Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
Trang Thi Văn & Âm nhạc
Truyện Ngắn
Chủ đề: Father's Day
Tác giả: Dư Thị Diễm Buồn
Bấm vào đây để in ra giấy (print)
Ba ơi, sắp đến ngày báo hiếu
người cha rồi! Con nhớ quê hương mình không có ngày lễ báo hiếu từ
mẫu “Mother’s Day” hay ngày báo hiếu từ phụ “Father’s Day” như cái
xứ con đang tạm dung đó ba!
Con biết ba sẽ cười hiền lành mà
bảo với con rằng:
-Con bé này nhiều chuyện và rườm rà quá
đi... Bởi ở xứ mình cha mẹ hàng ngày chạy gạo cho cả nhà mở con mắt
không lên... thì còn có tâm tình gì mà nghĩ đến ngày báo hiếu, báo
ơn cha mẹ con ơi. Công ơn cha mẹ với bổn phận làm con không chỉ có
ngày đó thôi đâu con à. Nhớ lúc đi tu nghiệp ở Mỹ, ba cũng biết ngày
lễ báo hiếu từ mẫu hay từ phụ chớ. Bên dó, tới ngày lễ nếu con cái ở
gần thì đưa cha mẹ đi ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều... ở xa thì mua gởi
cho cái áo, cái khăn, hay gởi cho mấy chục... Có tiền thì được một
trăm, hay nhiều hơn tùy hoàn cảnh gia đình của họ. Theo ba nghĩ thì
công ơn cha mẹ sanh thành dưỡng dục như Thái sơn, như Đại dương vô
bờ vô tận... chớ đâu chỉ có mấy ngày đó con...
Ba à, con sẽ
vùi đầu vào ngực, ôm chầm lấy vai mà nhỏng nhẽo nũng nịu mà nói với
ba rằng:
-Ba ơi, theo con biết, mỗi năm xứ người có ngày báo
hiếu là để gợi nhớ, để hâm nóng, để nhắc nhở lòng tôn kính, thương
yêu, hiếu thảo của con đối với cha mẹ. Đó cũng còn tùy thuộc vào tâm
tình và hoàn cảnh của mỗi gia đình và mỗi người nữa ba. Còn con thì
ba đừng có lo nghe! Con nhớ thương và kính yêu ba dài dài, đều đều,
cho đến ngày lìa bỏ cõi đời... Trong lòng con sẽ không hề nhạt phai
thương kính ba chút nào hết đó ba!
Nhìn những cánh hải âu bay
lượn đùa giỡn, cùng tiếng kêu vang vang của chúng trên trời cao, và
những cây mọc trong nước sát mé bờ, có nhánh gie ra ngoài... Trên
cành có tổ chim, mà chim mẹ đang đút từng miếng mồi nhỏ vào miệng lũ
chim con... Nghĩa cảm thấy buồn nao cõi lòng, và thở dài nghĩ
ngợi... bớt chợt hồi ức chợt quay về...
Cho đến bây giờ thật
sự tôi cũng chưa biết mẹ mình là ai? Có thể mẹ tôi đã qua đời rồi
chăng? Cũng có thể vì hoàn cảnh nào đó bà không nhận con? Có thể, có
thể, và có thể lắm... Bao nhiêu nguyên nhân khiến tôi nghĩ và đặt
câu hỏi trong đầu? Nhưng từ nhỏ đến giờ tôi vẫn không có câu giải
đáp! Vì chưa bao giờ tôi được gặp và biết mặt mẹ mình! Cho đến khi
tôi biết đánh vần chữ “Mẹ, Má” khi tôi biết nhận xét, khi tôi hiểu,
khi tôi biết nghĩ suy, và biết tủi thân khi thấy những đứa trẻ tuổi
cỡ mình có mẹ!
Bởi mẹ bỏ Nghĩa cho nội, khi con bà chưa đầy 2
tuổi! Ngôi nhà cũ trống không của ông bà để lại, là di vật cuối cùng
của gia đình cũng bị giặc tịch thu lấy làm chỗ hội họp cho đám thanh
niên trong phường. Họ bảo đó là nhà của “Ngụy quân” cho nên bà cháu
tôi bao nhiêu năm ở trong căn nhà đó, dù là chủ nhà có tên trong
danh sách vẫn bị đi kinh tế mới! Trong khi cha tôi còn bị họ nhốt
trong tù cải tạo.
Bà nội già cả mà đùm túm cháu lang thang
sống hẩm hiu lây lất bữa khoai, bữa cháo ở xó chợ, gầm cầu! Bởi bà
cháu tôi giờ đây không còn nhà để ở nữa, bà già yếu nên bịnh tật
liên miên nữa...
Cho đến ngày giặc thả ba tôi về, ông bị bịnh
phù thủng trầm kha không lao động nổi. Tôi nghĩ vì thế chúng mới cho
ba tôi về vì lý do đơn giản là: ông ở trong tù chỉ tốn kém, chớ
không có lợi lộc chi cả. Và nếu nhốt ông bị chết trong tù, thì chúng
sẽ thêm một cái tội với thế nhân nữa là: “Nhốt người vô tội, bịnh
hoạn không thuốc men cho đến chết...”
Tội nghiệp ba của tôi,
sau bao nhiêu năm bị đày đọa trong tù ngục cải tạo. Thân thể ông đầy
thương tật, yếu đuối, gầy còm như cái xác biết đi! Khi được giặc thả
về, ba của tôi mất tất cả, cái gì cũng không có, chỉ có nhiều thứ
bịnh!
Nỗi đau buồn mất mát đeo dính ba người chúng tôi. Không
có ăn thì tiền đâu mà thang thuốc... Vì bịnh tật, thiếu thốn, khổ
đau, và nỗi buồn nối tiếp buồn theo... Ba tôi như người mất trí, bởi
bà nội đột ngột qua đời, sau khi ông được thả về chưa đầy ba tháng!
Đau khổ ngập lòng, uất hận riêng mang, nhiều lần ba tôi đã ngửa
mặt lên trời cao, nghẹn ngào mà than rằng:
-Ông Trời có bất
công không? Hay kiếp trước tôi đã gây nhiều oan khiên cay nghiệt nên
bây giờ nhận lãnh bao nhiêu đau khổ buồn thương lần lượt chụp phủ
xuống cha con tôi! Tội nghiệp con tôi còn nhỏ quá, xin cho tôi nhận
lãnh tất cả mọi sự việc đã vay... Mong Ơn Trên linh thiêng giúp cho
cháu có cuộc sống an ổn, cuộc sống thật sự của kiếp một con người
bình thường trên cõi đời này...
Không còn lối thoát, ba tôi
phải đi xin ăn! Đó là việc làm duy nhứt để kiếm sống cho hai cha con
tôi thôi. Vì khốn khổ chất chồng, và thương đau khóc mẹ, đôi mắt ông
đã bị mù lòa! Tội nghiệp ba tôi sống không bằng chết! Ông sống trong
tăm tối không được ánh sáng mặt trời chiếu rọi, cùng nỗi đau đớn xâu
xé, và xấu hổ ngửa tay xin tiền, mong nhờ vào từ tâm của thế nhân!
Tuy đôi mắt bị mù lòa, nhưng tâm hồn ba tôi trong sáng như nhật
nguyệt. Ông thường dạy dỗ và nhắc nhở cho tôi biết ai là bạn, ai là
kẻ thù... Ông cũng không vì bịnh tật và hoàn cảnh hiện tại của mình
mà thất chí, rồi làm những chuyện không nên, hay nói năng xàm xỡ với
những người chung quanh... Ông luôn giữ câu của người xưa: “Lành cho
sạch/ Rách cho thơm” và luôn lấy đức báo oán, trước những cảnh trái
ngang nhiều hệ lụy của đời ông.
Ngày ngày ba tôi đi xin ăn từ
sáng sớm tới chiều tối mới về. Nhưng không bao giờ ông cho tôi đi
theo. Tôi được ba gởi trong chùa để sư cụ sai vặt, và dạy cho biết
chữ. Nhớ lại ngày đó, sư cụ cũng thấy cha con tôi hàng ngày gội
nắng, dầm mưa lang thang đi qua chùa. Sư thương tình gọi lại hỏi
thăm và cho cha con tôi tá túc ở mé hiên sau của chùa có nhiều chỗ
dột, và nghiêng nghiêng... bởi qua năm tháng trơ gan cùng tuế
nguyệt... không được tu sửa. Tôi không sao quên, đó là ngôi chùa
nghèo nằm sát bên bờ sông Bảo Định (Thành phố Mỹ Tho) nước rồng,
nước lớn lững lờ xuôi chảy. Những ngày gió lạnh mưa chan đi xin về
đến chỗ ở, có khi ba tôi bị lạnh cóng cả người... Tôi la cầu cứu, sư
nấu nước gừng nóng cho uống, sư châm cứu, cho đốt củi lửa hơ, và xức
dầu nắn bóp để ba tôi giãn gân cốt, và từ từ khỏe lại...
Với
trí hiểu biết non nớt của mình, tôi không biết ba tôi đang nghĩ suy
gì? Nhưng tôi biết chắc chắn một điều: “Ý chí mãnh liệt để ông sinh
tồn vì không muốn con mình côi cút, bơ vơ...” “Hoàng thiên bất phụ
hảo tâm nhân” Tôi vẫn nhớ chiều hôm đó, cha con tôi vui mừng và hết
sức ngạc nhiên. Bởi có ông khách qua đường dừng lại cho ba tôi một
số tiền lớn! Một số tiền rất lớn với một người mù đi xin ăn bữa đói
bữa no... Vị thần độ mạng của cha con tôi, chính là một đồng đội
“Thiên thần Mũ Đỏ” cộng sự với ba ngày xưa. Giờ ông là một ngoại
kiều về thăm quê hương bất ngờ gặp lại... Kể từ sau đó, ba tôi không
còn đi xin ăn nữa, và gánh nặng xót xa trong lòng ba có phần nào
được nhẹ đi.
Cứ mỗi sáng sớm, khi vầng thái dương còn e ấp ở
phương đông, chim chóc gọi đàn bay đi tìm mồi... Thành phố Mỹ Tho
rộn tiếng còi, tiếng động cơ xe cộ, tiếng nguời bán hàng, tiếng trẻ
con cười nói trên đường đến trường... Thấy chúng ôm tập sách, mặc áo
quần lành lặn... tâm hồn tôi se thắt, với những ước mơ thầm kín nở
lớn trong lòng...
Mỗi ngày như mọi ngày, tôi dắt ba ra ngã tư
Giếng Nước, ở đầu đường có nhiều người qua lại. Giúp ông treo tấm
ni-lông che nắng che mưa để ngồi bán vé số, chiều tối tôi mới đến
dắt ba về. Cha con tôi đi giữa thành phố lên đèn, qua những ngôi
biệt thự đồ sộ nguy nga tráng lệ, qua những nhà hàng, khách sạn cao
ngất trời của bọn tư bản đỏ... Chúng đang phè phỡn vui cười, sống sa
hoa trong đau khổ của nhân dân nghèo khổ...
Khi vui, ba
thường kể cho con gái mình nghe những chuyện ngày xưa lúc còn là
lính chiến... Ba kể trong say sưa, với niềm tin lẫn niềm xúc động
nghẹn ngào, và niềm hy vọng thầm kín dâng lên... Dần dà ba tôi đã
lấy lại được mức sống bình thường trong tâm hồn, và thỉnh thoảng tôi
còn bắt gặp niềm vui trong giọng nói, hoặc nụ cười nhẹ trên môi
ông...
Ngày đó, nắng Sài Gòn đẹp lắm! Phố phường rực rỡ vàng
màu cờ và sắc áo lính. Những người lính chiến trên Bốn Vùng Chiến
Thuật đại diện các quân binh chủng, từ các chiến trường trở về dự
trong ngày Đại lễ.
Ngồi tán dóc với mấy bà trong xóm, bà Tám
y tá (chích thuốc theo toa bác sĩ) lên tiếng trước:
-Mấy chị
biết con bà Hai bán bánh bò, bánh da lợn ngoài chợ, là cậu Nhân chớ?
Tôi thấy cậu mặc bộ đồ lính “Dù”, cùng một số quân nhân đại diện đơn
vị về diễn hành “Ngày Quân lực 19 tháng 6” Ôi trông cậu ấy đẹp trai
thì thôi, và thật oai phong quá chừng chừng đi thôi!
Bà Tư
bán gạo, góp chuyện:
-Thế cho nên, sau mùa Quân lực đó, khi
thấy bóng dáng thấp thoáng chàng về phép, thì các em trong xóm lượn
qua lượn lại nườm nượp hà! Họ mong coi có được lọt vào giếng mắt
xanh của chàng, để làm người yêu lính chiến miền xa không...
Chị Tám Dung thợ uốn tóc mở to mắt ngạc nhiên, lên tiếng:
-Mấy chị nói chơi hay nói giỡn, bộ có vậy thiệt hả, sao tôi không
biết vậy cà?
Chị Út Nga vợ ông Sáu Hiến, tài xế xe đò đường
Long An, Sài Gòn. Chị là phụ nữ trẻ nhất trong nhóm đang bàn chuyện
thiên hạ sự. Tánh tình chị trẻ trung và hay nói tiếu. Ngồi kế bà Tư
chị cười khè khè chêm vào những lời lẽ vui nhộn... Tiếng cười chưa
dứt, thì chị gồng gân cổ trỗi giọng:
- Có chớ, sao không
thật! Mấy bà nghĩ xem: “Bạn ơi quan hà xin cạn chén ly bôi/ Ngày mai
tôi đã đã đi xa rồi... Giữa đoàn hùng binh có tôi đi hàng đầu/ Trở
về là khi nước non vui bình yên...” Rồi chị bắt qua bài khác, hát
câu đầu này nhảy qua câu giữa bài kia: “Đừng chê anh lính đám cưới
nhà binh em ơi/ Em sẽ là cô dâu đẹp tuyệt vời.../ Đám cưới bọn ta
tưng bừng biết mấy.../... Tám xe lội nước theo sau/ Chín xe đại bác
đi đầu... Cưới em nhỏ lắm em ơi/ cưới em mời mấy trăm người... Có ai
bằng đôi ta đâu...” Mèn ơi, mấy em nghe đến đó quýnh đít thiếu điều
năn nỉ ỉ ôi, xin được sửa túi nâng khăn cho chàng ta là đàng khác...
Coi bộ chưa đã, chị hứng chí lớn tiếng:
-Nhưng “Sức mấy!
Bỏ qua đi tám...” Bây giờ thì hai bông mai vàng trên ve áo cậu Nhân,
đã làm các em cho mình là kiều nữ trong xóm nín khe... Bởi lúc chàng
còn đi học, các nàng chê là thằng con bà bán bánh nghèo mạt rệp...
Chê cho đã thiệt là mấy nường không biết nhìn xa, hiểu rộng, chớ có
biết đâu anh chàng lính chiến Nhân “Con nhà nghèo, nhưng học giỏi,
và đẹp giai...” để giờ đây anh ta tảng lờ làm ngơ các cô nàng trong
xóm... Khiến các em vừa tức vừa tiếc hùi hụi, bởi ngày xưa lỡ dại
chê nhằm người ta... đó mà!
Các bà phá lên cười rộ vui vẻ rồi
trở về nhà ai phận nấy. Họ là những người phụ nữ lam lũ ở xóm nghèo,
bình dân, vui vẻ, tốt bụng giúp đỡ chòm xóm khi ai đau bịnh, tối lửa
tắt đèn... Họ hay chọc ghẹo đối phương nhưng để vui cười chung, rồi
qua đi chớ không nói xấu, nói hành nói tỏi, hay có ác ý với ai...
Cho đến một ngày kia, chàng Nhân dắt về giới thiệu với mẹ, cô Hồng
Thủy làm ở sở Mỹ nơi chàng thường theo mấy người bạn ngoại quốc ghé
mua hàng “PX” (cửa hàng của quân đội đồng minh, không có thuế) Bà
Hai má Nhân là người mẹ hiền, thương yêu và luôn chiều chuộng con.
Bà nghĩ giờ con bà cũng đã lớn rồi, có thương cô nào thì bà cưới cô
ấy cho anh.
Thế là đám cưới nhà binh được tổ chức đơn sơ
nhưng đầy đủ lục lễ cho con mình. Dù là cảnh nhà mẹ góa con côi,
nhưng bà Hai cũng đi đủ lễ, chớ không nói đơn sơ mà giảm quà lễ để
thiên hạ cười chê mẹ con bà...
Sau ngày cưới, Hồng Thủy về
sống với mẹ chồng. Còn Nhân thì luôn bôn ba ngoài chiến trận, đôi ba
tháng mới về thăm gia đình một lần. Khi dâu sanh đứa con gái, bà nội
đặt cho tên Nghĩa (Nguyễn Thị Nhân Nghĩa) con của ông Nguyễn Vĩnh
Nhân và bà Trương Hồng Thủy...
Bà Hai nghỉ buôn bán, vui mừng
sung sướng ở nhà trông coi tâm can bửu bối, là đứa cháu nội bé nhỏ
của bà đó đa! Bà để cho con mình yên lòng ngoài chiến tuyến, và con
dâu đi làm!
Thuở đó, ở góc nhỏ của phương trời miền Nam tự do
dưới Chánh thể Cộng Hòa, có gia đình bà Hai bán bánh bò, không giàu
sang nhung lụa, nhưng ấm êm hạnh phúc dâng đầy. Rồi thời thế đổi
thay, “Ngày 30 tháng 4 năm 1975” thì giặc phương Bắc ào át tràn vào
cưỡng chíếm miền Nam. Gia đình bà Hai tan nát, Nhân bị giặc bắt cầm
tù trong cải tạo. Hồng Thủy ra buôn bán hàng ở chợ trời, nhưng không
bao lâu nàng đi luôn không về nữa! Bà Hai già yếu phải đi bươi rác,
lượm lon... khổ cực biết chừng nào để chắt chiu nuôi cháu, và bám
víu cuộc sống nghèo nàn chờ ngày con trai trở về...
(Đó là
những gì Nghĩa nghe bà nội kể lại, và cô hiểu biết suy xét theo thời
gian theo tuổi lớn khôn dần...)
Bà chủ tiệm nước Cao Thăng ở
chợ thành Mỹ Tho, thường đi chùa làm việc từ thiện... Qua lời sư, bà
biết được tình cảnh cha con tôi. Nên khi sắp sửa trốn chạy khỏi nước
cộng sản này... bà cho hai cha con tôi một chỗ ngồi ở dưới tàu chở
mấy trăm người vượt biên...
“Một chỗ ngồi nhỏ xíu dưới hầm
tàu, nhưng to lớn vô cùng, to lớn như một thế giới cho những kẻ
nghèo đi tìm tự do! Và đó đã thể hiện một tấm lòng thương người, một
tấm lòng Bồ Tát bao la như đại dương của bà chủ tiệm Cao Thăng (chủ
tàu vượt biên...) đối với cha con chúng tôi...”
Lúc đầu bà
chủ tàu chỉ cho một người đi. Nhân nhường cho con gái đi, còn ông
thì ở lại!
Nghĩa biết tâm ý của Nhân, khóc sướt mướt... Cô
vùi đầu vào ngực ba mình tức tưởi bệu bạo:
-Con không đi, con
không đi đâu! Con không thể xa ba... Con nhứt định không đi... chết
sống chúng ta có nhau ba ơi!
Cặp mắt sâu hõm hàng ngày như
hai cái hố nhỏ của ba tôi... càng sâu thăm thẳm hơn! Mặt đanh lại,
ông lạnh lùng bảo tôi:
-Nghĩa, hãy trả lời ba: “Con có
thương, và muốn trả hiếu cho ba không?”
Giọng sũng đầy nước
mắt thương đau:
-Dạ có, dạ có... trên cõi đời này người con
kính yêu nhứt là bà nội và ba... Ba chết con sẽ chết theo, ba ở đâu
con sẽ ở đó... Xin ba đừng bắt con phải xa ba... Cho dù nơi con sắp
đến giàu sang, nhung lụa, hay chốn Bồng lai tiên giới cũng vậy...
nếu không có ba thì còn có ý nghĩa gì nữa... con sẽ không đi đâu ba
ơi...
Nhân ôm chầm lấy đầu con mình, vuốt tóc nghẹn lời thổn
thức:
-Ba cũng không muốn xa con gái ba, nhưng vì tương lai
của con... Qua bên đó may ra con còn gặp được tấm lòng nhân của
người khác xứ, sẽ được đi học, và tiến thân... Con ở lại là gánh
nặng cho ba, vì ba không lo cho con được! Dù muốn lo nhưng tình cảnh
ba mù lòa, lại là một người thất bại bị kẻ thù trù dập cố tình hủy
diệt thì làm sao lo... Ở đây chúng ta ăn không no, lạnh không áo, vô
gia cư, không nghề nghiệp, thì tương lai của con sẽ về đâu? Và con
còn chuyện quan trọng phải thay ba đang làm dang dở... Con ơi, trả
hiếu cho ba, thì con hãy nghe lời ba! Nghe lời ba tức là đã trả hiếu
cho ba rồi đó con...
Tôi ôm chặt lấy ba, vừa khóc vừa trả
lời:
-Dạ con nghe ba... Con sẽ quyết làm những gì ba muốn, ba
dặn dò... Con nghe ba, con nghe ba! Con thương ba lắm ba ơi!
Trong cuộc đời bé nhỏ của tôi, chưa bao giờ tôi sung sướng bằng! Dù
sau này ngày tôi ra trường Y khoa, nhận bằng bác sĩ ở Mỹ, cũng không
bằng! Tôi vẫn nhớ hoài, nhớ suốt đời kiếp này để không bao giờ quên
ơn người, ơn đời có lòng giúp đỡ chúng tôi...
Sáng hôm đó
trời trong mây tạnh và nắng hồng rạng rỡ chiếu lung linh trên cành
cây so đũa. Lác đác trên những cành ẻo lả, bông so đũa trắng như mây
trời và điểm những trái dài xanh như ngọc, mong manh treo tòn ten
trên cành ở hiên sau chùa. Tôi ngồi ôm bọc áo quần cũ vá chằng vá
chịt của cha con tôi. Nhưng lòng tôi ngập tràn hạnh phúc... cho dù
trước mắt là hầm chông, là bẫy mìn... tôi vẫn thản nhiên tiến bước,
vì có ba đi bên cạnh cuộc đời với tôi! Mặc dù ba tôi là người tàn
phế, đang ngồi đó, trầm ngâm chẳng nói lời nào, trong đôi mắt sâu
thẩm không còn thấy ánh sáng mặt trời, nhưng trên khuôn mặt hằn nét
thống khổ, kiên cường, bất khuất đó đã cho tôi sức sống, niềm tin và
niềm hy vọng mãnh liệt vô biên!
Trong đoàn người ngồi chờ
xuống tàu lào xào, ồn ào lúc to lúc nhỏ, mặc dù người dẫn đường đã
nhiều lần nhắc nhở giữ yên lặng...
Tôi vẫn không quên, vẫn
nhớ rất rõ, mấy hôm trước khi phải theo đoàn người vượt biên. Tôi
buồn rầu vì phải sắp xa người cha tật nguyền bịnh hoạn của mình.
Ngồi bẹp dưới góc cây trắc bá diệp ngoài sân chùa, nghe sư tụng kinh
có ca có kệ bên trong, khi lòng đang ngổn ngang trăm mối đau buồn,
khiến tôi càng thêm sầu thúi ruột!
Ngồi dựa gốc cây tôi nhìn
trời xanh cao vời vợi bao la bát ngát thút thít khóc một mình! Tôi
lơ đãng trước không gian trong suốt, màu nắng lụa trải dài trên cỏ
cây hoa lá với bầy bươm bướm chớp, chớp đôi cánh màu sắc rực rỡ cạnh
đám huỳnh trúc hơn hớn lá tươi non trước sân chùa... Cảnh sắc nhẹ
nhàng êm ả như vậy nhưng trong tâm tư tôi trời như đang tối sầm,
tưởng chừng như mây khói đèn đang kín trên cao... Và tôi cũng nghĩ
dại, mong trời sập xuống chết hết cho rồi!
Từ trong Chánh
điện bước ra, dáng sư cao gầy. Mặt sư lúc nào cũng trang nghiêm,
trầm tĩnh. Thấy tôi sư bảo:
-Nghĩa cha con đâu, ông đi bán vé
số rồi à? Chừng nào ba con về, dắt lên gặp sư nghe... Con đang khóc
đó hả?
Tôi mau lẹ lấy tay quẹt nhanh những giọt nước mắt còn
đọng trên mi:
-Dạ, con khóc vì không muốn xa ba con! Tội
nghiệp ông mù lòa, con đi rồi không ai đưa ba con ra chỗ bán vé số,
không ai rót nước, đút cơm khi bịnh hoạn... Con thương ba con lắm sư
cụ ơi...
Nhịn không được, tôi khóc ồ lên! Sư vuốt tóc tôi
chép miệng nhẹ thở dài rồi trở vào chùa... Tiếng cầu kinh hòa cùng
tiếng mõ chuông lại ngân nga, êm êm rền vọng xa đưa... Mùi khói,
nhang, trầm hương theo gió nhè nhẹ thoảng bay...
Chiều đó tôi
dắt ba đến gặp sư, như sư đã dặn dò. Tôi thấy sư đang tỉa nhành
chết, lá úa của những cây kiểng trước sân chùa. Sư vẫn điềm đạm, nét
mặt suy tư, và chầm chậm bảo với chúng tôi:
-Nghe thấy hoàn
cảnh của cha con anh, ông chủ Cao Thăng bảo vợ cho cả hai cha con
cùng đi luôn một thể...
Cha con tôi quì xuống lạy sư! Không
nói gì, tay lần chuỗi, mắt u buồn hiền lành, sư từ tốn khẽ bảo:
-Cầu xin Phật Tổ phù hộ cho cha con anh! Tôi chẳng giúp gì được,
có lẽ do lòng thương con của một người cha như anh, đã làm động lòng
người đời và động lòng Trời khiến xui như vậy... Anh phải luôn ăn
hiền ở lành, bởi Ơn Trên không bao giờ phụ kẻ có lòng... Tôi sẽ cầu
an cho cha con anh...
Sư quay qua vuốt tóc tôi:
-Nghĩa, sư biết con là đứa trẻ ngoan! Qua tới bờ bến tự do con ráng
học hành... làm người tốt, để trả hiếu cho cha con và trả ơn đời...
Mười mấy ngày trên đường vượt tuyến sóng gió biển khơi. Rồi tàu
cũng được cặp một bến ở Quần Đảo Nam Dương. Trên Hành trình vượt
biên của tàu bán chánh thức (Người đi trả chủ tàu bằng vàng. Chủ tàu
đóng cho Việt cộng để được rời nước) mang số “Mỹ Tho 2736”. Tàu vượt
biên chúng tôi chết gần cả trăm người vừa già vừa trẻ em, vì sóng
gió dập dồn và yếu sức...
“Huyệt mộ người cha kính yêu của
tôi, cũng ở lòng đại dương trong chuyến bôn đào bằng đường biển
này!”
Hôm nay cũng trên chuyến tàu ra biển, tôi theo đoàn y
tế thiện nguyện, đi trị bịnh cho những tù nhân trong trại tù
Alcatraz, ở hòn đảo Alcatraz gần San Fransico thuộc tiểu bang
California.
Nhìn trời nước bao la, nhìn thành phố San
Francisco nhà cái cao, cái thấp... chập chùng san sát như dính liền
nhau. Cả thành phố dưới bầu trời rạng rỡ nắng mai rực rỡ, và như nằm
lững lờ trên mặt nước trong xanh lao xao sóng bủa chập chùng.
“... Ba kính yêu của con ơi, con gái ba giờ đã lớn đang ở trên
một nước tự do, ngắm nhìn trời xanh, in những vầng mây trắng cuồn
cuộn nhẹ trôi là đà. Nắng mai chiếu lung linh, gió mát thổi bồng mái
tóc con... và gió là là trên mặt nước biển xanh, trong vắt thấy cả
cá lội nhởn nhơ... Con nhớ ba lắm, con thương ba vô cùng... Con gái
ba không phụ lòng ba, giờ con đã thành tài như ba ước mong... Ngoài
những giờ làm việc ở bịnh viện chuyên khoa về mắt... Thời gian còn
lại, con ghi danh hành nghề trong các đoàn y tế thiện nguyện. Con đã
đi Thái Lan, Cam-Bô-Chia, các nước vùng dân nghèo... cả ở Ép-Phi-Ca,
Ai-Rắc nữa đó ba. Nhưng con chưa trở về cố quốc, vì nơi đó vẫn còn
chế độ cộng sản bất công và đói nghèo, khốn khổ...
Sư cụ giúp
chúng ta đã viên tịch... Gia đình ông Cao Thăng chủ tàu cho cha con
mình vượt biên đang ở Canada (bà chủ qua đời từ mấy năm trước) các
con ông đã thành nhân. Lời dạy dỗ của ba là kim chỉ Nam đã và sẽ làm
hành trình cho con suốt cuộc đời này! Ngày xưa ba đi lính vì an nguy
cho gia đình và dân tộc. Không kể đến thân mình, ba cùng đồng đội
bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải quê hương đất nước, cho một miền Nam Cộng
Hòa Tự Do của chúng ta. Hôm nay con gái ba làm những gì con có thể
làm được như ba dạy bảo là giúp người, giúp đời, và...
Ba ơi,
mặc dù ba nay đã ra người thiên cổ, nhưng con biết ba lúc nào cũng
quanh quẩn bên con, nhắc nhở con, giúp đỡ con gái ba. Con thấy tủi
thân không có ba như các bạn bè. Ai còn cha thì xôn xao mua quà này
quà kia cho cha, trong ngày lễ báo hiếu, vinh danh cha...
Thưa ba, mỗi năm ngày báo hiếu từ phụ, lại cận kề ngày Quân Lực của
Việt Nam Cộng Hòa. Con xin gởi ba tấm lòng thành ghi nhớ ơn tiền
nhân, nhớ ơn ba trong ngày báo hiếu từ phụ. Ba đã cho con dáng dấp
hình hài lành lặn này. Ba cho con tâm hồn tươi vui, khỏe mạnh này.
Ba đã cho con tất cả, tất cả những gì con hiện có... Con đã làm
những việc thiện mà ba dặn dò chỉ dạy...
Nhưng con vẫn còn nợ
ba! Trước khi lìa đời, ba đã trăn trối: “...Trước
khi qua đời ba còn nhắc nhở/...Hoàn cảnh nào cũng phải giữ sắt son/
Cha ấu lo nhân nghĩa sẽ không còn/ Trên đất nước mấy nghìn năm Văn
Hiến...”
Thưa ba, những người trẻ Việt Nam lưu
vong, ở quốc nội... sẽ hoàn tất trong ngày không xa… Con sẽ dong
ruỗi đường ba đi còn dang dở…” Ba ơi “Con còn nợ ba”!
Trong tuyển tập truyện ngắn “Xứ Lạ
Tình Quê”
Dư Thị Diễm Buồn
Bấm vào đây để in ra giấy (print)
|
Hình nền: Thuyền Nhân trên Biển Thái Bình. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E-mail by DTDB chuyển
Đăng ngày Thứ Sáu, November 4, 2016
Cập nhật ngày Chúa Nhật, June 17, 2018 – Father’s Day
Ban Kỹ Thuật
Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang