Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tùy
Bút
Chủ đề:
Vượt Biển
Tác giả:
NN Trương Nghĩa Thành
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Một buổi chiều mưa tầm tã giữa xứ lạ quê người, tôi ngồi im lặng nhìn những giọt mưa bay lãng đãng theo chiều gió cuốn, vài chiếc lá vàng cũng rời khỏi cành bay đi khắp bốn phương! Tôi cảm thấy lòng nao nao xúc động, đời tôi có khác gì chiếc lá xa cành mặc cho giông tố của cuộc đời cuốn đi đi mãi đến tận phương trời xa lạ. Những tưởng tôi thoát đi khỏi vòng kiềm tỏa của địch quân bỏ lại sau lưng kiếp con người sống trong tù ngục... Nơi đây tôi đã sống cuộc sống an bình. Nhưng sao lòng tôi vẫn lạnh như đống tro tàn. Có phải chăng vì thân phận của tôi là người đã đánh mất quê hương? Tâm tư tôi lắng động và chìm dần vào dĩ vãng....
Bình Long vùng đất hẩm hiu giữa nơi “núi tre rừng nứa” giáp biên Miên–Việt... nổi tiếng trên Thế Giới với trận chiến kinh hồn là “Bình Long Anh Dũng”, số bom đạn đã đổ vào vùng đất điêu tàn này gấp mấy lần số bom đạn của Đệ Nhị Thế Chiến gom lại.
(trận chiến An Lộc năm 1972)
Mảnh đất vốn
đã tang thương lại càng thêm tan tác gần như không còn tấc đất
nào nguyên vẹn... Và nơi đó chính lại là nơi tôi sinh ra và lớn
lên trong khói lửa chiến tranh ngút ngàn.
Ba má tôi sống trên vùng đất đó và đã
hiểu rõ chính sách cộng sản như thế nào rồi, vì là vùng giáp biên
giới Việt–Miên, Việt cộng thường xâm nhập, cũng vì vùng này quá
xa sự kiểm soát của chính quyền Quốc Gia.
Khi tôi đến tuổi trưởng thành thì phải
đi quân dịch trách nhiệm thanh niên trong thời chiến, Ba má tôi
vì thương con nên chưa biết tính làm sao. Riêng tôi thì đã ôm
mộng viễn du hồ hải từ lâu rồi nên xin Ba Má tôi cho phép tôi đầu
quân vào Quân Chủng Hải Quân. Sau nhiều ngày suy nghĩ Ba Má tôi
đồng ý cho tôi tình nguyện đầu quân vào Hải Quân. Nhưng căn dặn
tôi phải chọn ngành nào mà mang chữ “THỌ” trên lưng thì chọn.
Được Ba Má tôi đồng ý nên tôi cũng chiều theo.
Ngày ghi tên thi trình độ học vấn tại
phòng Tuyển mộ số 4 đường Thi Sách, bên cạnh Bộ Tư Lệnh Hải Quân,
số người tình nguyện ghi tên nhập ngũ rất đông. Trong lúc chờ đợi
ghi tên, tôi làm quen một người cùng chờ đợi ghi danh, anh đi có
một mình còn tôi thì có Má tôi đi theo, sau khi trao đổi vài câu
chuyện tôi và anh cảm thấy thân nhau. Má tôi cũng vui mừng vì con
mình trong bước đầu bỡ ngỡ rời xa cha mẹ sẽ có bạn đồng hành...
Và định mạng hình như cũng đã sắp sẵn
tôi và người bạn này từ sơ khai vào quân đội là anh bạn Lê đình
An, anh là người trầm tĩnh, nói năng chừng mực. Chúng tôi qua khóa
căn bản quân sự 191D tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, rồi
cùng đi Hải Nghiệp 3 tháng trên HQ–225 Nỏ Thần, vị Hạm Trưởng lúc
đó là HQ Đại úy Hà văn Ngạc. Chúng tôi lênh đênh trên biển cả bị
sóng dồi gió dập của trận bão Lucy vào cuối năm 1961, khi tàu ra
đến cửa biển Vũng Tàu, chiến hạm Nỏ Thần như chiếc lá nhỏ nhoi
giữa cơn sóng dữ, mỗi lượn sóng khổng lồ sầm sập tới thì chiến
hạm chui luồn dưới lượn sóng, nước biển phủ lấp cả đài Chỉ Huy,
khi lượn sóng lướt qua mang theo cá biển giãy đành đạch trên boong
tàu, chiến hạm vẫn tiếp tục đi ngược sóng đâm thẳng vào những
ngọn sóng hung thần cho đến khi đúng góc độ của Hải trình thì mới
đổi hướng. Có điểm đặc biệt là tôi và anh An đều không bị say
sóng, mà hầu như tất cả Thủy Thủ đoàn trên chiến hạm đều bị say
sóng vật vã với những cơn sóng gió khổng lồ dai dẳng này.
Với những kỷ niệm khó quên khi tàu ghé
bến Hà Tiên, chúng tôi đều náo nức đi xem cảnh vật lạ của vùng
này, nhưng chúng tôi gặp khó khăn vì là Tân Binh nên quân số
không có trên chiến hạm vì vậy mà không được lãnh lương, suốt mấy
tháng rồi anh em đều không có đồng nào trong túi cả. Chúng tôi có
thêm anh bạn Tân binh Hải Nghiệp là anh Cảnh cùng “Đi bờ” nên bộ
ba chúng tôi rủ nhau đi xem thắng cảnh, đến xem cây dừa ba ngọn
(Cây dừa này cũng bình thường nhưng khi bị sét đánh gãy ngọn mà
không chết lại mọc tách ra làm ba ngọn khẳng khiu.)
–Viếng thăm Lăng vị Tướng Trung Hoa Mạc Cửu, xem cây Bạch Mai, thân cây to bằng vòng tay giáp lại, dưới
gốc có tấm bia ghi cây Bạch Mai đem từ Sơn Tây Trung Hoa qua
trồng khoảng sáu mươi năm trước, phía trước Lăng là hồ nước hình
bán nguyệt trồng đầy sen, vào khỏi Tiền Đình đến Chánh Điện là
nơi thờ Linh Vị của Tướng Quân Mạc Cửu, trên bàn thờ còn nghi
ngút khói, cả ba chúng tôi đều cùng đốt nhang xá trước bàn thờ,
anh An kề tai khẽ nói với tôi: Trên bàn thờ có tiền người ta
cúng, để tôi xin “Phép” Tướng Quân cho tôi “Mượn đỡ” nếu có dịp
thì tôi sẽ trả lại Tướng Quân, anh nói tiếp: có lẽ ông Tướng cũng
thông cảm cho ba anh em mình đang “đói quá”, anh vừa nói vừa cười
rồi bước ra khấn vái xá vài xá rồi anh đi đến bàn thờ vói tay rút
lấy tờ giấy 20 đồng bỏ vào túi...
Chúng tôi rời khỏi Chánh Điện ra đến
Tiền Đình, chúng tôi thấy có bộ cờ Tướng để ở trên bàn nên ngồi
vào đánh cờ, trong lúc đó có ông già quảy cuốc trên vai, tuổi
khoảng 50, ông ghé vào chúng tôi chào ông, ông già chào lại rồi
vui vẻ hỏi: Mấy em đến chơi hả? Chúng tôi: Dạ, ông già ngồi vào
bàn cờ Tướng hỏi chúng tôi: Mấy em biết đánh cờ hôn? Đánh với
“Qua” vài bàn cho vui đi, trong ba anh em tôi chỉ có anh An biết
đánh cờ khá nên ngồi vào đánh với ông lão, ông lão cao cờ hơn,
anh An thua luôn ba bàn. Ông già cười và đứng lên nói: Mấy em đến
chơi thì hãy ra phía sau vườn dừa xiêm trên đồi kiếm vài trái ăn
đi, ông nói tiếp: Qua là ông Từ ở Lăng này, các em cứ tự nhiên
muốn ăn bao nhiêu thì hái xuống ăn. Ông già đi rồi chúng tôi nói
với nhau “Ông già đúng là người miền Nam ‘Phóng khoáng’”. Chúng
tôi theo lời ông lão vào vườn dừa xiêm, cây lùn thấp ngang đầu mà
trái nặng trĩu, cả ba anh em ăn và uống nước ngọt lịm. Ăn no rồi
nằm lim dim trên đồi dừa nghỉ mệt.
Đến trưa, ba anh em chúng tôi trở ra
chợ Hà Tiên, bây giờ đã có tiền anh An “Mượn” của Ông Tướng Mạc
Cửu nên ba anh em vào tiệm kêu hủ tiếu, cà phê ăn uống một bữa
thoải mái, vì mấy tháng qua chúng tôi đã khao khát nhịn thèm...
Sau khi mãn khóa chuyên nghiệp ngành
Bí Thư của Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang, tôi được
thuyên chuyển về làm việc trong văn phòng Nhân Viên của Bộ Chỉ
Huy Biệt Hải. Nhưng lúc này tôi lại cảm thấy không thích hợp với
ngành Bí Thư vì bị gò bó trong bốn bức tường của văn phòng, tôi
muốn tung hoành ngang dọc cho thỏa chí nên tôi ghi tên học khóa
Biệt Hải 2 tại Đà Nẵng. (Lúc đó chưa thành lập đơn vị Người Nhái)
Vì muốn đạt được sở thích sau này sẽ
vào đơn vị Người Nhái. Tôi đã cố gắng tranh đua trong khóa học,
kết quả tôi đã đỗ Thủ Khoa Khóa 2 Biệt Hải.
Nguyễn viết
Song (Hải Tuần),
NN Trương nghĩa Thành
và
NN Lê đình An
Nhưng chưa được bao lâu thì được thông
báo của Bộ Tư Lệnh Hải Quân tuyển chọn khóa sinh Khóa 1 Người
Nhái vì đơn vị Liên Đội Người Nhái đã được thành lập, rồi đến
Khóa 2 Người Nhái sắp mở, tôi nôn nao vì đã ghi tên trễ Khóa 1 NN
nên quyết định ghi tên theo học Khóa 2 NN cùng với một số anh em
Biệt Hải. HQ Trung úy Phan Tấn Hưng chỉ Huy Trưởng đơn vị Biệt
Hải cũng được Bộ Tư Lệnh Hải Quân thuyên chuyển về Liên Đội Người
Nhái để nhận bàn giao chức vụ Liên Đội Trưởng thay thế cho Trung
úy CB Lâm Nhựt Ninh thì lại đúng lúc Liên Đội Người Nhái đang
tuyển chọn khóa sinh gởi đi học tại Hoa Kỳ. HQ Thiếu úy Nguyễn
văn Tư và tôi được trúng tuyển đi học Khóa NN tại Hoa Kỳ.
Khi được thuyên chuyển về LĐNN tôi gặp
lại anh bạn Lê đình An, anh cũng đang tham dự vào Khóa 2 NN. Tôi
nhập vào Khóa 2 NN vẫn tiếp tục theo chương trình Huấn luyện của
khóa học NN khoảng 2 tuần lễ sau thì được văn thư của BTL/HQ gởi
tôi qua Mỹ nhập khóa học UDT (Under Water Demolition Team.)
Sau khi tốt nghiệp khóa huấn luyện NN
tại Hoa Kỳ tôi trở về phục vụ trong Liên Đội Người Nhái, sau
những chuyến công tác đầy nguy hiểm với người bạn thân của ngày
đầu quân là Lê đình An. Chúng tôi có mặt trong chuyến công tác 3
tháng phối hợp hành quân NN Mỹ và NN Việt Nam tại vùng Rừng Sát
Nhà Bè.
Với
những chuyến công tác đùa giỡn với Tử Thần... Rồi có một ngày tôi
đã “Lãnh” một trái đạn B40 của Việt cộng văng đi và bất tỉnh. Sự
việc này đã xảy ra trong lúc Tiểu Đĩnh đưa toán chúng tôi đi vào
chưa tới mục tiêu vùng hành quân, thì bị Việt cộng phục kích.
Khi tôi tỉnh lại thì thấy mình đang nằm
trong Bệnh viện 3 Dã Chiến của Hoa Kỳ. Theo lời người bạn Mỹ còn
sống sót trong chuyến công tác đó kể lại, tôi trúng trái đạn B40
trước ngực, áo giáp tôi đang mặc bị sức nổ xé banh ra từng mảnh
vụn, và nhiều mảnh sắt của trái đạn đã ghim sâu vào phổi của
tôi... Cũng may mắn cho tôi đã thoát khỏi tay của Tử Thần!
Mãi đến bây giờ tôi vẫn còn mang “Chiến
tích” đó và có lẽ các mảnh vụn B40 này sẽ vĩnh viễn theo tôi cho
đến khi vào lòng đất lạnh!!!
Trải qua bao vật đổi sao dời, sau khi
đã mạnh lại tôi được đưa đi Hoa Kỳ học thêm khóa tháo gỡ chất nổ
(EOD: Explosive Ordnance Disposal) vào năm 1968–1969 tại Trường
Indian Head, thuộc Tiểu Bang Maryland. Khi trở về Việt Nam, đến
năm 1970–1971 tôi lại được gởi qua Mỹ phối hợp với Huấn Luyện
Viên Người Nhái Hoa Kỳ để huấn luyện UDT/SEAL cho 20 Sĩ Quan khóa
sinh Việt Nam từ LĐNN gởi qua thụ huấn.
Cuối cùng vào năm 1972, tôi được biệt
phái về Khối Cận Vệ Phủ Tổng Thống. Nơi đây tôi cũng gặp lại anh
An người bạn thân thiết như là vòng định mạng... Lúc đó anh mang
cấp bậc thiếu úy đang là một trong các Trưởng Toán Cận Vệ Tổng
Thống...
Rồi
cho đến một ngày đất nước Việt Nam bị phủ trùm một màu tang tóc,
đó là ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tất cả Sĩ Quan Quân Lực VNCH đều
bị vào tù cải tạo của Cộng sản... Lúc đó cấp bậc tôi là hạ sĩ
quan nên chỉ bị đi học tập tại chỗ 5 ngày.
Sau đó chúng nó gọi một số anh em Người
Nhái còn kẹt lại phải đi trình diện, chúng cho biết anh em NN
phải tham gia lao động không có trả tiền lương, để “lấy công
chuộc tội” bằng cách đi lặn vớt các xác tàu ghe bị chìm.
Tôi nhận ra là VC sợ NN chúng tôi ở
ngoài vòng kiểm soát của chúng thì rất nguy hiểm nên muốn tập
trung NN lại qua hình thức đó để chúng dễ kiểm soát hơn.
Tổ công tác chúng tôi gồm có ba người,
tôi và NN Trần My Ri và (một NN nữa đang kẹt lại VN), công tác
lặn trục vớt tàu ghe chìm ở vùng Nhà Bè, sau giờ nghỉ việc chúng
dùng Tiểu Đĩnh PBR (của Hải Quân VNCH ngày trước) đưa tổ NN chúng
tôi trở về Trạm giữ tàu ở tại ngã ba sông gần cầu Tân Thuận,
chúng tôi lên bờ về nhà. Được vài tuần lễ tôi họp với hai bạn tìm
cách cướp tàu của chúng để vượt biên... Sau khi sắp đặt kế hoạch
cướp tàu rồi, chúng tôi bình tĩnh chờ đợi thời cơ.
Kế hoạch cướp tàu Giang Tốc Đĩnh (PPR)
táo bạo
Một toán 4
người gồm có vợ tôi và 3 người bạn khác binh chủng, mỗi ngày đều
có mặt lảng vảng tại một địa điểm theo kế hoạch liên tục nhiều
ngày.
Và thời
cơ đã đến với chúng tôi...
Hôm nay tên Đội Trưởng cho chúng tôi
biết sẽ lên Bệnh xá Bạch Đằng để khám bệnh, chúng tôi đưa tên Đội
Trưởng cùng với một tên cán bộ đi khoảng 9 giờ sáng bằng Tiểu
Đĩnh PBR. Tên Đội Trưởng lên bờ tại ụ sửa chữa tàu trong Hải Quân
Công Xưởng và sẽ đón lúc 12 giờ trưa cũng tại nơi đó.
Khi trở về đến Nhà Bè là chỗ đang trục
vớt tàu ghe bị chìm, tên cán bộ dặn chúng tôi lo tu bổ Tiểu Đĩnh
và khi đến giờ thì đi rước tên Đội Trưởng, tôi và Trần My Ri bàn
tính, anh Ri thì đem Tiểu Đĩnh đi lấy dầu cho đầy...
Trần My Ri làm theo kế hoạch, chúng tôi
hồi hộp đợi chờ, tinh thần thật căng thẳng vì chúng tôi biết nếu
sai một ly... thì hết mong còn có cơ hội nữa!
Đến 11:00g tên cán bộ ra khỏi phòng tìm
chúng tôi để lái tàu đi đón tên Đội Trưởng. Chúng tôi lái lên đến
cầu Tân Thuận thì ghé Tiểu Đĩnh vào bờ, (vì tôi có xin với tên
cán bộ VC đi xe riêng để về nhà lấy đồ). Tôi rủ tên cán bộ lên xe
Honda để tôi chở đi đón Đội Trưởng bằng xe Honda của tôi, vì
trước sau gì thì cũng đón Đội Trưởng trong Hải Quân Công Xưởng.
Còn anh Ri thì lái tàu thẳng lên chỗ đón Đội Trưởng (vì tôi biết
tên cán bộ này rất thích xe Honda của tôi nên thường hay trầm trồ
ngắm nghía) tôi nói: Sẵn dịp tôi chở cán bộ đi chơi cho biết. Tên
cán bộ hơi ngần ngại nhưng rồi cũng đồng ý.
Còn Trần My Ri thì theo kế hoạch đã
chuẩn bị, lái tàu đi ra sông rồi lái vòng qua phía bên kia
chiếc xà lan đang neo và núp ở đó...
Tên cán bộ lên ngồi yên sau, tôi chở
đi, anh ta có vẻ thích thú lắm, khi đến trước cổng Hải Quân công
xưởng tôi ngừng lại, tôi nói với tên cán bộ: Anh xuống đây rồi đi
bộ vào ụ tàu đón Đội Trưởng, còn tôi thì chạy về nhà lấy đồ cần
dùng rồi sẽ xuống cầu Tân Thuận, sau khi tên cán bộ đi vào cổng
Hải Quân Công Xưởng, tôi cấp tốc chạy về chỗ để chiếc xe du lịch
thể thao do một người bạn tặng lại vì họ đã thoát đi ra nước
ngoài trước ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tôi lái chiếc xe đó chạy
đến chỗ hẹn các người đang chờ đợi và chở tất cả xuống cầu Tân
Thuận rồi mướn ghe đưa ra chiếc tàu anh Trần My Ri đang chờ, tất
cả đều lên Tiểu Đĩnh, còn anh bạn NN cùng tổ (còn ở VN) ngần ngừ
không muốn ra đi vì gia đình anh không có mặt để cùng đi... và
cuối cùng anh đành ở lại.
Chúng tôi liền lái Tàu trực chỉ hướng
Nhà Bè. Khi đến Nhà Bè. Chúng tôi dự tính sẽ đi về hướng sông
Xoài Rạp rồi ra cửa biển vì mặt sông Xoài Rạp rộng lớn chúng tôi
dễ lẩn tránh, nhưng bất ngờ chúng tôi thấy bọn VC đang thực tập
trận chiến trên sông về hướng Xoài Rạp nên đành lái theo hướng
sông Lòng Tào, khi chúng tôi đã ra đến gần cửa biển thì còn sớm
quá sợ dễ bị lộ nên chúng tôi chạy vào một con rạch nhỏ ẩn núp để
chờ trời tối mới chạy ra cửa biển.
Khi hoàng hôn đã xuống, ánh sáng đã mờ
dần chúng tôi mới lái tàu ra cửa biển Vũng Tàu. Không ngờ chúng
tôi đã lọt vào vòng kiềm tỏa của VC, có lẽ bọn chúng đã được
thông báo về việc chúng tôi cướp tàu. Vì vùng này là nơi mà ghe
vượt biên từ hướng Cát Lở và hướng Sài Gòn đi ra như chúng tôi
đang đi, vì vậy mà chúng canh chừng rất chặt chẽ. Trong ánh sáng
mập mờ chúng tôi thấy có nhiều tàu và ghe quốc doanh treo cờ VC,
tất cả súng ống đều hướng về phía chúng tôi, chúng giăng hàng
ngang ở phía trước đang ra dấu cho tàu của chúng tôi dừng lại,
tôi và Ri bàn với nhau rồi cho các người trên tàu nằm sát xuống
sàn và phải bám thật chặt vào tàu.
Chúng tôi giảm bớt tốc độ lái tàu về
hướng bọn chúng, tất cả đều lo âu hồi hộp, khi đến gần chúng tôi
thấy bọn chúng đã giảm bớt cảnh giác, súng ống chĩa về tàu chúng
tôi đã lạc hướng, tôi thét to lên “Vọt!Vọt!”. Ri mở hết tốc lực,
chiếc tàu chúng tôi lướt xuyên qua hàng rào ngăn chận của bọn
chúng, (Chiếc “PBR” Giang Tốc Đĩnh là loại tàu nhẹ trang bị 2 máy
phản lực hút nước phía trước và thổi ngược về phía sau, không có
chân vịt, tàu có thể đạt vận tốc đến 50 hay 55 cây số giờ). Chiếc
tàu của chúng tôi cất mũi cao lên phóng như bay, vì bất ngờ chúng
trở tay không kịp nên chỉ bắn súng nhỏ “lẹt đẹt” ở phía sau, khi
chúng trở mũi để rượt theo thì đã trễ rồi...
Chúng tôi cứ nhắm thẳng ra khơi mà chạy
càng lúc càng bỏ xa, tiếng súng bắn theo cũng nhỏ dần rồi mất hút
theo chiều cong của mặt biển.
Màn đêm đã phủ trùm trên mặt đại dương
mênh mông, chúng tôi thở phào vì tin chắc là đã thoát nạn và theo
suy đoán thì tàu của chúng tôi đã ra đến Hải phận Quốc Tế rồi,
chúng tôi đã giảm tốc độ để giữ cho máy tàu nguội và vẫn hướng
mũi ra khơi mà chạy, qua ngày hôm sau thì tàu đã hết dầu nên tắt
máy, chúng tôi đành phải thả trôi lênh đênh hy vọng sẽ gặp được
các thương thuyền cứu vớt.
Bắt đầu chúng tôi cảm thấy lo âu, khi
kiểm soát lại thì trên Tiểu Đĩnh, vì gấp rút không có chuẩn bị
nước uống và thức ăn, nên không có gì trên tàu cả, về phần vợ tôi
và ba người cùng đi chung cũng không có mang theo lương thực vì
không biết trước ngày nào sẽ đi, chỉ mang theo có mấy gói cơm sấy
mà thôi. Chúng tôi bàn thảo với nhau và đồng ý vì không biết mình
còn lênh đênh trên biển bao nhiêu ngày nữa nên quyết định mỗi
ngày mỗi người chỉ được ăn một muỗng cơm sấy.
Lần lượt ngày thứ hai rồi ngày thứ ba
đã qua, chúng tôi cũng có thấy bóng vài chiếc thương thuyền ngoại
quốc qua lại xa xa, chúng tôi đã làm dấu cầu cứu nhưng các tàu
buôn đó vẫn thản nhiên không hề để ý tới chúng tôi... Cơm sấy
cũng cạn dần... còn nước uống thì cũng may là mùa này có mưa
nhiều, chúng tôi hứng lấy để uống, thời tiết mùa này cũng yên
tĩnh không có sóng to hay gió lớn, nhưng những lượn sóng nhấp nhô
đó cũng đủ làm cho những người trên tàu say sóng vật vã, nên cơm
sấy cũng để dành được chút ít để kéo dài thêm.
Hy vọng của chúng tôi càng ngày càng
nhỏ dần trước tình người dửng dưng của những chiếc tàu buôn qua
lại, họ đã làm ngơ trước những dấu hiệu cầu cứu trên biển cả bao
la...
Đến ngày
thứ tám, niềm hy vọng đã trở thành tuyệt vọng...
Chúng tôi tự nghĩ có lẽ rồi đây cũng
phải về bên kia thế giới... Nhưng vì hai chữ tự do, chúng tôi dù
có chết trên biển cả mênh mông vẫn cam lòng hơn là sống với loài
cầm thú dã man đang ra tay giày xéo đất nước...
Tôi đang miên man nghĩ ngợi... bỗng
thấy bóng dáng một chiếc tàu buôn trực chỉ về hướng chúng tôi, ý
nghĩ sinh tồn lại đến và hy vọng lần này sẽ được cứu giúp tôi
nghĩ có lẽ cũng là lần cuối cùng. Tôi kêu gọi tất cả mọi người
gom hết đồ đạc kể cả quần áo mang theo đem ra trước mũi tàu đốt
lên làm dấu hiệu khi tàu buôn đến gần. Tôi đem chiếc áo dài trắng
của vợ tôi vẽ lên ba chữ SOS để cầu cứu rồi kéo lên cột cờ.
Chúng tôi đều nao nức chờ đợi chiếc tàu
buôn đến gần... hy vọng rực sáng ngời ngời như mảnh áo dài trắng
tinh anh rực rỡ của vợ tôi đang phần phật reo vang trong gió
biển... Khi thấy tàu còn cách khoảng chừng 1 hoặc 2 hải lý. Chúng
tôi châm lửa đốt đống quần áo và vật dụng để tạo ra luồng khói
cho thủy thủ chiếc tàu buôn để ý mà đến cứu chúng tôi...
Nhưng Trời ơi! Kìa! Tại sao chiếc tàu
buôn lại đổi hướng? Họ cách tàu chúng tôi không còn bao xa tại
sao họ lại đổi hướng?
Sau khi đổi hướng để tránh tàu của
chúng tôi rồi chiếc tàu đi luôn theo hải trình của họ... Trời ơi!
Họ đã ngoảnh mặt làm ngơ trước lời van xin kêu la quơ tay cầu cứu
của chúng tôi... Chúng tôi tuyệt vọng thẫn thờ ngồi bệt xuống
boong tàu mặc cho nước mắt tuôn rơi.
Chiếc tàu buôn vẫn từ từ xa dần...
Bỗng có tiếng la vang dội làm thức tỉnh
mọi người cùng nhìn về hướng chiếc tàu buôn “Kia kìa chiếc tàu
buôn đang chuyển hướng quay đầu trở lại”. Chúng tôi tưởng đang
nằm mơ, lại không dám tin là sự thật... Khi chiếc tàu buôn đến
gần và dừng lại họ dùng loa và ra dấu cho tàu chúng tôi cặp
vào... Lúc đó chúng tôi mới thật sự tỉnh lại và vui mừng reo
hò... Tôi ra dấu cho biết là tàu chúng tôi không thể chạy được
nữa. Trên thương thuyền liền thả ca nô xuống, chiếc tàu buôn mang
tên “OREGON STATE”. Chiếc Thương Thuyền ân nhân này đã cứu vớt
chúng tôi.
Trên chiếc thương thuyền, vị Thuyền Trưởng sau khi hỏi qua lý lịch
của chúng tôi xong, rồi ông cũng cho chúng tôi biết là khi thấy
chiếc tàu của chúng tôi cầu cứu nhưng vì là tàu treo cờ “Hải Quân
Việt Cộng” nên các thủy thủ trên tàu có ý bỏ đi. Nhưng khi ông
nhìn kỹ lại trong ống dòm thì thấy có phụ nữ và lá cờ SOS nên mới
ra lệnh trở lại cứu giúp...
Thật là Đấng vô hình Tối cao đã khiến
cho vị Thuyền Trưởng nhân từ này cứu giúp chúng tôi... Tất cả
chúng tôi được chiếc Thương Thuyền gởi đến cơ quan Liên Hiệp Quốc
tại Singapore lập thủ tục cho đi định cư tại Hoa Kỳ.
Hôm nay tôi ngồi đây để viết lên những
nỗi niềm cay đắng xót xa hòa lẫn với sự vui buồn trong đời sống.
Thân phận của người Lưu vong thiết tha
với tình yêu Quê Hương. Sao tôi vẫn thấy mình chưa làm tròn những
gì mà mình mong muốn...
“Người ta có thể cất bước rời khỏi Quê
Hương.
Nhưng không thể tách rời con tim
khỏi Quê Hương được.”
(Câu mở đầu Ban Thi Văn Mây Tần, của
Đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975.)
Có phải chăng đây là định mạng của con
người!
NN
Trương Nghĩa Thành
NN Trương Nghĩa Thành
và Mỹ Nhân Ngư
GHI CHÚ:
Bài này đã đăng trên Đặc San Người Nhái 2004.
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
|
Hình nền: Biển Thái Bình/VN. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E-mail by NN Lê Đình An chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy, December 24, 2022
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang