Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Truyện ngắn
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Mắt Mèo vừa ghé lại buổi chiều
lúc Thúy còn đi học. Về tới nhà Thúy đã bắt gặp ngay nụ cười tinh
quái của Hạnh cùng với cử chỉ bí mật:
- Chị Thúy, một chầu
chè khoai!
Thúy nhăn mặt:
- Lại dở trò gì đó. Đừng
làm bộ bí mật để đánh lừa tao. Hai lần mắc mưu mày rồi tao chả
dại nữa đâu.
Hạnh tỉnh bơ:
- Phải, hai lần trước
chị mắc mưu nhưng lần này bắt buộc phải mắc... “miu”.
Thúy
ngẩn ngơ:
- Gì mà úp mở thế? Mẹ cho tiền may áo Tết?
- Sai!
- Chị Hải khao đi xem Warren Beatty trổ tài
trong Bonie and Clyde chiếu lại?
- Hơi sai.
Thúy
nhìn vào mắt em:
- Chịu thua mày. Bằng lòng một chầu chè
khoai, nhưng cấm “bis” đấy nhé.
Hạnh cười đắc thắng:
- Gớm, chị kẹo bỏ xừ. Nhưng thôi cũng được, thời buổi tiền...
mất giá, đỡ trả đồng nào... hay đồng ấy
Rồi Hạnh làm ra vẻ
long trọng:
- Mắt Mèo về!
Thúy tròn mắt nhảy tưng
lên:
- Mắt Mèo về, sao mày biết?
- Anh ấy vừa đến
đây.
Thúy rú lên: Mắt Mèo về, a Mắt Mèo về, thích quá.
Thúy nằm lăn ra giường, gối cằm trên cánh tay. Hạnh đứng nhìn
chị, mỉm cười vui lây. Thúy hoa tay lên trước mặt em:
-
Tuyệt quá Hạnh ạ. Anh ấy về là Tết này có quyền bay bướm rồi đó.
Tao sẽ bắt ông ấy sắp đặt một chương trình tuyệt diệu mới được.
Thúy ngồi dậy siết chặt chiếc gối ôm trong đôi cánh tay trần,
hỏi Hạnh:
- Mắt Mèo nói gì không?
- Anh ấy hỏi
“Thúy chưa về sao? Thôi tối anh đến” Em nói anh ấy ở lại chờ,
nhưng anh ấy bảo để về thay quân phục ra đã, chị Thúy vốn ghét
lính lắm, Hạnh không biết sao?
Thúy mỉm cười, gật gù, như
nói với người yêu:
- Ngoan. Biết điều. Ghét nhất đời đấy.
Hạnh tiếp:
- Em hỏi: anh có vẻ... sợ chị ấy thế?
Thúy hỏi dồn:
- Ông ấy nói sao?
Hạnh hóm hỉnh:
- Ông ấy gãi đầu gãi tai: sợ thì chả sợ nhưng... hơi nể một
tí. Cô nhỏ ấy nổi tiếng giận dai, ai dại gì mà trêu vào.
Thúy mỉm cười thích thú. Mắt Mèo dễ thương ghê. Cái gì cũng chiều
mình hết. Hôm nọ mẹ bảo “Số mày lấy chồng sẽ bị chồng bắt nạt. Mà
bắt nạt là phải, Thúy hư lắm, suốt ngày chỉ nhõng nhẽo mẹ thôi”.
Vậy mà Thúy thì chả thấy Mắt Mèo có vẻ gì... sẽ bắt nạt được mình
cả. Lúc nào Mắt Mèo cũng theo ý mình và mỗi lần mình giận, Mắt
Mèo “tán tỉnh” làm lành khéo quá đến độ mình muốn giận lâu cũng
phải bật cười xí xóa.
Nhưng khi viết thư cho Mắt Mèo Thúy
vẫn kể lại cho Mắt Mèo nghe câu nói của mẹ, và còn viết thêm: em
sợ lắm, mai mốt chả thèm... về ở với anh đâu. Anh bắt nạt em thì
em sẽ... nhịn cơm... chết luôn, để anh ở một mình cho biết
thân... Thúy tưởng tượng ra Mắt Mèo: một anh chàng lúc nào cũng
cười, nhưng đôi mắt nâu luôn luôn có vẻ mệt mỏi và buồn mang
mang. Đôi mắt hấp dẫn kỳ lạ, như đôi mắt mèo rình mồi, Thúy đã
tinh nghịch đặt tên cho chủ nó biệt danh Mắt Mèo. Lâu ngày thành
quen, Thúy dùng tên Mắt Mèo để gọi thay tên “người ấy”. Lần lần
cái tên Mắt Mèo trở thành thông dụng, cả nhà ai cũng bắt chước
gọi “Mắt Mèo” thay vì gọi Nguyễn như ngày mới quen. Mắt Mèo trông
cao lớn, vẻ hơi dữ nhưng tính thật hiền. Ít khi Thúy thấy Mắt Mèo
to tiếng với ai. Chàng chỉ có tật đôi lúc ba hoa một chút và nô
giỡn như... giặc. Thúy biết đó chỉ là một phần cuộc sống thực của
Mắt Mèo. Vì chàng có một nếp sống bí mật, khó hiểu quá. Ngày mới
quen nhiều lần Thuý hỏi chuyện Nguyễn “Mắt Mèo” về hoạt động của
chàng trong quân đội, Nguyễn chỉ vừa cười vừa đưa tay xoa xoa cái
đầu lính tóc cắt ngắn cũn cỡn trông thật tức cười và trả lời:
- Anh là lính biển, như mọi người lính biển khác.
Thúy
không bằng lòng với câu nói đó. Nàng ngạc nhiên vì Nguyễn không
ít nói nhưng sao lúc ấy chàng có vẻ kín đáo thế. Mãi sau này nhờ
hỏi chuyện bạn bè
Nguyễn khi họ cùng đến nhà nàng với Nguyễn,
Thúy mới khám phá ra Mắt Mèo là Người Nhái. Biết được điều “bí
mật” ấy Thúy thích lắm. Nàng tìm Mắt Mèo, vặn vẹo:
- Thúy
biết anh làm gì rồi cơ.
- Làm gì? Anh làm lính Hải Quân
chứ làm gì?
- Không, đơn vị anh cơ mà. Anh là người nhái,
đúng chưa. Vậy mà dấu mãi.
Nguyễn bật cười:
- Tưởng
gì. Anh đâu có dấu. Nhưng tại người nhái có khác gì lính biển
khác đâu.
Thúy dẩu môi:
- Khác nhiều chứ. Người
nhái làm nhiều việc... bí mật lắm.
Nào là đi phá hoại, đặt
chất nổ, lãnh những “missions” đặc biệt...
Nguyễn làm bộ
ngạc nhiên:
- Ai bảo Thúy thế? Anh đâu có kể Thúy nghe bao
giờ?
Thúy vênh váo ra điều ta đây chì:
- Thúy biết
hết. Coi xi-nê đó.
Mắt Mèo mỉm cười im lặng, Thúy nhìn nụ
cười của người yêu, nghi ngờ:
- Chắc còn thiếu, anh phải
kể cho Thúy nghe hết mới được. Không thôi Thúy nghỉ anh ra.
Mắt Mèo dỗ dành:
- Thì Thúy biết hết rồi còn gì. Biết
rõ hơn cả... anh là đằng khác.
Thúy nũng nịu dọa:
-
Chẳng chịu đâu. Anh chỉ được cái hay đánh trống lảng. Em ra điều
kiện: một là kể em nghe, hai là khỏi có đi xi-nê với anh nữa đi.
Mắt Mèo cuống cả lên, xuống nước:
- Thôi, thôi, xin
can. “Dừa phải” thôi chớ, cô nhỏ. Được rồi anh kể cho mà nghe.
Thúy tươi ngay nét mặt, chăm chú nghe Nguyễn kể. Và khi nghe
xong, Thúy thành thực ngạc nhiên không ngờ rằng Nguyễn là một
người nhái. Nàng tỏ vẻ thắc mắc chả lẽ Nguyễn lại có thể là một
người lính loại... đặc biệt như thế. Theo lời Nguyễn, Thúy tưởng
tượng ra người nhái phải là một anh chàng can đảm, dữ tợn, lầm lì
ít nói và... khô khan tình cảm. Đằng này Nguyễn trái ngược hẳn.
Mắt Mèo vui tính, hiền và nghịch phá như trẻ con. Lại... mít ướt
nữa. Hơi tí thì buồn, và chiều con gái khéo như mẹ chiều con.
Thúy biết Mắt Mèo chỉ kể đại khái, cốt sao cho người yêu vừa
ý. Hẳn Nguyễn còn cực khổ và gặp nguy hiểm gấp chục lần những
hiểm nguy mà Nguyễn kể với nàng. Nguyễn còn dặn dò:
- Bây
giờ hẳn em hiểu tại sao người ta gọi người nhái là chiến sĩ thầm
lặng rồi chứ? Mỗi người nhái có bổn phận tập lấy tính lặng lẽ,
hầu bảo đảm bí mật công vụ. Những điều anh nói với em tuy không
bí mật nhưng em cũng đừng nên kể với ai, để tránh phiền phức cho
anh.
Thúy dẩu môi “ai thèm kể nào”, nhưng Thúy lại tự nhủ:
mình sẽ không kể lung tung nhưng ít ra cũng phải kể cho chị Vân
với nhỏ Hạnh, “mấy người” phải “lé” mắt luôn.
Và Thúy tự
hứa sẽ kể, nếu có dịp thuận tiện.
...Thúy đứng lên đi thay
quần áo. Nàng tính toán: bây giờ đi tắm, ăn cơm xong Mắt Mèo đến
là vừa. Mình sẽ mặc bộ lụa hồng. Hẳn Mắt Mèo sẽ thích lắm.
Buổi tối Nguyễn trở lại. Thúy ngạc nhiên nhìn Mắt Mèo bước vào:
da chàng đen xạm, và khuôn mặt thoáng vẻ mệt mỏi. Nhưng mái tóc
vẫn thế: ngắn cũn cỡn trông đến hay. Bất chấp có Hạnh ở đấy, Thúy
chạy đến ôm chầm lấy Mắt Mèo:
- Sao đến trễ vậy anh. Em
mong mãi.
Nguyễn nhấc bổng nàng lên vui vẻ:
- Anh
bận tiếp chuyện Thầy. Con ông cụ lâu ngày mới về, Cụ cứ hỏi
chuyện mãi, lại bắt ngồi uống rượu nhâm nhi.
Thúy mỉm
cười. Mắt Mèo “tếu” quá. Chàng hay tự xưng là “con ông cụ” và gọi
ông cụ là Thầy, tiếng gọi cổ kính của người miền Bắc. Hẳn bữa nay
ông cụ cũng vui không kém gì... Thúy, khi Nguyễn trở về Sài Gòn.
Thúy nheo nheo mắt nhìn người yêu:
- Gớm, sao anh đen thế?
Trông như “chà già” ấy thôi.
Mắt Mèo dơ hai tay ra trước
mặt, làm bộ phân bua:
- Nào anh có muốn đen đâu. Tại tuần
vừa rồi là tuần lễ địa ngục của khóa người nhái cuối năm, anh
“được” chỉ định làm Huấn Luyện Viên Sình Lầy và Chất Nổ nên mới
ra nông nỗi này đấy chứ. Bèn buồn năm phút!
Thúy âu yếm
ghé vào tai Nguyễn thủ thỉ:
- Đừng thèm buồn. Đen trông
đẹp giai, bồ ạ.
Mắt Mèo khoái quá, đứng thộn ra. Một lúc
sau chàng rút trong túi áo ra hai tấm ảnh trao cho Thúy:
-
Đố em tìm ra anh đấy.
Thúy dơ cao tấm ảnh trước ảnh đèn.
Hạnh chạy lại xem ké. Hai chị em trố mắt lên nhìn, tấm thứ nhất
chụp một toán người từ đầu đến chân phủ toàn bùn đen, chỉ chừa ra
có hai con mắt trắng dã. Họ đang ngồi nghe một “cây bùn” khác
giảng giải gì đó. Thúy reo lên chỉ vào Huấn Luyện Viên:
-
Anh đây chứ đâu. Xếp Sòng mà, phải không?
Nguyễn tủm tỉm
cười. Cô nhỏ này ăn nói “du côn” thật. Nhưng mà cái vẻ tinh ranh,
ngổ ngáo, du côn lại dễ thương mới chết chứ. Nên Nguyễn sẵn sàng
và hăng hái chấp nhận.
Thúy nhìn sang tấm thứ hai. Hạnh
kêu lên:
- Cha, anh Nguyễn bô quá. Lại oai tệ.
Thúy
làm bộ chê:
- Còn lâu. Trông giống anh cai tù. Làm gì mà
ác thế. Ghét anh ghê, leo lên đầu người ta mà đứng kên kên.
Không nhìn Nguyễn cũng biết đó là ảnh chụp lúc chàng đứng
trên chiếc thuyền phao và các khóa sinh phải đội cả chiếc thuyền
có người trên đầu, đi trên con đường đồi gồ ghề lên núi, để tập
chịu đựng dẻo dai. Nguyễn ở trần, mặc quần ka-ki ngắn, lưỡi
“poa-nha” và khẩu “ru-lô” lủng lẳng hai bên hông. Thúy công nhận
trông Mắt Mèo oai thật, nhưng bao giờ cũng vậy, Thúy làm bộ chê
cho Nguyễn tức chơi.
Nhưng Mắt Mèo không để ý tới chyện
đó. Chàng đang nghĩ cách nói sao cho người yêu đừng giận lẫy, là
chàng sẽ không ở Sài Gòn lâu đến qua Tết như đã hứa trong thư.
Nguyễn về chuyến này có ba ngày, và sau đó một chuyến tầu nhỏ
đang đợi chàng và các bạn. Chuyến vào đất địch lần này tuy không
lâu hơn các chuyến trước, nhưng Nguyễn thấy nao nao buồn vì đã
cướp mất cuộc vui đón Xuân của người yêu. Công tác của Người Nhái
là như vậy. Chưa làm hết nhiệm vụ Huấn Luyện Viên, chỉ mới qua
tuần lễ địa ngục, chàng đã lại bất ngờ được lệnh lên đường.
Chuyến đi này những người có tên đều biết trước, vì là chuyến đi
đã hoãn lại mấy lần.
Nhưng Nguyễn không hề nói thực với
Thúy điều đó. Chàng lại phải tìm cách nói dối và chợt thấy xấu hổ
như những lần trước vì chàng đã nói dối người yêu nhiều lần.
Khi nghe Mắt Mèo cho biết chỉ ở lại Sài Gòn có ba ngày, Thúy
buồn nhiều. Thế là Tết này hết đi chơi, hết có đôi, mình sẽ phải
solo trong lúc tụi bạn tha hồ bay bướm. Nhưng Thúy không giận Mắt
Mèo vì biết Nguyễn còn buồn hơn mình nữa.
Hẳn chàng sẽ cô
đơn vô cùng giữa khung cảnh quạnh quẽ của doanh trại. Vũng Tàu
thì có gì đâu. Núi và biển ngó mãi ngày này qua ngày nọ nhàm chán
biết mấy.
Thúy nghĩ tới một niềm an ủi cho Mắt Mèo, đầy
không khí gia đình ấm cúng:
- Chiều mai anh đến đón em
khoảng sáu giờ, chúng mình sẽ ăn cơm nhà chị Vân, nhé. Em đã báo
tin cho chị Vân biết rồi, cả anh Hoàng cũng có nhà nữa.
Nguyễn gật đầu nhận lời. Em muốn gì, anh cũng chiều em hết. Nhìn
em vui anh mãn nguyện lắm rồi. Mắt Mèo ở lại với Thúy đến khuya.
Nguyễn thắng xe ken két. Chiếc Honda cũ chồm lên rồi ngừng phắt
lại khiến Thúy mất đà, chúi vào Nguyễn. Nàng cấu nhẹ vào lưng Mắt
Mèo, âu yếm trách:
- Anh đi cao bồi quá à. Mà máy xe nổ
như trống làng, ngượng ghê cơ.
Nguyễn cười ha hả. Chàng
vênh váo:
- Nhái lái xe mờ lỵ. Nhất thế giớ đó bé ạ.
Thúy lườm bạn, đứng chờ Nguyễn khóa xe xong, hai người dắt
tay nhau vào nhà. Vợ chồng Hoàng ngồi chờ ở phòng ăn.
Vân
đon đả:
- Gớm cô cậu đến trễ thế, tôi vừa nói với nhà tôi
là nếu hai đứa không đến tôi đóng thùng gửi về tận nhà hai người
cho biết tay.
Mọi người cười vui vẻ. Nguyễn gặp chị Vân
mấy lần còn anh Hoàng thì chưa gặp lần nào. Hoàng đã nghe vợ kể,
hóm hỉnh chìa tay ra bắt tay Nguyễn:
- Chào cậu. Cô Thúy,
Mắt Mèo của cô đây hả?
Thúy đỏ mặt, không nói. Vân lườm
chồng rồi quay lại Nguyễn:
- Thôi, mình “vào đề” đi thì
vừa. Anh ấy cũng vừa ở Vĩnh Long về chiều qua. Mấy ông thời buổi
này tội nghiệp chả mấy khi được ở gần vợ con, gia đình.
Hoàng ghé vào tai Nguyễn thân mật:
- Cũng thú, cậu ạ. Đôi
khi mình cần được trở lại cảm giác thời “xê-li-bạt”, các bà ấy cứ
tưởng bở.
Nguyễn mỉm cười thông cảm: dạ đúng thế đó anh.
Lấy vợ cũng thú, nhưng nhiều lúc phiền ghê.
Thúy dọa nạt:
- Anh nói gì đó. Á à, dám nói xấu phụ nữ. Coi chừng nghe.
Hoàng cười khúc khích:
- Cậu thấy chưa? Nhà này các bà
các cô đều có tác phong chỉ huy dễ nể và các ông có tác phong sợ
vợ. Tôi phải ân hận mà tuyên bố rằng, tôi noi gương ông cụ nhạc
tôi, và rồi sắp tới lúc cậu noi gương tôi mất.
Mọi người
cười phá lên. Không khí trở nên ồn ào, thân mật kéo dài suốt bữa
ăn. Có lần Hoàng hỏi:
- Cậu đóng tại đâu?
Câu hỏi
đúng vào cơ hội Thúy chờ đợi. Nàng đáp thay:
- Nguyễn đóng
tại Vũng Tàu anh ạ. Ông ấy “le” lắm, Huấn Luyện Viên người Nhái
cơ đấy. Trước kia, ông ấy còn phải đi theo cái gì... à, Hải tuần,
Biệt hải gì ấy.
Tết này anh ấy phải ở lại ngoài
đó, không được về, anh nghĩ có chán không?
Hoàng
nhận thấy giọng nói của cô em vợ có vẻ như một hiền
phụ thương chồng thực sự. Hoàng mỉm cười thông cảm, nhưng
trêu:
- Cô dốt quá. Cậu ấy thế mà to gan. Kiếm
chuyện ở lại Vũng Tàu để lo việc riêng đó. Sao mồng ba
mồng bốn Tết cô không bò ra ngoài ấy điều tra hư thực?
Nguyễn giật nảy mình, biết Hoàng nói đùa nhưng vẫn
sợ Thúy nghe theo:
- Chết, đừng có ra. Tôi bị cấm
quân thật mà, có chuyện riêng tư gì đâu.
Mọi người
bật cười nhìn vẻ hốt hoảng của Mắt Mèo. Không một ai
biết rõ nguyên do thật sự khiến Nguyễn e ngại. Vân bảo:
- Chưa gì đã lo. Ai thèm kiểm soát mấy ông mà vội
cuống cả lên.
Hoàng nói:
- Biết đâu đấy,
“không thèm” mà động người ta về muộn vài ngày là đã
phồng miệng trợn ra mắt dữ như là cô Vân ấy thôi.
Vân bất chấp mọi người lao vào cấu véo chồng, phản đối
om sòm, trong lúc Mắt Mèo nheo nheo mắt nhìn Thúy đang đỏ
hồng hai má.
Ăn cơm xong, Thúy giúp chị dọn dẹp
dưới bếp. Hoàng mời Nguyễn sang gian phòng khách nhỏ.
Mới gặp nhưng hai người đã thân nhau nhanh chóng. Hoàng pha
cho ông em cột chèo tương lai một ly trà chanh đường vừa
đậm. Hai người ngồi tâm sự vụn.
- Cậu vào lính lâu
chưa?
- Cũng hơn sáu năm rồi anh ạ.
Hoàng
bảo: tôi cũng biết ít nhiều về hoạt động của các cậu.
Chàng nói các nhận xét của mình về người nhái và cho
Nguyễn những lời khuyên.
Nguyễn lắng nghe và thấy
nao nao. Tình hình hiện tại cộng vào những hiểu biết,
thêm một chút suy luận là Hoàng đã thấy rõ hoạt động
của chàng. Lâu lắm chàng mới lại được nghe những lời
nói chí thành của người thân. Dù mới quen Hoàng, Nguyễn
cũng cảm thấy gần gũi anh nhiều. Chàng chớp mắt:
- Cảm ơn anh nhiều lắm. Em sẽ nhớ kỹ lời anh dặn.
Hoàng cười vui:
- Có gì mà cậu khách sáo thế.
Thấy cậu với cô Thúy tôi lại nhớ tới vợ chồng tôi ngày
trước.
Nguyễn hóm hỉnh:
- Chắc hồi đó anh
chị nhiều kỷ niệm lắm?
Hoàng cười phá lên:
- Cũng chẳng ít. Nhưng được giống cô cậu đã khá.
Hồi đó, thay vì như cô Thúy gọi cậu là Mắt Mèo vợ tôi
gọi tôi là... Fernandel. Chỉ tại mặt tôi từa tựa mặt
thằng cha tài tử ấy. Lắm lúc bực mình tôi bảo: sao em
không gọi phắt ngay anh là “chàng... mặt ngựa yêu quý
của... lòng em” nghe có êm ái hơn không?
Hai người
cười rũ ra. Hoàng tiếp:
- Đặc điểm của các cô nhà
này là đanh đá, lém lỉnh và có tướng dậy chồng. Cũng
như cậu bây giờ, mai mốt về nhà vợ rồi lại cũng “khép
nép” chẳng khác tôi mấy hồi.
Nguyễn muốn nghẹt thở
vì cười. Chàng thích thú vẽ ra hình ảnh một gia đình
vợ chồng trẻ mà chàng là nhân vật đàn ông trong đó. Biết
đâu bây giờ mình chiều được cô nhỏ, nhưng chừng đó chịu
cóc nổi, bèn lại có màn chén bay, đĩa bay tùm lum tà
la. Rồi lại năn nỉ, ỉ ôi. Ôi chao... nếu thế thì Người
Nhái sắp trở thành người cóc ngồi đầu cọc rồi. “Khổ”
biết mấy.
Nhưng rồi Nguyễn lại tự an ủi. Có thế
mới thú chứ. Cuộc đời mà. Cái gì bình thản sẽ chóng
nhàm chán. Vợ mình “nó” muốn dữ, muốn đanh đá, muốn
bắt nạt chồng thế nào cũng mặc, miễn là “nó” yêu mình
ra rít, thế là đủ rồi.
Nguyễn và Hoàng ngồi yên,
lắng nghe tiếng chị em Vân, Thúy nói cười rúc rích trong
bếp. Hoàng nhìn Nguyễn mỉm cười ranh mãnh:
- Nghĩ
gì đó cậu?
Nguyễn chân thành:
- Lấy vợ “dễ
chịu” thật anh ạ.
Ngày phép cuối, Thúy bỏ học đi chơi với Mắt Mèo cả
ngày. Xi-nê, ăn quà, dạo phố và mua sắm lặt vặt cho dịp
tết. Trong tiếng cười vui của hai đứa, Nguyễn vẫn bị ám
ảnh bởi chuyến đi tất niên. Chàng nghĩ tới ông cụ, tới
những biến chuyển huyền ảo của lá số tử vi. Nguyễn
định bụng chiều nay phải nhờ ông cụ nhà mình coi tử vi
cho “ông con” xem chuyến này đi có “gì” không. Và từ lúc
đó chàng cứ nghĩ ngợi loanh quanh về những lời tiên đoán
tương lai, hậu vận của mình. Không những ông cụ tin tưởng
về tử vi đẩu số mà các bạn già của ông cụ cũng rất
giỏi. Có một cụ – Cụ Nghè Lượng – đã “chấm” cho Nguyễn
một lá số tử vi mà cha Nguyễn khen là đúng nhất. Và
không hiểu vì quá tin hay vì nghiệm lại sự việc đã xảy
ra từ trước đến nay thấy trùng hợp nhiều, Nguyễn cũng
đồng ý với thầy. Chàng thuộc lầu câu phê “lược đoán” của
cụ Nghè Lượng về lá số của chàng:
- Mệnh này
hợp cách “Nhật Nguyệt Tịnh Minh” học hành thông minh, lại
thêm Văn Khúc, Khôi, Việt, Tả, Hữu chiếu lâm tất ngày sau
công danh đắc chí. Duy Thái Dương ngộ Dương Nhậm, Hóa Kỵ,
Tiểu Hao nên đề phòng về hai con mắt. Mệnh này nếu người
tầm thước, mặt gầy hóp hơi dài, tính trung hậu, ôn hòa,
ngay thẳng, chung thủy, và đa tình đa cảm thì phải.
Vận hạn: từ 14 trở lại vận hội hanh thông, nhưng phải
một hạn từ 15 đến 24 là hạn Trúc La lại gặp Kiếp Không,
Hình, Thương, Thái Tuế, tương đối rất xấu, chắc là gian
lao trắc trở. Sau đó, nhất là từ 34 trở đi thì đến độ
phong quang, công thành danh toại.
Độ phong quang thì
chưa thấy đâu, nhưng cái hạn từ thủa 15 cho đến năm 24 thì
đúng quá. Học không dốt mà thi rớt hoài, mến “chị” nào
là “chị” ấy dọt, mặc dù các chị rất yêu. Có lẽ vì
cái ngôi sao nghèo đói và địa vị kém của chàng sáng
quá xá nên các “chị” sợ. Làm người yêu thì ờ chớ làm
vợ thì không. Công danh trắc trở, tình ái mất mùa,
Nguyễn bèn tình nguyện vào lính. Mãi đến bây giờ mới
thấy đời tươi như hoa một chút... Nguyễn cũng lên “quan”,
cũng có vợ sắp cưới như ai.
Nhưng lần này Nguyễn
lại băn khoăn nhiều vì chuyến đi sắp tới. Có lẽ vì sắp
Tết. Có lẽ vì xa người yêu. Có lẽ vì thèm cưới vợ,
nhất là sau buổi ăn cơm đầy không khí đầm ấm với vợ
chồng Hoàng. Nguyễn bực mình nhận ra mình nhút nhát, lo
sợ ấm ớ. Trước kia mình có thế đâu. Kệ. Đến đâu hay đến
đó. Nhưng dù sao cũng nên hỏi Thầy coi hộ xem chuyến đi xa
của mình có “tốt” không. Lỡ gặp toàn sao đen như cục
mực, bèn làm một đường “trường ca cùng giun dế” thì đổ
nợ. Để Thúy lại cho ai?
Nguyễn vừa đi vừa nghĩ
vẩn vơ. Thúy tưởng Nguyễn buồn vì sắp hết phép nên an
ủi Mắt Mèo và nghĩ thầm: “Tội nghiệp Mắt Mèo ghê. Mà
cũng tội nghiệp cho mình nữa”. Rồi Thúy cũng buồn lây.
Nguyễn nhìn đồng hồ rồi bảo Thúy:
- Hơn 5 giờ
rồi đó em. Mình về nhà Thầy Mợ ở chơi nốt tối nay, kẻo
cụ giận.
Thúy ngần ngại:
- Em... em sợ quá
à.
Nguyễn bật cười:
- Sợ gì?
- Sợ
chả biết sợ gì nữa.
Nguyễn kéo Thúy ra xe:
- Thôi đừng có vớ vẩn. Đi với anh, có gì anh “che” cho.
Nguyễn đưa Thúy về nhà. Ông cụ ngồi uống trà tầu
với khách, bà cụ và Hà đang loay hoay làm mứt chanh.
Nguyễn chạy vào truớc, dúi đầu – cái đầu lính cũn
cỡn trông đến hay – vào vai Mẹ thì thầm:
- Mợ... con
mới “dìa”.
Bà cụ ngẩng lên mắng yêu:
- Mày
đi đâu mất cả ngày nay?
Nguyễn làm bộ hốt hoảng:
- Ấy chết. Khẽ chứ mẹ. Có nhà con đến thăm mẹ nữa
kìa.
Bà cụ cười với Thúy. Thúy cúi đầu lí nhí
chào “Thưa... bác ạ” rồi đứng chôn chân một chỗ, mặt đỏ
bừng. Nàng nghe bà cụ bảo:
- Vào đây, con. Thằng
này tệ lắm cơ, về mấy ngày mà đi biền biệt.
Thúy
chạy vội lại, bám lấy Hà.... Hai cô nhỏ ríu ra ríu rít
đủ thứ chuyện. Nguyễn choàng lấy cổ mẹ, hôn lia lịa lên
mặt mẹ:
- Mợ ơi... mợ ơi... thương mợ ghê.
Bà
cụ cười, cảm động:
- Bố mày. Lớn bằng ấy mà còn
nhõng nhẽo. Mày tưởng mày còn nhỏ lắm đấy hở? Đấy, con
Thúy rồi liệu mà dạy dỗ nó.
Thúy gục đầu vào
lưng Hà, tai nóng bừng lên. Hà cười rúc rích, chế giễu:
- Kìa chị. Mợ bảo gì chị nghe rõ không? Cứ chổi lông
gà mà phết thật đau vào cho ông ấy sợ.
Nguyễn
cũng cười hề hề đáp:
- Sức mấy, dám trêu vào tay
anh
Rồi đi lên phòng khách. Bạn đã về, ông cụ đang
cất dọn mấy tách trà. Ông con bước vào chào:
-
Thầy ạ.
Ông cụ hỏi:
- Mai chú đi rồi hả? Bao
giờ về?
Ông cụ quen gọi Nguyễn là chú. Nguyễn ngập ngừng:
- Vâng, có lẽ cũng phải sau Tết con mới về được.
-
Liệu có đi xa không?
- Vâng cũng như những lần trước.
Ông cụ không hỏi gì thêm. Cụ biết những hoạt động của con
mình và tán thành, dù thương con. Cụ nghĩ rằng con mình vậy mà
“được”. Mình chả làm được gì, nó làm thay cho mình. Ông cụ không
ngăn cản Nguyễn, cũng giấu luôn bà cụ. Mọi người biết thêm lo,
ích gì.
Nguyễn ấp úng nói với cha:
- Cụ coi hộ con
xem chuyến này đi có gì xấu không?
Ông cụ nhanh nhẹn đi
lấy tập tử vi, đựng đầy những lá số của con cháu trong nhà, trong
họ. Cụ trải lá số của Nguyễn ra trước mặt, ngẫm nghĩ, tính toán
từng cung. Một lát sau cụ thong thả nói:
- Không sao cả.
Số chú tốt lắm. Có quí nhân phù trợ, gặp nhiều may mắn. Cứ yên
tâm.
Thúy lắng nghe ông bố nói chuyện với ông con. Toàn là
những tiếng lạ tai. Nào là cung Phúc Đức có Ân Quang Thiên Trù,
Thê Thiếp có Hóa Quyền, Nguyệt Đức nào là tả phụ hữu bật mà cái
gì lại Thủy mệnh, Kim cục. Thúy chả hiểu gì cả, chỉ thấy buồn
cười vì người yêu lúc này có vẻ như anh học trò nhỏ, dạ lấy dạ để
ra cái điều hiểu lắm lắm. Thúy hỏi Hà:
- Ông ấy hỏi thầy
tử vi làm gì thế nhỉ?
Hà lơ đãng:
- Em cũng chả
biết. Lâu lâu anh ấy lại hỏi ông cụ một lần.
Rồi Hà làm ra
vẻ bí mật:
- Có lần em nghe anh ấy hỏi về cung thê thiếp
gì đó, rồi hỏi Cụ là cưới sớm tốt hay cưới muộn tốt.
Thúy
cố nén xấu hổ hỏi dò:
- Cụ nói sao?
- Cụ bảo: cần
gì theo số. Cứ như cuộc sống của chú bây giờ thì nên lấy vợ sớm,
để có đứa nó săn sóc cho và chú cũng biết tự lo lấy. Chú cứ đi về
kiểu đó đến bao giờ?
Thúy bâng khuâng, nghĩ vẩn vơ – Tình
yêu và trách nhiệm gia đình.... Ôi sao phức tạp thế. Kệ cho Mắt
Mèo lo, mình bận tâm làm gì cho mau già.
Thúy ở lại tới
tối. Ông cụ không ăn cơm cùng gia đình, chỉ uống rượu và lai rai
mấy thức nhắm rồi vào phòng đọc sách. Lúc đó chỉ có hai người. Hà
trêu
Thúy:
- Chị ghê thật. Nhốt anh Nguyễn suốt mấy
hôm liền chẳng mấy khi thấy anh ấy có mặt ở nhà.
Thúy giật
mình:
- Chết, đâu có. Mình chỉ gặp anh ấy mỗi ngày có một
lúc trừ hôm nay đến đây.
- Nếu không sao anh ấy biền biệt
cả ngày, đêm cũng không về nữa.
Thúy sửng sốt:
-
Thế hả? Mình có biết gì đâu. Chết cha, điệu này dám các cụ tưởng
mình xui anh ấy đi tối ngày thì mang tiếng chết.
Hà cười:
- Chị đừng lo. Anh ấy lang bang lắm cơ. Nay ngủ nhà ông bạn
này, mai ngủ nhà ông bạn kia. Ai mà dám bắt cóc ông ấy. Thầy mợ
cũng biết thế, Hà đùa chị tí mà.
Thúy mỉm cười, lặng yên.
Nàng thầm nhủ lát nữa Mắt Mèo đưa mình về sẽ hỏi tội mới được.
Anh nhiều tội lắm, anh biết không?
Hai người nói chuyện
với nhau, thân mật như chị em ruột. Khó ai có thể đoán được, sau
này khi đã thành chị dâu em chồng họ có còn giữ được vô tư như
thế? Hà kể cho Thúy nghe về chuyện tình cảm của nàng với một anh
bạn học. Chuyện đẹp lắm, mối tình nào chả thế. Nhưng Thúy thấy
thương Hà, thương cả anh chàng nào đó. Với hai người ấy, tương
lai và sự nghiệp của họ chẳng có, trước sau gì cũng sẽ tan vỡ. Tự
nhiên Thúy thấy buồn buồn.
Mắt Mèo chợt hiện ra ở cửa
phòng. Chàng đứng tựa khung cửa, điếu thuốc ngạo nghễ trên môi.
Nửa khuôn mặt chàng lấp vào bóng tối, Thúy thấy chàng có vẻ phong
trần lạ. Nguyễn đứng nhìn hai cô gái to nhỏ với nhau. Thúy cười
với chàng và nháy mắt ra hiệu.
Mắt Mèo hiểu ý, bảo em:
- Thôi, cô nhỏ kia. Tạm ngưng chương trình phát thanh kỳ đặc
biệt lại, chờ dịp khác. Anh phải đưa chị cô về, khuya rồi.
Hà nguýt anh một cái rõ dài, và Thúy ngượng ngập lầu bầu
trong miệng – “chị cô”, nghe sao gia đình ghê.
Hai người
đi chào ông bà cụ. Bà cụ niềm nở bảo:
- Rảnh đến chơi với
Hà nghe con.
Còn ông cụ thì trêu:
- Con bé này nó
có gì hơn bà với tôi mà thằng Nguyễn nó quấn quít như mèo thấy mỡ
thế nhỉ?
Thúy mắc cở né sát vào người yêu. Nàng nghĩ thầm:
- Ông bà cụ “chịu chơi” ghê.
Thúy bật cười vì những tư
tưởng táo bạo của mình. Giá các cụ mà nghe mình thốt những ý nghĩ
đó thành lời chắc phải tròn mắt mà bỏ chạy mất.
Thúy cúi
đầu chào vội:
- Thưa hai bác con về ạ
Hà không chịu
tha:
- Chết. Thưa thầy mợ chứ.
Mắt Mèo phải can
thiệp:
- Thôi, xin cô. Trêu chị cô dzừa dzừa, kẻo lát nữa
tôi lãnh đủ....
Hai người vừa leo lên xe Mắt Mèo đã lãnh
đủ thật. Thúy véo lia lịa vào lưng Mắt Mèo, làm bộ rít lên:
- Anh quá lắm nhé. Cả nhà bắt nạt em mà anh còn về phe mạnh
tiếp tay thêm. Nào bây giờ có giỏi thì bắt nạt nữa đi. Hừ... “Sức
mấy dám trêu vào tay anh”
Ngon nhỉ?
Mắt Mèo trả lời
rất hiền:
- Thưa em, anh biết tội rồi.
Thúy bật
cười:
- Anh nhiều tội lắm mà không biết thân. Tại sao anh
dám bỏ nhà đi cả đêm để thầy mợ buồn hở? Rồi tại sao anh lại dấu
em anh sắp đi đâu xa mà phải coi tử vi? Tại sao....
Nguyễn
la lên:
- Thôi, thôi. “Tại sao” vừa vừa thôi chứ. Muốn anh
trả lời, hay muốn anh nói rằng: anh sẽ hết đi hoang, hết nói dối
thì... anh phải có vợ để giữ chân anh lại. Em bằng lòng làm vợ
anh không?
Thúy gục đầu vào lưng Mắt Mèo, hai tay ôm chặt
vòng quanh người chàng, âu yếm đáp:
- Ứ... ai thèm!
Nguyễn khóa xe ở đầu ngõ. Cả xóm đã ngủ yên, chàng sợ tiếng
máy xe làm mọi nhà lọt vào ác mộng mất. Nhìn quanh quẩn thấy
chẳng có ai, bất thình lình Mắt Mèo bế bổng Thúy lên. Thúy không
phản đối, nằm gọn trong vòng tay người yêu, mắt nhìn mắt. Đôi mắt
Mắt Mèo long lanh trong tranh tối tranh sáng. Nguyễn chậm chạp
bước đi. Những ngày lẻ loi sắp tới, những ngày Tết vui, chuyến đi
xa, lấy vợ, đời quân ngũ... tất cả quyện tròn vào làm một rồi tan
biến. Nguyễn gục đầu vào ngực Thúy đứng lặng một lúc. Mặc kệ hết.
Không có gì đẹp bằng Thúy, không có gì đáng nhớ bằng Thúy, không
có gì êm ả óng ả bằng Thúy, không có gì đáng kể hơn là mùi thơm
da thịt Thúy... đang ấp ủ gương mặt chàng, linh hồn chàng. Còn
ngày mai đi đâu, làm gì, ăn thua gì?
Thúy nghe Mắt Mèo thở dài nhè nhẹ. Thúy vít đầu Mắt Mèo xuống....
Hết
DUNG Sài Gòn – VÕ HÀ ANH
Trích trong tập truyện DỄ THƯƠNG
Nguồn:
http://vohaanh-dungsaigon.blogspot.com/p/tieu-su-vo-ha-anh-va-dung-saigon_21.html
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
|
Hình nền: Biển Thái Bình/VN. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E-mail by NN Lê Đình An chuyển
Đăng ngày Chúa Nhật, October 30, 2016
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang