Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Lịch sử - Hồi ký Chiến trường
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Lời giới thiệu:
Kính chuyển để - Kính mặc niệm Quý Đàn Anh Dũng cảm và Anh hùng.
- Thân tưởng niệm Cố Y sĩ Trung úy Thủy Quân Lục Chiến VŨ
ĐỨC GIANG (tay trống của Tiểu Đoàn Sinh Viên Quân Y), Cố Y sĩ
Trung úy ĐOÀN TRUNG BỬU, Cố Y sĩ Trung úy Nhảy Dù NGUYỄN XUÂN
THIỀU, và Quý Bạn đồng khóa đã tử trận. Khóa Quân Y Hiện Dịch ra
trường này đụng nặng ở giai đoạn kết thúc khốc liệt, tới độ bị
cúp điện, rồi đứt chến luôn...
- Thân gởi Cựu Dược sĩ
Trung úy Thủy Quân Lục Chiến NMTươi, và NKChính, vẫn còn may mắn
được hít thở không khí của cõi đời ô trọc, sau cuộc chiến điêu
linh và khốn nạn này!
VÂN
Thủy Quân Lục Chiến Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa:
“Sống
hùng, sống mạnh, nhưng không sống lâu!”
Sống hùng, sống mạnh thì ai cũng thích, nhưng không sống lâu thì lại ít người muốn, TQLC chỉ nhận những người tình nguyện, cho nên binh chủng này gồm toàn những người không thích sống lâu, điều này cũng đúng đối với Quân Y TQLC. Trước khi viết bài này, tôi xin cám ơn Y sĩ Trung tá TQLC Nguyễn Văn Thế, đã kể cho tôi biết về những Niên trưởng Y sĩ TQLC anh dũng hy sinh ngoài mặt trận. Tôi cũng chân thành cám ơn Niên trưởng Y sĩ Thiếu tá TQLC Trần Xuân Dũng gần đây đã gửi cho tôi tập tài liệu về những Niên trưởng Y sĩ TQLC bị tử thương, và trọng thương ngoài mặt trận, tôi muốn nhấn mạnh là trọng thương, còn bị thương lẻ tẻ thì không tính. (Tài liệu của BS Dũng sẽ được đăng trong Đặc San Sóng Thần 2015). Binh chủng TQLC được cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh thành lập năm 1954. Dưới thời cụ Diệm, TQLC là đứa con cưng, mỗi khi có lệnh hành quân thì Bộ Tổng Tham Mưu phải nghiên cứu mặt trận kỹ, và có kế hoạch rõ ràng, cho nên TQLC đã gặt hái được nhiều chiến công lẫy lừng. Ngày 1/11/1963: các Tướng phản loạn lật đổ và sát hại anh em Cụ Diệm, sau đó họ phá bỏ Ấp Chiến Lược, thả bọn Tù Binh Phiến Cộng, không lo việc nước mà chỉ tranh dành quyền lực với nhau, làm cho Miền Nam mất an ninh, Việt Cộng nổi lên như kiến rừng, TQLC bắt đầu cuộc sống giang hồ “12 tháng anh đi” bốn vùng chiến thuật - hết Bến Hải lại đến Cà Mâu để đánh dẹp bọn chúng... Mỗi Tiểu đoàn TQLC có một Trung Đội Quân Y gồm khoảng 20 Quân Y tá được phân chia đến cấp Đại đội, tại Bộ chỉ huy Tiểu đoàn có một trạm cấp cứu gồm khoảng 5 Quân Y tá, Trung Đội Quân Y do một Y sĩ Trưởng Tiểu Đoàn chỉ huy trực tiếp. Người Y sĩ này là một Bác sĩ Y Khoa tốt nghiệp tại Đại Học Y Khoa Sài Gòn hay Huế, ngoài trách nhiệm chỉ huy cấp cứu thương binh lúc Tiểu đoàn đụng trận, người Y sĩ Trưởng còn có trách nhiệm về Y Khoa Phòng Ngừa, Y Tế Công Cộng cho cả Tiểu đoàn. Trong cuộc chiến 1954-1975: Quân Y TQLC có số thương vong ngoài mặt trận cao nhất so với Quân Y các Quân Binh chủng bạn của QLVNCH. Điều này chứng tỏ rằng Binh Chủng TQLC đã tham dự những trận chiến ác liệt nhất tại chiến trường Miền Nam cũng như ngoại biên, vì lý do hạn chế của bài viết, tôi chỉ kể ra những trường hợp thương vong của các Y sĩ TQLC Tử Trận (tiết mục “tử trận” và “bị thương” được viết theo tài liệu của hai Niên trưởng BS Nguyễn Văn Thế và BS Trần Xuân Dũng, bài của BS Trần Xuân Dũng sẽ đăng trong Đặc San Sóng Thần 2015, chi tiết các trận đánh do phỏng vấn trực tiếp những TQLC tham dự trận và đọc Chiến Sử TQLC).
Hình ảnh TQLC một thời
1 – Bác sĩ Trương Bá Hân
– Trận Bình Giả:
Ngày 31/12/1964: Làng Bình Giả tại Bà
Rịa bị quân cộng sản tấn công. Tiểu Đoàn 4 TQLC được lệnh đến
giải vây, sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì có một trực thăng Mỹ
với Phi hành đoàn 4 người bị bắn rơi trong khu vực cách làng
Bình Giả hơn 2km. Khi TĐ4 được lệnh đi tìm chiếc trực thăng này
thì bị 1 Trung Đoàn VC phục kích, bao vây chia cắt, kết quả là:
Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Nho, Tiểu Đoàn Phó Đại úy
Trần Văn Hoán bị tử thương, cố vấn Mỹ bị bắt.
Bác sĩ Trương Bá Hân bị thương nặng,
người mang máy của Tiểu đoàn trưởng là Hạ sĩ Vân cũng bị thương,
anh cầu cứu Bác sĩ Hân: “Bác sĩ ơi! Em bị thương!”. Bác sĩ Hân
đáp lại với giọng yếu ớt: “Chờ chút xíu, tôi sang ngay!”. Thấy
giọng nói yếu ớt, Hạ sĩ Vân bò lại tìm Bác sĩ Hân thì thấy ông
bị trọng thương, và qua đời ngay sau đó. Sau này khi Bác sĩ Trần
X Dũng về làm Y sĩ Trưởng TĐ4, chính anh Hạ sĩ này đã kể câu
chuyện cho BS Dũng nghe.
Theo Thiếu tá Tùy Viên của Đại tướng
Viên, thì Tướng Tư Lệnh QĐIII lúc bấy giờ là Thiếu tướng Cao Văn
Viên, Chỉ huy Chiến Dịch Bình Giả là Đại tá Lâm Quang Thơ. Tướng
Viên cho đến năm 1963 vẫn là Đại tá Chánh Võ Phòng của Tổng
Thống Ngô Đình Diệm, có nghĩa ông là một Tướng văn phòng, sau
đảo chánh vì lý do chính trị ông được đề cử làm Tư Lệnh Lữ Đoàn
Nhảy Dù, rồi năm 1964 ông được vinh thăng Thiếu tướng và làm Tư
Lệnh QĐIII.
Trận Bình Giả đã xảy ra mấy tuần trước khi TĐ4TQLC lâm chiến,
Cha Xứ Làng Bình Giả đã báo về Tiểu Khu Phước Tuy rằng: quân số
VC hơn 1 Trung đoàn với vũ khí tối tân. Theo Trung úy Trần Ngọc
Toàn Đại Đội Trưởng Đại Đội 1/TĐ4, thì trước đó ngày 9/12/64 VC
đã phục kích trong khu vực gần đó bắn cháy 14 Thiết Vận Xa. Ngày
28/12/64: VC dùng 2 Đại đội tấn công Làng Bình Giả để nhử quân
ta, TĐ38BĐQ được trực thăng vận đến giải vây, bị định phục kích
tổn thất nặng, TĐ33BĐQ đến tiếp cứu bị VC phục kích ngay bãi đổ
quân bị tan hàng, Tiểu đoàn trưởng tử thương, ngày hôm sau
TĐ30BĐQ đến tiếp viện giao tranh ác liệt với VC và bị tổn thất
nặng, không bắt tay được với TĐ38BĐQ, phải rút lui vào Làng Bình
Giả. TĐ4TQLC là lực lượng trừ bị cuối cùng của QK III nên phải
tham chiến ngày 31/12/64.
Theo một anh bạn của tôi, lúc đó là
Phi công lái Khu Trục Cơ AD6 đóng tại phi trường Biên Hòa, thì
lúc chiến trận Bình Giả xảy ra tại Biên Hòa, ta có 50 chiếc AD6
đủ sức để san bằng khu rừng Bình Giả nơi VC ẩn núp, nhưng QĐIII
đã không sử dụng hỏa lực quyết định này, mà lại dùng “chiến
thuật” tiếp cứu nhỏ giọt từng TĐ một, TĐ này bị đánh tan, thì
cho TĐ khác vào nên ta thảm bại!
2 – Bác sĩ Trần Ngọc Minh
- Trận Việt An:
Tháng 4/1965: TĐ3TQLC được tăng phái
cho Sư Đoàn 2 Bộ Binh. Theo Trung tá TQLC Lê Bá Bình, người đã
tham dự trận này, thì chỉ huy chiến dịch là Trung tá Nguyễn Văn
Toàn, sau lên Trung tướng Tư Lệnh QĐIII. Cuộc hành quân tại
thung lũng Việt An tỉnh Quảng Nam là để truy lùng một Trung đoàn
của SĐ3 Sao Vàng VC. Quân địch mang một cánh quân nhử quân ta
tại Núi Chàm, Trung tá Toàn “ham mồi” ra lệnh cho TĐ3 truy đuổi.
Trong lúc TĐ3 tung các Đại đội tiến xa tìm địch, thì một cánh
quân VC khác tấn công vào Bộ Chỉ huy của TĐ3, trong số 26 TQLC
bị tử thương, có Bác sĩ Trần Ngọc Minh, còn Tiểu Đoàn Trưởng TĐ3
Thiếu tá Nguyễn Thế Lương thoát chết.
3 – Bác sĩ Lê Hữu Sanh
- Trận Mộ Đức - Quảng Ngãi:
Tháng 6/1965: Tiểu Đoàn 5 TQLC hành
quân tìm địch ròng rã cả tháng mà không thấy, đến ngày về thì
Tiểu Khu Quảng Ngãi xin gia hạn giữ TĐ5 thêm 1 ngày, và thiết kế
lệnh hành quân “sáng đi chiều về” cho TĐ5 vào Quận Mộ Đức. Tại
đây có 1 Trung đoàn VC chờ đón, phục kích và tấn công TĐ5, Tiểu
Đoàn Trưởng Thiếu tá Dương Hạnh Phước, và Cố Vấn Mỹ tử trận.
Bác sĩ Lê Hữu Sanh bị thương ở đùi.
Theo 1 TQLC sống sót kể lại: thì khi Bác sĩ Sanh bị thương, anh
kéo ông vào trong bụi cây để trốn. Khi Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn bị
tràn ngập, thì VC đi tìm thương binh để giết, anh TQLC này trốn
cách đó 10 thước, nghe rõ VC nói với BS Sanh: “Mày là Bác sĩ à?
Tao cho mày phát súng ân huệ!”. Hôm sau xác BS Sanh được chở về
Bệnh Viện Tiểu Khu Quảng Ngãi, và được người bạn cùng lớp là BS
Võ Thương, khâu vá vết thương trên trán và sau ót. Anh TQLC sống
sót này đã kể cho BS Võ Thương câu chuyện thương tâm trên.
Sự việc TĐ5TQLC bị Tiểu Khu Quảng Ngãi
giữ lại 1 ngày để hành quân vào Quận Mộ Đức “sáng đi chiều về”
có nhiều uẩn khúc, phải chăng trong Tiểu Khu này có nội gián?
4 – Bác sĩ Đinh Quốc Bảo
- Căn Cứ Sarge - Bá Hô - Tỉnh Quảng Trị:
Tiểu Đoàn 6 TQLC, năm 1971 cánh A đóng
tại Sarge, cánh B đóng tại Bá Hô. Giữa Sarge và Bá Hô có 1 Đại
Đội trấn giữ đường giao thông. VC tấn công ĐĐ này, và pháo kích
cả Sarge và Bá Hô, một trái hỏa tiễn 122ly lọt vào hầm trú ẩn
của BS Bảo, và lấy đi mạng sống của ông, làm cho cả TĐ6 thương
tiếc, vì BS Bảo là người vui tính dễ mến. Đặc biệt trong trận
pháo kích vào căn cứ Sarge này không ai bị thương tích gì, ngoại
trừ BS Bảo tử trận. Tiểu Đoàn Trưởng TĐ6 lúc đó là Thiếu tá Đỗ
Hữu Tùng, sau này lên Trung tá Liên Đoàn Phó Liên Đoàn 147, ông
đã kể cho tôi chuyện này, và cho biết thêm: BS Bảo rất đẹp trai
và đào hoa. Thiếu tá Cảnh Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 6 cũng cho tôi
biết chi tiết giống như vậy.
Các Quân Y sĩ Bị Thương:
1 – Bác sĩ Đinh Quốc An:
TĐ6TQLC hành quân tại Tân Uyên tháng 2/1967, BS An bị thương
nặng vào chân, Tổng Y viện Cộng Hòa chê không chữa được, nên
phải chuyển về bệnh viện Bình Dân. Nhờ được Giáo Sư Trần Ngọc
Ninh tận tình cứu chữa, nên anh không bị cưa chân, nhưng bị tàn
tật vĩnh viễn.
2 – Bác sĩ Phạm Hữu Hảo:
Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên TQLC. Năm 1966 miền Trung đại loạn. Nhóm
Phật giáo do tên Việt Cộng đội lốt nhà sư Thích Trí Quang cầm
đầu làm loạn tại Huế- Đà Nẵng, chúng xúi Phật tử xuống đường
đình công bãi thị, mang bàn thờ xuống đường để cản trở lưu
thông, áp lực công chức, quân đội theo chúng đòi tự trị Miền
Trung, không theo chỉ thị của chính quyền Trung ương tại Sài
Gòn, bên ngoài Huế nhiều Trung đoàn VC tụ tập để sẵn sàng tiếp
thu thành phố.
Trước tình thế này, chính quyền Trung
ương ở Sài Gòn cử 1 Lữ Đoàn Nhảy Dù, và Chiến Đoàn B TQLC gồm
Tiểu Đoàn 1 và 2 của Thiếu tá Tôn Thất Soạn ra Đà Nẵng- Huế dẹp
loạn. Ngày 14/4/1966: sau khi dẹp yên nội thù trong thành phố,
Chiến Đoàn B tham dự cuộc Hành Quân Lam Sơn 283 để tiêu diệt
quân Việt Cộng đang tụ tập tại phía Đông Bắc thành phố Huế. Từ
ngày 21/6/1966 đến ngày 23/6/1966: Tiểu Đoàn 1 chiếm Bích La
Thôn phía Bắc, TĐ2 chiếm “Hương Lộ Buồn Hiu” tại Gia Đẳng, Phù
Lưu dồn Trung Đoàn 808 VC (hậu thân của Trung Đoàn 95 VC) dọc
theo Hương Lộ 555 đến bờ sông Vĩnh Định, Bích La Thôn. Tại đây
chúng hết đường chạy, vì có Tiểu Đoàn 1 chặn, TĐ2 tàn sát Trung
Đoàn 808, xác chúng ngập sông Vĩnh Định. Sau chiến thắng này
Tiểu Đoàn Trưởng/TĐ2 Thiếu tá Lê Hằng Minh được vinh thăng Trung
tá.
Chưa kịp
mừng xong chiến thắng, TĐ2TQLC được lệnh di chuyển lên Quảng
Trị, vì có nội tuyến tại Quân Đoàn I, nên VC biết trước cuộc
hành quân (tài liệu VC đã xác nhận điều này). Chúng tổ chức
tuyến phục kích tại phía bắc cầu Phò Trạch, cây số 29 bắc Huế.
Sau khi bị hoãn lại 1 ngày (có lẽ để VC củng cố tuyến phục kích)
ngày 29/6/66: TĐ2 được lệnh di chuyển lên Quảng Trị, và bị phục
kích tại phía Bắc cầu Phò Trạch. Sa cơ vì nội thù, Trâu Điên
Chúa Lê Hằng Minh gục chết bên cạnh trên 40 xác Trâu Điên khác,
Y sĩ Trưởng TĐ2 BS Hảo bị thương tại đùi, may nhờ đệ tử cõng
chạy thoát khỏi vùng phục kích, nên thoát chết.
Cuộc phản công của TĐ2 Trâu Điên, và
các đơn vị bạn được tổ chức ngay sau đó, địch bỏ chạy để lại
trên 233 xác chết cùng rất nhiều vũ khí lớn nhỏ...
3 – Bác sĩ Ngô Quang Trung:
TĐ3TQLC hành quân tại Tân An năm 1967, Tiểu đoàn đụng trận rất
nặng, anh bị một viên đạn bắn sẻ trúng đầu, may nhờ nón sắt làm
viên đạn lệch hướng, nên anh không chết mà chỉ bị thương. Từ đó
BS Trung mang một vết thẹo trên thái dương bên phải, tóc không
mọc được.
5 –
Bác sĩ Lê Tấn Huỳnh Long và Bác sĩ Nguyễn Trùng Khánh
TĐ1TQLC: Tiểu Đoàn Trưởng/TĐ1 Trung tá Nguyễn Thành Trí, sau này
là Đại tá Tư Lệnh Phó Sư Đoàn, ông cho tôi biết: TĐ1 hành quân
tại quận Kiến Hưng, tỉnh Chương Thiện, đêm 30/4/1970, Bác sĩ
Long bị miểng đạn pháo kích gẫy cột xương sống, trực thăng đến
ngay chở anh vào Bệnh Viện Cần Thơ. Ngày 2/5/1970, Bác sĩ Khánh
đến thay, trong lúc anh đang nói chuyện với Trung tá Trí khoảng
15 giờ thì một TQLC trong toán Biệt Kích Tiểu Đoàn đạp phải mìn,
BS Khánh bị trúng miểng mìn bị thương tại bụng và cột xương
sống. Sự kiện 2 người BS bị thương cột xương sống trong 2 ngày
liên tiếp tại cùng 1 Tiểu đoàn là hy hữu, và làm xôn xao dư luận
Y giới Sài Gòn, làm cho các BS “thích sống lâu” chê binh chủng
TQLC.
6 –
Bác sĩ Đỗ Mỹ Ánh: TĐ7TQLC. Năm 1971 trong trận
Hạ Lào, BS Ánh bị miểng đạn pháo kích 130ly mất một con mắt, Y
tá Trưởng Trung sĩ Phước tử trận, các Y tá khác trong Ban cấp
cứu đều bị thương.
7 – Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàn,
TĐ1TQLC, trận đổ bộ Triệu Phong, Quảng Trị, ngày 11/7/1972.
Khi nhận lệnh thay thế Sư Đoàn Nhảy Dù
để chiếm lại thành phố Quảng Trị, việc đầu tiên Thiếu tướng Tư
Lệnh TQLC Bùi Thế Lân nghĩ đến là phải cắt đứt đường tiếp tế
huyết mạch cho đạo quân tử thủ Quảng Trị của cộng sản Bắc Việt
tại Quận Triệu Phong 1 cây số Đông Bắc Quảng Trị. Nơi đây có Bộ
Chỉ Huy Trung Đoàn 66 CSBV cùng với ít nhất Trung Đoàn địch có
cả thiết giáp, và phòng không yểm trợ. Trọng trách đổ bộ trực
thăng vận được giao cho TĐ1TQLC. Cùng lúc TĐ2 và một thiết đoàn
chiến xa áp dụng “Nhị Thức Bộ Binh Thiết Giáp” tiến hỏa tốc trên
Hương Lộ 555 tới Triệu Phong đánh ngang hông địch, TĐ4 và TĐ7
làm trừ bị. Hỏa lực yểm trợ gồm 1 Tiểu Đoàn Pháo binh 105ly, 1
pháo đội 155ly, không yểm chiến thuật và chiến lược B52, hải
pháo từ Hạm Đội 7, tóm lại Tướng Bùi Thế Lân đã dùng tất cả
những gì ông có trong tay để cắt cổ giặc tại Triệu Phong.
Ngày 11/7/72: TĐ1TQLC được bốc từ nhà
thờ Điền Môn, quận Hương Điền, bằng 32 chiếc trực thăng. Khi đến
Triệu Phong thì gặp hỏa lực phòng không dữ dội của địch, 29
chiếc trực thăng bị trúng đạn phòng không nhưng không rơi, 2
chiếc bị rơi. Riêng trực thăng chở Trung Đội Quân Y lại chở thêm
mấy chục quả mìn chống chiến xa, chiếc trực thăng này bị trúng
hỏa tiễn tầm nhiệt của địch bốc cháy dữ dội, BS Hoàn may mắn
nhảy ra khỏi trực thăng trước khi chiếc này phát nổ. BS Hoàn
thoát chết nhưng bị phỏng nặng tại mặt và thân thể, anh theo
tiếng nổ của đạn M16 để bò về đơn vị ngày hôm sau. Vết thương
phỏng cấp độ 3 đã làm anh bị tàn phế vĩnh viễn. Để đổi lấy chiến
thắng Triệu Phong, 1/3 quân số TĐ1 tử trận hoặc bị thương, Tiểu
Đoàn Trưởng Thiếu tá Nguyễn Đăng Hòa cũng bị thương.
Hai ngày sau cuộc đổ bộ này, một chiếc
trực thăng từ Hương Điền chở Bác sĩ Huỳnh văn Chỉnh (tức Ca sĩ
Trung Chỉnh) vào Triệu Phong để thay thế BS Hoàn. Trực thăng
vượt qua hỏa lực của 1 Trung đoàn cùng với phòng không CSBV chật
vật 3, 4 lần mà không đáp được, vì hỏa lực phòng không của địch
quá mạnh. Bị trúng đạn như tổ ong, Phi công đành phải để BS
Chỉnh nhảy khỏi trực thăng đứng chơ vơ trên đồng trống trong làn
mưa đạn của giặc. Đại úy Trần Quang Duật, Trưởng ban 3 kiêm Đại
Đội Trưởng Đại Đội Chỉ Huy TĐ1 từ sau đống rơm nhảy ra, kéo BS
Chỉnh vào tránh đạn, thấy BS Chỉnh chỉ mang theo ống nghe, Duật
hỏi:
– BS có
mang thuốc men gì không?
Chỉnh buồn rầu đáp:
– Thùng thuốc trên trực thăng bị trúng
phòng không vỡ tan tành rồi!
Duật an ủi:
– Thôi, có BS là quý rồi, thương binh
và binh sĩ sẽ lên tinh thần khi biết có BS, biết đâu họ sẽ qua
khỏi.
Nói
xong Đại úy Duật dẫn BS Chỉnh tới bãi đất chỗ thương binh nằm.
Duật sung sướng nhìn các thương binh vui mừng khi thấy có BS đến
thăm, nhất là ông BS này lại kiêm luôn Ca sĩ nổi danh mà họ từng
ái mộ nữa.
Tôi không biết tâm trạng của Kinh Kha lúc qua Tần diệt bạo chúa
ra sao, tôi cũng không biết tâm trạng của BS Chỉnh lúc đơn
thương độc mã bay vào Triệu Phong để yểm trợ TĐ1TQLC giết giặc
như thế nào, nhưng tôi có thể đoán cả hai đều có cùng một tâm
trạng như nhau.
CÂU CHUYỆN VỀ HAI BÁC SĨ
QUÂN Y TQLC TỰ ĐI TÌM CÁI CHẾT:
1 – Bác sĩ Vũ Đức Giang,
TĐ7TQLC:
Một buổi trưa ngày 16/3/1975, nắng
vàng rực rỡ, tôi lái xe từ Mỹ Thủy, nơi có Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn
258
TQLC đến Phong Điền, nơi Bộ Chỉ Huy TĐ7 đóng để tìm “bạn vàng”
BS Nguyễn Quang Khoa rủ đi uống rượu. Đến nơi thì mới biết BS
Khoa đã được thuyên chuyển về Lữ Đoàn 147 TQLC, người thay thế
anh là BS Giang mới ra trường và làm Y sĩ Trưởng TĐ7 được hơn 1
tuần. BS Giang người tầm thước, nước da trắng, với cặp kính cận
thư sinh, tóc bồng bềnh trông rất Nghệ sĩ. Gặp tôi, Giang ngạc
nhiên nhìn thẳng vào mắt tôi, hỏi:
– Anh Bằng, tôi thấy danh sách anh về
Bệnh Viện Dã Chiến Sư Đoàn, sao bây giờ anh còn ở đây?
Tôi cười:
– Sắp đánh lớn rồi, về Sư Đoàn làm
“thợ vịn” cho các quan lớn Quân Y chán chết, tôi xin tình nguyện
về Lữ Đoàn để giúp anh em được nhiều hơn, vậy mà Tiểu Đoàn
Trưởng và Đại Đội Trưởng Quân Y vẫn không vui, giờ thì làm “phó
thường dân” tại Đại Đội Quân Y Lữ Đoàn 258 gần đây.
Giang trầm ngâm một lúc rồi nhìn tôi:
– Anh làm vậy cũng đúng, chưa bao giờ
quân đội cần BS như lúc này!
Câu trả lời của ông niên đệ này làm
tôi chới với, tôi đang chờ đợi từ ông vài lời khuyên nhủ thường
tình về Bệnh Viện để xin 2 chữ “bình an” thì lại được ông “giáo
lý” một câu thật chí tình chí lý làm tôi nể phục, bắt tay Giang
tôi nói:
–
Thôi mình vào trong nói chuyện.
Đến căn lều cứu thương, tôi thấy bên
ngoài có những hố phòng thủ vững chắc, bước vào trong mấy anh
quân Y tá Ban chỉ huy với quân phục chỉnh tề đứng ngiêm chào
kính, trên bàn thuốc men, dụng cụ cấp cứu bày biện ngăn nắp, và
có hệ thống, góc phòng có 1 giá súng với 5, 6 khẩu M16 lớp thép
sáng bóng dưới một lớp dầu mỏng, mấy cái ba-lô, mũ sắt đặt thứ
tự. Nhìn mọi thứ đâu ra đó, tôi thầm nghĩ: “một cấp Chỉ huy tư
cách không có thuộc cấp tồi!”. Nơi Giang ngủ có một cái bàn nhỏ,
và vài cái ghế đóng bằng gỗ thùng đạn Pháo binh, trên bàn có mấy
cuốn sách Y khoa, và vài tập nhạc, góc phòng là 1 chiếc guitar
bên cạnh một băng ca mở rộng làm chỗ ngủ. Nhìn cái băng ca rồi
nhìn cặp mắt thâm quầng của Giang tôi buột miệng:
– Giang có ngủ được không?
– Không anh, cả tuần rồi, ban ngày thì
vậy, đến đêm gió núi thổi lạnh đến xương, tôi đang định ra Huế
mua cái túi ngủ.
Tôi vội can:
– Đừng, nằm trong túi ngủ nếu đêm giặc
tấn công thì không nhảy xuống hố kịp, ban đêm gió núi thổi luồn
qua vải bố băng ca nên lạnh, Giang sai đệ tử kiếm mấy tấm bìa
carton trải trên mặt bố thì sẽ bớt lạnh.
Giang cám ơn tôi, rồi sai đệ tử pha
trà đãi, nhưng tôi từ chối, và rủ anh ra Phá Tam Giang uống
café. Thấy anh có vẻ thích, nhưng ngần ngại, vì đi xa Tiểu đoàn
lỡ có việc gì thì về không kịp, tôi trấn an, và cho biết trên xe
có máy PRC-25, mình sẽ lên Ban 3 Tiểu đoàn cho họ biết tần số,
có gì họ sẽ gọi. Tôi lái xe, Giang ngồi cạnh phóng thẳng ra Phá
Tam Giang tìm được một quán café sạch sẽ bên bờ Phá. Để anh tài
xế ngồi lại xe ôm máy PRC-25, và súng M16 canh chừng, chúng tôi
vào quán, cô chủ quán mặc 1 chiếc áo dài cũ đơn sơ, nhưng không
dấu được vẻ đẹp thanh tú, kiều diễm của một kiều nữ Bích La
Thôn, lễ phép mời chúng tôi ngồi bên một cái bàn cũ kỹ rồi bằng
một giọng Quảng Trị cô nhỏ nhẹ hỏi:
– Dạ, hai en uổng nược chi?
Giang rất thích thú nhìn và thưởng
thức một nền văn hóa khác hẳn với văn hóa Sài Gòn, anh mơ màng
bên khói café ngắm nhìn cảnh thanh bình tĩnh lặng của trời mây
sóng nước. Trên mặt Phá, vài chiếc ghe và gọ chậm chạp qua lại,
văng vẳng đâu đó vài câu hò não ruột của mấy o vùng sông Hương
núi Ngự. Tôi nhờ cô chủ quán mang mấy chai bia cùng đồ nhắm cho
anh tài xế, rồi ngồi cạnh Giang tâm tình. Tôi được biết Giang đã
có vị hôn thê, 2 người sẽ làm lễ cưới năm tới, và kỳ này khóa
của anh có 5 BS về TQLC. Nghe anh kể lúc Lễ mãn khóa, quả cầu
trên đỉnh cột cờ tại Vũ Đình Trường tự dưng bị gẫy, làm tôi lo
sợ nghĩ đến binh thư Tàu: “Lúc ra quân, mà cờ bị gẫy là điềm
gở!”. Không nói ra, nhưng trong lòng tôi thật là bi phẫn, vì
trận chiến quyết liệt giữa ta và giặc sẽ xảy ra bất cứ lúc nào,
mà tại sao mấy anh lớn trong Quân Y TQLC lại đẩy mấy ông niên đệ
này ra Tiểu đoàn ngay, thay vì để họ có chút thời gian học hỏi
kinh nghiệm chiến trường tại Lữ Đoàn hay Sư Đoàn?
Giang là người có máu Nghệ sĩ, anh rất
thích âm nhạc thơ phú. Anh vui vẻ rút trong túi tờ giấy chép một
bài ca dao xứ Huế, khoe rằng tối qua đi ăn với mấy anh sĩ quan
TĐ7TQLC, có người đọc cho anh bài ca dao này, anh thấy hay và
lạ, nhưng có mấy chỗ không hiểu nên muốn hỏi tôi:
Đường
lên xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước
biếc như tranh họa đồ
Thương em anh
cũng muốn vô
Sợ Truông Nhà Hồ sợ Phá
Tam Giang.
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông
Nhà Hồ nội tán phá tan
Đường vô muôn
dặm quan san
Anh vô anh được bình an em
mừng.
Tôi biết những điều Giang thắc mắc nên
giải thích bài ca dao này có lẽ có từ thời Chúa Nguyễn Phúc Chu
đầu thế kỷ 18, để ca tụng quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng có công
dẹp giặc tại Truông Nhà Hồ, và trị thủy tại Phá Tam Giang. Người
Trung gọi khu rừng rậm hoang vắng là Truông, ngày xưa Truông Nhà
Hồ ở cạnh làng Hồ Xá ranh giới hai tỉnh Quảng Bình-Quảng Trị,
giặc cướp rất nhiều, quan Nội tán đã dùng mưu dẹp chúng. Còn Phá
Tam Giang lúc trước sâu và sóng gió rất nhiều, quan Nội tán phá
đá ngầm và mở cửa sông cho nên Phá mới hiền hòa như ngày nay.
Giải thích xong tôi cười và đùa: đọc bài ca dao này tôi thấy một
điều, 2 câu cuối nói lên sự chung thủy, thương và lo lắng cho
chồng của các o xứ Huế, còn mấy đấng mày râu xứ này thì cũng hơi
bạc tình, vì đã yêu nhau thì sợ gì đám giặc cỏ Truông Nhà Hồ và
sóng gió Phá Tam Giang. Đám con trai Sài Gòn tụi mình thì khác
xa, vì “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo
cũng qua... Yêu nhau chẳng ngại đường xa, đá vằng cũng quyết,
phong ba cũng liều...”
Chúng tôi nói về đủ mọi thứ chuyện, từ
văn chương, âm nhạc đến thời sự, tôi nhận thấy Giang là một con
người tư cách, ngay thẳng, Nghệ sĩ, nhưng cứng rắn, cương
trực...
Chẳng
mấy chốc mặt trời đã ngả hướng Tây, ráng chiều đổ xuống phản
chiếu mây nước Phá Tam Giang thành mầu đỏ rực rỡ. Giang chăm chú
ngây dại nhìn mây nước chuyển mầu, nét mặt sững sờ bật nói:
- Sao lại đỏ như máu thế này?
Tôi giải thích: Có gì đâu, ánh hoàng
hôn màu đỏ phản chiếu trên mây nước, ngày nào cũng như vậy.
Con người là một linh vật, phải chăng
linh tính của Giang đã báo trước cho anh biết điều chẳng lành sẽ
xảy đến với anh tại đây 10 ngày sau đó?
Tôi đưa Giang về Tiểu Đoàn lúc trời
tối, bịn rịn chia tay, tặng anh tấm bản đồ Huế - Đà Nẵng, và một
cái địa bàn, sau khi đã chỉ cặn kẽ cách sử dụng. Hai thứ này
từng là “bửu bối mưu sinh thoát hiểm” của tôi, và cũng không ngờ
đây là lần đầu, mà lại là lần cuối tôi gặp anh, những mảnh đời
trong thời chiến chẳng khác gì “kiếp bèo dạt hoa trôi” hợp tan
vô định!
Ngày
18/3/1975: Lữ Đoàn 258 TQLC, có tôi là Y sĩ Đại Đội Quân Y Lữ
Đoàn 258, di chuyển về đèo Phước Tượng, với nhiệm vụ bảo vệ Quốc
Lộ 1 Huế-Đà Nẵng để Lữ Đoàn 147, Sư Đoàn 1 Bộ Binh, và các đơn
vị khác thuộc Lực Lượng Tiền Phương Quân Đoàn I tại Huế-Thừa
Thiên rút về Đà Nẵng theo Quốc Lộ 1.
Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 258 và Tiểu Đoàn 1
TQLC đóng tại Bắc Sông Truồi, TĐ8TQLC đóng tại Phú Lộc, Sư Đoàn
325 CSBV điên cuồng tung các Trung đoàn đánh phá để cố cắt đứt
QL 1, nhưng chúng đều bị chúng tôi đánh tan “ôm đầu máu” chạy
trốn vào núi Trường Sơn.
Ngày 25/3/1975: là ngày các lực lượng
Tiền Phương Quân Đoàn I rút bỏ Huế về Đà Nẵng. Muốn cho chắc ăn,
ngoài lực lượng sẵn có là Lữ Đoàn 258, Tướng Bùi Thế Lân đã ra
lệnh thọc ĐĐ2 TĐ8 của Thiếu úy Trần Như Hùng tiến tới thôn Trung
Kiên, chân núi Vĩnh Phong, phía Đông QL 1, và cánh B TĐ16TQLC
xuống Phú Lộc chế ngự phía Tây QL 1, để chờ đón đạo quân Tiền
Phương rút về Đà Nẵng trên Quốc Lộ 1...
Trong lúc Bộ Chỉ Huy TĐ8, và cánh B
TĐ16 đang đóng tại Phú Lộc, rồi sáng ngày 25/3/1975 tôi và LĐ
258 được lệnh rút về Đà Nẵng, cây Cầu Sông Truồi đã bị Công Binh
Quân Đoàn I phá hủy trong đêm, gây trở ngại không ít cho việc
tản thương, tôi lội qua Sông Truồi nước trong veo, đi qua Phú
Lộc, chúng tôi không thấy một tên VC nào, vậy mà không hiểu lấy
tin ở đâu(?) và của ai (?) mà các vị Tướng chỉ huy Quân Đoàn I
lại nghĩ là Phú Lộc đã rơi vào tay giặc. Ngày 25/3/1975: các ông
ra lệnh cho LĐ 258 rút lui về Đà Nẵng, còn LĐ 147 TQLC và các
đơn vị khác thuộc lực lượng Tiền Phương Quân Đoàn I phải rút
bằng Hải Quân, tại Thuận An, phía Đông Phá Tam Giang. Thế là
thảm kịch đã xảy ra, xác quân ta nằm đầy bãi Thuận An, rất nhiều
TQLC không chấp nhận bị VC bắt đã dùng lựu đạn tự sát tập thể,
máu quân ta nhuộm đỏ sông Thuận An, gần như toàn bộ lực lượng
Tiền Phương Quân Đoàn I bị tan rã.
Theo hồi ký của những sĩ quan TQLC
sống sót từ “Pháp Trường Cát Thuận An”, thì Lữ Đoàn 147 TQLC
được lệnh bỏ khí giới nặng, lương thực, mỗi TQLC 1 M16 và 1 băng
đạn hỏa tốc rút về Thuận An. Ngày 25/3/1975: khi đến Thuận An,
tàu Hải Quân thì có ngoài khơi, nhưng không vào đón, Tướng Tư
Lệnh Tiền Phương đã bỏ về Đà Nẵng (!) và Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn
I thì “im lặng vô tuyến”. Họ là 2 người duy nhất tại Quân Đoàn I
có thẩm quyền điều động Không, Hải, Lục Quân của Quân Đoàn I để
cứu Lữ Đoàn 147, nhưng họ đã không làm gì, cho nên thảm kịch xảy
ra...
Theo
các nhân chứng còn sống sót từ cái “Pháp Trường Cát Thuận An”
như BS Rậu, BS Khoa, và các sĩ quan TQLC khác, thì sáng ngày
25/3/1975 các TQLC của LĐ 147 xếp hàng ngay ngắn trên bãi biển
Thuận An chờ tàu vào đón. Ngoài khơi có 1 Hạm Đội Hải Quân,
nhưng không chiếc tàu nào vào. Chờ đến chiều, thì quân truy kích
CSBV đuổi kịp, chúng chiếm các đồi cát cao chung quanh và dùng
đủ loại súng lớn, nhỏ tác xạ vào TQLC đang phơi mình trên bãi
cát trống trải. Quân ta hết nước, hết đạn, nên bị thất thế đành
nằm trên cát chờ chết...
Sáng ngày 26/3/1975: có một chiếc LCU
duy nhất vào đón được Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 147 gồm: Lữ Đoàn Trưởng
Đại tá Nguyễn Thế Lương, Lữ Đoàn Phó Trung tá Nguyễn Đăng Tống
và thương binh. Theo các Quân Y tá LĐ 147 cho biết: thì Bác sĩ
Vũ Đức Giang, và vài quân Y tá TĐ7 khiêng thương binh lên tàu,
sau đó anh điểm danh Y tá TĐ7 rồi tất cả cùng trở xuống để tiếp
tục cùng đồng đội chiến đấu.
Khi tôi thay BS Rậu làm Đại Đội Trưởng
Quân Y LĐ 147, thì một hôm Hạ sĩ nhất Quân Y Nguyễn Văn Được -
người sống sót từ “Pháp Trường Cát Thuận An” - hỏi tôi:
– Ông thầy có biết BS Vũ Đức Giang TĐ7
không?
–
Biết. Mà có chuyện gì?
– Ổng ngon quá! Ngày 26/3/1975 ổng và
mấy đệ tử khiêng thương binh lên tàu. Xong việc ổng điểm danh
từng Y tá TĐ7 một, rồi tất cả xuống tàu lên bờ về lại TĐ. Em giữ
ổng lại nói: “BS trở lại thì 100/100 là chết!” nhưng ổng trừng
mắt la em: “Chú mày đừng xúi bạy, TĐ đang chiến đấu sẽ có thêm
thương bình, anh bỏ đi sao đành?”. Xong rồi ổng xuống tàu đi
dưới làn mưa đạn thượng liên của VC, em nhìn mà thấy ớn. Em nói
thiệt tình đó ông thầy!
– Thì tao có nói mày không thiệt tình
hồi nào đâu! Có điều chú mày bạy thật, Bác sĩ TQLC không bao giờ
đào ngũ trước hàng quân!
Về số phận của BS Giang, hãy đọc hồi
ký của MX Cao Xuân Huy trong Tháng Ba Gẫy Súng:
“Rạng sáng ngày 27/3/1975: tôi còn gặp
cả một thằng bạn cũ cùng học với nhau hết bậc Trung học ở trường
Nguyễn Trãi, Vũ Đức Giang, khi chúng tôi đang bị trói chung bằng
một sợi dây điện dài. Tôi ngạc nhiên kêu lên.
– “Giang, mày làm gì mà cũng bị bắt ở
đây?”
– “Ơ
Huy, cả chục năm mới gặp lại mày.”
– “Tao hỏi mày làm cái giống gì mà
cũng bị bắt ở đây?”
– “Tao Thủy Quân Lục Chiến.”
– “Mẹ kiếp, cậu đếch tin, mày mà cũng
dám giết người à? Mà sao ở Thủy Quân Lục Chiến tao không gặp
mày?”
– “Tao
mới ra trường về Thủy Quân Lục Chiến khoảng nửa tháng nay.”
– “Mày Bác sĩ à?”
– “Ừ, tao về Tiểu Đoàn 7.”
– “Tội nghiệp thằng bé, mày sợ đời
không có gió sương à?”
– “Gió sương gì? Cởi trần ngồi suốt
đêm ngoài trời thế này mày bảo không bị gió sương à?”
Trời sáng rõ, mấy tên Việt Cộng gác
chúng tôi cầm súng đi qua đi lại trước cổng.”
Giang bị tù tại trại tù Ái Tử-Quảng
Trị. Theo hồi ký “Khóc Bạn” của BS Hoàng Thế Định, một người bạn
đồng tù với Giang, thì trong tù anh vẫn hiên ngang giữ tư cách
của một Bác sĩ Quân Y TQLC sa cơ, không cúi đầu luồn cúi quân
thù, nên anh bị chúng đày ải bắt đi lao động khổ sai, trong khi
các đồng nghiệp của anh được làm trong bệnh xá trại tù. Mùa xuân
năm 1977, đa số đồng ngiệp đã có danh sách được thả ngoại trừ
Giang. Một kẻ sĩ có tư cách như BS Vũ Đức Giang khi sa cơ bị
quân thù làm nhục thì chỉ lấy cái chết để rửa, đêm 30 tết năm
1977 noi gương các anh hùng tiền nhân, Giang đã mượn một liều
thuốc độc mạnh tuẫn tiết...
Không bỏ thương binh và đồng đội để
tìm đường thoát thân trong hoàn cảnh tuyệt vọng, mà cấp chỉ huy
Lữ Đoàn và Quân Đoàn đã bỏ đi; tự vẫn để bảo tồn danh dự. Đó là
Bác sĩ Vũ Đức Giang. Trong quân sử thế giới đã có bao nhiêu
người làm được như vậy?
2 – Bác sĩ Đặng Tuấn Long,
Tiểu Đoàn Quân Y TQLC:
Biết viết gì về Long đây? Anh đẹp
trai, học giỏi con nhà giàu, anh ngang tàng, vui nhộn, giỏi thể
thao, và hát hay, nếu muốn, anh có thể là 1 BS dân sự mở phòng
mạch hốt bạc, nhưng anh tình nguyện vào quân đội và để cho “đời
trai có chút sương gió”, anh lại tình nguyện vào TQLC. Long đi
lội TĐ tác chiến gần 2 năm đến đầu năm 1974 thì về Tiểu Đoàn
Quân Y...
Một
buổi sáng cuối năm 1973, Bác sĩ Vương Gia Nhơn, Y sĩ Trưởng TĐ2
Trâu Điên, không biết ngoại giao ra sao mà “chôm” được chiếc xe
Jeep của Tiểu Đoàn Trưởng láng coóng với hai cần câu đến Làng
Cọp Biển trên “Đại Lộ Kinh Hoàng” rủ tôi đi chơi. Tôi đề nghị
Nhơn đến Tiểu Đoàn của Long- lúc ấy Long đang lội TĐ tác chiến-
đang đóng tại bờ sông Thạch Hãn rủ anh cùng đi. Nhơn ngồi ghế
Trưởng xa cứ vài phút anh lại phải giơ tay chào lại các TQLC
thấy xe VIP đứng nghiêm chào kính, tôi bực mình nói:
– Lần sau cậu lấy cái xe không cần câu
đi cho nó thoải mái, chứ cứ chào như vậy cậu sái tay!
BS Nhơn, một tay chơi khét tiếng của
các vũ trường Sài Gòn, nổi danh với bước Tango 17, 3/4 mà không
em cave nào không ái mộ, từ khi đeo phù hiệu TĐ2 Trâu Điên thì
anh lại càng đào hoa hơn. Mỗi kỳ tiếp tế sĩ quan hậu cứ phải
điên đầu sắp xếp cho năm bảy “em gái hậu phương” mang đồ tiếp tế
cho anh, mà không đụng độ nhau. Anh là một người hùng, sau
30/4/1975 đi tù, nhưng vẫn hiên ngang giữ tư cách của một BS
TQLC, vì vậy anh đi mút chỉ, sau khi xong tù, anh vượt biển và
mất tích...
Xe đậu trước hầm trú ẩn của Long, bên cạnh bờ sông, anh đang
ngồi ngoài hầm uống rượu một mình, chai đế đã vơi quá nửa, bao
Bastos xanh chỉ còn vài điếu, thấy chúng tôi Long chạy đến:
– Các cậu coi chừng, Tiểu Đoàn báo
động có thằng VC bắn sẻ bên kia sông...
Tôi nhìn qua sông, cả trăm bụi rậm um
tùm, nhưng chúng tôi không phải chờ lâu, một tiếng rít qua tai,
viên đạn trúng bao cát trên nóc hầm làm tung tóe cát. Thấy viên
đạn trượt đích xa, chúng tôi không thèm ẩn núp, Long lẩm bẩm
chửi thề:
–
Tổ cha thằng nhà quê, đã bắn dở rồi mà cứ hay bắn, anh chỉ ngón
tay tiếp, nó ở bên kia kìa...
Nhìn qua sông tôi không thấy gì, nhưng
TĐ của Long phản ứng thật nhanh. Một tiếng “đề pa” của khẩu 75ly
không giật, viên đạn nổ bên kia sông hất tung bụi cây, tên bắn
sẻ và khẩu súng lên trời, vài tràng thượng liên địch nổ vu vơ,
một phát 75ly thứ hai nổ, khẩu thượng liên câm họng, xác hai tên
xạ thủ bay bay... rồi tất cả rơi vào im lặng. Nhìn BS Nhơn tôi
lắc đầu:
–
Chúng nó chào cái xe có cần câu của cậu đó. Vậy là hết đi chơi!
TĐ chắc đang báo động!
Sau khi bảo tài xế đậu xe vào chỗ
khuất, chúng tôi vào hầm trú ẩn. Long sai đệ tử mang thêm hai
cái ly và chai rượu mới, uống xong vài ly, tôi hỏi Long:
– Tiểu Đoàn tớ sắp về Sài Gòn dưỡng
quân, cậu có muốn gửi gì cho em bé hậu phương không?
Long cười cay đắng:
– Tớ bây giờ độc thân tại chỗ, em bé
của tớ đi lấy chồng rồi.
Uống thêm ly rượu anh tiếp:
– Mới có mấy tháng trước, em tìm tớ
còn nói yêu tớ trọn đời, vậy mà tháng trước về phép thì em đã có
chồng, em “thanh minh thanh nga” là vẫn yêu tớ, nhưng vì tớ là
lính rằn ri không biết sống chết lúc nào, mà em không muốn làm
góa phụ.
Tôi
biết mối tình lãng mạn của Long với một cô bé xinh đẹp Sinh viên
Luật Khoa tên là H... có cô chị cũng là Sinh viên Luật “kỳ đà
cản mũi”, vì bà mẹ có tính cổ lỗ sĩ không muốn cô em “lên xe
hoa” trước cô chị nên Long phải mang bạn vàng là BS Nghiêm Hữu
Hùng “hối lộ” cho cô chị. Từ đó Long và cô H mới được tự do tình
tự. Mối tình của họ thật là đẹp thế mà tự nhiên gẫy đổ giữa
đường chỉ vì Long theo tiếng gọi của non sông, mặc áo rằn để bảo
vệ cho cô và những người hậu phương...
Buổi nhậu chỉ chấm dứt khi “Người
hùng” Vương Gia Nhơn say gục trên bàn...
Đầu năm 1974, TĐ9TQLC làm Địa Phương
Quân giữ tuyến Triệu Phong-Bích La Thôn-Đê Long Quang, tôi đang
buồn vì lâu ngày ở chỗ khỉ ho cò gáy này, xa hẳn ánh sáng văn
minh thành thị, thì bất ngờ toán tiền đồn Đại Đội Chỉ Huy-TĐ9
báo tin có 2 Bác sĩ TQLC đến thăm. Đó là 2 “bạn vàng”, BS Đoàn
Trọng Thiên và BS Đặng Tuấn Long. Tôi thật mừng và cảm động biết
2 bạn mình đi bộ hơn 10km để đến thăm, nhất là khi biết Đặng
Tuấn Long khi đến bờ sông Vĩnh Định đã không dùng cầu mà bơi qua
sông. Mời bạn vào hầm, tôi nhìn Long lắc đầu:
– Bạn liều quá! Sông Vĩnh Định đầy ma
VC, dưới đáy sông là xương cốt của 1 Trung Đoàn 808 VC (hậu thân
của Trung Đoàn 95) bị TĐ2 giết mấy năm trước đó.
Long cười sảng khoái:
– VC sống tớ còn không sợ nữa là ma
VC, chán quá, đi TQLC để đánh nhau mà bây giờ phải làm Địa
Phương Quân giữ đất...
– Cậu chịu khó chờ đi. Tụi VC đang xây
con đường Trường Sơn Đông chạy qua gần Thường Đức-Quảng Nam, thế
nào nó cũng nhổ cái gai Thường Đức, Tướng Trưởng sẽ mang Nhảy Dù
về giữ, và để “dương đông kích tây” chúng nó sẽ thọc vài SĐ đánh
tụi mình, lúc đó thì tha hồ cho cậu đánh... Mà thôi, nói chuyện
đánh nhau nhức đầu, các cậu may, em bé hậu phương mới gửi cho tớ
mấy chai rượu và đồ nhậu, hôm nay mình uống cho đã...
Tôi mở thùng quà, bên trong có 2 chai
Martell và mấy gói đồ khô, gọi anh đệ tử đưa cho anh một chai và
thùng đồ nhậu, bảo anh làm đồ nhậu rồi chia 2, nửa cho Ban cứu
thương, nửa cho tụi tôi, Long mở chai rượu rót vào 3 cái ca nhà
binh rồi không đợi ai mời anh uống một ngụm lớn, khà một tiếng
anh nói:
–
Thơm, ngấm tới đâu sướng tới đó.
Hít một hơi Bastos xanh anh tiếp: kìa
2 cậu uống đi chứ!
Chúng tôi cụng ly, uống lai rai, tâm
sự đủ mọi chuyện, chẳng mấy chốc mấy đĩa mồi thơm được dọn ra,
Long và Thiên đều khen “Em gái hậu phương” của tôi đảm đang, đi
chợ giỏi, chừng nào thì “cưới”, tôi vội cải chính:
– Cưới gì, mình đi lính sống chết giờ
nào không biết, lấy vợ chỉ làm khổ người ta. Mấy tháng trước TĐ
về Sài Gòn dưỡng quân, có một em học Văn Khoa thấy tớ là dân rằn
ri tưởng không biết gì, nên em mang bài thơ “Khóc Bằng Phi” của
Vua Tự Đức ra khoe là bài thơ tình đầu tiên của Văn học sử Việt
Nam. Tớ nói em sai rồi, bài thơ tình đầu tiên hiện hữu trên văn
học Việt Nam là bài thơ tình của Cụ Nguyễn Trãi gửi bà Thị Lộ
gần 400 năm trước bài Khóc Bằng Phi. Cô bé không tin bắt phải
chép ra. Tớ ra điều kiện là sẽ chép để em vào Thư viện kiểm
chứng, nếu đúng thì em phải trả tớ rượu và đồ nhậu vì lính xa
nhà chỉ cần 2 thứ đó, em bằng lòng, cho nên hôm nay các cậu mới
có rượu uống.
Thiên trầm ngâm xoay xoay ca rượu:
– Các bậc Đế vương và vĩ nhân khi đau
khổ tột cùng mới làm thơ, và thơ của họ thường khác người. Như
trong bài Khóc Bằng Phi vua Tự Đức đã có hai câu thơ để lại cho
hậu thế: “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng. Xếp tàn y lại để dành
hơi!” Tớ chưa biết bài thơ tình của Cụ Nguyễn Trãi, cậu đọc đi.
– Bà Thị Lộ là vợ bé của Cụ Nguyễn
Trãi, bà tằng tiụ với Vua Lê Thái Tông thua bà nhiều tuổi, Nhà
Vua mê bà quá, nên kéo bà về kinh đô Thăng Long, phong bà một hư
chức Lễ Nghi Học sĩ, để dạy Cung nữ trong cung, nhưng sự thực để
2 người được tự do tình tự. Cụ Nguyễn Trãi lúc đó về hưu tại Côn
Sơn-Hải Dương, nhớ vợ quá làm một bài thơ, vì bài thơ làm đã quá
500 năm, các Tác giả viết lại có những câu hơi khác, nhưng đại ý
thì cũng như nhau:
– Loàn đan ướm hỏi khách lầu hồng (Tạm
dịch: mạo muội thử hỏi khách lầu son.),
– Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng,
– Ngoài ấy ví dầu còn áo lẻ (Ngoài ấy:
ngoài kinh đô, ví dầu: nếu như có, áo lẻ: áo mặc trong?)
– Cả lòng mượn lấy đắp cho cùng. (Cả
lòng: rộng lượng, rộng lòng)
Long cười:
– Bà Thị Lộ là gốc bán chiếu gon, tức
là mari-sến, thì biết quái gì về lễ nghi mà dậy Cung nữ, chắc là
bà dậy chuyện phòng the, cái truyền thuyết đối đáp trong bài
thơ” Cô Bán Chiếu Gon” có lẽ do Cụ Nguyễn Trãi làm cho bà, còn
bài thơ này thì đã trên 500 năm trước tuy hay, nhưng khó hiểu
quá.
Chẳng
bao lâu, rượu và thịt cũng cạn, Long nốc ngụm cuối cùng rồi nói:
– Lâu lắm mới có ngày vui như vậy. Nói
xong anh nổi hứng với cây đàn Guitar, so lại dây, giữa cảnh đồng
quê hoang vắng tiếng đàn thánh thót nổi lên, giọng ca cao và
buồn:
Thương
nhớ ơ hờ thương nhớ ai. Sông xa từng lớp lớp mưa dài. Mắt em, ơi
mắt em xưa có sầu cô quạnh... Đôi mắt người Sơn Tây. U uẩn chiều
luân lạc. Buồn viễn xứ khôn khuây. Buồn viễn xứ khôn khuây...
Hát xong, Long rủ Thiên về:
– Bọn tớ phải đến Hương Lộ Buồn Hiu
nhìn cảnh hoàng hôn tại đó, xem nó buồn như thế nào.
Tôi không cản, tiễn hai bạn tới cổng
trại chỉ hướng:
– Năm 1953 quân Pháp từ các làng ven
biển phía Bắc Phá Tam Giang như Vân Trình - Mỹ Thủy - Gia Đẳng
tiến quân theo Hương Lộ 555 được nửa chừng, thì bị Trung Đoàn 95
VC chận đánh không tiến được, cho nên tớ nghĩ “Street Without
Joy” của Bernard Fall là giải đất một cạnh là nửa Hương Lộ 555
phía biển, cạnh kia là vùng bờ biển Bắc Phá Tam Giang, gồm các
làng Vân Trình - Mỹ Thủy - Gia Đẳng. Các cậu đi qua bãi cát này
sẽ gặp Hương Lộ 555, rẽ trái hướng ra biển đến làng Mỹ Thủy, thì
các cậu đã đến nơi. Đến Mỹ Thủy trời đã tối các cậu nên ngủ tại
Đại Đội Quân Y Lữ Đoàn 258, có BS Nguyễn Lê Minh ở đó. Thôi hẹn
gặp lại!
Tôi
chẳng bao giờ gặp lại Long. Sau 30/4/1975: tôi đi tù tại Trảng
Lớn-Tây Ninh, BS Đặng Tuấn Long đi tù tại trại tù Kà-Tum vốn là
mật khu VC gần biên giới Tây Ninh - Kampuchia. Theo anh Phạm
Trung Kiên, một người bạn cùng tù kể lại thì trong tù Long vẫn
hiên ngang giữ khí phách của một Bác sĩ Quân Y TQLC, không sợ
bọn quản giáo, sẵn sàng “kê tủ đứng vào họng chúng” vì vậy Long
bị chúng trù dập, hết đánh đập lại đến chuồng cọp. Long biết
rằng cái đau nhất đối với bọn quản giáo VC là để tù trốn thoát,
nên anh đã âm thầm sửa soạn vượt ngục, ôn lại những bài học “mưu
sinh thoát hiểm” của TQLC, anh cũng biết rằng vượt ngục tại
Kà-Tum thì 9 phần chết 1 phần sống, nhưng anh không sờn lòng.
Tháng 5/1978: Bác sĩ Đặng Tuấn Long đã vượt ngục một mình, và từ
đó đến nay, không còn ai biết tin tức của anh.
CÂU
CHUYỆN TAN HÀNG CỦA QUÂN ĐOÀN I, VÀ SỰ MẤT TÍCH CỦA MỘT BS TQLC:
Sau khi bị mất gần sạch Quân Đoàn I
Tiền Phương, chúng tôi rất hoang mang vì sự im lặng khó hiểu của
cấp Chỉ huy Quân Đoàn I. Tối ngày 28/3/1975: Tướng Trưởng mở 1
cuộc họp các Tư Lệnh Sư Đoàn, và Quân Binh Chủng của Quân Đoàn
I, vì lý do tình cờ tôi đã có mặt trong buổi họp này. Tại đây
trước sự kinh ngạc của mọi người tham dự, Tướng Trưởng tuyên bố
“mình rút đêm nay” mà chẳng cho lệnh lạc, hay kế hoạch gì hết!
Chỉ huy Quân Đoàn I có 3 vị Tướng:
Trung tướng Ngô Quang Trưởng là Tư Lệnh, Thiếu tướng Hoàng Văn
Lạc - Tư Lệnh Phó, Trung tướng Lâm Quang Thi - Tư Lệnh Phó kiêm
Tư Lệnh Tiền Phương. Thiếu tướng Lạc đã bỏ về Sài Gòn hôm
26/3/1975, rồi vì lý do “kẹt máy bay” không trở lại (trích CTTB,
Hồ Văn Kỳ Thoại trang 273), Trung tướng Thi, sau buổi họp đêm
28/3/1975, dùng trực Thăng bay ra chiến hạm HQ5 lúc 10g40pm, còn
Trung tướng Trưởng bay về Non Nước, nơi có Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn
TQLC, để rồi sáng hôm sau, ngày 29/3/1975, ông là người đầu tiên
lội ra chiến hạm HQ404. Trước khi đi, ông đã nói với Đại tá
Nguyễn Thành Trí Tư Lệnh Phó Sư Đoàn TQLC: “Coi như đây là một
cuộc tự thoát!”.
Tính cho đến sáng ngày 29/3/1975: toàn
thể 3 vị Tướng chỉ huy Quân Đoàn I đã bỏ tất cả những gì còn lại
của Quân Khu I để ra đi. Quân Đoàn I như rắn mất đầu, và hỗn
loạn đã xảy ra...
Tướng Lân Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC, và
Tướng Thoại Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải bị lạc trong dẫy
núi Sơn Trà, nơi có một Trung đội Đặc Công VC đang đi tìm hai
ông, may mắn được “tự thoát”, vì tình cờ có 1 thuyền nhỏ của HQ
đi qua, nghe thấy tiếng gọi của Tướng Thoại nên vào cứu.
Tướng Khánh - Tư Lệnh Sư Đoàn I Không
Quân bị lạc tại một bãi biển hoang vắng, “tự thoát” bằng cách
chiếu đèn pha trực thăng làm hiệu nên được HQ802 vào cứu.
Tướng Hinh - Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh
- cùng gần 1000 binh sĩ được “tự thoát”, vì có 1 chiến hạm tình
cờ nhìn thấy vào đón...
Đó là những người may mắn. Trên 90/100
quân số Quân Đoàn I không “tự thoát” được, họ bị giết bởi đạn
thù hay đạn bạn, bị chết đuối trên biển, họ tự tử tập thể bằng
lựu đạn hay mìn Claymore, số còn lại bị VC bắt làm tù binh.
Tướng Điềm - Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh - trên đường “tự thoát”
bị tử trận tại Chu Lai, 8000 trong số 12000 TQLC đã không “tự
thoát” được. Ngày 29/3/1975: trên bãi biển Non Nước là một địa
ngục trần gian không khác gì cái “Pháp Trường Cát Thuận An” 3
ngày trước... Trong số 4000 TQLC đã “tự thoát” được thì ngoại
trừ gần 2000 TQLC của Lữ Đoàn 468 may mắn được tầu HQ đón, còn
đa số chỉ còn quần xà lỏn bơi ra tầu Hải Quân, cách bờ trên dưới
1km, đây là con số cao nhất so với các đơn vị bạn tại Quân Khu
I.
Ngày
29/3/1975: Trung tá Nguyễn Xuân Phúc Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 369
TQLC, Trung tá Đỗ Hữu Tùng Lữ Đoàn Phó LĐ 369 TQLC, và Bác sĩ
Cao Mạnh Thăng Đại Đội Trưởng Quân Y LĐ 369, là 3 người trong số
8000 TQLC được ghi nhận mất tích tại Đà Nẵng. Khi về đến Cam
Ranh, rồi Vũng Tàu, và cho đến tận bây giờ vẫn không ai tìm thấy
hay nghe tin tức gì về 3 người này... Tôi viết về sự mất tích
của BS Cao Mạnh Thăng với sự dè dặt thường lệ...
Trên đây là những hy sinh của Quân Y
TQLC, còn nhiều hy sinh khác, mà tôi không biết đến nên không kể
ra. Chúng tôi đã cùng anh em TQLC “12 tháng anh đi” tăng phái
cho cả 4 vùng Chiến thuật, đánh những trận ác liệt nhất với các
đơn vị hàng đầu của địch, và rồi... cũng chết như những người
khác mà thôi!
Dù rằng đã bị bỏ rơi, và tan hàng tại
Quân Khu I ngày 29/3/1975, nhưng khi về đến Vũng Tàu, chúng tôi
đã tái tổ chức và tiếp tục chiến đấu bảo vệ đất nước cho đến
ngày 30/4/1975.
Tuy rằng phải chịu trăm cay ngàn đắng
và tổn thương nhiều nhất so với Quân Y các đơn vị bạn, nhưng
trong suốt chiều dài của cuộc chiến, các Bác sĩ Quân Y TQLC
không có ai đào ngũ trước hàng quân cả!
Viết cho ngày Đại Tang thứ 40 của Binh
Chủng TQLC.
Mũ Xanh Phạm Vũ Bằng
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Bộ Huy hiệu Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E-mail by th chuyển
Đăng ngày Thứ Bảy, September 3, 2016
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang