn khởi đầu
“làm thơ” của ông đã đi vào tim và óc của chúng tôi, thế
hệ vừa rời khỏi băng nhà trường ở sáu thập niên trước, và
của những thế hệ trẻ hơn, các học sinh ở các năm cuối
trung học và sinh viên đại học. Chúng tôi mê thơ tình lãng
mạn của Cung và mê thơ tình lãng mạn của Nguyên Sa vài năm
sau đó đến tận những ngày nay. Tuy nhiên nếu phải làm cái
việc bình thơ của hai bậc thi hào này, thì có lẽ viết về
Nguyên Sa sẽ dễ hơn bội phần so với viết về Cung Trầm
Tưởng.
Nguyên Sa tốt nghiệp Cử nhân Văn Chương & Triết
học ở Đại học nổi tiếng Sorbonne, Pháp, trở về Sài Gòn
thủ đô miền Nam ở độ tuổi thanh niên, tuy đã lập gia đình,
mà đã dạy triết ở các lớp lớn trung học và đại học làm
thầy các cô các cậu mười tám, đôi mươi, chỉ trẻ hơn ông
không là mấy, nên không dễ gì mà không tương tư một trò–em
nào đó với tấm áo lụa Hà Đông ––tất nhiên là màu trắng––
đi dưới nắng Sài Gòn và với mái tóc ngắn đẹp ngồi ở
chiếc băng nào đó của một lớp học triết nào đó rất ư là
dễ yêu, nên “thầy” cầm lòng không đậu đã từng viết bài thơ
muốn quên cũng không dễ:
ÁO LỤA HÀ ĐÔNG
Nắng
Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà
Đông,
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn
còn nguyên lụa trắng.
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc
ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh,
Linh hồn anh
vội vã vẽ chân dung
Bay vội vã vào trong hồn mở cửa.
Gặp một bữa, anh đã mừng một bữa,
Gặp hai hôm thành
nhị hỷ của tâm hồn.
Thơ học trò anh chất lại thành non
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu.
Em không nói đã
nghe từng giai điệu,
Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh,
Anh trông lên bằng đôi mắt chung tình
Với tay trắng, em vào
thơ diễm tuyệt.
Sau đó thì em đi, vì em có cuộc đời
riêng của em mà thầy không biết, nên em đi không từ giã, và
đi đâu thầy cũng chẳng biết; từ đó thầy không còn gặp nữa
thầy nhớ, thầy than:
Em chợt đến, chợt đi, anh cũng
biết
Trời chợt mưa, chợt nắng, chẳng gì đâu.
Nhưng sao
đi mà chẳng bảo gì nhau
Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng
lại.
Để anh giận, mắt anh nhìn vụng dại
Giận thơ
anh đã nói chẳng nên lời,
Em đi rồi sám hối chạy trên môi
Những năm tháng trên vai gầy bỗng nặng.
Em ở đâu hỡi
mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông,
Anh
vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa
trắng.
Không biết em có giữ hộ thầy bài thơ này hay
không, nhưng chắc chắn là có hàng nghìn em khác giữ hộ cho
thầy, và hàng vạn vạn độc giả mê thơ giữ bài thơ này và
hàng nhiều chục bài thơ đẹp khác của Nguyên Sa. Cuộc sống
của thi sĩ đẹp quá vì ông có một vùng trời nắng đẹp mà
làm thơ, một gia đình đẹp với hai ngôi trường vợ chồng ông
mở ra dạy học trò, yên lành êm ả, chỉ gợn những cơn buồn
thoáng chốc mà khi vào thơ nó trở thành đẹp hơn tất cả
những gì ông đã có. Nhà thơ không bận tâm nhiều với cuộc
sống vật chất nhất là ở giữa lòng thủ đô miền Nam. Ở đó,
ông nhìn thấy rất ít về sự tàn phá của chiến tranh ngoài
đời thực và trong tâm hồn ông, nên thơ ông tôi cũng đọc khá
nhiều mà không thấy đến một câu nói về cuộc chiến tang
điền thương hải của đất nước. Nguyên Sa sống thoải mãi như
một nhà mô phạm, một nhà thơ và một triết gia dạy triết
tây trong khi mang tâm hồn của Trang Chu “à quoi bon de lutter
ainsi pour vivre”. Mãi đến sau này người ta mới đọc được một
ít bài thơ về cuộc chiến đó, Nguyên Sa viết lúc trước được
sưu tập lại in ở hải ngoại, và người yêu thơ không muốn nhớ
vì cho rằng tác giả có thể đã để nàng thơ lạc lối cũ
trong bối cảnh không ít người phất cờ theo hướng gió mới.
Đó là khi miền Nam sắp và mới sụp đổ. Sau ngày đó, khi
định cư ở Hoa Kỳ, chắc là ông đã cảm thấy cuộc đời không
nuông chiều ông nữa như khi còn ở quê nhà ––đúng hơn là khi
ông sống ở Sài Gòn. Nhà thơ thực sự mất môi trường sáng
tác, đã trở thành một chủ báo, viết báo và viết văn, vật
vã trong cuộc sống mới cho đến cuối đời. Hoa Kỳ không là
môi trường thích nghi của Nguyên Sa, không là Paris. Trong hoàn
cảnh bất như ý, ông cũng làm thơ, như “Lục Bát Nguyên Sa” và
những bài thơ cuối đời, nhưng đã không gây được tiếng vọng
vang xa như những bài thơ cũ của ngày cũ. Chữ thơ không còn
là mê ngữ mang mang nên người yêu thơ không còn đọc những bài
thơ trữ tình tuyệt vời của ông nữa.
Nguyên Sa là một
đồng điệu của Cung Trầm Tưởng trong quãng thời gian trước
và là một cách điệu rất xa ở quãng thời gian sau, sau sự
sụp đổ của miền Nam Việt Nam. Sau ngày đó Cung Trầm Tưởng
cũng đã nhận chịu gian khổ của một vận mệnh sống–chết
chỉ là một đường tơ sợi tóc mong manh như hàng trăm nghìn
nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị, các bậc trí thức,
nhà thơ, nhà văn, nhà báo, sĩ quan và giới hành chánh cao
cấp miền Nam. Dĩ nhiên là cơ cực, thống khổ gấp nhiều lần
hơn so với những vị, những người đã phải bỏ mà đi sống ở
quê người. Đất chết là môi trường sống của những cuộc cách
mạng lớn trong tư tưởng con người, nhất là những con người
có tâm hồn, những nhà thơ, nhà văn. Và cách mạng tư tưởng
của một nhà thơ là cách mạng ngôn ngữ thi ca. Cung Trầm
Tưởng gọi là “ngữ sự”. Thi cảm cũng thay đổi lớn lao. Ông
hoàn toàn trở thành nhà thơ siêu thực.
CTT không hề
nhận là mình làm cách mạng chữ và chất của thi ca. Nhưng
khi trả lời một cuộc phỏng vấn ông đã phát biểu: “Tôi tự
cảm thấy không thể cứ tiếp tục giam hẹp thơ mình vào trong
khuôn hạn của một cái tôi lãng mạn thuở trước với những
biểu tượng nào là căn gác trọ vắt lưng trời ở Xóm Học
Paris, nào là chiếc ghế đá vườn Lục Xâm, nào là công
trường lá đổ trước một quán nhỏ hẹn hò trên tả ngạn sông
Seine, hay một sân ga đèn vàng một chiểu đông tiễn em về xứ
mẹ. Những dấu ấn này dù có đậm đà đến đâu chăng nữa thì
cũng đã sống xong đời sống hữu dụng của chúng rồi. Cõi
thơ của tôi bây giờ mở về những chân trời bát ngát hơn của
đất nước, vũ trụ và lịch sử.
(6)
Thực ra Cung vẫn còn mãi
trằn trọc về những sáng tác đầu tay của ông như bài thơ
dẫn trình ở trên. Cung vẫn còn muốn chỉnh thi ngôn cho đến
độ chín hung vàng, vì suy cho cùng, vốn dĩ cái nghiệp dĩ
thi ca của ông nặng oằn những con chữ nên tôi tin chắc là
không một bài thơ nào thuộc tình ca của ông “đã sống xong
đời sống hữu dụng của chúng.” Nhưng một điều chúng tôi dám
tin là Cung đã thực sự thay đổi lớn lao về thơ trên hành
trình của mình vượt qua khung trời đất mẹ vào vũ trụ. Trên
đây chúng tôi chỉ nêu một vài thí dụ về tiến trình biến
chuyển thi ngữ của Cung mong nói lên rằng thơ là hành trang
bất ly thân của những hành trình lớn trong cuộc đời Cung,
nên Cung đã tập trung tất cả các tập thơ của mình vào chung
một tập thơ dầy và đặt cho nó cái tên “Một Hành Trình
Thơ”.
Trên hành trình dài dẵng này, hành trang
chính của Cung mang theo nằm trong túi tim đã được chuyển
dần lên túi não xuyên qua dòng thời gian từ khi ở Pháp về
cho đến khi ông bị vào tù trong luyện–hỏa–ngục mười năm và
sau đó biệt xứ lưu vong cho đến nay. Tất nhiên CTT đã động
não trong sáng tạo thi ngữ để chuyển tải chất thơ khác hơn
tất cả mọi thi nhân cùng thời đại mà lý luận phê bình văn
học ngày nay gọi bằng những từ rất khó hiểu như mythemes,
morphemes hay phonemes ––một phức hợp ngữ hay một đặc phẩm,
một nhóm ngữ vựng hay một khổ thơ có nhiều từ phong phú,
một biệt ngữ hay một cách ngữ–– không một thi nhân nào khác
đã sử dụng cho đến hôm nay. Và như vậy cuộc cách mạng ngôn
ngữ thơ của Cung Trầm Tưởng cũng là cuộc cách mạng của sự
trưởng thành từ một thanh niên yêu đời, yêu cuộc sống, đến
sự nghi hoặc và chán chường về thế kỷ mình đang sống và
hơn nữa đã chiến đấu vượt thoát để đi vào vĩnh hằng.
Quãng hành trình thứ nhất là một Cung–Thơ lãng mạn.
Quãng hành trình thứ hai là một Cung–Thơ dấn thân đầy nghi
hoặc mặc dù đã tận tụy cung hiến như một chiến sĩ. Quãng
hành trình thứ ba là một Cung–Thơ của người tù vong thân đã
can đảm vượt lên như một đấu sĩ, và vững vàng chiến thắng
––ít nhất là chính mình–– như một triết nhân. Hành trình
sau đó là một hành trình Cung–Thơ phục sinh. Nếu hiểu
Cung... là cung đường cũng không sai. Xuyên suốt, trên tất cả
và cao hơn tất cả, Cung–Thơ là một nhà thơ nhập cuộc ở giai
đoạn lịch sử mà Cung Trầm Tưởng gọi là thế kỷ hung man.
Nói rõ ràng hơn là thế kỷ hung bạo và man rợ dưới sự thao
túng hủy diệt của những kẻ vô thần và vô sản đã dùng bạo
lực gạch một vết hằn to tát và sâu đậm trên đất sống của
loài người từ Âu sang Á, trong đó có mảnh đất Việt Nam
thương yêu của chúng ta. Trong thế kỷ đó, Cung đã sống trong
mộng, chiến đấu với thực tế, để được trở về với mộng.
Thơ Cung nói lên hoàn toàn về thứ định mệnh tự thân vùng
dậy và vượt lên, vượt lên mãi. Nói như thế có lẽ đúng hơn
khi nói về Cung. Và đó là cách mạng của thi ca không riêng
của Cung mà của văn học Việt Nam.
Những tháng năm đầu
từ Pháp trở về miền Nam, Cung Trầm Tưởng vẫn tiếp tục làm
thơ lãng mạn. Hình như mãi đến mấy năm sau từ năm 1958 trở
đi, nhất là sau dòng thời gian binh biến dồn dập từ năm
cuối năm 1961, 1963 và cho đến 1968 khi CSVN tấn công vào Sài
Gòn và toàn miền Nam, chúng tôi chỉ mới nhận thấy ít
nhiều thay đổi trong tứ thơ của ông. Ông bắt đầu ray rứt và
nghi ngờ về một cuộc chiến mà ông gọi chung cả hai miền Nam
Bắc là “đánh thuê”. Một phần của nguyên lý có lẽ là Cung
đã nhìn thấy rõ ý đồ của Bắc Kinh trong ván bài Đông
Dương: sử dụng lực lượng CSVN của Hồ Chí Minh chẳng những
đã nhuộm đỏ Hà Nội rồi mà còn muốn nhuộm đỏ cả Vạn
Tượng, Nam Vang và Sài Gòn; mặt khác, lại nhìn thấy
Washington bày bàn cờ “Tướng” to lớn ––loại cờ người–– ở
miền Nam, đánh nhau chí choé, mà hầu hết trí thức miền Nam
nhìn thấy đã thở... dài, nào riêng gì một CTT:
Khoé
mắt nhìn để mong,
Hàng mi buông để khóc
Khi thấy mỗi
chúng ta đang đánh mướn
Trận chiến phá quê hương, giết
tình người.
Và:
Cứu rỗi hồn làm chi!
Từ khi
sầu trần đọa
Đã nhiễm trùng hoài nghi.
Trời dông
la: Cấm cửa!
Thắp nến niệm tâm kinh
Sao thấy mình lạc
tiếng.
Thì ra tôi mới biết
Sau lú lẫn tin dâng
Hư
vô lùa bóng tối
Vào xoá lối thiên đường.
Vì vậy,
dù là một quân nhân của miền Nam, trong thời kỳ năm bảy năm
đó CTT đã mang tâm sự một chiến sĩ đánh nhau với CSVN như
bị sức hút của chiến trường cuốn vào ––như một loại kim
khí bị sức hút không thể cưỡng được của nam châm–– nói như
người Pháp nói: mỗi chiến sĩ vào chiến địa là “tuer ou
être tué”: Cung gọi là “bản năng dung nham”. Vì vậy, với tấm
lòng đầy nhân ái của một thi nhân, lúc đó Cung đã viết về
những chiến sĩ đối tuyến bằng những dòng thơ rộng lượng:
Bên chiến hào đối mặt
Hẳn cũng như tôi
Đang say mùi
thuốc súng,
Mùi mê yên mị dược
Đánh thuốc lú hồn ta
Đang vô thức miên du
Trước khổ đau đồng loại.
Và:
Tôi muốn ngã xuống trên một lằn ranh màu trắng
Không
vướng víu hận thù
Người lính ấy miên du
Bên chiến hào
tử địa.
Dĩ nhiên, Cung Trầm Tưởng ––cũng như những
người ý thức miền Nam thuở ấy–– đã không thể rộng lượng
được với những tên đầu sỏ:
Lấy thịt đồng bào làm
mồi cho súng ngoại,
Bởi cuộc chiến các người gây ra
Là vô luân và phi lý.
Trong những năm tháng ấy, dù
không ngắn ngủi, Cung thi nhân cảm thấy cô đơn với những nỗi
buồn thầm lặng, không lãng mạn, chỉ nhen nhúm lửa hóa–luyện
thi ngữ, chưa thay đổi lớn, lửa chưa lên sắc xanh nên khí
huyết thơ chưa lên màu mận, chưa trở thành “một vừng vu sử
thơm an nhiên” tuy vẫn làm người yêu thơ thấm như nhấp chất
men. Xin dẫn dụ mấy bài thơ cô đơn buồn mưa Sài Gòn:
1. ĐÊM NẰM NGHE MƯA MÁI PHỐ
BẢN CŨ
Nằm
trông ra cửa sổ,
Mái dồn nhạc đêm mưa,
Buồn hoang ngoài
phố lạnh
Vào lay cửa lòng hờ.
Nằm trông ra nước
mắt
Trời gần. Vắng tha ma.
Trăm năm gầy cổ thụ
Khom
lưng mỏi kiếp già.
Nằm trông ra đơn chiếc
Đèn vàng
màu ký ninh,
Gió khuya về lay lắt,
Ốm sao mà rùng
mình.
Mưa đêm ý nhạc dồn...
Nghĩ đời rồi thiu thiu
Nghe ra bước cô liêu
Đi trong sa mạc hồn.
BẢN MỚI
Nằm trông ra
cửa sổ,
Mái dồn nhịp đêm mưa,
Buồn hoang ngoài phố
lạnh
Vào lay cửa lòng hờ.
Nằm trông ra nước mắt
Trời gần. Vắng tha ma.
Trăm năm gầy cổ thụ
Khom lưng
mỏi kiếp già.
Nằm trông ra đơn chiếc
Đèn vàng màu
ký ninh,
Gió khuya về lay lắt,
Ốm sao mà rùng mình.
Mưa gieo vó ngựa chồn...
Nghĩ đời rồi thiu thiu
Nghe
như cỗ xe xiêu
Lăn trong nghĩa địa hồn.
Bài thơ trên Cung
Trầm Tưởng viết năm 1958. Bài lục bát dưới đây Cung viết năm
1965 về một góc nghĩa trang ở buổi chiều trời úp trần mây
đổ cơn mưa trên một thân me già rũ lá, một thân xe thổ mộ bỏ
hoang xác rã, một cánh dơi ghê lạnh vụt qua, những ngôi mộ
tử sĩ chìm lút trong lãng quên hay chăng chỉ còn trong mối
sầu âm dương cách biệt của những cô phụ khăn sô ngày nay mang
hình ảnh hóa đá của thời gian. Những hình ảnh buồn cảnh
buồn người ở một góc tĩnh của thế kỷ chiến tranh với
những lời thơ đẹp lạ lùng:
2. ĐẤT NGHĨA MỘT CHIỀU
MƯA
Ngồi trông rũ tóc mưa rơi
Me côi một gốc nói
lời cổ sơ.
Bãi nhăn nhàu vết lăn xưa
Một xe thổ mộ
giờ trơ gỗ gầy.
Ngồi trông úp xuống trần mây,
Cỏ xanh
bia mộ đã dầy ngút quên.
Chiều nhòa vào xứ không tên,
Thời gian hóa đá chồng lên tuổi đời.
Ngồi trông vút bóng
chim dơi
Mà ghê lạnh cả đất trời thâm sâu.
Sương khăn sô,
tấm phủ đầu
Che hồn ẩm mốc mối sầu âm dương.
Đó
là cung đường thứ hai của Cung Trầm Tưởng. Trên cung đường
này, chúng tôi nhận thấy Cung làm mới mẻ lục bát của những
trăm năm trước từ Thiên Nam Ngữ Lục thế kỷ XVII đến Đoạn
Trường Tân Thanh thế kỷ XIX. Một thuộc sử thi, một thuộc
bình dân lẫn bác học. Lục bát của CTT hoàn toàn lạ lẫm
với những thi ngữ cũ nghĩa mới hay những thi ngữ mới mang
những nỗi buồn miên man. Cung đăng thơ trên tạp chí Sáng Tạo
và nhiều tạp chí văn học khác ở Sài Gòn.
Lúc đó,
Cung biết mình đang dấn thân, thực sự dấn thân từ năm ba mươi
tuổi, tức là vào khoảng năm 1962:
Tuổi ba mươi phiến
đá chồng lệch vai.
Nửa đeo thơ, nửa thồ đời...
Và
Rồi thấy mình không ngoại cuộc
Đời reo lên như một
giác đấu trường.
Thơ là đời. Rõ lắm. Thơ theo Cung
vào cõi chết sau ngày 30 tháng 4, năm 1975. Thơ và ý chí
vượt lên của CTT trên cung ̣đường vào cõi chết này ––cung
đường thứ ba của Cung–Thơ quyết định vận mệnh của Cung––
không còn là giấc mơ hay sự mập mờ miên du nữa mà rất hiển
nhiên, rất thực, Cung đã trở thành một đấu sĩ của một
giác đấu trường tận cùng gay go. Chàng thanh niên lãng mạn
thuở tây du và anh chiến sĩ dung nham đầy lòng hoài nghi
thực sự bừng tỉnh khi bị rơi vào tận cùng của luyện ngục
đỏ. Nhưng lạ thay trong một thực tế sống chết như vậy mà
thơ Cung lại không hiện thực như thơ của hàng nghìn người tù
chính trị khác: Hàng trăm bài thơ đã được Cung viết với
thứ thi ngôn ẩn dụ [métaphore], hoán dụ [métonymie], trừu
tượng [métaphysique], biến tự [métaplace], chuyển vị pháp
[hyperbate], hoán trang hay hoán trạng ngữ [hypallage], nhân cách
hóa [personnalisation] hay ngược lại, kể cả tỉ giảo ngữ
[philologie comparée hay comparaison] mang tính siêu thực, siêu
thực ở độ cao nhất ––siêu của siêu thực–– ngây ngất thi men
mới, mạnh lắng như những ng̣ọn sóng ngầm địa chấn hay phới
bổng vào khí quyển như thanh khí hạo nhiên. Tất cả mọi thứ
hiện hữu, cảnh vật, con người đã biến dạng vào tận cao,
tận sâu, tận ảo trong cõi thơ của Cung. Mười năm tù, hơn ba
tập thơ viết bằng hai tay thuở ấy và ba tập khác sau đó,
chúng tôi không thể trình bày trong khuôn khổ bài tản mạn
này. Phải một quyển sách dày vài trăm trang, nếu viết đầy
đủ hơn.
Chỉ xin viết tóm lược:
Dù có những sở
thích và ham muốn rất người, chúng tôi cũng tự tạo cho
mình sự trân trọng khi thưởng thức tứ tuyệt của riêng mình:
đàn bà đẹp, thơ đẹp, họa & khắc đẹp và kiến trúc nguy nga
tráng lệ.
Mỹ nhân, điêu khắc & hội họa và kiến trúc
nguy nga tráng lệ không thiếu, nhưng chỉ nhìn từ xa, hay nhìn
trên các trang in sao chụp của báo chí, tập san hoặc trên
màn ảnh như nhìn trong mơ mà ở trong hoàn cảnh của một thư
sinh nghèo trước đây hay một chiến sĩ sau đó ––chỉ có cây
súng và vài manh áo trận–– không thể nào vói tới. Thơ thì,
ngược lại, quá gần vì hình như nó đã có sẵn trong hồn
trên từng bước đi vào khói lửa, hay ngay cả trong những giấc
ngủ chập chờn. Thơ của mình thì ít, thơ của người thì
nhiều. Dù đọc ít và hạn chế trong mấy ngôn ngữ Việt, Hán
Việt, Pháp và Anh chúng tôi không hẳn đã không có cái nhìn
chín chắn về nền thi ca thế giới từ trước đến nay. Hàng
nghìn những đại thi hào trên thế giới và hàng trăm thi sĩ
lớn trong nền thi ca đất nước. Mỗi người yêu thơ đều có
những thần tượng thi ca riêng và những nhà thơ lớn chọn
riêng với những bài thơ đẹp của từng thi nhân như những viên
ngọc quí giữ riêng. Cá nhân chúng tôi, suốt trên hàng nghìn
dặm hành trình của kiếp sống và hơn sáu mươi năm sau khi
trưởng thành thực sự vào đời đi tìm sự thật cho đến nay,
với quan niệm mỹ học và sự thưởng thức thơ như một nhu cầu
không thể thiếu, từ đó chúng tôi ––xin nói rõ, chỉ riêng
trong tầm nhìn của chúng tôi–– chỉ thấy có bốn nhà thơ lớn
nhất của nhân loại trong mọi thời đại.
Hai vị mà mọi
người yêu thơ đều biết là Lý Bạch (701–762) ở thời kỳ đầu
của Nhà Đường Trung Hoa và Rabindranath Tagore (1861–1941) của
Ấn Độ. Về hai đại thi hào này chúng tôi xin được miễn thêm
thắt cũng không xin trích dẫn một dòng thơ nào. Vị thứ ba
là Abu’l–Ala al–Ma’arri, một nhà thơ mù mắt. Ông cùng
Al–Mutannabi là hai thi nhân lớn Ả–rập ở đầu thế kỷ XI được
quần chúng khối Ả–rập Trung Đông ngưỡng mộ và là người mà
đại thi hào Omar Khayyam ––được cả khối Hồi Giáo thế giới
tôn sùng–– chịu ảnh hưởng lớn vì ông chẳng những là tiền
bối của Omar, dù chỉ cách nhau chừng ba bốn thập niên, mà
còn được Omar kính phục. Danh tiếng của Omar vọng xa tận Âu
châu trong nhiều thế kỷ sau đó nhưng Al–Ma’arri rất ít người
biết đến mãi cho đến khi thơ của ông và của nhiều nhà thơ
khác thuộc khối Hồi Giáo Ả–rập được nhà văn Reynold A.
Nicholson dịch ra Anh ngữ mang tựa đề “Studies in Islamic
Poetry” (Cambridge University Press, 1921) cùng với hai quyển
khác là “Mystics of Islam” và “Studies in Islamic Mysticism”.
Không thể biết rõ Al–Ma’arri làm bao nhiêu bài thơ. Chỉ biết
khi đọc thơ của Al–Ma’arri chúng tôi nhận thấy ông có tư
tưởng sâu sắc về kiếp sống con người. Thí dụ: Con người
sống theo khải thị của những nhà tiên tri mang “lời” của
Thượng Đế hay sống theo lý trí và tình cảm của chính
mình? Đời có đáng sống và vô nghĩa hay không? Có Thượng Đế
hay không? Có kiếp sau hay không? Và có lẽ vì câu hỏi này
mà ông thường nói về sự phục sinh. Nhiều nhà viết văn học
sử Anh và Pháp ghi nhận là ông ít làm thơ về tình yêu và
chiến tranh như các nhà thơ đồng thời khối Ả–rập. Tuy nhiên
chúng tôi nhớ nằm lòng mấy câu thơ dưới đây mà tôi tin rằng
không một thi nhân nào đọc qua mà không giật mình về sự lớn
lao, lạ lùng và lộng lẫy về thi ca của một nhà thơ mù tả
một người đẹp:
Khi nàng cười thì trân châu xuất hiện,
Khi nàng hạ tấm voan thì trăng rằm lồ lộ;
Vũ trụ hẹp
quá không chứa được nàng,
Vậy mà nàng bị nhốt trong
trái tim tôi.
Nguyễn Hiến Lê cho rằng bốn câu thơ này
là một nửa bài thơ của nhân loại.
Tôi tự hỏi một
nhà thơ “mù” làm sao “thấy” được sự lộng lẫy tuyệt vời
của một mỹ nhân mà cả vũ trụ không chứa được nàng chỉ
riêng nhà thơ nhốt được trong trái tim của mình? Phải chăng
“nhãn thức” của một thi nhân là thứ tầm nhìn xuyên vũ trụ,
xuyên mọi vật dù hữu thể hay vô hình. Sự cao ngạo của thi
nhân đẹp và thơ làm sao ấy, dễ làm cho lòng người yêu thơ
rung động. Tầm nhìn đó là tiết phẩm tỏa xa của con tim và
khối óc thực tinh anh, trong sáng, đầy ắp tình yêu. Sự cao
ngạo đó là tuyệt kỷ của tâm hồn cao vời chỉ những nhà thơ
mới có được. Và những ấn tính này mới chỉ là vài phần
lớn lao trong muôn vàn lớn lao khác của một đại thi hào của
nhân loại.
Những câu thơ trên do học giả Nguyễn Hiến Lê
dịch, in trong quyển sách ông dịch từ một tác phẩm Anh ngữ
của Will Durant viết về thế giới Hồi Giáo mà tôi đọc nhiều
năm về trước, không nhớ rõ tựa, vì ông Nguyễn Hiến Lê không
ghi tựa sách của Will Durant. Cả quyển sách dịch dày hơn hai
trăm trang tôi chỉ nhớ có bốn câu thơ này. Rất tiếc nhà biên
soạn Nguyễn Hiến Lê khá lơ đãng nên cũng không ghi rõ các
câu thơ đó trích dịch trong bài thơ nào; ông chỉ nói là của
một nhà thơ mù Ả–rập trúng một giải thi ca nào đó trong
đầu thế kỷ XI, nên buộc chúng tôi phải đi tìm tông tích
đích thực của tác giả vì tầm vóc của bốn câu thơ lớn
quá. Từ đó tôi lần ra cả khối Ả–rập trong đầu thế kỷ này
chỉ có một thi hào mù từ năm bốn tuổi vì bịnh đậu mùa
là Abu’l Ala al–Ma’arri người xứ Syria thuở đó bao gồm cả
Iraq và Syria ngày nay. Tôi cũng tìm được quyển “Studies in
Islamic Poetry” của Reynold A. Nicholson” và đọc được gần bốn
mươi bài thơ của al–Ma’arri dịch sang Anh ngữ. Tôi tìm hiểu
tiểu sử của nhà thơ và tìm đọc trên mạng internet được thêm
nhiều bài thơ khác nữa của al–Ma’arri nhưng tuyệt nhiên không
tìm thấy vết tích của bốn câu thơ Nguyễn Hiến Lê dịch sang
Việt ngữ. Chỉ có một bài có lối tả na ná như bốn câu thơ
đó xin ghi lại dưới đây, nhưng bài thơ này nói về sư gian
dối và “bộ mặt của Sự Thật” chớ không phải của một mỹ
nhân, xin để ý bốn câu chót:
THE TRUTH HIDES HER FACE
Experience nests in thickets of close shade,
Who gives his
mind and life may hunt it down.
How many months and years have I
outstayed!
And yet, I think myself a fool and clown.
And
falsehood like a star all naked stands,
But truth still hides her
face in hood and veil.
Is there no ship or shore my outstreched
hands
May grasp, to save me from this malicious sea?
Bài thơ này là bài thứ 11 trong một loạt 37 bài thơ của
al-Ma’arri do Reynold A. Nicholson dịch từ tiếng Ả-rập ra Anh
ngữ đăng trên mạng Google (7)
đại ý có nội dung:
NÀNG SỰ THẬT CHE GIẤU MẶT MẶT
“Kinh nghiệm làm tổ trong lùm
bụi phủ lấp,
Người có tư tưởng có thể bị đời đốn qụy.
Bao tháng năm rồi tôi vẫn đứng bên ngoài!
Và tự nghĩ
mình là một kể khờ dại hay một thằng hề.
Và sự
dối trá như một vì sao trần truồng đứng trơ đó,
Nhưng
nàng Sự Thật còn che giấu khuôn mặt
trong choàng mạng và
tấm voan của mình.
Phải chăng không có con thuyền hay bến
bờ nào
Mà đôi tay tôi có thể với tới được để tự cứu
mình
khỏi vùng biển ác hiểm này?”
Tôi không biết
dịch bài thơ trên đây như thế nào cho đẹp. Việc sưu tầm gốc
tích bốn câu thơ dịch không ghi xuất xứ của Nguyễn Hiến Lê
chỉ đưa đến kết quả: Một là tôi chưa đủ khổ công tìm cho ra
nguồn gốc bốn câu thơ dịch của Nguyễn Hiến Lê trong hàng
nghìn bài thơ của al–Ma’arri hay của một thi sĩ Ả–rập (mù)
nào khác. Hai là ông Nguyễn Hiến Lê dựa vào bốn câu thơ
cuối trong bài thơ trên đây của Abu’l Ala al–Ma’arri mà phóng
dịch bốn câu thơ tuyệt tác ghi trong quyển sách của ông dịch
từ một tác phẩm của Will Durant (cũng không thấy Nguyễn
Hiến Lê ghi tựa tác phẩm của nhà văn, nhà biên soạn, nhà
phê bình kiêm sử gia Will Durant ––hay Tiến sĩ William James
Durant–– mà ông này thì có quá nhiều tác phẩm không biết
quyển nào mà dò cho ra?). Nếu điều thứ hai này đúng thì tôi
đành khen rằng: “Chúng ta có một Nguyễn Du mới mà không
hay!” Vì bốn câu thơ ông phỏng dịch đã biến “Nàng Sự Thật”
thành một nàng... thật sự chẳng khác nào Nguyễn Du đã
biến một cô kiều rách bên Tàu thành một nàng Kiều lành
hiếu trinh vẹn toàn và cũng biến những câu thơ đẹp tả
tiếng đàn trong câu truyện Bá Nha–Chung Tử Kỳ của một bài
thơ chữ Hán thành những câu thơ về tiếng đàn vô cùng đẹp
và não nề của nàng Kiều khi nuốt lệ đờn cho Thúc Sinh nghe
trước mặt hoạn Thư (tiếc rằng tôi không nhớ nên không tìm lại
được tài liệu Hán văn nói trên vì kỳ thực lúc đó tôi không
quan tâm đến văn học). Có điều đáng khen là ông Nguyễn Hiến
Lê vẫn cho bốn câu thơ mà ông dịch là của vị thi sĩ mù nào
đó chớ không phải của ông. Nghĩa là Nguyễn Hiến Lê vẫn giữ
một nửa chân tính ––honnête–– của người cầm bút vì chỉ làm
cho thơ người khác đẹp hơn mà thôi. Không như một ông thi sĩ
giáo sư tiến sĩ CSVN (!) nào đó tên Hoàng Quang Thuận làm
tập thơ gì đó đã “ẵm trọn” cốt truyện của một nhà văn CS
khác đồng thời, lại được cả giới lãnh đạo chính trị lẫn
văn học CSVN tâng bốc và đề nghị lĩnh giải văn học Nobel năm
nay. Dĩ nhiên ông thi sĩ tiến sĩ này bị một thi sĩ CS khác
lật tẩy đưa lên các mạng internets văn học trong nước và
quốc ngoại. Chuyện dài “đạo văn” xưa, nay, kể ra không ít. Ở
hải ngoại cũng có một nhà thơ kiêm chủ báo và một tiến
sĩ hợp tác bình và dịch một áng cổ văn nổi tiếng của
người xưa lại cũng “ẵm” luận án tiến sĩ bằng Anh ngữ của
một tiến sĩ khác, chỉ sửa đổi câu văn cho có vẻ khác đi,
rồi đăng được mấy kỳ báo, nên luận án chưa bị ẵm trọn vì
việc đạo văn này cũng bị tác giả bản luận án phát hiện;
ông chủ bút xin lỗi qua quít vài câu bằng Anh ngữ trên báo
của mình, rồi thôi... huề cả làng. Riêng tôi nghĩ làm như
vậy là bất chính –malhonnête.
Nếu chúng tôi nhầm lẫn
thì trân trọng xin lỗi lịch sử văn học Việt Nam vì sự ngu
dốt của mình. Xin nhờ những bậc cao minh thông suốt thi ca
Anh, Việt, Nôm và Hán ngữ giúp làm sáng tỏ các ẩn khuất
văn học tồn đọng. Chúng tôi cho rằng sự tôn trọng sự thật
của bất cứ một người cầm viết chân chính nào ––un certain
écrivain honnête, dù vô danh–– cũng cần thiết cho sự lớn
mạnh của nền văn học Việt Nam.
Trở lại nhà thơ mù
Ả–rập, thiển nghĩ nếu Abu’l Ala al–Ma’arri không là tác giả
của bốn câu thơ mà ông Nguyễn Hiến Lê dịch ––hay phóng tác––
bỏ hẳn đi, thì vẫn là một trong nhà thơ lớn nhất của nhân
loại vì al–Ma’arri có tư tưởng về kiếp sống con người và
tầm nhìn về cõi sống vô cùng lớn lao mà các nhà thơ lớn
khác của mọi thời đại rất ít người có được. Ông có thứ
triết lý sống khác hơn những nhà thơ Ả–rập khác trong thời
kỳ đó: “Duy ngã bất duy tôn”. Nghĩa là ông không theo tông
giáo nào kể cả Hồi Giáo đang thịnh hành trong cả khối
Ả–rập từ mấy thế kỷ trước. Hay đúng như người ta nói
al–Ma’arri không làm thơ chiến tranh và thơ tình mà làm thơ
về cái ẩn sâu của kiếp người? Tuy nhiên, về bốn câu thơ
“dịch” của Nguyễn Hiến Lê chúng tôi vẫn chưa hết thắc mắc
và cũng nghĩ thêm rằng nếu al–Ma’arri có làm bốn câu thơ tả
về một mỹ nhân thật sự như ông Nguyễn Hiến Lê đã dịch, thì
trước ông ắt hẳn có hàng nghìn người khác ––hay ít nhất
một Reynold A. Nicholson–– biết đến rồi. Sao mà tìm mãi không
thấy ở đâu....
Nhà thơ lớn thứ tư của nhân loại có
tầm vóc lớn ngang các đại thi hào thế giới nói trên là
Cung Trầm Tưởng của chúng ta hôm nay. Tư tưởng của CTT trong
thơ vô cùng lớn. Thi ngôn của CTT lại vô cùng phong phú, lấp
lánh mỹ từ, lồng trong sáu, bảy thức thi pháp siêu thực mà
tôi đã nêu lên ở trên; xin lặp lại lần nữa: ẩn dụ pháp
[métaphore], hoán dụ pháp [métonymie], trừu tượng
[métaphysique], biến tự pháp [métaplace], chuyển vị pháp
[hyperbate], nhân cách hóa (personnalisation), hoán trang hay hoán
trạng ngữ [hypallage], kể cả tỉ giảo ngữ [comparaison] mà
chúng tôi ghi nhận ngay từ tập thơ đầu tiên. Từ tập thơ thứ
hai trở đi cho đến hết tập bảy cuối cùng là những chặng
đường phát triển và chuyển hóa với thi ngữ vô cùng mới lạ,
đặc trưng, độc đáo mà tiếng thơ vẫn mang đầy chất thơ. Bất
cứ ở thể thơ nào, ngũ ngôn, thất ngôn hay lục bát.
Vị trí của Cung Trầm Tưởng trong thi ca nhân loại lớn như Lý
Bạch, Tagore và al–Ma’arri. Xin lặp lại, ghi nhận trên là
riêng của chúng tôi. Nếu xếp theo thứ tự thời gian thì
chúng ta sẽ thấy như sau: Lý Bạch (701–763), Abu’l Ala
al–Ma’arri (973–1058) Rabindranate Tagore (1861–1941) và Cung Trầm
Tưởng (1932– ).
Nếu nói về thân phận con người trong
sự vận chuyển của lịch sử và môi trường sống thì chúng ta
nhận thấy cả bốn nhà thơ này gần có hoàn cảnh khá giống
nhau: Lý Bạch sống dưới triều đại Đường Minh Hoàng
̣(712–756). Từ năm 25 tuổi mang kiếm đi hành hiệp, ngao du sơn
thủy. Hai thập niên sau diễn ra hai cuộc chiến lớn. Thứ nhất,
người Uighurs tấn công và chiếm bắc Mông Cổ và lập nước
riêng (năm 745). Thứ hai, người Ả–rập liên minh với dân Tây
Tạng đánh chiếm từ vùng Palmirs và vùng núi Thiên San
(747–751) tây và tây bắc Trường An và kết hợp với người
Uighurs luôn luôn tấn công nhà Đường. Sau cùng là loạn An Lộc
Sơn. Chiến tranh và ly loạn ảnh hưởng lớn đến thi ca của ông
ở buổi đầu. Lý Bạch trước đó từng làm quan được cả Đường
Minh Hoàng và Dương Quí Phi trọng vọng. Sau cuộc nội loạn,
vì ông theo cánh của Hoàng tử Lý Lân chống lại Thái tử Lý
Thành ––hai người con Đường Minh Hoàng–– nên bị tù đày, sau
đó khi ra khỏi nhà tù ông từ bỏ kinh thành phiêu bạt giang
hồ lần nữa và làm những bài thơ kiệt xuất trong đó có
bài “Hiệp Khách Hành” [sau này nhà văn Kim Dung, thế kỷ XX,
lấy quãng đời hành hiệp và bài thơ này của Lý Bạch mà
viết nên chuyện “Hiệp Khách Hành”]. Thơ của Lý Bạch với tư
tưởng vô cùng phiêu hốt, phóng khoáng, được dịch ra hàng
chục ngôn ngữ trên thế giới; người đồng thời tặng ông mỹ
danh “Thi Tiên”. Đặc biệt ở Việt Nam, khi một ông đốc phủ sứ
hồi hưu lập nên Đạo Cao Đài ở Tây Ninh trước năm 1945 đã tôn
lập Lý Bạch làm vị Đệ Nhất Giáo Tông của tông giáo này.
(8)
Về
Abu’l Ala al–Ma’arri chúng tôi đã trình bày ở phần trên. Chỉ
thêm rằng nhà thơ mù này cũng từng sống trong chiến tranh mà
chính ông đã không thể dấn thân vì đôi mắt mù của mình.
Nhưng là một nhà thông thái ông biết rằng Baghdad bị Tướng
Tughril Beg của Triều đại Sejuk Thổ Nhi Kỳ tấn công, chiếm
và chấm dứt triều đại của các caliphs Buyid of Baghdad (Buyid
Dynasty) sau mười năm chiến tranh ở giữa thế kỷ XI
(1043–1055). Chiến tranh sau đó kéo dài vào Syria và Aleppo
––thành phố vùng đất đai quê hương của ông–– trong nhiều thập
niên nữa (1055–1092) sau khi ông mất (1058). Các nhà phê bình
Âu Châu sau này cho rằng lúc đó Al–Ma’arri đã sử dụng thứ thi
ngôn độc đáo mà các thi nhân Ả–rập đồng thời chưa bao giờ
dùng đến trong sáng tác thi ca. Những tập thơ lớn của ông
là Lozum ma la Yalzam [“The Necessity of what is Unnecessary”] và
Sikt al–Zand [“The Falling of Spark of Tinder”].
(9)
Về
Rabindranate Tagore, người xứ Bengal mà thành phố lớn nhất
là Calcutta vùng đất biển đông nam Ấn Độ cuối dòng sông
Ganges bị Hoàng triều Anh cắt ra lập thành xứ thuộc địa
riêng tách ra khỏi thuộc địa Ấn Độ. Ông thuộc tộc họ nổi
tiếng và thân phụ ông sáng lập một tôn giáo ở Bengal trong
thế kỷ XIX. Được đưa sang Anh học không tốt nghiệp đại học.
Được Hoàng gia Anh phong tước “hiệp sĩ” –knight–– khi ông đã
trở về Bengal. Tuy nhiên sau đó nhìn rõ bộ mặt thật của
thực dân, Tagore từ bỏ tước hiệu và tham gia vào phong trào
quốc gia đấu tranh đòi độc lập và viết văn, làm thơ –thơ là
chính. Dĩ nhiên ông cũng đã nhìn thấy một thế giới nhiễu
nhương trong và sau Chiến Tranh Thế Giới thứ I [1914–1918]. Ông
là bạn thân của Morandas Raramchand Gandhi (1869–1948) –“Thánh
Gandhi”, triết gia và chính trị gia bất bạo động nổi tiếng
khi đấu tranh đòi độc lập cho Ấn–Độ. Tagore là nhà thơ lớn
thế giới được giải Nobel Văn chương năm 1913. Ông là viện sinh
động học của Bengal và Ấn Độ.
(10)
Những ghi nhận trên cho thấy những nhà thơ lớn nhất của nhân
loại này từng là nạn nhân hay chứng nhân của chiến tranh và
nhìn rõ sự vận chuyển của lịch sử từng làm thay đổi bộ
mặt của xã hội ảnh hưởng lớn lao đến kiếp sống của nhân
loại. Cung Trầm Tưởng của chúng ta nào khác gì, hơn nữa
còn là nạn nhân của cơn bệnh cuồng tính cộng sản muốn tận
diệt nhân tài nhưng Cung đã chẳng những chứng tỏ ý chí và
quyết tâm vượt qua mà còn từ cõi chết mang về cho chúng ta
những trang thơ kiệt tác ngang tầm thế giới ––không tìm thấy
trong văn học sử Việt Nam từ trước đến nay. nay.
Trong khi Lý Bạch phiêu hốt như một thi tiên
và Rabindranate Tagore hội tụ tất cả vẻ đẹp của tình yêu
và vũ trụ trong thơ, cũng chỉ thể hiện được trong thi ca từ
ba đến bốn thi pháp nói trên mà thôi. Rất tiếc, thi ngữ của
al–Ma’arri chúng tôi không biết, không đọc được chữ viết của
Khối Ả–rập –mà chỉ đọc những bản thơ dịch Anh ngữ–– nên
không thể so sánh. Chỉ so về mặt tư tưởng và tài hoa chúng
tôi nhận thấy Cung Trầm Tưởng chẳng những là một Lý Bạch,
một Tagore mà còn là một al–Ma’arri ––nếu nói khác hơn thì
có thể nói là những nhà tư tưởng lớn gặp nhau–– [như câu
ngạn ngữ Pháp từng nói “les grands esprits se rencontrent.”]
Cung Trầm Tưởng là tình yêu, là sự đau buốt tận cùng của
kiếp sống con người, và vượt lên cao hơn nữa là sự phục
sinh mà al–Ma’arri cũng từng nói trong thi ca. Cung còn vượt
hơn một mức nữa là nói một cách vô cùng thanh thoát về sự
hóa sinh hay phục sinh, nghĩa là muốn lập cho mình một thứ
thế giới riêng nối cõi thực và cõi mộng, nếu chúng tôi
không muốn nói ông là một thi–triết–nhân muốn dựng một thiên
đường mới nếu không cho tha nhân thì ít nhất cũng cho tự
thân được sống trong thanh thản, vô lụy, vô nhiễm, hóa thân theo
ý muốn của tư tưởng, thành muôn vật muôn loài. Và đó là
điều chưa một thi nhân nào vói tới. Cao, lớn, uy nghi hơn
bóng dáng của mọi thi nhân, không riêng thi nhân Việt Nam trong
mọi thời đại mà còn cao hơn các thi nhân Âu, Á, Mỹ, Phi của
mọi thời đại.
Nói như thế không phải chúng tôi phủ
nhận bất cứ nhà thơ Việt Nam nào nhưng là một sự phân tích
dựa trên thực trạng thi ca Việt Nam với hy vọng là các nhà
phê bình văn học sẽ đặt lại vị trí của mỗi thi nhân lớn
và tác phẩm của các vị này vào đúng vị trí trong văn học
Việt Nam. Riêng cá nhân chúng tôi nếu có quan điểm riêng thì
tôi cho rằng tác phẩm cổ văn hùng lược và nhân hậu nhất về
tư tưởng Việt Nam là “Bình Ngô Đại Cáo” của Cụ Nguyễn
Trãi, các tác phẩm thi ca lớn nhất về nôm là Cung Oán Ngâm
Khúc của cụ Nguyễn Gia Thiều, tác phẩm dịch Hán sang nôm
là Chinh Phụ Ngâm Khúc của bà Đoàn thị Điểm. Những nhà thơ
lớn như Cao Bá Quát, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu xứng danh là
những nhà thơ lớn. Không ai phủ nhận Nguyễn Du là một thi
hào không lớn, không ai phủ nhận lục bát trong “Kiều” là
không bóng bẩy, khúc chiết vừa bác học vừa bình dân ––và
chỉ hay ở phần này–– còn nền tảng triết lý của tác phẩm
là “buông xuôi cho định mệnh” ––dù là thứ định mệnh éo le
đầy thương cảm–– không có gì hơn. Chính vì những câu thơ súc
tích này mà ngày cũ ông Phạm Quỳnh nói rằng “Truyện Kiều
còn tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn.” Ai cũng tin
như vậy, nhưng thử hỏi trong hơn một nghìn năm nô lệ nghĩa
là một nghìn năm trước Nguyễn Du, chưa có truyện thơ “Kiều”,
người Việt đã mất nước hay chưa? Rõ ràng người Việt không
bị đồng hóa, không mất nước. Nói như ông Phạm Quỳnh vô tình
đã phủ nhận lịch sử. Trong suốt chiều dài một nghìn năm
trước Nguyễn Du Việt Nam có không biết bao nhiêu là thiên tài
văn học, sử học, bác lãm về chính trị và quân sự, hay uyên
thâm về xã hội và phong tục tập quán với những tấm gương
anh hùng, liệt nữ không thiếu những cảnh éo le ngang trái
––cũng viết bằng tiếng nôm–– ai biết mà khen cho với một
lời phê xứng đáng hơn lời phê phán của ông Phạm Quỳnh về
“chữ” mà thi hào Nguyễn Du dùng trong Kiều! Cũng cần nói
thêm: “Một ngày nào người yêu văn chương biết phủ nhận quan
điểm cho rằng truyện “Kiều” của thi hào Nguyễn Du là “đệ
nhất thư”, là có giá trị tuyệt vời “trước không có sau
không có”, thì ngày ấy nền văn học Việt Nam mới ngang tầm
thế giới, nước Việt mới tân tiến.” Giữ “Kiều” như viên đá
quí của dĩ vãng văn học Việt Nam chấp nhận được, nhưng xem
“Kiều” như viên ngọc toàn bích lấy làm gương mẫu cho nền thi
ca Việt Nam và cho thế hệ thi nhân hiện tại và tương lai noi
theo thì không. Cũng xin nhắc lại tiếng Việt ngày xưa đủ
sức mạnh giữ nước, tiếng Việt ngày nay đang chứng tỏ có
khả năng dung chứa tất cả mọi tri thức ngữ học –cả mỹ học
lẫn kỷ học–– về mọi phạm trù văn học, nghệ thuật, chính
trị, kinh tế, y học, toán học, các khoa học và kỹ thuật
hiện đại. Không phải đợi đến ba trăm năm, chỉ trên dưới một
trăm năm sau đã có không biết bao nhiều người khóc người khen
Nguyễn Du. Tôi là một trong những người đó vừa khen vừa
muốn khóc, “rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng
nuốt cay thế nào!” Nếu tiếp tục ca tụng thi hào Nguyễn Du
và viết nhại đi nhại lại mãi tác phầm “Kiều”, hay “Đoạn
Trường Tân Thanh”, là còn trì kéo nền văn học Việt Nam dừng
lại ở mức đó, dù đó là một đỉnh cao. Xin nên nhớ một
điều là dù chúng ta đã lên được nhiều đỉnh cao của những
ngọn núi cao và các đỉnh cao của dãy Hoàng Liên Sơn ––cao
nhất Việt Nam–– đi nữa thì thế giới cũng đã lên đến những
đỉnh cao và đỉnh cao nhất của dãy Hy–Mã–Lạp–Sơn từ lâu
rồi. Cũng nên từ bỏ câu ngạn ngữ “đừng đứng núi này trông
núi nọ”. Phải biết bỏ, hay quên đi, để mà tiến sang các
đỉnh núi cao khác. Trong văn học, chúng ta cần có tầm nhìn
cao và xa hơn.
Nhân tiện cũng cần nhắc mà nhớ, trong
việc phê bình văn học từ trước đến nay không ai không biết
tác phẩm phê bình thi ca của Hoài Thanh và Hoài Chân là
quyển “Thi Nhân Việt Nam” sau này tu chỉnh thêm nên còn gọi
là “Hoài Thanh Toàn Tập”. Quyển sau là một bộ sách phê
bình thi ca đồ sộ. Không ít người cầm bút ghi nhận ông Hoài
Thanh Nguyễn Đức Nguyên và người em ruột Hoài Chân Nguyễn
Đức Phiên ––mà người viết chính là Hoài Thanh, một cán bộ
văn học giữ vị thế lớn của CSVN trước khi chết–– là những
nhà phê bình thi ca có tiếng. Khách quan mà nói tuy Hoài
Thanh học chưa hết trung học nhưng ông có khiếu thưởng thức
thi ca và chịu khó sưu tậ̣p được rất nhiều thơ và thông tin
[information] của các nhà thơ nổi tiếng trước và sau năm 1945
rồi viết giới thiệu tiểu sử và thi phẩm của các nhà thơ
đó trong tác phẩm nói trên, đánh đúng vào thị hiếu của
độc giả yêu thơ, nên hai anh em ông được ca ngợi là những nhà
phê bình thi ca đầu tiên của nền văn học Việt Nam, nói chung.
Thực ra ở vào thời điểm đó mà tìm được khối thông tin lớn
lao về các nhà thơ ––nhất là các nhà thơ mới, tân học–– là
rất đáng khen vì đó là việc làm không nhanh chóng và dễ
dàng như trong thời đại tin học điện tử của chúng ta ngày
nay. Tác phẩm của hai ông về sau được tu chỉnh và thêm rất
nhiều người làm thơ khác nữa, trong đó có hàng vài tá các
“nhà thơ” cộng sản rất tầm thường, nên khi đã trở thành
cán bộ văn học cao cấp của CSVN, “Hoài Thanh Toàn Tập” được
nhà xuất bản Văn Học của CSVN in lưu hành trong những năm
đầu thế kỷ này gồm 4 tập, hơn 4,000 trang –không phải là
quyển “Thi Nhân Việt Nam” chỉ vài trăm trang như các quyển
tái bản trước năm 1975 ở Sài Gòn và ở Hoa Kỳ sau đó. Xét
cho cùng tác phẩm này của Hoài Thanh và Hoài Chân ngoài
các thông tin về các nhà thơ, như nói trên, là đáng ghi công
lớn hàng đầu, nhưng còn phần “phê bình” rất sơ lược thực ra
chỉ là những lời “giới thiệu” các nhà thơ và thi phẩm của
các nhà thơ đó; quá nhiều nên rất hỗn tạp: nhà thơ lớn,
nhà thơ nhỏ đủ loại không phân biệt hay dở, đưa nền thi ca
Việt Nam đến tình trạng có thể nói là “lạm phát thi nhân”.
Về bút pháp phê bình, vô tư mà nói, ông Hoài Thanh chỉ viết
theo cảm tính, thiếu sự nghiên cứu có phương pháp và phân
tích khoa học, nên có thể nói là quyển “Hoài Thanh Toàn
Tập” rất tầm thường. Tài “phê bình” của Hoài Thanh cũng
cần được xét lại. Chúng tôi nhận thấy sở dĩ Hoài Thanh
được nâng lên thành cán bộ cao cấp thuộc hàng chỉ đạo nền
văn học CSVN vì ông này đã từng “phê bình” thơ tâng bốc các
lãnh tụ chính trị và chỉ đạo tư tưởng và văn học của CSVN
như các “nhà thơ” Sông Hồng hay Trường Chinh, Xuân Thủy, Tố
Hữu, kể cả Nguyễn Đình Thi. Sở trường hơn là ông viết nhật
ký ––hay nhật tụng ca–– tôn sùng thơ Tố Hữu. Có lẽ nhờ vậy
nên Hoài Thanh còn được phong chức giáo sư đại học. Chuyện
này cũng không lạ vì trong chế độ CSVN người kém học hay vô
học làm thầy người có học hay trí thức là chuyện thường.
Chuyện đáng nói và quan trọng hơn là việc Hoài Thanh phê
bình tác phẩm của các nhà thơ cổ điển với thái độ độc
tôn cao ngạo bất xứng như một ngự sử phán quyết về văn học
bất cần dư luận. Hai vị thi hào cổ điển đó là ông Nguyễn
Du và ông Nguyễn Gia Thiều. Những bài phê bình này viết riêng
rẽ không có trong “Thi Nhân Việt Nam”.
Thứ nhất, phê
bình “Kiều” của cụ Nguyễn Du, Hoài Thanh hết lời khen ngợi.
Phải nói là ông mê và và tán dương “Kiều”. Trong lần bút
chiến với Nguyễn Bách Khoa Trương Tửu, một giáo sư đại học,
nhà văn kiêm phê bình đã dùng mác–luận chê “Kiều” của
Nguyễn Du [Trương Tửu sau này viết cho “Nhân Văn–Giai Phẩm” và
yểm trợ tờ báo “Đất Mới” của sinh viên đại học Hà Nội
chống chế độ CSBV năm 1955–1956] và cho rằng Hoài Thanh phê
bình “Kiều” thiếu lý luận khoa học. Hoài Thanh đã viết trả
lời về phê bình “Kiều” thế này: “Cảm thụ Kiều hồn nhiên
theo thị hiếu cá nhân,” và “cái đẹp của Đoạn Trường Tân
Thanh, cái chất thơ bàng bạc trong cả quyển truyện cũng cần
phải được cảm thấy một cách hồn nhiên. Cứ phân tích giảng
giải thì nó sẽ tan đi.” Ông cũng cho Nguyễn Bách Khoa Trương
Tửu biết là: “Nhà phê bình phải từ bỏ hết mọi kiến thức
và phương pháp khoa học khi xem xét tác phẩm nghệ thuật.”
(11) Thái độ
này cao ngạo như một ngự sử văn học nhưng kém kiến thức,
bất chấp lẽ phải. Nói cho rõ thì lối phê bình của Hoài
Thanh về một tác phẩm thi ca ––nhất là truyện thơ “Kiều”
của Nguyễn Du–– là theo luật rừng và đầy cảm tính “hồn
nhiên” như một chị vú nào đó mắt nhắm mắt mở ngâm nga Kiều
dài dài khi ru em ngủ. Vậy mà, đứng trên quan điểm “hồn
nhiên” đó, Hoài Thanh tự cho mình làm văn học phục vụ nghệ
thuật. Thiển nghĩ, nếu có, thì họa chăng khi Hoài Thanh viết
về mấy nhà thơ mới, tân học, trong các năm 1941–1942. Từ sau
năm 1945, nghĩa là sau khi Hoài Thanh tham gia phái đoàn CSVN
“tiếp thu” chính quyền khi nhà vua Bảo Đại từ ngôi ở Huế
năm 1945, rồi tiếp tục hoạt động cho Đảng CSVN trong ngành văn
nghệ tuyên truyền cho đến cuối đời, ông Hoài Thanh đã nghe
lắm người nói là ông làm nghệ thuật “vị nhân sinh” ––thực
tế là “phục vụ đảng CSVN”–– không còn nghe chuyện “nghệ
thuật vị nghệ thuật” nữa. Ông trở thành công cụ tuyên
truyền cho CSVN từ khi còn ở trong rừng như những cán bộ văn
công khác theo bộ đội Hồ Chí Minh trường kỳ kháng chiến.
Thứ hai, phê bình “Cung Oán Ngâm Khúc” của cụ Nguyễn Gia
Thiều, ông Hoài Thanh đã dùng luật kẻ chợ của bậc anh chị
trong làng văn nô cộng sản với những lời lẽ mà chỉ có
những người cùng hạng cùng cỡ như ông mới dám dùng như một
Chế Lan Viên, hay cao hơn như một Tố Hữu, chẳng hạn. Đó là
loại tiếng nói thô tục thậm tệ khi ông phê phán tác phẩm
văn học cổ điển “Cung Oán Ngâm Khúc” trong một bài viết đăng
trong “Giáo Dục Tạp Chí” số 5 tháng 1, 1944 mà ông Nguyễn
Cẩm Xuyên sưu tập viết lại trong nguyệt san biên khảo văn học
“Tân Văn” số 63, tháng 10, 2012. Trong bài viết đó Hoài Thanh
phê phán nhiều câu thơ tuyệt vời của cụ Nguyễn Gia Thiều về
tiếng than của một cung phi vô danh do tác giả dựng thành
nhân vật chính trong Cung Oán Ngâm Khúc là “tiểu nhân đắc
chí”, là “ti tiện”, là “hung hăng” là “sỗ sàng” và gì...
gì nữa. Những lời lẽ này khác nào tiếng rít ghê rợn phát
từ lưỡi đao sát thủ ––của một đao phủ hơn là của một ngự
sử văn học–– chém vào anh–hồn cụ Nguyễn Gia Thiều, một
thi–triết–nhân đã khuất. Thí dụ như 4 thơ dưới đây, ông Hoài
Thanh phê là “ngoa ngoắt, ầm ĩ như thói hàng tôm hàng cá:
“Giết nhau chẳng cái lưu cầu,
Giết nhau bằng cái ưu
sầu độc chưa!
Tay nguyệt lão chẳng se thì chớ
Se thế
này có dở dang không?”
Bốn câu thơ đẹp như vậy mà ông
Hoài Thanh phê bình như vậy mới thấy rõ tư cách và tâm địa
Hoài Thanh. Rồi, bất chợt tôi nhìn thấy ảnh của Hoài Thanh
in trong Tân Văn số 63 và trên internets, chẳng khác nào khuôn
mặt một cán bộ sắt máu CSVN họ “đồ”, bỗng nhiên những nét
thanh nhã của một tao nhân mặc khách mà tôi tưởng tượng khi
mới trưởng thành chợt tan đi như ảo ảnh. Thực là một hối
tiếc không nhỏ. Tâm địa của những tay trùm chính trị và văn
học đảng CSVN với thứ lương tri thế tận mà Cung Trầm Tưởng
từng nói bằng thơ ––sẽ nêu rõ hơn trong phần sau–– là lúc
nào cũng muốn hủy diệt con người cùng thời đại trong cõi
sống và cả trong cõi chết nếu không cùng tư tưởng và chủ
nghĩa như họ, kể cả những con người ở thời đại trước.
Chúng tôi vẫn biết rằng sự hiểu biết của mình chưa
bằng hạt cát. Nhưng quan điểm vẫn là quan điểm. Hoài niệm
về dĩ vãng chỉ hướng về hy vọng vào tương lai. Hiện tại
Cung Trầm Tưởng là một cuộc cách mạng lớn về thi ca không
thể không nói đến sau khi “Một Hành Trình Thơ” của ông hiện
diện.
Tôi cho rằng Cung Trầm Tưởng có tư tưởng và ngôn
ngữ lớn nhất trong thi ca Việt Nam ngang tầm thời đại và
ngang vai vế với các đại thi hào nhân loại dựa vào sự phân
tích căn cứ trên lý luận học, ngữ học và mỹ học, dựa vào
sự so sánh về tư tưởng và thi ngữ của CTT với các nhà thơ
lớn này lẫn sự thưởng thức cá biệt. Tôi không mong đợi một
quan điểm tương ứng. Chỉ mong độc giả tìm hiểu CTT và thơ
của ông. Có điều là làm sao hiểu được Cung Trầm Tưởng.
Thiển nghĩ, cần thời gian, cần kiến thức, cần đọc nhiều
về các nhà thơ lớn thế giới mới có thể làm một cuộc so
sánh bằng sự phân tích tâm lý ––psychoanalytic synthesis––
bằng sự thụ cảm sâu xa và sự phân tích tinh vi về hiện
tượng, sự chuyển thái về chữ và chất thơ của thi nhân ––a
profound application of reception theory, a transcident study of
phenomenology and hermeneutics in detecting the changes of the
author’s structures of feeling–– bằng sự nghiên cứu sâu xa về
chuyển biến dâu biển của lịch sử mới hiểu rõ sự phấn đấu
vượt qua định mệnh kiếp người của thi nhân ––như một thể
nghiệm sống chết của một con người yếu đuối về thể chất
nhưng vô cùng dũng mãnh về tinh thần mà các luận thuyết phê
bình văn học Tân Sử Luận ––New Historicism [chịu ảnh hưởng
lớn các quan điểm lịch sử và sự vận hành vũ trụ của
Léon Foucault (1819–1839) nhà vật lý học Pháp người tìm ra
tốc độ của ánh sáng]–– và Văn hóa Thực Trạng Luận do một
người phê bình văn học thiên tả tên Raymond Williams chủ xướng
[cuối thế kỷ XX, còn chưa nổi tiếng] đề cập đến. Mặc dù
về lý thuyết Văn hóa Thực Trạng Luận có khuynh hướng chống
Tân Sử Luận trên nhiều điểm nhưng cũng không vô lý, theo ghi
nhận của Giáo sư Peter Berry: “Cultural materialism particularly
involves using the past to ‘read’ the present” và “cultural
materialists, they say, tend to concentrate on the interventions
whereby men and women make their own history, whereas new
historicists tend to focus less than ideal circumstances in which
they do so, that is, on the ‘power of social and ideological
structures’ which restrain them. The result is a contrast between
political optimism and political pessimism.”
(12) Bằng cách
nào đi nữa các luận thuyết này chấp nhận thân phận của
tác giả. Rất nhiều văn sĩ thi sĩ của chúng ta không tự
quyết định được thân phận [một tư thế bất thức] bởi sức
cuốn của lịch sử Việt Nam trong chiến tranh nhưng cũng quyết
định được định mệnh [một ý chí hữu thức] của chính mình.
Đó cũng là thứ triết lý “duy ngã bất duy tôn”. Và đó là
một thứ triết lý của những nhân cách lớn. Không buông xuôi
nhưng coi thường giá trị cường quyền và mị quyền ––cả thế
quyền lẫn thần quyền–– giữ chặt mình cho chân đạo, mỹ đạo
và cho chính mình. Đó là Cung Trầm Tưởng.
Tiếc rằng
thơ không thể hay không dễ dàng dịch ngữ [signifier] mà chỉ
có thể dịch nghĩa [signified] như các câu thơ của al–Ma’arri
nêu trên, nhưng nếu một Roland Barthes, một Jacques Derrida đọc
được Việt ngữ và có dịp đọc “Một Hành Trình Thơ” hẳn sẽ
nhận ra điều tôi nói về Cung Trầm Tưởng là không vô căn và
lộng ngôn. Vô căn và lộng ngôn không thể có trong chủ trương
của một người mong mỏi tìm sự thật trong suốt hành trình
cuộc đời qua hơn nửa thế kỷ từ khi trưởng thành. Nếu có
viết thì chỉ dựa trên sự thực hiển nhiên. Tất nhiên chúng
tôi cũng chỉ dựa vào các trang thơ in rõ ràng chính xác
trong “Một Hành Trình Thơ” để viết về Cung Trầm Tưởng mà
không viết theo cảm tính hay cảm tình riêng.
Xin hãy
đọc kỹ tập thơ này của CTT. Tình ca đã đến tuyệt điểm;
chiến tranh tuy ông viết không nhiều nhưng lột trần bản chất
hủy diệt toàn diện và ghê gớm của chiến tranh Việt Nam: một
cuộc chiến phơi bày một lương tri thế tận [une exposition
d’une conscience catastrophique], một nổ bùng của một hiện
tượng tâm lý thú tính cộng sản như thứ bệnh tâm thần muốn
hủy diệt nhân tài và vùi chôn nhân phẩm [une explosion d’un
bestial phénomène communiste comme une trouble hystérique
d’aliénation du talent et de la dignité humaine] từ đó nhân tài
của đất nước bị hủy diệt như một Khái Hưng, một Nhượng
Tống trước đó hay một Phạm văn Sơn sau này hoặc biến thành
những phần tử thui chột trong các đáy địa ngục như một Cung
Trầm Tưởng và một số nhà văn nhà thơ miền Nam sau 1975 hoặc
nhóm văn thi sĩ Nhân Văn–Giai Phẩm miền Bắc như một Giáo sư
Tiến sĩ Trần Đức Thảo, một Nguyễn Hữu Đang, một Hữu Loan,
một Quang Dũng, hay một Phùng Cung sau năm 1955 hay ít nhất
cũng mang thân phận của kẻ bị khai trừ ––un excommunié–– như
một Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường từ khi cuộc chiến
đó do những người CSVN mang vào đất nước Việt Nam (1945–1954)
và Nam Việt Nam (1966–1975). Cơn bệnh đấu tranh bạo lực cuồng
tính [hysterical] không hẳn là cuồng tín [fanatical] này của
CSVN còn muốn tiêu diệt cả những lãnh tụ tôn giáo và đảng
phái chính trị khác, những người quốc gia và những chiến
sĩ miền Nam cầm súng chống lại chúng. Ngay cả những linh
hồn của các cô phụ trung trinh vất vưởng trên bãi chiến đi
tìm anh hồn những tử sĩ vô danh cũng bị xô xoá cho rã tan:
Súng xa vang liên vận
Quỷ hận rống ven đô.
Bàn tay
mưa xô xóa,
Chiếc bóng góa mơ hồ
Loãng tan đêm thủy hoạn.
Cuộc đấu tranh bạo lực thú tính và cuồng tính của CSVN
mang thứ lương tri thế tận này rõ ràng là một cuộc đấu
tranh tiêu diệt cả cõi hữu thể lẫn vô hình mà chúng nghĩ
đã chống lại chúng –những satans của thời đại, như loài quỷ
hận đang dang cổ “rống” trong tai của nhân loại. Nơi nào còn
tiếng rống của loài quỷ vô tim này sẽ còn nhiễu nhương dâu
biển.
Hơn ai hết CTT đã cảm nhận hay tiên tri định
mệnh của mình trong bối cảnh đổi thay phũ phàng của đất
nước và lịch sử ngày đó:
Hồn giờ đi chân đất
Lật
đật lối cô đơn.
Ngã ba phố chập chờn
Ánh đèn vàng
lửa ngục.
Và:
Nhất phiến chiếc linh hồn
Giữa bão bùng dâu biển.
Thân phận của con người bị
cuốn vào triều sóng đỏ thủy hoạn và bão bùng dâu biển đó
khó mà vượt thoát được số phận nhưng Cung Trầm Tưởng đã tự
quyết định định mệnh và làm chủ tư tưởng của mình. Vì
sao? Có thể nói Thơ là phương tiện cũng là cứu cánh của
một Cung–Thơ sống còn trong đáy sâu luyện ngục CSVN. Hành
trình vào cõi chết tối tăm, muốn làm thơ mà hai tay bị
trói chặt thì sẽ viết bằng hai tay, viết bằng cái đầu mà
người ta muốn cải tạo không được, vì ít nhất cái đầu đó
muốn tự chủ và căng đầy cân não uyên thâm và trung thành
của một trí thức tân học lớn. Xét cho cùng, bằng cách nào
đi nữa chữ nghĩa thi ca phải là kết tinh của sự dồn nén
xốc lên xốc xuống của lịch sử, của định mệnh, mà Cung
Trầm Tưởng là điển hình trong mọi điển hình của nền văn
học Việt Nam hiện đại. Cung Trầm Tưởng đã làm một cuộc
cách mạng lớn trong thi ca Việt Nam. Cuộc cách mạng “ngữ
sự” này của CTT là đem ngôn ngữ hữu thức đánh thức ngôn ngữ
vô thức của thi ca.
Từ xưa đến nay ít người nghĩ rằng
thi ngữ của một thi nhân lớn tự nhiên xuất phát từ tim khi
sáng tác ––nhất là thi ca thuộc trường phái lãng mạn, hay
thơ tình–– thường là ngôn ngữ vô thức (inconscious) và chiếm
lĩnh tâm thức người yêu thơ cũng rất vô thức. Nhưng khi mang
chính trị hay triết lý vào thơ, ngôn ngữ thi ca nhất định
phải là thứ chữ chọn lọc, rèn luyện, gọt giũa, hay nói
một cách khác là gạn đục lóng trong, phải vận dụng kiến
thức trí não vào để “thơ” vừa rõ lý vừa sáng tình, thứ
thi ngữ đó là hữu thức (conscious). Cái đặc sắc của thi ca
Cung là, xin ghi nhận rõ, “đem hữu thức vào vô thức” chớ
không phải là lấy hữu thức hủy diệt vô thức. Và khi hai
thức này đã hội nhập, Cung nghĩ rằng đã giữ nguyên sự
nhất quán xuyên suốt trong thơ của ông từ khởi thủy đến sau
này hay sau nữa, cho đến hết cái nghiệp làm người của
mình. Nhưng thực sự thì sự hội nhập đó đã làm “ngữ sự”
thơ Cung thành siêu ngôn, từ đó thơ Cung trở thành siêu thực.
Điều này ai đọc thơ CTT sau khi từ cõi chết trở về cũng
nhìn thấy, nếu dẫn giải bằng hậu cấu trúc luận cũng không
sai. Nếu theo một Roland Barthes muốn đi tìm sự nhất quán,
hay thuần nhất ––an unity–– trong một đặc phẩm như “Một Hành
Trình Thơ” cũng chỉ sẽ tìm thấy sự không nhất quán ––a
desunity–– một dị biến trong đó mà thôi. Còn nếu theo Jacques
Derrida, thì dĩ nhiên rồi, sẽ nhìn thấy ngay cái dị biến
đó. Sự dị biến này của ngôn ngữ thơ CTT mà Cung nói là
“Riêng bản thân người viết dựa vào kinh nghiệm sáu mươi làm
thơ của mình, nhận thấy có một liên hệ nhân quả giữa những
chữ thơ gieo đầu đời và mùa gặt thơ mai sau.”
(13)
Quả thật, có. Nếu nói theo ngữ thanh học ––phonetics–– mỗi
chữ thơ của CTT từ thơ gieo đầu đời cho đến mùa gặt thơ, tuy
rõ ràng có sự thay đổi lớn lao, nhưng đều có chung sức
nặng “gieo cảm” rất đặc biệt, nghĩa là đọc lên nghe rất thơ
và càng đọc càng thích thú. Đó là thứ trọng lượng của
ngữ sự; say như chất men. Nên, thơ vẫn là thơ, dù có sự
cách mạng nội tại lớn lao trong thi ca CTT. Vâng, đứng trên
phạm trù ngữ thanh mà nói về sự nhất quán của tập thơ
MHTT có thể nói như trên, nhưng ở phạm trù khác: tư tưởng
mang triết tính thì sự nhất quán như CTT nói trên cũng không
sai và tôi cũng đã nói qua “CTT sống trong mộng, chiến đấu
với thực tế, để trở về với mộng”. Nhưng cõi mộng sau của
CTT rộng lớn quá, diệu vợi quá như một cõi vô vi huyền ảo
nên sự không nhất quán hay dị biến phân tích theo hậu cấu
trúc luận có thể hiểu là sự phát triển tư tưởng và triết
lý cả chiều cao lẫn chiều sâu mà cung bậc ngữ sự phải thay
đổi cho phù hợp với tiến trình tri thức của nhà thơ. Và
qua sự nhồi xốc của lịch sử, ngữ sự thi ca –hay thi ngôn–
của CTT cao xa và sâu sắc đến mức độ siêu việt của siêu
thực, nên tôi gọi đó là cuộc cách mạng thi ca của CTT. Một
sự nhất quán từ “thơ gieo” và “thơ gặt” của CTT nhất thiết
phải qua hành trình cách mạng đó. Đó là một tiến trình
tất yếu, không thể nói khác hơn. Xin hãy nhìn vào thực tế
nền thi ca hải ngoại và trong nước ngày nay thì sẽ nhìn
thấy rõ hơn các điều tôi viết về CTT và tác phẩm bất hủ
MHTT của ông.
Khi viết bài tản mạn này tôi trao đổi
quan điểm trên với CTT. Với sự khiêm tốn thường lệ, ông không
nhận đã làm cuộc cách mạng thi ca tôi nói, nhưng ông cũng
đề cập đến trường hợp “một hành giả lãng mạn rong chơi
trong cõi siêu hình mù mịt, nhưng vì thiếu bản lãnh nên bị
sa chân rơi vào một cuộc khủng khoảng tinh thần trầm trọng,
hóa ông thành một con bệnh hoang tưởng, loạn trí nhớ
(dysmnésique), loạn phối hợp từ (dysphasique), loạn ngữ pháp
(agrammatique), tức là những triệu chứng của cơn bệnh cuồng
ngôn sảng ngữ (dyslogie) ––một hình thái của bệnh vong thân
cấp tính.” Vâng, có thể có những trường hợp như vậy. Nhưng
một CTT sáng suốt, tinh anh, trí tuệ, mang tư tưởng và ngôn
từ lớn lao của một thi–triết–nhân của nhân loại là một
biểu tượng rực rỡ của nền thi ca Việt Nam hiện đại là một
đối cực cách biệt nhau xa tít tuyệt mù. Một dòng chảy tinh
tuyền thượng nguồn chỉ có thề tìm thấy trên những đỉnh cao
nhất. Vì thế, những gì chúng tôi viết sẽ gởi phổ biến
trên các mạng lưới điện tử về văn học và đăng ở những tạp
chí văn học của người Việt ở hải ngoại.
Chúng tôi là người
đồng thời và đồng cảnh ngộ với Cung Trầm Tưởng, nên ít
nhiều hiểu về Cung và thơ của ông. Cung và tôi, tuy kẻ Bắc,
người Nam, nhưng cùng phục vụ dưới một màu cờ. Ông tuy được
đào tạo ở nước ngoài, tôi được nuôi nấng và dạy dỗ trong
nước, nhưng cuối cùng gặp nhau trong luyện ngục và hẹn nhau
tìm nguồn gốc của sự thực về Chiến Tranh Việt Nam và con
đường sống mới cho bản thân hầu giữ lại một chút gì cho
thế hệ trẻ hơn. Cung đã thành công. Tôi nghĩ tôi chưa hoàn
thành sứ mệnh của mình. Trong khi ấy Cung Trầm Tưởng đã
vượt xa, xa lắc xa lơ trong cõi vô tận của lịch sử và vũ
trụ. Với cuộc sống Cung còn đó, nhưng trong văn học sử đất
nước, Cung đã bất tử. Vậy mà Cung đang mơ ước một cõi phục
sinh hay hóa sinh nào đó cho chính ông? Có lẽ Cung–Thơ đang hay
đã đi trên hành trình này? Ai biết được cung đường đó có
phải là hành trình cuối cùng của CTT hay không? Phải không?
Hay CTT còn vượt cao hơn trên một hành trình nào
nữa? Và phải chăng hành trình đó sẽ đưa ông lên tận đỉnh
cao nhất của thi ca ––siêu của siêu thực–– mà không còn ở
trên các triền phiếm định nữa? Phải chăng trên hành trình
đó khí huyết thơ [nặng kiếp nhân sinh] sẽ trở thành “thanh
khí thơ” [thoát phàm, phiêu hốt] trong cõi hạo nhiên lâng lâng
thiên địa? Phải chăng hành trình cuối cùng của một Cung–Thơ
là hành trình của một “thiên sứ thơ” bay khắp cùng mà gieo
tiếng “du thi” vào kiếp sống con người như tiếng vi vu của
một tuyến thanh khí xuyên vùng huyễn vũ mong nối hai bờ
cảnh giới của mộng và thực? Ghi nhận này của chúng tôi về
trường hợp mơ ước hóa thân của Cung–Thơ là một thiên sứ thơ
––dù là một fallen god–– không là quá đáng, không xa với lý
giải của nhà nhân chủng học Claude Lévi–Strauss về huyền
thoại, thi ca và uyển ngữ. Ông cho rằng huyền thoại [myth] và
thơ [poetry] giống nhau, có cái huyền nhiệm riêng, và ngôn
ngữ thi ca là thứ uyển ngữ đạt đến mức độ cao nhất vượt
ra khỏi phạm trù ngôn ngữ thông thường.
(14) Thiển
nghĩ uyển ngữ tôi luyện đến mức cao nhất sẽ trở thành uyên
ngữ vô thanh hay siêu thanh. Những nhà Hậu Cấu Trúc Luận,
Barthes hay Derrida, chỉ cho chúng tôi cách tìm cái vô thanh
hay siêu thanh của uyên ngữ thi ca, hay là thứ chữ vừa uyển
chuyển vừa uyên bác mang tính lưỡng trạng mà tôi đã đề cập
đến ở trang đầu của bài viết này. Nói rõ hơn hãy tìm cho
ra “mặt trái” của uyên ngữ, thứ “ngôn ngữ đôi” như Giáo sư
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nhã của Đại học Sorbonne nói đến
(15) ––the
opposite meanings of signs–– sẽ tìm ra được cái vô thức, vô
ngữ, vô thanh trong “ngữ sự” thi ca hữu thức, hữu ngữ và
hữu thanh của thơ siêu thực.
Vậy xin để tôi nói trước
tiên về bước chuyển thái tư tưởng và triết lý sống của CTT
từ khúc ngoặc lớn nhất của cuộc đời CTT rồi dò lần tìm
tận nguồn ngọn tinh tuyền lớn này của nhân loại. Ngọn tinh
tuyền này có thể bắt nguồn từ “những triền dốc vầu đến
những triền phiếm định”. Tức là từ con đường của hữu thức
mà chuyển dần vào vô vi theo nguyên lý của các nhà trí
thức lớn nêu trên, hay nói cách khác là đi tìm nguồn gốc
của siêu thực từ quan niệm “ngôn ngữ đôi” của ngữ sự thi ca.
Xin đọc bài thơ lục bát này của CTT về tư cách làm
người của ông vươn cao như loại “vầu” ––hay một giống thuộc
họ tre, trúc, tầm vông, lồ–ồ nhưng thân chắc, lóng thưa,
suông sẻ không có gai và thẳng đứng, rất đẹp–– chỉ các
cánh rừng miền núi non tây bắc Bắc Việt mới có, không thấy
có ở miền Trung và miền Nam Việt Nam. Bài thơ chứng tỏ ý
chí và quyết tâm vượt lên của CTT:
BIỂU TƯỢNG
Lòng ta đứng vững như vầu
Thân cao lóng thẳng giữa bầu
trời xanh.
Sum suê cây hút nhựa lành
Nguồn sâu đất dưới
hóa thành lá trên.
Cực hình ác thú gây nên
May bằng
nứa tép đứng bên vầu già.
Mỗi ngày vầu mỗi cứng ra,
Đổi thay lá mới, đậm đà lóng tươi.
Vầu đanh như thép
sáng ngời,
Nắng mưa thì cũng trọn đời đứng ngay.
Một độc giả trẻ đọc bài thơ (MHTT, trang 173) này sẽ không
thấy gì khác hơn hay chỉ thấy Cung Trầm Tưởng là một đấng
trượng phu, ví như loại vầu đứng thẳng vươn mình lên cao trên
bầu trời xanh. Ngay cả những vị từng xông pha trận mạc văn
chương, chữ nghĩa, có thể cũng chỉ nhìn thấy mặt nổi thể
hiện trong thi ngữ của bài thơ, nghĩa là thấy một CTT tù
nhân chính trị hiên ngang đối mặt với kẻ thù, vững vàng và
vượt cao như các bậc chính nhân quân tử vẫn lấy tre trúc
làm biểu tượng cho tư cách thanh cao chính trực của mình.
Nhưng những người cùng đi tù như CTT ở miền thượng du tây
bắc miền Bắc Việt Nam, như chúng tôi, mới có thể nhìn thấy
những dòng thơ tất nhiên là hữu ngữ, hữu thanh và hữu thức
này của CTT là tạo phẩm của những niềm uất hận không nguôi.
Chúng tôi cảm nhận cái đau buốt thấm tận não tuỷ của CTT
ẩn chìm trong những câu thơ thanh thản đầy khí phách này.
Chưa hẳn đó là một bài thơ đủ đẹp mà chúng tôi thích trên
bình diện thi ca nhưng chính những dòng thơ đó đã làm nước
mắt của chúng tôi thầm rơi khi nghĩ lại sự phấn đấu vô
cùng cay nghiệt trong những ngày đứng giữa rừng vầu của
núi rừng Việt Bắc.
Nhắc lại để mà nhớ và cũng để
chứng minh lời trình bày chân tình trên đây: Trung tuần tháng
6 năm 1976, ở đợt thứ nhất, CSVN đưa hàng nghìn sĩ quan cao
cấp miền Nam cấp trung tá ––lúc đó đã bị tập trung ở căn
cứ Long Giao, tỉnh Long Khánh vừa đúng một năm–– ra miền Bắc
bằng tàu thủy cận duyên. Sau bốn ngày đêm bị dồn cứng trong
lòng tàu thủy trước đó bộ đội CSBV dùng để chở súc vật,
tất cả sĩ quan tù chính trị được đưa đến trạm trung chuyển
Bến Thủy thuộc Vinh, Bắc Việt, vào giữa khuya. Từ đó chúng
chuyển tất cả hàng nghìn người nói trên ––mà chúng bảo là
“có nợ máu” nhiều nhất với nhân dân–– bằng tàu hỏa xuyên qua
Hà Nội lên ga Yên Bái, rồi chuyển tiếp bằng quân xa che kín
bạt lên vùng rừng núi Tây bắc, Sơn La và Hoàng Liên Sơn. Đợt
này, các tù nhân chính trị, trong đó có Cung Trầm Tưởng và
chúng tôi, bị phân tán giam giữ trong các trại tù quân quản
(trại tù do bộ đội CSBV phụ trách) trong các vùng này.
Chúng phân tù nhân ra thành từng đội, mỗi đội chừng trên ba
mươi người và bắt đi lao động từ sáng sớm cho đến chiều
tàn: các đội tù nhân khỏe mạnh phải vào rừng sâu núi cao
đốn cây, chặt vầu và cắt tranh kéo về xây trại tù; các
đội tù nhân lớn tuổi, đau yếu, sức khỏe kém thì trồng khoai
sắn, bắp, đậu và rau cải chung quanh trại, hay làm thủ công
đan lát.
Trong mấy tháng đầu tiên, từ sáng sớm mỗi
tù nhân trong các đội khỏe mạnh được phát cho một dụng cụ
cần cho việc đẵn gỗ, chặt vầu và cắt tranh. Vầu là nhu
liệu cần nhiều nhất cho việc dựng các lán trại nên số tù
chính trị cắt cử đi chặt vầu nhiều hơn. Muốn tìm rừng vầu
phải theo đường mòn lên các vùng đồi núi cao cách căn trại
năm bảy cây số. Vầu thường mọc ở triền núi cao và ở các
thung lũng nằm giữa triền của hai vùng đồi cao. Muốn chặt
một bó vầu hai mươi cây ––như chỉ tiêu của các cai tù quân
quản ấn định cho mỗi ngày–– chúng tôi phải theo đường mòn
lên các triền núi cao trên cả nghìn thước tìm các khu rừng
vầu thân cây không lớn và tầm cao vừa phải đủ tiêu chuẩn và
đủ sức bó vác về trại. Muốn tìm được loại vầu vừa tầm
đó phải lần mò xuống các thung lũng cách đường mòn trên
triền núi cả trăm thước. Đứng ở đường mòn trên triền núi
cao ngẩng đầu lên thấy vùng trời tĩnh lặng, lửng lơ những
vần mây trong những ngày nắng. Ngược lại, trong những ngày
trời động sắp chuyển mưa bầu trời xám xịt, trời thật gần
vói tay đã tới, nhưng đó là thứ trời hung hãn dữ dằn với
mây bay mau vần vũ, u ám, gió thổi mạnh, rừng núi chao đảo,
ai mà không thấy cô đơn tràn đầy, run rẩy tận tâm hồn vì ghê
rợn sợ sệt, ai mà không tự hỏi tại sao mình lại lọt vào
vùng trời đất cay nghiệt, ẩm đục, thê lương này? Vậy mà cái
đau trên các triền đồi vẫn chưa thấm đậm bằng nỗi đau khi
xuống sâu hơn trên thung lũng vầu. Ngày nắng, nhìn lên chỉ
thấy thân vầu cao vót, lá vầu đan nhau rợp che mất trời;
nhìn xuống là cảnh mờ mờ ảm đạm vắng vẻ hoang sơ, cái
rờn rợn dâng lên, nếu không có lưỡi quắm nắm trên tay để
chặt vầu thì không tránh khỏi sợ hãi. Còn ngày mưa thì
đáy thung lũng vầu là địa ngục, lầy lội, tối xâm xẩm mờ
ảo, mưa len lỏi thấm ướt người, rét mướt, lạnh căm, tưởng
là đang đứng trên đất chết. Cuối cùng bản năng vùng lên,
quật những vết chém xéo thật mạnh vào thân vầu, ngọt xớt,
cây vầu lìa gốc cắm xuống đất lầy. Phải dùng sức mà nhổ
nó lên rồi kéo cho cành lá của nó rời khỏi cành lá của
các cây vầu khác đan nhau trên cao cho nó nằm xuống mặt đất,
rồi xớn cành lá, rồi lôi nó lên đường mòn trên triền đồi.
Rồi ở trên bờ lề của con đường mòn trên triền núi đó
chúng tôi bó từng cây, từng cây vào với nhau thật chặt chẽ
thành hai bó. Mỗi bó mười cây vầu dài chừng bảy, tám
thước theo “tiêu chuẩn lao động” mỗi ngày bọn cai tù ấn
định cho chúng tôi. Bó xong hai bó vầu mồ hôi toát vã đầy
người, mưa thì đã thấm vào đâu. Cái lạnh của mồ hôi khô
dần quánh lại mới lạnh thấm tận đỉnh linh hồn khi chúng
tôi mang được cả hai bó vầu về trại tù.
Nếu đường
lên triền xuống lũng chặt vầu vất vả gian khổ có một thì
đường xuống triền kéo vầu theo lối mòn dốc núi mang được
bó vầu về trại lại gian khổ và nguy hiểm gấp nhiều lần,
chẳng khác nào đi trên đoạn đường vào cõi chết. Thực sự,
có thể chết ngay, chết nhầy nhụa vỡ đầu, gẫy cổ, lọi
xương, nát thịt nếu chúng tôi không biết bước những bước
chân ngang. Câu hỏi được đặt ra là: tại sao?
Xin tưởng
tượng một con đường mòn độc nhất chạy lên một ngọn núi
hoang vắng ––ở độ cao từ 600m đến 1,000m trên mực nước biển,
hoặc cao hơn nữa–– trong những ngọn núi vùng thượng du tây
bắc Bắc Việt từ Sơn La lên Nghĩa Lộ và Hoàng Liên Sơn của
dãy núi Fansiban cao nhất Việt Nam. Vùng núi cao này nằm
chuỗi dài theo hữu ngạn Sông Hồng từ biên giới Lao Cai đổ
xuống đông nam qua vùng đất cao Phú Lố và Yên Bái–– trước
khi con sông này mang phù sa đỏ đổ xuống tạo nên vùng đồng
bằng Sông Hồng [the Red River Delta] và Hà Nội. Ở vùng núi
non cao này, những con đường mòn lên xuống từng ngọn núi là
sinh lộ của cư dân sống nhờ vào sản phẩm khai thác trong
rừng: vầu, nứa, dang, mây và các loại cây rừng. Phần đất
đai thấp dưới chân núi, con đường mòn đó xuyên qua thôn bản
của thổ dân Mường, Mán, Tày trồng trà, lúa, ngô, khoai, sắn
và chăn nuôi súc vật. Ngược lại ở những ngọn núi cao các
sắc dân Mèo, Thái trồng loại cây hoa phù dung ––thường gọi
là á–phiện–– cũng dùng những con đường độc đạo này lên
xuống núi đổi chác sản phẩm của họ lấy muối và các nhu
cầu sinh sống khác. Con đường mà chúng tôi đi chặt vầu, đẵn
gỗ, cắt tranh lập lán trại tù, là một trong những con
đường độc đạo như vậy xuyên thôn bản, xuyên rừng lên núi
thấp, núi cao, cao hơn nữa trên các triền dốc dựng mà hằng
ngày không gian thường ẩm đục, cảnh thái hoang vu, yên ả
nhưng rờn rợn khi nghe tiếng gió rút lưng đèo, tiếng rừng
chuyển động.
Vì ở thế đất núi non cao nên con đường
độc đạo ––dù là các đoạn trên núi–– thường ướt đẫm lầy
lội, nhất là vào buổi sáng sớm và sắp xế chiều, mây thật
gần, không gian ẩm đục, hay mưa sương rơi mịt mịt dù không
nặng hột. Lầy lội còn do những cơn mưa lớn của đêm trước
gây ra từ cuối mùa cuối thu cho đến hết mùa đông; mưa đêm
nhiều ngày nắng ít là chuyện thường. Ngày lên mà ẩm ướt
vẫn còn đọng lại trên trời và âm u dưới đất. Con đường là
mạch sống của một lớp người nhưng là lối chết có thể vùi
chôn thân phận của một lớp người khác ––những người tù
chính trị như chúng tôi. Cư dân ở trong các vùng rừng núi
đó, dù lên hay xuống núi, thường bước những bước chân xuôi
thoải mái, dễ dàng trên những con đường núi độc đạo như
vậy, nhưng chúng tôi phải đi bằng những bước chân ngang hiểm
nguy, sinh tử. Khi lên núi đi tìm vầu, dù lầy lội, dù dốc
cao triền thoải hay triền dựng, chúng tôi cũng không ngại
lắm vì có thể chống một cây gậy tre mà đi lần lên vừa đỡ
trơn trợt vừa đỡ mệt. Khi đem hai bó vầu xuống núi là một
sự ngược lại, mệt mỏi cả thân thể lẫn tinh thần vì phải
kềm giữ thế nào để tránh bớt nguy hiểm. Mỗi lần chỉ đem
xuống một bó vầu mười cây. Trong buổi sáng, cần phải mang
cả hai bó vầu xuống núi. Một bó đem thẳng về trại, một
bó khắc dấu riêng trên thân các cây vầu và để ở một bãi
thấp nào đó trên núi; buổi quá trưa xuất trại lao động
tiếp, sẽ đến đó mang nốt bó thứ hai này về trại. Mọi tù
nhân chính trị đi chặt vầu đều làm như vậy cho mỗi ngày lao
động. Chúng tôi có thể để bó vầu thứ hai này ở chung một
bãi; không ai lấy nhầm của người khác. Sở dĩ phải theo lối
làm việc dồn cả sức lực vào buổi sáng vì ai cũng sợ cái
tĩnh mịch ảm đạm rờn rợn của núi rừng chiều, đồi gió,
lũng sương.
Trong buổi sáng, chặt vầu xong, lôi từng
cây từ lũng lên trên triền đặt bên lề đường, bó lại. Bó
vầu phải thật thận trọng. Nếu buộc bó không chặt chẽ, mang
bó vầu đi xuống dốc nguy hiểm không lường được khi dây buộc
lỏng hay bị đứt làm cho các cây vầu bung ra. Mỗi bó vầu
phải bó bằng hai mối dây ở hai nơi khác nhau. Mối thứ nhất
cách phần gốc bó vầu chừng năm tấc, mối thứ hai vào
khoảng giữa bó. Mỗi mối dây dài chừng hai sải tay (trên 2
thước) từ thân bó vầu đến tay nắm, để tùy theo thế đất co
dãn dây khi kéo bó vầu đi.
Khi xuống núi, đặt bó vầu
trên đường mòn nằm xuôi theo dốc xuống, phần gốc ở dưới
phần ngọn ở trên. Thận trọng kéo bó vầu đi. Ở những quãng
đường “yên ngựa” trên núi ––hay đoạn đường mòn không có độ
dốc, nhiều quãng dài nhất chỉ chừng trên dưới một trăm
bước–– phải vác bó vầu lên vai. Ở những quãng đường độ
dốc thoải, bó vầu tuy không bị sức đẩy quán tính kéo tuôn,
cũng không dám vác vì sợ trợt ngã, mà phải dùng cả hai
tay nắm mối dây phía trước vừa bước vừa kéo bó vầu từ lề
đường này sang lề đường kia đi về phía dưới ––nghĩa là bó
vầu được kéo theo đường chữ chi (z)–– nhưng chúng tôi phải
bước bằng những bước ngang của hai chân: đi ngang. Nếu bước
xuôi như thường lệ, chân trước chân sau và kéo bó vầu nặng
giữa lòng đường, sợ bất thần bị trợt, bó vầu tuột băng
xuống đâm thẳng vào chân vào người thì chỉ có nước chết.
Ở quãng đường độ dốc dựng hơn, cả bó vầu như trơn tuột
chạy theo lòng rãnh giữa đường trơn trợt theo sức đẩy quán
tính lao xuống phía dưới nếu hai tay không nắm chặt cả hai
mối dây buộc ở đầu và giữa thân bó vầu mà “hãm phanh” đà
tuôn của nó lại ––như hai cái thắng–– rồi từ từ đi xuống;
muốn như vậy thì cũng phải bước đi ngang, nghĩa là có thể
nhìn lên hướng dốc trên và nhìn xuống hướng dốc dưới. Vì,
phía dốc trên biết đâu không có một người bạn tù đang kéo
vầu xuống và biết đâu phía dốc dưới cũng có một bạn
khác. Do dó, để tránh bớt nguy hiểm, trước khi kéo bó vầu
xuống chúng tôi thường hú to lên để người dốc trên kẻ dốc
dưới đều nghe. Nếu có tiếng hú đáp lại thì càng phải
thận trọng hơn. Nếu nắm hai mối dây ––không chỉ là nắm mà
còn quấn chặt hai đầu dây vào mu và lòng bàn tay, kể cả
cổ tay–– mà vẫn không kềm hãm được, bó vầu sẽ tuôn xuống
dốc dựng cùng với người kéo, có nghĩa là chết không toàn
thây, mà có thể còn báng vào người bạn tù dốc dưới lôi
người đó vào chung cõi chết. Những bước chân ngang và giữ
cho thật chặt bó vầu trong hai tay nắm hai đầu dây là thứ
triết lý khoa học hữu dụng thiết thực, có nghĩa là không
muốn đánh đu số phận của mình và càng không thể đem số
phận người khác mà đánh đu với sự đẩy quán tính vô tình
của vật lý học. Triết lý “giữ cho mình và giữ cho người”
này không đồng nghĩa với bản năng sinh tồn. Đó là tinh thần
mã thượng của một quân nhân, dù họ đã là những tù binh
của CSVN. Trong trận địa ngày trước, nhiều người đã lấy
thân mà chắn đạn cho bạn. Tinh thần này họ mang cả vào cảnh
tù tội mà che chở cho nhau. Cũng chính vì sự thận trọng
này để tránh sự chết chóc hay gây thương tích cho nhau khi
kéo vầu xuống dốc, nên ít khi hai hay ba người trong chúng
tôi cùng chặt vầu ở một bãi vầu mặc dù cùng “lao động”
chung trong một rừng vầu. Vì vậy, mỗi khi một mình đi trên
triền dốc mù sương hay đứng dưới lũng vầu u ám chúng tôi
cảm thấy cái rờn rợn của núi rừng, cái cô đơn của riêng
mình và cái tủi nhục thân phận của một người thua trận.
Cũng vì vậy, cần phải chiến đấu với chính bản thân và
với cả tử thần.
Sau cùng chúng tôi đã dạn dày hơn
và đã chiến thắng tử thần. Nhưng Cung Trầm Tưởng đã vượt
lên cao ngoài vòng cương tỏa của cảnh giới và thân phận một
người tù chính trị. Trên những triền dốc vầu đó chúng tôi
vật vã trong những ngày tháng đầu nhưng thời gian sau đó đã
có thể lợi dụng buổi lao động chiều mà “du lãm” xa vùng
chặt vầu đôi chút, rồi dần dần đi xa xa thêm, kể cả việc đi
tìm thêm thứ thực phẩm tươi “cải thiện” –nói trắng ra là
tự tìm thứ gì đó ăn thêm cho đỡ đói. Cơm tù chỉ là khoai
sắn lát mốc meo”. Đói lắm. Ngược lại, CTT chắc đã làm
khác hơn chúng tôi. Có thể ở những buổi chiều ông trở lên
núi để nhìn lại phong quang đọng lại của con đường cõi
chết và những dấu chân ngang của mình mà định lại thế
đứng của mình trong cõi đất trời. Ông đã vượt qua tất cả
mọi gian khồ, tủi nhục, nguy hiểm, thương tật, chết chóc
trên những triền dốc vầu đó. Vượt xa, nên mới có thề viết
nổi bài thơ “Biểu Tượng” ở trên ––một tâm trạng mặt nổi ấp
ủ những nỗi ngậm ngùi và những niềm uất hận không nguôi.
Mặt trái của bài thơ trên có thề nhìn thấy trong bài thơ
dưới đây.
NHƯ CÂY LAU CÚI BẠC ĐẦU
Mấy năm đày
xứ chon von,
Sương lam khí chướng xói mòn ruột gan.
Đá
tênh hênh lắm mưa ngàn,
Đã lao đao lắm suối tràn khe sâu.
Sắt se lau cúi bạc đầu,
Lom khom núi cáng đáng vầu trên
lưng.
Nai kêu đau nức nở rừng,
Lá lao xao rụng, mây lừng
khừng trôi.
Năm chung tháng tận đây rồi!
Tết chi Tết
vẫn chưa hồi sinh xuân.
Thương con tim xót trăm lần,
Nhớ
em lòng đứt muôn phần lẻ loi.
Tết về tìm mảnh gương soi,
Nhà tan nước mất, thiệt thòi là ta.
Chút cơm khê nguội
ngắt và,
Nuốt cho tận nghĩa đậm đà xót thương.
Và đi
cho tới cùng đường
Của heo hút xứ khôn lường khổ đau.
Thoắt đi tóc đã phai màu
Như nghìn tang trắng quấn đầu vi
lô.
Chiều tê sương sập nấm mồ
Vùi chôn chú bé mơ hồ
năm xưa.
Bài thơ này (MHTT, trang 156) CTT làm ở Hoàng
Liên Sơn, miền Bắc, năm 1978, hơn hai năm sau khi bị chuyển từ
Long Giao miền Nam ra thụ đày ở đó và đã trải mấy độ mùa
điêu đứng sống chết trên các triền dốc vầu. Ông viết bài
này chỉ vài tháng trước bài “Biểu Tượng”. Thời gian cách
nhau ngắn ngủi nhưng CTT đã vượt qua định mệnh, từ một giác
đấu bất đắc dĩ ––buồn thảm và tủi nhục–– trở thành một
trượng phu kiên cường. Hơn thế nữa, ông đã nung nấu tư tưởng
và uyên hóa thi ngôn đến độ hung vàng trên các triền dốc vầu
đó, biến các triền này thành những thứ “triền” khác trong
thơ để trở thành một đại thi hào với nghĩa chín chắn của
từ này, mặc dù trước đó ông đã là một nhà thơ lãng mạn
nổi tiếng. Nhưng lúc đó chúng tôi chưa nhìn thấy CTT là một
đại thi hào. Bài thơ trên đây mang đúng tâm trạng của nhà thơ
“còn chưa lớn” mà chính CTT tự gọi là “chú bé mơ hồ”. Sự
thực thì “chú bé mơ hồ” đã thành một Phù Đổng Thiên Vương
sau khi giặc Hồ tràn vào miền Nam và đưa cả một lớp người
trí thức miền Nam vào cảnh lao lý tử sinh như vậy. Nếu ông
không là một phù đổng của trận mạc khói lửa thì ông cũng
là một phù đổng ––của nền thi ca Việt Nam hiện đại–– đánh
một trận giặc lớn lao của một trăm năm vừa qua khi người ta
dùng quốc ngữ mà viết văn chương: đó là trận giặc “mặc
cảm tự thị” của những ai đó chưa thực sự muốn cho chúng ta
lớn trên phương diện tư tưởng và ngôn ngữ thơ, nói riêng, và
nền văn học Việt Nam nói chung. Đó cũng là trận đánh lớn
lao chống thứ “lương tri thế tận” của các tay trùm chính
trị, quân sự và văn học nô dịch CSVN. Xin đọc kỹ MHTT của
CTT, chỉ riêng một câu thơ “quỷ hận rống ven đô” cũng là một
nhóm từ vô cùng dữ dội gấp nhiều lần so với nhóm từ
“những tên khổng lồ không tim” ––đã từng được một nhà văn
Nhân Văn & Giai Phẩm dùng–– để chỉ những người CSVN. Khi viết
về “bộ đội hung hãn của CSVN tấn công dữ dội ven đô Sài
Gòn, Tết Mậu Thân, 1968” không câu thơ nào đẹp hơn câu thơ của
CTT. Xin đọc kỹ sẽ thấy nhóm chữ “quỷ hận rống” là nhóm
chữ của thơ, rất thơ, dù thanh âm mạnh bạo nhưng không phải
loại chữ nào đó kêu gọi sự giết chóc của những văn nô
miền Bắc như Tố Hữu, Chế Lan Viên, kể cả Xuân Diệu hay một
nhóm từ nào đó của tâm lý chiến miền Nam, mà là một ngữ
sự riêng của CTT ––làm thơ với thứ chữ của thơ, chọn lọc,
chính xác–– để chỉ một “loại vật” khủng khiếp với tiếng
rống dã man hơn loài thú rừng dữ tợn hung hãn nhất ––những
người CSVN–– đến mức đó là tinh luyện, là tuyệt vời.
Nhờ CTT mà chúng tôi chợt hiểu ra rằng những triền núi
với con đường mòn “dốc vầu” vô hình chung đã trở thành đại
lộ biến chúng tôi ––những tù nhân chính trị tầm thường––
bước đi và để trở thành những con người bất trị, vững
vàng hơn về tinh thần và lớn mạnh hơn về tri thức. Đó cũng
là con đường đưa chúng tôi đi tìm chân giá trị của cuộc
sống và biết sống hữu ích hơn cho bản thân, gia đình và
đất nước....
Riêng CTT, các triền dốc vầu đó còn có
thể là con đường ngắn nhất đưa ông vào lịch sử bất diệt
của riêng ông. Trong mùa đông rét buốt, trên các triền dốc
vầu này, trời gần, mây lộng, gió chuyển, rừng chao, hay cả
trong cái hoang vắng tịch mịch của đồi cao, lũng thấp chúng
tôi chỉ nhìn thấy hay nghe được sự hiển nhiên hữu hình, hữu
sắc, hữu thanh của núi rừng và nhiều khi cảm thấy cả sự
sợ sệt trước cảnh thiên nhiên huyền hoặc ảm đạm đó và nỗi
cô đơn của mình, nhưng nhà thơ của chúng ta khác hơn. Ông ta
đã chẳng những nắm bắt được cái quán tính vật lý của
khoa học, mà còn nắm bắt được cái quán tính của thời gian
và không gian vô lượng của triết học Đông, Tây. Ông đem những
thứ đó vào văn học làm rực rỡ thi ca hơn bất cứ một thi
hào hiện đại nào. CTT đã lắm lần, từ các triền núi từ
miền Bắc đến miền Nam, chỉ trong một sát–na của thiên thu vô
tận, bắt được cái tinh thể ––hay cái hồn không thấy được––
của núi rừng, trời đất, rồi viết thành tấu khúc thơ với
một ngữ sự lộng lẫy:
Hãy nhìn Núi lung linh bất
diệt
Tóc nửa đời ngời chói sương mai.
Rễ bắt sâu đáy
tầng địa chất,
Nên nắng mưa Núi cũng chẳng sờn.
Hãy lắng nghe bằng lăng dìu dặt,
Suối vỗ về tình tự
ngân trong,
Sáo trên tre hót nhảy vào lòng
Bài mi thứ
mang mang trừu tượng.
Mỗi sớm trong nhà chung tâm
tưởng,
Anh qùy làm lễ hỏi lòng em.
Ánh sao xanh, nước
thánh rẩy môi mềm,
Tàn vũ trụ bay trong trời mắt thẫm.
Các khổ thơ trên trích trong bài thơ “Núi và Suối, Một
Huyền Sử” (trang 444, MHTT) là một tầm nhìn xoáy sâu vào
cái hữu thức ẩn chìm như “rễ của núi” bắt sâu trong lòng
đất mà chúng ta thường không nhìn thấy hay nghĩ tới. Thử
hỏi làm sao CTT thấy và nghĩ tới? Đồng thời cả khổ thơ
bốn câu này lại ấp ủ một thứ tình cảm thiêng liêng siêu
thức là tình yêu núi sông mà cũng chỉ riêng những ai nhìn
được chiều sâu tư tưởng thơ của CTT mới nhìn thấy chiều sâu
của thi ngôn thể hiện một biến tự độc đáo và siêu thực
của ông. Rễ của núi Mây Tào, rễ của dãy Trường Sơn, rễ
của ngọn Hồng Lĩnh hay rễ của rặng Hoàng Liên Sơn đều bắt
sâu vào các tầng địa chất của Đất Mẹ; sư gợi ý về tấm
tình cao vọi ấy được thể hiện ngay trong tựa của bài thơ.
Còn câu trích dẫn cuối trên đây “tàn vũ trụ bay trong trời
mắt thẫm” thật đẹp. “Trời mắt thẫm”, theo tôi hiểu, là vòm
trời rộng bao la, là không gian đầy màu sắc, nhưng “tàn vũ
trụ” luân lưu trong vòm trời đó thì chỉ riêng CTT mới nhìn
thấy. Lạ thực. Tầm nhìn của một đại thi hào là xuyên
suốt, siêu việt như vậy sao? Nhóm từ “tàn vũ trụ” là những
thứ gì đây? Nhóm từ này không định nghĩa được. Ngược lại
có thể định nghĩa là những vụn vỡ của một hình thành
tuyệt đại vĩ mô mà theo khoa học đó là những vụn vỡ của
một “Big Bang” tạo nên vũ trụ và nói theo tín ngưỡng đó là
“Sự Sáng Thế” của Đấng Tạo hóa ––Đức Chúa Trời. Với
thuyết nào đi nữa “tàn vũ trụ” có thể là thứ hữu mục
quan chiêm cũng có thể là thứ hữu thể vô mục như các hành
tinh chết, mảnh vụn của một hành tinh đã tan vỡ hay hạt
nguyên tử luân lưu trong vũ trụ. Nó có thể là tinh thể tồn
tại hay tro bụi của không gian vô lượng, vô thời gian. Nói rõ
hơn là một chuyển động của những vật thể hữu quan hay vô
mục luân lưu trong vũ trụ miên viễn –a motion of a visible or
invisible natural object has permanently circulated in space. Bài
thơ này dài 30 khổ thơ bảy chữ và hai câu thừa gồm tất cả
92 câu như một tấu khúc đột biến tuyệt vời của âm giai từ
một gam tuyệt thấp đến một gam tuyệt cao như kết hợp của
một hình nhi hạ [rễ của núi, tầng địa chất] cực thấp với
một hình nhi thượng cực cao [Núi; vũ trụ”, trời mắt thẫm]
như ở khổ thơ thứ ba khi hai người yêu đang ở trong “nhà chung
tâm tưởng” thi nhân bỗng đổi gam cho tình yêu vút vào không
gian với tàn vũ trụ bay trong trời mắt thẫm làm cho người
đọc nghĩ đến và hiểu rằng “tàn vũ trụ” cũng là một sót
lại của một hình thành đẹp đẽ của một tấm tình ––một
tình yêu với vô vàn định nghĩa–– trong dĩ vãng từ trước
đến nay không thi nhân nào nói, cũng không có người đã nhìn
thấy hay nghĩ đến cái cực nhỏ ở trong một vũ trụ thơ cực
lớn như vậy. Một motion của vật thể khoa học hay sự rung
động tâm thức triết học trong tầm mắt CTT nhìn thấy đã trở
thành những dòng thơ tuyệt mỹ. Bài thơ này còn rất nhiều
khổ thơ đẹp nữa, như:
Hiện hữu thai sinh từ ký ức:
Môi dường hư cấu ở trong tranh,
Mi như đã vẽ trước sinh
thành,
Mẫu nữ qua em thành hiện thể.
Một khổ thơ
nữa:
Rồi sớm đến thơm nguyên, siêu thực,
Đội nâng
trời, bất chấp thời gian,
Cao, xanh hơn, chất ngất nồng
nàn,
Núi mẫn đạt hồn người ngát trẻ.
Và:
Sự tích truyền lan qua thế hệ:
“Nàng là Thần Suối, bạn
bầy chim;
Suối reo con cắt cũng gù mềm;
Trời mới lại
như bảy ngày Sáng Thế.
Một khổ thơ khác chứng tỏ
được sự giải trình về một thương đau sót lại của một hình
thành thương yêu trong dĩ vãng như những “tàn vũ trụ” trong
sự hình thành vĩ mô của khoa học hay huyền thoại:
Rồi
tất yếu chia ly tan tác,
Suối buồn mi ướt lệ mùa thu,
Mang thai bên gối chiếc lao tù,
Tình Núi nuôi trong bầu
khắc khoải.
Từ tâm trạng thương nhớ một người yêu với
những nét diễm kiều của một giai nhân nào đó trong quá
khứ, CTT đã nâng nàng lên thành một “Nữ Thần”, ít nhất là
cho riêng mình, mặc dù Núi Mây Tào cũng có huyền thoại
“Thần Suối”. Tấu khúc tuyệt vời này được CTT viết sau khi
bị đưa từ các trại tù vùng thượng du tây bắc Bắc Việt về
các trại Z–30 (A, B, C, D) gần vùng Núi Mây Tào thuộc tỉnh
Bình Tuy, miền Nam. Tuy nhiên, ngữ sự siêu hình của ông đã
được hoài thai trên các triền dốc vầu Hoàng Liên Sơn mà tôi
nói ở trên. Các bài thơ làm trong thời gian những năm còn ở
trong trại tù vùng núi cao này được CTT đưa vào một tập
riêng ––Tập Bốn: “Những Dấu Chân Ngang Trên Một Triền Phiếm
Định”. Tập thơ này mang tên là “Một Triền Phiếm Định” nhưng
độc giả còn đọc thấy những triền khác nữa trong tập thơ
đó, như “Triền Tư Lự”, “Triền Ái Dấu”, “Triền Ngữ Sự”,
“Triền Mộng Thức” và v.v. Nơi nào cũng mang dấu chân ngang
của ông. Trên các triền này, CTT viết những bài thơ đẹp mang
chứng tích của những hiện thể vô hình luân lưu trong vũ trụ
hay cái rung động thương đau sót lại của một quá vãng đã
hình thành với những khối tình bất diệt thoáng chốc đã tan
biến. Cái thực thể vô hình, cái chuyển thái siêu vi của
cảnh vật, và cái rung chuyển thầm lặng của lòng người
––cũng là invisible motion–– hòa thành những tấu khúc với âm
thanh lạ, nhưng đẹp. Xin đọc:
NHỮNG DẤU CHÂN NGANG TRÊN
MỘT TRIỀN TĨNH LỰ
Gửi lại bờ dấu chân ngang,
Mắt
chong âm bản ngỡ ngàng hoàng hôn.
Gửi heo may phấn màu
hồn
Rắc trong u tịch thoáng bồn chồn đen.
Gửi sông hồ
không thân quen
Lăn tăn luyến nhớ đan xen hãi hùng.
Gửi
sương giăng tang mông lung
Một sao hôm khóc thẹn thùng mù
khơi.
Gửi lao đao rớt một lời
Con chim cô thốt bão trời
cuồng phong.
Gửi thu vần vần long đong,
Nhấp nhô bằng
trắc trên dòng thơ xanh.
Gửi môi săn cổ tự lành
Nhắn
lên cho bớt tròng trành cô phiêu.
Gửi lai do có một điều
Đớn đau rồi cũng hóa trừu tượng bay.
Gửi phong thanh nốt
điệu này
Gói trong dấu lặng đủ đầy duyên cơ.
Bài
này (MHTT, trang 369) là một trong các bài thơ đầu của tập
thơ “Những Dấu Chân Ngang Trên Một Triền Phiếm Định”. Riêng,
trên “triền tĩnh lự” này CTT đã nhìn thấy huyền cơ của cõi
trời và kiếp người cũng như đã tìm thấy được mặt sau của
sự rung chuyển trong vũ trụ “gửi sương giăng tang mông lung”
tuy rằng “trong dấu lặng” mà huyền cơ của đất trời đã được
gói trọn trong tầm nhìn của CTT: một motion vô hình và mầu
nhiệm hiện hữu trong trời đất và trong tâm thức của ông. Ông
cũng thấy được cái nghịch lý của tạo vật:
NGHỊCH
Đổ trọn sức xuân xanh
Cho thu vàng chín mọng.
Kết ngọt tặng vô ơn
Mật đáy lòng đau thắt
Chua dào
dạt.
Bàng vùng lên đỏ ngát
Chết trước lúc tàn
đông.
Đêm hắt đen diệu ảo
Cho long lanh những diện mạo.
Dồn ấm ran sót chót
Làm nắng hạnh khuyên quanh.
Nỗi niềm tây giá lạnh
Kiệt kiệt vàng hôn ảnh.
Ngậm hòa tan đối lập
Vào uyên áo huyền vi.
Kề màu
thiêng liêng rêu cố xanh rì...
Bài thơ trên đây (MHTT,
trang 370) mang diện mạo của chúng tôi ––những tù nhân chính
trị–– chân cứng đá cũng mềm. Chúng tôi mò mẫm trên con
đường mòn dốc vầu tối tăm như đi qua vùng đêm đen mới có
thể trở thành những con người lớn hơn, long lanh, như giải
trình thơ của CTT: “đêm hắt đen diệu ảo cho long lanh những
diện mạo.” Chiếc áo tù có sự huyền vi của nó. Ngậm câm,
chịu đựng, kể cả sự nhận chịu cái chết mà lòng không thay
đổi. Diện mạo của tác giả dĩ nhiên có cung cách riêng,
thật lớn mà tôi từng nói ở trên và sẽ nói thêm. Xin đọc
các dòng thơ này:
Đi vào đường ngắn nhất,
Băng băng
ánh bôn tinh.
Một lát điên thần tình:
Ô kìa! phản vật
chất.
Rơi nơi không là đất,
Nhẹ tếch và vô can,
Buông quán tính trần gian,
Tháo đồ dằn lịch sử.
Bằng thuần khiết tạo sinh
Như Đức Mẹ Đồng Trinh.
Các đoạn thơ trên trích trong bài thơ “Đường Vào Trong Veo”
(MHTT, trang 382). Hai câu thơ cuối của đoạn trích dẫn trên, tô
đậm (những chữ tô đậm trong các đoạn thơ trích hay các chỗ
khác cũng do người viết bài này tô để trình bày rõ hơn
một quan điểm hay ý nghĩ nào đó về CTT–MHTT hoặc một vấn
đề đáng lưu ý khác), ai đọc cũng thấy rõ CTT viết về một
thuần khiết tạo sinh mà Đức Mẹ Đồng Trinh Maria “thụ nhiệm”
như một sứ mệnh huyền vi được giao phó bởi Đấng Tạo hóa
tạo một huyền cơ ––thuần khiết hoài thai–– đưa đến sự
“Giáng Sinh” của Đấng Cứu Thế Jésus Christ. Đây là huyền vi
thứ hai sau huyền vi thứ nhất là bảy ngày “Sáng Thế” của
Đấng Tạo hóa, hay Đức Chúa Trời, theo niềm tin Cơ Đốc Giáo
––Catholicism. [Một huyền vi khác của Đấng Cứu Thế là sự
“phục sinh”.]
Nhưng hình như CTT nhìn thấy, ngoài huyền
cơ thụ nhiệm trên, một cõi thiên đường nào đó có một sự
“Thuần Khiết Tạo Sinh” không theo nguyên lý vật chất mà
“phản vật chất”: một cõi “rơi nơi không là đất, nhẹ tếch
và vô can, buông quán tính trần gian, tháo đồ dằn lịch sử”.
Phải chăng cõi đó là cõi không bị gắn chặt vào quán tính
thời gian và không gian, vô can, vô nhiễm, hữu thể mà vô thể
hay ngược lại, hữu tạo sinh mà bất hủy, bất diệt, chỉ có
hóa thân; phiêu diêu, phiêu hốt. Sự thực ông đã nhìn thấy hay
ông đang mơ ước và đang đi tìm nguồn tạo sinh thuần khiết
đó?
Trước khi nói tiếp về sự lớn lao diệu kỳ của
thơ CTT, thử nghĩ nên nói qua về sự “sinh và diệt”, sự “tái
sinh” và sự “hóa sinh” của vạn vật trong vũ trụ không phản
vật chất theo quan niệm tạo thành và hủy diệt của triết
học phương Đông, Phật và Lão: “hữu sinh, hữu diệt”. Trong vũ
trụ là âm dương luân lưu và trong mọi vật thể là sự tàng
trữ các “hạt nhân” trái nghịch va chạm, xung khắc nhau, tạo
thành sự sinh tồn và hủy diệt: đó là nguyên lực khai sáng
lẫn đối lực tàn phá –force of creation and its opposite, force
of destruction. Phật cho rằng mọi vật, mọi loài hiện hữu
được sinh ra từ bốn cửa, gọi là “tứ sinh” gồm: thai sinh,
noãn sinh, thấp sinh và hóa sinh. Trời đất gồm sáu cõi, gọi
là “lục đạo”: thiên, thần, nhân, địa ngục, ngạc quỷ và súc
sinh. Trong sáu cõi này chỉ có hai cõi nhìn thấy được là
nhân [con người] và súc sinh [muông thú]. Nghiệp căn “luân
hồi” ––hay sự “tái sinh” trong sáu cõi chi phối bởi luật
“nhân quả”. Trong khi đó thì Lão cho rằng “vạn vật đồng
nhất thể”, chết ở kiếp này thì sẽ “hóa sinh” thành một
thứ vật chất khác, bùn đất, cỏ cây, côn trùng và v.v. Theo
Lão “cõi sống hữu thường” như vậy trở thành cõi tạm hữu
hình trong hóa thân vô vi, vô lượng, vô thường, từ một nhất
thể sinh ra âm dương quyện nhau luân chuyển tạo thành cội
nguồn của vũ trụ [nhất thể, lưỡng nghi, tứ tượng, bát
quái và v.v. [Kinh Dịch ––về sự sáng lập và luân lưu vũ
trụ].
Có lẽ CTT hợp với Lão Trang hơn nên chúng ta
thấy ông đang đi tìm siêu thực trong cõi hữu hình như ngày
xưa Lão Tử đã lang bạt tìm cõi Tiên nơi rừng sâu, núi thẳm.
Tuy nhiên CTT còn tiến lên một mức cao hơn. Tuy chấp nhận thai
sinh ––nhưng không hy vọng tái sinh theo Phật hay “đường” hóa
sinh theo Lão–– CTT nói đến một sự kiến tạo hay sáng tạo
siêu hình khác ở một bậc khác hơn là: “Thuần Khiết Tạo
Sinh” dựa trên sự sáng tạo huyền vi Cơ Đốc Giáo. Không thể
khẳng định nhưng có thể hiểu đó là niềm tin của một “tạo
sinh mầu nhiệm”. Và đó là phạm trù duy linh thuần khiết,
một “thụ nhiệm” mới tạo sinh một thiên đường mới trong sáng
hơn, thanh khiết hơn, hòa lương hơn, khác hơn cõi tạo hiện hữu
hiện nay đầy dẫy giông tố bão bùng, chiến tranh chết chóc,
tàn phá và đau khổ triền miên.... Không rõ cõi tạo sinh này
của CTT có khác gì hơn cõi vô hình chuyển động miên viễn
mà “nhẹ tếch” như một “permanent motion” luân lưu trong vũ trụ
là nguyên ủy tạo sinh của vạn vật hay không? Hình như CTT nắm
bắt được cái huyền lý nào khác ngoài tri thức của khoa
học và triết học, nên trước đây trong một bức thơ viết cho
tôi, Cung Trầm Tưởng nói: “Tầm hiểu biết của khoa học và
triết học đã tỏ ra bất cập trước sự thách thức ghê gớm
của những vấn nạn siêu hình, nên cần sự tiếp tay của những
cơn giật mình siêu hình phi thường và hữu ích của trí
tưởng thi nhân dám phá chấp, giũ bỏ những giá trị truyền
thống đóng cặn, nằm ì trong thời gian để phiêu hốt đến
những vùng tân biên unground, nơi không là đất, không có bất
cứ điểm tựa hay hệ quy chiếu nào khác hơn cái linh tri, linh
thị, linh cảm của lãng thi nhân. Nơi của sự cô đơn tuyệt
đối. Ngọn nguồn của sáng tạo.” Có lẽ Cung Trầm Tưởng thấy
cõi đó, muốn du nhập vào, trước tiên bằng ngữ sự thi ca
“đỉnh nguồn tinh tuyền” ––source éthérée, ethereal fountain.”
Nghệ thuật sáng tạo “nghệ thuật” của ông có triết lý riêng
và nhân sinh quan riêng, cũng như “thuần khiết tạo sinh” là
thứ quan điểm duy linh riêng của ông. Cái nghệ thuật đó là
nắm bắt và định hình ngôn ngữ cho một cái lý siêu nhiên,
siêu hình, siêu thực ––là mặt ẩn chìm của tạo vật–– chỉ
có những đầu óc phi thường và sự tưởng tượng vô cùng phong
phú của một thi triết nhân mới bóc trần cái tạo thể để
thay bằng tinh thể thuần khiết của mọi vật trong vũ trụ.
CTT làm được điều này như chính ông viết: “Làm được hiểu ở
đây theo nghĩa tích cực là thay đổi một nguyên trạng hay tạo
ra cái gì mới” (trong “Lời Tựa” của MHTT, trang 33). Từ đó
ông phiêu hốt vào cõi luân lưu “nhẹ tếch và vô can” không còn
hệ lụy mà vào cõi siêu hình trong thi ca.
Không biết
tôi đã chứng minh được tầm thi ca vượt thời gian không gian
của CTT hay chưa? Chưa đâu, vì thơ CTT còn quá nhiều điều để
nói vượt ngoài tầm hiểu biết của tôi. Trên các triền của
con đường dốc vầu này CTT đã làm rất nhiều bài thơ lớn
đẹp vô cùng như những tấu khúc mới, lạ, phá vỡ cái du
dương của âm giai như Derrida nói, như những bức tranh lập thể
của Picasso... không thể trong thoáng chốc đọc mà hiểu, nghe
mà cảm, hay nhìn mà thấy ngay cái diệu ảo tuyệt vời ẩn
chìm của những tác phẩm nghệ thuật của các bộ môn nghệ
thuật này. Dĩ nhiên trong toàn tập MHTT có những bài thơ
khó hiểu, khó thưởng thức. Thiển nghĩ, một cá nhân dù lỗi
lạc thế nào đi nữa cũng không thể đọc thấy hết, hay nghiên
cứu xuyên suốt và phân tích thấu đáo toàn bộ ngữ sự, tư
tưởng và triết lý trong thơ của CTT. Cần một nhóm học giả
hàn lâm mới làm nổi các công việc này. Cũng xin lưu ý, ở
đây tôi viết về CTT chỉ là một bài tản mạn, không phải là
một bài phê bình hội tụ một hình thức cần và đủ với một
nội dung lý luận được trình bày khoa học, tuần tự, lớp
lang của một khuôn mẫu trong một nghiệm xét chặt chẽ và
nghiêm cẩn của sự phê bình văn học mang tính hàn lâm bác
học. Nếu tôi viết về thi ca CTT mà nói lan đến nền thi ca
trong văn học Việt Nam tất sẽ không tránh được vì cái tính
tản mạn vòng vo của nó. Nghĩ đến đâu thì viết đến đó
miễn sao thấu lý đạt tình là đủ rồi. Lý do cũng bởi tư
tưởng thơ của CTT lớn quá; cái triết lý sáng tạo, sinh tạo
và siêu tạo vũ trụ và con người của CTT độc đáo và lạ
lẫm quá; và, ngữ sự rất đặc thù dù rất thơ, rất đẹp,
mới mẻ nhưng cũng rất nhiêu khê.
Nhân tiện, nói đến
đây, chúng tôi xin góp ý về một biệt ngữ ––a phoneme–– của
CTT trên các “triền” này, ít nhất có thể giúp các bạn yêu
thơ trẻ hiểu nhiều bài thơ khác của Cung. Đó là tĩnh từ
“phiếm định”. Biệt ngữ này mới đọc rất khó hiểu. Hãy diễn
giải như thế này. Từ trước trong ngôn ngữ viết hay nói của
Việt ngữ có một tĩnh từ, hay hình dung từ, dễ hiểu và
thông dụng là “khẳng định”. Tĩnh từ này đôi khi cũng được
dùng như một động từ như trong câu sau đây: “Chúng tôi khẳng
định ngôn ngữ thi ca CTT khác hẳn những nhà thơ đồng thời”.
Ở một câu khác, chữ này là tĩnh từ như trong câu: “Cho rằng
‘ngữ sự’ thi ca CTT khác hẳn mọi thi nhân đồng thời là điều
khẳng định.” Tĩnh từ ngược lại của khẳng định là “bất
định”, và cao hơn một bậc là “vô định”. Hai chữ này không
thấy ai dùng làm động từ. Do đó phải coi “khẳng định” phản
nghĩa của hai tĩnh từ trên là một tĩnh từ. Cung Trầm Tưởng
không thích dùng các tĩnh từ “bất định” hay “vô định” mà
dùng chữ “phiếm định” để chỉ sự ngược lại tĩnh từ khẳng
định. Vô định và bất định là thứ triết lý buông xuôi cho
định mệnh, khẳng định là triết lý của sự hiện hữu tuyệt
đối bất di dịch, đáng lẽ không thể có trong ngôn ngữ vì
thực ra khẳng định không hề có bất cứ ở đâu trong vũ trụ
ngoài tiếng nói và hành động của những tên độc tài khát
máu: một Hitler, một Lenin, một Staline, một Mao Trạch Đông,
hay một Hồ Chí Minh. CTT dùng chữ “phiếm định” để chỉ
“thứ–không–hẳn–là–nó”–– của bất cứ vật thể hữu hình hay
một vi mô vô mục nào –[nhỏ nhất như một nguyên tử và các
phản hạt của nó ––neutron and its antimatter: antineutron, chưa
kể những hạt và phản hạt khác của electron là antielectron,
của proton là antiproton; tất cả các hạt và phản hạt vi mô
này một ngày nào biến thái, chuyển thể, khi luân lưu có
thể kết hợp hay xung khắc nhau có thể làm nổ tung vũ trụ
hiện hữu gây nên một Big–Bang mới để hình thành một vũ trụ
vĩ mô mới] và tất cả những thứ đó đều có thể nắm bắt
được. Tức là, đối với ông không có thứ vật thể nào là
hiện thực mà chính là cái nó giấu –la chose est ce qu’elle
cache–– cái không hiện diện này mới chính là cái hồn của
nó hay cái phần vô thể kết tinh bằng tinh túy ẩn chìm trong
nó. Ẩn chìm và hằng sống luân lưu trong vũ trụ với những
quỹ đạo khác nhau. Bóc cái vỏ ngoài bằng đôi mắt, sự
tưởng tượng và cảm tính thụ mẫn siêu thức mới cỏ thề
nhìn ra cái motion, ––cái luân lưu–– của tinh thể, tinh túy
của vạn vật–– là những gì mà một nghệ sĩ tài hoa “có
thề nắm bắt được” rồi “định hình thứ hồn ấy vào một ngôn
ngữ thơ, một tấu khúc, một bức tranh, một sáng tạo nghệ
thuật mà “một trăm năm sau, khi kẻ lạ ngắm nó, nó sẽ
chuyển động trở lại vì nó là sự sống.” Như William Faulkner
nói [“The aim of every artist is to arrest motion, which is life,
by artificial means and hold it fixed, so that a hundred years
later, when a stranger looks at it, it moves again since it is
life.” [MHTT, trang 29].
Sau khi ra khỏi các trại tù
CSVN, tôi nghĩ rằng CTT đang đi trên con đường tiếp tục bắt
cái luân lưu của vạn vật mà ông đã luyện nhãn, luyện thức
và luyện ngôn từ các triền phiếm định của những dốc vầu
Hoàng Liên Sơn, chẳng những định hình được chúng trong thi ca
mà còn muốn hòa nhập vào các thứ ấy như một phục sinh hay
một hóa sinh, siêu của siêu hình. Ông còn muốn bay xa hơn nữa
như một thiên sứ thơ, mang du thi vào cõi vô tận miên viễn,
dựng cho mình một thiên đường mới “thuần khiết tạo sinh”
với ngữ sự lạ lùng nhưng mới mẻ, mang âm điệu tuyệt vời
và đầy sức sống mãnh liệt theo cái triết lý vượt lên vượt
lên mãi để vào cõi bất diệt của ông.
Nếu đúng như
vậy, tiếng thơ từ cõi thiên du miên viễn ấy sẽ không còn là
“ngữ sự” của thi ca mà là tiếng khải huyền siêu thanh vọng
lại của một Cung–Thơ thiên sứ không dễ cho nhà tân Tử Kỳ
của thời đại này tìm được một Bá Nha tri âm. Tất nhiên CTT
sẽ phủ nhận một anh Tử Kỳ vô tích sự, vì ông là một nhà
thơ. Hơn nữa, tiếng thơ huyền ảo có sức truyền cảm sâu thẳm
và miên viễn hơn tiếng nhạc dù là những khúc nghê thường đi
nữa. Nhạc có thể tái tạo âm thanh của thiên nhiên mà không
thể tái tạo âm thanh của tâm hồn. Thử hỏi âm thanh của tâm
hồn là gì? Phải chăng là tiếng run rẩy siêu thanh? Và đó
là thơ. Thơ đến mức siêu thanh một lần khởi phát, sẽ mãi
còn văng vẳng trong tai nhân loại yêu thơ; mãi mãi. Và, nếu
thơ được coi là một rung động siêu thanh của tâm hồn thi nhân
thì thơ là đỉnh nguồn của nhân loại vì sự rung động là
một “motion” siêu thức nào khác gì “motion” dù là của một
vi thể hay sự giao thoa của âm dương trong vũ trụ, không thể
tự nhiên mà có. Phải do một Đấng Tạo hóa dựng nên. Và,
phải chăng tạo hóa, người, và thơ chỉ là một ––nhất thể,
nhất nguyên–– mà Lão Trang nói? Phải chăng thơ là huyền vi
Levi–Strauss đã nói? Người ta đang đi tìm chân lý. Phải chăng
CTT cũng đang đi tìm... một thiên đường “thuần khiết tạo
sinh” mà thực chất là đi tìm quê hương của thơ?
CTT tự
nhận đang đi tìm một thiên đường mới và đã ngậm ngùi đánh
mất thiên đường cũ. Thôi xin cứ biết như vậy cho đến khi có
một phản biện nào đó sau này. Hãy chấp nhận một khải
huyền của một Cung–Thơ hiện nay.
Trên tiến trình đó
của Cung Trầm Tưởng, người yêu thơ không thể quên bài thơ
khởi đầu các hành trình phục sinh và khải huyền của Cung.
Bài thơ siêu thực này là một điển tụ, nếu không kể những
bài phong phú khác tản mạn trong CTT–MTTT:
MỘT CHUYẾN
HẢI HÀNH
Người sau cơn địa chấn
Tìm về trái đất
hoang.
Ngẩng xem trời lốc bụi
Tôi quên lối thiên đàng.
Lưới xanh dù lớn mắt,
Ý nào thoát được đây!
Tôi
giong con tàu biển
Đi xuyên áng mịt mù
Với cô đơn cờ
súy
Treo cao đỉnh buồn phiền.
Tàu đi không la bàn,
Âu lo làm viễn kính,
Tôi soi tôi–cùng–thẳm,
Thấy nghìn
trùng hư vô.
Vừa cầm lái vừa xúc than,
Tôi cùng
tôi–hành khách
Nửa đêm ngồi đối thoại
Bằng tiếng lời
lặng im.
Sớm mai khi ngủ dậy,
Muối nồng trái tim
căng,
Cầm tiêu tôi phiêu hốt
Thổi gọi bầy hải nga.
Mây bay trời xanh biếc,
Trên lưng sóng bạc ngời
Thảnh thơi tàu rẽ lái
Cập bờ đảo hoang vu.
Nằm
phơi thân phiến đá,
Phập phồng thở nắng mưa,
Sương trinh
làm dưỡng cốc,
Tôi hóa gốc cây rừng.
Quanh tôi đời
bầu bạn,
Mú gấc ửng vây cam,
Ốc bồ quân yếm thắm,
Rùa bông vân hồng thạch
Phơi huyết phách san hô.
Khí
lang thang vạn đại,
Giờ nguội tụ lao xao.
Mưa tuôn liền
thế kỷ,
Đá rữa thành phù sa.
Mùa xuân tôi nảy
lộc,
Môi bung đóa anh đào,
Ủ ươm mình lá nõn
Phất
nên lên thơ ca.
Đầu tôi non búp huệ,
Uyên ương hót
gọi đàn,
Cỏ kim thành mái tóc
Ấm thịt da thơm lừng.
Nghìn sau còn bận rộn
Mầm mộng cấy trồng tôi
Sần
sùi da trái đất
Phổng pháp hồn thanh miêu.
Thanh
miêu CTT ghi chú là mạ xanh. Những biệt ngữ (phonemes) như
vậy có quá nhiều trong tập thơ CTT–MHTT. Sức gợi cảm của
thi ngữ và thi ý mới mẻ trong những đặc phẩm (mythemes)
viết hai tay và thời gian sau đó của Cung càng đọc càng
thấy thấm và đáng được chú trọng. Triết lý trong tư tưởng
thơ của ông thực lớn lao, hướng thượng vươn lên mãi để tiến
xa hơn và cao hơn không phải là thứ triết lý tiêu cực, buông
xuôi cho định mệnh, cho số phận, nổi chìm mặc cho sóng
nước: “Thân như chiếc bách giữa dòng.” Xin suy nghĩ về hai
thái cực này mặc dù cái tuyệt vời của thi ca vẫn phải là
thứ thi ngôn đẹp đẽ nhất. Chỉ nói riêng về phương diện này
thì cái ngữ sự mới, lạ lẫm, nhưng lộng lẫy của thi ca CTT
cũng vượt trội hơn gấp nhiều lần. Còn triết lý thì cách
biệt nhau xa lắm giữa CTT và tác giả câu thơ trên. Một nghìn
trùng xa cách.
Cái tư tưởng rộng lớn, cái triết lý
vượt cao “thuần khiết tạo sinh”, siêu của siêu thực, sự nắm
bắt và định hình những tinh thể trong vắt hay ẩn chìm trong
vũ trụ được thể hiện trong nhiều bài thơ ở các tập thơ
khác ngoài Tập IV, nhưng những bài đặc sắc nhất nằm trong
tập sau cùng là Tập VII. Trong tập này, chúng tôi còn ghi
nhận ngay được đến những “Khối Tình” lớn hay nhỏ của CTT
–nhất là hình ảnh những nàng thơ của ông đã được “tinh
ròng hóa”, hay nói cách khác là “thanh khiết hóa” như những
thánh nữ, thần nữ, đẹp từ làn da đến một “kết thể nữ”
lộng lẫy, long lanh như những tượng ngọc, thể hiện sức
quyến rũ mãnh liệt mà nhiệm mầu để tạo sự trường sinh
của con người trong vũ trụ. Một tạo sinh truyền giống trong
tình yêu giao hợp thần thánh, đầy sự hàm ơn của thi nhân
–“một ân cảm siêu hình.” Xin đọc những dòng thơ này:
LINH SỬ CA MỘT SÁNG THÀNH TẤU KHÚC 06
Huyền đồ giải
thai đố:
Gió tạnh, tuyết ngừng rơi;
Mây quang, nắng về
trời
Vàng muôn tia rạng rỡ.
Về đây miền đất hứa
Con hộc gặp con hồng
Nhịp nhàng cánh thinh không,
Hai
tim một luồng thở
Của tân hôn đôi lứa
Nõn trắng và
nguyên trinh:
Một vũ điệu tượng hình
Của giao thoa phân
tử.
Như hạt móc rung rinh
Với lung linh cỏ chỉ.
Như cái búng thần tình
Của con quay thuật sĩ.
Như
có đấng thần linh
Lấy tinh túy con hộc
Cấy vào noãn
con hồng
Ủ ấm lửa hừng đông,
Kết thành gien, thành
nhựa,
Mộng mầm đời bất tử.
Ngày ấy nghìn sau vang
Trong thi nhân tiềm thức
Viết nên tiếng hát vàng
Nồng
nàn tình tưởng nhớ.
Thuở hồng nguyên rạng rỡ,
Vàng reo nắng tinh tuyền,
Sinh lý học thần tiên
Của
lưỡng nghi hạnh ngộ.
Từ hiệu ứng con quay
Tay ai
búng trên trời
Hình thành một văn hóa
Của nghĩa đền ân
trả.
Nước nguồn gom làm suối;
Suối cuốn góp làm
sông;
Đem sông ra làm biển;
Biển sâu muối mặn nồng
Hóa thành giông, thành chớp
Mang mưa trở lại nguồn.
Mưa nuôi đời phồn thực,
Làm thành thế giới xanh.
Người
ngoan, đất cũng lành
Vì Trời hằng muốn thế.
Trời
Đất chỉ biết cho
Nên Đất Trời bất tử.
Bài thơ này
(MHTT, trang 582–584) là một chứng minh về sự “giao thoa” của
sinh tồn, nói riêng về sinh tồn của con người” lên đến mức
như một huyền vi hay một “thụ nhiệm” mới để sáng tạo một
cõi thiên đường mới trong sáng hơn, thanh khiết hơn và hòa
lương hơn ––một “sáng tạo thuần khiết”–– mà trong đó loài
chim quí trống mái hồng và hộc đã trải qua. Tiếc thay loài
chim quí này hình như đã tuyệt tích rồi nên thi nhân của
chúng ta mong mỏi tạo lại cõi thiên đường đó –là một trong
những lớn lao mà tôi nói ở phần trên về CTT. Từ những
thánh thể tạo sinh lộng lẫy “nõn trắng và nguyên trinh” này
không thể nào một thi nhân lớn như tầm cỡ CTT mà không biết
tri ân. Vâng, nhà thơ của chúng ta tri ân đời và tri ân những
ai đã cho ông những khối tình lớn nhất của đời ông ––một
người, một đại thi hào có một nhân cách sống động nhưng
rất hiền hòa chỉ sống một kiếp, bất tử:
Hồng hộc
khuất từ lâu
Dư âm cơ duyên ấy
Còn vang thấu nghìn sau
Một hồn nồng chung thủy.
Một niệm tưởng thiên thu
Trong ân ca thi sĩ.
Đoạn trích này trong Tấu khúc 07
(MHTT, trang 585) của bài thơ trên là dấu mốc cuối cùng của
tôi viết về Cung Trầm Tưởng. Không biết bao giờ tôi sẽ gặp
lại ông, sau khi đã biết nhau tay bắt mặt mừng từ hơn nửa
thế kỷ qua. Tri âm đến đây âu cũng đủ cơ duyên rồi! Mình sẽ
giã từ nhau chăng? Tôi mong chỉ có một kiếp như ông. Khó
lắm! Vì vậy mà sẽ không gặp nhau nữa trong cõi Đất Trời
này hay ở một cõi thiên đường nào đó! Sự tồn tại và hủy
diệt là quán tính của trần gian. Nhưng trong quán tính này
nên kể cả sự bất diệt. Phải không CCT? Ông đã bất diệt
rồi. Tôi nào phải như ông đâu!
Tôi thành thực mong mỏi
giới thi nhân trẻ nên nghiên cứu nhiều thi ca Cung Trầm Tưởng
và từ đó canh tân thi ca Việt Nam trong tương lai. Cuộc cách
mạng xã hội, chính trị hay văn học thường không được nhiều
người thích nhưng cũng không ít người theo.
Thiển
nghĩ, lý thuyết văn học của một Ferdinand de Saussure, một
Claude Lévi–Strauss, một Roland Barthes hay một Jacques Derrida
có thể giúp chúng tôi phương thức giải mở thi ngữ của Cung
Trầm Tưởng ––một trong bốn nhà thơ lớn nhất từ xưa đến
nay–– hay các nhà tư tưởng lớn khác của nhân loại, cũng có
thể trao cho các nhà văn hóa trẻ tân học Việt Nam chiếc chìa
khóa mở lại những trang sử bất khuất của tiền nhân trong
thời kỳ hơn một nghìn năm bị trị vì sao không bị đồng hóa,
và trong thời kỳ một nghìn năm tự chủ tại sao các thế lực
chính trị trong nước giành quyền lực tạo sự chia rẽ gần
như là thứ đặc tính cố hữu của tộc Việt Nam, và tại sao
có những triều đại hưởng thịnh trị. Trên hết, triết lý
của lý thuyết văn học hiện đại cũng có thể là chiếc chìa
khóa mở lại kho tàng văn học cổ điển và hiện đại của ngôi
nhà văn học Việt Nam. Nhập thức và canh tân các lý thuyết
này là cần thiết, từ đó chúng ta hy vọng sẽ có được những
tác phẩm phê bình xác đáng và nền văn học Việt Nam sẽ lớn
mạnh với những tác phẩm văn chương và thi ca ngang tầm với
nền văn học thế giới.
Cá nhân chúng tôi muốn mở hai
dấu ngoặc lớn, viết nhiều hơn về văn học Việt Nam, chớ
không chỉ tản mạn bấy nhiêu ý ghi ở phần trên về Cung Trầm
Tưởng. Nhưng, ở cái tuổi bát thập làm sao chúng tôi còn đủ
sức làm cái việc như vác thánh giá mở cho được cánh cửa
của ngôi nhà văn học Việt Nam còn thiếu dầu mỡ, hay khép
cho gọn lại cánh cửa văn học thế giới đã và đang mở rộng
ở mọi chiều mọi hướng. Xin mong nhờ thế hệ trí thức trẻ
hơn hôm nay và ngày mai mà thôi!
VĂN NGUYÊN DƯỠNG
Trung tuần tháng 11, năm 2012
GHI CHÚ
Tài liệu Việt và Anh ngữ tham khảo:
(1). TS Nguyễn Minh Triết: Derrida và học thuyết hủy Tạo, Đặc
San Trung Tâm Văn Bút Nam Hoa Kỳ, Texas, 2003. Các trang 40–59.
(2).
– Terry Eagleton: Literary Theory, University of
Minnesota Press, 1996.
– Hazar Adams & Leroy Searle: Critical
Theory Since 1965, University of Florida Press, 1986.
– Peter
Barry: Beginning of Theory, Manchester University Press 1995.
–
Julie Kivkin and Michael Ryan: Literary Theory: An Anthology,
Massachusetts Blawell Publishers Ltd, 1998.
(3). Peter Barry:
Beginning Theory, 1995, Chương 2, 3 và 4. Các trang 39–80.
(4).
Peter Barry, trang 50.
(5). Peter Barry, trang 67.
(6). Cung
Trầm Tưởng – Một Hành Trình Thơ, (California: Tủ Sách Quê
Hương, 2012), trang 533.
(7).
http://www.humanistictext.org/al_ma'arri.htm.
(8).
– http.//www–personal.usd.edu.au/–cdao/booksv/lybach/lybachleft.htm.
– R. Ernest Dupuy & Trevor N. Dupuy: “The Harper Encyclopedia of
Military History”, Fourth Edition 1993, trang 260.
(9).
– http://www.sacred–texts.com/isl/daa/daa04.htm.
– R. Ernest
Dupuy & Trevor N. Dupuy: “The Harper Encyclopedia of Military
History”, Fourth Edition 1993, trang 332 và 336.
(10).
http://www.nobelprize.org/nobel_prizes/literature/laureates/1913/tag
(11).
–Nguyễn Cẩm Xuyên: “Người Cung nữ Trong Cung
Oán Ngâm là Nhân Vật Ước Lệ” (Tân văn 63, thang 10/2012) tt.
20–24;
–Trịnh Bá Đinh:
http://phebinhvanhoc.com.vn/?p=326
(12). Peter Barry, trang 184 và 185.
(13). Cung Trầm Tưởng
– Một Hành Trình Thơ (2012), trang 30.
(14). Claude
Lévi–Strauss: “The Structural Study of Myth”, Chương V của quyển
Literary Theory: An Anthology của Julie Rivkin và Michael Ryan
(Blackwell
Publishers Inc., Massachusetts, 1998), các trang
101–115.
(15). Nguyễn Thanh Nhã, CTT– MHTT (2012),
các trang 359–365.
VĂN NGUYÊN DƯỠNG & VĨNH ĐỊNH NVD
BÚT DANH CỦA NGUYỄN VĂN DƯỠNG
TRUNG TÁ NGÀNH QUÂN BÁO
QLVNCH
KHÓA 5 – VÌ DÂN, THỦ ĐỨC
Tác phẩm:
*War studies:
– The Tragedy of the Vietnam War (McFarland
2008).
– Lessons of the VietnamWar (S.A.C.E.I.Forum # 6, 2009).
– The Death of Historian Pham van Son (S.A.C.E.I. Forum # 7, 2010).
– Gen Le van Hung and An Loc 1972
Thi ca:
VÙNG ĐÊM
SƯƠNG MÙ.
TUYỂN TẬP THƠ VND.
TRƯỜNG CA TRÊN BÃI CHIẾN.
VĂN NGUYÊN DƯỠNG hay VĨNH ĐỊNH NGUYỄN VĂN DƯỠNG
– Sinh
tháng 1, năm 1934, Thị xã Cà Mau, Tỉnh Bạc Liêu, Nam Việt.
Động viên Khóa 5 SQTB, tháng 5, năm 1954. Tốt nghiệp Thiếu úy,
Ngày 1 tháng 2, năm 1955
* BINH NGHIỆP:
Trung đội
trưởng & Đại đội Trưởng, TĐ 1/43, Sư Đoàn 15 Khinh Chiến,
1955–1957.
Huấn luyện viên Trường Quân Báo & CTTL/QLVNCH,
1958–1963.
Sĩ Quan Tham Mưu, Phòng II/BTTM/QLVNCH, 1964–1966.
Chỉ huy phó & Quyền Chỉ huy trưởng TTQB, 1966–1968.
Trưởng
Phòng 2, BTL/SĐ22BB, 1969–1970.
Trưởng Phòng 2, BTL/SĐ5BB,
1971–1974. Tham dự Trận chiến An Lộc mùa Hè 1972.
Sĩ quan
Tham mưu, Phòng II/BTTM/QLVNCH, 1974–30/4/1975.
* HUẤN
LUYỆN QUÂN SỰ: Tốt nghiệp:
– Khóa ANQĐ, Trường Quân
Báo QLVNCH, Sài Gòn, 1958.
– Khóa Tình Báo Lãnh thổ, Bộ Tư
lệnh Lực lượng Hoàng gia Anh ở Viễn Đông, Singapore, 1961.
– Khóa An ninh & Phản tình báo, 1962 và
– Khóa Tình báo
Chiến trường (Field Operations Intelligence),1965, Trường Tình
báo Lục quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Okinawa.
– Khóa
Tình báo Cao cấp, Trường Tình báo Lục quân Hoa Kỳ, Maryland,
1968.
* HỌC VẤN:
– Tú tài Pháp
Sài Gòn.
– Cử
nhân Văn chương Pháp, Hoa Kỳ.
– Cao học Chính trị học về
Ngoại giao & Giao tế Quốc tế, Hoa Kỳ.
* TÙ NHÂN
CHÍNH TRỊ:
Sau ngày 30 tháng 4, 1975, bị tập
trung cải tạo –hay đi ở tù CSVN– cùng với hàng trăm ngàn Sĩ
quan QLVNCH, CSQG, Công chức Cao cấp, các lãnh tụ tôn giáo và
các đảng phái chính trị Quốc Gia, ở các vùng Thượng du,
Trung du Bắc Việt và miền Nam. Ra tù năm 1988. Định cư ở Hoa
Kỳ tháng 9, năm 1991.
– Tập thơ “VÙNG ĐÊM SƯƠNG MÙ” làm từ
năm 1965 và được Nhà XB Mai Lĩnh xuất bản năm 1966 ở Sài Gòn.
– Tập thơ “TRƯỜNG CA TRÊN BÃI CHIẾN” và nhiều
bài thơ ngắn khác làm trong 13 năm ở các Trại Tù CSVN.
– Sang Hoa Kỳ, sau khi tốt nghiệp Cao học, chuyển Luận án
thành sách. Nhà XB McFarland North Carolina xuất bản tháng 9,
năm 2008, tựa đề “The Tragedy of the Vietnam War”. Cung Trầm
Tưởng viết bài góp ý và giới thiệu, được đăng nhiều lần
trên báo chí Việt ngữ. Văn Nguyên Dưỡng viết cho vài tạp
chí văn học ở Hoa Kỳ và Canada.
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Trung tâm lưu trữ những buổi lễ Mừng Thánh Tổ SĐND/QLVNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet eMail by vnd chuyển
Đăng ngày Thứ Hai, February 13, 2017
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang