Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Hải Chiến Hoàng Sa - 1974

TÂM SỰ 40 NĂM VỚI 4 CHIẾN HỮU NGƯỜI NHÁI
ĐÃ HY SINH VÌ HOÀNG SA

Đặng Đình Hiền

Huy hiệu những Đơn Vị QLVNCH đã chiến đấu trong
Trận Hải Chiến HOÀNG SA 1974

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

Chào các bạn Người Nhái đã bỏ mình cho Hoàng Sa!
Tôi, Đặng Đình Hiền, nguyên Biệt Đội Trưởng Người Nhái Hải Kích.


Xin các anh cứ tự nhiên, như thuở xưa, mình lúc nào cũng coi nhau như anh em. Chúng ta đã đồng ý với nhau rồi cấp bậc chỉ dùng để phân chia nhiệm vụ trong công tác, chứ không dùng để phân chia giai cấp với nhau. Bởi vì chỉ chậm thêm một giờ đồng hồ nữa thôi thì biết đâu tôi đã cùng với hơn 20 Người Nhái khác cũng đang đứng bên cạnh các anh bây giờ để chờ được cúng giỗ hàng năm.

Thưa các anh,

Thoáng một cái mà đã 40 năm rồi, kể từ 19-1-1974, ngày các anh đã nằm xuống cho Hoàng Sa.

Các anh biết không, từ sau ngày 30-4-1975, Việt Nam mình như không còn là của mình nữa. Năm 1979, người thường tự xưng “Láng giềng vĩ đại phương Bắc” đã giáng cho Việt Nam Cộng sản một đòn chí tử, đã quét sạch 6 tỉnh địa đầu của Việt Nam như quét rác. Chúng đã bắt đảng CSVN dâng nạp hàng ngàn cây số đất liền năm 1999 và hàng chục ngàn cây số mặt biển năm 2000. Chúng đã không trả lại Hoàng Sa mà còn tấn chiếm thêm một phần của Trường Sa, giết thêm 64 người bộ đội CSVN có nhiệm vụ bảo vệ Garma và Cô lin năm 1988.

Ngay từ năm 1958, Phạm Văn Đồng đã theo lệnh của Hồ Chí Minh gửi công hàm công nhận chủ quyền của Trung cộng trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hầu được cung cấp vũ khí và tiếp liệu để xâm chiếm Miền Nam Việt Nam đang yên vui dưới chế độ Cộng Hòa, mặc dầu lúc đó Cộng sản Bắc Việt không có một chút chủ quyền nào trên hải đảo Hoàng-Trường-Sa này. Bọn Trung cộng phải đợi đến khi Mỹ rút khỏi Việt Nam, cắt viện trợ và tàn nhẫn bỏ rơi người bạn đồng minh Nam Việt Nam, chúng mới xua quân tiến chiếm đảo.

Các anh biết không, chỉ chưa đầy một năm sau khi ký hiệp định Paris để hạn chế sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Miền Nam Việt Nam, TQ đã vội đổ quân xuống các đảo phía tây của quần đảo Hoàng Sa và triển khai lực lượng hải quân tại đây.

Tôi còn nhớ, ngày 24 Tết, chúng mình ai nấy đang nôn nao chờ đón Tết sắp đến, những tưởng năm nay sẽ được sum họp với gia đình đón Xuân, nhưng lệnh từ BTL/HQ gửi xuống, buộc Biệt Đội Hải Kích chúng ta trong vòng 24 giờ phải lên đường trực chỉ Hoàng Sa, đối đầu với quân Trung cộng mưu chiếm hải đảo. Tôi đã gom góp tất cả anh em hiện diện tại Biệt Đội, và những anh em khác sống gần đơn vị phải thu xếp để hôm sau lên đường. Người Nhái chúng mình thì quá quen với cảnh ra đi vội vã này rồi. Có bao nhiêu cái Tết chúng ta được ở nhà chứ!

Các bạn cũng như tôi, đều được không vận từ Sài Gòn đến Đà Nẵng, rồi lên chiến hạm tại quân cảng Tiên Sa để được chở đến vùng lửa đạn Hoàng Sa. Nơi đây quân Trung cộng đang chờ chúng ta. Như vậy Người Nhái chúng ta hiện diện trên 3 chiến hạm: HQ-5, HQ-16 và HQ-11. Sáng ngày 19-1-1974, khi được lệnh đổ quân lên đảo thì NN từ chiến hạm HQ-5 xuống xuồng cao su chèo vào đảo. Trung úy Đơn làm trưởng toán đổ bộ từ HQ-5. Đại úy Cảnh chỉ huy tổng quát tất cả NN hiện diện, và nhận lệnh trực tiếp từ CHT hành quân là HQ Đại tá Hà Văn Ngạc, cũng ở trên chiếc HQ-5. Lúc này chiếc HQ-11 vẫn còn lênh đênh trên đường từ Đà Nẵng đến vùng Hoàng Sa, mang theo khoảng 25 Người Nhái khác đến tăng viện, do tôi trách nhiệm. Tôi cũng được biết Đại úy Cảnh đã bị cảnh cáo sẽ bị đưa ra tòa án quân sự về tội cự nự lệnh “đổ NN vào bờ giữa ban ngày và không cho NN được sử dụng vũ khí”, mà chỉ đi “tiếp xúc và điều đình thôi”. Bởi lẽ đó mà ngay loạt đạn đầu, anh Đơn và Long đã bị gục ngã.

Trận chiến xảy ra nhanh quá. Kết quả là chiến hạm HQ-10 bị đánh chìm. HQ-16 bị hư hại nặng. HQ-5 thì bị nhẹ hơn, nhưng số tử vong cũng khá cao. Anh Đinh Hữu Từ và anh Nguyễn Văn Tiến đã ra đi trên chiếc HQ-5 này. Còn Lê văn Tâm và Thành Râu, Bali và Hoàng Kỳ bị thương nặng. Vài anh em khác bị nhẹ hơn cũng ở trên chiếc HQ-5 và HQ-16.

Tội nghiệp cho anh Nguyễn Văn Tiến, bị lên an ninh tới lui chỉ vì cái tội mà anh không bao giờ phạm. Cha của anh đi tập kết, khi mà anh chỉ là đứa con nít, nhưng anh lại tình nguyện xin đi NN để bảo vệ đất nước. Chỉ tiếc một điều là chúng tôi vẫn chưa tìm được thân nhân của anh. Xin anh phù hộ cho chúng tôi tiếp xúc được với thân nhân của anh, để có được tấm hình của anh.

Còn Long Sandwich tức Đỗ Văn Long khóa 4 HK. Sao anh nỡ ở lại Hoàng Sa, một mình, mà không về với vợ chờ con trông? Anh thử nghĩ coi, 28 Tết, ngồi ôm con để nhận tin chồng không về nữa thì còn đau xót nào hơn không, hả anh. Khi chúng tôi tìm được đến nhà người vợ sắp cưới của anh để báo tin thì mới biết được rằng anh và chị vừa hạ sinh một bé gái, vừa tròn 2 tháng 24 ngày. Anh chị dự trù làm đám cưới muộn sau chuyến công tác này vì trước đây gia đình anh Long chưa đồng ý. Bây giờ cha mẹ thuận lòng thì anh lại không về để dự đám cưới của chính mình.

Cuối cùng thì vợ và con của anh đành phải làm đám tang khô, trên bàn thờ chỉ duy nhất một tấm bia nhỏ với 6 chữ “Hoàng Sa Hải Đảo Chi Mộ”. Thật đúng là “xe hoa chưa có mà xe tang cũng không”. Không bạn bè, không tiễn đưa, không mộ chí!

Còn anh Đơn, Trung úy NN Lê Văn Đơn, xuất thân từ Trường Bộ Binh Thủ Đức, nhưng anh từng là thủ khoa khóa Seal Team Leader từ Norfolk, Virginia Hoa Kỳ. Làm trai thời loạn, mỗi người chúng ta đều có cùng một nhiệm vụ: chống xâm lăng và giữ nước nhà. Giặc Tàu mang quân xâm phạm đất nước, con cháu Yết Kiêu/Dã Tượng như chúng ta là phải lên đường chống đỡ. Có người trở về, có người không. Riêng anh Đơn, lần này anh đã trở về trong “hòm gỗ cài hoa và phủ cờ vàng ba sọc đỏ”.

Anh có biết không, Trung úy Linh đã hướng dẫn vợ con anh từ Sài Gòn ra Nha Trang để đón xác anh, nhưng chỉ dám nói là anh bị thương thôi, sợ chị quá xúc động có thể liều mình chăng! Cho đến khi nhìn thấy sự thật phũ phàng, thì chị ấy đã quì trước quan tài của anh, lâm râm khấn nguyện để xin phép anh từ nay được đổi tên con thành Lê Hoàng Sa. Đứa con trai độc nhất của anh đó, bây giờ cũng đang quanh đây thôi! Chúng tôi cám ơn anh đã giúp chúng tôi tìm được cháu. Và cháu có thêm tên nữa là “Phương”.

Các anh biết không, gần cuối năm 2013, Tầu cộng đã tự động thiết lập vùng không gian phòng vệ và bắt các phi cơ bay qua phải thông báo trước, điều này đã gây phẫn nộ cho quốc tế. Chưa hết, hôm đầu năm dương lich (1-1-2014), TC lại ra lệnh cho các tầu đánh cá phải xin phép trước mới được vào đánh cá tại biển đông, mục đích là biến Biển Đông thành ao nhà của TC và tiêu diệt nền ngư nghiệp của Việt Nam và Phi Luật Tân.

Chính quyền Phi đã đem đơn kiện Tầu cộng tại Liên Hiệp Quốc, Việt Nam thì chưa dám, vì còn phải nhờ cậy TC hòng bám chặt lấy những địa vị then chốt độc tôn để toàn quyền vơ vét cho đầy túi tham. Những người Việt có lòng với đất nước xuống đường biểu tình phản đối TC... thì bị đánh đập dã man và kết án tù. Ôi đau xót nào hơn!

Thật tình mà nói, các anh có diễm phúc được chết cho quê hương giống nòi để bảo vệ từng tấc đất của Tổ Tiên. Các anh biết không, chúng ta đã bị mất thêm thác Bản Giốc, mất hàng chục ngàn cây số biển, mất một phần quần đảo Trường Sa... vào tay kẻ thù truyền kiếp Bắc phương. Trung cộng đã tự vẽ một vùng Lưỡi Bò để cưỡng chiếm và đã bắt phải xin phép khi vào đánh cá tại Biển Đông.

Trong nước, CSVN sợ các anh, không dám tôn vinh các anh; không dám tưởng niệm các anh vì đã gọi các anh và chúng tôi là “ngụy”, và vì mặc cảm tội lỗi, cái mặc cảm bán nước cầu vinh bằng một bản công hàm 14-9-1958 do Phạm văn Đồng ký, nhưng với chúng tôi, các anh đã được ghi ơn, được tôn vinh là anh hùng dân tộc từ 40 năm qua, và còn mãi mãi... vì đã chết để bảo vệ quê hương, đất nước.

Anh Đơn và các bạn, nếu có linh thiêng, xin hãy trỗi dậy, hãy giúp chúng tôi đòi lại từng tấc đất, từng ly biển đã mất, hãy giúp người dân Việt vùng lên tiêu diệt bọn độc tài phản bội tổ tiên, dâng đất dâng biển cho ngoại bang. Có như thế cái chết của các anh và sự hy sinh to lớn của vợ con các anh mới không bị lãng phí. Nhớ nha các anh.

 
Chào Tạm biệt,
Ngày Hoàng Sa 40 năm 19-1-2014


Đặng Đình Hiền
Nguyên Biệt Đội Trưởng Người Nhái Hải Kích
Hải Quân QLVNCH
http://danlambaovn.blogspot.com

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Biển Thái Bình/VN. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet E-mail by NN Lê Đình An chuyển

 

Đăng ngày Chúa Nhật, October 30, 2016
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang