Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
Tản
mạn Ẩm–Thực VN
Chủ đề:
PHỞ
Tác giả: Trần Vũ
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Lời giới thiệu: Sinh 1959 tại An
Giang, thông thạo Anh, Pháp, Hoa và tốt nghiệp tiến sĩ môn Khoa
học Lịch sử, Vương Trung Hiếu đã cho xuất bản trên 200 đầu sách
thuộc các thể loại biên soạn, dịch thuật và tiểu thuyết. Nguồn
gốc của Phở là một nghiên cứu công phu với phân tích chi tiết về
từ gốc của món ăn này.
Trần Vũ
Nhân
đọc bài Phở Việt Nam trên Văn chương Việt, chúng tôi thử đi tìm cội
nguồn của món ăn này trên Internet. Thật bất ngờ, khi gõ từ khóa
nguồn gốc của phở vào ô tìm kiếm Google chúng tôi thấy hàng trăm bài
viết về vấn đề này và nhận ra rằng: người ta đã nói quá nhiều về
phở, nhưng chưa thống nhất quan điểm về nguồn gốc. Vì thế, chúng tôi
xin phép tham gia “cuộc tọa đàm” này, hy vọng rằng có thể làm sáng
tỏ đôi điều.
Phở ra đời từ năm nào?
Có thể khẳng định rằng tính đến năm 1838, từ “phở” chưa xuất hiện
trong từ điển, bởi vì trong năm này, quyển Dictionarium Anamitico
Latinum của AJ.L Taberd (còn gọi là Từ điển Taberd) được xuất bản
lần đầu, nhưng trong đó không có từ “phở”. Theo nhà nghiên cứu Đinh
Trọng Hiếu, chữ phở lở xuất hiện trong từ điển Đại Nam Quốc Âm Tự Vị
của Huỳnh–Tịnh Paulus Của (1896) với nghĩa là “nổi tiếng tăm” (trang
200). Năm 1898, phở có mặt trong Dictionnaire Annamite–Français của
J.F.M. Génibrel với nghĩa là “ồn ào” (trang 614). Trong bài Essai
sur les Tonkinois (Khảo luận về người Bắc Kỳ) đăng trên Revue
Indochinoise (Tạp chí Đông Dương) ngày 15/9/1907, Georges Dumontier
đã giới thiệu nhiều thức ăn uống phổ biến ở miền Bắc vào cuối thế kỷ
19, đầu thế kỷ 20 nhưng không hề nhắc tới món phở. Đến năm 1931, từ
phở có nghĩa là một món ăn mới bắt đầu xuất hiện, ít nhất là trong
quyển Việt Nam Tự Điển của Ban Văn học Hội Khai Trí Tiến Đức (NXB
Mặc Lâm): phở “do chữ phấn mà ra. Món đồ ăn bằng bánh thái nhỏ nấu
với thịt bò: Phở xào, phở tái” (trang 443)
(1). Một khi từ phở đã
xuất hiện trong từ điển thì ta có quyền tin rằng món ăn này đã phổ
biến. Thật vậy, trong tác phẩm Nhớ và ghi về Hà Nội, nhà văn Nguyễn
Công Hoan viết: “1913... trọ số 8 hàng Hài... thỉnh thoảng, tối được
ăn phở (hàng phở rong). Mỗi bát 2 xu (có bát 3 xu,5 xu)” (2). Từ yếu
tố này ta có thể khẳng định phở đã ra đời từ đầu thế kỷ 20.
Nguồn gốc của phở
Hiện nay, có ba quan điểm
chính, cho thấy sự khác nhau về nguồn gốc của phở, đó là: phở xuất
phát từ món pot–au–feu của Pháp, từ món ngưu nhục phấn của Tầu và
cuối cùng là món xáo trâu của Việt Nam. Chúng ta sẽ lần lượt tham
khảo từng quan điểm để xem phở thật sự có nguồn gốc từ đâu.
Gốc Pháp
Có giả thuyết cho rằng phở bắt
nguồn từ món pot–au–feu của Pháp. Phở là cách nói tắt của pot–au–feu
(nói trại âm tiết feu). Quan điểm này được củng cố bằng quyển
Dictionnaire Annamite–Chinois–Français của Gustave Hue (1937) với
định nghĩa: “Cháo phở: pot–au–feu” (trang 745).
Món pot–au–feu (ảnh)
Chúng
tôi thật sự không hiểu: pot–au–feu là món thịt bò hầm của Pháp,
nước có thể làm súp, chế biến nước sốt, nấu rau hay mì ống, tại
sao lại có thể ghép món này với cháo phở của Việt Nam, cho dù
trong giai đoạn ấy, do ảnh hưởng người Pháp, người Việt đã bắt
đầu làm quen với việc ăn thịt bò và đã biết nấu món cháo thịt bò.
Trên thực tế, xét về nguyên liệu, cách chế biến và cả cách ăn thì
phở và pot–au–feu là hai món hoàn toàn khác nhau. Theo Wikipedia,
pot–au–feu là món thịt bò hầm với cà rốt, củ cải, tỏi tây, cần
tây, hành tây; kết hợp với rau thơm, muối, tiêu đen và đinh
hương... Thịt bò sử dụng cho món này thường dầy và to (chưa kể
đuôi, xương sườn, sụn, cổ chân...), trong khi đó thịt bò trong
phở lại mỏng và nhỏ; mặt khác, những thứ như cà rốt, củ cải, tỏi
tây... không phải là nguyên liệu để làm phở, mùi vị pot–au–feu
cũng không giống như phở. Người Pháp ăn món này với bánh mì,
khoai tây, dùng muối thô, mù–tạt Dijon, đôi khi cũng ăn với dưa
chuột ri ngâm giấm chứ không ăn với bánh phở. Do đó, thật sai lầm
khi cho rằng phở có nguồn gốc từ món pot–au–feu.
Gốc Tầu
Đây là giả thuyết mà nhiều người đồng ý
nhất. Người ta cho rằng phở có nguồn gốc từ món Ngưu nhục phấn
牛肉粉 của nước Tầu, một món làm từ bún và thịt bò (ngưu牛: bò; nhục
肉: thịt và phấn 粉: bún, bột gạo dạng sợi). Món này đọc theo tiếng
Quảng Đông là Ngầu–yụk–phẳn. Vào đầu thế kỷ 20, nhiều người Tầu
đã bán món Ngưu nhục phấn tại Hà Nội. Ban đêm họ đi rao hàng
“ngầu–yụk–phẳn–a” rồi dần dần hô tắt còn “yụk–phẳn–a” rồi
“phẳn–a” và cuối cùng hô trại thành “phở”. Quan điểm này giống
như ghi nhận trong quyển Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến
Đức (đã nêu trên): phở “do chữ phấn mà ra”.
Củng cố thêm
là định nghĩa về phở trong quyển Dictionnaire
Annamite–Chinois–Français (Từ điển An Nam–Trung Hoa–Pháp) của
Gustave Hue (1937), trong đó có đoạn: “Abréviation de “lục phở:
phở xào: beignet farci et sauté” nghĩa là “viết tắt của từ ‘lục
phở’: phở xào: thứ bánh có nhân và được chiên”. Nhiều người thắc
mắc, không biết “lục phở” là cái gì. Theo chúng tôi đây là từ có
thật. Tương truyền rằng ngày xưa, các cụ đồ làng Mịn (xã Văn môn,
Yên phong, Bắc Ninh) có sáng tác một bài thơ nói về chợ Đồng
Xuân, để các cô đi chợ ngâm nga giải trí trên đường đi, trong đó
có câu liên quan tới “lục phở”, xin trích đoạn sau:
Cổng chợ có chị bán hoa
Có chú
đổi bạc đi ra đi vào
Có hàng lục phở bán rao
Kẹo cao, kẹo
đoạn, miến sào, bún bung
Lại thêm bánh rán, kẹo vừng
Trước
mặt hàng chả, sau lưng hàng giò
......
Trong quyển Dictionnaire Vietnamien Chinois Francais của Eugèn
Gouin (Saigon, 1957) có một đoạn viết về từ “lục phở”:
“abréviation de ‘lục phở’: bouilli – cháo – pot au feu”..., “Lục
phở: prononciation cantonaise des caractères chinois: (ngưu) nhục
phấn” bouilli de boeuf. Vậy, “phở” là từ rút ngắn của “lục phở”,
còn “lục phở” là từ phát âm của “(ngưu) nhục phấn” trong tiếng
Tầu.
Đến năm 1970, Nhà sách Khai Trí (Sài Gòn) xuất bản
quyển Việt Nam Tự điển, do Lê Ngọc Trụ hiệu đính thì quan điểm
này càng thêm phần vững chắc hơn, trong đó định nghĩa “phở” như
sau: “Món ăn bằng bột gạo tráng mỏng hấp chín xắt thành sợi nấu
với thịt bò (do tiếng Tàu “Ngầu–dục–phảnh” tức “Ngưu–nhục–phấn”
mà ra: Ăn phở, bán phở”, trang 1169, tập 2).
Thật ra,
những quan điểm trên chỉ cho thấy chữ “phở” có nguồn gốc từ tên
Ngưu nhục phấn, nhưng đáng tiếc là nhiều người lại nghĩ rằng phở
là Ngưu nhục phấn, hoặc “cách tân” từ món Ngưu nhục phấn, chế
biến cho hợp với khẩu vị của người Việt. Một số người lại dựa
theo bài “Phở, phởn, phịa...” của Nguyễn Dư, dẫn chứng quyển
Technique du peuple annamite (Kỹ thuật của người An Nam, 1908 –
1909) của Henri Oger (3) để củng cố quan điểm này. Họ giới thiệu
hai bức tranh khắc, bức đầu tiên (mang số 26 trong tập tranh 4577
bức) mô tả một người đàn ông với gánh hàng rong, kèm theo chú
thích “Chinois vendeur ambulant à la tombée de la nuit” (Người
Tàu bán hàng trong buổi tối – Trần Đình Bình dịch). Nhưng họ
không thể khẳng định người đàn ông ấy bán cái gì, chỉ bảo rằng
gánh hàng trông giống như gánh phở ở Hà Nội ngày xưa); bức còn
lại là hình vẽ một thùng chứa có dòng chữ hàng nhục phấn 行肉粉, họ
cho rằng giống như thùng của gánh hàng trong bức đầu tiên. Thế là
họ vội khẳng định dòng chữ ấy nói về món Ngưu nhục phấn 牛肉粉, và
bán Ngưu nhục phấn có nghĩa là bán phở, hay nói cách khác, phở
chính là Ngưu nhục phấn (!). Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ bức tranh thứ
nhất ta sẽ thấy rằng người bán hàng có tóc đuôi sam, vậy người đó
là Hoa kiều, bán món nhục phấn 肉粉 ở Hà Nội chứ không phải người
Việt Nam bán phở. Rất tiếc là không ai mô tả gánh hàng Ngưu nhục
phấn ra làm sao để đối chiếu với gánh phở. Có thể là gánh “nhục
phấn” giống gánh “phở” chăng?
Ngưu nhục phấn
Theo chúng tôi, ngưu nhục
phấn và phở là hai món ăn khác nhau. Từ điển bách khoa Baike của
người Tầu cho biết, tùy theo địa phương, nguyên liệu và cách chế
biến ngưu nhục phấn có thay đổi đôi chút, song nhìn chung, nguyên
liệu gồm có: thịt bò, nước súp, bánh bột sợi, củ cải chua, dưa
cải bắp, bơ, hành, tiêu, hồi, dâu tây, rau thì là, quế, muối,
gừng, hạt tiêu đỏ sấy khô, rau mùi tây, ớt khô, bột ngọt, tinh
dầu hạt cải... Trong khi đó, thành phần chính của phở gồm có bánh
phở, nước dùng (ninh từ xương ống lợn/bò và một số gia vị khác),
thịt bò bắp (để làm thịt chín), thịt thăn mềm (để làm thịt tái),
con sá sùng, tôm nõn, hành khô, gừng, dứa, hạt nêm, thảo quả
nướng, hành tây, hành hoa, húng bạc hà, chanh, ớt, rau thơm...
Xét về nguyên liệu, ngưu nhục phấn sử dụng củ cải chua, dưa
cải bắp, bơ, tinh dầu hạt cải... những thứ không dùng để chế biến
phở; ngược lại phở sử dụng con sá sùng (có thể thay bằng bột
ngọt), tôm nõn, dứa, chanh, ớt, rau thơm... những thứ không thấy
khi làm món ngưu nhục phấn.
Cách chế biến hai món này cũng
khác nhau, do khá dài dòng nên chúng tôi không trình bày ở đây,
mời bạn đọc tìm hiểu thêm từ những clip giới thiệu cách làm ngưu
nhục phấn và phở trên YouTube. Còn khi nhìn hình dưới đây (bên
trái) bạn sẽ thấy nước phở trong, bánh phở nhỏ; còn hình bên phải
là món ngưu nhục phấn 牛肉粉, có nước sẫm màu, cọng to như bún, nhìn
trông giống món bún bò Việt Nam.
Gốc Việt Nam
Trước hết, xin phép nhắc lại đôi điều về chữ Nôm để nhằm
khẳng định món phở là của Việt Nam. Song song với việc sử dụng
chữ Hán, chữ Nôm dần dần trở thành văn tự chính của nước ta đến
cuối thế kỷ 19. Sang đầu thế kỷ 20, chính quyền Pháp quyết định
giải thể việc thi cử bằng chữ Nho (năm 1915 ở Bắc Kỳ và 1919 ở
Trung Kỳ). Họ dùng chữ Quốc ngữ thay cho chữ Nôm để làm văn tự
chính thức ở nước ta từ năm 1908. May mắn thay, cái từ phở viết
bằng chữ Nôm đã kịp thời xuất hiện để chúng ta thấy rằng phở
chẳng liên quan gì tới phấn 粉 trong Ngưu nhục phấn 牛肉粉. Nhìn
chung, có một số cách cấu tạo chữ Nôm, ở đây chúng tôi nêu một
cách tạo ra chữ phở để bạn đọc đối chiếu với từ phấn:
–
Thứ nhất, cách vay mượn nguyên xi một
chữ Hán để tạo ra một chữ Nôm có cách đọc và nghĩa khác với chữ
Hán đó. Thí dụ: mượn chữ biệt 別(cách biệt, khác biệt) để tạo chữ
Nôm biết 別(hiểu biết); mượn chữ đế 帝 (vua chúa) để tạo ra chữ Nôm
đấy 帝 (tại đấy, xem đấy...)
– Thứ hai,
cách ghép hai chữ Hán với nhau để tạo ra một chữ Nôm. Chữ thứ
nhất là thành tố biểu ý, chữ thứ hai là thành tố biểu âm. Thí dụ:
mượn chữ nguyệt 月 (biểu ý) + thượng 尚 (biểu âm) để tạo chữ Nôm
tháng; mượn chữ thượng 上 (biểu ý) + thiên 天 (biểu âm) để tạo chữ
Nôm trời.
Vậy có bao nhiêu chữ Nôm đọc là phở?
Theo những tự điển mà chúng tôi đã tham khảo, từ phở xuất
hiện trong phở lở gồm có ba chữ (𡂄 và 㗞, đều thuộc bộ khẩu; 頗,
thuộc bộ hiệt); còn từ phở trong bánh phở bò có một chữ (普, thuộc
bộ Nhật, âm Hán Việt là phổ); riêng từ phở với nghĩa là món phở
thì gồm hai chữ Hán ghép lại: mễ 米+ phả 頗.
Những
thí dụ trên cho thấy hai chi tiết đáng chú ý sau:
1. Bánh phở bò: trong Từ điển nhật dụng
thường đàm, mục Thực phẩm (食 品 門 Thực phẩm môn) có đoạn giải
thích về “bánh phở bò” bằng chữ Nôm. Chúng tôi sắp xếp lại cho dễ
đọc: “Chữ Hán: 玉 酥 餅 (âm Hán Việt: ngọc tô bính) giải thích bằng
chữ Nôm: 羅 普 (là 羅 bánh phở 普 bò); tiếng Anh: rice noodle. Ta
thấy gì?
普 là một chữ Hán, đọc theo âm Hán Việt là phổ.
Người Việt xưa đã mượn nguyên xi chữ này để tạo ra chữ Nôm đọc là
phở. Tuy nhiên, cách giải thích của Từ điển nhật dụng thường đàm
khiến chúng tôi rất phân vân, bởi vì từ tiếng Anh rice noodle có
nghĩa là phở, tức món phở mà ta đang bàn, song chữ Hán玉 酥 餅 (ngọc
tô bính) lại nói về một loại bánh khác, vì trong đó tô 酥 có nghĩa
là món ăn làm bằng bột nhào với dầu. Thí dụ: hồng đậu ngọc tô
bính 红豆玉酥餅 (bánh ngọt nhân đậu đỏ), hạch đào tô 核桃酥 (bánh bột
trái đào). Vậy từ phở 普 ở đây dùng để chỉ món phở hay bánh bột?
Đây là điều cần phải xem lại.
2. Theo Từ điển chữ
Nôm của Hội bảo tồn di sản chữ Nôm (VNPF), hai chữ Hán:
mễ米 (biểu ý) kết hợp với phả 頗 (biểu âm) tạo thành một chữ Nôm có
nghĩa là phở (trong cơm phở). Đây là cách ghép từ rất đáng chú ý,
vì mễ 米 có nghĩa là gạo, biểu ý cho món ăn chế biến từ gạo (bánh
phở); còn phả 頗 đọc theo tiếng Hoa là “pho” hoặc “phỏ”, dùng làm
từ biểu âm để tạo ra chữ phở là rất hợp lý.
Bây giờ, xét
về ngôn ngữ, chúng ta xem thử những chữ Nôm phở (𡂄, 㗞, 頗, 普) có
liên quan gì với chữ Hán phấn 粉 trong ngưu nhục phấn 牛肉粉 không,
đặc biệt là chữ phở trong món phở? Xin thưa, chẳng có liên quan
gì cả. Nếu thật sự phở là từ đọc trại từ chữ phấn 粉, tại sao
người Việt xưa không mượn nguyên xi chữ này để tạo ra chữ Nôm đọc
là phở? Vì điều này tiện hơn là mượn một chữ khác? Nói rộng hơn,
chữ Nôm bò 𤙭 trong phở bò cũng chẳng có liên quan gì tới chữ
ngưu 牛 trong tiếng Hán.
Tóm lại, chữ Nôm phở hay phở bò 𤙭
cho thấy rằng người Việt xưa rất chủ động trong cách dùng từ, mục
đích nhằm khẳng định rằng “phở” là một món ăn hoàn toàn Việt Nam,
chẳng dính dáng gì tới ngưu nhục phấn 牛肉粉 của người Tầu.
Vậy phở có nguồn gốc từ đâu?
Chúng tôi
ủng hộ quan điểm cho rằng phở có nguồn gốc từ món xáo trâu rất
phổ biến ở miền bắc, đặc biệt là ở Hà Nội vào đầu thế kỷ 20. Để
làm món này người ta chuẩn bị nguyên liệu: thịt trâu thái mỏng
(ướp gia vị cho thấm), hành lá, hành ta (tím), tỏi, mỡ, rau răm
cắt dài 1 đốt ngón tay, khế chua cắt ngang... Sau đó họ xáo (xào)
thịt trong chảo khoảng 30 giây rồi đổ ra bát riêng, kế tiếp bỏ
khế vào, đảo đều tới lúc khế chuyển sang màu trắng; rồi cho thịt,
rau răm và hành vào, đảo cho tới lúc tỏa mùi thơm (khoảng một
phút); cuối cùng họ chế nước vào, để lửa liu riu. Khi ăn, họ lấy
bún cho vào bát, sau đó gắp vài miếng thịt trâu bày trên mặt bún
rồi chan nước xáo thịt vào.
Nhìn chung, xáo trâu là món ăn
thông thường ở các chợ nông thôn, xóm bình dân của Hà Nội ngày
xưa. Trước năm 1884, việc nuôi bò ở miền bắc chủ yếu phục vụ cho
nông nghiệp, người Việt chưa có thói quen ăn thịt bò, nhưng ít
nhiều gì người Hà Nội cũng đã từng ăn món Ngưu nhục phấn do Hoa
kiều bán rong trên đường phố.
Có nhà nghiên cứu cho rằng
vào thời đó, thịt bò bị chê là nóng và gây
[mùi hôi bò]
nên chẳng
mấy người mua, giá bán rất rẻ, chỉ có người Pháp mới ăn thịt bò.
Và chính vì thế một số người bán xáo trâu mới chuyển sang bán xáo
bò. Thật ra không phải vậy. Thịt bò thời đó khan hiếm và đắt
tiền. Theo nhà nghiên cứu Vũ Thế Long, trước năm 1885 các quan
chức Tây còn không có đủ thịt bò mà ăn nói chi đến người Việt.
Ngay cả đến những năm 40–50 của thế kỷ trước, khi phở đã khá
thịnh hành và thành món ăn “gây nghiện” cho một tầng lớp người
khá giả ở Hà Nội thì việc cung cấp thịt bò ở Hà Nội cũng không
phải dư giả cho lắm. Trong bài Phở Gà, Nhà văn vũ Bằng đã phải
thốt lên: “Ở Hà nội có hai ngày trong tuần mà những người ‘chuyên
môn ăn phở’ bực mình: thứ sáu và thứ hai. Hai ngày đó là hai ngày
không có thịt bò. Anh nào nghiện thịt bò, nhớ thịt bò hai hôm ấy
như gái nhớ trai, như trai nhớ gái...”
Xáo trâu
Nhìn chung, từ khi người Pháp
vào nước ta, người Việt đã chịu ảnh hưởng phần nào thói quen ăn
uống của người Pháp. Dân ta đã bắt đầu ăn khoai tây, xú–lơ,
su–hào, cà–rốt, bánh mì, bơ, phó mát..., đặc biệt là thịt bò.
Những món ăn mới có thịt bò dần dần xuất hiện, đó là cháo bò và
xáo bò... Xáo bò là một món “biến tấu” từ xáo trâu. Tuy nhiên, do
thịt bò ăn với bún không hợp lắm nên người ta mới nghĩ ra cách ăn
với những loại bánh khác, trong đó có loại bánh cuốn chay mỏng
phổ biến ở Hà Nội rồi cuối cùng “sánh duyên” lâu dài với bánh
phở. Phải chăng, để phân biệt với món xáo bò, người ta đã nghĩ ra
từ phở bò, xuất phát từ việc ăn bánh phở với thịt bò? Nếu bánh
phở là từ xuất hiện trước món phở thì ta có quyền tin vào giả
thuyết này. Và nếu đúng vậy thì phở là từ nằm trong bánh phở chứ
không phải do đọc trại chữ phẳn 粉 theo giọng Quảng Đông.
Phần
viết thêm
Trong từ điển Wikipedia bản tiếng Anh,
Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... đều có mục riêng viết về
phở và gọi đích danh là “Phở”, chứ không gọi bằng tên món ăn nào đó
của Pháp hay Tầu. Điều này cho thấy thế giới công nhận “phở” là một
món ăn của Việt Nam. Riêng bản Trung văn, mục viết về phở có tựa đề
là 越南粉 (Việt Nam phấn), cũng cho thấy rằng người Tầu công nhận “phở”
là món ăn Việt Nam. Do đặc điểm về ngôn ngữ, trong phần nói về nguồn
gốc của từ phở, họ chú thích hình ảnh tô phở là 越 南牛肉粉 (Việt Nam
ngưu nhục phấn), có thể dịch là “phở bò Việt Nam”. Viết như thế thì
chấp nhận được. Nhưng có những website dạy tiếng Tầu lại ngang nhiên
giảng phở bò là Ngưu nhục phấn 牛肉粉 thì thật đáng báo động (!).
(1)
Nguồn gốc và sự ra đời của phở của Vũ Thế Long
(2)
Nguyễn Công Hoan. Nhớ và ghi về Hà Nội, NXB Trẻ 2004
(3)
“Kỹ thuật của người An Nam” (tựa tiếng Pháp: “Technique du peuple
Annamite”, tựa tiếng Anh: “Mechanics and crafts of the Annamites”)
là một công trình nghiên cứu văn minh vật chất ở An–Nam khoảng 100
năm về trước, chủ yếu phản ánh cuộc sống của người Hà Nội. Quyển này
tập hợp 4,577 bức tranh khắc, do Monsieur Henri Oger (người Pháp) và
những nghệ nhân người Việt Nam thực hiện trong hai năm (1908–1909),
phát hành với số lượng hạn chế (60 bản). (theo Wikipedia tiếng
Việt).
Trần Vũ
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Trung tâm lưu trữ những buổi lễ Mừng Thánh Tổ SĐND/QLVNCH
|
Hình nền: thắng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML–5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E–mail by ddcb chuyển
Đăng ngày Chúa Nhật, April 2, 2017
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A–72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang