Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Tin Công giáo Việt Nam - Xã Hội
Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới
(Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39)

Web site: http://www.conggiaovietnam.net
E-mail: conggiaovietnam@gmail.com

Bão nổi lên rồi
BBT CGVN

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

LTS - Kính thưa Quý Đức Cha, Quý Cha và Quý Vị

Một người anh em chúng con không may bị ung thư, suốt hơn một năm từ theo dõi, chẩn đoán và điều trị anh đã có dịp gặp gỡ, tiếp xúc, tận mắt chứng kiến nhiều hoàn cảnh khắc nghiệt của anh chị em đồng bệnh, đồng bạn với mình. Anh có ghi lại một ít chứng từ và từ đó suy nghĩ, cầu nguyện đồng thời đề nghị với BBT chúng con nên làm một điều gì đó để giúp đỡ những hoàn cảnh thật đáng thương của những bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những anh chị em từ khắp các tỉnh thành trong cả nước đang buộc phải đổ về Sài Gòn là nơi có đến 5/10 Trung Tâm Ung Thư của cả nước để được điều trị chuyên môn với đầy gian nan trắc trở.

BBT CGVN

 

 

1. Tên nó là Bão Ung Thư

Hình như chưa ai gọi nó là “bão”, nhưng thực ra nó tàn khốc và kinh hoàng hơn cả bão biển, bão lũ lụt, bão sa mạc, hay ngay cả bão FORMOSA, có lẽ cũng chỉ vì ai cũng thờ ơ với nó và nhất là không thể nhìn thấy nó bằng mắt thường nên ai cũng nghĩ nó ở đâu xa xôi chẳng liên quan gì đến mình! Nó đang thổi khắp Bắc-Trung-Nam, không chừa một tỉnh thành nào, không sợ bất cứ thứ quyền lực trần gian nào. Nó không thổi cho sập nhà cửa nhưng khi nó thổi tới đâu là con người trở nên tay trắng nhanh chóng, nhà cửa và tài sản lần lượt ra đi, mà ngay cả mạng sống cũng tiêu tan.

Xin hãy gọi đúng tên nó chính là BÃO UNG THƯ, bão đã nổi lên rồi, cũng không ai dám chắc nó thổi từ đâu và sẽ đi hướng nào nhất định, rất có thế nó đang ẩn khuất đâu đây, trong tim gan phèo phổi tai mũi họng hay xương da của anh, của chị, của em. Nó đến thật âm thầm rón rén đến độ chủ nhà vẫn bình an vô sự như chẳng có gì khác thường: vẫn ăn, vẫn uống, vẫn quyết liệt tranh giành quyền lực tiền tài và hưởng thụ, cho đến một ngày bất chợt khi “ông chủ” nhận ra nó đang hiện diện “ngay trong nhà mình” thì mọi sự rất có thể đã muộn màng! Hằng năm tại Việt Nam có khoảng gần 100,000 người chết vì ung thư, gấp mười lần so với tai nạn giao thông, và có thêm khoảng 200,000 bệnh nhân mới, nghĩa là tương đương khoảng 40 giáo xứ có số nhân danh trung bình là 5,000 người. Một con số thật khủng khiếp cho nên đáng lẽ phải gọi tên nó là “SIÊU BÃO” mới đúng “đẳng cấp” của nó!

Ai dám mở miệng nói không sợ ung thư thì đó chỉ là kẻ nói dối hoặc “không bình thường”. Ung thư lại có cá tính rất mạnh mẽ, nó chẳng biết sợ ai, nhất là những kẻ huênh hoang tỏ ra không biết sợ nó. Nó rất ghét loại người này, dù nó không biết nói tiếng người. Nó chẳng phân biệt người đội mũ tím hay đỏ, hoặc đầu trần đầu trọc cũng như nhau. Bão lụt đáng sợ song chỉ là ít ngày là qua đi ngay, còn bão ung thư thì ngày càng tăng tốc đáng kinh hoàng. Thế đấy, nhưng lạ một điều là xem ra chẳng có mấy ai nghĩ đến việc “cứu trợ bão ung thư”, mặc cho các y bác sĩ và các nhà chuyên môn kêu gào: “Chung tay đẩy lùi ung thư”.

 

 

2. Cánh cửa của Lòng Thương Xót.

Chẳng biết nó nặng bao nhiêu mà trông nó quá mệt mỏi, cho dù con người luôn hối hả vội vã thúc giục thì nó vẫn cứ lừ đừ, lờ đờ nhúc nhích từng xăng-ti-mét để tự vận hành theo các “y lệnh” của kỹ thuật viên Phòng Xạ. Nó mở ra rồi khép kín lại suốt từ 5 giờ sáng tới khuya cho khoảng 80 bệnh nhân ra vào trong một ngày làm việc. Bệnh nhân thì chỉ qua cửa hai lần ra và vào trong một buổi xạ, song các kỹ thuật viên thì phải ra vào nhiều hơn hàng chục lần cho mỗi ca bệnh để điều chỉnh các thiết bị kỹ thuật chuyên môn của dàn máy cho mỗi tia xạ trên từng loại ung thư khác nhau. Chẳng có ai can đảm ngồi đếm xem trong ngày cái cánh cửa ấy đã đóng mở bao nhiêu lần: Đó chính là Cánh Cửa của Phòng Xạ Trị Ung Thư.

 

 

Người hiền hòa có thể gọi đó là Cánh Cửa của Lòng Thương Xót, dù nó chẳng biết xót thương nghĩa là gì, nhưng rõ ràng là những ai được nó “mời vào” thì mới mong được cứu sống. Kẻ khó tính thì lại có thể giận dữ với nó vì để được ra vào cửa hẹp này, bệnh nhân phải trả số tiền một vài ba bốn triệu (tùy nơi và tùy dàn máy) cho một lần xạ trị, mỗi người phải xạ ít là 10 lần (2 tuần x 5 ngày) và nhiều là 35 lần (7 tuần x 5 ngày) cho một đợt điều trị. (hóa trị thì phải trả từ chục triệu đến hằng trăm triệu cho một “liều”, và mỗi bệnh nhân thường cần phải hóa trị từ 4 liều trở lên cho một đợt). Nhưng bằng ấy con số cộng trừ nhân chia với nhau có lẽ cũng chẳng thấm vào đâu với số tiền trị giá của một dàn máy xạ trị đời mới: 56 (năm mươi sáu) tỷ tiền VN. Bệnh viện luôn phải cậy dựa vào các công ty Đa Quốc Gia để có thể hợp tác thực hiện.

3. Chỗ nào bán băng ca?

Hôm nay cánh cửa Phòng Xạ này lại có dịp phải mở hết cự ly để đón nhận một người bệnh không thể tự ra vào bằng hai chân, cũng không thể ngồi xe lăn hay do người nhà bồng ẵm vào, ông ra vào bằng băng ca, cho nên cánh cửa càng tỏ ra chậm chạp đến đáng thương hại.

Chiếc băng ca có ai đó nằm sõng soài bên trên được đẩy ra khỏi Phòng Xạ và đến đúng chỗ tôi đang ngồi thì dừng lại. Tôi hiểu ra ngay người nhà của bệnh nhân cần tôi giúp một tay để điều chỉnh thân hình đã bị liệt của ông phải được nằm trên cái băng ca lạnh lùng này một cách ngay ngắn nhất có thể để giảm bớt những cơn đau đớn ghê gớm, vì ông đã bị di căn xương, vừa mới mổ cột sống tại một bệnh viện khác nay được chuyển đến đây để xạ trị.

Người con trai của ông vội vã dặn dò mẹ ở lại để trông coi bố, anh bước đi thật nhanh ra cổng vì anh còn phải tranh thủ đi làm rồi tối sẽ quay lại bệnh viện giúp mẹ lo cho cha. Tôi chỉ vừa kịp tìm cho chị ấy một chiếc ghế nhựa ngồi tạm bên băng ca của chồng thì cô điều dưỡng đã đến “xin lại” chiếc băng ca ông đang nằm vì bên ngoài đang có bệnh nhân cần cấp cứu, phải có băng ca để tải bệnh.

Mọi người đều ngỡ ngàng song không có ai dám can đảm sỗ sàng nặng nhẹ gì với nhau. Vì hình như tuy chưa ai nói ra với ai điều gì mà trong lòng như đã hiểu nhau thật rõ ràng từ kiếp nào:

- Cô ơi, ông ấy vừa mới bị mổ cột sống hai ngày, vết thương chưa lành, lại bị liệt hai chân rồi, làm ơn cho tôi mượn chiếc bằng ca này đi cô.

- Không được bác ơi, đây là chiếc băng ca dùng để tải thương, dùng cho khẩn cấp, cháu không cho bác mượn lâu được, vì bác trai là bệnh nhân ngoại trú, đã xạ trị xong thì phải về nhà hoặc tự tìm chỗ trọ nếu nhà ở xa hoặc chỉ có thể nằm tạm ở đây như cô bác đây. Cô chỉ tay xuống nhiều chiếc chiếu nửa cuộn nửa trải ra trên sàn nhà, kẻ nằm người ngồi lố nhố.

- Nhà tôi ở ngay quận 8 đây thôi cô ạ, nhưng vì ông ấy bị liệt cho nên phải di chuyển bằng xe cứu thương có băng ca chứ không thể đi taxi được, cô làm ơn cho ông ấy mượn tạm chiếc băng ca này đi cô.

- Những kẻ ngồi dưới “sàn nhà” trước Phòng Xạ nhốn nháo và bắt đầu dịch chuyển, người ta thu vén “phần đất” của từng “gia đình” cho gọn hẳn lại như để sẵn sáng hỗ trợ cho người bệnh tội nghiệp này (tiêu chuẩn tự nguyện chung mỗi “gia đình” ở đây là một chiếc chiếu chín tấc rưỡi bề ngang). Riêng cô điều dưỡng có lẽ đã quen việc và ý thức rằng hôm nay mình “hơi bị xui và sẽ bị mệt” vì phải làm thêm một công việc không được trả lương, đó là chạy đi sang các khoa khác để tìm mượn một chiếc băng ca... khác! Cô đã chạy nhanh biến mất hút về phía khu A.

Tôi chưa dám hỏi thăm gì thì người phụ nữ đã kể một hơi từ đầu đến cuối, cuộc chữa chạy rất không may mắn này. Họ không có Bảo Hiểm Y Tế, khi bị bệnh thì lại đi khám và mổ gấp tại một bệnh viện tư, mổ xong vì bệnh viện ở đó không có máy xạ, nên cho xuất viện về nhà và tự lo chữa trị tiếp theo sau đó, chị nói trong nghẹn ngào đã hết trên 80 triệu rồi, nay lại gặp cảnh này, nếu phải đi về mỗi ngày sẽ mất thêm gần 1 triệu tiền xe cho một lần, dự trù ông phải xạ 10 lần, còn hóa trị thì đang chờ chỉ định.

Tôi chẳng dám góp ý với chị điều gì mà chỉ nhắc một điều thật quan trọng này, điều mà hình như hầu hết bà con chúng ta chưa hề chú ý hoặc hay biết: Chị hãy mua ngay bảo hiểm y tế cho ông, vì bệnh này còn phải chữa trị lâu dài, và đừng có quá lo lắng, bệnh này tuy là khó chữa trị song lại không phải là bệnh cấp tính, nghĩa là chậm một chút cũng không sao, mà việc mua bảo hiểm thì chỉ trong vòng khoảng 1 tháng là xong, có thẻ bảo hiểm là bệnh viện sẽ trừ cho chị đến 80% các chi phí. Cô điều dưỡng đã bỏ đi rồi, có nghĩa là sẽ không có ai đòi cái băng ca này nữa đâu, chẳng có ai can đảm bế ông bỏ xuống sàn nhà này đâu, chị cứ yên tâm “giữ” chặt chiếc băng ca này là ổn mọi sự, còn ngày mai thì sẽ tính sau...

Bà cụ ngồi dưới chiếu cách chúng tôi ít bước chân có lẽ đã theo dõi câu chuyện nãy giờ rồi nên nói lớn vọng lại bằng cung giọng của một người miền Nam chất phác đến độ thật đáng trân trọng: “Mua luôn chiếc băng ca đó đi, mỗi người tụi tôi sẽ giúp một tay!”. Quá bất ngờ với lời đề nghị “độc đáo” ấy, tôi chưa kịp nói gì cả thì đã nghe gọi tên đến lượt tôi vào Phòng Xạ.

Nằm nhắm mắt trên bàn xạ, tôi cứ miên man suy nghĩ và chẳng còn nghe thấy những tiếng lách cách, lọc cọc hay rung reo rít lên từng hồi của máy xạ. Tôi nhớ lại chuyện đã hai lần tôi đi làm sinh thiết. Nghe hai chữ “sinh thiết” sao mà có vẻ thơ mộng thế, lạ tai và có vẻ kỹ thuật quá, nhưng khi nằm trên bàn mổ mới thấy mình quá mỏng manh. Cả hai lần tôi đều được nhắc nhở điều quan trọng là phải có người nhà đi kèm theo (để làm gì thì lúc đầu tôi cũng chưa rõ). Tôi phải ký giấy cam kết (đại ý là nếu lỡ chết thì thôi không kiện cáo gì cả), ngay sau thủ tục cam kết khá nhanh gọn ấy, cô điều dưỡng đẩy đến giao cho con tôi một chiếc băng ca y chang thế này và căn dặn cháu: “Đây là chiếc băng ca của bác, tôi giao tận tay anh giữ và đừng cho ai mượn hay kéo đi mất thì phiền phức lắm, vì sau khi sinh thiết, bác sẽ phải nằm bất động trên băng ca này đề phòng bị chảy máu ít là ba bốn giờ đồng hồ rồi mới an toàn về được”. Chuyện ấy đã qua cả năm rồi mà tôi vẫn khó quên, chiếc băng ca là cái thường nằm ở các góc bệnh viện, nay sao nó trở nên quan trọng đến thế, có ai nghĩ rằng mình phải mang ơn những chiếc băng ca này không? Có ai biết chỗ nào bán băng ca không? Xin cho chúng tôi mua một cái, vì người bạn của chúng tôi đang rất cần nằm trên băng ca mà bệnh viện thì không đủ cung cấp. Thật ra không phải các bệnh viện thiếu trách nhiệm đâu, nhưng đúng là lực bất tòng tâm. Từ nhiều năm trở lại đây, tình trạng quá tải trong các bệnh viện ngày càng báo động đỏ, vì thế số bệnh nhân phải nằm trên băng ca thay cho giường bệnh ở tất cả các khoa đều tăng lên rất nhanh, có khi đông hơn số giường thực thụ của bệnh viện. Bà cụ vừa gợi ý cũng là một bệnh nhân ung thư như chúng tôi, chính bà đưa ra một đề nghị mà có lẽ đã xuất phát từ tấm lòng nhân hậu sẵn có trong lòng chứ không phải bởi lý trí: “Hãy mua luôn chiếc băng ca đó đi, chúng tôi sẽ giúp một tay!”

Chợt nghe kỹ thuật viên nói: “Xong rồi chú”, tôi vội vã cám ơn và đi ngay ra khỏi Phòng Xạ.

Lạ thật, ai đã đẩy chiếc băng ca lúc nãy đi đâu mất rồi, bà cụ đề nghị mua luôn chiếc băng ca cũng chẳng thấy đâu cả, phải chăng họ đang dắt nhau đi mua băng ca thật sao? Tôi không biết được điều gì đã xảy ra cho họ và cũng chẳng có thể hỏi ai, vì bệnh viện một ngày có hàng ngàn người vào rồi lại vội vã ra ngay chứ có ai chú ý tới nhau làm gì? Tôi phải trở về nhà thôi, và thường thì chúng tôi sẽ không có dịp gặp lại nhau lần nữa. Cầu chúc nhau luôn bình an.

4. Những “phái đoàn hộ tống” ung thư.

Đến một ngày mà tôi đã quá mệt mỏi do ngày nào cũng phải đến bệnh viện. Phòng chờ xạ hôm nay sao lại cũng có người “đi” vào bằng băng ca, tôi nhìn họ mà thấy chẳng giống người “hôm trước” tý nào. Khác xa vì hôm nay có đến 4 người đàn ông đi theo và một phụ nữ xách giỏ tháp tùng, bệnh nhân này tuy cũng là đàn ông nhưng trông có vẻ rất “chuyên nghiệp” đi xạ, ông ăn mặc phong phanh áo sơ mi và chỉ có quần xà lỏn thôi, mắt ông tỉnh táo và lồ lộ có lẽ do đã gầy rộc. Sau khi họ ổn định “chỗ đậu” cho chiếc băng ca thì người phụ nữ đã nhìn thấy tôi và mở lời chào hỏi tôi trước. Ngay lập tức tôi sực nhớ ra chị và anh “bạn” này, đúng là chúng tôi đã “biết” nhau mà.

 

 

- Như một phản xạ, tôi hỏi ngay: Hôm đó chị đi đâu vậy? Có mượn được băng ca không?

- Không, tụi tui về liền sau đó! Tôi hỏi thêm đúng chỉ vì tò mò: tại sao vậy? Chị bèn kể khá gẫy gọn:

- Nếu ở lại thì phải trả tiền phòng mấy trăm ngàn một ngày vì ông ấy đâu có nằm dưới đất được, ở lại thì khổ sở hơn về nhà bội phần, chỉ là đỡ được chút tiền xe, nên tụi tui quyết định chấp nhận “số phận” đi và về mỗi ngày bằng xe cứu thương.

- Tôi hỏi thăm: “vậy anh ấy có khá hơn chút nào không”? Chị ngần ngừ hồi lâu và khẽ lắc đầu: “cũng dzậy thôi à”. Chị nói rất nhỏ đủ cho tôi nghe: “di căn rồi, bác sĩ đang kêu mua thuốc uống mỗi ngày một viên, mỗi viên một triệu, tụi tôi dấu ổng mấy chuyện này và tính mua đỡ mấy viên thôi, hôm nay xạ ngày cuối, mừng hết lớn”.

Khi được gọi tên, tôi đã xin với kỹ thuật viên phòng xạ cho tôi làm sau và xin nhường cho người bạn này, sợ chẳng may trên đường về lại gặp cơn mưa chiều cũng tội cho anh. Cả 4 người đàn ông lúc nãy (không rõ là bà con ra sao) đã nhanh chóng đứng dậy và đẩy chiếc băng ca đi vào phòng xạ, người vợ của bệnh nhân đi sau, tôi cũng bon chen đi vào, và cũng vì phòng xạ khá rộng và ai cũng biết mặt tôi quen rồi nên không ai chận lại. Kỹ thuật viên khá chuyên nghiệp hướng dẫn ngay người nhà lót bên dưới thân hình của bệnh nhân một chiếc khăn dày và đủ rộng, bốn người đàn ông nắm lấy bốn góc chiếc khăn lớn rồi nhắc bổng người bệnh lên, di chuyển sang bàn xạ thật nhẹ nhàng. Tôi đã giơ chiếc điện thoại lên định chụp một tấm, nhưng lại không dám bấm máy nữa, vì tôi chợt nhận ra hình ảnh này đúng là thao tác của việc nhập quan!

Tôi vội vã ra khỏi phòng xạ và chưa kịp đến ghế ngồi thì đã thấy trước mắt là hình ảnh của một người đàn ông đẩy chiếc xe lăn có một cô gái còn rất trẻ, và phái đoàn hộ tống đi theo cũng đông không kém anh bạn vừa rồi, có đến 4 phụ nữ đi theo. Cô gái thì vừa khóc vừa ói liên tục, 4 người phụ nữ thì thay nhau an ủi cô, vuốt tóc cô và bàn tính việc cắt tóc cho cô vì nghe nói cô sẽ bị cạo trọc đầu để xạ trị. Tôi không thể im lặng vì biết rằng cô gái này đang bị sốc rất nặng. Tôi nói cho cả 6 người cùng nghe:

- Xạ lần đầu phải không?

Cả nhóm gật đầu. Tôi bèn nói một hơi: Có gì mà sợ, tôi đã xạ cả hơn tháng rồi, có mất sợi tóc nào đâu, chưa gì mà đã bàn tính cắt tóc người ta thì không nên, cứ đến đâu tính đến đó, chẳng có đau đớn gì, cứ coi như vào nằm nghỉ chừng mười lăm phút là xong, máy sẽ rung lên khoảng 5 lần và mỗi lần chỉ 15 giây thôi, có gì mà sợ hãi quá vậy, cứ tin rằng mình đến được nơi đây là may mắn lắm rồi, đừng làm cho cô ấy sợ. Ai cũng tranh nhau hỏi tôi nhiều điều và tôi sẵn lòng chỉ vẻ tất cả. Kể cả phải biết “thảo luận” với bác sĩ điều trị, vì điều trị ung thư thế giới còn đang tranh cãi nhau tứ phía...

5. Một “cuộc chiến mẫu mực”: cả hai đều thắng.

Cách chỗ chúng tôi ngồi chỉ mấy bước, một “cuộc chiến” đang xảy ra giữa cô điều dưỡng và một bệnh nhân đã lớn tuổi:

- Ngồi dậy đi bác, vì đang trong giờ làm việc không thể nằm ở đây được, tôi vừa bị nhắc nhở rồi.

- Cho tôi nằm đi cô, vì tôi đau lưng lắm, không thể ngồi được. Bà vừa nói vừa cố co quắp thân mình cho thật nhỏ lại chỉ còn khoảng nửa chiếc chiếu nhỏ nhưng cô điều dưỡng vẫn không chịu “thua”:

- Không được đâu bác ơi, chỗ này là lối đi, sẽ ngăn trở các nhân viên qua lại, ngồi dậy đi bác, bác có thể ngồi dựa lưng vào cái cột nhà này chứ không thể nằm được đâu. Người bệnh vẫn nằm im không trả lời trả vốn gì cả và cô điều dưỡng cũng cứ đứng đó như một bức tượng, cả hai bên đều giữ thái độ rất nhỏ nhẹ là “năn nỉ lẫn nhau”.

Chỉ trong chốc lát thoáng qua, người bệnh bèn lồm cồm bò dậy và cuộn chiếc chiếu lại, đặt chiếc gối nhỏ lên trên và ngồi dựa lưng vào cái cột nhà đúng như cô điều dưỡng đã mách nước cho.

- Cô điều dưỡng im lặng bỏ đi mà không nói năng gì thêm. Lại mấy chục giây trôi qua nhanh, người bệnh đang nhắm mắt nhưng hình như bà đã trực giác biết “đối phương” của mình đã bỏ đi rồi nên vội mở mắt ra, trải lại chiếc chiếu và nằm co quắp tiếp tục.

Tôi suy nghĩ hai điều: Cả hai người này ai đúng ai sai? Thưa chẳng có đúng hay sai gì ở đây cả, mà cả hai đều đáng thương, họ phải chọn điều mà chính họ không hề mong muốn tý nào. Họ rất khôn ngoan khi chỉ biết “tấn công bằng sự năn nỉ”. Ngoài ra, tôi thực sự xót xa thương cảm với những người bệnh ung thư ở đây, vì đã chẳng có gì ăn bồi bổ khi bệnh nặng (cơm từ thiện chỉ là cơm chay) cũng chẳng được nghỉ ngơi thì quả thật là số phận nghiệt ngã quá. Trong khi có biết bao nhiêu nhà thờ ngay trong thành phố này chỉ là nơi “giam giữ” Thiên Chúa suốt ngày đêm chỉ trừ vài giờ kinh lễ sáng chiều! Có nơi nào dám cho họ ngủ nhờ bên hiên nhà không? Có khuôn viên nhà thờ rộng mênh mông nhưng chỉ là chỗ giữ xe hơi suốt ngày đêm (cho thuê chỗ đậu xe).

6. Ngoại Trú XA QUÊ.

Xưa nay người ta chỉ phân loại bệnh nội trú và ngoại trú, nội trú thì ai cũng biết là gì rồi, còn ngoại trú có nghĩa là KHÔNG nằm trong bệnh viện mà chỉ đến bệnh viện vào một số giờ giấc đã được định sẵn. Tiếc rằng đó chỉ là những bệnh thông thường, còn bệnh ung thư thì lại thật là rắc rối. Điều nan giải trước hết vì không phải bệnh viện nào cũng có thể điều trị ung thư, cả nước chỉ có 3 nơi có khả năng là Huế, Sài Gòn và Hà Nội, trong đó Sài Gòn là gánh nặng nề nhất, và vì việc điều trị ung thư quá phức tạp, kéo dài hàng nhiều tháng mà số bệnh ngày càng đông lên rất nhanh. Chẳng có chỗ cho họ nội trú (và giả sử có thì cũng khó khăn bội phần do việc phải trả tiền phòng), nếu người bệnh ở gần bệnh viện hoặc có thân nhân cho tá túc thì may mắn lắm, song hầu hết là đồng bào ở Quê lên Thành Phố để chữa chạy, họ không thể lo được chỗ ăn và ở nên chỉ còn cách duy nhất là nằm vật vã ngay trong bất cứ chỗ nào đó trong bệnh viện. Xạ trị thì mỗi ngày chỉ mất khoảng 15 phút, sau đó là... cứ “mỏi mòn” chờ chực cho đến hôm sau; Còn hóa trị cũng rắc rối không kém, vì có khi 10 ngày, 20 ngày hoặc một tháng mới hóa trị một lần, được truyền dịch vào người trong khoảng vài ba bốn tiếng đồng hồ. Đa số sẽ phải hóa trị khoảng từ 4 liều trở lên và như vậy cũng có nghĩa là họ sẽ phải ở lại chờ đợi suốt mấy tháng trời... ròng rã trong bệnh viện, vì không thể lo tiền xe đi về nhiều lần. Ngoại Trú Xa Quê chính là những đồng bào ruột thịt của chúng ta từ khắp các tỉnh thành trong cả nước, chẳng may bị ung thư, đang phải “cư trú bất hợp pháp” ngay tại các bệnh viện của Thành Phố.

Trong tấm hình dưới đây, có một “hộ gia đình” đủ 3 thế hệ, đứa cháu bị ung thư, mẹ đi theo nuôi, ông ngoại đã già song không nỡ để con cháu phận gái đi xa nhà. Họ ở mãi tận miền Trung vào Sài Gòn chữa trị, họ không thể về quê dễ dàng vì tiền xe cả vài triệu đi về một lần nên đành phải chầu chực suốt nhiều tháng cho đến khi xong đợt điều trị. Ăn thì xin cơm từ thiện (cơm chay và chỉ có bữa trưa duy nhất), ngủ thì cứ vật vờ cả ngày vì không được phép “nằm” trong giờ làm việc.

Chúng ta sẽ làm gì để giúp đỡ họ vượt qua thời gian dài nghiệt ngã này?

 

 

Xếp hàng xin cơm từ thiện (hiện nay chỉ có buổi trưa và là cơm chay):

 

 

Sự lựa chọn của BBT CGVN:
Chính anh em hãy cho họ ăn
(Mt 14,16; Mc 6,37; Lc 9,13)

Kính thưa Quý Đức Cha, Quý Cha và Quý Vị

Chúng con đã có hơn hai năm thực hiện chương trình Quà Tặng Tin Mừng với sự giúp đỡ của mọi người và cũng đã có chút kết quả nhất định, nay ý thức thêm rằng khi Loan Báo Tin Mừng cho muôn dân, Chúa Giê-su còn quan tâm tới cả của ăn phần xác cho dân chúng; vì thế chúng con cũng có ý sẽ quan tâm tới những hoàn cảnh đáng thương của các bệnh nhận, đặc biệt là các bệnh nhân ung thư từ khắp các tỉnh thành đang được điều trị tại Sài Gòn là nơi chúng con có thể tiếp cận được. Họ chính là dân vùng sâu vùng xa đang là “khách trọ” của thành phố. Chúng con sẽ cố gắng lo cho họ có bữa ăn hoặc một chút giúp đỡ vật chất nào đó để hy vọng họ sẽ thêm can đảm chiến đấu với bệnh tật và mau bình phục trở về với gia đình thân yêu. Điều này chúng con chỉ có thể làm được với sự cộng tác của mọi người.

Mọi sự giúp đỡ, xin gởi đến Cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê Hoàng Đình Mai
(đại diện cho BBT CGVN), tại một trong hai địa chỉ sau đây:

1. Tòa Giám Mục Long Xuyên
Số 80/1 Bùi Văn Danh, Long Xuyên, An Giang

2. Hoặc tại Phòng Đón Tiếp Thân Chủ (nhờ chuyển đến cha Mai)
Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn
Số 42 Tú Xương, Quận 3, Sài Gòn.

Quý Vị cũng có thể chuyển khoản
[tiền trợ giúp] qua Ngân Hàng ACB (Asia Commercial Bank):

Chủ Tải Khoản: Hoàng Đình Mai
Số Tài Khoản: 182 232 169 (chi nhánh Phan Đăng Lưu)
SWIFT Code ASCBVNVX
442 Nguyễn Thị Minh Khai, Q3, HCM VN


Chớ gì khi Cánh Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót khép lại cũng sẽ là lúc Cánh Cửa Lòng Từ Tâm của mỗi người được mở rộng. Hãy Thương Xót để được Xót Thương.

Chúng con xin chân thành cám ơn và xin thương cầu nguyện cho chúng con.

 

BBT CGVN

Kính thưa Quý vị, đặc biệt các bạn trẻ,

Trong số những người thân của chúng ta. Không phải tất cả đều đã có máy điện toán (vi tính) hoặc có dùng email, hoặc đã có thể nhận được những thông tin này...

Vì vậy, xin hãy ủng hộ chúng tôi bằng cách phổ biến thông tin này bằng email hoặc in ra, photocopy và gởi cho người thân của Quý vị. Đặc biệt xin gởi cho những ai chưa có sử dụng internet.

Xin chân thành cám ơn


conggiaovietnam@gmail.com
http://www.conggiaovietnam.net&n 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: NTLTX. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet E-mail by Internet E-mail by conggiaovietnam@gmail.com chuyển
http://www.conggiaovietnam.net

 

Đăng ngày Thứ Sáu, November 18, 2016
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang