Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
Lịch sử Cận đại nước Việt Nam
Chủ đề:
Xuân Đinh Dậu (2017) nhớ về Tết Ất Dậu
(1945)
Tác giả:
Mường Giang
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Thế
chiến 2 tuy chính thức mở màn từ tháng 9-1939 giữa phe trục Ðức-Ý
và Ðồng Minh (Anh, Pháp, Hà Lan) nhưng tới ngày 10-5-1940, Hitler
mới khai hỏa cuộc chiến tại Âu Châu. Ngày 14-6-1940 chính phủ
Pháp do nội các Reynaud cầm đầu, di tản chiến thuật xuống tận
Bordeaux rồi sụp đổ. Ðồng lúc kinh đô Paris bị bỏ ngõ để quân Ðức
vào chiếm đóng.
Ngày 17-6-1940 tướng Pétain lãnh đạo
lâm thời nước Pháp, ký hiệp ước đầu hàng Ðức. Biến cố trên được
coi như là một bước ngoặt quan trong nhất trong dòng lịch sử cận
đại của VN, vì chính nó đã mở đường để quân phiệt Nhật vào Ðông
Dương (1940-1945), gây nên thảm kịch 2 triệu người VN bị chết đói
năm Ất Dậu 1945.
Cộng sản đệ tam quốc tế do Hồ Chí Minh
đứng đầu, lúc đó đang núp trong Mặt Trận Việt Minh, đã tàn nhẫn
lợi dụng nạn đói trên cùng những biến chuyển lịch sử trong thế
chiến II, làm sụp đổ chính phủ Trần Trọng Kim và cướp được chính
quyền lúc đó đang bị các phe phái bỏ ngõ. Do những bí ẩn của lịch
sử chưa được khai quật trọn vẹn trong nấm mộ thời gian, nên chúng
ta cũng đừng ngạc nhiên, khi thấy ngụy quyền cộng sản Hà Nội từ
đó đến nay, vẫn tỉnh queo trước biến cố dân chết đói năm Ất Dậu
1945. Ðã thế các sử gia đỏ còn to mồm một mực đổ thừa cho
Pháp-Nhật là nguyên nhân gây nên thảm kịch trên.
Nhưng giấy làm sao gói được lửa và
thúng cũng chẳng úp giấu được voi bao lâu, nên ngày nay chẳng
những người Việt mà cả thế giới, đều biết chính bọn cộng sản quốc
tế trong Mặt Trận Việt Minh lúc đó, cũng là những tòng phạm giấu
mặt, đã cùng với Pháp-Nhật gây nên thảm án thiên cổ kinh hoàng
nhất trong dòng sông lịch sử Hồng Lạc.
Ngày 30-4-1975 Miền Nam VN sụp đổ
hoàn toàn vì thù trong giặc ngoài, khiến cho cả nước từ trên
xuống dưới, giàu nghèo khôn dại, già trẻ trai gái đều phải ngoi
ngóp sống trong vũng bùn ô uế của xã nghĩa thiên đàng, kéo dài từ
đó đến nay cảnh đói nghèo bất công tàn bạo vẫn không chấm dứt cho
dù VN nói là đã đổi mới.
Cũng từ đó, thảm kịch đói cơm ăn áo mặc
và không khí tự do thở hít, đã thường trực hằng hằng làm cho
người dân Miền Nam trơ xương mắt trắng, khi phải đối diện với cái
ưu việt của nền kinh tế quốc doanh, lấy hộ khẩu và sổ tem phiếu
làm cơ bản, được mang từ Hà Nội vào để thay thế nền kinh tế tư
bản của VNCH, bị đảng kết tội là bóc lột xấu xa và phồn vinh giả
tạo vì chỉ biết lệ thuộc vào đồng tiền viện trợ của Mỹ-Nhật.
Do đó người Việt gần như cả nước, trong
số này có rất nhiều thành phần từng đâm sau lưng người lính trận
miền Nam đã cùng những cây cột đèn, liều chết vượt biển vượt biên
đi tìm tự do trong cái chết. Phong trào bỏ quê làng đất mẹ ra đi,
trốn lánh sự kềm kẹp man rợ của giặc Hồ, có một không hai trong
lịch sử của nhân loại và Dân tộc Hồng-Lạc. Nhờ đó đã đánh thức
được lương tâm mù lòa của thế giới, cũng như một số khoa bảng-trí
thức, học cho nhiều mà tim óc thì ù ù cạc cạc, nghĩ suy nông cạn,
tuyên bố hồ đồ, trong suốt chiến cuộc Ðông Dương lần thứ ba
(1945-1975), do đệ tam quốc tế Nga-Tàu khởi xướng.
Năm 1945 Nhật-Pháp và Việt Minh gây nên
thảm nạn 2 triệu người chết đói từ Quảng Trị ra tới Miền Bắc VN.
Tháng 4-1975, cộng sản đệ tam quốc tế Hà Nội lại gây nên cơn hồng
thủy biển Đông, mà mở màn từ những ngày di tản tại Huế, Ðà
Nẵng... vào đầu tháng 4-1975. Khi Quân Ðoàn 1 mất. Sự thèm khát
tự do của người VN vẫn tiếp nối tới nay chưa bao giờ chấm dứt,
kéo thêm nỗi oan khiên trầm thống của cả một dân tộc đang sống
dưới ách đô hộ của đế quốc thực dân đỏ do ngụy quyền việt gian Hà
Nội cầm đầu.
Cái giá tự do mà người Việt tỵ nạn
khắp nơi trên thế giới ngày nay đã có, đã phải trả cho Việt Cộng
bằng vàng, tiền, nước mắt, máu xương bản thân gia đình, cùng với
những sự hãi hùng trên biển Đông, khi đối diện với sóng gió và
nạn hải tặc tàn bạo dã man Thái Lan. Năm 1945 những người VN chết
đói, chỉ mới có ăn cỏ cây xác động vật nhưng sau năm 1975, những
người tỵ nạn VN trên biển Ðông, chết đói, đã phải ăn thịt người
thân của mình để sống sót.
Gần bốn mươi hai năm qua, nay cũng đã
đến lúc phải lột trần lịch sử, để trả lại sự oan khiên cho triệu
triệu hồn ma uổng tử, đang sống vất vưởng trên vạn nẻo đường đất
nước và trong lòng biển xanh mông mênh. Tất cả đều do Hồ Chí Minh
và đảng CSVN gây ra từ năm 1930 tới bây giờ, những tội lỗi trong
muôn ngàn tội lỗi không sao dung thứ được, trong đó có tội bán
nước Việt cho Tàu đỏ “kẻ thù truyền kiếp ngàn đời của Dân Tộc
Việt”!
Hưng
thịnh và tồn vong của một triều đại, ngoài việc để cho nhân thế
về sau viết nhớ, phê phán khen chê nhưng tội ác đối với dân tộc
mà ngụy quyền Hà Nội đã làm hơn 80 năm qua, chẳng những bị lịch
sử bôi đen mà còn mãi mãi nằm trong bia miệng đay nghiến muôn
đời.
“thằng
khùng thì đã vượt biên
còn thằng ở lại,
nửa điên nửa khùng
bác hồ chết giữa ngày
trùng
để toàn dân tộc nửa khùng nửa điên.”
1. Nạn Ðói Năm Ất Dậu 1945:
Nhờ Minh Trị Thiên Hoàng canh tân đất
nước nên Nhật đã trở thành một cường quốc Châu Á, đánh bại Mãn
Thanh lẫn Nga Hoàng và nuôi mộng làm bá chủ Ðế Quốc Ðại Á. Từ đó
Nhật bành trướng thế lực quân sự không ngừng. Thập niên 20-30,
Nhật chiếm Cao Ly, Mãn Châu và Bán Ðảo Liêu Ðông. Tháng 7-1937,
Nhật gây chiến với Trung Hoa và gần như chiếm trọn nước Tàu, đuổi
Tưởng Giới Thạch và Chính phủ Trung Hoa kháng chiến chạy tới
Trùng Khánh và bắt đầu dòm ngó Ðông Dương.
Tháng 2-1939 Nhật chiếm Ðảo Hải Nam,
Hoàng Sa và Trường Sa, khiến Pháp phải cử tướng Georges Catroux
làm Toàn Quyền Ðông Dương, để lo phòng thủ và chống đỡ. Cùng lúc
Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể cũng từ Ðông Kinh về Thượng Hải, thành lập
VN Phục Quốc Ðồng Minh Hội (VNPQÐMH), trong đó có Nguyễn Hải
Thần, Hồ Học Lâm, Trần Trọng Khắc... chuẩn bị trở về VN lật đổ
thực dân Pháp.
Ngày 19-6-1940, Bộ Ngoại Giao Nhật gửi
tối hậu thư đòi Toàn Quyền Ðông Dương phải chấm dứt tiếp tế cho
Chính phủ Kháng Chiến Trung Hoa ở Hoa Nam, đồng thời cho quân
Nhật vào đóng tại Bắc Việt. Ngày 17-7-1940, Decoux thay Catroux
làm Toàn Quyền, qua thái độ phách lối trong lúc đã yếu thế, tạo
thêm cớ để Nhật tiến vào VN, Miên, Lào, nhất là lúc phe quân
phiệt cuồng sát của Tướng Tojo Hideki đang nắm quyền.
Ngày 1-8-1940
Nhật công khai thiết lập Khối Thịnh Vượng Chung Ðại Ðông Á, bao
gồm Ðông Dương thuộc Pháp và Ðông Ấn (Indonesia) thuộc Hòa Lan.
Tóm lại chỉ vì quyền lợi mà thực dân Pháp đã muối mặt ký với Nhật
một hiệp ước ngày 30-8-1940. Theo đó, Nhật cho Pháp làm chủ Ðông
Dương và ngược lại Pháp hợp tác với Nhật, để cùng chia xẻ những
quyền lợi tại bản xứ, đồng thời cho quân Nhật vào Bắc Việt cũng
như được di chuyển khắp lãnh thổ Ðông Dương.
Từ đó Nhật mới chính thức gia nhập
Khối Trục với Ðức-Ý, đưa Quân Ðoàn Viễn Chinh Ðông Dương
(Indochina Hakengun) do Thiếu Tướng Nishimura Takuma làm tư lệnh,
vào đóng khắp Việt-Miên-Lào. Nói chung, suốt thời gian
1940-9/1945, trên danh nghĩa Nhật vẫn để cho Pháp coi về Hành
Chánh, An Ninh mà thôi, còn tất cả tự thao túng một mình một chợ,
gây nên nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945, khiến hơn hai triệu
đồng bào phải chết tức tủi trong oan khiên khổ nhục vì cổ phải
mang tới bốn tròng (Pháp, Nhật, Quốc Gia và Việt Minh CS).
Ngày nay, qua
các tài liệu lịch sử được giải mật, cho thấy Nạn Ðói Năm Ất Dậu
1945, do nhiều nguyên nhân gây ra từ Pháp-Nhật, Chiến Tranh,
Thiên Tai và Bàn Tay đẫm máu của Việt Minh. Qua dòng lịch sử, ta
biết Dân Tộc VN từ thời lập nước Văn Lang Vua Hùng đầu tiên, tới
nay do lấy nông nghiệp làm căn bản, nên không bao giờ bị đói, nếu
như đất nước không bị chiến tranh hay thiên tai bất thường. Ðói
là nguyên nhân gây chiến tranh và làm sụp đổ nhiều triều đại trên
thế giới nhất là nước Tàu.
Trong dòng Việt Sử thời kỳ Trịnh Nguyễn
phân tranh, vùng đất Bắc và Nam Bố Chánh từ Thanh-Nghệ vào tới
Thuận-Quảng luôn là bãi chiến trường, khiến cho dân chúng phải
hứng chịu nhiều đau khổ. Hơn nữa vùng này lại là trung tâm bão tố
thiên tai của VN, nên luôn luôn bị mất mùa đói kém. Từ năm
1774-1778, ở Nghệ An mất mùa khiến nhiều người phải chết đói,
trong lúc đó tại Thuận Hóa tình hình cũng không khá gì hơn, vì
thiên tại nên không đủ gạo.
Vả lại dù có gạo nhưng giá bán quá mắc
mỏ, một chén tới một quan nên dân chúng chết đói nằm la liệt
ngoài đường. Thời nhà Nguyễn (1802-1945) cũng nhiều lần dân bị
đói, vì cảnh loạn lạc, chiến tranh và nhất là bị thiên tai, hạn
hán, nạn châu chấu phá hoại mùa màng... nhưng hầu hết chỉ có tính
cách địa phương và được Triều đình giải quyết nhanh chóng chỉ
trong một thời gian ngắn.
Nhưng tất cả các lần đói trên, dù có
căn cứ vào Việt Sử hay tài liệu của các nhà truyền giáo Pháp như
La Barrette, thì chỉ là muối đem bỏ biển, trước mức độ thiệt hại
trên 2 triệu người bị chết đói, từ Quảng Trị ra Miền Bắc vào năm
Ất Dậu 1945.
Năm 1942 nhà văn tiền chiến nổi tiếng Tô Hoài, đã viết “Quê
Người”. Qua tác phẩm này, ta đã thấy được sự báo trước tai họa
đói kém của miền quê Bắc Việt, thường cùng sống chung một nghề,
để rồi cả làng, tổng cùng chịu những tai biến như nhau khi bị
hoạn nạn. Do hàng ế ẩm, mọi người phải nghĩ và đổ xô đi làm thuê,
còn đồng lúa thì mất mùa, khiến gạo càng thêm kém.
Rồi thì nạn đói ập đến thật khủng
khiếp, trong cảnh ngàn ngàn vạn vạn người khắp các nẻo đường đất
Bắc vào tận Quảng Trị, Ðồng bào bị Thực dân Pháp lẫn Quân Phiệt
Nhật, bóc lột tận xương tủy khi quy vào đất ruộng mà thu thóc,
không cần biết có làm ruộng hay không. Bởi vậy cả miền trung châu
sông Hồng, vốn là cái vựa lúa toàn miền, cũng phải lâm vào cái
cảnh không còn gạo để mà nấu. Túng quẫn, mọi người phải ăn gia
súc, khoai sắn cây cỏ, chuột mèo và những gì có thể ăn được. Sau
đó cả làng bỏ nhà cùng đi lần ra tỉnh thành và Hà Nội để xin ăn
và cùng chết gục dần mòn trên đường hành khuất.
Ðó là một trong những trang vong quốc
sử thời Pháp thuộc, từ lúc chúng sang cai trị cho tới khi bị đánh
đuổi nhục nhã phải rời VN trở về cố quốc. Trong gần trăm năm
cưỡng chiếm nước ta, thực dân ngoài việc bóc lột và đàn áp đồng
bào mình, chúng còn dùng rượu, thuốc phiện, bài bạc và văn chương
thi phú lãng mạn để ru ngủ, đầu độc mọi tầng lớp thanh niên nam
nữ trụy lạc, vong bản để không còn chống đối giặc thù cướp nước.
Theo tài liệu của Toàn quyền Ðông Dương
Decoux, ghi lai trong “À la barre de L’indochine”, thì chỉ riêng
thời gian từ tháng 10-1940 tới tháng 3-1945, thực dân Pháp đã
cướp của VN số bạc lên tới 723 triệu đồng Ðông Dương để dâng nạp
cho Nhật Bổn, đánh đổi chủ quyền về Hành Chánh-An Ninh tại
Việt-Miên-Lào. Từ năm 1943-1945, tuân theo lệnh Ðông Kinh, Pháp
bắt nông dân phải nộp 3/4 hay nhiều hơn số thóc đã thu hoạch được
hay nhiều hơn, số lượng đã gặt tại ruộng. Sự bóc lột tàn nhẫn quá
đáng này, là nguyên nhân chính đã gây ra nạn đói năm Ất Dậu 1945.
Trên tờ Thanh Nghị số 110 ngày
26-5-1945, Vũ Ðình Hòe đã viết bài “Giá thóc phải nộp cho nhà
nước”, cho thấy Pháp lẫn Nhật đã tận tuyệt vơ vét bóc lột nông
dân VN lúc đó, để lập các kho dự trữ phòng bị chiến tranh khắp cả
nước, từ Bắc vào Nam. Ðiều vô lý bất nhân của thảm kịch là
Pháp-Nhật đã “quân phân” số lương thu mua thóc, tới tất cả mọi
người. Trong lúc đó theo nguyên tắc, chính quyền Bảo Hộ chỉ nên
thu mua gạo lúa của các đại điền chủ có ruộng đất cò bay thẳng
cánh, gạo thóc núi bồ, cho mọt ăn trong khi đợi các chủ chành gạo
Ba Tàu-Chợ Lớn tới chở về Sài Gòn và các tỉnh thị, đầu cơ tích
trữ, bán lại cho dân nghèo bằng cái giá cắt cổ, theo qui định của
bọn thực dân Pháp và quân phiệt Nhật, đang làm trùm tại Ðông
Dương.
Theo
các nguồn sử liệu còn lưu trữ, thì thực dân Pháp lúc đó, chỉ cần
thu mua lúa gạo, từ các điền chủ có số ruộng trên 13 mẫu cũng dư
sức lập kho dự trữ lúa gạo, theo ý chúng là 120,000 tấn, mà không
cần phải vơ vét thu mua gạo thóc của các tiểu điền chủ, nông dân
nghèo.
Cuối
cùng Pháp và Nhật trong mưu đồ chính trị riêng, đã công khai đồng
lõa với bọn nhà giàu bản xứ mà phần lớn là Hoa kiều, khi miễn trừ
đem luật trừng phạt gian thương (Requisitionner) của luật pháp
hiện hành, để bắt đại điền chủ bán gạo cho nhà nước khi cần
thiết. Một điều quan trọng khác, là Pháp-Nhật khi thu mua gạo lúc
đó, đã không theo giá thị trường mà lại áp dụng một thứ giá đặc
biệt rất thấp, khiến cho đại đa số đồng bào VN với 90% sống bằng
nghề làm ruộng, tức khắc bị thương tổn vì thu hoạch không đủ bù
vào tiền vốn cầy cấy, nên phải vơ vét hết gạo thóc để dành trong
mùa sau, đem bán lấy tiền trả nợ hoặc sống qua ngày. Về lý thuyết
thì giá gạo trên thị trường, năm 1943 đối với năm 1940 có tăng từ
$11.50-$14.50/1 tạ [100kg], nhưng trong lúc đó vật giá, cũng đã
tăng lên tới 300%, nên giá thóc phải được ấn định là $35.00/1 tạ,
còn gạo $75.00/1tạ mới hợp lý, theo sinh hoạt giá cả năm 1943 đã
tăng gấp 3 lần năm 1940.
Cũng liên quan tới thảm kịch chết đói
năm 1945, một Pháp kiều ở VN đã viết “Témoignages et documents
Francais relatifs à la colonization Francais au VN”, tố cáo sự
kiện thực dân Pháp gây nên trận đói năm Ất Dậu, làm chết 2 triệu
người từ Quảng Trị ra đất Bắc, chỉ nhằm hai mục đích chính, như
Thống Sứ Bắc Kỳ lúc đó là Chauvet đã tự nhận: Bắt dân VN chết đói
để nhận chìm phong trào cả nước đang nổi lên khắp nơi chống sự đô
hộ của giặc Pháp, lúc đó bản quốc tại Âu Châu, cũng đang sống ô
nhục dưới gót giầy sắt của Phát-Xít Ðức. Gây nạn đói, khi cho
phép các công ty Pháp-Nhật (Cenis Frères và Mitsubishi) độc quyền
thu mua bóc lột gạo thóc với giá rẻ mạt, khiến cho dân chúng lâm
vào đường cùng. Từ đó mới có nhiều người đi làm phu đồn điền cao
su và hầm mỏ cho thực dân tại thuộc địa ở đảo Nouvelle Calédonie
gần Úc Châu.
Một tác giả Nhật tên Yoshizawa Minami trong tác phẩm “Chiến tranh
Châu Á, trong tiềm thức của chúng ta” đã xác nhận là sự hiện diện
của 80,000 quân Thiên Hoàng và hơn 200,000 Nhật Kiều từ năm
1940-1945, đã làm cho đất nước VN hỗn loạn cùng cực, khi Nhật lấy
Ðông Dương làm vị trí then chốt, trong việc cung cấp lương thực,
chẳng những cho quân Nhật đang chiến đấu tại đây, mà còn cả Châu
Á và Thái Bình Dương. Ðây mới chính là nguyên nhân gây chết đói
năm 1945.
Vì
muốn duy trì quyền lợi tại Ðông Dương trong lúc yếu thế, thực dân
Pháp qua toàn quyền Decoux bất chấp thủ đoạn và lương tâm con
người, đã bán đứng Dân Tộc cũng như Ðất nước VN cho quân phiệt
Nhật qua các hiệp ước bất bình đẳng, chỉ làm tổn hại cho VN mà
lợi cho cả Pháp và Nhật lúc đó, quan trọng nhất là sự kiện Pháp
càng lúc càng xuất cảng sang Nhật thêm nhiều lúa gạo, thực phẩm
là tài nguyên mà VN dành nuôi sống người trong nước.
Ðể thực hiện cái kế hoạch lưu manh
trên, từ tháng 12-1942 Decoux cho thành lâp Ủy Ban Ngủ Cốc
(Comité des Céréales), độc quyền cấp giấy phép cũng như mua bán
các loại nhu yếu phẩm này. Ngoài ra Pháp còn ra lệnh cho nông dân
cả nước phải dành một số đồng ruộng để trồng bông vải, đay, gai,
thầu dầu... theo đòi hỏi của Nhật. Sự kiện trên đã làm cho đất
đai miền Bắc và Bắc Trung Phần, vốn đã ít ỏi lại càng bị thu hẹp
hơn, đã khiến cho nông dân bình thường vốn chỉ đủ gạo để mà ăn
nếu không bị thiên tai mất mùa, nay bị đói là điều không sao
tránh được.
Rồi giữa lúc nạn đói đã bắt đầu dân chúng nông thôn phải ăn độn
khoai sắn, thì Pháp lại ra lệnh phải bán hết số thóc gạo dự trữ
của mình, để chúng lập kho quân lương tại Yên Bái, Tuyên Quang,
Thái Nguyên, Phú Thọ... từ tháng 3/1944-1945. Song song quân Nhật
cũng lập kho dự trữ gạo dành cho Quân Ðoàn 38.
Trong lúc đó, tại Bắc Việt và vùng
Thanh-Nghệ-Tĩnh-Quảng Bình, từ năm 1936-1945 không năm nào là
không có bão tố, lụt lội, khiến cho mùa màng bị hư hại vì ngập
nước, làm cho nhiều gia đình quá nghèo, không đủ tiền mua gạo giá
chợ đen, phải dắt díu nhau ra tỉnh thành xin ăn qua ngày.
RRồi chiến tranh càng lúc càng ác liệt
sau khi Hoa Kỳ trực tiếp tham dự vào Thế Chiến II, đối đầu với
Nhật ở Châu Á. Tại Ðông Dương từng giờ, tàu ngầm tàu chiến, máy
bay Ðồng Minh không ngớt oanh tạc tấn công các đơn vị Nhật trấn
đóng tại VN, khiến cho mọi phương tiện chuyên chở, giao thông, từ
Nam ra Bắc đều bị bế tắc. Tình trạng trên khiến cho gạo trong Nam
chất đống như núi tại bến cảng, nhà kho, trong khi ngoài Bắc
không có một hột, làm cho nhiều người lâm cảnh đói. Ngoài ra,
thay vì phải tận dụng số phương tiện còn lại thật ít ỏi lúc đó,
để chở gạo ra Bắc cứu dân đói nhưng Pháp và Nhật đã cùng chiếm
lĩnh các phương tiện này, trong đó có xe lửa, để chuyển quân đội
và quân trang dụng mà thôi.
2. Chính Phủ Trần Trọng Kim cứu
đói và Việt Minh lợi dụng nạn đói để cướp chính quyền
Ngày 9-3-1945 quân phiệt Nhật chính
thức xóa bỏ sự cầm quyền của thực dân Pháp tại bán đảo Ðông
Dương, kéo dài hơn 80 năm thống trị và đô hộ các quốc gia
Việt-Miên-Lào. Biến cố lịch sử trọng đại này, lại ngẫu nhiên
trùng hợp với nạn đói năm Ất Dậu 1945 tại miền Bắc và bắc Trung
Kỳ, càng tô thêm sự bi thảm của Dân Tộc VN, trong thời kỳ cận sử.
NNhưng đây cũng chính là thời cơ, để cho
Mặt Trận Việt Minh (MTVM) một tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản
Ðông Dương, do Hồ Chí Minh cầm đầu từ năm 1941, lợi dụng tình
trạng đói kém của đồng bào để mà tuyên truyền lôi kéo mọi người
vào đảng:
“Ðồng
bào hãy vùng dậy!
quyết tâm theo bác hồ
nông dân sẽ có đất
người nghèo sẽ có ăn
gạo lúa sẽ đầy sân
đả đảo địa chủ
đả đảo cường hào ác bá.”
Nương theo thời cơ và sự giúp đỡ của Mỹ
do nhu cầu tình báo lúc đó, Việt Minh đã trương bảng hiệu “Chống
phát-xít Nhật và thực dân Pháp”. Theo các tài liệu mật được giải
mã, thì chính sự giúp đỡ của Ðại úy Archimedes L. Patti, một nhân
viên OSS (tiền thân của CIA), qua vũ khí đạn dược, thuốc men cũng
như sự công nhận của Mỹ, làm cho Việt Minh, chẳng những không bị
Nhật tiêu diệt và còn có cơ hội cướp được chính quyền vào mùa thu
tháng tám năm 1945, trong lúc cả Hoa Kỳ lẫn Patti đều biết Hồ Chí
Minh là một điệp viên ngoại hạng của Ðệ Tam cộng sản Quốc Tế, làm
việc cho điện Cẩm Linh (Liên Xô và Trung Cộng).
Sau ngày 9-3-1945 Nhật lật đổ thực dân
Pháp, thì phong trào quốc gia ngày một sôi sục và dâng cao khắp
nước, khiến cho Người Nhật lúc đó phải ủng hộ vai trò cầm quyền
của vua Bảo Ðại để đối kháng với Mặt trận Việt Minh, được người
Mỹ giúp đỡ trong vai trò chống Nhật. Ngày 17-3-1945 Hoàng Ðế
tuyên cáo nước VN độc lập, dù chỉ liên quan tới Bắc và Trung Kỳ,
đồng thời với sự ra đời của Chính Phủ Trần Trọng Kim
(17/4/1945-25/8/1945).
Tuy Chính phủ này chỉ hiện diện trên
chính trường VN một thời gian ngắn ngủi và trong quá khứ đã không
ngớt bị cộng sản xuyên tạc bôi bác là “Cải Cách Giấy”. Nhưng nay
qua sự soi sáng của lịch sử, ta mới biết được Thủ tướng Kim và
nội các chính phủ, đã làm được rất nhiều chuyện có lợi ích cho
quốc dân VN, đồng thời đã phản ảnh được quan điểm chung của tầng
lớp thượng lưu trí thức đương thời.
Ngày 4-5-1945 chính phủ quyết định lấy
lại quốc hiệu Việt Nam, để chỉ sự vẹn toàn lãnh thổ ba miền
Bắc-Trung-Nam như năm 1801, khi vua Gia Long thống nhất được đất
nước. Việc làm ý nghĩa này, tức khắc được quốc dân cũng như cả
thế giới chấp nhân. Cũng từ đó nhân loại mới dùng danh từ
“Vietnamese” để chỉ người VN và loại bỏ các danh xưng khiếm nhã
trước đó của Tàu gọi chúng ta như An Nam, Giao Chỉ... và của Pháp
sau này, với ác ý làm nhục cũng như phân chia nước Việt thành ba
miền riêng biệt để cai trị.
Ngày 2-6-1945 chính phủ đã chọn lá cờ
Vàng Ba Sọc Ðỏ theo hình Quẻ Ly, làm Quốc Kỳ Mới của Quốc Gia VN.
Ðồng thời vào ngày 30-6-1945, lại chọn bài “Ðăng Ðàn Cung” làm
Quốc Thiều.
Giữa lúc đất nước hỗn loạn vì chiến tranh, cộng thêm nạn đói
hoành hành và trên hết là sự chống phá của phe nhóm thực dân Pháp
theo De Gaulle và Việt Minh được Mỹ yểm trợ, trong khi Chính Phủ
Trần Trọng Kim không có quân đội và phương tiện, để thực thi
những quốc sách. Tuy nhiên nhờ uy tín và tài năng từ vị Thủ
Tướng, cũng như nhiều Bộ Trưởng trong nội các, nên vào tháng
7-1945 Nhật trên nguyên tắc, đồng ý trao trả Nam Việt lại cho VN.
Ðối với Nạn
Ðói năm Ất Dậu 1945 tuy phương tiện và nhân lực rất hạn chế,
Chính Phủ Kim cũng đã dồn hết nỗ lực để cứu giúp đồng bào trong
cơn hoạn nạn. Một mặt Ông yêu cầu Nhật bỏ lệ thu mua gạo tại Miền
Trung, đồng thời Miền Bắc chỉ thu mua gạo cho ai có trên 3 mẫu
ruộng. Bộ trưởng Tiếp tế là Nguyễn Hữu Thí cũng được cử vào Sài
Gòn, lo việc chuyên chở gạo Miền Nam ra Bắc cứu đói, bằng các
chuyến thuyền buồm và ghe bầu.
Ngoài ra còn cho phép các tư nhân được
tự do và toàn quyền mua bán gạo, nhưng nghiêm trị những gian
thương, đầu cơ tích trữ lúa gạo bằng hình luật tử hình và tịch
biên tài sản. Chính phủ cũng cho tập trung tất cả những nạn nhân
vụ đói còn sống sót, cũng như thành phần vô gia cư, vào các Trung
Tâm Cứu Trợ Ðặc Biệt, để chăm sóc họ. Báo chí trong nước đều tham
gia kêu gọi cứu trợ.
Nhờ vậy đến cuối tháng 4-1945, miền Bắc
đã thành lập được Tổng Hội Cứu Tế, do Nguyễn Văn Tố cầm đầu và
tới cuối tháng 5-1945 đã quyên góp được 783,403 đồng tiền Ðông
Dương. Ở Nam Kỳ qua lời kêu gọi của Chính Phủ Kim, chỉ trong
tháng 5-1945, đã quyên góp được 1,677,886 đồng, cùng 1,592 tạ
gạo, mà tiền mua và chuyên chở ra Bắc tốn hết 481,403 đồng. Tuy
hầu hết các ghe bầu chạy buồm bị Nhật trưng dụng và Hải cảng Hải
Phòng bị Hoa Kỳ phong tỏa và oanh tạc, nhưng cuối cùng việc
chuyển gạo từ Nam ra Bắc cứu đói của Chính Phủ Trần Trọng Kim,
cũng đạt được hiệu quả, giảm bớt phần nào thảm trạng đau khổ của
nạn nhân, đồng thời tạo cơ hội cho đồng bào cả nước, nhất là giới
trẻ và trí thức, đoàn kết nhau trong các sinh hoạt xã hội.
Nhưng hỡi ơi lòng tham của con người
thật là tàn nhẫn, trong lúc Chính Phủ Quốc Gia banh ruột xẻ gan
để cứu trợ hơn hai triệu người bị chết đói, bỏ xác phơi thây khắp
các nẻo đường, thì Việt Minh bằng mọi cách phá hoại các công tác
nhân đạo dành cứu trợ đồng bào đang chết đói. Một mặt Hồ cho du
kích chận đường cướp gạo cứu tế từ trong Nam ra, nơi đường biển
lẫn đường bộ. Nhưng quan trọng nhất là Việt Minh không ngớt xúi
dục đồng bào, đánh phá cướp giựt các kho vựa chứa gạo lúa của
Chính Phủ dành tiếp tế cứu đói.
Ngoài ra Việt Minh còn cho người ám sát
hay tuyên truyền bôi nhọ, những nhân vật cầm đầu các Hội Từ
Thiện. Nhưng tàn ác vô nhân đạo nhất, vẫn là cung cấp tin tình
báo cho Hoa Kỳ về ngày giờ các chuyến xe lửa hay ghe bầu chở gạo,
trong Nam ra Bắc cứu đói. Nhờ vậy người Mỹ đã đạt được chiến
thắng vinh quang, khi oanh tạc trúng phóc những chuyến tàu thuyền
chở gạo cứu đói, làm cho Miền Bắc phải lâm vào thảm kịch Chết đói
năm Ất Dậu, có một không hai trong Việt Sử.
Nhờ sự tận tâm vô bờ của Chính Phủ Quốc
Gia, đồng thời do Trời-Phật thương xót nên trong vụ lúa tháng
5-1945 Miền Bắc được mùa, nên đã giải quyết phần nào nạn đói và
chấm dứt hẳn, khi các tàu chở gạo trong Nam cặp được các bến trên
đất Bắc. Ngày 25-8-1945 chính quyền Nhật tại Ðông Dương bị sụp đổ
khi Mỹ dội hai trái bom nguyên tử trên Ðất Nhật, kéo theo sự tan
vỡ của người Quốc Gia. Trong lúc đó, Việt Minh từ bưng tiến về
Thành, qua sự yểm trợ hùng hậu của người Mỹ, nên đã thừa lúc dậu
đổ bìm leo, cướp được chính quyền lúc đó, đang lăn lóc bên vệ
đường trong cơn hỗn loạn chính trị.
Tóm lại trong nạn đói năm Ất Dậu 1945
làm chết đói hơn 2 triệu người, do Pháp và Nhật gây nên. Ngoài ra
còn có Mặt Trận Việt Minh đã thừa nước đục thả câu, lợi dụng nạn
đói, cướp giựt thực phẩm tiếp tế dành cho đồng bào, để tuyên
truyền chống Pháp-Nhật, theo nhu cầu của người Mỹ lúc đó, khiến
cho người dân chết đói càng thêm bi thảm tận tuyệt.
Thế chiến II chấm dứt, bao nhiêu thảm
kịch của nhân loại lần lượt được phơi bày ra ánh sáng công lý
nhưng thảm kịch hai triệu người VN bị chết đói năm Ất Dậu 1945,
vẫn chưa thấy Pháp, Nhật hay Việt Cộng nhắc tới. Thời VNCH, người
Nhật bồi thường chiến tranh 39 triệu US, đồng thời cho Chính phủ
vay tiền xây dựng hệ thống thủy điện Ða Nhim, nên vụ chết đói
1945 coi như được xóa sổ.
Sau tháng 4-1975 VC cưỡng đoạt và làm
trùm cả nước, sống nhờ tiền Nhật đầu tư cũng như viện trợ và cho
vay tiền để thực hiện các cơ sở hạ tầng, nên ngụy quyền cũng câm
họng, ngậm miệng ăn tiền. Nhưng lịch sử vẫn là lịch sử, nếu Người
Trung Hoa và Triều Tiên, chỉ vì một thiểu số đàn bà con gái bị
Nhật bắt làm phương tiện giải quyết tình dục, đã không ngớt đòi
bồi thường hay hạ nhục nước Nhật trên công luận quốc tế, thì
người VN sớm muộn, cũng sẽ bắt Pháp-Nhật và kẻ tòng phạm mang mặt
nạ là Việt Minh, phải công khai nhận trách nhiệm giết người,
trước lương tâm nhân loại.
Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy
Đông 2016
MƯỜNG GIANG
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Trung tâm lưu trữ những buổi lễ Mừng Thánh Tổ SĐND/QLVNCH
|
Hình nền: Xuân Đinh Dậu. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E-mail by ddcb chuyển
Đăng ngày Thứ Ba, January 17, 2017
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang