Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Liên Đoàn Người Nhái Hải Quân QLVNCH
Ngược dòng Thời gian
Chủ đề:
30T4Đ
Tác giả:
Điệp Mỹ Linh
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Lời giới thiệu: Bất
ngờ đọc được bài Tâm Tình Về Người Lính Năm Xưa, do ông Phạm Phú Nam
– Giám Đốc Dân Sinh Media – phỏng vấn Điệp Mỹ Linh, Người Tưởng Đã
Nhảy Xuống Biển Tự Tử từ Dương Vận Hạm Thị Nại, HQ502, năm 1975,
liên lạc với Điệp Mỹ Linh.
Nhận thấy trường hợp di tản của cựu quân
nhân này cũng rất hy hữu, Điệp Mỹ Linh thực hiện cuộc phỏng vấn ngắn
để người Việt trốn thoát chế độ cộng sản Việt Nam – cũng như hơn năm
ngàn người Việt trên HQ502 đã chứng kiến cảnh Người Nhái Nguyễn Văn
Kiệt tiếp cứu trên biển – được hiểu rõ thêm nhiều chi tiết.
(1)
Điệp
Mỹ Linh thực hiện
–ĐML:
Kính chào anh Nhiễm.
*NVN: Kính chào chị
Điệp Mỹ Linh.
–ĐML:
Xin anh cho biết tên, họ. Anh bị động viên hay là quân nhân tình
nguyện? Anh xuất thân khóa mấy Sĩ Quan Không Quân hay là anh từ
Trường Bộ Binh Thủ Đức chuyển sang?
*NVN: Thưa chị, tôi là
Nguyễn Viết Nhiễm, tình nguyện gia nhập khóa Hạ Sĩ Quan, Cơ Khí
Phi Hành năm 1972 tại căn cứ Tân Sơn Nhất, vài tháng trước Mùa Hè
Đỏ Lửa.
–ĐML:
Anh làm ơn cho biết đơn vị cuối cùng của anh. Nếu anh từ miền
Trung hoặc Cao Nguyên di tản về Sài Gòn, anh vui lòng kể lại
chuyến di tản của anh.
*NVN: Thưa chị, tôi
phục vụ tại Phi Đoàn 720 (Vận Tải cơ C–119), Không Đoàn 53 Chiến
Thuật, Sư Đoàn 5 Không Quân, Căn Cứ Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Đây là
đơn vị duy nhất tôi đã phục vụ từ ngày ra trường cho đến ngày
30/4/75. Tôi không phải di tản trước 30/4/1975, nhưng tôi đã có
mặt trong những phi vụ di tản quân và dân tại các phi trường
Pleiku, Phù Cát, Nha Trang và Phan Rang.
–ĐML:
Anh vui lòng cho biết gia cảnh của anh và những diễn tiến chung
quanh anh vào thời điểm anh ở Sài Gòn cho đến sáng 30/04/75.
*NVN: Thưa chị, năm
1975 tôi mới 22 tuổi, độc thân và còn sống với Bố Mẹ ở khu đối
diện cổng C của Sư Đoàn Nhảy Dù, gần ngã tư Bảy Hiền, chỉ cách
phi trường Tân Sơn Nhất khoảng 10 phút xe.
Trách nhiệm của đơn vị tôi phục vụ, Phi
Đoàn 720 những ngày mới thành lập, là phối hợp với Hải Quân tuần
tiễu vùng Duyên Hải miền Nam. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau,
vì nhu cầu chiến trường, Phi Đoàn 720 được sử dụng như một Phi
Đoàn vận tải, chuyên chở quân nhân, hành khách và hàng hóa đi
khắp miền Nam. Do đó tôi đã có mặt trong những chuyến di tản vào
tháng Ba và tháng Tư năm 1975.
Tại phi trường Pleiku, trưa tháng
3/1975, trong lúc chúng tôi chờ đợi cho hành khách lên phi cơ về
Sài Gòn thì phi trường bị pháo kích. Tất cả hành khách và quân
nhân đang làm việc chạy tán loạn ngược về phía Trạm hàng không;
tôi và anh Trưởng Phi Cơ chui xuống một hố cá nhân kế bãi đậu.
Khi tiếng pháo kích tạm ngưng, chúng
tôi vội vã trở lại phi cơ để về Tân Sơn Nhất thì thấy anh Áp Tải
đã bị tử thuơng ngay bên cạnh chiếc phi cơ. Chuyến bay trở về Tân
Sơn Nhất hôm đó trong thân tàu không có một hành khách nào ngoại
trừ thân xác của anh Áp Tải.
Cuối tháng 3/1975 trong một ca Trực
Hành Quân, chúng tôi được điều động đến phi trường Phù Cát để
“bốc” quân nhân Không Quân và gia đình về Nha Trang. Khi phi cơ
vừa chạm bánh trên phi đạo, chúng tôi thấy cả ngàn lính, đủ mọi
quân binh chủng, từ mé trái phía cuối phi đạo, cùng ùa chạy ra
phi đạo. Trước tình trạng vô trật tự đó, Trưởng Phi Cơ quyết định
không vào trạm hàng không như thường lệ mà cho phi cơ chạy đến
cuối phi đạo rồi quay đầu lại 180 độ, vẫn để 2 máy quay và chỉ mở
2 cánh cửa đuôi để kéo lính lên. Vì phi trường Phù Cát thiếu an
ninh, cho nên, sau phi vụ đó chúng tôi được lệnh không trở lại để
“bốc” thêm chuyến nào nữa.
Kế tiếp là những chuyến di tản quân
nhân và gia đình từ Nha Trang về Phan Rang, rồi từ Phan Rang về
Sài Gòn. Những chuyến di tản này trật tự được duy trì chứ không
hỗn loạn như ở Phù Cát.
Ngày 28/4/1975, chúng tôi được phi lệnh
chuyên chở hàng hóa và một số Hoa Tiêu – từ Đà Nẵng mới di tản về
Tân Sơn Nhất – xuống phi trường Bình Thủy, Cần Thơ 2 lượt. Sau
khi hoàn tất chuyến bay buổi sáng, trước khi đi ăn trưa tôi cho
Trưởng Phi Cơ biết tàu vẫn còn đủ xăng để đi phi trường Bình Thủy
chuyến thứ 2. Khi trở lại tàu để bay xuống Cần Thơ lần thứ 2, tôi
thấy cả 4 bình xăng đều được bơm đầy. Tôi thắc mắc thì Trưởng Phi
Cơ cho biết phi trường Biên Hòa đã bị bỏ rơi vì chiếc C–119 thứ 2
của Phi Đoàn 720 đi Biên Hòa sáng hôm đó, sau khi đáp đã không
thấy ai ra bốc hàng. Do đó, anh xin lính trông coi máy bay dưới
đất đổ đầy xăng để phòng hờ, nếu cần, chúng tôi sẽ có đủ nhiên
liệu để bay thẳng qua Utapao, Thái Lan.
Khoảng 6:00 giờ chiều cùng ngày, 3
chiếc A–37 từ Phan Rang vào thả bom xuống Tân Sơn Nhất.
–ĐML:
Xin anh cho biết nguyên do anh gặp lại bạn cùng xóm và cả hai anh
lấy L–19 bay ra biển từ phi trường nào? Lúc mấy giờ? Lúc đó tình
hình tại phi trường đó như thế nào?
*NVN: Thưa chị, phi
công lái L–19 là Thiếu úy Nguyễn Thành Hưng. Anh Hưng phục vụ tại
Phi Đoàn 120 Quan Sát, Sư Đoàn I Không Quân, trong phi trường Đà
Nẵng. Tôi và anh Hưng thân nhau từ năm 15 tuổi khi cả 2 cùng sinh
hoạt chung trong toán Nhân Dân Tự Vệ.
Khi QLVNCH di tản khỏi Vùng I, đơn vị
của anh Hưng được dời về Tân Sơn Nhất. Trong thời gian chờ đợi để
bổ sung, ngoài giờ làm việc, anh Hưng trở về sống trong căn nhà
của Bố Mẹ anh. Những buổi sáng rảnh rỗi chúng tôi thuờng xuyên
gặp nhau tại một quán Café gần nhà.
Tối 28/4, khoảng 11:00 giờ, những sĩ
quan cao cấp của Không Đoàn và các Phi Đoàn đã đem gia đình ra
Côn Sơn; ngoài ra chúng tôi không nhận được một tin tức hoặc chỉ
thị nào khác. Trong khoảng thời gian này thỉnh thoảng cộng sản
lại pháo vài trái vào phi trường. Một, hai trái nổ rất gần chúng
tôi. Trước tình trạng nguy hiểm đó, anh Hưng và tôi quyết định
trở về nhà để tránh pháo kích.
Sáng 29/4, khi đang uống Café tại quán,
chúng tôi nghe đài phát thanh thông báo Bộ Tổng Tham Mưu ra lệnh
tất cả quân nhân phải trở lại đơn vị. Thời điểm đó, anh Hưng đang
đợi bổ sung, đơn vị của tôi tại Tân Sơn Nhất, cho nên chúng tôi
bảo nhau cùng vào Tân Sơn Nhất.
Khoảng 9:00 giờ sáng chúng tôi vào đến
Phi Đoàn 720. Số người có mặt trong Phi Đoàn rất ít. Tuy nhiên
các vị chỉ huy của Phi Đoàn có mặt đầy đủ. Anh Hưng và tôi trở về
nhà.
Khoảng
11:00 giờ trưa cùng ngày, đang đùa giỡn với vài người bạn hàng
xóm, tôi thấy một chiếc C–119 thuộc Phi Đoàn của tôi cất cánh, kế
tiếp là vài chiếc C–130. Tôi đoán có lẽ các Phi Đoàn đã được lệnh
mang phi cơ đi về Vùng IV để tránh pháo kích. Tôi vội chạy qua
nhà anh Hưng, rủ anh cùng trở lại phi trường Tân Sơn Nhất.
Bên trong phi trường lúc này rất vắng
vẻ. Lối ra các bãi phi cơ chẳng còn ai canh gác. Vào đến nơi thì
nguyên một khu vực rộng lớn gồm các Phi Đoàn 720, Phi Đoàn 435,
Phi Đoàn 437 và Không Đoàn 53 không còn một bóng người!
Chúng tôi chạy ra bãi L–19. Nơi này
cũng rất vắng vẻ. Tôi và Hưng chia nhau làm việc. Anh Hưng lo
kiểm soát bình điện, còn tôi kiểm soát bình xăng. Khi tìm được
chiếc phi cơ có điện và xăng đầy đủ thì một nhóm khoảng 5 người
đến xin đi theo; nhưng vì chiếc L–19 chỉ có 2 ghế cho nên cuối
cùng trên phi cơ chỉ có tôi, Hưng và 2 Thiếu tá trực thăng. Vì
trong tình trạng khẩn cấp, anh Hưng đã không ra phi đạo mà vội vã
cho tàu cất cánh ngay trên taxi way (đường dẫn ra phi đạo). Nhưng
phi cơ bị quá tải, không đủ sức nâng; vì vậy phi cơ không cất
cánh nổi. Sau vài phút điều đình, một vị Thiếu tá bằng lòng rời
phi cơ. Cuối cùng trên tàu còn 3 người và chúng tôi đã an toàn
đáp xuống phi trường Bình Thủy, Cần Thơ khoảng 1:30 giờ trưa
29/4. Vừa ra khỏi chiếc L–19, hai Quân Cảnh ập đến yêu cầu chúng
tôi lên xe Jeep. Họ đưa chúng tôi về Văn phòng làm báo cáo vì
chúng tôi đã tự ý đem phi cơ từ Tân Sơn Nhất xuống Bình Thủy. Sau
khi trình bày tình trạng an ninh tại Tân Sơn Nhất, Quân Cảnh để
chúng tôi tự do.
Ngay sau đó Thiếu tá trực thăng chia
tay chúng tôi để tìm gặp bạn bè. Phi trường Cần Thơ lúc bấy giờ
vẫn hoạt động rất bình thường, dường như không hề chịu một áp lực
nào của Cộng quân.
Tối đến, chúng tôi gặp lại những Hoa
Tiêu mà ngày hôm trước chúng tôi đã đưa họ từ Tân Sơn Nhất xuống
Bình Thủy. Cùng với họ, chúng tôi vô tư ăn uống, vui chơi tại Câu
lạc bộ trong phi trường. Không ai ngờ rằng đó là bữa ăn uống cuối
cùng trên đất Việt.
Sáng 30/4, cùng với khoảng 20 người
bạn, chúng tôi tụ tập trên sân của một Phi Đoàn A–37. Chúng tôi
cùng quây quần lắng nghe tin tức của đài phát thanh Sài Gòn qua
một Radio nhỏ.
Khi nghe Tổng Thống Dương Văn Minh
tuyên bố đầu hàng, chúng tôi bàng hoàng, tức tưởi! Mọi người cùng
im lặng với tâm tư chua cay, tủi nhục của những kẻ thua cuộc! Vài
phút sau, tất cả đồng loạt đứng dậy chuẩn bị ra phi đạo lấy máy
bay để rời phi trường, mặc dầu chưa biết sẽ đi về đâu! Tuy nhiên,
chúng tôi còn do dự vì có vài anh lính phòng thủ phi trường ngăn
cản lối ra các bãi phi cơ. Rồi thật bất ngờ, một vị Trung tá đã
đánh liều, vượt qua những anh lính phòng thủ, thế là chúng tôi
cùng chạy ùa theo. Tôi và anh Hưng cùng lập lại những công việc
đã làm lúc rời Tân Sơn Nhất để tìm một phi cơ đầy đủ xăng và
điện.
Khoảng
11:30 giờ trưa cùng ngày, chúng tôi rời phi trường Bình Thủy.
–ĐML:
Thưa anh, sau khi cất cánh, anh và anh Hưng dự định bay đi đâu?
*NVN: Sau khi đã bình
phi, qua hệ thống vô tuyến trên phi cơ, chúng tôi liên lạc với
vài người bạn đang bay trong khu vực và cho họ biết chúng tôi sẽ
trở về Sài Gòn. Nhưng ngay sau đó, chúng tôi thay đổi hướng bay
khi được tin Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ đang chờ đón những quân nhân
miền Nam ngoài khơi Vũng Tàu.
–ĐML: Khi thấy Hạm đội Hải Quân Việt Nam, tại
sao anh và anh Hưng lại chọn HQ502?
*NVN: Thưa chị, đến
hải phận Vũng Tàu, đầu tiên chúng tôi thấy cả vài chục chiếc tàu
đánh cá cùng hướng ra biển. Vài phút sau đó chúng tôi thấy một
chiến hạm của Hải Quân Việt Nam; chiến hạm này khá lớn nhưng nhỏ
hơn HQ502, trên boong tàu chật kín người. Bay xa thêm một chút
nữa, chúng tôi thấy Dương Vận Hạm Thị Nại, HQ502, trên tàu cũng
đầy nghẹt người. Chúng tôi xuống thấp để quan sát. Hình như tôi
đã cầm một miếng vải trắng vẫy tay chào mọi người trên tàu. Tôi
và Hưng cùng bàn với nhau, tàu lớn chắc chắn có xuồng cấp cứu; vì
vậy chúng tôi bỏ ý định tìm Chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ.
Anh Hưng và tôi đồng ý nhảy xuống biển để theo HQ502.
–ĐML:
Trước khi nhảy xuống biển, cảm tưởng của anh như thế nào?
*NVN: Thưa chị, trước
khi nhảy ra khỏi chiếc L–19 tôi rất bình tĩnh. Tôi bảo anh Hưng
cho tàu bay lòng vòng để tôi cởi bỏ đôi giày. Chắc chắn lúc đó
tôi không hề nghĩ đến cái chết. Tôi tin tưởng một cách tuyệt đối
rằng cứ nhảy xuống biển rồi sẽ được cứu vớt, do đó tôi đã không
một chút phân vân, phóng ra khỏi phi cơ khi anh Hưng hô “Nhảy!”
–ĐML:
Được Người Nhái Hải Quân vớt, cảm nghĩ của anh như thế nào?
*NVN: Thưa chị, tôi
còn nhớ rất rõ, tôi đã nhảy xuống trước mũi chiếc HQ502. Thế rồi
con tàu khổng lồ từ từ trôi qua tôi mà không hề thấy một chiếc
xuồng cấp cứu nào đến như tôi mong đợi. Tôi bắt đầu thất vọng!
Đầu óc tôi lúc bấy giờ rất căng thẳng nhưng bình tĩnh. Rồi thật
bất ngờ, một thanh niên bơi về phía tôi, trên tay anh mang theo
một áo phao. Anh nói tôi ôm vào chiếc phao, dặn tôi cố sức đạp
hai chân thật mạnh, rồi anh kéo tôi về HQ502. Anh thật là một
người can đảm, đầy nhân ái đã bất chấp nguy hiểm để cứu vớt một
người không hề quen biết.
Xin cảm tạ Thiên Chúa và muôn vàn cám
ơn anh Kiệt đã cứu mạng tôi.
–ĐML:
Xin anh cho biết, thấy anh Phi công nhảy ra, “tưng lên” rồi chìm
ngay, anh nghĩ gì?
*NVN: Thưa chị, trước
khi anh Kiệt kéo tôi về đến chiếc tàu thì tôi nghe tiếng chiếc
L–19 đâm xuống biển mé bên kia của chiếc HQ502. Nhưng vì bị chiến
hạm to lớn che khuất, tôi không thấy được điều gì xảy ra phía bên
kia. Sau khi được kéo lên boong tàu, câu nói đầu tiên tôi nghe là
“Bạn anh chết rồi”! Lúc đó tôi mới biết anh Hưng đã vĩnh viễn ra
đi!
–ĐML:
Sau khi lên HQ502, anh nghĩ gì và cảm tưởng của anh về người bạn
thiếu may mắn của anh như thế nào?
*NVN: Thưa chị, lên
được boong tàu tôi rất yếu và mệt, có lẽ không quen bơi lội. Sườn
bên trái của tôi bị sưng khá lớn. Tôi bị lột mất bộ quân phục đẫm
ướt và được đặt nằm trên một băng ca hay trên ghế của chiếc trực
thăng, tôi không nhớ rõ lắm. Tôi vô cùng buồn bã, chán chường
trước cái chết của anh Hưng! Anh là người thân duy nhất đã cùng
tôi chia sẻ những gian nan, nguy hiểm trên đường trốn tránh cộng
sản; đến khi được tạm yên ổn thì anh lại bị tử nạn! Những ngày
sau đó tôi mang tâm trạng chán chường của một người đã bị tước
đoạt tất cả những gì mình yêu quý! Tôi nhận biết tôi đã thiếu anh
Hưng một món nợ vô giá, không thể đền đáp được!
–ĐML:
Anh có thấy hoặc nghe người nào nhảy xuống biển vào tối 30/04/75
hay không? Hay là anh có nghe đồng bào và quân bạn trên HQ502 bàn
tán về người đã nhảy xuống biển ngay đêm sau khi anh được vớt hay
không?
*NVN: Thưa chị, tối
30/4 người tôi vẫn còn yếu, tôi chỉ nằm nghỉ ngơi. Nhưng tối hôm
sau, trong lúc tôi lẩn quẩn trên boong tàu để tìm người quen thì
nghe hai người đàn bà ở tầng trên bàn tán với nhau về chuyện anh
phi công L–19 sống sót đã nhảy xuống biển chết theo người bạn đêm
qua. Ngay lúc đó tôi đã đính chính và xác định với họ chính tôi
là người đã nhảy ra khỏi chiếc L–19.
–ĐML:
Thưa anh, gia đình anh Hưng nhận được tin buồn của anh ấy vào
thời điểm nào? Ai báo tin?
*NVN: Thưa chị, đầu
năm 1976, tôi không nhớ rõ vào tháng nào, tôi đã gặp Thịnh, em
ruột của anh Hưng tại một khu buôn bán của người Việt tại
Arlington, VA. Tôi báo tin buồn với Thịnh. Năm 1978 tôi nhờ một
người ở Kowloon, Hong Kong chuyển về Việt Nam một lá thư cho bố
mẹ tôi, trong đó tôi cũng báo tin về cái chết của anh Hưng. Cha
mẹ anh Hưng đã nhận được hung tin vào thời điểm này.
Sau đó, vào vài dịp trở về Việt Nam
thăm gia đình, tôi đều đến thăm Bố Mẹ anh Hưng và kể đầy đủ chi
tiết về chuyến đi và cái chết của anh. Sau này bố mẹ anh Hưng
chuyển đi nơi khác, lâu rồi tôi không còn gặp Ông Bà nữa.
–ĐML:
Từ 1975 đến nay anh có biết tin hoặc liên lạc với Người Nhái đã
cứu anh hay không?
*NVN: Thưa chị, trong
thời gian còn ở trên HQ502 tôi, tìm đến anh Kiệt để cám ơn đã cứu
mạng. Khi đến trại Orote Point, Guam tôi cố tìm anh nhưng không
gặp. Ở Guam vài tuần, tôi xin đi Indian Town Gap, PA. Từ đó đến
nay tôi không gặp và cũng không nghe tin tức gì về anh Kiệt. Tôi
dò hỏi vài người bạn sinh sống ở quận Cam về anh Kiệt nhưng cũng
không hiệu quả. Rất mong được tin của anh.
–ĐML:
Xin anh vui lòng cho biết tình trạng gia cảnh của anh hiện tại?
*NVN: Thưa chị, tôi đã
lập gia đình vào năm 1981. Được 3 cháu, hai gái, một trai. Hai
cháu lớn đã trưởng thành, xong Đại Học và đang có công việc vững
chắc. Cô Út vẫn còn trong Đại Học. Bà xã tôi là Accountant, làm
việc cho Chính phủ Liên Bang. Phần tôi, trước khi về hưu là Kỹ Sư
Cơ Khí (Mechanical Design Engineer) của hãng Philips.
–ĐML:
Lần đầu tiên đặt chân trở về phần đất mà anh suýt vong mạng lúc
anh tìm cách lìa xa, xin anh vui lòng cho biết cảm tưởng của anh
như thế nào?
*NVN: Thưa chị, Bố tôi
và 8 người em hiện còn sống tại Sài Gòn cho nên tôi đã trở về
Việt Nam vài lần. Lần đầu tiên vào cuối tháng 11, 1990, gần đây
nhất, vợ chồng tôi đã đưa các cháu về Việt Nam ăn Tết Ất Mùi với
Bố tôi. Ông cụ nay đã 88 tuổi.
Năm 1990, trên chuyến bay của Thai
Airways đáp xuống Tân Sơn Nhất có lẽ chỉ có vài người Việt Nam,
đa số là dân Úc và Đài Loan. Trước khi rời phi cơ, một anh bộ đội
bước vào trong thân tàu, tay cầm một tờ danh sách hành khách. Quả
thật lúc đó tôi rất lo sợ vì không biết chuyện gì sẽ xảy đến cho
mình.
Khi ra khỏi máy bay, quan sát cảnh vật
bên trong phi trường Tân Sơn Nhất, lòng tôi dâng lên nỗi buồn vô
tận! Thời còn tại ngũ, tôi đã quá quen thuộc với cảnh nhộn nhịp
người ra, kẻ vào và không khí ồn ào, tấp nập của các phi cơ đủ
loại lên xuống.
Hôm tôi trở về, cả phi cảng chỉ có duy
nhất một phi cơ của hãng Thai Airways. Tất cả nhà cửa, công sở
xuống cấp một cách tàn tệ và hoang vắng ngoài sức tưởng tượng!
Càng buồn hơn nữa khi đi qua những đường phố tàn tạ và chật hẹp
trên quãng đường từ Lăng Cha Cả về nhà tôi. Tôi đã vô cùng xót xa
trước cuộc sống quá nghèo nàn, cơ cực và luôn luôn sợ sệt của
những người thân quen. Cay đắng hơn cả là khi tôi gặp lại cô bạn
cũ – người đã từng làm rung động biết bao trái tim của đám trai
tráng chúng tôi, ngày trước – nay ngồi bán xôi bên lề đường với
bộ quần áo vá víu nhiều chỗ!
Những gì tôi thấy và nghe được trong
chuyến về Việt Nam đầu tiên đã chứng minh rằng nhà cầm quyền cộng
sản là một lũ độc tài, ngu dốt, đã đưa toàn dân đến cảnh lầm
than, đói khổ. Họ chỉ biết dùng quyền lực để đàn áp, bóc lột
người dân.
–ĐML: Cảm tưởng
của anh sau khi đọc bài ông Phạm Phú Nam phỏng vấn Điệp Mỹ Linh
như thế nào? Làm thế nào anh có địa chỉ email của Điệp Mỹ Linh?
*NVN: Thú thực với
chị, nếu không có hình của Chiến hạm mang số 502 trên trang 35
của tờ báo có lẽ tôi đã không đọc bài phỏng vấn. Đã hơn 40 năm
rồi, tôi đã đọc cả trăm bài viết về những ngày cuối của cuộc
chiến Nam Bắc và các cuộc lui quân, di tản bi thương của quân và
dân từ Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Kontum, v.v. Tôi đọc đã đủ, không
muốn đọc thêm nữa. Nhưng chính hình chiến hạm HQ502 của tạp chí
Thế Giới Mới, số 706 đã làm sống lại trong tôi chuyến bay định
mệnh ngày 30/4/1975!
Tôi vô cùng xúc động, ngồi yên lặng khá
lâu, nhớ đến chuyện cũ. Khi đọc đến đoạn nói về chiếc L–19 thì
tâm tư tôi lẫn lộn những cảm giác buồn bã, bùi ngùi, tiếc nuối!
Đến câu hỏi của ông Phạm Phú Nam “Điều đó có đúng hay không (lời
đồn anh phi công phụ tự tử)?” Chị đã trả lời “Hơn 5,000 người
trên chiến hạm HQ502 không ai xác quyết được. Nhưng đã mấy mươi
năm qua không hề nghe anh phi công phụ lên tiếng”. Đọc đến đây
tôi bỗng mang mặc cảm của một kẻ có lỗi và đang bị khiển trách!
Lỗi gì và lỗi với ai? Quả thật tôi không rõ. Bà xã tôi khuyên tôi
nên liên lạc với Tòa báo để làm rõ câu chuyện; nhưng tôi lại tìm
chị vì biết chị là người năm xưa đã chứng kiến chúng tôi nhảy ra
khỏi chiếc L–19.
Trước khi về hưu, trong việc làm hàng
ngày tôi thường xuyên dùng Internet để tìm kiếm tài liệu và những
thông tin liên quan đến công việc. Do đó kiếm tìm một người có
khá nhiều dấu ấn trên mạng Internet (http://www.diepmylinh.com)
không có gì khó khăn cả.
–ĐML:
Xin cảm ơn anh.
*NVN: Xin cám ơn và
chào chị.
Điệp Mỹ Linh
http://www.diepmylinh.com
(1) Ông Không
Quân Nguyễn Viết Nhiễm nhờ ĐML giúp để liên lạc với Biệt Hải
Nguyễn Văn Kiệt – người đã cứu ông Nhiễm trên biển, năm xưa. Sau
đó, ông Nhiễm đã đưa gia đình xuyên tiểu bang đi thăm gia đình
Biệt Hải Nguyễn Văn Kiệt. Câu chuyện “huynh đệ chi binh” trong
bối cảnh chiến tranh có đoạn kết tuyệt đẹp!
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Danh sách những Bài viết của Tác giả Điệp Mỹ Linh
|
Hình nền: Biển Thái Bình/VN. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E–mail by NN Nguyễn Văn Kiệt chuyển
Đăng ngày Thứ Tư, March 22, 2017
Cập nhật ngày Thứ Sáu, April 10, 2020 –
Thêm chú thích (ĐML)
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang