Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Liên Đoàn Người Nhái Hải Quân QLVNCH
Hồi
ký
Chủ đề: Đời sống mới trên đất Úc
Tác giả:
Phương Thảo “Nguyễn Kim Thơm”
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Tôi
vừa trở về từ đường xa hàng trăm cây số để đến dự buổi tiệc sinh
nhật đặc biệt của một người đặc biệt có tuổi thọ 90.
Đó là một người ÚC đã bảo trợ cho gia
đình tôi cách nay gần 2 thập niên... trên con đường trở về nhà,
tôi nhìn qua các khu phố, các công viên mà Ngày xưa tôi đã một
thời dạo quanh làm cho tôi nhớ về dĩ vãng xa xưa, những kỷ niệm
trong thời gian đầu tiên ở xứ sở mà tôi nhận là quê hương thứ hai
này.
Lúc gia
đình tôi còn ở trại tỵ nạn được Phái đoàn Úc chấp nhận cho định
cư và cũng được Phái đoàn thông báo cho biết là gia đình tôi được
hai ông bà người Úc, hội viên của một hội nhóm thiện nguyện giúp
bảo người tỵ nạn, nhận bảo trợ.
Ngày chúng tôi đến Úc ở tạm trong hotel
một tuần lễ thì được nhân viên di trú đưa về Một Tỉnh lỵ có di
tích lịch sử quan trọng về mỏ vàng cách thành phố Melbourne 150
cây số.
Khi
chiếc xe lửa dừng lại trạm ga cuối cùng vào khoảng 11 giờ trưa,
tôi thấy có 2 ông bà già đợi sẵn ở sân ga. Ông tiến đến bắt tay
chồng tôi và tôi sau lời giới thiệu của nhân viên Di Trú. Bà cầm
trong tay một bó hoa tươi và 1 giỏ trái cây trao cho tôi, chào
hỏi một cách niềm nở. Tôi còn đang ngại ngùng bỡ ngỡ thì thấy
ông quay qua các con tôi và tự giới thiệu “ông nội, bà nội”. Tôi
hết sức ngạc nhiên khi nghe ông nói tiếng Việt Nam. Sau này tôi
mới biết ông bà chỉ học được hai tiếng đó mà thôi. Và kể từ giây
phút ấy cho đến ngày nay các con tôi có thêm ông nội bà nội người
Úc.
Ông bà
chở gia đình tôi về ngôi nhà mà hội đã mướn sẵn trước, thì
thấy trong nhà đầy đủ tiện nghi, không thiếu một thứ gì, y như
căn nhà có người đang ở, tất cả đều gọn gàng ngăn nắp. Đặc biệt
trên bàn ăn đã có sẵn thức ăn. Thì ra trước khi đi đón chúng
tôi, bà đã chuẩn bị thức ăn cho bữa ăn trưa. Rồi bà ân cần chỉ
dẫn cho tôi cách sử dụng đồ đạc trong nhà bếp, dẫn đi xem từng
phòng ngủ, các tủ đựng quần áo, chăn mền, khăn tắm... Phòng các
con tôi đầy ắp quần áo, đồ chơi, sách báo trẻ con. Bà đã chu đáo
tất cả.
Ôi
thật là may mắn làm sao! Tôi bồi hồi xúc động chỉ biết lí nhí
hai tiếng “Thank you”.
Ngày hôm sau ông bà đưa chúng tôi đi
mua sắm thêm áo ấm. Vì khi chúng tôi đến Úc vào lúc cuối đông,
trời vẫn còn lạnh, sợ chúng tôi chưa quen với thời tiết mới.
Những ngày tiếp theo ông bà đến thăm đều đặn và giúp chúng tôi
lo tất cả thủ tục cần thiết lúc ban đầu. Qua một tuần các con tôi
đã vào trường ổn định việc học.
Phần chúng tôi sau 3 tuần lễ cũng ghi
danh học lớp Anh ngữ dành cho di dân, ngoài những buổi học ở lớp,
tôi còn được người địa phương với lòng hảo tâm không ngại thời
gian, tình nguyện đến nhà dạy thêm buổi tối.
Riêng chồng tôi trước năm 1975 là Quân
Nhân trong đơn vị Người Nhái Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, có
một thời gian làm việc chung với Navy Seals trên Đệ Thất Hạm Đội
Hoa Kỳ, nên có trình độ Anh ngữ căn bản, nên hai tháng sau đã có
việc làm.
Trước chúng tôi cũng có vài gia đình được hội bảo trợ về đây sinh
sống. Nhưng vì buồn không có người Việt chung quanh nên họ đã dọn
về thành phố. Còn lại gia đình tôi sống giữa những người xa lạ mà
giờ đây xem như thân thiết, vay mượn tình cảm để hưởng tình
thương ông bà dành cho như một người thân trong gia đình, ông bà
thật sự biểu lộ cử chỉ cưng chiều yêu quý các con tôi. Riêng tôi
được bà đặc biệt ưu ái đối xử như con gái của bà, lo cho từ vật
chất đến tinh thần. Tôi không bao giờ quên tấm chân tình bao la
mà ông bà dành cho các con tôi, thật không khác gì ông bà nội
ruột Việt Nam vậy.
Tôi còn nhớ năm đầu tiên ở đấy, ngày
sinh nhật của tôi mà tôi cũng không để ý. Vì ở Việt Nam mình đâu
có ăn mừng sinh nhật bao giờ, chỉ nhớ đến ngày sinh khi cần làm
giấy tờ liên quan đến lý lịch hành chánh phải ghi rõ ngày tháng
năm sinh mà thôi. Thế mà ông bà đã nhớ vì Ông bà đã xem trước hồ
sơ gia đình tôi khi nhận bảo trợ chúng tôi. Mặc dù tôi qua đây
chỉ mới có hai tháng, thời gian rất ngắn ngủi.
Hôm ấy ông bà nói sẽ đón chúng tôi về
nhà dùng cơm. Khi chúng tôi tới nơi thấy có một số khách trong
hội bảo trợ. Tôi nghĩ có lẽ đây là buổi cơm họp mặt cuối tuần.
Nhưng sau bữa ăn, bà mang ra một cái bánh sinh nhật do tự tay bà
làm có ghi ngày sinh giống ngày sinh của tôi. Tôi hỏi bà sinh
nhật của ai thế? Bà trả lời: sinh nhật của mày đó, mày không biết
à? (tiếng “Mày” diễn dịch theo nghĩa thông thường của
tiếng “You”).
Tiếp theo đó ông đem ra một cái máy may
nhỏ bà đã dùng rồi, nhưng vẫn còn rất mới, nói là tặng lại cho
tôi để may áo quần. Bà nói để bà sẽ dạy tôi may. Bà hỏi tôi biết
may không? Tôi nói ở Việt Nam tôi làm giáo viên, nhưng trước khi
chuẩn bị đi vượt biên, tôi có học qua một khóa thợ may để phòng
thân, vì nghe những người đi trước viết thư về kể lại là ở nước
ngoài, đa số phụ nữ Việt Nam làm nghề may tại gia. Bà nghe thế
rất hài lòng.
Tôi thường tự hỏi sao người dân bản xứ ở đây có lòng bác ái cao
đến thế? Ông bà còn mua cho chúng tôi một quyển từ điển Anh-Việt
rất lớn. Ông nói ông bà biết chúng tôi sẽ cần đến nó. Thật là
hữu dụng, khi không hiểu ý ông bà nói gì thì ông dùng từ điển
chỉ và giải thích cho chúng tôi rõ ràng. Tôi vô cùng quý mến
quyển từ điển Anh-Việt ấy.
Thời gian đó ông bà đã khoảng 70 tuổi,
đã qua tuổi hưu trí rồi thế mà vẫn còn đi làm. Tôi nghĩ nếu như ở
Việt Nam mình vào tuổi đó, ông bà chỉ ngồi nhà an hưởng cuộc đời
còn lại cho con cháu hầu hạ phụng dưỡng chứ đâu có phải đi làm
như vậy. Tôi thầm so sánh ông bà đi làm vất vả để giúp cho gia
đình mình thì càng làm tôi ái ngại hơn. Nhưng không, ông bà bảo
tôi đừng quan tâm đến việc ấy, vì ông bà chỉ làm việc thiện
nguyện, giúp cho hội thôi chứ không ăn Lương, không phải làm vì
tiền. Công việc của ông bà là quét dọn cho một shop bán vật dụng
quần áo cũ cho hội St. Vincent De Paul, một tuần 3 ngày, liên tục
suốt 10 năm rồi. Còn bà thì may, khâu, sửa chữa những quần áo
người ta cho rồi đem phân phát giúp lại người nghèo.
Tuy ở tuổi 70 mà ông bà vẫn còn rất
khỏe mạnh, thích hoạt động thể thao, sinh hoạt xã hội. Bà thường
dẫn tôi theo bà đến những nơi tiệc tùng, họp mặt giúp các bạn bè,
thường hay đề cập đến gia đình tôi trước bạn bè và khoe các món
ăn Việt Nam mà ông bà thưởng thức khi tôi làm đãi ông bà, hay
thỉnh thoảng tôi làm đem theo khi đi dự tiệc cùng bà. Tôi nhớ ông
bà thích nhất là món chả giò.
Sợ tôi cô độc lẻ loi trong thời gian ở
nhà khi chồng đi làm, con cái đi học, nên bài giới thiệu tôi vào
hội Phụ Nữ địa phương (lúc ấy tôi đi học Anh Ngữ mỗi tuần
chỉ có 3 ngày, vì thế có rất nhiều thì giờ rỗi rảnh). Hàng
tuần tôi đến sinh hoạt với một nhóm đông đảo khoảng sáu chục
người có đủ hạng tuổi. Nơi đây chia thành từng nhóm nhỏ dạy đan,
thêu, làm bánh, làm hoa... sau khi tham dự một vài lần, tôi chọn
học làm hoa.
Sinh hoạt rất vui và thân mật
Về sau tôi có thời gian làm hoa vải,
hoa giả cho shop. Nhờ có cơ hội tôi đã học được rất nhiều về
phong tục, tập quán của người Úc từ cách xã giao, cách ăn uống
và thói quen của họ. Tôi nhận thấy người Úc có rất nhiều điểm
khác biệt giữa nếp sống của người Việt Nam. Tôi đã học được cách
đối xử với người xung quanh, hàng xóm láng giềng để không làm mất
lòng họ.
Ông
bà cũng hay hỏi thăm tin tức gia đình thân nhân ở Việt Nam làm
tôi thấy lòng ấm áp. Thỉnh thoảng những ngày cuối tuần hay nghỉ
lễ ông bà đưa chúng tôi đi picnic hay đi thăm các vùng quê lân
cận, dành trọn thì giờ cả ngày cho chúng tôi. Tôi đi học Anh ngữ
hơn 2 năm, nhưng người dạy thêm tại nhà vẫn tiếp tục dạy tôi mỗi
tối cho đến khi tôi rời nơi ấy (Trừ ngày cuối tuần hoặc Lễ).
Sau đó tôi làm việc part time [bán thời
gian], dành dụm tiền gửi về Việt Nam giúp gia đình, người thân.
Ông bà rất hài lòng khi thấy tôi làm việc ấy và còn khuyến khích
tôi bảo lãnh cha mẹ sang Úc nữa. Tôi cũng viết thư về gia đình,
kể cho cha mẹ tôi nghe về nghĩa cử cao đẹp của ông bà. Về sau
những lúc rỗi rảnh tôi đến thăm ông bà, bà thường bảo tôi kể
truyện Việt Nam cho bà nghe. Bà muốn biết thêm về quê hương tôi
trong thời chiến tranh. Tôi kể cho bà nghe những đau thương,
những hãi hùng, ly tán mà dân Việt Nam phải gánh chịu trong suốt
thời gian dài. Có biết bao gia đình tan nát, kẻ thơ mất cha, vợ
mất chồng, nhà cửa tài sản bị tàn phá vì bom đạn. Rất nhiều cảnh
cha mẹ già phải khóc con vì những đứa con của họ đã hy sinh để
đền nước, trong đó có cha mẹ tôi tuôn tràn suối lệ hy sinh một
đứa con trai yêu quý cho tổ quốc.
Tôi kể cho bà nghe những ngày trước 30
tháng 4 năm 75, dân chúng trong thành phố Sài Gòn sống trong kinh
hoàng khiếp đảm. Hàng ngàn người chạy loạn có khi thất lạc mất cả
người thân, có lúc dẫm bừa lên kẻ khác, xô lấn hỗn độn để tìm
đường lánh nạn. Một cảnh tượng mà mỗi khi nhớ đến tôi hãy còn
bàng hoàng. Tôi cũng nói lý do vì sao gia đình tôi có mặt trên
đất nước này.
Nghe xong bà buông tiếng thở dài: Thật đáng thương cho dân tộc
Việt Nam phải chịu nhiều đau khổ!
Thời gian qua nhanh, tình thân của ông
bà càng thêm gắn bó. những ngày lễ Christmas và New year chúng
tôi được hưởng không khí ấm cúng đặc biệt gia đình theo truyền
thống của người dân Úc. (Mãi về sau này khi chúng tôi rời xa ông
bà đã lâu vẫn duy trì tình cảm đó. Hàng năm cứ đến ngày New year
gia đình chúng tôi về chúc tết ông bà giống như ở Việt Nam ngày
Tết con cháu về thăm vậy). Các con tôi kể lể cho ông bà nghe
việc học hành của chúng, ông bà rất thích thú. Vùng địa phương
tôi ở, hàng xóm láng giềng đều rất tốt. Tôi không thấy
cử chỉ, thái độ kỳ thị nào, trái lại nhận nơi họ sự
cảm thông, cởi mở thân thiện và giúp đỡ tận tình.
Rất nhiều kỷ niệm ghi đậm vào
lòng tôi. Có những đêm trăng sáng, những người bạn mới
dẫn gia đình chúng tôi đi săn thỏ trong những trang trại
rộng lớn của họ. Hoặc những buổi trưa hè nắng ấm họ
rủ chúng tôi đi câu cá, đi chơi xa trong vùng đồi núi thiên
nhiên, hưởng không khí trong lành êm ả.
Đời sống chúng tôi ở đây rất đơn sơ
giản dị, không đua đòi vật chất, nhưng hài hòa thoải mái. Các con
tôi đã hội nhập vào xã hội Úc dễ dàng nhanh chóng và có rất đông
bạn bè. Thỉnh thoảng các phụ huynh chở con họ đến nhà chơi với
các con tôi cả ngày, hoặc họ mời các con tôi đến nhà họ.
Nhưng sau năm năm dài bình yên như một
giấc mộng nơi thôn dã, tôi bắt đầu cảm nhận như mình vẫn thiếu
thốn một thứ gì. Đúng rồi, đó là tình dân tộc, tình ruột thịt,
thiếu tiếng nói quen thuộc của mình ngày xưa mà lâu nay tôi không
có dịp phát ngôn một cách thâm tình với bạn bè, ngoại trừ trong
khuôn khổ nhỏ bé của gia đình tôi.
Đôi lúc cũng cảm thấy ngại ngùng không
thể tâm sự hết những ước mơ hoài bão của mình với bạn mới...
Rồi:
Những
đêm tôi cảm thấy mình cô độc
Sống giữa
những người xa lạ không thương
Khác màu
da khác tiếng nói quê hương
Tìm đâu thấy
một bạn hiền an ủi!
Nhất là những đêm đông mưa lạnh, nhìn
xung quanh nhà ai cũng im lìm cửa kín, tôi chợt thèm nghe một
bản nhạc tình cảm dạt dào quê hương trên radio. Nhưng làm sao có
được, hay xem một phim nào đó nói về Việt Nam. lúc đó tôi chưa
biết đài truyền hình SBS có chương trình Việt ngữ. Tôi Hoàn toàn
không biết tin tức gì về cộng đồng trừ khi thỉnh thoảng thấy
trên TV. Tôi muốn đọc một tờ báo Việt ngữ cũng không thể mua. Có
nhiều lần tôi thèm những món ăn thuần túy hương vị đặc biệt, tôi
không làm sao tìm ra ở các siêu thị Úc nơi đây. Nếu tôi muốn
những thứ ấy tôi phải lái xe đi 150 cây số mới mua được một chai
mắm nêm, chai nước mắm Phú Quốc hay 1 gói gia vị nấu phở...
Tôi nhận thức rằng nếu mình ở đây luôn
mãi thì xem như cách biệt giữa đồng bào ruột thịt, không có dịp
phát ngôn tiếng nói riêng của mình. Tương lai con cái sẽ quên dần
tiếng Việt vì chúng không tiếp xúc với một người Việt Nam nào
ngoại trừ cha mẹ. Nhưng thời gian ở nhà với cha mẹ thì ít so với
thời gian chúng ở trường. Các bạn ở trường học và lối xóm láng
giềng hoàn toàn dân bản xứ.
Khi các con tôi qua đây rất còn bé nhỏ
nên chắc chắn không có khái niệm gì về quê hương, về phong tục
tập quán cổ truyền của ông bà cha mẹ, và nếu không thay đổi hoàn
cảnh thì một ngày nào đó chúng sẽ quên cả nguồn gốc mình.
Nhân dịp người bạn Úc rủ chúng tôi đi
thành phố vào dịp Tết Nguyên Đán. Chúng tôi đi hội chợ tết mới
phát giác ra rằng có hàng vạn đồng bào mình trong quang cảnh
không khí Việt Nam. Những tiếng cười nói xôn xao rộn rã. Nhìn
người tay bắt mặt mừng trò chuyện vui vẻ gợi cho lòng tôi cảm
xúc lâng lâng mà bao năm qua tôi thấy như thiếu vắng. Rồi nhìn
những thiếu nữ mặc áo dài tha thướt, đẹp xinh duyên dáng bất giác
tôi ngỡ mình như trở về thành phố Sài Gòn năm xưa... Tự dưng hai
giọt lệ tuôn tràn khi thấy các con tôi đứng ngơ ngác nhìn một đám
trẻ con nô đùa, chúng như lạc vào nơi xa lạ.
Từ ngày ấy ý muốn di chuyển về nơi có
đông người Việt sinh sống để hội nhập với cộng đồng thôi thúc
tôi mãnh liệt. Chúng tôi đem ước muốn của mình trình bày cùng ông
bà bảo trợ thì ông bà rất buồn và tỏ ra phật ý.
Tôi còn nhớ khi nghe chúng tôi nói
xong, ông hỏi: “Tôi có nghe lầm không?” Tuy nhiên sau đó ông bà
hiểu và thông cảm. Biết là không thể giữ mãi chúng tôi ở đây được
nhưng ông bà muốn níu kéo thời gian gần gũi thêm và mong chúng
tôi đổi ý ở lại.
Sau nhiều đêm suy nghĩ tính toán, cuối
cùng chúng tôi quyết định rời bỏ nơi đã cho mình một cuộc sống
êm đềm trên bước đường tỵ nạn đầu tiên. Mặc dù lòng tôi vẫn quyến
luyến nhưng nghĩ đến tương lai con cái sẽ hòa hợp giữa bạn bè
Việt Nam để không quên mình là con dân nước Việt. Lòng tôi bồi
hồi xao xuyến không cầm được nước mắt khi nói lên tiếng nói “Giã
Từ”. Và khi nghe bà hỏi với giọng u buồn và thất vọng: “Tại sao
chúng mày không thích ở đây? chúng tôi rất yêu mến gia đình mày,
tại sao lại bỏ đi?”.
Tôi thành thật trả lời “ông bà đã ban
cho gia đình chúng tôi một chân tình quý báu, chúng tôi sẽ không
bao giờ quên tình nghĩa đó và xin ghi tạc nơi tâm nguyện kết cỏ
ngậm vành.” Nhưng Chúng tôi cũng không thể quên nguồn gốc mình,
tôi ước mơ các con tôi phải biết nói tiếng Việt, phải biết viết,
hiểu và đọc được tiếng Việt để sau này hy vọng sẽ có một ngày
chúng trở về thăm lại quê hương, thăm lại ông bà cô bác còn ở lại
Việt Nam. Vì vậy chúng tôi buộc lòng phải đưa các con mình về
sống với đồng hương để có dịp gặp gỡ trao đổi sinh hoạt với bạn
bè ở Việt Nam.
Thấm thoát đã gần 15 năm rồi, nhưng tôi
vẫn liên lạc thăm hỏi. Mỗi năm tôi đều đặn về vấn an ông bà vào
lễ dịp lễ Giáng sinh, Tết dương lịch. Đặc biệt hôm nay tôi đến
mừng sinh nhật thứ 90 của bà (ông kém bà 3 tuổi).
Giờ đây cả hai cùng ở trong viện dưỡng
lão. Tuy cả hai tuổi già sức yếu, nhưng có một điều ngoài sức
tưởng tượng của tôi là ký ức bà vẫn còn minh mẫn, riêng ông thì
nhầm lẫn hay quên, nhưng tuyệt đối không quên lần đầu tiên ông
đón chúng tôi tại sân ga cách đây gần 20 năm. Hình ảnh ba đứa trẻ
thơ với đôi mắt ngơ ngác khi ông bà xưng ông nội bà nội, đã ghi
sâu vào ký ức ông bà cho đến ngày nay. Mỗi lần gặp lại ông đều
nhắc đến kỷ niệm ấy. Ông bà nhớ tên các con tôi từng đứa một
không nhầm lẫn không sai sót.
Lần nào cũng thế, tuy ở trong viện
dưỡng lão nhưng mỗi lần đến thăm ông bà, ông bà không cho tôi về
sớm mà ngồi nghe ông bà nhắc lại chuyện xưa rồi bắt tôi báo cáo
sinh hoạt của mình cho ông bà nghe. Vài lần tôi khoe với bà là
con trai tôi cuối năm được lãnh thưởng học sinh xuất sắc, có đứa
thì tìm được việc làm tốt, ông bà vui lắm, như tình thương của
ông bà nội ruột dành cho con cháu, thật cảm động.
Ngày nay gia đình tôi đã an cư lạc
nghiệp. Các con tôi đã trưởng thành, làm tròn bổn phận công dân
Úc nhưng vẫn không quên nghĩa vụ đối với cộng đồng. Tôi luôn dạy
các con tôi câu tục ngữ “uống
nước nhớ nguồn”. Phải ghi nhớ ở trong tâm những người
mình đã thọ ân. Những tấm lòng vàng mà chúng tôi đã gặp trên đất
nước hiền hòa nhân ái này. Tôi cầu mong Thượng Đế ban phước cho
ông bà sống lâu trăm tuổi và tự hứa với lòng mình kiếp sau sẽ đền
ơn tri ngộ.
Nguyễn Kim Thơm
Melbourne, Victoria-Úc Châu
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Những trang liên hệ về đề tài Vượt Biển của NN/Nguyễn Giêng
|
Hình nền: Biển Thái Bình/VN. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E-mail by NN Lê Đình An chuyển
Đăng ngày Thứ Năm, June 8, 2017
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ,
ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang