Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Lịch sử
Chủ đề: Xuân Đinh Dậu nhớ về MT-68
Tác Giả: Tiến Sĩ Trần An Bài
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Lời giới thiệu:
Nhân kỷ niệm 45 năm biến cố Tết Mậu Thân 1968, người Việt quốc
gia hẳn không bao giờ quên những cảnh tượng tang thương đẫm máu
do cộng sản Bắc Việt gây nên. Riêng ngành Cảnh Sát Quốc Gia Việt
Nam Cộng Hòa (CSQGVNCH), có một câu chuyện thật, thật 100%. Câu
chuyện ấy vang lừng khắp thế giới. Và, được kết thúc với nhiều
đau thương, nghiệt ngã. Sau đó, kéo tới việc “người bạn đồng
minh” Hoa kỳ bán đứng và VNCH bị bức tử; hàng triệu người Việt
nam đã phải bỏ nước ra đi tỵ nạn CS tại các quốc gia Tự do trên
khắp thế giới, và hàng vạn quân, cán, chính VNCH phải trải qua
bao nhiêu năm tháng tù đày, tủi nhục... trong các trại giam trá
hình dưới mỹ từ “trại tập trung cải tạo”.
Câu chuyện thật
nêu trên về “Tướng Nguyễn Ngọc Loan Trong Biến Cố Tết Mậu Thân”.
Kính mời quý độc giả cùng theo dõi.
--Khuyết Danh.
1. Tết Mậu Thân 1968 Mịt Mù
Khói Lửa
Bằng Hiệp Ước Genève năm 1954, các
cường quốc trên thế giới đã chia cắt nước Việt Nam thành hai lãnh
thổ với hai chế độ chính trị hoàn toàn khác nhau về ý thức hệ:
Miền Bắc là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, theo khối Cộng sản
quốc tế. Miền Nam là nước Việt Nam Cộng Hòa theo khối Thế giới tự
do.
Tuy nhiên,
ngay khi ký Hiệp Ước, miền Bắc đã có kế hoạch xâm chiếm miền Nam
bằng võ lực. Họ gài cán bộ để hoạt động du kích, chôn mìn, đặt
bàn chông, tấn công quân đội VNCH và tiêu hủy các làng mạc của
dân chúng miền Nam. Sau đó, họ thiết lập đường mòn Hồ Chí Minh
dọc biên giới Lào-Cao Miên để chuyển quân và võ khí, đạn dược từ
miền Bắc vào Nam.
Cuối năm 1967, khi quân đội Hoa Kỳ đã
gửi đến Nam Việt Nam khoảng 500 ngàn quân, Bắc Việt muốn chọn Khe
Sanh làm địa điểm giao tranh thư hùng giống như mặt trận Điện
Biên Phủ năm xưa. Đồng thời, Bắc Việt cũng muốn dùng mặt trận Khe
Sanh để che giấu kế hoạch tổng công kích trên toàn lãnh thổ VNCH
vào dịp Tết Mậu Thân 1968 để phô trương lực lượng.
Vì hai Đại Tướng Bắc Việt Nguyễn Chí
Thanh và Võ Nguyên Giáp bất đồng quan điểm về trận chiến miền
Nam, nên Đảng cộng sản giao cho Đại Tướng Thanh chỉ huy mặt trận
miền Nam, còn Đại Tướng Giáp chỉ huy mặt trận miền Bắc.
Ngày 6-7-1967, đang khi chuẩn bị cuộc
tấn công VNCH, Đại Tướng Thanh bất ngờ qua đời. Bắc Việt loan tin
là ông chết vì bệnh tim ở Hà Nội, nhưng sau đó, báo chí Tây
phương xác nhận Tướng Thanh chết vì trúng bom của Hoa Kỳ. Cũng có
tin là ông bị thanh toán nội bộ. Sau đó, Tướng Giáp được Đảng
cộng sản chỉ định tiếp tục lập kế hoạch tấn công lớn vào dịp Tết
Mậu Thân.
Như
các năm trước, vào các dịp Tết và lễ lớn, hai miền Nam Bắc đều
đồng ý hưu chiến trong ít ngày. Dịp Tết Mậu Thân năm 1968, Bắc
Việt đề nghị hưu chiến 7 ngày, nhưng VNCH chỉ đồng ý 3 ngày. Tin
tưởng vào lệnh hưu chiến này, 50% quân nhân miền Nam được phép về
gia đình ăn Tết. Chính Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng rời Sài
Gòn về Mỹ Tho để mừng Tết ở quê vợ. Trong khi đó, quân đội miền
Bắc bất chấp lệnh hưu chiến, ngày đêm chuyển quân và vũ khí để
chuẩn bị xâm lăng miền Nam.
Giữa không khí linh thiêng của ngày Tết
Mậu Thân, mọi người lũ lượt đến chùa và nhà thờ để cầu nguyện
bình an cho Năm Mới. Tiếng pháo và múa lân mừng Xuân của miền Nam
bỗng dưng bị pha trộn bằng tiếng súng của cộng sản. Nhà cửa bốc
cháy hòa lẫn tiếng đàn bà con nít khóc lóc thảm thương!
Bắc Việt đã tung vào trận đánh Tết Mậu
Thân 80,000 lính từ miền Bắc vào, cùng với tất cả các lực lượng
du kích và đặc công trong thành phần Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam
để tấn công 36 trong số 44 tỉnh miền Nam và 6 thị xã, cùng với 64
trong số 242 quận lỵ. Các cán binh cộng sản chỉ được học tập tấn
công, nhưng không biết đường rút quân. Tại những công sự đặt súng
lớn, xạ thủ bị xích chân vào bàn súng. Điều này chứng tỏ cộng sản
quyết tâm tử chiến: thắng thì sống, thua thì chết.
Đêm 30 rạng ngày 31-1-68 DL (tức đêm
mồng Một rạng mồng Hai Tết), Sài Gòn bị tấn công tại nhiều địa
điểm quan trọng, như phi trường Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham Mưu
Quân Lực VNCH, đài phát thanh Sài Gòn, Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, Bộ Tư
Lệnh Hải Quân, Dinh Độc Lập phía đường Nguyễn Du...
Thực sự, cộng sản đã chiếm được đài
phát thanh Sài Gòn và đài này đã bị tắt tiếng một thời gian ngắn,
nhưng Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám Đốc CSQG đã phối hợp với
quân đội để tái chiếm đài phát thanh và đã không hề có một bài
hát hay lời tuyên truyền nào của Bắc Việt kịp phát đi từ làn sóng
của đài phát thanh Sài Gòn.
Ký giả Don North của hãng NBC có mặt
tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ lúc quân đội Bắc Việt tấn công đã kể rằng:
Vào lúc 2g45 sáng ngày 31-1-68, 19 đặc công cộng sản đeo băng đỏ
trên cánh tay dùng chiếc xe hơi Peugeot và taxi chạy thẳng vào
cổng tòa Đại Sứ và nổ súng. Họ đã chiếm được một căn phòng trong
tòa Đại Sứ, nhưng lực lượng canh gác phản công. Phía Hoa Kỳ, có 4
quân cảnh và một lính Thủy Quân Lục Chiến tử thương. Còn tất cả
19 đặc công đều bị giết chết sau 6 giờ giao tranh.
Cộng sản tưởng rằng khi họ về thành phố
sẽ được dân chúng tiếp đón niềm nở. Nhưng thực tế, cộng sản tới
đâu, người dân đều bỏ chạy. Hơn lúc nào hết, các CSQG đã trở
thành người bạn khắng khít nhất của dân. Họ canh gác nhà thương
để bảo vệ bệnh nhân. Họ giúp đỡ dân chạy loạn và họ phối hợp với
các quân binh chủng chiếm lại từng nhà, từng tấc đất đã bị Cộng
quân chiếm giữ. Vì số lượng dân chúng, gồm đàn bà trẻ con, bị
thương tích quá đông, các bác sĩ và y tá phải tràn ra các đường
phố để cứu cấp. Các thương binh cộng sản được đối xử rất nhân
đạo. Họ được cứu chữa giống như các thương binh VNCH và dân
chúng.
Cố Đô
Huế bị thiệt hại nặng nhất. 12,000 quân cộng sản tiến chiếm Huế
vào đêm Mồng Một Tết. Cầu Trường Tiền bị mìn đặc công giựt sập.
Phải mất 26 ngày, quân đội VNCH, với trọng pháo yểm trợ từ chiến
hạm Hoa Kỳ, mới có thể chiếm lại Huế. Nhưng buồn thảm và tang tóc
phủ kín Cố Đô, với trên 7,000 thường dân và cán bộ bị chôn sống
tập thể tại rất nhiều hố [mồ chôn tập thể] rải rắc khắp hang cùng
ngõ hẻm.
2. Tướng Loan Nổ Súng
Sáng
ngày mồng Hai Tết, tức ngày 31-1-1968 (DL), Chuẩn tướng Nguyễn
Ngọc Loan đang đích thân chỉ huy trận chiến khốc liệt tại khu vực
Chùa Ấn Quang, Chợ Lớn, góc đường Sư Vạn Hạnh và Ngô Gia Tự thì
hai nhân viên Cảnh Sát dẫn đến trình diện Tướng Loan một đặc công
cộng sản đã giết người rất dã man trong hai ngày qua. Đó là Đại
úy Nguyễn Văn Lém, tự Bảy Lốp.
Chỉ ít phút trước đó, Bảy Lốp đã giết
hại vợ, các con và thân nhân của một sĩ quan Cảnh Sát VNCH. Theo
tài liệu của ông Lão Ngoan Đồng, vào lúc 4g30 sáng hôm đó, Nguyễn
Văn Lém đã chỉ huy một đơn vị đặc công cùng với xe tăng của Tiểu
Đoàn 2 Cơ Giới VC tấn công trại Phù Đổng của binh chủng Thiết
Giáp ở Gò Vấp. Sau khi kiểm soát được trại lính,
Bảy Lốp bắt giữ gia đình Trung tá
Nguyễn Tuấn và bắt Trung tá phải chỉ dẫn cách xử dụng các xe tăng
còn để lại trong trại. Trung tá Tuấn từ chối, thế là Bảy Lốp giết
chết toàn thể gia đình Trung tá, gồm cả một bà mẹ già 80 tuổi.
Chỉ có một bé trai 10 tuổi tuy bị thương nặng nhưng được cứu sống.
Nguyễn Văn Lém bị bắt gần một hố chôn
tập thể 34 thường dân bị giết. Lém khai rằng y rất tự hào là tác
giả hố chôn tập thể đám người này, vì đã hoàn thành nhiệm vụ cấp
trên giao phó. Lúc bị bắt, Lém mặc quần xà lỏn, áo sơ mi cụt
cánh, hai tay bị trói trặt về phía sau mông, nhưng trong người
vẫn còn đeo khẩu súng lục.
Tướng Nguyễn Ngọc Loan đã được bá cáo
về những hành động giết người dã man của Nguyễn Văn Lém và chính
ông đã hành quyết Nguyễn Văn Lém ngay tại phạm trường.
Thế là Sáu Lèo đã loại Bảy Lốp ra
khỏi cuộc chiến đầy nước mắt của trần thế!
Nhân chứng Nguyễn Tường Toại là
một thường dân lúc đó kể lại:
“Chính tôi là người đã chứng kiến
tướng Loan bắn tên cộng sản ấy, tôi biết hắn đã làm những gì. Năm
1968 ở Sài Gòn, giữa cuộc chạm súng, hắn đẩy trẻ thơ vô tội ra
như là một làn sóng người, để đồng đội tẩu thoát. Trong trận đánh
khốc liệt này, hắn sử dụng trẻ con làm lá chắn, để các binh sĩ
phải thôi bắn... Lúc ấy mọi thứ đang hỗn loạn. Là Tư Lệnh Cảnh
Sát, Tướng Loan khi nhìn xác trẻ con chết, ông hỏi: ‘Tại sao vậy?
Chuyện gì vậy?’ Đến khi biết tại sao mấy đứa bé chết, biết ai
chịu trách nhiệm về hành động này, Tướng Loan đã nổ súng hạ tên
thủ phạm.”
3. Cuộc chiến Việt Nam sang
trang
Yếu tố bất ngờ luôn luôn được hoạch
định trong bất cứ trận đánh nào. Bắc Việt mở cuộc tấn công vào
dịp Tết linh thiêng của VN là một yếu tố bất ngờ, nhưng tại sao
trận tấn công Tết Mậu Thân đã không diễn ra vào cùng một thời
điểm trên toàn lãnh thổ VNCH? Sau này người ta mới được biết đó
là do trục trặc kỹ thuật từ Bộ Tổng Tham Mưu Bắc Việt.
Quân lệnh về ngày giờ nổ súng trên khắp
lãnh thổ Miền Nam được giữ tối mật. Chỉ có cấp lãnh đạo quân sự
cao cấp nhất mới nhận lệnh viết, còn các cấp dưới chỉ nhận khẩu
lệnh. Lệnh đó như sau: “Đánh vào đêm 30 Tết Mậu Thân”.
Khi hoạch định cuộc tấn công Tết Mậu
Thân, Bắc Việt đã cảm hứng theo cuộc Đại Phá Quân Thanh của Quang
Trung Nguyễn Huệ chiếm thành Thăng Long năm 1789. Vua Quang Trung
thời ấy đã cho quân sĩ ăn Tết sớm hơn 3 ngày để rồi mở trận Đống
Đa - Ngọc Hồi đánh đuổi quân Thanh vào đêm 30 Tết năm Kỷ Dậu.
Cũng vậy, Bắc Việt muốn làm lịch sử
theo gương Tây Sơn: “Quang Trung Nguyễn Huệ chiếm Hà Nội đuổi
giặc Thanh đêm 30 Tết Kỷ Dậu thì cộng sản Bắc Việt chiếm Sài Gòn
đuổi Mỹ-Ngụy đêm 30 Tết Mậu Thân”.
Một sự kiện rất đáng chú ý khác là bỗng
nhiên, ngày 8-8-1967, Hà Nội công bố sửa lại Âm lịch, áp dụng múi
giờ là GMT +7, khác với múi giờ của Trung Hoa mà Việt Nam đã dùng
từ ngàn năm trước là GMT +8. Hậu quả của việc này là sẽ có một số
năm, ngày Mồng Một Tết Âm Lịch đi sớm hơn Tết của Trung Hoa. Tết
Mậu Thân 1968 là Tết đầu tiên bị ảnh hưởng do quyết định này. Thế
nhưng, trong lúc miền Bắc sửa lịch thì miền Nam vẫn tiếp tục theo
lịch Trung Hoa, không chịu sửa. Thành ra, vô tình Việt Nam bỗng
dưng có hai đêm 30 Tết Mậu Thân tại hai miền Nam Bắc khác nhau.
Lệnh của Bắc Bộ Phủ là “Đánh vào đêm 30 Tết Mậu Thân”,
nhưng quân Bắc Việt không biết khởi sự tấn công vào đêm nào. Đêm
30 Tết theo lịch Bắc Việt hay lịch Nam Việt?
Nếu đánh vào “Đêm
30 Tết Bắc Việt” thì quá sớm, vì các quân nhân VNCH
chưa xuất trại đi phép nghỉ Tết. Tấn công trong lúc lực lượng
VNCH còn y nguyên tức là tự sát. Còn nếu đánh vào “Đêm
30 Tết Nam Việt” thì binh lính Bắc Việt ăn Tết chưa
đủ 3 ngày, không giống với Vua Quang Trung. Khi các cấp chỉ huy
mặt trận khám phá ra lệnh tấn công mơ hồ thì đã quá muộn! Tướng
Giáp không có cách nào gửi lệnh điều chỉnh được nữa. Do đó, mới
xảy ra việc Sài Gòn và các tỉnh miền Nam bị tấn công không cùng
một thời điểm.
Quân đội thuộc Quân Khu 5 của Bắc Việt
nổ súng từ Quảng Nam đến Khánh Hòa vào đêm 30 Tết của miền Nam,
tức đêm 29 rạng ngày 30-1-68 Dương Lịch. Còn tại các nơi khác,
Cộng quân lại ăn Tết đủ ba ngày rồi mới khởi sự tấn công vào đêm
30 rạng ngày 31-1-68 Dương Lịch, tức là đêm Mồng Một Tết.
Về phía VNCH, cho tới năm ngày trước
Tết, không có dấu hiệu gì chứng tỏ tình báo miền Nam bắt được kế
hoạch tấn công của Bắc Việt. Nhưng theo tài liệu riêng của Trung
tá Nguyễn Thiện, Trưởng Khối Đặc Biệt CSQG lúc bấy giờ, thì đến
ngày 26 tháng Chạp, trong số các tin tức nhận được, có “nguồn tin
Tây Ninh” sau khi đi họp với Trung Ương Cục miền Nam về, đã báo
cáo rất chi tiết kế hoạch tổng tấn công của Việt Cộng. Chúng
quyết định lợi dụng tinh thần “ngưng bắn” của Quân Dân Việt Nam
Cộng Hòa để nổ súng, đặc biệt là nhắm vào Thủ Đô Sài Gòn và các
tỉnh lỵ. Tin tức này đã được chuyển cho cả 2 phía: Tổng Nha CSQG
và Đại sứ Hoa Kỳ nội trong ngày 27 tháng Chạp Âm Lịch. Ngay sau
đó, Tổng Nha CSQG cũng như bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH đã ra
lệnh cấm trại 100%. Nhưng lệnh này đã quá trễ, vì có một số quân
nhân, công chức đã được đi phép từ 5 ngày trước. Đi phép luân
phiên trước, rồi sau đó trở về đơn vị thay cho một số khác đi
tiếp (tức là đi phép trước và sau Tết). Điều cũng nên nói ở đây,
khi có một số người đi phép như thế, thì tại các trụ sở của CSQG,
từ Tổng Nha đến các Ty và Chi Cảnh sát đã bắt đầu đào giao thông
hào, sắp bao cát. Đó là lệnh của Tổng Giám Đốc Nguyễn Ngọc Loan
được gửi tới các đơn vị CSQG.
Khi súng bắt đầu nổ ở một số tỉnh Cao
Nguyên vào đêm 30 Tết, các tỉnh khác cũng vẫn bình thản vui Xuân,
coi như không có gì xảy đến cho mình. Chính Tổng Thống Nguyễn Văn
Thiệu vẫn không rời Mỹ Tho để về Sài Gòn đối phó với tình hình.
Đáng lẽ ra, nếu khi thấy một số tỉnh bị tấn công thì các tỉnh
khác, kể cả Sài Gòn, đều phải ngưng ăn Tết mới phải. Lúc đó, VNCH
có tới 24 tiếng đồng hồ chuẩn bị nghênh chiến và bố trí. Thiệt
hại của miền Nam chắc chắn giảm đi rất nhiều.
Còn phía Hoa Kỳ, báo chí Mỹ chỉ trích
cơ quan tình báo CIA đã bất lực khi không biết được tin tấn công.
Nhưng các chứng nhân tại miền Nam VN đã nhìn thấy quân Bắc Việt
di chuyển gần sát các căn cứ quân sự Hoa Kỳ mà không gặp trở ngại
gì, cũng như các quân nhân Mỹ bị cắm trại 100% trong lúc quân đội
miền Nam đi chơi đầy đường phố, người ta nghi ngờ rằng Hoa Kỳ
thực sự có biết kế hoạch tấn công này. Có thể Hoa Kỳ đánh giá sai
lạc tin tức tình báo, hoặc muốn giấu VNCH hoặc đã có sự thỏa
thuận ngầm nào đó giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt?
Ông Charles B. MacDonald, một nhà viết
sử Quân Đội Hoa Kỳ, đã đoạt nhiều bằng tưởng lục, đã tiết lộ
rằng: “Mặc dầu TT Thiệu đã không hủy các giấy nghỉ phép cho quân
lính, nhưng với áp lực của Tướng Westmoreland, ông đã cam kết
rằng ít nhất 50% quân số - lúc đó là khoảng 732,000 người - sẽ
phải ứng trực.”
Qua tin tức này, chúng ta có thể đưa ra
2 nhận định: Thứ nhất, Hoa Kỳ biết chắc có cuộc tổng công kích.
Thứ hai, TT Thiệu đã không “nhạy cảm” trước sự cảnh giác của đồng
minh Hoa Kỳ. Có thể vì lệnh của Ngũ Giác Đài, Tướng Westmoreland
không được chính thức tiết lộ tin này cho VNCH, nhưng bằng một
cách gián tiếp, ông đã cảnh giác tới mức “áp lực” TT Thiệu đừng
cho binh linh về phép, vậy mà ông Thiệu vẫn không hiểu được ý của
Tướng Westmoreland, để rồi vẫn xả trại lính và chính ông cũng
thản nhiên về quê vợ ăn Tết!
Cho dù VNCH bị tấn công hết sức bất ngờ
như vậy, nhưng về phương diện quân sự, cộng sản đã chấp nhận thảm
bại trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân. Chỉ trong vòng từ 2
đến 3 ngày, các lực lượng quân đội và Cảnh Sát miền Nam, cùng với
quân lực Hoa Kỳ yểm trợ, đã anh dũng đẩy lui bộ đội Bắc Việt ra
khỏi tất cả các nơi chiếm đóng, ngoại trừ thị xã Huế phải mất gần
một tháng trời.
Tổng kết thiệt hại của các bên tham
chiến trong biến cố Tết Mậu Thân được ghi nhận như sau:
Phía
Hoa Kỳ và Đồng Minh có 1,536 tử thương, 7,764 bị thương, 11 mất
tích.
Phía VNCH, có 2,788 tử thương,
8,299 bị thương, 587 mất tích.
Phía Bắc
Việt, có 45,000 tử thương, 6,991 bị bắt, còn bị thương và mất
tích không rõ.
Phía dân chúng, có 14,000
tử thương, 24,000 bị thương và 630,000 người mất nhà cửa.
Tuy nhiên, phải thành thực nhận rằng
cộng sản Bắc Việt đã thành công về mặt chính trị và xảo thuật.
Về xảo thuật, Bắc Việt đã mở cuộc tấn
công này để dùng sức mạnh quân dân chính miền Nam thanh toán hết
sức mạnh quân sự của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (tuy chẳng có
nhiều) để chuẩn bị cho ngày miền Bắc thống nhất đất nước. Điều
này thực sự được chứng minh, vì ngay sau ngày 30-4-1975, các lực
lượng của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam bị Bắc Việt cho giải giới
và nhận chìm trong quên lãng, khiến cho những người trong Mặt
Trận này giận tím mật tím gan mà không đủ sức tạo ra một đề kháng
nào cả.
Vy
Thanh, một cán bộ cộng sản cao cấp miền Nam đã thú nhận rằng “Miền
Nam bị nhuộm đỏ” và đau xót châm biếm Trung Ương Cục (TƯC)
Miền Nam:
“Ðây
là đất TƯC, đọc theo từng âm của mẫu tự thành “TỨC”. TƯC là chỗ
gây ra cái tức, như tức mình vì thấy quá nhiều chuyện trái tai
gai mắt, tức hộc gạch vì ức lòng quá mà nói ra không được, máu
trong tim muốn ộc ra, tức lộn ruột vì đang đứng gặp chuyện ngược
đời thành thử đầu dộng xuống đất cẳng chổng lên trời.”
Còn về phương diện chính trị, Bắc Việt
đã thành công nhờ các lực lượng phản chiến tại Hoa Kỳ nổi lên như
vũ bão sau Tết Mậu Thân, khiến cho đương kim Tổng Thống Lyndon B.
Johnson (Đảng Dân Chủ) không dám ra tranh cử nữa và Richard M.
Nixon đã lợi dụng tình hình chính trị tại VN để thắng cử, rồi đưa
Henry Kissinger vào chức vụ Tổng Trưởng Ngoại Giao, bán đứng VNCH
cho cộng sản.
Chính Phạm Văn Đồng đã công khai tuyên bố cuộc chiến Việt Nam đã
thắng trên đường phố Hoa Thịnh Đốn.
Tóm kết, biến cố Tết Mậu Thân thực sự
đã thay đổi toàn diện chiến tranh Việt Nam. Và một diễn biến lúc
đầu người ta tưởng là nhỏ, nhưng lại đã góp phần rất lớn trong
việc thay đổi cuộc chiến. Đó là tấm hình Tướng Loan hành quyết
Bảy Lốp trên đường phố Sài Gòn. Tấm hình đã gây oan nghiệt cho cả
cuộc đời ông và hơn thế nữa, nó đã góp phần rất lớn trong diễn
biến sụp đổ của chế độ VNCH.
Vậy ai là tác giả của tấm hình
đầy oan nghiệt này?
4. Nhiếp ảnh gia Eddie Adams
Eddie Adams sinh ngày 12-6-1933. Ông đã
từng tham dự 13 cuộc chiến tranh, từ
Việt Nam đến vịnh Ba Tư, với tư cách ký giả chụp ảnh chiến
trường. Ông đã lãnh tới 500 giải thưởng.
Khi cộng sản Bắc Việt mở cuộc tấn công
Tết Mậu Thân, nhiều ký giả chiến trường ngoại quốc được tung ra
khắp miền Nam để thu hình và loan tin. Bám sát bộ chỉ huy hành
quân của Tướng Loan ngày mồng Hai Tết Mậu Thân là nhiếp ảnh gia
Eddie Adams của hãng AP và phóng viên quay phim người Việt Nam
làm việc cho đài NBC, tên là Võ Sửu.
Tất cả các diễn biến về Tướng Sáu Lèo
bắn đặc công Bảy Lốp đã được Eddie Adams và Võ Sửu thu hết vào
ống kính, không sót một chi tiết. Tướng Loan biết rõ việc này.
Nếu muốn, ông có thể ra lệnh tịch thu lại hết các cuốn phim,
nhưng ông đã không làm như vậy. Có thể Tướng Loan nghĩ rằng ông
đã làm một điều rất đúng trong quyền hạn của ông nên không cần gì
phải che giấu. Ngay sau lúc bỏ lại khẩu súng lục vào bao, ông
thản nhiên nói với Adams: “Tên Việt Cộng này đã giết nhiều người
Hoa Kỳ và người của tôi.”
Tuy ông Võ Sửu của đài NBC quay được
cảnh Tướng Loan bắn Bảy Lốp, nhưng cả thế giới chỉ biết đến bức
hình của Eddie Adams thôi.
Adams kể lại lúc Tướng Loan bắn Nguyễn
Văn Lém như sau: “Lúc đầu, tôi tưởng Lém được dẫn đến để Tướng
Loan thẩm vấn. Khi ông rút súng chĩa vào Lém, tôi cũng vẫn còn
tưởng là ông chỉ dọa thôi. Hóa ra, ông bắn thật.”
Còn phóng viên Võ Sửu kể lại rằng: Sau
khi bắn, Tướng Loan nói với các ký giả: “Những tên này đã giết vô
số dân chúng của tôi và tôi nghĩ Đức Phật sẽ tha thứ cho tôi.”
Ngay đêm mồng Hai Tết Mậu Thân, bức
hình của Adams được gửi từ Sài Gòn ra ngoại quốc và rồi được in
ngay trên trang nhất của các báo chí trên khắp thế giới.
5. Bức hình oan nghiệt
Bức hình Sáu Lèo bắn Bảy Lốp được các
nhóm phản chiến đưa ra khai thác tận tình trên các báo chí,
truyền thanh và truyền hình tại Hoa Kỳ để đạt tới mục đích mong
muốn: Phải chấm dứt chiến tranh Việt Nam bằng mọi giá, vì – theo
lời họ - nó bẩn thỉu, không có chính nghĩa.
Tom Buckley, bình luận gia của báo
Harper nhận xét: “Đây là lúc công
luận Mỹ quay lại chống chiến tranh Việt Nam.”
Viện Gallup vào giữa tháng 3-1968 công
bố rằng trước Tết Mậu Thân, có 1/5 người được hỏi đã nhận mình là
“diều hâu” (tức ủng hộ chiến tranh), nhưng sau khi thấy bức hình
Tướng Loan bắn Bảy Lốp thì họ tự đổi thành “bồ câu” (tức chống
chiến tranh).
Đại Tướng Colin Powell, lúc đó mới mang lon Thiếu tá đang dự khóa
huấn luyện ở Fort Leavenworth, Kansas, kể lại quang cảnh lớp học
quân sự sau khi bức hình oan nghiệt được đăng trên báo chí và
truyền hình như sau: “Hôm đó, khi
tôi đến lớp học, mọi nguời không ai tin được chuyện này đã xảy
ra, y như vừa bị một cú thoi vào bụng.”
Cũng kể từ tháng Ba 1968, các cuộc biểu
tình chống chiến tranh Việt Nam tại Hoa Kỳ đột nhiên rầm rộ khác
thường. Tháng 10 năm đó, lực lượng Cảnh Sát Hoa Kỳ bắt đầu đụng
độ với các cuộc biểu tình bạo động. Một năm sau, các cuộc biểu
tình phản chiến tại Hoa Kỳ đòi rút quân ra khỏi Việt Nam đã thu
hút hàng triệu người tham dự. Chính phủ Hoa Kỳ bị Quốc Hội trói
tay, cắt ngân sách viện trợ cho VNCH. Quân đội Hoa Kỳ bắt đầu xếp
ba lô hồi hương vào năm 1973, để rồi hai năm sau (30-4-1975),
miền Nam Việt Nam tức tưởi tuyên bố đầu hàng.
Cộng sản chiếm dinh Độc Lập, Sài Gòn,
ngày 30-4-1975
6. Adams hối hận
Adams kể lại rằng sau khi bức hình
Tướng Loan bắn Bảy Lốp được gửi về trụ sở trung ương, thượng cấp
của ông khuyến khích ông ráng chụp thêm nhiều bức hình giống như
vậy, nhưng Eddie Adams nói rằng ông bắt đầu suy nghĩ về việc này.
Càng tìm hiểu về Tướng Loan, ông càng ngưỡng mộ Tướng Loan về tài
đức. Tướng Loan là người đang được dân chúng Việt Nam thương mến,
ông là người làm tốt cho xứ sở ông. Ngay từ khi cộng sản tấn công
vào Sài Gòn, ông là vị Tướng duy nhất điều động lực lượng Cảnh
Sát ngoài đường phố. Nếu không có Tướng Loan, không biết số phận
Sài Gòn sẽ ra sao? Vậy mà bức hình của ông lại gây ngộ nhận để
công luận lên án Tướng Loan là tàn bạo.
Tên tuổi Adams bỗng nhiên nổi lên như
cồn. Chỉ một năm sau, tức năm 1969, nhờ bức hình này, Adams lãnh
luôn hai giải thưởng cao quý Pulitzer và World Press Photo. Nhưng
thật lạ kỳ! Ông ta bắt đầu nhận ra có điều gì không ổn. Ông thuật
lại rằng: “Tôi mặc bộ đồ dạ hội
sang trọng để lãnh giải thưởng và tiền thưởng về bức hình đó tại
Đại Hội Nhiếp Ảnh ở Hòa Lan. Khi ban nhạc trổi bài quốc ca Hoa
Kỳ, tôi bật khóc. Không phải tôi khóc vì sung sướng, mà khóc cho
Tướng Loan. Cho tới giờ phút đó, tôi vẫn chưa ý thức được việc
tôi đã làm. Khi chụp tấm hình đó, tôi đã hủy hoại đời ông Tướng,
vì ông bị dân chúng ở cả nước ông lẫn Hoa Kỳ lên án về tội giết
tù binh chiến tranh. Trong bất cứ cuộc chiến nào, người ta cũng
vẫn thường làm như vậy, nhưng hiếm có nhiếp ảnh viên nào chụp
được mà thôi.”
Năm 1983, Adams trở lại Việt Nam và
được biết tấm hình oan nghiệt của ông được trưng bày ở một chỗ
rất trang trọng của Bảo Tàng Viện Chiến Tranh tại Sài Gòn. Tuy
nhiên, hiện nay không hiểu vì lý do gì, bức hình đã được gỡ bỏ,
và chỉ được bày bán trong gian hàng bán đồ kỷ niệm tại Bảo Tàng
Viện này thôi.
Sau năm 1975, có tới 8 người đàn bà
đứng ra nhận là vợ của Nguyễn Văn Lém. Tuy nhiên, cho tới nay,
xác của viên đặc công này vẫn chưa được tìm thấy.
Trong nhiều dịp khác nhau, Adams tiếp
tục bày tỏ niềm ân hận về hậu quả bất công của tấm hình: “Tôi
nhận tiền để trình diễn cảnh một người giết một người. Tướng Loan
đã bắn chết tên Việt Cộng đã giết rất nhiều người dân vô tội và
tướng Loan chỉ dùng công lý để xử tội hắn mà thôi.”
Vào năm 1994, Adams không muốn trưng
bày bức hình oan nghiệt này nữa. Ông giải thích: “Nếu sự việc tái
diễn, có lẽ tôi cũng lại chụp tấm hình như vậy, vì đó là nghề
nghiệp mà! Nhưng tôi không còn muốn nói gì về bức hình ấy nữa.
Tôi không trưng bày nó nữa. Tôi không xử dụng nó bất cứ tại nơi
đâu.”
Ông
thường nói rằng: “Tướng Loan là một vị anh hùng của chính nghĩa.
Bức hình tôi chụp đã lừa dối công luận. Ông chiến đấu cho cuộc
chiến của chúng ta, không phải cuộc chiến của họ. Vậy mà mọi điều
nhục nhã lại đổ trên đầu con người này.”
Trong cuộc tỵ nạn của người Việt Nam
năm 1975, Eddie Adams cũng đã chụp được những tấm hình nổi tiếng
về cuộc vượt thoát can đảm, đầy gian nguy của thuyền nhân Việt
Nam vào năm 1977. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã xin phép hãng AP để gửi
sang Quốc Hội các tấm hình này. Nhờ vậy, gần 200,000 thuyền nhân
Việt Nam được chấp thuận định cư ở Hoa Kỳ. Eddie Adams sung sướng
nói rằng: “Tôi thà được biết đến qua những bức hình tôi chụp 48
người Việt Nam tỵ nạn trên chiếc thuyền dài 30 foot, rồi bị hải
quân Thái đuổi ra biển. Nhờ những tấm hình này, tôi đã làm được
những điều tốt mà không gây đau khổ, oan nghiệt cho ai cả.”
7. Tranh luận về bức hình
Tại sao bức hình Sáu Lèo bắn Bảy Lốp đã
trở thành đề tài nóng bỏng?
Nhóm phản chiến Hoa Kỳ lập luận rằng:
Đại úy đặc công Nguyễn Văn Lém đã bị bắt, hai tay bị trói quặt về
sau lưng, tức là Nguyễn Văn Lém đã thực sự trở thành tù binh
chiến tranh, Tướng Loan không có quyền hành quyết một kẻ thù
trong trường hợp đã bị bắt, không còn phương tiện tấn công. Hành
động này trái với điều 3 Quy Ước Genève ngày 12-8-1949 về tù
binh. Từ đó, họ kết luận cuộc chiến Việt Nam là bẩn thỉu, người
Mỹ không nên dính vào nữa.
Phóng viên chiến trường Neil Davids của
Úc Đại Lợi, trong cuốn “In The Frontline”,
đã bênh vực Tướng Loan rằng tên đặc công mặc áo dân sự, tức là
không phải “quân nhân địch” như đã quy định trong Quy Ước Genève
về tù binh, y lại phạm tội quá rõ ràng là giết nhiều đàn bà con
nít và ngoan cố không chịu đầu hàng thì Tướng Loan có gọi là
“phiến loạn” để xử bắn trong thời gian “thiết quân luật” thì cũng
không có gì để gọi là quá đáng.
Tướng William Westmoreland, Tổng Tư
Lệnh Lực Lượng Quân Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam đã nhận định rằng hành
động của Tướng Loan là “không
khôn ngoan, nhưng Tướng Loan đã làm dưới áp lực. Vấn đề này liên
quan tới pháp lý mà ông không thể phán đoán được. Ông chỉ muốn
nhấn mạnh đến áp lực vào thời điểm đó, tức là sự giận dữ về những
hành động khủng bố của cộng sản.” Và sau khi chiến
tranh Việt Nam chấm dứt, Tướng Westmoreland đã phẫn nộ công kích
báo chí vì đã tạo ra những nguồn tin thất thiệt, tâng bốc sự thảm
bại của Việt Cộng thành một cuộc “chiến thắng tâm lý” của cộng
sản.
Nhưng
thực sự, cả thế giới đã mắc lừa phản chiến Mỹ: Lừa về sự kiện và
lừa về pháp lý.
a) Về sự kiện:
Chính tác giả tấm hình, ông Eddie Adams
đã nói bức hình của ông mới chỉ nói lên được một nửa sự thực. Ông
ân hận, ông khóc lóc, ông phân bua, ông gào thét trên truyền
hình, truyền thanh, báo chí và trước quan tài của Tướng Loan để
cảnh giác thế giới rằng họ đã hiểu lầm về ý nghĩa bức hình của
ông. Một nửa cái bánh vẫn là cái bánh, nhưng một nửa sự thực là
sự sai, sự gian xảo, sự lừa lọc, sự lầm lẫn. Thế mà cả thế giới
vẫn nhắm mắt, bịt tai và im lặng để cho Tướng Loan chết trong oan
khiên và VNCH chết tức tưởi trong nhục nhằn.
Vậy cái nửa sự thực kia mà bức
hình Adams không diễn tả được là gì?
Đó là:
1- Adams đã không ghi lại được
những hình ảnh Nguyễn Văn Lém bắn giết và chôn sống dã man những
người dân vô tội mà Tướng Loan có trách nhiệm phải bảo
vệ. Họ là đàn bà, con nít không có phương tiện tự vệ trong tay.
Sự việc này cũng đã được điều 4 Quy Ước Genève ngăn cấm các quân
nhân tham dự chiến tranh không được làm như vậy.
2- Adams đã không diễn tả được
cảnh Bắc Việt đã lợi dụng thỏa ước hưu chiến ngày Tết thiêng
liêng như phương tiện để tấn công bất ngờ VNCH, gieo bao
nhiêu tang thương, chết chóc, tủi hờn cho dân chúng miền Nam.
3- Adams cũng đã không ghi được
cảnh tượng hàng ngàn người dân Huế bị chôn tập thể do
bàn tay các đồng chí của Nguyễn Văn Lém gây nên.
Tóm lại, cái nửa sự thực mà Adams không
trình bày được là nguyên nhân dẫn đến cái nửa sự thực được diễn
tả trong bức hình. Nói cách khác, Tướng Loan nổ súng kết liễu đời
Nguyễn Văn Lém chỉ là hậu quả tất nhiên của chính việc làm của
Lém đã giết hại những người dân vô tội mà thôi.
b) Về pháp lý:
1- Trong bốn phe tham chiến tại
Việt Nam: Bắc Việt, Nam Việt, Hoa Kỳ và Mặt Trận Giải
Phóng Miền Nam, chỉ có chính phủ miền Nam (VNCH) đã không hề ký
kết bất cứ phần nào của Quy Ước Genève về tù binh và còn công
khai bác bỏ vào ngày 18-2-1974. Còn Hoa Kỳ ký ngày 2-8-1955; Bắc
Việt ký vào các năm 1953, 1957 và 1976; và Mặt Trận ký vào các
năm 1973, 1974.
Tại sao VNCH đã không ký Quy Ước này?
Chúng tôi chưa tìm ra tài liệu để trả lời. Tuy nhiên, cần ghi
nhận ngay rằng VNCH có quyền làm như vậy mà không ai có thể suy
luận xấu cho hành động không ký kết này. Các Quy Ước quốc tế
không phải là tài liệu gì cần thiết đến nỗi các quốc gia hội viên
không ký không được. Liên Hiệp Quốc cũng không có quyền bắt các
hội viên phải ký kết mọi Quy Ước quốc tế, như Quy Ước về tù binh.
Tính đến năm 2005, mới chỉ có 192 quốc gia trên thế giới chấp
thuận toàn thể Quy Ước về tù binh. Một số quốc gia chỉ thuận một
phần. Số khác thuận với những giới hạn do họ đặt ra. Ví dụ: Hoa
Kỳ chấp nhận toàn thể Quy Ước về tù binh, ngoại trừ Hiến Chế
(Protocol) 1 và 2 ban hành năm 1977.
Như vậy, VNCH (1954-1975) chưa hề bao
giờ ký kết chấp nhận Quy Ước Genève về tù binh thì làm sao có thể
quy kết VNCH và Tướng Loan vi phạm Quy Ước này được?
2- Dù có phê chuẩn Quy Ước,
nhưng mỗi quốc gia lại tự ý giải thích Quy Ước theo quan niệm và
quyền lợi riêng tư của mình.
Hãy lấy ngay trường hợp Bắc Việt và Hoa
Kỳ làm bằng chứng.
Bắc Việt không tuân thủ Quy Ước dành
cho tù binh Hoa Kỳ với lý do rằng Hoa Kỳ đã mở cuộc chiến tranh
đế quốc xâm lược Việt Nam, tức là một cuộc chiến không có chính
nghĩa, cho nên tù binh Mỹ không đáng hưởng những đặc ân của Quy
Ước tù binh.
Phía Hoa Kỳ lại cũng không cho quân lính Bắc Việt và Mặt Trận
Giải Phóng Miền Nam được hưởng Quy Ước, viện lý do là Bắc Việt và
Mặt Trận đã áp dụng những chiến thuật du kích quá dã man, không
thích hợp cho một cuộc chiến quân sự. Binh lính Bắc Việt và Mặt
Trận bị bắt thực sự chỉ là những can phạm hình sự, chứ không phải
đúng nghĩa tù binh.
Gần đây nhất, sau khi Hoa Kỳ đem quân
chiếm đóng Afghanistan vào tháng 10-2001 và lật đổ chính quyền
Taliban, Tổng Thống George W. Bush không cho các quân nhân của
Taliban hưởng ân huệ của Quy Ước Genève, vì chính quyền Bush gọi
họ là “chiến binh phi pháp luật” (unlawful combatants), chứ không
phải tù binh chiến tranh (prisoners of war).
Đến tháng 3-2003, Hoa Kỳ lại mở cuộc
chiến lật đổ chính phủ Saddam Hussein tại Iraq và không cho bất
cứ chiến binh nào không có quốc tịch Iraq bị Hoa Kỳ bắt trên đất
Iraq được hưởng quy chế tù binh.
Như vậy, dù có chấp nhận Quy Ước về tù
binh mà lại cắt nghĩa Quy Ước theo ý riêng của mình, thì có ký
hay không ký cũng chẳng khác nhau bao nhiêu.
Giả như VNCH có ký vào Quy Ước Genève
thì có thể giải thích rằng Nguyễn Văn Lém không phải là tù binh
chiến tranh, vì khi bị bắt, y không giao tranh với quân lực VNCH,
mà lại đang lùng kiếm giết hại dân lành vô tội. Rõ ràng y là tội
nhân hình sự, chứ không phải tù binh.
3- Việc ký kết đã vậy, còn việc
vi phạm Quy Ước quốc tế cũng không phải là điều ít khi xảy ra.
Ví dụ:
- Bắc Việt thỏa hiệp ngưng chiến trong
dịp Tết Mậu Thân, nhưng công khai mở cuộc tấn công trên toàn lãnh
thổ VNCH.
-
Bắc Việt ký Hiệp Định Đình Chiến Genève 1954, nhưng vẫn ngăn cản,
không cho đồng bào miền Bắc di cư và chuẩn bị đem quân xâm chiếm
miền Nam.
-
Bắc Việt ký Hiệp Ước Hòa Bình Paris 1973, nhưng vẫn tiếp tục đẩy
mạnh chiến tranh tại miền Nam Việt Nam cho đến ngày thành công.
- Bắc Việt ký Quy Ước tù binh, nhưng
không áp dụng. Thẩm Phán Quân Sự Hoa Kỳ, ông Ronald P. Cundick
viết rằng: “Mặc dù Bắc Việt và Việt Cộng (ám chỉ Mặt Trận Giải
Phóng Miền Nam) đã không chịu áp dụng Quy Ước Genève về tù binh,
nhưng họ vẫn nói rằng họ đối xử nhân đạo với quân nhân bị bắt.
Tuy nhiên, trên thực tế, các tù binh Hoa Kỳ bị Bắc Việt và Việt
Cộng bắt giữ đã bị đối xử dã man và bị dùng như con tin chính trị
và lợi khí tuyên truyền.”
Thế giới đã không lên tiếng về việc
hàng triệu sinh linh đã phải hy sinh trong các vụ Bắc Việt vi
phạm các Hiệp Ước kể trên, mà lại làm ầm ĩ vụ Tướng Loan bắn
Nguyễn Văn Lém. Người ta đòi hỏi Nguyễn Văn Lém phải được hưởng
quy chế tù binh theo Quy Ước Genève. Làm gì có Quy Ước đó trong
cuộc chiến ở Việt Nam? VNCH không ký. Bắc Việt và Mặt Trận Giải
Phóng Miền Nam ký, nhưng chính họ đã xé bỏ từ lâu. Quy Ước Tù
Binh chỉ còn là mảnh giấy lộn, bị bom đạn đốt cháy. Còn đâu mà
tìm?
4- Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được khai sinh ngày 20-12-1960
với mục đích lật đổ chế độ chính trị miền Nam bằng bạo lực.
Bắc Việt luôn luôn chối là không hề
tham dự gì vào các trận đánh ở miền Nam. Đó chỉ là chuyện riêng
tư giữa nhân dân miền Nam nổi dậy chống nhà cầm quyền của họ.
Nếu lập luận này là đúng thì hai hậu
quả được đặt ra cho vụ Tướng Loan:
Thứ nhất,
Nguyễn Văn Lém là một phần tử trong tổ chức nổi loạn chống chính
phủ miền Nam, nên không phải áp dụng Quy Ước Quốc Tế Genève, mà
là luật lệ VNCH.
Thứ nhì, luật
pháp của VNCH thời đó đã đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật,
nghĩa là các cán binh cộng sản chống lại VNCH bằng võ lực không
còn được luật pháp bảo vệ như một công dân thường. Nguyễn Văn Lém
là một phần tử trong tổ chức bị luật pháp đặt ngoài vòng pháp
luật, y lại còn bị bắt quả tang trong lúc phạm tội hình nguy
hiểm. Vậy thì Tướng Loan, vị chỉ huy cao cấp nhất ngành Cảnh Sát,
đang có mặt trên phạm trường có quyền thụ lý nội vụ và quyết định
những biện pháp thích nghi. Tướng Loan đã hành xử đúng quyền hạn
của ông khi quyết định xử tử Nguyễn Văn Lém ngay tại phạm trường,
để chấm dứt tội ác của y. Quyết định của ông phải được coi là hợp
luật. Cần ghi nhận rằng Tướng Loan không hề bị khiển trách hay
điều tra bởi các cơ quan Giám Sát, Hành Pháp, Tư Pháp hay Lập
Pháp của VNCH về việc ông đã hành quyết Nguyễn Văn Lém.
Tuy nhiên, sau ngày 30-4-1975, chiếc
màn nhung tuyên truyền của cộng sản rớt xuống, cả thế giới đều
thấy rõ ràng Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chỉ là con đẻ của Bắc
Việt. Bằng chứng quá nhiều:
- Con
đường mòn Hồ Chi Minh do Hà Nội xây dựng,
- Vũ khí đạn dược từ Nga Sô và Trung
Cộng từ Bắc đổ xuống Nam,
- Các cán binh đều nói giọng miền Bắc,
- Tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy trận
đánh tiến chiếm miền Nam,
- Hà Nội công khai tuyên bố chiến thắng
và tức khắc khai tử hai thể chế chính trị tại miền Nam cùng một
lúc: VNCH và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Đúng là một phát súng,
hai con chim ngã gục!
Phải đợi tới lúc này, cả thế giới mới
nhìn thấy một sự thực hiển nhiên là Bắc Việt đã xé bỏ biết bao
nhiêu Hiệp Ước Quốc Tế ngay khi chữ ký chưa ráo mực, miễn sao
đánh chiếm được miền Nam. Vậy thì đưa Quy Ước Quốc Tế Genève về
tù binh ra buộc tội VNCH và Tướng Loan rõ ràng chỉ là một công
việc thừa thãi, đúng ra là một trò hề! Sau này, tất cả những bộ
mặt phản chiến nổi danh tại Hoa Kỳ như nữ tài tử Jane Fonda, và
nữ ca sĩ Joan Baez đều đã đấm ngực ăn năn.
Đây là lời thú tội của Jane Fonda: “Tôi
xin được nói đôi lời, không phải chỉ gửi đến các cựu chiến binh
Việt Nam ở New England, mà đến tất cả những người đã từng chiến
đấu ở Việt Nam. Họ là những người bị tôi gây tổn thương, hoặc bị
tôi gây thêm sầu khổ, do những lời tôi đã nói hay những việc tôi
đã làm. Tôi cố gắng giúp chấm dứt sự chết chóc và chiến tranh,
nhưng có những lúc tôi không chín chắn và thiếu thận trọng khi
làm việc đó và tôi... rất hối hận vì đã làm tổn thương họ. Tôi
muốn được xin lỗi họ và gia đình họ.”
Nhưng mọi việc đã quá muộn màng. Đời
con gái khôn ba năm dại một giờ! Lịch sử đã sang trang. Miền Nam
đã hoàn toàn bị nhuộm đỏ! Có hối hận cũng chẳng ích lời gì nữa!
5- Sau cùng, vấn đề còn lại là
việc Tướng Loan xử tử Bảy Lốp có đúng thủ tục pháp lý và nhân đạo
hay không?
Lý lẽ quan trọng nhất người ta thường
nêu lên để trách cứ Tướng Loan là đã xử tử Nguyễn Văn Lém mà
không có án lệnh của tòa án.
Không! Người ta đã lầm. Lầm hoàn toàn!
Người ta đòi hỏi Nguyễn Văn Lém phải được bắt giữ đúng thủ tục tư
pháp? Ai có quyền bắt giữ kẻ phạm pháp? – Đó là Cảnh Sát. Nhưng
Cảnh Sát là những người mà Lém đang tìm giết. Chẳng những giết
Cảnh Sát mà Lém còn giết cả vợ con, gia đình Cảnh Sát nữa. Lém
đâu có cần đến Cảnh Sát! Dù sao, thực tế Nguyễn Văn Lém đã bị
Cảnh sát bắt đang lúc quả tang phạm pháp.
Người ta đòi phải đem Nguyễn Văn Lém ra
tòa án xét xử. Còn tòa án đâu mà xử? Tòa án cũng như các cơ sở
công quyền đều là mục tiêu Lém và các đồng chí của y đang chủ
trương đốt phá cho kỳ hết. Thẩm phán là những người Lém đang tìm
bắt để chôn sống.
Tất cả miền Nam Việt Nam trong dịp Tết
Mậu Thân là một bãi chiến trường khổng lồ mà Bắc Việt đã dựng
lên. Trong hoàn cảnh chiến tranh, chết chóc, lửa đạn như vậy mà
lại còn đòi hỏi nào là Quy Ước, nào là Cảnh Sát Tư Pháp, nào là
Tòa án, nào là Thẩm phán... Tất cả những thứ đó Nguyễn Văn Lém
không cần. Điều mà y thực sự cần là chấm dứt tội ác và đền tội.
Nguyễn Văn Lém đã không mặc quân phục,
đội nón cối, đi dép râu để giao tranh với quân đội VNCH như các
bộ đội Bắc Việt khác. Nguyễn Văn Lém mặc thường phục, đi giết
hại, khủng bố đàn bà con nít để bắt họ làm bia đỡ đạn. Bảy Lốp
chẳng những đã không phủ nhận mà còn hãnh diện về các vụ giết và
chôn sống đàn bà con nít của y. Hành vi này kết thành tội sát
nhân với trường hợp gia trọng, bắt buộc phải bị tử hình.
Phương cách thi hành án tử hình vẫn
được áp dụng vào thời đó tại Việt Nam là các tử tội bị trói vào
cột và một tiểu đội hành quyết nổ súng. Sau đó, viên tiểu đội
trưởng đến gần bắn một phát súng ân huệ vào đầu tử tội để chắc
chắn y đã chết. Nguyễn Văn Lém đã bị hành quyết đúng theo thủ
tục: Tử tội bị trói đem ra pháp trường và hưởng phát súng hành
quyết cũng chính là phát súng ân huệ của Tướng Nguyễn Ngọc Loan,
Tổng Giám Đốc CSQG.
8. Cuộc Đời Tướng Nguyễn Ngọc
Loan
Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan sinh ngày 11-2-1930 tại Huế, tốt
nghiệp Khóa 1 Trường Võ Khoa Thủ Đức.
Năm 1953, ông thụ huấn khóa phi công
tại Trường Không quân Salon de Provence tại Pháp và tốt nghiệp
với bằng Kỹ Sư Hàng Không. Ông là một phi công lái khu trục cơ
đầu tiên của Không lực VNCH. Khoảng đầu năm 1960, ông giữ chức
Chỉ Huy Trưởng Phi Đoàn 2 Quân Sát, đóng tại Nha Trang.
Năm 1964, ông được vinh thăng Đại tá và
giữ chức Tư Lệnh Phó Không Quân Việt Nam Cộng Hòa.
Trong chiến dịch “Mũi Tên Lửa”
(Flamming Dart), ngày 11-2-1965, Đại tá Nguyễn Ngọc Loan đã dẫn
đầu những phi đoàn Bắc phạt A1 Skyraider vượt qua vĩ tuyến 17 bắn
phá miền Bắc Việt Nam.
Ngay sau chiến dịch này ông được bổ về
làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia kiêm Giám đốc Nha An Ninh
Quân đội, phụ trách Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo.
Kể từ ngày về chỉ huy ngành CSQG, các
báo chí Sài Gòn được gần gũi với Đại tá Loan hơn và đã đặt cho
ông hỗn danh là “Sáu Lèo”.
Tác giả Phan Lạc Phước đã giải thích ý nghĩa hỗn danh “Sáu
Lèo” như sau:
“Sáu ở đây là quan Sáu theo danh
xưng bình dân thời Pháp gọi các quan võ, mỗi một vạch trên vai là
một cấp bậc (thiếu úy vạch một vạch là ông một, trung úy vạch hai
vạch là ông hai...). Nhưng sau chữ Sáu của ông Loan còn thêm tĩnh
từ Lèo. Không biết nó xuất xứ từ đâu, nhưng khi nó đi vào ngôn
ngữ dân gian thì nó mang một ý niệm bỉ thử, dèm pha, tiêu cực.
Tiền lèo là tiền vô giá trị, hay là tiền chỉ có trong tưởng
tượng. Hứa lèo là hứa xuông, hứa hão, hứa mà không thực hiện bao
giờ. Vậy Sáu Lèo có nghĩa là một ông quan vô giá trị hay là một
ông tướng hữu danh vô thực hay sao? Sở dĩ cái danh xưng này đứng
vững, một phần là vì cái bề ngoài luộm thuộm của ông Loan. Ông
rất ít khi mặc quân phục, mũ mãng cân đai, nghênh ngang giàn giá.
Ông thường mặc quần Trây-di xộc xệch, không đeo lon lá gì, chân
đi dép cao su lẹp xẹp. Ra ngoài thì ông ngồi xe jeep bình thường,
không có mang cờ quạt, mà cũng không có xe mở đường, mô-tô bảo
vệ. Ông nhiều khi còn cỡi xe mobilet lạch xạch đi làm. Có khi ông
còn một tay cầm chai lade, vừa chửi thề loạn xạ. Bề ngoài của ông
tướng Loan đúng là xập xệ, là lèo, nhưng việc làm của ông thì lại
không lèo một chút nào... Ông hành động theo những điều mà riêng
ông cho là phải. Ông là người bất quy tắc (non conformist) cho
nên ông được gọi là Sáu Lèo.”
Cách giải thích của tác giả Phan Lạc
Phước khá lý thú. Tuy nhiên, chữ “Lèo”
ngoài ý nghĩa khôi hài châm biếm như trên, còn có thể mang thêm
một ý nghĩa khác đứng đắn và cũng hợp với hoàn cảnh Tướng Loan.
“Lèo” thường đi chung với chữ “Lái”: Lèo Lái. Từ sau cuộc đảo
chánh 1963, các nhân viên ngành CSQG bị gán tiếng là thân cận với
chế độ Ngô Đình Diệm, nên bị bạc đãi và mất tinh thần, nhưng khi
Tướng Loan về lèo lái con thuyền Cảnh Sát thì tất cả đều đổi mới,
bóng tối tự ti mặc cảm biến mất, ánh sáng bình minh ló dạng và
mọi người hăng hái ra khơi. Lúc đó, ngành Cảnh Sát có 70,000 nhân
viên, chỉ chuyên chú về việc bảo vệ luật lệ. Đại tá Loan đã quân
sự hóa ngành Cảnh Sát để trở thành một lực lượng bán quân sự, vừa
bảo vệ trật tự dân chúng vừa hành quân võ trang chống cộng sản
với lực lượng Cảnh Sát Dã Chiến. Thành quả đáng tuyên dương là
chính lực lượng Cảnh Sát đã chống trả cuộc tổng công kích Tết Mậu
Thân ngay từ giây phút đầu tiên, để rồi sau đó, các quân binh
chủng khác mới tập trung tiếp sức.
Năm 1966, Đại tá Nguyễn Ngọc Loan được
chính quyền Sài Gòn cử ra miền Trung bình định vụ biến động Phật
Giáo miền Trung. Với thành quả rất mạo hiểm và xuất sắc này, ông
được vinh thăng Chuẩn Tướng vào tháng 11-1967.
Sau Tết Mậu Thân năm 1968, ông được
thăng cấp Thiếu Tướng.
Tác giả Phạm Phong Dinh trong cuốn “CHIẾN
SỬ Quân Lực VNCH” đã viết rằng: “Cống
hiến lớn nhất của Thiếu Tướng Loan mà cũng là mối oan khiên mà
ông phải gánh chịu nhục nhằn trong vòng mấy chục năm là cuộc
chiến đấu trong những ngày Mậu Thân binh lửa...”
“Thiếu
Tướng Nguyễn Ngọc Loan cùng lực lượng CSQG và Cảnh Sát Dã Chiến
chịu trách nhiệm đánh địch tại lãnh thổ các quận 1, 2, 3, 4, 5.
Các chiến sĩ Cảnh Sát liên tục mở những cuộc hành quân loại địch
ra khỏi dân chúng. Tuy nhiên, khi mặt trận Hàng Xanh nổ lớn,
Thiếu Tướng Loan đã điều động lực lượng Cảnh Sát Dã Chiến và đích
thân ông chiến đấu sát cánh với các chiến sĩ Mũ Nâu Tiểu Đoàn 30
BĐQ của Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân. Các thám thính xa V-100 của
Cảnh Sát cũng được gửi tới tăng viện mặt trận. Quân ta tiến vất
vả và chậm trên khắp mặt trận, là bởi vì bọn Việt Cộng man rợ,
chúng lùa thường dân, đàn bà, người già và trẻ em làm bia đỡ đạn
hoặc dùng súng bắn chặn không cho dân chúng di tản ra khỏi khu
vực giao tranh. Các chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia và Cảnh Sát Dã
Chiến được Thiếu Tướng Loan điều động đến càn quét khu vực Thị
Nghè. Gia đình của một Đại úy Cảnh Sát trong khu vực này không
chạy kịp đã bị tên Bảy Lốp, Đại úy Đặc Công Việt Cộng tàn sát man
rợ.”
Cựu Đại tá Trần Minh Công, trước khi
giữ chức Viện Trưởng Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, đã có thời làm
việc sát cánh bên Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Hồi Tết Mậu Thân, ông
giữ chức Trưởng Ty CSQG Quận Nhì Đô Thành Sài Gòn. Nhờ mặc chiếc
áo giáp nên ông đã thoát chết, vì đạn Việt Cộng đã bắn nát áo
ông.
Đại tá
Công đã khẳng định rằng: “Tướng Nguyễn Ngọc Loan là một vị
Tướng trí thức trong hàng ngũ tướng lãnh VNCH. Tướng Loan là một
người rất can đảm, một cấp chỉ huy tài ba và là một vị anh hùng
dân tộc. Ít có vị tướng nào lại cùng cầm súng chiến đấu ngoài mặt
trận như một người lính thường. Nếu không có Tướng Loan xông pha
bảo vệ Thủ đô Sài Gòn trong dịp Tết Mậu Thân, tôi nghĩ Sài Gòn sẽ
tan hoang không khác gì Huế.”
Chỉ bốn tháng sau, tức ngày 5-5-1968,
Bắc Việt lại mở cuộc tổng công kích lần thứ hai. Lần này, Tướng
Loan cùng với lực lượng Cảnh Sát can đảm của ông ngày đêm xông
xáo chiến đấu ngoài đường phố Sài Gòn. Ông bị địch quân bắn trọng
thương vào cả hai chân trên cầu Phan Thanh Giản. Một ký giả người
Úc nhìn thấy và đã khẩn cấp dìu ông vào chỗ an toàn. Định mệnh
thật lạ kỳ: Một ký giả Mỹ đã hủy diệt danh tiếng Tướng Loan thì
một ký giả Úc đã cứu sống ông.
Sau đó, Tướng Loan được chở sang Úc
chữa trị, nhưng vì bị công luận Úc phản đối, nên ông lại được chở
sang bệnh viện Walter Reed Army Medical Center ở Washington,
D.C., Hoa Kỳ. Nhưng thật đau đớn cho Tướng Loan, các dân biểu
phản chiến tại Quốc Hội Hoa Kỳ vào lúc đó cũng phản đối. Trở về
Sài Gòn với đôi chân tật nguyền khập khiễng, Tướng Loan được giải
ngũ và dành thì giờ vào các công tác thiện nguyện giúp trẻ mồ
côi.
Ngày
3-6-1968, 6 sĩ quan ưu tú của quân lực VNCH mà phân nửa là CSQG
đã bị trực thăng Mỹ “bắn lầm” (?) tại một cao ốc ở Chợ Lớn trong
cuộc hành quân đánh đuổi cộng sản. Người ta nói rằng nếu Tướng
Loan không bị thương thì có lẽ cũng đã bị chết với bộ tham mưu
hành quân này.
Năm 1975, miền Nam sụp đổ, máy bay của
Hoa Kỳ không đưa Tướng Loan và gia đình ông di tản, nhưng các
chiến hữu không quân của ông đã cứu ông.
Khi Tướng Loan đến Hoa Kỳ, nữ Dân Biểu
Nữu Ước Elizabeth Holtzman yêu cầu trục xuất ông và cả Sở Di Trú
và Nhập Tịch Hoa Kỳ cũng đồng quan điểm. Nhưng quyết định trục
xuất Tướng Loan về Việt Nam có nghĩa tương đương với bản án tử
hình dành cho ông. Vì thế, chính Tổng Thống Jimmy Carter đã phải
can thiệp và quyết định cho phép ông được định cư tại Hoa Kỳ.
Tướng Loan và gia đình đến lập nghiệp ở
thành phố Springfield, Tiểu Bang Virginia, Hoa Kỳ. Ông mở một
tiệm bán pizza mang tên Pháp là “Les Trois Continents” (Ba Đại
Lục). Đã có lần, Eddie Adams đến tiệm pizza này thăm Tướng Loan.
Khi nhắc đến tấm hình oan nghiệt năm xưa, Tướng Loan không hề nói
một lời oán trách tác giả tấm hình. Ông còn yên ủi Adams: “Ông
làm nhiệm vụ của ông, tôi làm nhiệm vụ của tôi. Chỉ có thế thôi!”
Chính vì câu nói này, Adams càng thêm mến phục Tướng Loan và họ
đã trở thành đôi bạn tri kỷ.
Trong một dịp có vài chiến hữu cũ đến
thăm Tướng Loan tại quán ăn, bên những ly rượu hội ngộ, Thiếu
Tướng Loan đã rưng rưng nước mắt thổ lộ hoài bão:
“Nếu cơ
may một ngày nào đó tụi mình trở về, thì lúc đó tụi mình đều là
nghĩa quân cả. Không Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động
Quân, Bộ Binh, Lực Lượng Đặc Biệt gì cả. Tụi mình chỉ là nghĩa
quân. Nghĩa quân đây là nghĩa quân của thời Lê Lợi khởi nghĩa,
của thời Cần Vương chống giặc ngoại xâm. Chỉ có đám quân đội của
tụi mình mới có thể nói chuyện ‘phải quấy’ với đám quân đội phía
bên kia, vì hồi còn đánh nhau, hai bên đều bị bịt mắt cả”.
Đến năm 1991, tướng Loan phải đóng cửa
tiệm pizza này, vì dân chúng địa phương đã nhận diện được ông. Có
kẻ đã vào nhà vệ sinh của tiệm và viết lên tường câu khiếm nhã
này bằng Anh ngữ: “Chúng tao đã biết mày là ai.”
Nhận xét về cá tính của Tướng Loan, cựu
Đại tá Trần Minh Công nhận định như sau: “Nhìn phong cách và
diện mạo của Tướng Loan, nhiều người cứ tưởng lầm ông là một bạo
tướng, nhưng nhiều lần tôi đã từng chứng kiến ông ngồi khóc một
mình. Tìm hiểu ra mới biết ông là người rất giầu tình cảm. Ông
thương yêu thuộc cấp, sống chết với họ. Kể cả khi ông bắt gặp đàn
em làm bậy, ông cũng không nỡ phạt họ, mà chỉ răn đe để họ cải
sửa. Mỗi khi thuộc cấp hy sinh tử trận, ông khóc thương, nước mắt
dầm dề. Có khi thượng cấp hiểu lầm ông, ông cũng khóc. Ông kể lể:
‘Tao phục vụ quốc gia, dân tộc, chứ tao đâu có phục cá nhân nào.’”
Ngay khi còn ở Việt Nam vào lúc nắm giữ
quyền uy trong tay, gia đình Tướng Nguyễn Ngọc Loan vẫn sống rất
thanh bạch. Tiền lương đem về hôm trước, hôm sau ông lại lấy đi
để giúp đỡ thuộc cấp. Khi bị thương, phải đi ngoại quốc chữa trị,
ông không đủ tiền. Thuộc cấp xin đóng góp, nhưng ông không nhận.
Trong cuốn “Bốn Tướng Ðà Lạt” của Lê Tử
Hùng có kể lại vụ Tướng Nguyễn Ngọc Loan trả lại chiếc nhẫn kim
cương cho một Hoa kiều giầu có, tên là Hoa Hồng Hỏa. Ông này là
một trong những thương gia gốc Hoa lương thiện, nhưng đã trở
thành nạn nhân của các tướng lãnh sau cuộc đảo chánh 1963. Ông ta
bị vu oan để rồi chiếc biệt thự của ông ở Ðà Lạt bị một ông tướng
chiếm. Tới thời Tướng Loan chỉ huy ngành CSQG, họ Hoa mới được
minh oan và tiếp tục làm ăn. Khi ông Loan gặp hoạn nạn, phải ra
ngoại quốc chữa chân, Hoa Hồng Hỏa biết ông là người thanh liêm,
gia cảnh thanh bạch, lại không có thân nhân ở ngoại quốc, nên đã
trả ơn Tướng Loan bằng cách tặng ông một cái nhẫn kim cương. Sau
này ông Hỏa kể lại rằng ông không biết Tướng Loan phải chữa trị
bao lâu và cuộc sống ở ngoại quốc khó khăn ra sao, nhưng ngày trở
về Việt Nam, Tướng Loan đã đem trả lại chiếc nhẫn cho chủ nó. Vợ
chồng Hoa Hồng Hỏa đã lạy khóc và ca tụng Tướng Loan là bậc
“Thánh”!...
9. Dòng Lệ Tiếc Thương
Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan đã qua
đời lúc 20 giờ ngày 14-07-1998 vì bệnh ung thư, thọ 68 tuổi. Ông
để lại vợ, bà Mai Chính, 5 người con và 9 cháu nội ngoại.
Ngay sau khi nhận được tin này, Eddie
Addams đã viết ra bản điếu văn bằng nước mắt ngập tràn và từ con
tim vỡ nát vì hối hận. Tuần báo TIME đã đăng tải bài điếu văn này
ngay trong số phát hành ngày 27-07-1998.
“Tôi
đoạt giải Pulitzer trong năm 1969 nhờ tấm ảnh chụp một người bắn
vào một người khác. Trong tấm ảnh đó có đến hai người chết: Người
nhận lãnh viên đạn và Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Ông Tướng đã giết
chết tên Việt Cộng, nhưng tôi giết ông Tướng bằng cái máy ảnh của
tôi. Những tấm ảnh vốn vẫn là những thứ vũ khí kinh khủng trên
thế giới. Người ta tin tưởng vào chúng, nhưng những tấm ảnh đó
cũng có thể nói láo, thậm chí không cần phải ngụy tạo. Chúng chỉ
nói lên được có phân nửa của sự thật. Những gì mà tấm ảnh này
chưa nói lên được là: ‘Người ta sẽ hành động ra sao nếu họ ở vào
vị trí của ông Tướng, vào cái thời điểm và nơi chốn của một ngày
nóng bức, khi người ta vừa bắt được một tên gọi là ác ôn mà trước
đó hắn đã bắn chết một, hai hay ba người lính Mỹ?’”
“Tướng
Loan là một mẫu người có thể được gọi là chiến binh đúng nghĩa và
được thuộc cấp kính trọng. Tôi không nói rằng những gì ông Tướng
đã làm là đúng, nhưng người ta phải tự đặt mình vào vị trí của
ông. Tấm ảnh không hề diễn tả được rằng ông Tướng đã tận tụy dành
nhiều thời gian đến các bệnh viện để thăm hỏi những nạn nhân
chiến cuộc. Tấm ảnh này đã thực sự làm đảo lộn cuộc đời ông. Ông
chẳng hề phiền trách gì tôi. Ông nói với tôi rằng: Nếu tôi không
chụp tấm ảnh, thì sẽ có người khác làm việc đó, nhưng tôi vẫn cảm
thấy bứt rứt xốn xang về ông và gia đình ông trong một thời gian
dài. Tôi vẫn thường liên lạc với ông, lần cuối cùng mà chúng tôi
nói chuyện với nhau đã xảy ra hồi sáu tháng trước, vào lúc ông đã
bị bệnh rất nặng.”
Trong lúc các bạn hữu, các tổ chức
người Việt tỵ nạn còn phải đắn đo, suy nghĩ, họp bàn về việc có
nên đăng báo phân ưu và gửi vòng hoa đến phúng điếu cố Thiếu
Tướng Nguyễn Ngọc Loan hay không thì Eddie Adams đã mau mắn gửi
một vòng hoa lớn nhất đến phân ưu Tướng Loan với hàng chữ:
“Kính
thưa ông Tướng, Lệ đã tràn đầy trong mắt tôi”.
Dưới đây là bản dịch nguyên văn những
lời nói của chính Eddie Adams, phát ra từ đáy con tim, với những
cảm xúc ân hận vì đã chụp tấm hình oan nghiệt, làm hại đời của
Tướng Loan:
“Trong
đời tôi, bức hình này đã gây ra bao nhiêu lời chỉ trích. Bức hình
đã làm tôi đau đớn. Tôi đã bắt đầu nghe được điều này ngay khi
bức hình được tung ra. Như quý vị đã biết: Nó đã gây nên những
cuộc biểu tình vào năm 1968 và đã tạo ra sự giận dữ và phẫn nộ
tại Hoa Kỳ.
Tôi không hiểu được điều này và cho tới giờ này tôi cũng vẫn
không hiểu được, vì trong thời chiến, con người ta chết vì chiến
tranh. Và điều mà tôi đã hỏi nhiều người rằng nếu quý vị là ông
Tướng đó và nếu quý vị bắt được kẻ đã giết hại dân chúng của quý
vị thì quý vị sẽ làm sao? Đây là thời chiến mà!
Làm sao mà biết được nếu chính quý vị
gặp hoàn cảnh này mà lại không bóp cò súng?
Bởi vậy tấm hình này đã nói dối, đưa
đến việc người ta kết án ông Tướng. Ông là một vị Tướng, nhưng
thực ra, lúc đó ông là Đại tá Tổng Giám Đốc Cảnh Sát QGVN. Ông đã
tốt nghiệp trường chỉ huy tại Hoa Kỳ. Ông là người đậu thủ khoa.
Tôi hiểu ông và kính phục ông. Tôi nghĩ rằng đã có hai người chết
trong bức hình của tôi: Không phải chỉ người bị bắn, mà cả chính
ông Tướng bắn nữa.
Bức hình đã hủy diệt cuộc đời ông và
tôi không hề có ý như vậy. Ý của tôi là chỉ muốn trình bày việc
gì đã xảy ra. Sự thực là tôi không muốn gánh trách nhiệm là kẻ đã
hủy diệt đời sống của bất cứ ai cả.”
Eddie Adams đã đến tham dự đám tang của
Tướng Loan và nói rằng:
“Tướng
Nguyễn Ngọc Loan là một anh hùng. Cả nước Mỹ nên khóc thương ông.
Tôi không thích ông ra đi lặng lẽ theo cách này, để không ai biết
đến.”
Sáu năm sau đó, vào ngày 12-9-2004,
Eddie Adams cũng qua đời. Hưởng thọ 71 tuổi.
10. KẾT LUẬN
Kẻ chiến thắng, uống mãi ly rượu mừng
rồi cũng có ngày say sưa bất tỉnh.
Người
bại trận, nhấp mãi chén đau thương rồi cũng có ngày tỉnh giấc
vùng lên.
Không phải tất cả những kẻ
chiến thắng đều là đúng đắn, giỏi giang hay ái quốc.
Cũng không phải tất cả những người bại trận đều là sai lầm, dốt
nát hay phản quốc.
Đã trên 30 năm qua,
đây là lúc phải trả lại sự thực cho lịch sử chiến tranh Việt Nam.
Sự thực của lịch sử là gì?
Sự thực không thể chối cãi là: Trong
cuộc chiến Việt Nam, kẻ chiến thắng không phải do tài ba của
mình, người bại trận không phải do yếu kém của mình. Kẻ thắng
không ngờ mình thắng, người thua không hiểu tại sao mình thua.
Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh? Anh và tôi, tất cả
chúng ta chỉ là những con tốt thí trên bàn cờ quốc tế. Tất cả
chiến thắng hay thất bại trong cuộc chiến Việt Nam đều do bàn tay
phù thủy, lông lá của ngoại bang vẽ ra.
Bởi vậy, đây là lúc phải xét định công
tội cả bên thắng cũng như bên thua bằng tinh thần ái quốc đối với
Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam.
Cuộc chiến Việt Nam không phải bẩn thỉu
như người ta nghĩ đâu, vì đó là một trận thư hùng giữa Tự Do và
Độc Tài, giữa Hữu Thần và Vô Thần, giữa Quốc Gia và cộng sản.
Phản chiến Hoa Kỳ lên án Tướng Loan bắn
cộng sản là lạc hậu. Thế thì khi Tướng Loan bị thương, được đem
đến nhà thương bên Úc, người ta từ chối không chịu chữa. Đó là
văn minh chăng? Người ta lén lút vào nhà vệ sinh thuộc cơ sở làm
ăn của Tướng Loan viết những câu hăm dọa, tục tĩu. Đó là văn minh
chăng?
Phản chiến Hoa Kỳ rầm rộ biểu tình
chống chiến tranh Việt Nam vì bức hình Tướng Loan bắn Việt Cộng
ngay tại chiến trường mà họ gọi là “tù binh”, trong khi họ lại
yên lặng khi các quân nhân Hoa Kỳ lột trần truồng tù binh Iraq để
làm trò giải trí, khi các tù binh Iraq bị xích như những con chó
bò lê lết trên sàn nhà?
Trong vụ tấn công Tết Mậu Thân, Tòa Đại
Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn và Tướng Loan đều có cùng một chủ trương là
những kẻ chủ mưu cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân phải trả giá
ngay tức khắc tại phạm trường, không để sống sót bất cứ một tên
nào, nhưng Tướng Loan đã áp dụng theo cách thế “ngạo nghễ” của
riêng ông, hoàn toàn khác với phương pháp âm thầm kín đáo của Tòa
Đại Sứ Hoa Kỳ. 19 đặc công đánh vào Tòa Đại Sứ Mỹ, không ai bị
bắt, không ai bị thương, tất cả đều chết.
Tại sao chúng ta lại buồn phiền, xấu
hổ, mang tự ti mặc cảm, khi đám phản chiến Hoa Kỳ gọi Tổng Giám
Đốc CSQG/VNCH là “bạo tướng”, trong khi chính họ gọi Tổng Trưởng
Quốc Phòng Donald Rumsfeld và bà Ngoại Trưởng Condoleezza Rice
ngày 4-5-2006 tại Atlanta là những “tội phạm chiến tranh?” Nếu đã
là “tội phạm chiến tranh” thì phải lãnh hình phạt tử hình, chứ
không thể ngồi điều khiển Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại Giao của siêu
cường quốc Hoa Kỳ được.
Trong suốt cuộc đời, Thiếu Tướng Nguyễn
Ngọc Loan đã chịu bao nhiêu oan khiên, nghiệt ngã: Phật Giáo ghét
ông vì vụ Bàn Thờ Phật xuống đường. Công Giáo ghét ông vì ông bắt
tên cán bộ cộng sản nằm vùng Phạm Ngọc Thảo, tự nhận là “con nuôi
ông Diệm” ẩn núp tại một giáo xứ ở Hố Nai. Sinh viên tranh đấu
ghét ông vì ông dẹp họ biểu tình. Tổ chức phản chiến trên thế
giới ghét ông vì ông bắt kẻ sát nhân phải đền tội ngay tức khắc
tại phạm trường.
Nhưng bây giờ lịch sử đã chứng minh:
Tất cả những kẻ ghét ông đã sai, và ông đã hành xử đúng.
Tướng Loan đã đem sinh mạng và tất cả
danh dự đời ông để bảo vệ đời sống của dân lành. Ông gieo rắc
bình an cho dân chúng ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang... và tất cả
những nơi ông đặt chân đến.
Cầu mong Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan
được an nghỉ bình yên trong Ánh Hào Quang Rạng Ngời, với lòng cảm
mến, kính phục và biết ơn của tất cả những người Việt quốc gia.
Tiến Sĩ Trần An Bài
Nguyên Giảng Sư Học Viện
Cảnh Sát Quốc Gia
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
|
Hình nền: Bộ Huy hiệu Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E-mail by ddcb chuyển
Đăng ngày Thứ Ba, January 31, 2016
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang