Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
Hồi
ký
Chủ đề: QH-30-T4-Đ * Người về từ A-20
Tác giả: Phạm Đức Nhì
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Tôi vừa cầm ly nước mía lợn
cợn đá mát lạnh đưa lên miệng thì giật mình tỉnh dậy. Cơn mơ bị
gián đoạn. Có tiếng lao xao nói chuyện của cán bộ Tri an ninh và
mấy tên trật tự. Và tiếng lọc cọc mở cửa xà lim số 1 và số 2.
“Sao lại mở cửa xà lim giờ này?” Tôi tự hỏi. Cơm chiều đã phát,
tôi đã cho vào bụng lâu rồi. Tính đến hôm nay tôi đã nằm chịu sự
đày đọa của Thân Yên
(1),
Lê Đồng Vũ
(2)
và đám cán bộ an ninh, trực trại được 16 ngày. Bao phủ bởi cái
khí lạnh mùa đông của đồi núi miền trung, lại chỉ có trên người
phong phanh một bộ đồ tù mỏng dính, tôi ngồi co ro tê cóng trên
bệ đá. Sự thiếu nước lưu cữu (mỗi ngày chỉ được phát nước 2 lần,
mỗi lần 2 muỗng canh nhỏ cùng với lúc phát cơm) đã làm môi tôi
khô rát, cổ đắng ngắt; chợp mắt một tý là lại mơ uống nước mía
Viễn Đông
(3)
hoặc ăn thạch chè Hiển Khánh
(4).
Mỗi bữa chỉ có 2 muỗng cơm nên hậu môn của tôi đã ngừng hoạt động
được 15 ngày (ngày đầu tiên phải làm việc để tống khứ những thức
ăn cũ có sẵn trong bụng.)
Tôi đã trải qua 2 ngày đêm căng thẳng
tuyệt thực chống chính sách tàn ác, vô nhân đạo của đám cai tù.
Và đã bị đàn áp dã man. Cuộc tuyệt thực do Nguyễn Tú Cường khởi
xướng, Hoàng Ngọc Thủy và tôi ủng hộ và tham dự. Có anh em ở xà
lim khác (cả những người không tuyệt thực) đã bị đánh (oan) bằng
gậy sắt, có người ói máu. Tôi chỉ bị đầu một thanh sắt thúc vào
ngực, đau âm ỉ đến cả chục ngày, nhưng so với những người khác
thì còn may chán. Những anh em không tham dự cuộc tuyệt thực (vì
lý do sức khỏe) như Vi Hoàng Viết, Nguyễn Văn Quỳnh, Đỗ Văn Phúc
và 2 em tù hình sự (và vài ba người nữa mà tôi không nhớ tên) đã
được tha khỏi xà lim về đội. Riêng Nguyễn Huỳnh Danh Vũ, người
“chung vụ” với tôi tổ chức đánh trật tự Quý Đen, đã hoàn toàn im
hơi lặng tiếng, không chơi trò tuyệt thực và cũng không lên tiếng
đáp lại những lời hỏi thăm của anh em. Rồi đến lượt xà lim số 3
của tôi được mở và 2 vị khách mới vóc người cao lớn bị đẩy vào.
Tôi nhận ra ngay bố Lê Sáng, chưởng môn Vô-Vi-Nam. Bố bị đẩy vào
mép trong bệ đá phía bên kia, đối diện với bệ đá tôi đang nằm.
Người thứ hai là Long Bô, mới đầu định nằm bên bệ bố Lê Sáng
nhưng thấy hai người đều thuộc loại “to bản”, bệ đá lại hẹp, nằm
chung sẽ rất chật nên đã ghé sang bệ bên tôi. Khác với tôi, cả 2
chân bị cùm duỗi thẳng trên bệ đá, bố Sáng và Long Bô bị cùm một
chân nên chân còn lại có thể bỏ thõng xuống lối đi nhỏ ở giữa xà
lim. Mọi người gọi Long là Long Bô vì cái miệng bô lô, ba loa của
hắn. Hắn có giọng nói âm trầm ồm ồm, khá mạnh. Những lúc tụ tập
vài ba người trò chuyện hắn thích nói góp. Và thường nói... sai.
Trong số 6 thành viên khóa 25 Võ Bị Đà Lạt ở phân trại E lúc ấy
có lẽ chỉ có hắn là thường bị bà con phàn nàn. Thỉnh thoảng được
nghỉ ngày chủ nhật thấy hắn từ nhà 2 về, mặt buồn so, tôi hất hàm
ra ý hỏi Bùi Đạt Trung thì được trả lời: “Chắc là bị Tư Rè dũa
cho một trận nữa rồi.” (Tư Rè là biệt danh của Nguyễn Ngọc Tiên,
khóa 23 Võ Bị) Hắn đi xin ai đó một bi thuốc lào kéo ro ro một
hơi rồi về chỗ mình, nằm ngửa, mắt mở thao láo nhìn lên trần nhà.
Rủ đánh domino hắn cũng lắc đầu. Bên cạnh có tụm năm, túm ba đấu
láo hắn cũng không thèm góp chuyện. Nhưng chỉ được vài ngày rồi
đâu lại vào đấy. Để ý thái độ tôn trọng huynh trưởng, biết nghe
lời của Long Bô, một sĩ quan cấp úy gốc Thủ Đức đã văng tục:
- Mẹ kiếp! Ở cái thời quân hồi vô phèng
(5)
này, cái thời mà lính quan, úy tá thằng nào lo giữ hồn thằng nấy
mà cái tụi Võ Bị, chúng nó còn bảo được nhau, thằng lớn nói thằng
bé biết nghe, quân đội bỏ tiền của, công lao, nuôi dạy chúng nó 4
năm ở Đà Lạt kể cũng đáng đồng tiền bát gạo đấy chứ!
Khi các cánh cửa xà lim được đóng lại,
tiếng chân của cán bộ Tri và đám trật tự xa dần, những tiếng gọi
nhau í ới vang lên. Có 8 người mới nhập “khu”. (Sau này mới biết
họ bị nghi ngờ là “đầu sỏ”, được “đem cất” một cách vô cớ để ngăn
ngừa “đêm Giáng Sinh kiểu Suối Máu.”) Những người khác tôi không
nhớ tên nhưng tôi biết chắc có Vũ Hùng Cương ở xà lim số 6, Bùi
Đạt Trung và Hứa Sang vào chung xà lim số 1 với Nguyễn Tú Cường.
Vừa đặt lưng xuống sàn đá lạnh Long Bô giật bắn người lên và nói:
-Sao lại lạnh thế nhỉ?
Hắn ngồi một lúc rồi lẩm bẩm nói: -Giá
bây giờ có được manh chiếu rách chó nằm để lót vai một tí thì
hạnh phúc biết mấy.
Chả có bà tiên nào cho điều ước của hắn
thành sự thật nên hắn đành nghiêng người, nhăn mặt từ từ đặt vai
và cánh tay hộ pháp xuống sàn đá, giảm thiểu tối đa diện tích
tiếp xúc với cái lạnh. Bên kia bố Sáng thì vừa xoa chân, xoa tay
cho nóng người vừa hít hà: -Úi chào! Mát quá! Mát quá!
Phải công nhận ông cụ còn khỏe thật.
Chưởng môn một phái võ có khác. Năm ấy (Giáng Sinh 1979) đã trên
dưới 6 bó rồi mà vẫn tráng kiện, khó khăn, nghịch cảnh vẫn coi
như “pha”. Bố kể cho chúng tôi nghe vài truyện về các danh nhân
lịch sử và các bài học có thể rút ra từ cuộc sống của họ. Sau đó
bố bảo tôi có truyện gì kể nghe cho vui. Tôi trả lời: -Con hết
nước bọt rồi bố ơi.
Đến giờ phát cơm trưa hôm sau khi thấy
bình nước được đưa vào chỉ có độ cao một đốt ngón tay sóng sánh ở
đáy bình, bố Sáng gọi tên Trực trật tự: -Này anh ơi! Nước thế này
thì làm sao đủ uống. Chúng tôi những 3 người đấy.
Trực chưa kịp trả lời thì cán bộ Luật
trực trại đã quát: -Có thế thôi! Chia nhau mà uống.
Khi cửa các xà lim đóng lại bố Sáng mặt đăm chiêu nói: -Nước phát
mỗi bữa có chừng này thì gay đấy.
Tôi nhìn bố mà thương cảm. Thân thể bố
phốp pháp thế kia, 2 muỗng nước làm sao đủ thấm xuống dạ dày? Bố
dùng muỗng ăn cơm đong nước rồi đổ vào 3 cái ca nhỏ cho 3 người.
Mỗi người được 2 muỗng và còn dư khoảng 1/3 muỗng. Sáu con mắt
đều nhìn vào tí nước ở dưới đáy muỗng. Nhưng bố Sáng đã dùng bàn
tay đầy uy lực của vị Chưởng Môn một phái võ để chia mỗi người
thêm 2 giọt nước. Rất điệu nghệ. Và rất công bằng.
Khi tôi chịu đựng hết 2 lệnh phạt trong
xà lim (mỗi lệnh 14 ngày) thì bố Sáng và Long Bô đã bước sang
ngày thứ 12. Bố Sáng không còn “Mát quá! Mát quá!” nữa mà bắt đầu
nằm co quắp như con tôm, tay chân run lẩy bẩy. Bố cũng ngừng kể
truyện để giữ hơi và thỉnh thoảng lại đánh vật với 2 giọt nước.
Chả là khi chia nước xong nếu để đứng bình nước xuống thì có 2
giọt đọng ở đáy bình. Bố tiếc 2 giọt nước nên giốc ngược bình lên
và dùng “nội công thâm hậu” của mình hút mạnh. Nhưng 2 giọt nước
cứng đầu nhất định không chịu ra. Và bố cứ xoay đầu này, trở đầu
kia, hết vỗ vỗ đáy bình lại hít, lại hút nhưng cuối cùng vẫn phải
chịu thua. Mỗi lần như vậy chúng tôi lại quay mặt chỗ khác để bố
khỏi ngượng. Có tiếng mở cửa xà lim; có cả tiếng rút thanh sắt
xuyên qua cái cùm ở chân. Một lúc sau Vũ Hùng Cương thông báo:
-Phòng 6 có người đi làm việc (bị hỏi cung)
Rồi Hứa Sang lên tiếng: -Phòng 1 Tú
Cường đi làm việc.
Trước đó đã có cuộc lời qua tiếng lại
như sau:
Tú
Cường: -Nếu phòng nào có người đi làm việc thì người đó sẽ uống
nước thật nhiều để lúc về có thể đái cho anh em trong phòng uống.
Có cơ may cầm cự thêm một vài ngày nữa.
Long Bô phang ngay: -Nước đái khai và
mặn bỏ mẹ, uống thế đéo nào được.
Tú Cường trả lời: -Nước đái tụi mình
thì đúng là mặn và khai thật. Nhưng nếu uống nhiều nước và đi đái
vài lần thì những lần sau nước đái sẽ đỡ mặn đi.
Muốn Long Bô khỏi cãi chầy, cãi cối Bùi
Đạt Trung chen vào: -Ý kiến Tú Cường hay đấy.
Khoảng 4 giờ chiều người bên xà lim số
6 đi chấp cung về. Một lát sau tôi nghe tiếng Vũ Hùng Cương hét
lên: -Nhì ơi! Ngon hơn bia.
Tôi biết ông bạn luật sư vui tính của
tôi đã thưởng thức món nước giải khát đặc biệt quý giá ở “khu kỷ
luật” A20 và đã đem lòng yêu mến nó. Bùi Đạt Trung và Hứa Sang ở
xà lim số 1 không biết có nhấm nháp được tý nào của Tú Cường
không mà không thấy lên tiếng. Xà lim số 3 của tôi không có ai đi
chấp cung nên niềm mong ước được thưởng thức món nước giải khát
đặc biệt ấy vẫn chỉ là... niềm mong ước. Với 3 bố con tôi thời
gian trôi qua thật chậm. Và những ngày sau đó mọi người lại quan
tâm đến “cứt”.
Có ai đó lên tiếng: -Trời đất ơi! 15
ngày rồi mà chẳng ỉa được cục cứt nào. Mà nó lại không mót ỉa mới
lạ chứ.
Long
bô đáp lại: -Thì có cái mẹ gì vào bụng đâu để lấy cứt mà ỉa. Tôi
cũng 22, 23 ngày rồi chứ ít gì.
Vũ Hùng Cương trả lời: -Tớ đã 25 ngày
rồi đây. Ối giời ôi! Nó cứ tức tức ở hậu môn, khó chịu lắm.
Tôi chửi thề lầm bầm trong miệng: -Tổ
cha nó! Bố mày 40 ngày rồi mà chưa nói đây.
Có lẽ ông trời chúa ghét những thằng đã
nói tục lại còn bố láo, bố toét nên đêm hôm ấy tôi lên cơn đau
bụng dữ dội và lại rất khó thở. Cứ như là có ai bịt mũi mình lại
chỉ để thở bằng mồm. Hậu môn thì như có ai dùng cái nêm đóng
chặt. Thỉnh thoảng bí quá phùng mang trợn mắt rặn như đàn bà rặn
đẻ thì hơi gặp phải bức tường hậu môn dội ngược lại lên miệng,
lên mũi tạo nên cảm giác nghèn nghẹt rất khó chịu. Thấy tôi ngọ
ngoạy lại thở gấp, Long Bô lên tiếng khẽ hỏi: -Nhì! Sao thế?
Tôi vừa lấy hơi vừa trả lời: -Thấy tức
hậu môn và khó thở quá.
Kệ bên kia bố Sáng vẫn ngáy o o. Long
Bô bỗng trở thành bác sĩ gia đình của tôi và chẩn bệnh rất chính
xác: -Chắc ông lâu quá không ỉa được, lại thiếu nước nên phân
đóng cứng bít chặt hậu môn chứ gì.
Rồi hắn cho tôi toa thuốc trị liệu như
sau: -Bây giờ ông phải dạng hai chân ra (tôi vẫn bị cùm hai chân)
và lấy hơi rặn mạnh. Tôi sẽ phụ banh hai bên hậu môn ra. Phải cố
mà rặn, chứ để nó bí mãi có thể sẽ nghẹt thở rồi tiêu đời đấy.
Tôi tuột quần xuống tận gót chân rồi
nằm ở tư thế sản phụ trên bàn sanh. Da thịt trần chạm vào mặt bệ
đá lạnh buốt, nhưng nỗi sợ chết đã giúp tôi vượt qua cái lạnh một
cách dễ dàng. Hai bàn tay của bác sĩ Long Bô kéo mạnh hai mép đít
của tôi ra rồi ra lệnh: -Rặn đi. Lấy hết sức rặn mạnh vào.
Đau quá! Mỗi lần Long Bô buông tay, mép
đít khép vào, cục phân cứng cạ vào thành trong của hậu môn đau xé
ruột.
Tôi cố
sức rặn mạnh mấy lượt nhưng chẳng ăn thua gì. Bên kia bố Sáng
nghe động đậy lên tiếng hỏi: -Gì thế các cậu?
Long Bô nói nhỏ: -Không có gì đâu bố.
Con giúp thằng Nhì ỉa thôi mà.
Chỉ nửa phút sau tiếng ngáy o o lại
vang lên. Tôi thử rặn mấy lần nữa cũng không kết quả. Tôi nhớ hồi
còn nhỏ có lần xém chết đuối ở con sông Cầu 14, Ban Mê Thuột. Lúc
không còn nín thở được nữa, mở miệng hớp ngụm nước đầu tiên thì
được ai đó kéo lên. Bây giờ tình trạng khó thở của tôi cũng gần
giống như vậy. Tôi nghĩ nếu kéo dài khoảng 20 phút nữa chắc tôi
chịu không nổi. Trong xà lim tối đen như mực, không nhìn thấy mặt
Long Bô nên không biết hắn đang nghĩ gì. Cuối cùng một giọng nói
dứt khoát vang lên: -Banh không xong thì phải móc thôi.
Tôi nghe tiếng nhổ bọt rồi cảm thấy một
ngón tay ươn ướt thọc vào lỗ đít mình. 40 ngày không ỉa nên lỗ
đít khít rịt. Tôi thót người lên vì đau. Nước mắt chảy ra lăn dài
trên má. Tôi nhủ lòng: -Phải chịu thôi chứ biết làm sao được.
Chẳng lẽ sợ đau rồi chịu chết à?
Bác sĩ Long Bô vẫn tiếp tục mò mẫm
trong đêm tối. Vì đau quá nên phản xạ của tôi là cứ di chuyển
mông để tránh ngón tay của hắn. Hắn bực quá gắt lên: -Ông cứ nhúc
nhích kiểu ấy thì móc thế đéo nào được.
Tôi biết lỗi của mình cố chịu đau, nằm
im. Long Bô nhổ một tí nước bọt nữa (chắc vào tay) rồi tiếp tục
thám hiểm lỗ đít của tôi. Đến khi cả 2 ngón đã vào trong hắn banh
mạnh 2 mép hậu môn của tôi và hét to: -Rặn mạnh đi.
Theo lệnh hắn tôi rặn thật mạnh. Nhờ
hai ngón tay vàng ngọc khuấy động làm vỡ một mảnh của cục phân,
nhờ hai mép hậu môn được banh rộng ra, cộng với cú rặn hết sức
bình sinh của tôi, cục phân được văng ra rơi đánh cạch xuống nền
đá. Máu tuôn theo ướt cả hai bên đùi, chảy qua cả chỗ nằm của
Long Bô. Nhưng lúc ấy mất máu với tôi nào có nghĩa lý gì. Bất kể
nửa người dưới đang lạnh buốt, tôi không buồn kéo quần lên, cứ
nằm bẹp xuống bệ đá lênh láng máu, khoan khoái hưởng cái sung
sướng được thở bình thường như những ngày chưa có cục cứt cứng
như đá che lấp hậu môn.
Một buổi chiều đầu năm 1984 (tôi chưa
bị bắt lại) sau một ngày chuyển hàng cho bà chị họ bán vải ở chợ
An Đông, tôi lóc cóc đạp xe về nhà ở Ngã Tư Trung Chánh (Hốc
Môn). Đến ngã tư Trần Quốc Toản và Nguyễn Văn Thoại tôi nghe có
tiếng gọi giật giọng: “Ê Nhì! Nhì ơi!” Tôi tấp xe vô lề, quay lại
thì một chiếc xích lô trờ tới. Trên xe là một đại hán đội nón
rộng vành, thân hình vạm vỡ, mặt mũi thì bụi bậm bám đầy cả hàm
râu và bộ ria rậm rạp. Đại hán thắng xe, nhảy xuống ôm vai tôi và
hỏi tới tấp: “Ông không nhớ tôi hả Nhì? Long đây. Long khóa 25 Võ
Bị đây. Long A20 đây.”
Tôi nhìn kỹ thì đúng là... Long Bô,
người mà đêm nào trong xà lim Trại Trừng Giới A20 đã... móc đít
cứu mạng cho tôi. Thế là tôi ôm chầm lấy hắn, bất kể mùi chua của
mồ hôi và mùi khét của bụi đường. Khuôn mặt và vóc dáng hắn quả
có vài nét thay đổi nhưng giọng nói vẫn ồm ồm, và cái miệng
vẫn... bô lô ba loa như ngày xưa. Tôi nắn túi nhẩm tính rồi cắt
ngang câu chuyện dài đằng đẵng của hắn: “Tụi mình kiếm chỗ nào
vừa ăn uống chút đỉnh vừa nói chuyện chứ.”
Tôi kéo hắn vào một quán phở nhỏ trên
đường Nguyễn Văn Thoại, kêu mỗi thằng một tô phở và một ly trà
đá. Hắn vừa nhồm nhoàm ăn vừa... bô lô ba loa đủ chuyện trên
trời, dưới đất. Tôi thấy hắn cũng chưa... đủ đô nhưng cái túi
không cho phép nên đành kêu 2 điếu Capstan đưa cho hắn. Hắn dắt
một điếu lên vành tai còn điếu kia mồi hút ngon lành và tiếp
tục... kể chuyện. Ôi! Giá lúc ấy khấm khá một chút tôi sẽ kêu một
tô phở nữa cho hắn ăn thêm, một gói Capstan cho hắn bỏ túi, và
lúc giã từ giúi vào tay hắn tí tiền để mua quà cho con. Nhưng
hoàn cảnh đã không cho phép tôi làm việc đó. Không biết với cái
tánh “ruột để ngoài da” hắn có còn nhớ đến cái đêm “định mệnh”
với tôi trong xà lim không, chứ tôi thì làm sao quên được. Sau
khi bắt tay nhau thật chặt, tôi đứng nhìn cái thân hình to bản
của hắn trên xe xích lô càng lúc càng xa mà cảm xúc trong lòng
dâng lên đến trào nước mắt.
Một lần gặp lại các bạn tù trên đất Mỹ
tôi vui miệng kể lại kỷ niệm bí ỉa, xém chết ở xà lim Trại Trừng
Giới A20. Một ông bạn cười phát biểu: “Chắc mày cũng có làm được
một vài việc tốt trong cuộc đời nên lúc nguy nan Chúa đã sai
thiên thần đến cứu mạng mày.” Nếu quả đúng như vậy thì thiên thần
của tôi không có tướng mạo thanh tú như những tranh vẽ trong nhà
thờ mà là một gã vai u thịt bắp, râu ria rậm rạp, không có cả đôi
cánh để ra dáng thiên thần. Nhưng có cánh hay không cũng không
quan trọng, tướng mạo có thanh tú hay không cũng không sao. Cái
cốt yếu là ngài đã có tấm lòng nhân ái, không sợ cứt đái bẩn
thỉu, đã ra tay banh đít, rồi móc đít cứu mạng tôi. Và vì lẽ ấy
tôi biết ơn ngài vô kể.
San Leon, Texas những ngày cuối tháng
11 năm 2002
A.20 Phạm Đức Nhì
Chú thích:
(1)
Giám thị trại A20
(2)
Phân trại trưởng phân trại E
(3) & (4)
Địa điểm bán nước mía và thạch chè nổi tiếng ở Sài Gòn
(5)
Rút quân không kèn trống,
ý nói hỗn quân hỗn quan.
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Trung tâm lưu trữ những buổi lễ Mừng Thánh Tổ SĐND/QLVNCH
|
Hình nền: 30-Tháng Tư -Đen . Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E-mail by ddcb chuyển
Đăng ngày Chúa Nhật, April
23, 2017
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang