Gia
Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Lịch sử CTVN
Chủ đề: 30-T4-Đen
Tác giả:
Mường Giang
Tác giả Hồ Ðinh (Mường Giang)
(Tiểu đoàn 1, Trung đoàn
43BB, SĐ18BB)
Trận chiến Xuân Lộc là cơn
phẫn nộ cuối cùng của một quân đội anh hùng bị bội phản. Trung đoàn
43BB của tôi là một trong những đại đơn vị kỳ cựu của QLVNCH, thoát
thai từ Trung đoàn 404 bộ binh của Sư đoàn 5 khinh chiến. Năm 1974,
Tiểu đoàn 2/3 và Tiểu đoàn 1/52 của Sư đoàn 18 Bộ Binh (SĐ18BB) được
TT Nguyễn Văn Thiệu tuyên dương trước quân đội với thành tích hạ
nhiều tăng T54 và chiến xa PT76 của CS Bắc Việt tại Bến Cát (Bình
Dương) - 2 xe tăng T54 và PT76 được lái về làm kiểng trong khuôn
viên Dinh Độc Lập cho đến ngày đổi đời 1/5/75 mới dời đi.
Riêng Tiểu đoàn 1/43 lại là đơn vị chủ lực
quân đầu tiên đến trấn đóng tại Tỉnh Long Khánh từ đầu năm 1964 khi
thành phố Xuân Lộc lúc đó còn nhỏ xíu, buồn hiu với bao nhiêu nỗi
bực dọc: mùa nắng thì bụi bay đỏ người, trái lại mùa mưa thì sình
lầy trơn trượt. Muỗi mòng, đỉa vắt không thiếu, nhưng đổi lại dân
chúng địa phương hiền lành, hiếu khách, đặc biệt các em nữ sinh miền
đất đỏ đồn điền rất đỏm dáng và thích lính miền xa.
Năm 1966, Sư đoàn 10 dược thành lập với 3
trung đoàn nguyên biệt lập: Trung đoàn 43BB, Trung đoàn 52 và Trung
đoàn 48. Tướng Lữ Lan, tướng có tiếng là tham nhũng, được làm tư
lệnh sư đoàn. Có lẽ vì mang số 10 bù xui xẻo nên cuối năm 1966, Tiểu
đoàn 1/43 đã gần như bị tan hàng khi kịch chiến với 2 trung đoàn CS
Bắc Việt tại xã Võ Su, quận Võ Đắc (Bình Tuy), nên phải trở về tái
trang bị và huấn luyện lại tại trung tâm huấn luyện Lam Sơn (Dục
Mỹ). Sau đó Sư doàn 10 được đổi danh hiệu là 18BB — vị tư lệnh cuối
cùng là chuẩn tướng Lê Minh Đảo, cũng là vị tướng đã cùng với 2 phụ
tá: Đại tá Lê Xuân Mai (Tư lệnh phó SĐ18BB) và Đại tá BĐQ (Biệt Động
Quân) Phạm Văn Phúc (Tỉnh trưởng Long Khánh) chỉ huy phòng tuyến
thép Xuân Lộc từ rạng sáng 8/4/75 cho đến khi được lệnh rút quân
ngày 21/4/75.
Cuộc chiến đấu anh dũng của những người lính miền đất đỏ Long Khánh
trong lúc đất nước sắp sụp đổ thật ra cũng chỉ là cơn phẫn nộ cuối
cùng của một quân đội, trên phần đất còn lại của người VN, cố níu
kéo gìn giữ, để dân tộc mình có chỗ cắm dùi, nhưng cuối cùng những
người lính đó đã thất bại não nề vì bị cấp lãnh đạo tối cao bán
đứng, đồng minh phản bội, trí thức toa rập với kẻ thù, trù dập, đuổi
xô và đâm sau lưng những nhát trí mạng. Thật não nùng thay:
Chí
chưa thành, danh chưa đạt
Trai trẻ bao
năm mà đầu bạc
Trăm năm thân thế, bóng
tà dương...
(Thơ Nguyễn Bá Trạc)
Sau này, viết về mặt trận Xuân Lộc
(tỉnh Long Khánh) tháng 4/75, người thương cũng như kẻ thù VNCH,
đều có cùng chung quan điểm khi bày tỏ sự khen ngợi và lòng cảm
phục người lính miền Nam. Chính tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tư lệnh
Quân đội Nhân dân của Bắc Việt đã hé lộ điều này trong tác phẩm
của y “Đại Thắng Mùa Xuân 75” rằng:
“Mặt
trận Xuân Lộc ác liệt và đẫm máu từ những ngày đầu tiên. Các sư
đoàn 6, 7, 341 của ta phải tiến công trong thành phố nhiều lần
nhưng gặp phải sức kháng cự mãnh liệt của Tung đoàn 43 của địch.
Các đơn vị pháo của ta đã sử dụng nhiều hơn cơ số đạn dự trù. Số
lớn tăng và xe bọc thép của ta bị hạ...”
Còn D. Todd, người ký giả Pháp, từng
thiên Cộng, đã viết trong “Cruel April: The Fall of
Saigon” như sau:
“Tinh
thần binh sĩ VNCH tại Xuân Lộc rất cao, hệ thống truyền tin rất
tốt. Các đơn vị Dù và BĐQ đã đến. Con đường Sài Gòn được khai
thông — các sĩ quan của QLVNCH đang gọi pháo binh và không yểm
rất chính xác, nhanh chóng, tình trạng chiến đấu của họ gần giống
như lúc còn quân đội Mỹ yểm trợ...”
Nhưng có lẽ ý nghĩa và cảm động nhất là
báo cáo của Tướng X. Smith, Trưởng phòng tùy viên quân sự (DAO)
lên chức Tham mưu trưởng liên quân Mỹ:
“Tại
chiến trường Long Khánh, rõ ràng QLVNCH đã chứng tỏ sự quyết tâm
và anh dũng chiến đấu chống lại địch quân đông gắp nhiều lần...”
Tướng Smith với lương tâm của một người
lính, không khách sáo và hào nhoáng như miệng lưỡi của các chính
khách, đã nói lên phần nào danh dự của QLVNCH trước đám trí thức
da trắng, da màu đa sự.
1. Bối cảnh VNCH từ sau Hiệp
định Paris 1973 tới lúc mất nước
Trước khi thỏa hiệp Paris được ký kết,
ngày 10/10/1972, trong một cuộc hành quân tại Quảng Trị, QLVNCH
đã khám phá một hầm bí mật và tịch thu được một bản thảo của hiệp
định chấm dứt chiến tranh và vãn hồi hòa bình tại VN, cùng các kế
hoạch của Bắc Việt nhằm giành dân lấn đất của VNCH.
Đô đốc Sharp, nguyên tư lệnh các lực
lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, sau khi chấm dứt chiến tranh tại
Đông Dương lần 2 (1955-1975), năm 1978 đã thổ lộ sự thật trong
tác phẩm “Strategy For Defeat” như sau:
“Hiệp
định Hòa bình Paris ngày 27/1/73 mà Mỹ chấp thuận và bắt buộc
VNCH thi hành, không phải là một công thức hòa bình. Theo đó,
CSBV không còn sợ Mỹ can thiệp nên đã tự do xâm lăng miền Nam VN
mà không bị chế tài...”
Sau năm 1973, đường mòn Hồ Chí Minh
biến thành một xa lộ đất — nhiều đơn vị Bắc Việt bổ sung vào Nam
như các Trung đoàn 263 tên lửa phòng không và hỏa tiễn SA-2, 3000
cán bộ Công an Bắc Việt đến nắm quyền sinh sát tại các vùng đất
vừa lấn chiếm, một hệ thống ống dẫn dầu dài hơn 5000km chạy từ
Bắc xuống Quảng Trị, xuyên qua Cao nguyên Trung phần tới Lộc
Ninh, song song với ống dẫn dầu cũ có sẵn từ Vinh chạy đến thung
lũng A-Sao. Nhiều lần, các thám thính cơ của không quân VN đã
phát hiện từng đoàn xe của BV trên xa lộ đất nhưng bị Mỹ tìm mọi
cách ngăn chặn không cho oanh tạc và chính quyền VNCH cũng không
dám phản đối vì Nixon đã đe dọa “sẽ cắt hết tiền viện trợ.”
Tại Mỹ, từ 1971-1973, nền kinh tế và
tài chính đang bước vào thời kỳ khủng hoảng trầm trọng, cán cân
thương mại bị thâm thủng khiến Mỹ 2 lần liền cho phá giá đồng Mỹ
kim, khiến cho các đồng minh của Mỹ đều phải thay đổi hệ thống
tiền tệ riêng để khỏi phải chết chìm theo Mỹ. Còn các nhà tư bản
thì nhanh chân rút vốn đem ra ngoại quốc đầu tư, gây cảnh thất
nghiệp, tưới dầu thêm trong rừng lửa phản chiến đòi chấm dứt
chiến tranh VN, đang hoành hành bốc cháy dữ dội khắp nơi trên
nước Mỹ.
Vì
vậy hồi tháng 8/73, Quốc hội Mỹ ra đạo luật cấm sử dụng ngân
khoản yểm trợ quân sự cho các nước Đông Dương. Tháng 10/73 lại
ban hành luật War Power Act hạn chế quyền hạn của TT Mỹ. Hai đạo
luật trên vừa cho phép CSBV toàn quyền xâm lăng VNCH và bảo đảm
Mỹ sẽ không can thiệp vào VN trở lại đã khiến cho Hà Nội bất chấp
lệnh của quan thầy Trung Cộng, họp hội nghị Trung ương lần thứ
21, ra lệnh tấn công cưỡng chiếm miền Nam.
Tại Sài Gòn, TT Thiệu lại tiếp tục chơi
trò gian lận bầu cử, lưu manh trong lúc đất nước sắp nguy khốn vì
tham nhũng, bất công, thù trong giặc ngoài khiến cho hậu phương
nát bét, tạo cơ hội tốt cho sự thành công dễ dàng của Bắc Việt
sau này.
-
3/4/74: Thượng nghị viện Mỹ biểu quyết cắt giảm viện trợ của Nam
VN
- 11/4/74:
CS Bắc Việt tràn ngập trại Tống Lê Chân (Bình Long) do Tiểu đoàn
92 BÐQ của Trung tá Lê Văn Ngôn khóa 25 sĩ quan Đà Lạt trấn giữ
trong 510 ngày bị vây hãm
- 7/8/74: quận Thường Đức, tỉnh Quảng
Nam, thất thủ
- 9/8/74: TT Nixon từ chức vì vụ Watergate, mang theo xuống mồ
những lời hứa hẹn với TT Thiệu về viện trợ, can thiệp... Khi Ford
lên thay thế, đã không thèm đếm xỉa gì tới VN nữa.
Đầu năm 1975, Binh đoàn 301 Bắc Việt
gồm các Sư đoàn 3 và 7, với tăng, đại pháo tấn công tỉnh Phước
Long do Sư đoàn 5BB (SĐ5BB) trấn giữ — Phước Long lọt vào tay
CSBV ngày 6/1/75 vì không có quân tiếp viện. Trước sự vi phạm
trắng trợn và láu cá của CSBV, Hoa Kỳ chỉ phản ứng lấy lệ, bằng
chứng là TT Ford không đề cập gì đến tình trạng nguy khốn của Nam
VN trên bài diễn văn nhậm chức trước Quốc hội Mỹ ngày 5/1/75, đã
vậy, theo B. Paulmer Jr. trong “The 25th year war American’s
military role in Vietnam” xuất bản năm 1984, thì ít ngày sau, TT
Ford lại họp báo để dứt khoát là Mỹ chấm dứt can thiệp vào VN.
Đây là lý do bằng vàng ròng, khiến CSBV hồ hởi tấn công cưỡng
chiếm miền Nam.
Rồi Chiến dịch 275 mở màn, 2 giờ sáng
ngày 10/3/75, Bắc Việt tấn công thành phố Ban Mê Thuột của Cao
nguyên Trung phần và thành phố đã mất sau 2 ngày. Giao tranh đẫm
máu, ác liệt giữa Cộng quân và đơn vị trú phòng gồm có Trung đoàn
53/Sư đoàn 23BB (SĐ23BB) và Liên đoàn 21 BĐQ + Địa Phương Quân
(ĐPQ) + các đơn vị yểm trợ của SĐ23BB.
Thảm họa, giặc ngoài, Mỹ bỏ rơi, vài
trí thức a dua đâm sau lưng lính chiến khiến TT Thiệu mất trí,
điên loạn, đẻ ra chiến lược “đầu bé, đít to” ra lệnh bỏ Cao
nguyên, bỏ dân chúng, bỏ ĐPQ, Nghĩa Quân (NQ) cho CS, rút trọng
pháo chủ lực quân về bảo vệ duyên hải bằng con đường máu liên
tỉnh lộ 7 Phú Bổn - Phú Yên ngày 14/3/75 được chỉ huy bởi bọn
tướng bất tài, bất trí, ham quyền, sợ chết. Rồi kế đó lại bỏ
Quảng Trị, Huế ngày 20/3/75 khiến cho bao người dân vô tội làm
mồi cho hỏa lực pháo binh CS khi họ di tản theo quân đội rút
quân, làm hủy diệt tất cả các lực lượng pháo binh, chiến xa M48,
M41, M113 của quân đoàn I, II, 3 Sư đoàn 1, 3, 23BB tan hàng. Hai
trăm (200) máy bay các loại bị bỏ tại các phi trường Huế, Đà
Nẵng, Pleiku cùng với 1000 chiến xa và 900 đại bác không được phá
hủy. Các Sư đoàn 2, 22BB, Thủy quân Lục chiến, Sư đoàn 1, 2, 6
Không quân, 1 Lữ đoàn Dù, 11 Liên đoàn BĐQ, các Liên đoàn Công
binh, Truyền tin, Tiếp vận, v.v. bị tổn thất quá nửa quân số. TT
Thiệu chỉ trong 1 phút quyết dịnh tại Cam Ranh trước các tướng
Viên, Khiêm, Quang, Phú đã làm mất 2/3 lãnh thổ và làm tan rã 1/2
lực lượng VNCH.
2. Mặt trận Xuân Lộc
Sau ngày 2/4/75, Quân đoàn 2 chỉ còn
lại Ninh Thuận, Bình Thuận nên được sát nhập vào Quân đoàn 3.
Phan Rang và Xuân Lộc trở thành 2 cửa ngõ để Bắc Việt vào Sài Gòn
bằng quốc lộ 1 và 20.
Xuân Lộc là tỉnh lỵ của tỉnh Long Khánh
được TT Diệm thành lập từ năm 1957 bằng cách cắt bớt phần đất của
tỉnh Biên Hòa, mục đích định cư đồng bào Việt, Mường, Nùng,
Thái... di cư năm 1954. Tỉnh có diện tích vào khoảng 3,457km²,
đất đai phần lớn là núi thấp, đồi cao, rừng thưa và đồn điền cao
su — trong kháng chiến là một vị trí chiến lược quan trọng vì là
ngã ba của 2 quốc lộ 1 và 20, cửa ngõ từ miền Trung, miền Cao
nguyên vào Sài Gòn chỉ cách nhau 80km, do đó Xuân Lộc được coi
như vòng đai ngoài bảo vệ phi trường Biên Hòa và thủ đô. Xuân Lộc
nằm trên đường giao liên giữa chiến khu C và D của VC với các mật
khu Mây Tầm, Cù Mị, Xuyên Mộc, Đất Đỏ của tỉnh Phước Tuy, con
đường mạch máu mà Bắc Việt dùng để nhận tiếp tế bổ sung quân và
tiếp liệu bằng đường biển, vì vậy từ lâu SĐ18BB đã được bố trí
tại tỉnh này để ngăn chận.
Để cắt đứt đường rút quân của VNCH từ 2
tỉnh Tuyên Đức, Lâm Đồng, Bắc Việt tấn công quận Định Quán do
Tiểu đoàn 2/43 trấn giữ và trong khi giao tranh đẫm máu, không
quân VN đã thả lầm 2 trái bom 500 cân Anh vào vị trí của quân ta
tại núi Đất, khiến gần 200 người chết và bị thương trong đó có cả
vị Tiểu đoàn trưởng, làm Định Quán mất ngày 17/3/75.
Để tấn công Long Khánh, BV đã tung vào
chiến trường này Quân đoàn 4 gồm 3 Sư đoàn 6, 7, 341 và các đơn
vị có sẵn của Quân khu 7. Thiếu tướng CS Hoàng Cầm là tư lệnh,
chính ủy là Thiếu tướng Hoàng Thế Thiệp. Trận chiến đẫm máu đã
đồng loạt xảy ra tại 3 phòng tuyến: ngã ba Dầu Giây, thị xã Xuân
Lộc và Gia Rai (nằm tiếp cận giữa Bình Tuy và Long Khánh). Phía
QLVNCH có SĐ18BB (các Trung đoàn 43, 48, 52), lực lượng ĐPQ+NQ
tỉnh và các đơn vị tăng phái gồm Trung doàn 8 (SĐ5BB), Lữ đoàn 3
Thiết kỵ, Liên đoàn 7BĐQ, 2 Tiểu đoàn pháo binh, Liên đoàn 81
Biệt Cách Dù và toàn bộ Lữ đoàn 1 Nhảy Dù gồm các Tiểu đoàn 1, 8,
9 và Tiểu đoàn 3 pháo binh Dù, Sư đoàn 4 Không quân VN từ phi
trường Cần Thơ, phụ trách không yểm chiến thuật. Tất cả lực lượng
trên đặt dưới quyền chỉ huy của Chuẩn tướng Lê Minh Đảo (tư lệnh
SĐ18BB) và 2 phụ tá tài giỏi, uy tín: Đại tá tư lệnh phó Lê Xuân
Mai và Tỉnh trưởng Long Khánh Đại tá Phạm Văn Phúc BĐQ mới về
thay Trung tá Lê Ánh Nguyệt hồi 3/75.
Chiến trường Long Khánh gồm 3 mặt trận
chính: mặt trận Ngã ba Dầu Giây do Trung đoàn 52BB và một thiết
đoàn chiến xa trấn giữ. Mặt trận núi Chứa Chan, Gia Rai do Liên
đoàn 7 BĐQ và Trung đoàn 43BB. Thị xã Xuân Lộc do Trung đoàn 43BB
và các Tiểu đoàn ĐPQ bảo vệ. Bộ tư lệnh hành quân của Tướng Lê
Minh Đảo đặt tại quận đường Xuân Lộc ngã ba Tân Phong - Long Giao
được bảo vệ bởi các đơn vị trừ bị của sư đoàn, pháo binh và một
thiết đoàn chiến xa.
Thế rồi vào lúc 5g30 ngày 9/4/95, khi
vạn vật bắt đầu một ngày mới, chim chóc rời tổ kiếm ăn, dân chúng
dọn hàng ra chợ, các tín đồ Thiên Chúa Giáo đi xem lễ sớm tại các
nhà thờ, các loa phóng thanh của Ty Thông Tin Xuân Lộc mở đầu
bằng các bài hát trữ tình thương lính... thì cũng là lúc Bắc Việt
nã hàng trăm ngàn loại pháo đủ loại vào thành phố, đa số rớt vào
chợ, nhà thờ và các nhà của dân chúng khiến cho người dân vô tội
chết và bị thương như rạ, vì trận pháo kích kéo dài trong 2 tiếng
đồng hồ với hơn 3,000 trái đạn, liên tục không dứt, dân chúng
người thì ngã gục, kẻ thì rụng rời không biết chạy đâu để trốn
tránh tử thần.
8 giờ... quân Bắc Việt tấn công vào
thành phố nhưng bị chận lại bởi Trunng đoàn 43BB và Tiểu đoàn 3/4
ĐPQ Long Khánh nên phải chém vè sau khi bỏ lại tại chỗ 100 tử
thi. Nhiều T54 và PT76 bị hạ khắp nơi bởi các Hỏa tiễn M72 và các
phản lực cơ A37, F5 của không quân.
Ngày 10/4/75, Cộng quân trở lại tấn
công Xuân Lộc với 2 Sư đoàn 6, 7 và các trung đoàn thiết xa, khắp
các mặt trận Đông, Tây, Nam, Bắc thành phố từ tòa thị chánh Long
Khánh đến sân bay, nơi nào Cộng quân cũng sử dụng quân số cấp
trung đoàn. Cuộc chiến kéo dài trong nhiều ngày, cả 2 phía giành
giật từng ngôi nhà, phòng tuyến để sống. Không quân VN đã yểm trợ
tích cực và hữu hiệu cho các đơn vị dưới đất bằng các phản lực cơ
tối tân F5E, góp phần tiêu diệt số lớn Cộng quân. Trung đoàn 43BB
mặc dù đã bị Cộng quân cắt ra từng đơn vị nhỏ, nhưng vẫn tiếp tục
chống trả mãnh liệt, gây cho địch nhiều tổn thất, như Văn Tiến
Dũng đã phải xác nhận trong tác phẩm Đại thắng mùa xuân.
Qua đến ngày 4 của cuộc chiến, Lữ đoàn
1 gồm các Tiểu đoàn 1, 8, 9 và Tiểu đoàn 3 pháo binh Nhảy Dù mới
từ miền Trung về, được lệnh tăng cường cho Xuân Lộc. Tất cả trực
thăng của 2 Không đoàn 3, 4 Không quân gồm hàng trăm trực thăng
bán phản lực HU1B đã thả hơn 2,000 quân dù từ Trảng Bom vào trận
địa, các pháo đội Dù cũng được trực thăng Chinook chuyển vận đến
Bộ chỉ huy hành quân Dù đóng kế Bộ tư lệnh SĐ18BB.
Hai Tiểu đoàn Dù đầu tiên đã nhảy xuống
đồn địch để chiếm lại Bảo Định, chiếm lại Quốc lộ 1, nơi 2 trung
đoàn thuộc Công trường 6 Bắc Việt đang tập trung tấn công Bộ Tư
lệnh SĐ18BB tại Tân Phong. Một Tiểu đoàn Dù khác nhảy xuống chiếm
lại khu vực vườn cây của cố Thống tướng Lê Văn Tỵ. Ngoài ra các
Tiểu đoàn khác nhảy vào Xuân Lộc để giải vây cho các Tiểu đoàn
ĐPQ và Bộ Chỉ Huy Tiểu khu Long Khánh.
Tại ngã ba Dầu Giây, cộng sản Bắc Việt
cũng đồng loạt tấn công chiến đoàn 52BB từ ngày 12/4/75 bằng biển
người và tăng, pháo. Lần lượt các tiền đồn, phòng tuyến của Trung
đoàn 52BB từ Kiệm Tân về tới ấp Phan Bội Châu trên Quốc lộ 20 bị
tràn ngập. Cuộc chiến trở nên ác liệt và đẫm máu đã xảy ra chiều
ngày 15/4/75 ngay tại xã Dầu Giây, ngã ba 2 Quốc lộ 1-20, giữa
Chiến đoàn 52BB (gồm Trung đoàn 52, Lữ đoàn 3 Thiết kỵ, các lực
lượng ĐPQ Kiệm Tân, Long Khánh; tổng cộng gom lại 2000 người) và
Binh đoàn 4 cộng sản Bắc Việt (trong đó có Sư đoàn tổng trừ bị
341 của Hà Nội vừa từ Thanh Hóa vào), do Trần Văn Trà vừa thay
thế Hoàng cầm, chỉ huy đã cho ứng dụng chiến thuật biển người.
Trong trận chiến nướng quân man rợ, tàn bạo và khủng khiếp này
của Bắc Việt, 1 người lính VNCH đã phải chọi với 10 binh sĩ Bắc
Việt với tăng và pháo. Chiến đoàn 52BB cuối cùng đã tan hàng vào
đêm 15/4/75, tất cả pháo binh, thiết giáp, người đều bị CS Bắc
Việt hủy diệt sau mấy ngày đêm cầm cự. 9 giờ đêm đó, khi chiếc
hầm chỉ huy của chiến đoàn bị bắn sập, Đại tá chiến đoàn trưởng
mới cho rút quân, theo ông chỉ còn... 200 người sống sót.
3. Hai trái bom “Daisy Cutter”
tại mặt trận Dầu Giây
Trong cuộc phỏng vấn của nhà văn Phạm
Huấn sau ngày 30/4/75, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh quân
đoàn III đã cho biết, sau khi trình Bộ Tổng tham mưu, ông đã ra
lệnh cho Không quân thả 2 quả bom “Daisy Cutter” xuống mặt trận
ngã ba Giầu Dây, nơi tập trung quân của Bắc Việt, trong đêm
15/4/75, ngay khi Chiến đoàn 52BB bị tan hàng. Trận không kích
này đã tiêu diệt toàn bộ gần 10,000 quân Bắc Việt với chiến xa
T54 và đại pháo đang di chuyển trên quốc lộ 20 vừa tới ngã ba Dầu
Giây.
Bom
“Daisy Cutter” còn được gọi là bom “con heo” hay là bom “tiểu
nguyên tử” có chiều dài và chiều cao gần tương đương với vận tải
cơ C130, trọng lượng là 7 tấn bao gồm vỏ bọc và 15,000 cân Anh
thuốc nổ TNT. Bom con heo dùng để mở bãi đáp cho cấp sư đoàn hay
lộ quân trong bất cứ địa thế nào và có hiệu quả sát hại trong
vùng có đường kính 5 dặm Anh (tương đương 8.05km.)
10 giờ sáng ngày 16/4/75, không quân
VNCH gọi về Bộ tư lệnh quân đoàn III báo cáo về rừng người, chiến
xa, đại pháo Bắc Việt đang tập trung trong xã Dầu Giây để chuẩn
bị về Sài Gòn. 11 giờ cùng ngày, 2 vận tải cơ C130 được lệnh mang
2 quả bom khổng lồ, xuất phát từ phi đạo 39 tại phi trường Tân
Sơn Nhất, thả xuống vùng tập trung quân của CSBV, khiến cho đại
quân của Hà Nội rối loạn trong 3 ngày liền và CSBV liền la làng
rằng Mỹ đã vi phạm Hiệp định Paris và cho B52 trở lại.
Việc Mỹ viện trợ bom “con heo” cho VNCH
cũng là chuyện khôi hài cười ra nước mắt vì chỉ cho bom mà không
cấp đầu đạn, cũng như bí mật được phanh phui sau ngày miền Nam bị
cưỡng chiếm rằng trong khoảng từ 3 giờ đến 3 giờ rưỡi sáng ngày
29/4/75, 3 chiếc C130 của cơ quan DAO dùng để di tản người, không
biết do lệnh của ai, từ đâu, đồng loạt chở vào VN 3 trái bom BCU
82, Daisy Cutter, 15,000 cân Anh. Rồi trong lúc các chuyên viên
Việt-Mỹ đang tháo gỡ đem vào kho an toàn thì phi công Mỹ lại vô
tình hay cố ý dùng điện thoại báo cáo để CS Bắc Việt biết được mà
pháo kích vào địa điểm đang bốc dỡ. Mỹ đã tháo chạy, Nam VN sắp
mất, lại đem bom đến Sài Gòn làm gì, đó là bí ẩn mà các nhà quân
sự Mỹ vẫn chưa chịu tiết lộ cũng như số phận của những trái bom
khổng lồ trên đang ở đâu, cũng chẳng ai biết ngoài Bắc bộ phủ.
4. Quân lực VNCH rút khỏi Long
Khánh
Về việc rút khỏi Long Khánh, trong khi
các đơn vị chiến đấu tại đây (ngoại trừ ngã ba Dầu Giây) vẫn còn
giữ nguyên được các vị trí, cũng có nhiều nguồn tin. Theo lời đồn
từ những kẻ thân cận làm việc trong Dinh Độc Lập thì TT Nguyễn
Văn Thiệu khi được tin Phan Rang thất thủ và các quân nhân tại
đây uất ức trong cảnh gia đình ly tán, đất nước lâm nguy nên bất
tuân thượng lệnh, dùng xe ủi đất và chiến xa M113 san bằng mồ mả
gia đình TT Thiệu, bởi vậy quá đau đớn, trước khi bỏ ngai vàng,
ông đã cho rút khỏi Long Khánh để Bắc Việt mau vào Sài Gòn thay
thế ông, vì theo các thầy tướng số mà ông tin, thì nếu ông từ
chức, Nam VN không ai có thể thay thế được, trừ CS.
Nhưng theo lời Tướng Nguyễn Văn Toàn,
thì chính ông ra lệnh rút bỏ Long Khánh vì thấy rằng phòng tuyến
này không còn giữ được nữa, hơn nữa quân CSBV, sau khi bị thiệt
hại nặng nề, đã cho thay đổi kế hoạch tấn công Sài Gòn bằng Chiến
dịch 2 với với 5 sư doàn tấn công Biên Hòa, Phước Tuy đồng loạt
với 3 sư đoàn khác tại Tây Ninh. Vì vậy, Long Khánh không còn là
điểm nóng, nên tất cả lực lượng tham chiến tại đây phải rút về
Biên Hòa để lập phòng tuyến mới.
Qua 12 ngày ác chiến đẫm máu, tuyến
thép Xuân Lộc vẫn đứng vững dù Phan Rang đã thất thủ vào 17/4/75,
Phan Thiết mất 18/4/75, Bình Tuy bỏ ngõ — giờ đây Xuân Lộc là
vùng giới tuyến của đất nước. Tin thắng trận của SĐ18BB, Lữ đoàn
1 Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thiết giáp, Địa Phương Quân, Lôi Hổ và
Không quân tới tấp bay về Sài Gòn, như những gáo nước lạnh tạt
vào vài bọn nhà báo - nhà văn - ký giả - trí thức ngoại quốc và
trong nước đang chờ đợi xem một màn cụp lạc về sự sụp đổ của
VNCH, khiến họ không còn cách nào để mà bóp méo, xuyên tạc được
nữa nên đã thay dổi thái độ và kính phục tinh thần bất khuất của
người chiến sĩ VNCH, bởi vì đây là chiến thắng vĩ đại cuối cùng
của Quân lực này trước khi phải rã ngũ.
10 giờ sáng ngày 20/4/75, lệnh bỏ Long
Khánh được ban hành bởi Tư lệnh SĐ18BB. Tất cả lực lượng tại đây
dùng Liên tỉnh lộ 2, phát xuất từ Tân Phong, Long Giao về Phước
Tuy với 3 cánh quân SĐ18BB, Tiểu khu Long Khánh + ĐPQ, Lữ đoàn 1
Nhảy Dù và Tiểu đoàn 3 pháo binh Nhảy Dù.
Trong cuộc rút quân này, Lữ đoàn 1 Nhảy
Dù bị thiệt thòi và chịu số phận bi đát nhất vì là đơn vị đi đoạn
hậu: họ phải chống trả CSBV, 2 bên còn đang giao tranh ác liệt
tại Bảo Định thì 7 giờ tối ngày 20/4/75 có lệnh rút quân, trong
khi các thương binh và tử thi lính VNCH chưa dược di tản. Nhưng
tất cả đành phải bỏ lại như năm nào tại Hạ Lào, bởi vì đối với
người còn sống, đoạn đường đầy xác lính VNCH hơn 4km trong rừng
cao su đen nghịt để ra Quốc lộ 1, là các cửa địa ngục phải vượt
qua. Tất cả thảm trạng trên đều là những oan khiến bi thảm của
người lính VNCH mà ít ai biết đến.
Chín giờ tối, các Tiểu đoàn Dù này mới
tới quốc lộ và một hoạt cảnh cảm động đã diễn ra, tất cả giáo dân
của xóm đạo Bảo Đình, Bảo Toàn, Bảo Hòa đã tập trung sẵn 2 bên vệ
đường để theo chân lính di tản. Thì ra người lính VNCH trong suốt
cuộc chiến nồi da xáo thịt, luôn luôn là những kẻ giữ nhà, giúp
dân — tình quân dân thắm thiết chỉ được nhắc tới trong những lúc
cùng khốn, cực nguy. CS Hà Nội đã biết được cái ưu điểm này của
người lính miền Nam, nên không ngớt khuấy phá, xuyên tạc, đầu độc
bằng cách cho cán binh của họ trà trộn giả làm lính VNCH trong
những lúc rối loạn, chẳng hạn như vụ Tết Mậu Thân, Mùa Hè Đỏ Lửa
72 và 55 ngày cuối cùng này, để bôi xấu bằng cách cướp của, hãm
hiếp dân. Vịn vào đó, một số trí thức VN viết trường thiên lịch
sử tiểu thuyết kể tội lính - cũng như gần đây Dương Thu Hương và
Tạ Chí Đại Trường, một người là văn sĩ bộ đội CS, một người là
cựu sĩ quan biệt phái miền Nam, cũng trở lại đề tài cũ rích trong
việc bôi xấu kẻ ngã ngựa. Những người bị thua trận, nhưng càng
lúc, càng được nhiều người trong thế giới văn minh cảm phục khi
từ từ khám phá ra cái giá trị tinh thần xứng đáng của họ.
Mấy chục cây số đường rừng bị bỏ hoang
trên Liên tỉnh lộ 2 từ Tân Phong, đến Đức Thành, Long Lễ và Bà
Rịa không phải là chuyện bình thường của một đoàn quân có dân
chúng lẫn lộn, bởi vậy ngay trong đêm rút quân 20/4/75, Đại tá
Phạm Văn Phúc và Trung tá Lê Quang Định, tiểu khu trưởng và tiểu
khu phó tiểu khu Long Khánh đã bị tử thương vì nhiều loạt B40 của
CSBV bắn sả vào đoàn quân dân đang di chuyển. Lữ đoàn 1 Nhảy Dù
rút lui sau cùng, chỉ riêng Tiểu đoàn 3 Pháo binh Nhảy Dù được di
chuyển trên đường lộ với Đại đội 1 Trinh sát Nhảy Dù, các Tiểu
đoàn tác chiến đến mở đường bọc sâu trong rừng.
Bốn giờ sáng ngày 21/4/75, tại ấp Suối
Cá, gần ranh giới Long Khánh - Phước Tuy, Tiểu đoàn 3 Dù đã bị 2
Tiểu đoàn CSBV phục kích. Pháo đội C và trung đội trinh sát bảo
vệ, hầu hết đều bị thương vong trước biển người tấn công. Cánh
quân đi đầu của Tiểu đoàn 9 Dù cũng đụng độ nặng với CSBV tại
thung lũng Gia Rai, dưới chân núi Cam Tiên. Ngoài những thiệt hại
kể trên, cuộc rút quân trên Liên tỉnh lộ 2 coi như hoàn tất, kết
quả tốt đẹp. SĐ18BB được chỉ định về phòng thủ tuyến phía Đông
thủ đô Sài Gòn từ Tổng kho Long Bình đến kho đạn thành Tuy Hạ,
tiếp cận với các lực lượng của Quân trường Bộ Binh Thủ Đức,
trường Thiết Giáp và một Lữ đoàn Dù có trách nhiệm bảo vệ Quốc lộ
15 từ Long Thành về Bà Rịa. Tất cả chiến đấu với giặc cho tới khi
Dương Văn Minh ra lệnh bỏ súng, tan hàng vào lúc 11 giờ 30 mới
chấm dứt.
Chuẩn tướng Lê Minh Đảo và Bộ chỉ huy của SĐ18BB đóng bản doanh
sát căn cứ Hải quân Cát Lái, ngày ngày nhìn thấy thiên hạ bỏ chạy
bằng tàu thuyền — ông và các binh sĩ dưới quyền cũng có thể bỏ
chạy dễ dàng như dân chúng, nhưng họ đã ở lại và sau ngày 1/5/75,
cái giá mà Tướng Đảo phải trả là sự đày ải, hành hạ, chịu tủi
nhục trong các trại tù từ Nam, Trung ra tận biên giới
Việt-Lào-Hoa, cho đến thập niên 1990, ông vẫn còn bị CS trả thù,
hành hạ tại trại Z30D, Long Khánh.
Cuộc chiến đấu đã phai tàn theo năm
tháng nhưng đồng bào trong nước vẫn không có tự do để thở, cơm áo
để mặc ăn và tình trạng đói rách, kìm kẹp vẫn diễn ra:
Đất
nước điêu tàn, giải phóng thành ra vô ích
Đồng bào rách nát, lãnh đạo quả thị bất nhân
Ngày nay, ai có dịp được ngược xuôi
trên những miền quê hương lửa khói xa xưa, từ cổng Nam của thị
trấn Hố Nai đến Bầu Cá, Trảng Bom, Hưng Lộc, ngã ba Dầu Giây lên
cao nguyên, xuôi miền Trung, v.v. không biết họ có còn nhớ chăng
những ngày lao đao, lận đận của đất nước vào tháng 4/75? Cũng
chính tại đây, người miền Nam trước sự lộng hành trơ trẽn, bất
nhân, bất nghĩa và vô nhân đạo của CSBV, đã thực sự phẫn nộ, nên
đứng lên tử chiến với họ một lần cuối cùng trong 12 ngày. Trong
khi Hà Nội, Đảng ngồi đứng không yên, chờ tin thắng trận. Cũng
thời gian đó, tại Sài Gòn, hàng hàng lớp lớp lãnh đạo, quan
quyền, kẻ có thế lực tiếp nối bỏ đi, thì trong khi đó tại các mặt
trận khắp tỉnh Long Khánh, người Việt trong 2 quân đội thù
nghịch, ăn xương uống máu lẫn nhau, kẻ tấn người đỡ. Họ từng phút
từng giây tắm dưới bom đạn, lội trên máu thịt con người, giành
nhau từng bước tường cháy, đống gạch vụn, mái nhà xiêu, đến các
công thự phòng thủ để giữ mạng. Tội nghiệp và thê thảm nhất vẫn
là dân chiến nạn miền Nam, chạy loạn từ các vùng bị giặc chiếm
như Đà Lạt, Di Linh, Định Quán, Kiệm Tân về hoặc xa hơn là Phan
Thiết, La-Gi, Võ Đắc, Tánh Linh. Tất cả cùng với Long Khánh cùng
chịu chung số phận của những con cá nằm giữa thớt, dao, đạn bom
vô tình rơi xuống khiến cho: “Đống xương vô định, đã cao bằng
đầu...” bởi tử thi của hơn 60,000 người vừa dân, vừa lính VNCH
và...bộ đội CSBV.
Hai mươi năm qua rồi, tóc xanh thành
tóc bạc, bạn bè thân thương một còn, chín mất, lưu lạc khắp ngàn
phương. Cái mộng mị năm nào được:
Ngày
mai rồi có ngày nào,
Cưỡi voi theo gót
ai vào Thăng Long...
(Thơ Vũ Tầm Hoan)
đã tan biến theo mây khói, giờ chỉ còn
biết:
Nghiêng bầu mà hỏi
Thiên hạ mang mang
Ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường
Hồ
trường, Hồ trường...
Ta biết rót về
đâu...
(Thơ
Nguyễn Bá Trạc)
Hồ Ðinh
THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH
|
Hình nền: Bộ Huy hiệu Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.
Nguồn: Internet E-mail by ddcb chuyển
Đăng ngày Thứ Năm, March 9, 2017
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư:
Liên lạc
Trở lại đầu trang