Thi Văn & Âm nhạc
Bình Thơ
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
I. Trong lịch sử VN có nhiều thiên
tình sử lâm ly:
Lạc Long Quân-Âu Cơ, Sơn Tinh-Thủy
Tinh-Mỵ Nương, Tiên Dung-Chữ Đồng Tử, Trương Chi-Mỵ Nương, Chế
Mân-Huyền Trân, Quang Trung-Ngọc Hân, v.v. nhưng tình sử Trọng
Thủy-Mỵ Châu là đau thương diễm lệ nhất. Trải qua hơn hai nghìn năm
tốn không biết bao nhiêu giấy mực của thi nhân.
-Chí sĩ
Dương Bá Trạc (1884-1944) có một bài thơ vịnh, xin trích 4 câu:
Thân gia đâu mới kẻ thù gia,
Chồng nào thương vợ, con lìa cha.
Giặc ngồi sau lưng nói chi nữa,
Nước ôi! Nhà ôi! Biển Đại Nha.
-Á Nam Trần Tuấn Khải viết bài bát cú Cổ Loa Hoài Cảm, xin
trích 4 câu:
Thành quách
còn mang tiếng Cổ Loa
Trải bao gió táp với mưa sa
Nỏ thiêng hờ hững giây oan buộc
Giếng ngọc vơi đầy giọt lệ pha.
-Chuyện tình Trọng Thủy Mỵ Châu
Thơ: Song Thuận;
Nhạc: Xuân Điềm;
Giọng hát: Thúy Anh & Tuấn Khải;
Hòa âm: Quốc
Toản;
Kèm tranh minh họa: Họa sĩ Vi Vi
Nguồn:
http://www.hungsuviet.us/lichsu/CaTrongThuyMyChau.html.
Xin trích thơ và tranh minh họa:
Tranh ViVi - Việt sử bằng tranh. Bùi Văn Bảo
11- Ta đã phụ người
Tình nào lên ngôi
Lời nào gian dối
Ngọc vỡ, trâm rơi!
Tranh ViVi - Việt sử bằng tranh. Bùi Văn Bảo
12- Đã mấy ngàn năm
Ngọc trong giếng trong
Chuyện tình từ đó
Lệ vẫn xuôi dòng
Lệ vẫn long lanh!
An Dương
Vương và con gái Mỵ Châu, tranh Vi Vi:
http://thuvienbao.com/books-literature/viet_history/VNHistory_1.htm
-Tranh họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi:
Truyền thuyết Mỵ Châu, tranh Nguyễn Trọng Khôi
-Soạn giả Viễn
Châu viết 6 câu vọng cổ rất cảm động, xin trích bản vắn Trăng Thu Dạ
Khúc:
Hỡi bao oan nghiệt
chất chồng từ đây bao trái ngang,
Non sông điêu tàn,
Ngấn lệ tuôn tràn,
Vì yêu con đánh mất giang san,
Để cha rớt lệ cầm gươm giết con,
Đoạn lìa tình thâm,
Cốt nhục chia lìa,
Gió lên tống biệt linh hồn Mỵ
Châu sang bến mơ.
-Tuồng cải lương “Chiếc áo
thiên nga” trình diễn tại nhà hát Trần Hữu Trang.
-Vở kịch nói
“Nỏ Thần” trình diễn trên sân khấu Phú Nhuận.
-Tuồng cải lương
của nhóm nghệ sĩ Kim Tử Long, Ngọc Huyền.
-Những danh ca Lê Thủy,
Thanh Sang, Hữu Phước, Thanh Kim Huệ... hát 6 câu vọng cổ.
-Đề tài Trọng Thủy-Mỵ Châu còn nhiều nữa, nhưng ở đây chỉ xin đơn cử
một số tác giả tiêu biểu trong các lãnh vực thi, ca, nhạc, kịch, sân
khấu, cải lương và hội họa.
II. Năm 2011, thi sĩ Uyên
Thúy Lâm có làm một bài thơ tựa đề:
TÌNH SỬ CỔ LOA THÀNH
Trong đó chuyên chở
tình cảm/thái độ của mình đối với hai nhân vật lịch sử Trọng Thủy-Mỵ
Châu (TT-MC).
1. Trước khi tìm hiểu Bài thơ TÌNH
SỬ CỔ LOA THÀNH xin lược qua truyền thuyết:
Thục Phán An Dương Vương (257 tr.TL - 208 tr.TL) xây thành Cổ Loa bị
yêu quái phá, nhờ thần Kim Quy giúp mới xây xong. Thần cho cái móng
thiêng, Vua sai Cao Lỗ làm nỏ thần, lấy móng thiêng làm lẫy, đặt tên
là Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ bắn 1 phát giết nghìn quân giặc, đánh
bại quân xâm lược Triệu Đà. Đà sai sứ đến giảng hòa, Vua mừng. Năm
208 (tr.TL [trước tây lịch]) Đà sai con là Trọng Thủy vào hầu làm
túc vệ, cầu hôn con gái vua là Mỵ Châu. Vua không nghe lời Cao Lỗ
can ngăn, bằng lòng cho cưới và ở rể. Trọng Thủy dỗ Mỵ Châu để xem
trộm nỏ thần, rồi ngầm bẻ gãy lẫy nỏ, thay cái khác vào, giả vờ về
Bắc thăm cha mẹ, bảo Mỵ Châu rằng: “Ân tình vợ chồng không thể quên
nhau, nếu lỡ hai nước không hòa, Nam-Bắc cách biệt, ta lại tới đây
thì làm thế nào mà tìm thấy nhau?” Mỵ Châu nói: “Thiếp có cái áo gấm
lông ngỗng, thường mang theo mình, đi đến đâu thì rút lông ngỗng rắc
ở chỗ đường rẽ để làm dấu.” Trọng Thủy về báo cho Đà biết. Đà đem
quân đến đánh, vua không biết lẫy nỏ đã mất, ngồi đánh cờ cười mà
bảo: “Đà không sợ nỏ thần của ta sao?” Quân của Đà tiến sát đến nơi,
vua giương nỏ thì lẫy đã gãy rồi. Vua thua chạy, để Mỵ Châu ngồi
trên ngựa, cùng chạy về phía nam.
Trọng Thủy nhận dấu lông
ngỗng đuổi theo. Vua đến bờ biển, hết đường mà không có thuyền, liền
gọi rùa vàng mấy tiếng: “Mau đến cứu ta!” Rùa vàng nổi lên mặt nước,
mắng rằng: “Kẻ ngồi sau ngựa là giặc đấy, sao không giết đi?” Vua
rút gươm, Mỵ Châu khấn rằng: “Trung tín trọn tiết, bị người đánh
lừa, xin hóa thành ngọc châu để rửa thù nhục này.” Cuối cùng vua vẫn
chém Mỵ Châu, máu chảy loang mặt nước, loài trai nuốt vào bụng, hóa
làm hạt minh châu. Vua cầm sừng tê văn dài 7 tấc xuống biển mà đi.
Trọng Thủy đuổi theo đến nơi, thấy Mỵ Châu đã chết, thương khóc ôm
xác đem về chôn ở Loa Thành, hóa làm đá ngọc. Trọng Thủy nhớ tiếc Mỵ
Châu, trở lại chỗ Mỵ Châu tắm gội trang điểm khi trước, thương nhớ
không nguôi, cuối cùng nhảy xuống giếng mà chết.
Tương truyền
ngọc ấy đem rửa nước giếng Trọng Thủy thì trong sáng bội phần. Hiện
nay giếng Trọng Thủy (TT), am Mỵ Châu (MC), đền An Dương Vương (ADV)
vẫn còn ở Cổ Loa, Bắc Việt. (Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).
2. Trong bài thơ Tình Sử Cổ Loa Thành
(TSCLT) của mình, nhà thơ Uyên Thúy Lâm (UTL) không ghi lại từ đầu
câu chuyện cổ tích, mà chỉ ghi lại từ lúc Trọng Thủy (TT) từ biệt vợ
về cố quốc cho đến hết chuyện, bằng những vần thơ thất ngôn buồn vời
vợi.
Bữa tiệc tiễn chồng nơi cung cấm có Bồ đào mỹ tửu, có
khúc Nghê Thường với xiêm y rực rỡ, nhưng tất cả đều trở nên vô vị:
Trong cung cấm sao chàng lặng lẽ
Không cười vui bên thiếp hiền ngoan
Chung mỹ tửu chiều nay ướp lệ
Chàng không vui, lòng thiếp ngỡ ngàng
Khúc Nghê Thường
xiêm y rực rỡ
Rượu Bồ đào cùng uống chung môi
Hồi cố quốc chàng xa một thuở
Rồi lại quay về ta sánh đôi
Tựa đề là “Tình
sử Cổ Loa Thành” nhưng nội dung là lời than thở, nỗi niềm
tâm sự sầu khổ của Mỵ Châu (MC) là nhân vật chính. Mọi sự việc đều
được ghi nhận, diễn tả qua lăng kính tâm hồn nàng.
Thiên tình
sử rất dài, nhưng tác giả Uyên Thúy Lâm chỉ chọn phần đời bi thảm,
nhờ thế mà cường độ xúc cảm trong thơ rất mạnh, bố cục bài thơ chặt
chẽ nhất quán. Giống như chuyện Lưu-Nguyễn rất dài nhưng Tản Đà chỉ
ghi lại khoảnh khắc tâm trạng Lưu-Nguyễn khi từ biệt cảnh Thiên Thai
mà thôi.
Như trên đã nói, trong bữa tiệc tiễn đưa, người về
thành Phiên Ngung trên danh nghĩa thăm cha, người ở lại thành Cổ Loa
nước Âu Lạc tức nước Việt xưa, tác già Uyên Thúy Lâm chọn lọc tình
tiết, tâm lý, ngôn ngữ thật đẹp và sử dụng thể thơ trường thiên thất
ngôn tứ tuyệt vốn có âm điệu cổ kính trầm buồn: để giới thiệu một
cuộc tình diễm lệ, độc đáo, tuyệt vời (không thua một cuộc tình nào
trên thế giới). Thiển nghĩ chọn chủ đề khó khăn này, ngay bước đầu
tác giả cũng đã cho thấy sự can đảm và tự tin nơi cây bút của mình.
Chúng ta biết chuyện tình Romeo-Juliette của đại văn hào
Shakespeare đã vượt lên trên biên giới hận thù của hai dòng họ,
nhưng chuyện tình Trọng Thủy-Mỵ Châu còn bay cao hơn, đã vượt lên
trên biên cương thù hận của hai quốc gia, hai chủng tộc, trở thành
bản giao ước bất thành văn chấm dứt chiến tranh, tái lập hòa bình
cho hai nước thù địch từng đánh nhau khốc liệt do Triệu Đà xua quân
xâm lược trước đó. Trọng Thủy tự tử chứng tỏ tình yêu quá vĩ đại coi
thường cả ngai vàng, lợi danh, phản kháng chiến tranh xăm lược, thủ
phạm gây ra cảnh chia lìa chết chóc của đôi trẻ đang yêu.
Qua
đó có thể nói văn minh Âu Lạc vào cuối thời kỳ lập quốc (Văn Lang-Âu
Lạc (2879 tr.TL - 258 tr.TL) -
(257 tr.TL - 208 tr.TL) đã để lại cho
chúng ta một tác phẩm văn học (chuyện cổ tích) chủ đề tình yêu/chiến
tranh thật vô cùng bi tráng, lãng mạn, giàu nhân bản, vĩ đại hàng
đầu trong văn học sử thế giới kim-cổ cùng thể loại.
Nay cuộc
tình ấy được tái hiện trong thơ Uyên Thúy Lâm đầy tính vương giả,
tình tứ, lãng mạn và đẹp qua hình ảnh “rượu Bồ đào cùng uống chung
môi” và qua niềm hy vọng đoàn viên trong lòng cô Công chúa trẻ đang
yêu “rồi lại quay về ta sánh đôi.” Tác giả tả đúng tâm trạng ngây
thơ hồn nhiên trong sáng của cô Công chúa khi dùng 2 chữ “hiền
ngoan” cũng như đã điểm trúng huyệt hai nhân vật qua hai câu thơ
sau:
Trong cung cấm sao chàng
lặng lẽ,
Không cười vui bên thiếp hiền ngoan.
Trong lúc
nàng hiền ngoan như viên ngọc trai chưa lấm bụi trần, chưa một lần
tì vết thì chàng lại khác: “lặng lẽ, không cười vui.” Mà cười vui
sao đuợc khi trong lòng đang chồng chất ngổn ngang bao toan tính và
thủ đoạn chết người. Dưới ngòi bút tinh tế, Tác giả Uyên T Lâm kín
đáo cho thấy đó chính là đám mây xám vừa bay ngang qua bầu trời tím
báo hiệu trong 5 chữ vừa nêu.
Cho dù Trọng Thủy tay gián điệp
tài ba giỏi giấu diếm, che đậy thế nào, cũng không giữ được trăm
phần tự nhiên khi đối diện với giai nhân, ngòi bút Uyên T Lâm đã
tinh tế đến như vậy. Nhưng cái bi đát lại nằm ở chỗ Mỵ Châu không
nhìn thấy, không ngờ tới. Ngay trong lời nói từ cửa miệng Trọng Thủy
thốt ra: “nếu lỡ hai nước không hòa, Nam-Bắc cách biệt” nàng cũng
không thắc mắc, vẫn nhất mực “hiền ngoan”! Tác giả đã diễn tả quá
chính xác tình tiết và tâm lý hai nhân vật.
Hai khổ thơ kế
tiếp kết cấu bằng những âm “bằng” trầm buồn “tương phùng, bẽ bàng”
đặt ở cuối mỗi khổ tạo ra không khí não nề, u uất trong lòng người
đọc. “Chàng đi ngàn dặm ngoài biên ải, lòng thiếp theo chàng đến cố
cung” làm nhớ cảnh chia ly trong Chinh Phụ Ngâm (Chàng thì đi cõi xa
mưa gió, thiếp lại về buồng cũ gối chăn) não nùng, bi xúc! Nỗi lòng
Mỵ Châu qua thơ UTL không khác nỗi lòng Kiều ở Lầu Ngưng Bích bời
bời nhớ thương: “Trường đình quạnh vắng chẳng tin sang, đâu biết lần
đi là mãi mãi, đời không cho nữa phút tương phùng!”.
Tác giả
báo động tấn thảm kịch chiến tranh nhơ nhuốc, bỉ ổi, đầy thủ đoạn đê
hèn sắp sửa đổ ụp lên Cổ Loa Thành. Những chữ “trường đình quạnh
vắng, canh thâu vắng” chữ vắng lặp đi lặp lại là cố ý tạo ra khoảng
không gian vắng lặng đồng nghĩa với “im lặng là sự chuẩn bị của một
cơn bão” hay của một sự dời đổi kinh thiên động địa:
Chàng đi ngàn dặm ngoài biên ải
Lòng thiếp theo chàng đến cố cung
Đâu biết lần đi là mãi mãi
Đời không cho nữa, phút tương phùng!
Ngàn dặm trông
theo hút bóng chàng
Trường đình quạnh vắng chẳng tin sang
Thẫn thờ gối chiếc canh thâu vắng
Một nửa vầng trăng luống bẽ bàng!
Vâng, Tác giả Uyên Thúy Lâm không bắt độc giả chờ lâu. Bão đã
thổi, can qua đã ngập tràn:
Tin hồng chưa lại đã can qua
Binh biến nghiêng trời đất Cổ Loa.
Cả hai cha con đứng đầu vận mệnh một dân tộc/quốc gia, mà ai
cũng bàng quang, thơ ngây, hiền lành, vô trách nhiệm. Con thì nhẹ dạ
cả tin, cha thì mất cảnh giác, chủ quan, khinh địch. Tất cả đều mù
quáng tin vào cuộc liên minh “hòa hiếu” ma quỷ, tin vào lời đường
mật “hôn nhân” ru ngủ của kẻ thù đồng nghĩa với sự tự đào huyệt chôn
mình, đưa dân tộc vào vòng nô lệ ngàn năm. Ngoài biên ải không phòng
bị, nơi quốc phòng không canh tân luyện tập, trong nhà chứa chấp kẻ
gian mà qua bao năm trời chẳng hề hay biết. Nỏ thần (bí mật quân sự)
đã lọt vào tay địch mà cũng chẳng ai hay.
Trong truyền thuyết
nói: “Đà đem quân đến đánh vua, vua không biết lẫy nỏ đã mất, ngồi
đánh cờ cười mà bảo: ‘Đà không sợ nỏ thần của ta sao’. ‘Mỵ Châu
không ngần ngại, chạy ngay vào chỗ cha nằm, lấy nỏ đem ra cho chồng
xem. Nàng lại chỉ cho chàng biết cái lẫy vốn là chiếc móng chân thần
Kim Quy và giảng cho Trọng Thủy nghe biết cách bắn.’”
Bi đát
ở chỗ cả hai cha con (cũng là vua tôi) đều hoàn toàn mất cảnh giác:
Cha vững tin nỏ thần linh nghiệm
Thiếp cũng nào hay chuyện chính tà.
Giặc đã đánh tráo nỏ thần, thành đã mất, cha con đã lên ngựa bôn
đào, mà cô Công chúa vẫn chưa biết chồng mình là gián điệp, là giặc
hiện đang tấn công Cổ Loa thành. Kể cũng lạ thật! Con vua sao đến
nỗi dại khờ! Cùng đường chết tới nơi rồi, mà vẫn nuôi ý tưởng tìm
chàng “tìm chàng đâu muôn nẻo binh đao?!”. Và vẫn mơ tưởng gặp lại
chàng khi thả đầy lông ngỗng trên bước đường thập tử. Qua đó, ta
thấy tình yêu của nàng thật là hồn nhiên. Hồn nhiên như tờ giấy
trắng, mãnh liệt như thác đổ, và mênh mông vô cùng tận:
Nỏ tráo móng thiêng, thành đã mất
Em bên cha trên bước bôn đào
Nước mất tim đau lòng quặn thắt
Tìm chàng đâu muôn nẻo binh đao?!
Lông ngỗng trắng
rơi dài tuyệt lộ
Nặng tình đâu cảnh giác chi cùng
Sống hết lòng mình như thác đổ
Em yêu chàng vô thủy, vô chung!
Đến khi Thần Kim Quy hiện ra phán, thì cha con mới hiểu sự thật.
Tỉnh ngộ muộn màng. Vua (và cha) thì u mê, chủ quan, khinh địch, coi
sự vui chơi cá nhân là trên hết. Tôi (và con) thì đặt tình riêng
trên đất nước. Trách nhiệm vua tôi, cha con như thế hỏi sao không
quốc phá gia tan? Cái chết bi thảm phải nhận lãnh cũng là lẽ thường
tình:
Thần phán rằng: “Nàng là
giặc dữ”
Cha nhìn lông ngỗng trắng sơn khê
Lòng con vằng vặc như sao tỏ
Phụ vương ơi! Oan khuất con về...
Tất cả đã tan nát, lời thề xưa đã trễ, duyên tình đã tan và đế
quyền cũng tắt. Chỉ còn một “khối u tình” chôn giếng xưa, chảy tràn
trên biển sóng. Khối tình sẽ sáng trong đẹp đẽ khi hai trái tim được
hòa vào nhau, khi ngọc trai được rửa giếng cổ thành:
Giếng xưa chôn một khối u tình
Sóng biển đã chan hòa máu lệ
Duyên mình tan tác bởi đao binh
Ngọc trai nàng rực sáng long lanh
Khi rữa vào trong giếng Cổ thành
Tham đoạt đế quyền rồi cũng tắt
Còn vầng mây đáy giếng mông mênh!
Bằng trái tim đa cảm, tác giả UTL không thể kết án Mỵ Châu nặng
lời mà chỉ “tiếc” cho nàng. Bao nhiêu oán giận Tác giả đổ hết lên
đầu Trọng Thủy. UTL dùng 2 lần chữ quên “bạc tình chàng quên, phụ
tình chàng quên” để kết tội Trọng Thủy. Đúng thế, TT đáng trách! Tàn
ác, lừa dối, thủ đoạn, gian manh. Trong lúc MC đặt tình yêu lên trên
tất cả, thì TT lại xem nhẹ tình nàng, mượn tình yêu để phục vụ cho ý
đồ đen tối. Tuy nhiên khi đã đạt được mộng xâm lăng thì hốt nhiên
giác ngộ, thức tỉnh, ân hận, lương tâm dày vò, rồi đâm đầu xuống
giếng chết giống như Giu-đa hối hận quăng 30 đồng bạc rồi đi treo cổ
sau khi đã bán Chúa Giê-su.
Chính cái chết của Trọng Thủy
dưới giếng sâu đã làm cho cuộc tình thăng hoa, bất tử và có ý nghĩa:
tình yêu vượt lên trên mọi giới hạn đời thường, từ chối địa vị, danh
vọng, giàu sang, những thứ dễ dàng làm sa đọa tâm hồn, dễ biến con
người thành lạc đà trước lỗ kim của cánh cửa thiên đường, và sau
cùng là tiếng nói nhân bản phản kháng chiến tranh xâm lược. Nếu TT
ôm ngôi cao thì tình sử Cổ Loa Thành không còn gì đẹp đẽ nữa:
Bạc tình chàng quên nghĩa phu thê
Quên cả lời xưa buổi hẹn về
Đem tấm tình son vùi gió cát
Đất rộng trời cao thẹn ước thề!
Phụ tình chàng
quên cả ân sâu
Mưu đồ tham vọng giết đời nhau
Nàng sống trọn lòng không giới hạn
Tình sử ngàn năm tiếc Mỵ Châu.
Cám ơn tác giả Uyên Thúy Lâm đã cho chúng ta sống lại một thời
huyền sử với đầy đủ cảm xúc yêu ghét giận hờn trước các nhân vật,
đồng thời nhận ra tình yêu vĩ đại cùng sự bất hạnh quá lớn của họ.
Không biết trong văn học sử thế giới có nhân vật nào đau thương như
Công chúa Mỵ Châu?
3. Tình sử TT-MC còn có một
giá trị tiềm ẩn: văn hóa
người Việt cổ nhân hậu nhân bản đối nghịch với văn hóa người Hán tàn
độc phi nhân bản, mà sau này Nguyễn Trãi có nói trong Bình Ngô Đại
Cáo:
Đem đại nghĩa thắng hung tàn,
Lấy chí nhân thay cường bạo.
Ở đời “thiện tất thọ lão,
ác tất tảo vong”, sau khi ADV chết, VN rơi vào
vòng nô lệ 1 nghìn năm, dân Việt liên tục nổi dậy giành độc lập và
cuối cùng đã thắng, bởi dân Việt mất nước nhưng không đánh mất bản
sắc văn hóa dân tộc, tình yêu nước sinh ra từ đó. Bản sắc văn hóa
của chúng ta cao đẹp, đó là tinh thần nhân hậu nhân bản tiềm tàng
suốt chiều dài lịch sử. Qua huyền sử, tổ tiên nhắn nhủ dù trong hoàn
cảnh tang thương dâu bể nào cũng phải giữ gìn bản sắc văn hóa Việt.
Đó là đại nghĩa, chí nhân chống lại hung tàn, cường bạo. Cha con
ADV-MC đối xử với họ bằng hòa bình, nhân ái, thì cha con họ đối xử
ngược lại bằng thủ đoạn, chiến tranh. Ngay trong tình vợ chồng, Mỵ
Châu đối xử với chồng bằng sự tin yêu, thật thà, trong sáng, thì
Trọng Thủy lại đối xử ngược lại bằng sự lợi dụng, dối trá, đen tối.
Nhưng kết cuộc “trời bất dung gian”, “chánh vẫn thắng tà” chính cái
“nặng tình” chính cái tình mãnh liệt “như thác đổ, vô thủy vô chung”
của nàng đã cảm hóa Trọng Thủy quay về với lương tâm đạo lý, quay
lưng lại với vinh hoa và tự kết liễu đời mình cho trọn nghĩa tào
khang. Triệu Đà tham vọng xây bá đồ vương cho đứa con trai, nay nghe
hung tin nó đã tự tử, thì sự tức giận, sầu khổ, tan nát trong lòng
ông ta sẽ như thế nào?
Lông
ngỗng trắng rơi dài tuyệt lộ
Nặng tình đâu cảnh giác chi cùng
Sống hết lòng mình như thác đổ
Em yêu chàng vô thủy, vô chung!
Ngày nay, am thờ Mỵ Châu vẫn còn ngoài Bắc. Hình tượng MC qua
tảng đá không đầu là một hình phạt nghiêm khắc mà tiền nhân đã dành
cho nàng để làm bài học cảnh giác trước mưu đồ ma quỷ của Bắc
phương. Nước mất nhà tan, người chịu trách nhiệm chính là ADV, triều
đình... MC là con là bề tôi cũng phải chịu tội, đó là tiết lộ bí mật
quốc phòng, đặt tình riêng lên trên đất nước, rải lông ngỗng dẫn
đường quân giặc, không nhìn ra dã tâm của người đầu ấp tay gối. Cho
nên sau 22 thế kỷ tác giả Uyên Thúy Lâm vẫn còn “tiếc”: Tình sử ngàn
năm tiếc Mỵ Châu.
4. Tình sử Trọng Thủy - Mỵ Châu
thiển nghĩ không chỉ giới hạn ở giá trị văn học (bi kịch tình yêu),
đạo đức (nhân bản) như đã trình bày, mà còn có giá trị về lịch sử
(bi kịch mất nước). Đây mới chính là bài học xương máu, bài học cảnh
giác, thông điệp vàng ròng mà tổ tiên muốn gởi đến con cháu trong
xây dựng và bảo vệ đất nước trước mưu đồ đen tối của kẻ thù truyền
kiếp.
Tôi hiểu tác giả UTL đưa lên Diễn Đàn bài thơ Tình Sử
Cổ Loa Thành trong lúc tình hình đất nước lâm nguy (đang bị Trung
cộng Hán hóa, xâm nhập, bành trướng, chiếm đất, chiếm biển) là tâm
huyết, là lòng yêu nước trăn trở thao thức, muốn nhắc nhở, tô đậm
lại bài học mất cảnh giác dẫn đến mất nước năm xưa:
Lông ngỗng trắng rơi dài tuyệt lộ
Nặng tình đâu cảnh giác chi cùng.
Đúng như nhận xét của nhà thơ NXVạn sau khi đọc Tình Sử Cổ Loa
Thành:
“Bài học Cảnh giác là
bài học có giá trị ngàn năm, mà gương người xưa nhắc nhở chúng ta
trong việc Giữ nước, phải luôn luôn đề cao cảnh giác trước mưu thần
chước quỷ của kẻ xâm lăng. Ngày nay, trước họa xâm lược của Hán
gian, có lẽ chúng ta còn cần ôn lại nhiều hơn nữa, bài học mất cảnh
giác đã đưa đến mất cả giang sơn như người xưa đã để mất!.”
Chưa bao giờ bài học cảnh giác phù hợp với hiện tình đất nước
như bây giờ. Nhìn qua, chúng ta thấy rõ những ai là ADV, TT, Mỵ
Châu? Đâu là cuộc hôn nhân hòa hiếu ma quỷ, đâu là lông ngỗng trắng
dẫn đường quân giặc? Tình hình VN hiện nay giống y như tình hình Âu
Lạc xưa: Triệu Đà tấn công Âu Lạc thất bại xin kết thông gia hòa
hiếu, Đặng Tiểu Bình đánh 6 tỉnh phía Bắc thất bại đưa ra 4 tốt 16
chữ vàng; Trọng Thủy ra vào thành Cổ Loa hợp lệ tự do hoạt động và
đi lại bất cứ chỗ nào, Dân Tầu ra vào Việt Nam khỏi hộ chiếu, nghênh
ngang lập phố Tàu, khai thác bauxite, lũng đoạn kinh tế, chính trị,
văn hóa, xã hội, dùng hóa chất đầu độc diệt chủng, lấn chiếm biên
giới đảo biển, bắt bớ bắn giết ngư dân, bao nhiêu trọng điểm chiến
lược (Ải Nam Quan, Lão Sơn, Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa...) rơi
vào tay giặc, bao nhiêu An Dương Vương thời nay thi nhau hưởng thụ
đặt quyền lợi cá nhân phe nhóm lên trên sự tồn vong của đất nước dân
tộc; bao nhiêu Cao Lỗ thời nay bị bạc đãi, lưu đày? Nếu Tàu cộng xua
quân đánh úp như Triệu Đà thì số phận VN có giống như số phận Âu Lạc
năm xưa không?
Mong rằng bài học cảnh giác mà tác giả Uyên
Thúy Lâm gởi gắm trong bài thơ TÌNH SỬ CỔ LOA THÀNH sẽ làm cho những
người đang nắm giữ vận mệnh quốc gia mau thức tỉnh, mau thoát ra
khỏi quỹ đạo Tàu cộng, noi gương Nhật Bản, Thái Lan kết thân với thế
giới tự do, củng cố quốc phòng, canh tân đất nước, quyết không trở
thành những ADV, Mỵ Châu, quyết tránh một Tây Tạng thứ hai. Và nên
nhớ rằng một lần mất cảnh giác là một nghìn năm nô lệ. Chưa bao giờ
bài học TT-MC lại hệ trọng cần thiết như bây giờ.
Vinh Hồ
8/12/11
Phần
phụ bản
TÌNH SỬ
CỔ LOA THÀNH
Trong cung cấm
sao chàng lặng lẽ,
Không cười vui bên thiếp hiền ngoan.
Chung mỹ tửu chiều nay ướp lệ
Chàng không vui, lòng thiếp ngỡ ngàng.
Khúc Nghê-Thường xiêm y rực rỡ,
Rượu Bồ-đào cùng uống chung môi.
Hồi cố quốc chàng xa một thuở
Rồi lại quay về ta sánh đôi.
Chàng đi ngàn dặm ngoài biên ải,
Lòng thiếp theo chàng đến cố cung.
Đâu biết lần đi là mãi mãi
Đời không cho nữa, phút tương phùng!
Ngàn dặm trông theo hút bóng chàng
Trường -đình quạnh vắng chẳng
tin sang.
Thẩn thờ gối chiếc canh thâu vắng
Một nửa vầng trăng luống bẽ
bàng!
Tin hồng chưa lại đã can qua
Binh biến nghiêng trời đất Cổ-Loa.
Cha vững tin nỏ thần linh nghiệm
Thiếp cũng nào hay chuyện chính tà.
Nỏ tráo móng thiêng, thành đã mất,
Em bên cha trên bước bôn đào.
Nước mất, tim đau lòng quặn thắt
Tìm chàng đâu muôn nẻo binh
đao?!
Đâu ngờ chàng mang tâm bội bạc,
Chia tay còn hẹn buổi tao phùng.
Lỡ binh biến phận người trôi dạt
Lông ngỗng đưa đường cho trọn tình chung.
Lông ngỗng trắng rơi dài tuyệt lộ
Nặng tình ai đâu cảnh giác chi
cùng.
Sống hết lòng mình như thác đổ
Em yêu chàng vô thủy, vô chung!
Thần phán rằng: “Nàng là giặc dữ”
Cha nhìn lông ngỗng trắng sơn khê
Lòng con vằng vặc như sao tỏ
“Phụ vương ơi! Oan khuất con về...”
Lời hẹn thề xưa chàng đã trễ
Giếng xưa chôn một khối u tình.
Sóng biển đã chan hòa máu lệ
Duyên mình tan tác bởi đao
binh!!!
Ngọc trai nàng
rực sáng long lanh
Khi rữa vào trong giếng Cổ thành.
Tham đoạt đế quyền rồi cũng tắt
Còn vầng mây đáy giếng mông mênh
Giếng Ngọc
xưa chôn vùi hận cũ,
Giả hiếu hòa để chiếm cơ đồ.
Thành Cổ Loa điêu tàn sương phủ,
Lầm một lần, hận đến thiên thu!
Bạc tình chàng quên nghĩa phu thê
Quên cả lời xưa buổi hẹn về.
Đem tấm tình son vùi gió cát
Đất rộng trời cao thẹn ước thề!
Phụ tình
chàng quên cả ân sâu
Mưu đồ tham vọng giết đời nhau.
Nàng sống trọn lòng không giới
hạn
Tình sử ngàn năm tiếc Mỵ Châu...
UYÊN THÚY LÂM
Boston
Cổ Loa Hoài Cảm
Thành quách
còn mang tiếng Cổ Loa
Trải bao gió táp với mưa sa
Nỏ thiêng hờ hững giây oan buộc
Giếng ngọc vơi đầy giọt lệ pha.
Hoa cỏ vẫn cười
ai bạc mệnh
Cung đình chưa sạch bụi phồn hoa
Hưng vong biết chửa người kim-cổ?
Tiếng cuốc năm canh bóng nguyệt tà.
Á Nam Trần Tuấn Khải
Trọng Thủy Mỵ Châu
Trình bày: Minh Hùng – Thanh Kim Huệ
Lý con
Sáo:
Con theo cha
xuôi ngược nẻo đường bôn ba,
Đây là chiếc áo ngày xưa,
Con khoác lên vai cho vẹn mối chung tình,
Cha ơi có thấu cho lòng.
Tay rắc đều từng
lông ngỗng trắng,
Trọng Thủy ơi! Kíp mau tìm em.
Mối căm thù lòng cha cao ngất,
Khi biết tin con phản tâm vì yêu.
Câu 1: Cha ơi hãy chậm lại đường gươm
để cho con trẻ được nhìn mặt cha lần sau cuối. Rồi lát nữa đây con
sẽ quay về nơi cát bụi ôm đau thương vào trong giấc ngủ muôn... đời.
Nhìn cha đây mà lòng dạ con tan nát tơi bời. Tay đã cầm gươm sao
cha rưng rưng nước mắt, cha khóc cho sơn hà hay sợ máu con rơi. Tình
cha thương con như biển cả khôn lường, được cha ấp ủ khi con vừa lọt
lòng mẹ. Tiết đông về sợ con trẻ giá băng, lo lắng bâng khuâng khi
con khờ đau yếu.
Câu 2: Cha ơi, con
chết đi là đền xong tội lỗi, chỉ thương cho cha hiu quạnh chốn dương
trần. Rồi ai sẽ thay con khuya sớm ân cần. Cơ nghiệp giờ đây đã gieo
lên màu tang tóc, trời đất u buồn cũng nhuộm vẻ thê lương. Vì giang
sơn cha cắt đứt tình con, máu con chảy là nguồn tim cha đã chết. Hãy
gọi tên con trong giờ ly biệt, con sợ không còn nghe hai tiếng Mỵ
Châu.
Trăng Thu Dạ Khúc:
Hỡi bao oan
nghiệt chất chồng từ đây bao trái ngang,
Non sông điêu tàn,
Ngấn lệ tuôn tràn,
Vì yêu con đánh mất giang san,
Để cha rớt lệ cầm gươm cha giết con,
Đoạn lìa tình thâm,
Cốt nhục chia lìa,
Gió lên tống biệt linh hồn Mỵ Châu sang
bến mơ.
Câu 5:
Trọng Thủy ơi, thiếp đây đã mỏi mòn hơi thở, mà bóng hình anh còn mờ
xa trên vạn nẽo muôn... trùng. Biết gởi lời ai trăn trối sau cùng.
Cha ơi máu con tuôn tràn trên mặt biển, hay lệ cha già theo sóng
nước trào dâng. Ai gây ra thảm trạng quá lòng, sao cha lại vui cười
trong tiếng khóc. Mỵ Châu ngu khờ nên tin lời ai sâu độc, nên ngày
nay phải ngậm khúc biệt ly sầu.
Câu 6:
Nỏ thần, nỏ thần ơi! Nay mi đã về tay ai cho ta vò võ với tháng ngày
mong đợi. Chợt tỉnh cơn mê thì hỡi ơi còn đâu nữa, một dãy sơn hà mờ
khói lửa loạn ly. Cha dìu con lặng lẽ bước ra đi, gói trọn hành
trang bằng tình thâm phụ tử. Bước gian nguy trên đường xa vạn lý,
cha đâu có ngờ giặc theo dõi bước chân cha. Mà chính con là người
dẫn đường đưa lối, đã vô tâm sát hại cha... già.
Cha ơi,
trước mặt con là một màu đen tối, kìa bóng tử thần đang réo gọi tên
con. Thôi đành gạt lệ cha lần sau cuối, trước lúc tạ từ vĩnh biệt
cha./.
Soạn giả Viễn Châu
Trích:
http://www.youtube.com/watch?v=Q_0Gy2ED-bk&feature=related
Lan Phương trong vai Mỵ Châu (kịch)
Mỵ Châu, Trọng
Thủy trong vở kịch Nỏ Thần.
Đền An Dương Vương
Đền An Dương Vương nằm trong Khu di tích Cổ
Loa (thuộc địa phận 3 xã Cổ Loa, Dục Tú, Việt Hùng thuộc huyện Đông
Anh (Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội khoảng 17km về phía Bắc.
Các di tích gồm: đền An Dương Vương, đình Cổ Loa Ngự Triều Di Quy,
am Mỵ Châu, giếng Trọng Thủy, miếu thần Kim Quy... Theo văn bia Cổ
Loa, đền thờ An Dương Vương xây năm 1687, trùng tu năm 1893. Những
di vật quý là tấm bia đá lớn ghi niên hiệu Hoàng Định thứ 5 (1606).
Bên trong đền có đôi ngựa chiến bằng gỗ làm năm 1716. Ở hậu cung,
trên bàn thờ có pho tượng vua Thục bằng đồng nặng 255 cân ta đúc năm
1807.
Ở sườn núi Mộ Dạ thuộc huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An còn
đền thờ An Dương Vương gọi là đền Công.
Tượng đá
cụt đầu Công chúa Mỵ Châu.
Am thờ công chúa Mỵ Châu (bên trái đền
Ngự triều Di quy.
Ngự triều Di quy: nơi thờ các quan văn,
võ nước Âu Lạc.
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
|
Hình nền: Bộ Huy hiệu Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet by Uyên Thúy Lâm chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy, March 26, 2016
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang