Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
Thi Văn & Âm nhạc
Hồi ký Chiến Trường
Lê–Phi–Ô

CHIẾN TRƯỜNG BỊ... BỎ QUÊN!

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

Đầu tháng 12 năm 1974, Thượng Tướng Trần văn Trà Tư Lệnh Quân Khu 7 Việt Cộng sử dụng Sư đoàn 6 gồm Trung đoàn 274, Trung đoàn 33, Trung đoàn Pháo và 3 Tiểu đoàn Đặc công 18, 19 và 20. Ngoài ra còn được Quân khu 6 VC tăng cường thêm Trung đoàn 812 và Tiểu đoàn Đặc công 200C từ Phan Thiết vào với mưu toan đánh chiếm 2 Chi Khu cực bắc của Tỉnh Bình Tuy là Tánh Linh và Hoài Đức, việt cộng đặt tên là “Chiến dịch Tánh Linh & Hoài Đức (tham khảo tài liệu của Dr. Nguyễn đức Phương tác giả “Chiến tranh VN toàn tập”).

Nếu chiếm được Chi Khu Hoài Đức, việt cộng sẽ cắt đứt được Quốc lộ 1 con đường huyết mạch đi miền Trung tại ngã 3 Ông Đồn và cắt luôn Quốc lộ 20 đường đi Đà Lạt tại cây số 125 thuộc xã Phương Lâm, Quận Định Quán của Tỉnh Long Khánh. Nhưng chúng chỉ chiếm được Quận Tánh Linh nằm sâu trong lãnh thổ Tỉnh Bình Tuy nên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 20 vẫn không bị ảnh hưởng áp lực của việt cộng.

 

 

Trước khi tiến đánh Tỉnh Long Khánh, chúng phải thanh toán 2 Chi khu Định Quán và Hoài Đức trước mà chúng gọi là “Bóc Vỏ” để không gây trở ngại cho chúng trên đường tiến quân.

Trận đánh mở màn từ 9 tháng 3 năm 1975 – Tiểu đoàn 344/ĐP của tôi (người viết) đang đóng quân tại Tỉnh lỵ Bình Tuy để bổ sung quân số và tái trang bị do tổn thất trong trận đụng độ suốt 33 ngày với cộng quân tại Xã Võ Đắt thuộc Quận Hoài Đức tháng 12/1974. Được lịnh khẩn cấp nhảy vào Hoài Đức để tăng cường phòng thủ.

Từ 12 tháng 3 cộng quân bắt đầu bao vây và pháo kích Chi Khu, phòng thủ nội vi Chi Khu do TĐ369/ĐP – Bên ngoài nằm về hướng Tây cách Chi Khu 2 cây số có TĐ3/43BB thuộc Sư Đoàn 18BB tăng phái. Tiểu đoàn 344/ĐP đóng quân tại ấp Chính Tâm 3 nằm trên Tỉnh lộ 333 (TL–333) về hướng Nam và cách Chi Khu 7 cây số, được lịnh rút bỏ các vị trí đang đóng quân và tiến về Hoài Đức càng gần càng tốt. Chúng tôi suốt đêm gom quân và sáng ra được Chi Khu cho biết xã Gia Rây nằm trên TL–333 thuộc Long Khánh đã bị địch chiếm. Như vậy đường bộ duy nhất từ Chi Khu Hoài Đức thông ra Quốc Lộ 1 đã bị cắt đứt. Trên trục tiến quân Tiểu đoàn chạm địch nhưng không mạnh, chúng tôi nhanh chóng thanh toán mục tiêu và đến chiều thì chiếm được cao độ 60m (Đồi Đá) cách Bộ Chỉ Huy Chi Khu 2 cây số về phía Nam.

Chi Khu xin Phi cơ oanh kích các vị trí cộng quân nhưng Quân Khu 3 trả lời không có, Pháo binh chỉ có 2 khẩu 105ly với đạn dược thiếu hụt so với VC có cả một Trung đoàn Pháo mặt đất và phòng không.

Với quân số một Sư đoàn, Trần văn Trà còn xin tăng cường thêm 2000 quân, tương quan lực lượng quân số của Ta chỉ bằng 1 phần 5 của VC với hỏa lực yểm trợ đầy đủ. Trong lúc này ở miền Trung, phía ta đã có những cuộc lui binh, dân chúng gồng gánh nhau chạy về Nam để tránh VC tàn sát như Tết Mậu Thân 1968 và mùa hè 1972. Tình hình chiến sự khắp 4 vùng chiến thuật ở thế dầu sôi lửa bỏng vì thế, thượng cấp đã quên đi một cái Quận nhỏ bé như Hoài Đức với những người lính Địa Phương Quân đang đơn thương độc mã đối diện với một hoặc hơn một Sư đoàn cộng quân. Suốt cả tuần chúng tôi xin viện quân, xin Phi cơ tiếp tế đạn dược và lương thực, xin Trực Thăng tản thượng, xin tiếp tế đạn Pháo binh đã gần cạn... tất cả đều được trả lời là KHÔNG CÓ!!!

Ngày 19 tháng 3 cường độ tấn công của cộng quân vào Bộ chỉ huy Chi Khu và các cánh quân của ta trở nên khốc liệt. Đêm xuống, kho xăng nằm ngoài hàng rào phòng thủ Chi Khu bốc cháy, những thùng xăng 200 lít bắn lên trời nổ tung và phủ chụp xuống như trái cầu lửa. Trước tình hình này Bộ chỉ huy Chi Khu sẽ không thể nào đứng vững. Tôi lịnh cho cánh B phối hợp và đặt dưới quyền điều động của Thiếu tá Dư Tiểu đoàn trưởng 3/43BB đánh mạnh vào mặt sau BCH Chi Khu (hướng Tây), Cánh A của tôi đánh vào hướng chính Nam. Đến nửa đêm thì tôi mất hẳn liên lạc với cánh B, đến 4:30 sáng, cả một vùng lửa đạn nay im lặng lạ lùng. Bộ chỉ huy Chi Khu, Tiểu đoàn 369/ĐP, TĐ3/43BB và cánh B của tôi tất cả đều im lặng vô tuyến, cố gắng liên lạc nhiều lần không được, tiếng súng bên trong BCH Chi Khu cũng im bặt từ lâu. Đến 6 giờ sáng ngày 20 tháng 3, bắt gặp vài anh lính của Chi Khu thoát được ra ngoài cho biết BCH Chi Khu đã bị vc tràn ngập lúc 4:30 sáng. Quyết định thật nhanh... tôi cho cánh A lùi lại chiếm giữ Đồi Đá, tổ chức phòng thủ để sẵn sàng tử chiến trận cuối cùng vì sau khi chiếm được cứ điểm Chi Khu bọn chúng sẽ quay lại thanh toán nốt cánh A của tôi.

Tại Đồi Đá nơi cánh A của tôi đang cố thủ, ngoài ra tất cả đã lọt vào tay việt cộng mà địch quân đông cấp Sư đoàn, xung quanh tôi rừng bạt ngàn với bán kính trên 40 cây số không có bạn. Đài tiếp vận truyền tin ở núi Chứa Chan nằm cạnh Quốc lộ 1 và xã Gia Rây cũng đã bị địch chiếm hai hôm trước, từ đây về tới Tỉnh lỵ Bình Tuy khoảng 80 cây số đường rừng. BCH Chi Khu, TĐ369/ĐP, TĐ3/43BB và cánh B của tôi có lẽ đã tan hàng và hoàn toàn mất hẳn liên lạc. Tôi cho trải tấm Banner màu đỏ để hy vọng chiếc phi cơ nào đó bay ngang có thể nhận ra quân bạn. Nhìn về hướng Bắc (hướng BCH Chi Khu) cách tôi 500 thước trống trải vì đây là rẫy người Dân trồng đậu phọng VC đang đào hầm, sau lưng tôi phía Nam của ngọn đồi bọn chúng cũng đang đào hầm. Hướng Đông cây rừng dày đặc nên khó quan sát, và ít nhất địch quân có cả một Trung đoàn đang chờ đợi, hướng này có một ngọn đồi nhỏ cách tôi 200 thước, Đại đội 2 đã cho một Trung đội chiếm giữ. Hướng Tây toàn gai tre, đất thấp và sũng nước nhiều đoạn phải bò chứ không đi thẳng lưng được, tôi đã cho Tiểu đội Thám Báo lục soát và chưa thấy dấu vết của địch... đây là tử địa nhưng chúng tôi phải chọn hướng này để rút quân vì qua khỏi rừng tre độ 1000 thước chúng tôi men theo rẫy mía của Dân để ra sông La Ngà cách đó 2 cây số với điều kiện phải rút đi khi trời vừa sập tối (bên kia sông là lãnh thổ Long Khánh).

Lịnh cho các Đại đội trưởng kiểm soát lại súng đạn và lương thực, lương khô chỉ đủ dùng cho một ngày, đạn dược thì có thể chiến đấu được vài giờ vì cả tuần nay không được tiếp tế, nước uống thì vô cùng thiếu thốn vì là mùa nắng nên các con suối đều cạn khô.

Tôi nhìn quanh một vòng, gương mặt những người lính lớn tuổi trông có vẻ khắc khổ vì nắng gió chiến trường, ai cũng tỏ ra đăm chiêu nhưng tuyệt nhiên không tỏ vẻ gì lo lắng hay sợ hãi. Những anh lính trẻ vẫn chụm đầu cười cợt, chuyền tay nhau từng điếu thuốc... tự dưng, lòng tôi dậy lên mối tình cảm lạ lùng, một tình thương anh em ruột thịt chứ không chỉ là tình chiến hữu thường ngày... Rồi, chỉ một vài giờ nữa đây, họ có còn sống sót để mà đùa giỡn... để mà về với gia đình mà nơi đó... mẹ già đang ngóng đợi tin con. Bất chợt mắt tôi cay cay, tôi cố làm một cử chỉ để xua đi nỗi buồn đang ập đến trong lòng! Súng M–16 của tôi còn được 2 băng đạn, khẩu Colt–45 còn đủ 7 viên, 6 viên để chơi với tụi nó, còn viên cuối cùng... tôi dành lại cho tôi!!!

 

 

Lê–Phi–Ô
cựu Tiểu đoàn trưởng TĐ344/ĐP
Tiểu Khu Bình Tuy
đọc tiếp Phần 2...

 

Trận chiến cô đơn...!
tặng anh Lê–Phi–Ô và các chiến sĩ TĐ344/ĐP.

Trận chiến cô đơn anh hùng vẫn sống
Giang sơn này từng giọt máu đào rơi
Vẫn uy dũng giữa đất trời lồng lộng
Trung hiếu này da ngựa bọc xác phơi.

Người biết chết vẫn ôm lòng chiến đấu
Giữ non sông xanh mạ giữa đông tàn
Giữa thê lương trái tim còn nung nấu
Diệt giặc thù dù thân thể nát tan.


Người đã sống cho đất trời được sống
Cùng dân lành bám đất giữ quê hương
Cho đồng nương rợp lúa vàng xanh mộng
Cho mắt người em gái bớt lệ vương.

Anh chỉ còn phút giây này tử thủ
7 viên còn sót lại rửa hờn anh
6 viên kia dành trả thù cho nước
Viên cuối cùng anh viết nốt sử xanh!


NXV (người xứ Vạn = Vạn Giả ở Nha Trang)

 

 

Phần 2

Hành lang... Tử Thần!!!

 

Việt cộng với quân số áp đảo cấp Sư đoàn, khoảng 4 giờ 30 sáng ngày 20 tháng 3 năm 1975, Chi khu Hoài Đức (Bình Tuy) bị địch tràn ngập. Bộ chỉ huy Chiến Thuật, Bộ chỉ huy Chi khu và Tiểu đoàn 369/ĐP phòng thủ nội vi Chi khu coi như tan hàng.

Bên ngoài về hướng Tây và cách Bộ chỉ huy Chi khu 2 cây số là Tiểu đoàn 3/43BB thuộc SĐ18BB tăng phái cùng với 2 đại đội của Tiểu đoàn 344/ĐP (cánh B) phải lui về bên kia sông La Ngà cách đó khoảng 4 cây số để bảo toàn lực lượng sau khi Chi khu đã lọt vào tay địch. Cánh quân này được trực thăng tiếp cứu và bốc về Long Khánh sau đó. Thiệt hại của TĐ3/43BB không rõ, riêng 2 đại đội thuộc cánh B của tôi (người viết) thì Đại đội 3 của Đại úy Trương Kiêm rút theo TĐ3/43BB về được Long Khánh 36 người, Đại đội 4 của Đại úy Nguyễn châu Luyện sau khi vượt gần 50 cây số đường rừng về đến “căn cứ 5” trên Quốc Lộ 1 được 15 người.

Chiến trường bây giờ dày đặc địch quân, sau những ngày mệt mỏi vì giao chiến liên tục, bọn việt cộng tạm ngưng tấn công để củng cố lực lượng trước khi thanh toán nốt mục tiêu còn lại là cánh A của Tiểu đoàn 344/ĐP do tôi chỉ huy. Quyết định thật nhanh, tôi cho cánh A lùi lại Đồi Đá cách Bộ chỉ huy Chi khu 2 cây số về hướng Nam, đây là cao điểm duy nhất giữa vùng rừng núi bao la rất tốt cho việc phòng thủ và cũng là nơi rất tốt cho trận đánh cuối cùng trước khi anh em chúng tôi đáp đền ơn Sông Núi!


6 giờ chiều ngày 20 tháng 3 năm 1975, mặt trời đã xuống thấp sau ngọn cây, tiếng cuốc xẻng đào hầm của việt cộng từ xa vọng lại như tiếng cuốc đào huyệt mộ. “Đồ chết nhát” tôi nguyền rủa như vậy, bọn chúng ít nhất cũng hơn 4000 quân mà tôi chỉ còn lại trên 200 người với súng đạn, lương thực thiếu hụt... chúng lại sợ chết chưa dám tấn công liền.

Tôi dặn dò các Đại đội trưởng cho anh em bỏ lại nguyên lều võng để VC không biết chúng tôi bỏ đồi, chọn một tiểu đội tình nguyện ở lại... rút sau khi có lệnh. Ban hành những lệnh chi tiết cần thiết cho một cuộc lui binh mà có thể không còn một ai sống sót để... trở về!

Bất chợt tôi quay nhìn về hướng Võ Đắt, nơi đó có đồng đội tôi, chiến hữu của tôi – những người tử trận, những người bị bắt làm tù binh hoặc bị thương không hiểu có ai săn sóc cho họ không! Rồi gia đình binh sĩ, những người Dân buôn bán ở chợ quen mặt thường ngày còn sống sót được bao nhiêu người khi mà cộng quân pháo đủ loại đạn cùng với hỏa tiễn 107ly, 122ly trong suốt cuộc chiến!

Rồi những Thoa, Mai, Hương... với những quán cà phê quanh chợ trong đó có không ít cô đã làm cho các Chuẩn úy trẻ quên hết Sài Gòn. Tôi cầu mong cho các em được bình yên trong cơn bão lửa... những người con gái quê đẹp dịu hiền biết mến thương đời lính!

Đêm nay Xuân Lộc đoàn quân rút
Đành biệt nhau, xin tạ lỗi người”
....

“Chân bước nửa hồn chinh chiến giục
Nửa hồn Xuân Lộc gọi quay lui
”!

(Ngồi viết những dòng hồi ký này tôi mới cảm nhận được hết nỗi buồn của tác giả Nguyễn phúc Sông Hương khi ông lui binh khỏi Xuân Lộc trong trận chiến 12 ngày tại Long Khánh tháng Tư năm 1975).

Đúng 7 giờ 30 chiều, trời đã nhá nhem, rừng núi bao trùm một màn sương mờ ảo, tôi cho lệnh bỏ đồi. Lợi dụng đường thông thủy được che kín bởi cỏ tranh tôi cho đơn vị trườn hàng dọc xuống đồi, băng mình qua rừng gai tre, nơi đây tôi đã cho tiểu đội thám báo ẩn mình từ đêm trước để theo dõi địch tình. Vừa đi vừa bò trong rừng tre sũng nước, chỉ một cử động vô ý gây tiếng động là địch sẽ biết thì chúng tôi coi như xong đời.

Gần 10 giờ đêm chúng tôi ra khỏi rừng gai tre, tôi cho lệnh Tiểu đội còn lại trên đồi rút theo. Chúng tôi tiếp tục di chuyển về hướng sông La Ngà nghĩa là hướng về Long Khánh cũng là hướng lui binh của TĐ3/43BB, tôi chắc chắn hướng này tương đối an toàn vì cánh quân đi trước không chạm địch và địch quân cũng không ngờ lính Bình Tuy lại rút hướng ngược chiều để về Long Khánh cả 100 cây số đường rừng và đồi núi. Lúc gần 2 giờ sáng có tiếng nổ lớn và tiếng súng nhỏ nổ dữ dội ở Đồi Đá nơi chúng tôi rút bỏ hồi chặp tối, ngưng một chút lại súng nổ càng lúc càng dữ dội hơn. Tôi đoán là việt cộng bò lên đồi vướng mìn Claymore gài tự động, bọn chúng tưởng chúng tôi còn nên xung phong.

Gần sáng đến gần sông La Ngà chúng tôi đi dọc theo để về hướng Nam, trời vừa sáng hẳn tôi cho cánh quân dừng lại và phân tán mai phục trong các nơi rậm rạp để đề phòng địch quân phát hiện. Xung quanh tôi đầy cả việt cộng, từ đây về đến Bình Tuy khoảng 80 cây số rừng núi. Đến tối hẳn chúng tôi bắt đầu di chuyển, vì là lính Địa Phương nên đường đi nước bước chúng tôi rành hơn việt cộng. Đi quanh co suốt hai đêm để đánh lạc hướng địch vì con đường lui binh về Bình Tuy bọn VC chắc chắn cho quân phục kích đón đường chúng tôi. Mờ sáng ngày kế tiếp, chúng tôi băng ngang một khu vực đầy hầm hố của VC bỏ lại, dấu vết của Trung đoàn Pháo, hỏa tiễn 107 và 122ly bọn chúng vừa bỏ đi độ vài giờ trước khi chúng tôi tới. Khi đã đi khỏi vùng giao tranh khoảng 10 cây số, chúng tôi băng ngược qua Tỉnh lộ 333 để về hướng Bình Tuy. Từ đây phải vượt 40 cây số đường rừng để về “căn cứ 5” ranh giới của Tỉnh Bình Tuy và Long Khánh nằm trên Quốc Lộ 1. Đoạn đường rừng núi này là Hành lang của Tử Thần, chúng tôi phải băng qua khu “Rừng Lá” địa danh ai nghe cũng giựt mình, đây là vùng hoạt động tự do và có nhiều mật khu của việt cộng, có thể nói đây là chốn “Bất khả xâm phạm” của chúng.

5 giờ chiều ngày 22 tháng 3 năm 1975, chúng tôi gặp ga xe lửa Trảng Táo hoang phế vì đường Hỏa Xa đã nhiều năm không sử dụng, giây leo phủ kín vài toa tàu. Trời sắp tối hẳn, tôi lệnh cho Đại đội 1 đi đầu cho toán thám sát tiến lên phía trước, nương theo dấu vết xe hơi trên con đường mòn. Đi được một đoạn, toán thám sát báo có người, tôi cho dàn đội hình sẵn sàng chiến đấu, nhưng một toán việt cộng đã nhìn thấy chúng tôi nên bắt buộc phải khai hỏa. Vài tên việt cộng gục chết ngay loạt đạn đầu, tôi cho đánh tràn qua và thuận đường rút lui về hướng Căn cứ 5.

Thật tình, trên đường di tản chiến thuật, chúng tôi tránh né tối đa chạm súng với địch vì đạn dược và lương thực thiếu hụt, không có tản thương hoặc tiếp tế. Quan trọng hơn cả là chúng tôi mất hẳn liên lạc với Bộ chỉ huy Tiểu khu Bình Tuy cách xa chúng tôi cả 80 cây số đường chim bay. Chúng tôi không lấy chiến lợi phẩm chỉ tịch thu một túi xách tài liệu chúng để trên xe (xe này chứa đầy thùng gỗ có thể là đạn hỏa tiễn hoặc súng vì trời tối quá và cần di chuyển gấp nên không biết rõ).

Trời càng lúc càng tối mịt mùng, chúng tôi lấy những vỏ cây mục có lân tinh gắn vào ba–lô để người đi sau thấy người đi trước mà đi theo.

Cuộc chạm súng lúc chiều coi như chúng tôi đã bị lộ, phải thoát khỏi vùng này càng nhanh càng tốt. Đến 3 giờ sáng thì không đi nổi nữa vì 2 ngày không ngủ, không cơm nước. Chúng tôi tạm dừng nghỉ ngơi, 5 giờ sáng tiếp tục cho di chuyển, đi được nửa giờ thì gặp một toán việt cộng, bọn chúng bắn B40 rồi bỏ chạy. Việt cộng đã lùng sục chúng tôi suốt đêm, như vậy ở đây có căn cứ của bọn chúng và chúng tôi bị lộ lần thứ nhì, con đường về xa tắp mịt mờ và chắc chắn bọn chúng sẽ hoặc đã bao vây chúng tôi. Cuộc truy đuổi đang xảy ra và cuộc chạm súng một mất một còn sẽ không tránh khỏi.

Biết chắc bọn chúng sẽ bám theo, tôi cho Đại đội 1 và Đại đội Chỉ Huy cùng súng nặng đi trước (Đại bác 57ly, cối 81ly đã hết đạn), Đại đội trưởng ĐĐ 1 là Trung úy Quản gốc TQLC, Đại đội phó là Thiếu úy Ngọc gốc BĐQ, tôi rất tin tưởng 2 Sĩ Quan này. Tôi và Trung úy Vương Đại trưởng ĐĐ 2 đi sau để cản hậu – Tôi cho lệnh ĐĐ 2 chỉ dùng lựu đạn đánh nhau với địch để bọn chúng không biết chính xác chúng tôi ở đâu, chỉ dùng súng khi quá cần thiết.

7 giờ sáng bọn việt cộng lần theo dấu vết và theo kịp chúng tôi, một cuộc chạm súng dữ dội xảy ra, chúng tôi vừa ném lựu đạn vừa lui dần, đôi lúc phải dùng cả súng. Cứ thế, ta và địch mất dấu nhau rồi lại gặp nhau cuộc chạm súng kéo dài cho đến trưa thì việt cộng bắt đầu Pháo.

Trong rừng đạn pháo rất nguy hiểm vì trái đạn chạm cành cây phát nổ, miểng đạn từ trên cao chụp xuống. Nhưng đạn nổ cách chúng tôi từ 50 thước hoặc xa hơn đúng theo lộ trình từ đây về “Căn Cứ 5”.

Địch đã biết rõ chúng tôi là đơn vị di tản chiến thuật từ Võ Đắt về Bình Tuy cho nên chúng pháo chận đường. Nếu tiếp tục lộ trình này còn 40 cây số nữa và phải băng ngang khu Rừng Lá thì chắc chắn chúng tôi sẽ không còn sống sót để trở về dù chỉ một người. Trung úy Vương ĐĐ Trưởng ĐĐ2 bị thương, cổ và ngực thấm máu nhưng vẫn còn di chuyển được, tôi cho kè đi lên trước và tôi ở lại sau chỉ huy trực tiếp Đại Đội 2 tiếp tục cản hậu. Để đánh lạc hướng địch, tôi lệnh cho Đại đội 1 bẻ góc 90 độ để ra Căn Cứ 2 cách đây hơn 10 cây số thay vì Căn Cứ 5 (từ Căn Cứ 1 đến Căn Cứ 4 thuộc Long Khánh, Căn Cứ 5 đến Căn Cứ 15 thuộc Bình Tuy, các căn cứ này nằm trên QL–1).

Đến 2 giờ trưa thì địch mất dấu chúng tôi, lúc 5 giờ chiều chúng tôi ra được Căn Cứ 2. Nơi đây dân số khoảng 10 ngàn người nhưng di tản hết chỉ còn lại vài trăm người. Tiểu đoàn ĐPQ ở đây chỉ có 2 Đại đội – Riêng Căn Cứ 1 và 3 đã lọt vào tay việt cộng mấy ngày trước. Tôi vào Căn Cứ gặp vị Tiểu đoàn trưởng nhờ máy Truyền Tin có ANT–292 gọi về Trung Tâm Hành Quân Tiểu khu Bình Tuy và tôi nhận được lệnh ngày mai sẽ có trực thăng bốc chúng tôi. (được biết thêm, sau khi trực thăng bốc chúng tôi về Bình Tuy thì 2 ngày sau Căn Cứ 2 bị cộng quân tràn ngập).

Về đến Bình Tuy vào khoảng 8 giờ tối ngày 24 tháng 3 năm 1975 tôi vào trình diện Đại tá Tiểu khu Trưởng để trình bày sự việc. Ông xem qua tập hồ sơ tôi tịch thâu được của việt cộng trên đường lui binh, ông cười lớn và nói: “Khi tôi làm Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 48BB (Sư đoàn 18BB) tôi đánh cho Trung đoàn 33 việt cộng tơi tả, nay về chỉ huy Diện Địa lại đánh trúng Hậu Cứ của chúng nó! Như vậy là trọn bộ!”– Đại tá TKT cho lệnh tôi về Hậu Cứ nghỉ ngơi ngày mai sẽ tính sau, nhưng khi ra đến cửa thì tôi ngã gục vì kiệt sức, bạn tôi – Anh Lê Hùng Tiểu đoàn Trưởng TĐ 341/ĐP đã đưa tôi vào bệnh viện!

Địa Phương Quân, đứa con không được chăm sóc của Quân Lực VNCH”, họ chiến đấu trong cô đơn, thiếu thốn mọi bề. Tiếp tế, tải thương, không yểm, pháo yểm không có. Thậm chí chiến trường bị địch quân tràn ngập buộc phải di tản chiến thuật không có lấy một chiếc máy bay tìm kiếm hoặc dẫn đường. Nhưng họ vẫn tận tình chiến đấu để bảo vệ đồng bào, bảo vệ quê hương.

Chỉ hơn 3 tháng với 2 lần giao tranh kể từ tháng 12/1974 đến tháng 3/1975, con số thương vong cả 2 lần cộng lại của Tiểu đoàn tôi gần 500 người. Ngoại trừ những người bị thương chưa biết sống chết, những người bị địch bắt làm tù binh, những người bị mất tích... Đa số họ đã anh dũng đền nợ Nước! Tiếc thương họ có chăng những giọt nước mắt nhỏ xuống tiễn đưa của mẹ già và đàn em nhỏ, của những goá phụ tuổi đời chưa tới đôi mươi và của những chiến hữu đứng cúi đầu lặng lẽ trong tiếng kèn truy điệu... tiễn đưa!

Nhà thơ Trạch Gầm đã viết:

Đã là lính mà không quen ly biệt,
Thân làm sao đứng nổi giữa chiến trường
!

Tôi đã cố gắng làm quen với biệt ly và vẫn còn đang cố gắng... nhưng, làm quen theo cái kiểu này thì thê thảm quá... phải không Anh!


Lê Phi Ô
Cựu Tiểu đoàn Trưởng TĐ344/Địa Phương – KBC–6993
Tiểu khu Bình Tuy – KBC–4891

LUI BINH HÀNH...!

Tặng 2 vị Tiểu đoàn Trưởng của tôi: Lê Phi Ô & Lê Hùng.

Lui binh, lui binh, hề lui binh!
Tướng giỏi nghiến răng nén bất bình
Chiến trận bao năm chưa chiến bại
Một ngày buông súng quỉ thần kinh!

Ghìm súng đêm đen đồi Bảo Đại
Quân đi ngậm thẻ nuốt hờn căm
Hoài Đức pháo rơi như đậu vãi
Về đâu Quốc Lộ 1 mù tăm!

Băng rừng vượt chốt mở đường máu
Tiểu đoàn ba trăm còn ba mươi
Bi đông cạn nước tay lựu đạn
Máu trộn mồ hôi lẫn xác người.

Sông núi rùng mình Biển Lạc khóc
Ba–lô nón sắt vững lòng dân
Hình vợ thẻ bài đeo trước ngực
Lăng Quăng cầu gãy lính chồn chân.

La Ngà, Gia Huynh địch vây khốn
Tánh Linh tràn ngập bầy Kên Kên
Quan nghinh đầu súng, lính đoạn hậu
Sống chết trời cho... súng nổ rền.

Vợ trẻ chờ chồng con chờ cha
Giặc ruồng thôn xóm nát tan nhà
Võ Xu, Chính Đức rồi Võ Đắt
Về đâu La–Gi xa thật xa.

Người lính can trường vuốt mắt bạn
Cắn nát môi nuốt lệ rưng rưng
Hỡi ơi, chiến trận anh hùng tận
Vùi thây đánh dấu gốc bằng lăng.

Đêm sao Bắc Đẩu soi mắt thần
Mỗi bước chân mìn bẫy giăng ngầm
Suối Kiết, Láng Gòn, Tân Long bến
Hải đội đâu mà biển lặng câm!

Tiểu đoàn ba trăm còn ba mươi
Mất tích, thương vong lính tả tơi
Tận nhân lực anh hùng mạt vận
Xuôi đời theo vận nước nổi trôi.

Lui binh, lui binh, hề lui binh
Tướng giỏi nghiến răng nén bất bình
Trăm trận ra quân trăm trận thắng
Tháng tư bẻ súng đất trời kinh!


Trần văn Sơn

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet E–mail by Lê–phi–Ô chuyển

 

Đăng ngày Thứ Bảy, October 15, 2016
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang