Bắc đẩu tinh

 

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Liên Đoàn Người Nhái Hải Quân QLVNCH
Hồi ký
Chủ đề: Vượt Biển
Tác giả: Phương Thảo “Nguyễn Kim Thơm”

Cuộc hành trình đến đất ÚC
(Thi viết về đề tài người Việt trên đất Úc.
Do Báo SAIGON TIMES Tổ chức. Bài dự thi số 44.
Melbourne VIC. Đăng ngày Thứ Sáu 27-7-2001)



Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

 

Lời giới thiệu: Để cùng nói lên nỗi khổ đau của người Việt Nam tỵ nạn cộng sản sau ngày 30-4-1975, miền Nam VN bị cộng sản miền Bắc cưỡng chiếm. Vì người dân miền Nam đã sống và hiểu thế nào là tự do dân chủ nên chúng đã cố tình thi hành sách lược tiêu diệt chế độ dân chủ của miền Nam luôn cả người dân, để chúng dễ dàng thi hành kế hoạch dâng cả đất nước cho cộng sản Tàu qua khẩu hiệu ghi trên cổng mộ của tên đồ tể Lê Duẫn tay sai của Nga và Trung Cộng...

 

 

Liên Đoàn Người Nhái Hải Quân, một số gia đình NN còn bị kẹt lại cùng chung số phận với người dân miền Nam, nên cũng tìm mọi cách để trốn thoát khỏi bàn tay đẫm máu của bọn cộng sản và cũng đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn nguy hiểm trên đường vượt biên tìm TỰ DO...

Dưới đây là một câu chuyện “Vượt biên” của gia đình NN Nguyễn Giêng do “phu nhân NN Nguyễn Giêng”, chị Nguyễn Kim Thơm - bút danh Phương Thảo, kể lại trong phần hồi ký dưới đây.

NN/LĐAn

 

Người Nhái Nguyễn Giêng (LĐNN) Trước 30-4-1975

 

 

Ảnh – Internet

 

Mùa đông lại đến, cảnh vật như chìm đắm trong mây mù ảm đạm, hai hàng cây bên đường trơ trọi cành khô, những lá chết đang vật mình tơi tả. Thời tiết giá lạnh. Đã ba hôm rồi trời vẫn chưa dứt cơn mưa. Cái lạnh như tràn vào căn nhà rộng đang thiếu bóng người thân. Cả nhà đều đi vắng chỉ còn tôi ngồi tựa bên cửa sổ nhìn xuyên qua bầu trời đen thẫm, lắng nghe tiếng mưa rơi. Tự nhiên tôi cảm thấy lòng xao xuyến nhớ quê hương Việt Nam năm nào cũng một ngày mưa to gió lớn, gia đình tôi đã âm thầm rời bỏ ngôi nhà êm ấm dấn thân vào một cuộc phiêu lưu đầy gian lao nguy hiểm, bao lần suýt bỏ mình trên biển cả.

Năm Ấy, cách nay đã lâu lắm, nhưng vì là bước ngoặt quan trọng thay đổi cả cuộc đời nên tôi không thể nào quên...

Cũng như tất cả quân nhân và viên chức miền Nam trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa sau ngày 30 tháng 4 năm 75, cha và chồng tôi (NN Nguyễn Giêng) cũng chịu chung số phận đi tù cải tạo. Mặc dù trước những ngày Sài Gòn bị thất thủ gia đình tôi có điều kiện di tản vì tôi làm việc trong Tân Sơn Nhất. Nhưng lúc ấy Tôi không liên lạc được với cha mẹ tôi nên không biết tính mạng của cha tôi ra sao, tôi không thể an tâm bỏ đi. Giờ đây thấy chồng phải chịu cảnh khổ sở tôi hết sức ân hận và quyết định tìm đường trốn thoát cộng sản.

Chúng tôi vượt biên lần thứ nhất

Chồng tôi liên lạc được với vài người bạn khi họ báo tin có chuyến đi phải rời nhà sáng sớm ngày mai. Chúng tôi đón xe đò xuống một tỉnh miền tây, nghỉ tạm nhà một người bạn cùng đi chung trong lúc chồng tôi đi tìm chủ tàu. Đến 12 giờ khuya anh trở lại và đưa gia đình chúng tôi xuống tàu. Đêm tối trời mưa to gió lớn tôi chẳng thấy gì, không biết đây là đâu, cứ lầm lũi theo chủ tàu hướng dẫn. Khi vào được trong tàu thì thấy rất đông đã sẵn sàng rồi. Tất cả có 45 người gồm lớn nhỏ, tàu không lớn lắm nên chúng tôi phải ngồi bó gối lại để nhường chỗ cho trẻ con nằm.

Tàu bắt đầu rời sông, bên trong tàu hoàn toàn tối đen không một ngọn đèn, chỉ có chủ tàu và thợ máy mới được dùng đèn bấm, chủ Tàu luôn nhắc nhở phải tuyệt đối im lặng, tất cả mọi người dường như không ai dám thở mạnh. Đang lúc tàu vượt qua trạm canh biên phòng, đứa con gái nhỏ của tôi vì quá sợ bóng tối bỗng khóc lên, tôi hốt hoảng vội ôm chặt con vào lòng và bịt miệng lại. Cũng may, và có lẽ đêm khuya lại mưa lớn nên công an biên phòng chắc ngủ say không nghe thấy, chúng tôi đã qua được an toàn. Khi tàu ra được tới cửa biển mọi người cùng thở phào nhẹ nhõm, rồi tàu nhẹ nhàng lướt sóng hướng ra hải phận quốc tế. Chúng tôi mừng rỡ thì thầm trò chuyện, chủ tàu cho biết chúng tôi có quyền nghỉ ngơi an giấc không còn phải hồi hộp nữa, chỉ cần ba ngày nữa là sẽ sang một vùng đất mới.

Qua 2 ngày tàu chạy đều đặn hướng về phía một hòn đảo. Buổi tối đêm ấy tôi bước ra ngoài đứng trước mũi tàu định hóng gió cho bớt ngột ngạt. Nhìn lên bầu trời không một vì sao, rồi nhìn xuống biển, trời và biển cùng một màu đen thẳm (thường những chuyến vượt biên hay chọn những ngày đêm không trăng, tối trời để dễ bề trốn tránh trạm kiểm soát). Nhìn cảnh trời nước bao la ôi huyền bí làm sao. Tôi còn đang nhìn lên cố tìm vì sao Bắc Đẩu thì thình lình gió thổi mạnh, trời bắt đầu đổ hạt, tôi vội quay vào ôm các con lại. Rồi mưa lớn dần, gió thổi mạnh hơn, khoảng 10 phút sau sóng biển từ từ dâng lên cao. Bỗng nhiên một cơn sóng to như đang giận dữ gào thét đổ về phía hông tàu làm tàu lắc lư, ngả nghiêng, rồi bất ngờ một làn sóng lớn ập vào. Lần đầu tiên thấy biển nổi trận cuồng phong, tôi thấy con người thật nhỏ bé quá làm sao chống chọi nổi đây.

Thật vậy, nước tràn vô làm máy tàu không chạy được. Tất cả đều lo sợ và nhốn nháo lên vì sợ tàu có thể bị chìm. Trẻ con la khóc, phụ nữ kẻ thì lâm râm cầu trời khấn Phật người thì đọc kinh cầu Chúa Mẹ ban phép lành. Đàn ông bình tĩnh hơn họ lo tát nước tìm phương cứu nguy. Người thợ máy tận lực sửa chữa máy tàu nhưng không kết quả. Lênh đênh một lúc lâu chủ tàu quyết định để mặc tàu trôi theo chiều gió. Mặc dù đã đi được hơn nửa đoạn đường, giờ bị bão đẩy ngược trở lại càng ngày càng lùi dần, sức bơi tay của các ông không thể vượt lên sức gió cản nên đành chấp nhận buông trôi. Vài người có kinh nghiệm đi biển cho rằng theo chiều gió thế này thì tàu sẽ quay về Việt Nam. Tất cả đồng ý trở về thà chịu ở tù để rồi tìm dịp khác còn hơn chết trên biển.

Ngày thứ ba, chúng tôi bắt đầu thấy đói, khát vì đồ ăn thức uống đã bị trộn lẫn với nước biển không dùng được, các con say sóng cộng với đói khát nằm la liệt. Chúng tôi phải dùng những tấm ni-lông căng ra để hứng nước mưa uống. Nước mắt rơi hòa lẫn với nước biển mặn đắng bờ môi, tất cả đều nghĩ rằng sự chết đang rình rập chúng tôi đâu đó.

Một đêm chúng tôi nhìn thấy dáng một chiếc tàu lớn ngoài khơi cách chúng tôi khá xa. Chúng tôi xé chăn, mền cột lên làm dấu hiệu cầu cứu, một số phụ nữ đứng trước mũi tàu cố gắng hét lên thật lớn hy vọng tàu kia có thể nghe thấy và cứu vớt. Nhưng có lẽ vì chiếc tàu của chúng tôi quá nhỏ họ không thể nhìn thấy, hoặc là họ không muốn cứu... đã quay mũi đi về hướng khác để lại những tiếng kêu não nề tuyệt vọng trên biển rộng mênh mông. Nhìn con tàu khuất dạng chúng tôi chỉ còn chờ tử thần đến đón.

Lênh đênh như thế đến ngày thứ 5 thì tàu chúng tôi tôi trở lại biển Việt Nam, rồi từ từ vô sông. Lạ thay cũng gặp ngày mưa to như lúc khởi hành. May mắn không ai chết tuy mỗi người đều kiệt sức.

Khi nhìn thấy bờ sông tất cả đàn ông, đàn bà, con gái độc thân nhảy lên bờ tìm đường trốn. Còn lại vài người có con nhỏ không bỏ chạy được, trong đó có chồng tôi mặc dù tôi muốn anh chạy, nhưng tôi đã quá đuối sức và các con tôi gần ngất lịm không đi được nữa. Tôi biết rằng nếu đàn ông bị bắt chắc chắn sẽ ở tù, chúng tôi bị kẹt lại có hai người đàn ông, hai bé trai và 5 phụ nữ, chồng tôi cõng trên vai đứa nhỏ nhất, cặp nách đứa kế và tôi thì dìu đứa con gái 8 tuổi, tay xách túi quần áo.

Chúng tôi lội theo bờ mương rạch tìm ra đất liền gần suốt một buổi mà cứ loanh quanh ở đấy, phần vì đói khát mệt, cuối cùng đã ngã qụy giữa cơn mưa không thể nào cưỡng nổi cho đến khi công an biên phòng thấy, bắt giải về đồn, về tới đồn thì trời sẩm tối.

Tôi có dấu theo được một ít vàng làm lộ phí nhưng khi bị bắt thì họ đã khám xét và lấy hết không chừa một thứ gì ngoại trừ bộ quần áo ướt mặc trong người. Sáng hôm sau chúng tôi bị đưa về ty công an tỉnh. Tại đây thêm một lần nữa chúng tôi bị hỏi cung về lý lịch cá nhân, chi tiết về chuyến vượt biên, tên chủ tàu. Xong chúng tôi bị tống vào phòng giam, đàn ông ở riêng, tôi và ba con nhỏ cùng 5 phụ nữ ở chung phòng, phòng giam hẹp lại đông người, đủ mọi thứ tội phạm, thiếu vệ sinh làm các con tôi đã bệnh lại càng bệnh thêm. Mẹ con tôi được chia ra một khoản xi măng vừa đủ để giăng một cái mùng. Chúng tôi phải nằm co mới đủ chỗ. Đứa con nhỏ nhất 3 tuổi bị nước biển làm da bị sưng phồng như bị phỏng, nay lại bị khô lại và lột da nên rát nhức đau đớn, lại bị sốt vì cảm mà không có lấy một viên thuốc để uống. Nhìn con thơ nằm lăn lộn rên xiết, lòng tôi đứt từng đoạn, đôi mắt tôi tuôn tràn, tâm trạng tôi cảm thấy đau đớn như bị hàng ngàn mũi kim châm vào chính con tim mình.

Trong Tù phần ăn mỗi bữa chỉ có một chén cho người lớn và nửa chén cho trẻ con, tổng cộng 4 mẹ con tôi mỗi bữa lãnh được hai chén rưỡi cơm và nửa con mắm ba khía. Tôi phải nhịn đói uống nước cầm hơi để nhường cơm cho con mà vẫn không đủ no. Một cô gái trẻ ở cùng phòng bị tội vượt biên đã hơn 2 tháng, có được người nhà tiếp tế, cô thấy mẹ con tôi đói cô liền nhường cho phần cơm của cô. Lúc đó một chén cơm nguội đối với chúng tôi thật là vô cùng quý giá hơn cả ngọc ngà châu báu.

Bốn ngày sau thì gia đình tôi biết tin nhờ những người chạy thoát về báo, sau đó có đến thăm nuôi chúng tôi. Vì có ba con nhỏ nên tôi chỉ bị ở tù có hai tuần lễ là được thả cùng với hai người phụ nữ lớn tuổi khác. Ba cô gái trẻ và mấy người đàn ông cùng vượt biên trước chúng tôi bị đưa đi lao động. Chồng tôi mãi 8 tháng sau mới được về. Hai tuần lễ trong tù tôi cảm thấy như cả một thế kỷ. Thật đúng là “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.

Vì khi ra đi tôi nhờ chị dâu trông nhà dùm nên nhà cửa bình yên. Khi tôi được thả về, công an đến nhà tra xét, buộc tôi phải trả lời về sự vắng mặt của chồng tôi và cắt hộ khẩu của anh, đến khi anh được thả về thì công an khu vực bắt anh phải đến trình diện mỗi tuần, phải đi làm thủy lợi mặc dù lúc đó anh không có hộ khẩu.

Với sự quản chế khắt khe đó, anh nghĩ khó bề yên tâm nên lại tính chuyện ra đi nữa.

Ít lâu sau cơ hội lại đến, một người bạn đến tìm và rủ anh cùng đi. Bạn anh có tàu cần thêm người tin cậy phụ giúp. Thế là anh nhận lời. Riêng tôi hình ảnh chết hụt và những ngày tù tội vừa qua hãy còn cảm giác trong lòng nên thú thật, tôi không muốn đi nữa. Nhưng chồng tôi nói phải đi hết gia đình, có chết thì cùng chết, với lại bạn anh nói chuyến này tổ chức chu đáo vì bến bãi đã mua rồi.

Vượt biên lần thứ hai

 

 

 

Mưa trên sông - ảnh Internet

 

Chúng tôi rời nhà ra đi. Không hiểu sao có sự trùng hợp kỳ lạ, một cơn mưa trái mùa bất ngờ đổ xuống đúng giờ lúc chúng tôi lên xe. Phải chăng đây là điềm xui xẻo. Chiều hôm ấy chúng tôi đến một làng quê ven sông gần giáp cửa biển. Tại đây tôi thấy có rất đông người, chia thành từng nhóm ở trong các nhà lân cận. Tất cả họ là khách vượt biên như chúng tôi. Chồng tôi và chủ tàu với một số người xuống trước.

Khoảng nửa đêm những người còn lại được hướng dẫn xuống ghe nhỏ để ra tàu lớn. Khi ghe chuẩn bị tách bến, thình lình nhiều tiếng súng nổ vang mọi người kinh hoàng chạy túa lên bờ tìm đường chạy trốn. Tôi xách túi hành lý và dắt ba đứa con chạy theo trong đêm tối, hai bên bờ sông là rừng lau rậm rạp, một lúc không nhìn thấy gì, hai đứa con tôi đã rời tay mẹ và lạc mất... Đến khi nghe Tiếng súng nổ sát trên đầu, đứa con nhỏ nhất đang bồng trên tay thét lên và rồi tôi té xuống, sau đó tôi bị công an bắt dẫn về đồn. Đến nơi tôi thấy lố nhố người, trong số đó có đứa con 5 tuổi của tôi, còn đứa con gái tôi chẳng thấy đâu. Vậy là con tôi đã đi lạc rồi! Tôi gào khóc xin thả ra để đi tìm con. Họ chẳng những không cho mà còn nạt nộ, mãi đến sáng, sau khi họ khám xét và tịch thu tất cả của cải mang theo của chúng tôi thì họ thả đàn bà con nít, còn đàn ông thì họ nhốt lại.

Đầu óc tôi giờ đây ngổn ngang trăm mối, con lạc nơi đâu? Chồng tôi ra sau? Cuối cùng tôi quyết định trở lại nơi bãi để tìm kiếm đứa con lạc. Tôi hỏi thăm thì được biết có một đứa nhỏ bị lạc và được người lái đò đem về nhà. Mừng quá, tôi vội chạy đi tìm người lái đò, tôi gặp lại con và hai mẹ con cùng òa khóc. Còn chồng tôi, sau khi những người đi ra sau bị bắt, chủ tàu biết đã bị phản bội nên vội vã nhổ neo, chồng tôi không chịu đi vì không có vợ con. Chủ tàu bảo không thể chờ đợi được nữa, vì sẽ bị bắt hết. Khi tàu khởi hành, bất ngờ anh nhảy xuống sông lội vào bờ trở lại bến hỏi thăm tin tức. Hiểu được sự việc xảy ra anh liền đón xe trở về nhà. Trưa hôm đó tôi cùng về đến nhà. Qua một đêm hãi hùng chẳng khác nào cơn ác mộng. Năm ngày sau tôi được tin chiếc tàu đã đến đảo Bidong. Tôi nghĩ phải chi chồng tôi đừng trở lại thì giờ đây anh thoát nạn rồi. Âu cũng là số mạng.

Vượt biên lần thứ ba

Lần thứ hai đã thất bại. Chúng tôi lại tiếp tục phiêu lưu thử thời vận lần nữa. Một số người đi lần trước không được, liên kết lại với nhau tìm chủ tàu khác, cũng đi tại địa phương đó, rồi cũng bị phản bội, bị bắt về đồn công an. Nữ công an khám xét phụ nữ đã nhận ra tôi, trừng mắt nói “Cũng gặp bà nơi này nữa. Đi không được mà cứ đi hoài”... Bất giác tôi lại bật lên tiếng cười và không còn cảm thấy sợ gì cả, lần này tôi ở tù một tuần lễ. Còn chồng tôi ở tù 3 tháng 20 ngày.

Sau 3 lần thất bại anh không dám trở về nhà nữa, quyết định về quê một người bà con ẩn náu ở tận mũi Cà Mau với chí hướng cương quyết phải đi. Thời gian đó tôi sống trong trăm điều phiền lụy vì công an địa phương thẩm vấn, theo dõi muốn biết chồng tôi đang ở đâu? Tổ an ninh theo dõi những người lui tới nhà tôi. Trong hoàn cảnh như thế tôi nhắn tin cho anh biết không thể nào đoàn tụ được. Cuối cùng anh cho biết phải lo chuẩn bị một lần chót. Nếu không thành thì bỏ nhà cửa đi đến một nơi thật xa xôi sinh sống.

Tôi âm thầm bán hết đồ đạc tư trang còn lại, gom góp tiền bạc rồi cùng với người dì mua chiếc ghe để gia đình tổ chức đi.

Tổ chức lần thứ Tư

Sau sáu tháng sắp đặt, anh báo tin đến ngày khởi hành.

Gia đình tôi và đại gia đình người dì tổng cộng 25 người lớn nhỏ. Lần này chúng tôi lo đầy đủ thức ăn nước uống và những vật dụng cần thiết, anh bà con tôi là dân vùng biển nên am tường nơi nào có các trạm kiểm soát, nơi nào cần trốn tránh... Anh tôi điều khiển chiếc tàu lớn với thành viên trong gia đình dì, về phần chúng tôi ghe nhỏ riêng, hẹn gặp nhau ở cửa sông lớn.

Chuyến đi này có em gái tôi phụ giúp đưa xuống tận bến đò vào một chiều mây đen vần vũ. Tôi lo ngại vì điềm trời mưa nên phân vân không muốn vô thuyền. Chồng tôi hối thúc xuống nhanh, em gái tôi thì sụt sùi nước mắt từ giã và chúc may mắn. Chúng tôi gạt lệ chia tay. Tôi còn nhớ trên đò anh chất đầy trái thơm, đầu đội nón lá giả làm dân đi buôn, các con tôi bị đẩy vào giữa rồi che kín lại. Ở xa nhìn vào chỉ thấy ghe chở khóm mà thôi. Khi qua trạm kiểm soát công an nhìn thoáng qua và khoác tay cho đi.

Đêm đến chiếc đò ngang cập sát vào tàu lớn chuẩn bị nhảy lên, không may bị dòng nước mạnh đẩy ra, chiếc đò tròng trành rồi lật úp. Người anh họ tôi vội nhảy xuống cứu con gái tôi, anh khác kéo tay thằng con trai, còn chồng tôi thì đỡ được tôi và đứa con nhỏ. Bước đầu đã gặp không may, lên được tàu chúng tôi ướt hết nhưng hành lý được đưa lên tàu từ trước.

Tàu di chuyển đến một khúc sông vắng để lấy nhiên liệu được giấu sẵn vì sợ bất trắc. Tàu bắt đầu ra khơi, còn một trạm canh cuối cùng, ai cũng nín thở hồi hộp chỉ trừ có người anh họ là có vẻ bình tĩnh.

May mắn Chúng tôi qua cửa ải an lành. Sáng hôm sau ra đến cửa biển, chúng tôi nở nụ cười vui sướng và trò chuyện líu lo, chưa được bao lâu thì niềm vui chợt tắt, chúng tôi gặp một chiếc tàu đánh cá treo cờ cộng sản Việt Nam đang chạy đuổi theo, khi tàu đánh cá đến gần, 2 người Việt Nam bỏ dây qua chận kéo chúng tôi lại. Tất cả đồng thanh kêu lên “Bị bắt nữa rồi”. Họ nhảy qua tàu chúng tôi, họ nói lớn: có tiền có bạc, vòng vàng hãy đưa cho chúng tôi thì được tiếp tục đi, bằng không chúng tôi kéo các anh trở về.

Chồng tôi nói nhỏ, ai có tiền Việt Nam thì đưa cho họ hết đi, ra đến đây rồi không cần nữa. Chúng tôi móc hết ra đưa cho họ, nhưng một người nói bao nhiêu đây không đủ tiền xăng nhớt đuổi theo các anh.

Dì tôi sợ bị họ kéo trở về sẽ bị tù và đằng nào cũng mất hết nên lần mò trong người lấy ra một thỏi vàng đưa cho họ, người thứ hai cầm lấy ngắm nghía như đánh giá về trọng lượng rồi đồng ý thả và chỉ hướng cho chúng tôi đi.

Sang ngày thứ hai tàu ra hải phận quốc tế, bây giờ thì thật là hết sợ Việt Nam. Anh nói với mọi người hãy ngủ để lấy lại sức sau mấy đêm vất vã vì lo âu. Hy vọng ngày mai sẽ tới được Mã Lai.

Gặp Hải Tặc chận đường

Và đoạn đường gian nan chưa dứt. Một tai nạn kinh hoàng khác đến. Tối hôm đó chúng tôi thấy thấp thoáng 5 chiếc tàu khổng lồ đang chạy nhanh về phía chúng tôi. Thôi rồi tàu hải tặc! Chúng tôi nghĩ vậy. Phen này thì chắc chắn là chết, vì chúng tôi được nghe rất nhiều chuyện hải tặc cướp của giết người cưỡng hiếp man rợ... Khi họ bao quanh chúng tôi, chúng tôi đồng loạt khóc rống lên, đàn bà vội lấy dầu nhớt bôi lên mặt và nằm sát xuống mạn tàu. Chúng lùa chúng tôi lên một chiếc trong năm chiếc tàu của chúng, một số ở lại tàu lục soát lấy tất cả những gì có thể lấy được. Chúng bắt chúng tôi ngồi gom lại, một đứa ra dấu ý nói đừng sợ, chúng không làm gì hết, chỉ lấy vàng tiền mà thôi, rồi chúng bắt đầu khám chắc từng người, dường như chúng tôi đã quá quen việc khám xét nên biết rõ nơi nào giấu tiền bạc, một thằng trong bọn nhìn thằng cháu trai đội nón trên đầu, chúng giựt phăng xuống và xé toạc ra, không ngờ chị dâu tôi cũng giấu 200 Mỹ Kim trên lớp trong của vành nón mà nó biết được, rồi chúng lại đập bể nát khuôn hình của gia đình tôi lấy thêm được 200 đô nữa.

Gia đình dì tôi đi hết cả dâu rể, con cháu, nên thu góp tài sản đổi thành tiền Mỹ và vàng mang theo bị chúng lấy sạch.

Đến được Đảo Bidong

Như có một phép lạ che chở, bọn chúng không làm hại ai vì họ thật sự không phải là hải tặc, mà chỉ là dân đánh cá thường, chỉ muốn lấy tiền chúng tôi thôi, vì thế chúng tôi được bình an. Muôn vàn cảm ơn Thượng Đế. Sau một lúc, chúng thả chúng tôi trở lại tàu và bỏ đi. Nhưng khi chúng tôi chưa kịp hoàn hồn, còn đang run rẩy, bỗng nhiên một chiếc quay đầu lại, một nửa nhảy lên tàu chúng tôi. Chúng tôi sợ hãi chẳng hiểu chúng muốn định làm gì, hóa ra là chúng tiếc rẻ trở lại kiểm soát thêm một lần nữa kỹ hơn, nhưng chúng kiếm chẳng được gì, chúng giận dữ quăng đồ đạc của chúng tôi xuống biển và trở về tàu, đẩy tàu chúng tôi ra khơi.

Chiếc tàu của chúng tôi giờ đây xơ xác như vừa trải qua một cơn bão tố, lòng ai nấy bàng hoàng chua xót, không ngăn nổi được dòng lệ. Có lẽ chúng quay lại quá mạnh nên tàu chúng tôi bị đụng vào đâu đó thủng một lỗ làm nước biển ập vào, lại thêm một lần nữa thất kinh... Họa vô đơn chí, chẳng lẽ mạng chúng tôi đã tận cùng rồi sao? Đàn ông ra sức lo tát nước và trám lỗ thủng. Sau cùng thì cũng tai qua nạn khỏi.

Sang ngày thứ 3, vào buổi chiều thì con thuyền đến Hải phận Mã Lai, chúng tôi đến gần hỏi thăm và được hướng dẫn để đến đảo Bidong. Họ cho biết ở đó người Việt Nam đông lắm. Chúng tôi cảm ơn và trực chỉ về phía đảo. Tàu tới đất liền vào khoảng 5 giờ chiều.

 

Ảnh trên Internet

 

Từ khi rời Việt Nam đến lúc lên bờ chỉ mất có ba ngày ba đêm mà chúng tôi đã trải qua không biết bao nhiêu là kinh hoàng, cốt chỉ tìm hai chữ Tự Do. Bây giờ thì chúng tôi mới thật sự nghĩ mình còn sống. Hành trang của chúng tôi giờ đây là hai bàn tay trắng và bộ quần áo mặc trên người, thế nhưng chúng tôi đã khóc ngon lành vì sung sướng. Giấc mơ đã thành sự thật, không còn gì vui hơn. Chúng tôi được đồng bào trên đảo ra đón mừng thăm hỏi. Ngày chúng tôi lên đảo đúng dịp có phái đoàn Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đến thăm. Nghe kể sơ qua sự việc xảy ra trên biển, chúng tôi được đặc biệt ưu tiên phát cho mỗi người một bộ quần áo mới ngay tại chỗ. Và cũng được ưu tiên phỏng vấn, Phái đoàn Mỹ chấp nhận ngay cho đi định cư tại Hoa Kỳ, nhưng chồng tôi xin đi Úc và được Phái đoàn Úc chấp thuận. Chúng tôi ở Bidong 25 ngày thì được chuyển sang đất liền chờ ngày đi định cư.

Thời gian ở đảo

Một hôm tôi thấy có một chiếc tàu vượt biên cập bến nhìn những người lên bờ đều có chung một nét mặt phảng phất ưu sầu sợ hãi. Hỏi ra mới biết họ gặp tàu hải tặc. Một cô gái trẻ nhìn dáng dấp tơi tả ủ dột, đôi mắt chan hòa đẫm lệ, biểu lộ sự đau khổ tột cùng. Cô bị cưỡng hiếp trong khi người chồng mới cưới của cô bị đá văng xuống biển vì muốn bảo vệ cô.

Đêm đêm tôi thấy cô ngồi khóc một mình trên bãi vắng rất thương tâm. Tôi cảm thấy xót xa và lo lắng cho tương lai của cô và thầm nghĩ không biết còn bao nhiêu thiếu nữ Việt Nam bị vùi dập tuổi thanh xuân trong tay bọn hải tặc?

Rồi tôi thầm cảm ơn Thượng Đế đã che chở vì chúng tôi đã bị 5 chiếc tàu Thái Lan đánh cướp... mà vẫn được bình an...

Gia đình tôi đến Úc vào một sáng mùa đông khi sương mù còn giăng kín cả không gian.

 

 

Từ trái qua: Thịnh, Kim Thơm, Thiện, Nguyễn Giêng và P. Thảo

 

Thời gian trôi nhanh với bao biến đổi nhưng tôi không bao giờ quên được những gì - những gì đã xảy ra trong cuộc hành trình đó! Và cứ độ sang Đông, ký ức tôi bừng sống lại hình ảnh vượt biên năm nào, nhất là vào những đêm mưa bão như hôm nay.

Bây giờ thì gia đình chúng tôi đã hoàn toàn an cư lạc nghiệp, các con tôi đã hoàn thành con đường học vấn, đóng góp công sức vào xã hội quê hương mới, nơi đã cưu mang đón nhận gia đình tôi. Các con tôi lớn trên đất Úc, nhưng tôi luôn luôn giáo dục chúng phải yêu truyền thống người Việt. Phải sống đúng nghĩa một công dân Úc gốc Việt. khi các con tôi còn ở tuổi đi học, trong buổi cơm chiều gia đình, chúng tôi quây quần bên bàn ăn, tôi thường kể lại câu chuyện vượt biên ngày xưa để làm sống lại tuổi thơ ấu của chúng. Tôi nhắc chúng phải biết ơn xứ sở này và cũng không được quên nguồn gốc của mình là người Việt Nam. Và chúng tôi cũng không quên nhắc nhở cho chúng biết còn bao nhiêu người thân đang ở lại quê nhà sống thiếu may mắn và khao khát được tự do.

Tôi còn nhớ có một lần trong giờ học Anh ngữ, nhân buổi thảo luận về đề tài lý do tại sao bạn có mặt nơi đây? Tôi đã thuật lại cuộc hành trình gian khổ của chúng tôi. Nghe xong, ai nấy đều ồ lên ngạc nhiên và họ không thể tưởng tượng được rằng người tỵ nạn Việt Nam phải trả một giá quá đắt để đến được bến bờ tự do.

Phương Thảo (Melbourne - VIC)

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

 

Những trang liên hệ về đề tài Vượt Biển của NN/Nguyễn Giêng

 

Cuộc hành trình đến đất ÚC

Người Bảo Trợ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Biển Thái Bình/VN. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet E-mail by NN Lê Đình An chuyển

 

Đăng ngày Thứ Hai, June 5, 2017
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang