Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Vào
ngày đầu năm tôi thường điện thoại thăm hỏi quý tướng lãnh, niên
trưởng, ân nhân, bằng hữu, v.v., trong số các vị tướng lãnh có Thiếu
tướng Đỗ Kế Giai. Ông xuất thân khóa 5 Võ Bị Đà Lạt (ra trường tháng
4/1952), về phục vụ Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù đóng ở Hà Nội. Năm 1954, tôi
đáo nhậm Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù tại Đồng Đế Nha Trang, ông đã là Trung
úy, giữ chức vụ “Oficial Adjoint” cho Thiếu tá Mollo là Tiểu đoàn
trưởng. Chức vụ của Trung úy Giai tương tự như Sĩ quan Hành quân
Tiểu đoàn thời sau này. Mối liên hệ giữa ông với tôi bắt đầu từ đó.
Năm nay, ngoài việc thăm hỏi thường lệ, mục đích chính của bài viết
xoay quanh câu chuyện Biệt Động Quân vào những ngày cuối 30–4–1975.
Sau đây là phần phỏng vấn:
Phạm Huy Sảnh: Xin niên trưởng cho
biết về nhiệm vụ và phối trí lực lượng Biệt Động Quân trong những
ngày chót quanh Thủ đô.
Thiếu tướng Đỗ Kế Giai: Vào những
ngày tháng cuối truớc khi mất Nam Việt Nam, tôi là Tư Lệnh Lực Lượng
Biệt Động Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, dưới quyền có 2 Sư Đoàn:
Sư Đoàn 106 Biệt Động Quân do Đại tá Nguyễn Văn Lộc chỉ huy trách
nhiệm bảo vệ Biệt Khu Thủ Đô. Bộ Tư Lệnh Hành Quân và Pháo Binh cơ
hữu đặt tại trường đua Phú Thọ. Vào thời điểm này, tổ chức của mỗi
Sư Đoàn Biệt Động Quân gồm 3 Liên Đoàn, mỗi Liên Đoàn ngoài 3 Tiểu
đoàn tác chiến và 1 Đại đội Trinh Sát, còn có một Pháo đội (6 khẩu)
105ly cơ hữu. Sư Đoàn thứ hai là Sư Đoàn 101 Biệt Động Quân do Đại
tá Nguyễn Thành Chuẩn chỉ huy, nhiệm vụ tổng trừ bị, án ngữ phía Bắc
Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Sư Đoàn thứ 3 đang hình thành mới
được hai Liên Đoàn đóng tại căn cứ Long Bình.
Phạm Huy Sảnh:
Tinh thần quân sĩ Biệt Động Quân lúc đó ra sao?
Thiếu tướng
Đỗ Kế Giai: Trong suốt nhiều tuần lễ trước 30–4–1975, tôi liên tục
đi thăm các đơn vị trực thuộc. Tại mọi nơi tôi đều ra lệnh lực lượng
Biệt Động Quân tử thủ bảo vệ Sài Gòn theo lệnh của cấp trên. Tinh
thần chiến đấu của anh em Biệt Động Quân rất cao, cũng như đạn dược
và tiếp vận đầy đủ. Sau ngày ông Thiệu và ông Khiêm rời khỏi nước
cùng với việc người Mỹ di tản nhân viên Việt Nam của họ và gia đình
khỏi Sài Gòn thì tình hình tại Thủ Đô lúc này trở nên xáo trộn. Dân
chúng, cán bộ chính quyền hoang mang sợ hãi. Những tin tức thất
thiệt bất lợi cho VNCH ảnh hưởng tai hại đến số quân nhân và gia
đình tại Sài Gòn. Trước hoàn cảnh bi đát đó, cảm thông những lo âu
của thuộc cấp, tôi cho lệnh tập họp các quân nhân mọi cấp tại Bộ Tư
Lệnh Biệt Động Quân, lúc đó đóng tại Sài Gòn và ra lệnh: (nguyên
văn) “Trên cương vị là Tư lệnh Biệt Động Quân, tôi tuyệt đối tuân
hành lệnh của thượng cấp nghĩa là Biệt Động Quân chúng ta quyết tâm
bảo vệ Thủ Đô và dân chúng Sài Gòn. Tuy nhiên vì tình hình ở ngoài
dân chúng quá sợ hãi, ảnh hưởng đến gia đình quân nhân. Truớc tình
huống này ai muốn đi (đi Mỹ) và đi được thì cứ đi, nhưng nhớ rằng
tôi không thể ra lệnh cho các anh bỏ đơn vị. Tôi chấp nhận làm ngơ
coi như không biết những quân nhân và gia đình muốn rời khỏi VN.”
Sau lệnh đó, tại Bộ Tư Lệnh Biệt Động Quân chỉ có 1 sĩ quan là Thiếu
tá Tạ Thái Hòa, Chánh Văn Phòng của tôi đem gia đình đi Mỹ, còn tất
cả quý vị khác từ Tư Lệnh Phó, Tham Mưu Trưởng đến các Trưởng Phòng
đều ở lại cho đến ngày 1–5–1975, bàn giao cho phía bên kia. (Nhân
chứng: Trung tá Hoàng Ngọc Liên, Trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị,
và Thiếu tá Tạ Thái Hòa hiện đang ở Hoa Kỳ).
Phạm Huy Sảnh:
Xin cho biết về sự liên lạc giữa Biệt Động Quân và Bộ Tổng Tham Mưu
hay ở cấp cao hơn mà Thiếu tướng gọi là “thượng cấp”?
Thiếu
tướng Đỗ Kế Giai: Tại Bộ Tổng Tham Mưu, Trung tướng Vĩnh Lộc là Tổng
Tham Mưu Trưởng trong những ngày cuối. Hàng ngày tôi vẫn vào Bộ Tổng
Tham Mưu gặp Trung tướng Vĩnh Lộc để thảo luận về tình hình và nhận
lệnh. Trước ngày 30–4, có một bữa tôi gặp Đại tá Trần Văn Thăng,
nguyên Cục Trưởng Cục An Ninh Quân Đội. Ông hỏi tôi: “Tình hình này,
Thiếu tướng đi hay ở?” Tôi trả lời: “Đi đâu? Tôi ở lại chiến đấu với
anh em chứ!” Sáng ngày 30–4, tôi đến Bộ Tổng Tham Mưu lại gặp Đại tá
Trần Văn Thăng đang đứng trực cổng, tổ chức bố phòng. Tôi dừng xe
lại hỏi: “Đại tá Thăng đang làm gì đây?” Ông cho biết ông trách
nhiệm phòng thủ bảo vệ Bộ Tổng Tham Mưu. Ông nói: “Tôi có lực lượng
Lôi Hổ. Hôm trước tôi nghe Thiếu tướng sẽ ở lại chiến đấu với anh
em. Thú thật tôi không tin nhưng hôm nay còn gặp Thiếu tướng tại
đây, tôi mới tin!” Tạm biệt Đại tá Thăng, tôi vào gặp Trung tướng
Vĩnh Lộc. Tôi thấy ông đang trò chuyện với Trung tướng Trần Văn
Trung ở cầu thang. Tôi hỏi ông có lệnh gì cho Biệt Động Quân không?
Ông trả lời: “Không có gì mới cả, anh về lo đơn vị đi!” Trên đường
về đơn vị, tôi đi một vòng quan sát tình hình thành phố Sài Gòn. Về
đến Bộ Tư Lệnh Biệt Động Quân vào lúc 10 giờ sáng. Khoảng 10 phút
sau, Sĩ quan Tùy Viên báo có điện thoại của ông Vũ Văn Mẫu. Ông Mẫu
bảo tôi mở radio nghe Trung tướng Dương Văn Minh nói chuyện. Tôi mở
máy. Lời hiệu triệu của ông Minh dài. Tóm tắt, tôi chỉ nhớ 3 điều
liên hệ đến tôi và Biệt Động Quân:
1. Các đơn vị ở đâu ở đó.
2. Buông súng.
3. Chờ phía bên kia đến để bàn giao.
Độ 10
phút sau, lại có điện thoại của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hạnh từ Dinh
Độc Lập. Ông Hạnh nói Tổng Thống nhắc lại: Lệnh của Tổng Thống là
các đơn vị ở đâu ở đó, buông súng không chiến đấu và đợi phía “cách
mạng” đến để bàn giao. Tôi dằn giọng trả lời: “Tôi biết” và cúp máy!
Khoảng 1 giờ sau, tôi lại được báo điện thoại của ông Vũ Văn Mẫu
gọi. Trên đầu giây, ông Mẫu bảo tôi là lệnh của Tổng thống, tôi lên
ngay Bộ Tổng Tham Mưu thay thế Trung tướng Vĩnh Lộc để bàn giao cho
phía bên kia. Tôi trả lời ông Mẫu, tôi không thi hành lệnh này và
nhờ ông Mẫu trình với Tướng Dương Văn Minh, đây là lần đầu tiên tôi
không thi hành lệnh của thượng cấp! Và nếu tôi biết trước rằng quý
vị sẽ hành động như ngày hôm nay mà quý vị vừa ra lệnh cho tôi
thì... (!!!) Ông tiếp, tuy nhân chứng Vũ Văn Mẫu đã qua đời nhưng
còn các sĩ quan khác của tôi đang có mặt tại Hoa Kỳ đã chứng kiến
cuộc điện đàm của tôi và ông Mẫu vào hôm 30–4–1975 lúc 12 giờ 30.
Phạm Huy Sảnh: Trong bữa cơm họp mặt các chiến hữu tại Seattle,
tôi có dịp tiếp xúc với cựu Đại úy Lê Văn Khởi, nguyên Tiểu Đoàn Phó
Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân từ Pleiku rút về Dục Mỹ rồi trạm chót là
căn cứ Long Bình để bổ sung quân số. Anh cho biết vào ngày 26 hay
27–4–1975, Thiếu tuớng có lên thăm đơn vị anh tại Long Bình. Trước
hàng quân, Thiếu tướng đã ra lệnh Biệt Động Quân sẽ ở lại tử thủ bảo
vệ Thủ Đô. Cựu Đại úy Khởi thắc mắc rằng khi thi hành lệnh đó, Thiếu
tướng có biết rằng ông Dương Văn Minh sẽ đầu hàng cộng sản Bắc Việt?
Thiếu tướng Đỗ Kế Giai: Như đã nói ở phần trên về việc tôi ra
lệnh lực lượng Biệt Động Quân tử thủ bảo vệ Thủ Đô, tôi xác nhận là
đúng. Tôi không hề hay biết trực tiếp hay gián tiếp rằng ông Dương
Văn Minh sẽ đầu hàng cộng sản cho đến khi ông ta đọc lệnh trên đài
phát thanh vào sáng ngày 30–4–1975. Tôi là một sĩ quan gốc nhảy dù,
một tướng lãnh. Truyền thống của Quân Lực là thi hành lệnh tuyệt
đối. Trong tinh thần đó, tôi ra lệnh cho Biệt Động Quân phải tử thủ
để chu toàn trách nhiệm. Riêng cá nhân tôi cùng các vị Tư Lệnh Sư
Đoàn 106, Sư Đoàn 101, các Liên Đoàn Trưởng, các cán bộ chỉ huy, các
đơn vị tác chiến cũng như những sĩ quan trong Bộ Tư Lệnh Biệt Động
Quân đều đã ở lại cho đến phút chót. Những điều tôi yêu cầu các
chiến hữu Biệt Động Quân phải làm, cá nhân tôi cũng thực thi đúng
như vậy. Cho nên sau này gặp lại các đồng đội trong trại tù cộng sản
tôi không hổ thẹn với lương tâm.
Phạm Huy Sảnh: Thiếu tướng
trình diện hay bị cộng sản đến nhà bắt và kể từ lúc nào?
Thiếu tướng Đỗ Kế Giai: Sáng ngày 1–5–1975, sau khi bàn giao Biệt
Động Quân cho cộng sản xong, tôi vào phòng riêng thay quần áo dân
sự, đang tính đi bộ về nhà thì họ nói để họ lấy xe đưa về. Ngày
15–5–1975, đột nhiên, CS đem xe đến nhà mời tôi đi đến Quận 11 rồi
sau đó chở thẳng vào khám Chí Hòa. Tôi chính thức bị nhốt từ ngày đó
cho đến ngày 5–5–1992 được thả ra, thiếu 10 ngày thì đủ 17 năm tức
là 6095 ngày tôi ở tù cộng sản.
Phạm Huy Sảnh: Là một tướng
lãnh, đương nhiên Thiếu tướng có những liên hệ mật thiết với các
giới chức Hoa Kỳ tại Sài Gòn khi đó. Vậy có giới chức Hoa Kỳ nào
tiếp xúc đề nghị Thiếu tướng rời khỏi VN?
Thiếu tướng Đỗ Kế
Giai: Có, Tướng Times của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, liên tiếp vào các ngày
28 và 29 tháng 4–1975 đến gặp tôi và hỏi nếu tôi và gia đình muốn đi
Mỹ, ông ta sẵn sàng giúp đỡ lo liệu. Cả hai lần tôi đều cám ơn Tướng
Times và từ khước đề nghị đó. Nại cớ tôi còn trách nhiệm, tôi còn
quân sĩ, tôi không thể ra đi trong hoàn cảnh này được. Tướng Times
hiện còn sống tại Hoa Kỳ, anh có thể phối kiểm điều đó.
Phạm
Huy Sảnh: Hôm nay, cảm nghĩ của Thiếu tướng về những ngày tháng cũ?
Thiếu tướng Đỗ Kế Giai: Bởi những lý do trên, tôi tự nhận đã làm
tròn bổn phận, trách nhiệm của một Tướng Lãnh đối với đồng đội, với
Tổ Quốc khi tại ngũ. Và suốt gần 17 năm tù đày, trước mặt kẻ thù
trong mọi hoàn cảnh tôi luôn cố gắng gìn giữ tác phong để bảo vệ
Danh Dự của Quân Lực. Đối với người cộng sản, dù họ không thích tôi
nhưng họ không thể khinh tôi! Những người cộng sản bắt giữ tôi vẫn
còn đó.
Phạm Huy Sảnh: Có phải Thiếu tướng là một trong những
tướng lãnh được cộng sản thả vào đợt cuối cùng?
Thiếu tướng
Đỗ Kế Giai: Đúng. Trong đợt chót, chúng tôi gồm 4 người còn lại tôi,
Đỗ Kế Giai, Thiếu tướng Trần Bá Di, Thiếu tướng Lê Văn Thân, Thiếu
tướng Lê Minh Đảo. Thật ra đây là 100 nguời chót CSVN không muốn thả
ra vì chúng chủ trương nhốt cho đến chết. Chúng tôi không hy vọng gì
được về vào thời điểm đó. Nhưng cũng nhờ sự tranh đấu, đòi hỏi của
quý chiến hữu, đoàn thể chính trị, đồng hương tại hải ngoại đã tạo
thành áp lực để CSVN phải thả gấp rút hơn. Tuy nhiên việc thả 100
người vừa kể, CS cũng chia làm 8 đợt và 4 người chúng tôi là đợt
cuối cùng. Tôi còn nhớ, hôm đó tại trại Hàm Tân, cán bộ nhà tù nói
quý vị chuẩn bị chuyển trại, 30 phút nữa sẽ đi. Nhưng sau đó họ cho
biết là 4 người chúng tôi sẽ được thả về và xe sẽ đến đưa từng người
về nhà. Trong lúc đợi xe đến, anh em bàn với nhau, đề nghị tôi lớn
tuổi nhất sẽ được đưa về trước, kế đến là Thiếu tướng Trần Bá Di,
Thiếu tướng Lê Văn Thân, chót hết là Thiếu tướng Lê Minh Đảo là
người nhỏ tuổi nhất. Anh em đồng ý. Nhưng khi xe của cộng sản đưa về
thì họ lại làm nguợc lại, có nghĩa là họ đưa tướng Đảo về trước,
cuối cùng là tôi.
Phạm Huy Sảnh: Thiếu tướng và gia đình đến
Mỹ năm nào?
Thiếu tướng Đỗ Kế Giai: Tôi và nhà tôi cùng 6
cháu đến Mỹ ngày 26–10–1993, hiện định cư tại thành phố Garland, TX.
Phạm Huy Sảnh: Thiếu tướng nghĩ thế nào về những người đi trước?
Thiếu tướng Đỗ Kế Giai: Tôi quyết định ở lại vì tôi cho
là hành
động như vậy là đúng. Nhưng không phải
vì vậy mà tôi công kích những người ra đi năm 1975. Bởi vì trường
hợp mất Nam Việt Nam thật đặc biệt, không thể qui trách cho những
người cầm súng giữ nước. Các Đơn Vị Quân Đội vẫn hiên ngang chiến
đấu, chúng ta không hề bỏ chạy trước Cộng Quân. Quân Đội phải buông
súng vì lệnh đầu hàng của ông Dương Văn Minh. Do đó, nếu quý vị có ở
lại thì trước sau cũng vô tù cộng sản như tụi tôi. Hơn nữa nhờ có
một số chiến hữu thoát được ra hải ngoại nên về mặt chính trị mới có
cơ hội tranh đấu cho quyền lợi của những người còn kẹt lại. Về mặt
kinh tế, đi trước xây dựng được cuộc sống ổn định sau này có thể
tương trợ lẫn nhau. Bây giờ không nên bàn về vấn đề trước, sau, mà
mọi người phải cùng chung lưng gầy dựng một lực lượng vững mạnh cả
chính trị và kinh tế nơi thế hệ tương lai của người Việt tại hải
ngoại.
Phạm Huy Sảnh:
Qua cuộc đối thoại, tôi thấy Thiếu tướng có một trí nhớ đặc biệt.
Thiếu tướng có định viết hồi ký?
Thiếu
tướng Đỗ Kế Giai: Không! Tôi dứt khoát là
không. Vài năm trước đây và ngay bây giờ, có nhiều nhà xuất bản Mỹ
và Việt đề nghị tôi viết hồi ký và họ sẽ giúp xuất bản. Tôi trả lời
là đối với tôi điều này khó quá. Bởi nếu đã viết, thì phải nói hết,
nói thật, mọi sự việc mà tôi nghe, tôi biết, tôi thấy. Như vậy e
rằng sẽ làm mất lòng nhiều người. Hơn nữa, vấn đề này tôi xin bày tỏ
quan niệm tôi qua hai câu của người xưa:
BẠI BINH CHI
TƯỚNG, BẤT KHẢ NGÔN DŨNG
VONG QUỐC CHI ĐẠI PHU, BẤT KHẢ NGÔN TRÍ.
(Tướng bại
trận không thể nói mạnh
Quan mất nước, không thể nói
hay)
Phạm Huy Sảnh: Cám ơn Thiếu tướng đã dành gần 3 giờ đồng hồ
điện đàm trong ngày đầu năm.
Seattle ngày 1 tháng 1 năm 2004
Phạm Huy Sảnh
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Thiếu
Tướng Đỗ Kế Giai –
Một Vì Sao Chợt Tắt
Mũ Nâu 11 thực hiện
Lời giới thiệu:
Kính thưa quý độc giả, dưới đây là bài
thơ với 65 câu do
BKT
trích từ giọng đọc của
cố Thiếu
Tướng Đỗ Kế Giai trong phim
Youtube bên trên. Bài thơ này do ông sáng tác trong ngục thất
của bạo quyền cộng sản Hà Nội, nói về tâm sự của tác giả trong tù.
Được biết ông ghi bài thơ trong trí nhớ – tức chưa bao giờ được ông
viết xuống giấy; vì thế nó đã được phóng thích cùng thời gian với
tác giả. Kính mời quý vị theo dõi. Trân trọng.
–BKT
Bài
thơ không tựa
Hôm
xuống khi nắng vừa lịm tắt
Đời đau thương khi tràn ngập màu
tang
Bừng tỉnh giấc hãi hùng cơn ác mộng
Thành xây bao năm
phút chốc đống tro tàn
Gươm sẵn có không đoạn dứt
lòng ray rứt
Súng đầy kho đành xếp giáp quy hàng
Một
triệu tinh binh tướng tá kiêu hùng
Thành trì vững quân nhiều
không giữ được
Lỗi tại ai, có phải vì thời cuộc?
Tại ý Trời hay ý của dân sinh?
Tại các tướng cầm đầu
Hay
tại người chiến binh không tận tụy hy sinh vì Tổ Quốc
Thế giặc mạnh lan tràn theo chiến cuộc
Ta đau lòng vận
nước quá lâm nguy
Chiến hay hòa – giải pháp – hay chạy đi
Đều tan vỡ mộng lòng theo ảo ảnh
Giờ Việt Bắc thân
tù giam ngục lạnh
Khổ lưu đày cô quạnh núi rừng hoang
Nhớ
nhung như hổ nhớ núi non ngàn
Sầu uất khí hùm thiêng đành bó
gối
Cơn bão tố đại bàng mang cánh gẫy
Sống ê chề
nhục nhã lũ người khinh
Nhớ trời xanh khi vượt mấy tầng không
Nhớ biển cả thuở lượn vòng đây đó
Giờ biệt giang hồ
nằm trong ủ rũ
Đói dày vò nhục nhã lũ người khinh
Nỗi
khống chế miếng ăn tồi lấp lửng
Án tử hình đâu phải án tù
binh
Đường trần thế muôn nghìn tai nạn
Khốn khổ tù
muôn vạn gian truân
Công danh như giấc mộng tàn
Nỗi sầu
mất nước nỗi tan tình nhà
Sống dở sống ta nào tha
thiết
Tự sát mình thì thiệt người sau
Thân không dần đánh
mà đau
Người không giết bỏ giết sầu độc chưa
Trăng
lặn mờ sương khuya
Hồn chơ vơ lạc lõng
Trăm mối sầu cô
đọng
Trong thảm cảnh nhà giam
Chao ôi! Trời ôi!
Dân Việt lầm than
Vì chủ nghĩa Lenin–Mác
Nhiều người đã
thác bởi cộng sản tà gian
Tiếng kêu hay tiếng khóc
than
Tiếng rên thảm thiết muôn ngàn đau thương
Ai đem đày
đọa ngục đường
Cho thêm đói rét cho người hờn căm
Chao ôi! Thấy cửa đóng như sắt đè nặng ngực
Nghe tiếng
cài then như búa trúng đầu rêm
Nghe tiếng khóa cửa như nhức
nhói trong tim
Đầy tủi hận đuổi vào buồng giam lại
Trong cửa sổ nhìn ra ngoài
Lũ công an qua lại
Nghe như
dẫm tim mình
Làm hồn ta tê tái
Ý thức hệ miền Nam
kiếp nạn
9 năm cố quốc dạ nào quên
Không xoay thế cuộc anh
hùng lụy
Hào kiệt ngục trung nợ nước đền
Anh hùng
mưu sự chẳng nên
Cúi xuống thẹn Ðất, ngước lên thẹn Trời
Mài gươm rồi để hận đời
Chôn vùi thế hệ lụy người tù chung
Van thế nhân, xin đừng trách nữa
Lỗi lầm này hãy sửa sai
chung
Đem xương máu học bài đắt giá
Chi đem thành bại luận
anh hùng...
Cố Thiếu tướng Đỗ Kế Giai
Vĩnh Biệt Cố Thiếu tướng ĐỖ KẾ GIAI
Phỏng vấn...
Phân ưu...
In Tờ Cáo phó Cố Thiếu tướng Đỗ Kế Giai...
|
Hình nền: thắng cảnh deẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E–mail by MĐ Nguyễn Minh Hoàng chuyển
Đăng ngày Thứ Sáu, February 26, 2016
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang