Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Thời sự Chính trị Thế giới

Raul phục hận Fidel sau 50 năm ẩn nhẫn

Fidel Castro (trái) khi còn là chủ tịch Cuba và em trai Raul,
bộ trưởng Quốc Phòng tháng 12/2003, trong kỳ họp Quốc Hội.

--ADALBERTO ROQUE/AFP

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

Sau gần nửa thế kỷ chấp hành mệnh lệnh của ông anh Fidel Castro, ngày 31/07/2006, Raul Castro lên làm quyền chủ tịch Cuba. Từ đó, Cuba dần dần biến đổi, cải cách kinh tế và tái lập bang giao với Hoa Kỳ, lật qua trang sử “cách mạng đối đầu” của Fidel Castro đẩy Cuba vào thế cô lập suốt 50 năm. Sơ kết mười năm cầm quyền của Raul Castro.

Tạm thay Fidel Castro bệnh tật vào năm 2006, Raul Castro phải chờ đến năm 2008 mới chính thức lên làm chủ tịch nước. Sau đó, phải đợi đến năm 2011, cha đẻ cách mạng Cuba mới chịu nhường chức vụ cuối cùng “lãnh đạo tối cao” cho người em.

Nhân đại hội đảng Cộng sản Cuba năm đó, một loạt 300 biện pháp cải cách kinh tế, mở cửa cho lãnh vực tư nhân trách nhiệm tự quản lý cho các công ty Nhà nước được thông qua. Nhưng biến cố ngoạn mục nhất là trong lãnh vực ngoại giao. Ngày 17/12/2014, Raul Castro long trọng thông báo tái lập bang giao với Washington. Sau diễn văn, chủ tịch Cuba đưa tay gạt nước mắt, nhưng lập tức ông kiểm soát xúc động, không quay lại nhìn ông anh.

Sau 50 năm tuân lệnh Fidel một cách mù quáng, Raul, mà nhiều người cho là “thiên tài quân sự và tổ chức” đã dứt khoát đứng thẳng trước định mệnh của chính mình. Nhân danh chủ tịch Cuba, Raul vĩnh viễn quay lưng lại với Fidel, vi phạm một điều cấm kỵ của chế độ cộng sản Cuba, đó là dám phạm tội tày trời, hòa giải với “kẻ thù không đội trời chung” Yankee (Mỹ), nắm bàn tay của “tên trùm đế quốc số một” Barack Obama.

Vào thời điểm này, tuần báo cánh tả Pháp Người Quan Sát (l’Obs) đặt câu hỏi: Phải chăng “tiểu lãnh tụ” phục hận?

Raul, người em nhút nhát, người em có biệt tài “xuyên tường”, ở 83 tuổi, đã bẻ gẫy lời nguyền, tự giải phóng để mang lại nụ cười và hy vọng cho một dân tộc mỏi mệt, kiệt quệ vì một chế độ độc tài lố bịch.

Trong suốt nửa thế kỷ, tuy đeo sao trên cổ áo, Raul đóng nhiều vai trò phụ thuộc bên cạnh “tư lệnh tối cao”. Từ sĩ quan thuộc hạ, sĩ quan tùy viên, quản gia, bù nhìn, cầu nối với Moscow, giữ con cho ông anh, công tố viên, bình định viên. Lúc nào cũng sẵn sàng, lúc nào cũng sẵn lòng bao che những hành động điên rồ, lố lăng và tội ác của ông anh lãnh tụ...

Thật ra, nếu xem xét kỹ càng cuộc đời chính trị của Raul, người ta sẽ hiểu vì sao ông biết nhẫn nại và thi hành sứ mệnh cho đến hơi thở sau cùng. Sứ mệnh đó là bảo vệ hình ảnh chế độ Castro và quyền lực bằng mọi giá cho đến khi hương tàn khói lạnh.

Vụ án ma túy Arnaldo Ochoa: giết bạn để cứu anh

Một trong những sự kiện, đúng hơn là một vụ án dàn dựng vào năm 1989, truy tố 47 sĩ quan và cán bộ, tử hình bốn người trong đó có tướng Arnaldo Ochoa, đại tá Antonio de la Guardia, thuộc lực lượng đặc biệt, hai cán bộ cao cấp của bộ Tài Chính và bộ Nội Vụ với tội danh “phản quốc”. Bộ trưởng Nội Vụ José Abrante, cũng bị 20 năm tù với tội danh đồng lõa và sau đó bị ám sát trong nhà giam.

Vào năm 1989, Cuba lập một đường dây buôn ma túy với phương tiện là máy bay vận tải, 15 chuyến từ Colombia, đáp thẳng xuống các sân bay quân sự và dân sự Cuba mà “không ai hay biết”, kể cả tổng tư lệnh tối cao Fidel Castro, bộ trưởng quốc phòng Raul.

Mục đích của kế hoạch “dịch vụ đặc biệt này” là tìm ngoại tệ đô-la. Tuy nhiên, khi quan hệ giữa La Habana và các trùm ma túy Colombia sắp bị Washington tố cáo với quốc tế, Fidel Castro quyết định hy sinh các sĩ quan và cán bộ liên can. Thiếu tướng Arnaldo Ochoa, từng tổ chức nổi dậy ở Venezuela, nhưng thất bại, nguyên là tư lệnh lực lượng viễn chinh Cuba tại Angola, một người hùng của quân đội, cùng với 13 sĩ quan, đa số là khai quốc công thần từ năm 1959, bị kết án nặng nề, kẻ bị xử bắn, người bị giam cầm.

Giết tướng anh hùng

Vụ án này cho thấy Nhà nước Cuba quản lý đường dây ma túy. Tuy nhiên, không một nhà quan sát nào tin rằng một tướng lãnh như Arnaldo Ochoa, đứng đầu đường dây phạm pháp này. “Tòa” cũng không đưa ra được chứng cớ cụ thể. Thế thì tại sao anh em nhà Castro lại giết tướng?

Vụ này bắt nguồn từ hai nguyên nhân sâu xa. Theo nhà báo Pháp Serge Raffy, (l’Obs 15/04/2015), vào năm 1989, khi Liên Xô của Mikhail Gorbachev đổi mới, Raul Castro khuyên ông anh nên thừa cơ hội cải cách, nương theo lá bài Perestroika mở cửa Cuba cho giới đầu tư Mỹ.

Thế nhưng nhà độc tài vẫn đóng kín trong tâm lý hoang tưởng nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Fidel nghi ngờ đứa em âm mưu đảo chính với sự đồng lõa của tướng Arnaldo Ochoa mới từ chiến thắng Angola (chống lực lượng Nam Phi và đối lập không cộng sản Angola), trở về. Cũng như Raul Castro, tướng Arnaldo Ochoa rất thân với bộ tham mưu quân đội Liên Xô, đa số là tướng lãnh ủng hộ tân tổng bị thư Mikhail Gorbachev và chính sách Perestroika.

Để triệt hạ băng “phản bội”, Fidel Castro ra lệnh bắt hết những người bị nghi ngờ theo chủ trương của Gorbachev và kết án họ “buôn ma túy”. Fidel Castro còn thâm hiểm đến mức buộc Raul mặc chiếc áo “chưởng lý” để trong suốt vụ xử dàn dựng đúng theo kịch bản Stalin thời thanh trừng nội bộ.

Raul tuân lệnh nhưng không bao giờ tha thứ cho ông anh đã bắt mình đóng vai trò vu khống, phản bạn và đưa nhiều bạn thân, chiến hữu, đồng chí ra pháp trường.

Raul đã sống những ngày thê thảm, đớn đau trong các phiên tòa giả dối này. Chính ông kêu án tử hình người bạn chiến đấu từ thời còn gian khó. Thời khắc kinh khủng nhất là khi Raul đọc bản luận tội Arnaldo Ochoa. Ông dìm xúc động trong cơn say, trấn áp nỗi đắng cay và lợm giọng trong men rượu Rum và Whisky (Le Monde 11/05/2015 và L’Obs 15/04/2015).

Nguyên nhân thứ hai, hãy nghe Ileana de la Guardia, con gái của đại tá Antonio de la Guardia bị xử bắn cùng với tướng Ochoa, kể lại: Fidel tiếp gia đình các tù nhân, giải thích với chúng tôi vụ xử này chỉ là dàn dựng. Tổ chức các phiên tòa là để che mắt Hoa Kỳ vì CIA có bằng chứng chế độ có dính líu vào đường dây buôn lậu ma túy với các trùm Colombia.

Sau vụ xử, thì tất cả sẽ được tự do. Thật ra, chúng tôi ai cũng biết kẻ chủ mưu buôn ma túy là Fidel Castro và bây giờ thì ông ta tìm cách cứu bộ lông của mình. Fidel lừa dối chúng tôi. Chúng tôi phải chọn con đường lưu vong. Còn Raul, người bạn thân của gia đình, làm sao có thể bình tâm sau một tội ác (giết bạn thân vô tội để cứu anh) như vậy.

Anh em Castro trong mắt giới lãnh đạo Liên Xô

Thái độ của Raoul trong phiên tòa dàn dựng, bất bình nhưng không dám chống lại Fidel phải được hiểu như thế nào?

Nikita Khrushchev, tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô khi thấy Fidel Castro tịch thu tài sản và quốc hữu hóa các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia của Mỹ, đã gọi Fidel là một kẻ ngông cuồng, là “con ngựa điên” không đáng tin cậy. Moscow đã chọn Raoul, được trung tá KGB Leonov móc nối từ thời sinh viên, làm điểm tựa để cắm dùi tại hải đảo. Trong mắt Liên Xô, Raoul là một nhân vật “thực tế, sùng bái Stalin tuyệt đối”, còn Fidel “khó kiểm soát”.

Giáo sư Jacobo Machover, người Cuba, tác giả quyển sách “Raul et Fidel, la tyrannie des frères ennemis”, tạm dịch là “Raul và Fidel, chế độ bạo ngược của hai anh em thù nghịch” nói rõ: Raul không phải là chiếc bóng hay thuộc hạ của Fidel. Trong nhiều năm dài chỉ huy quân đội, Raul đóng vai trò “người dọn rác” cho Fidel, thi hành những công tác sắt máu cho ông anh. Đó là hai nhân vật mà cá tính trái ngược nhau. Raul cư xử như một người cha có tình người trong khi Fidel tự cho mình là kẻ “giác ngộ cách mạng vị kỷ” ngay con ruột cũng không quan tâm.

Người cha có tình cảm này, sau một loạt vố đau, và từ khi chính thức lãnh đạo quốc gia vào năm 2008, đã quyết định tiến hành hoài bão manh nha chuẩn bị từ thập niên 1980 nhưng bị Fidel giết từ trong trứng nước qua vụ án Arnaldo Ochoa.

Để thực hiện kế hoạch bí mật này mà kết quả đầu tiên được thế giới biết đến là cú “bắt tay” ngoạn mục, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng với Mỹ 7 năm sau đó, “người dọn rác” của Fidel đã nhanh chóng “quét sạch” tay chân của ông anh: Cải tổ nội các, loại trừ những nhân vật có thể kế nghiệp, đặt người thân tín vào Bộ chính trị đảng Cộng sản, bổ nhiệm người thân vào các chức vụ quan trọng.

Đưa tướng Julio Casas Regueiro, 80 tuổi, và con rể là đại tá Luis Alberto Rodriguez làm phó, đứng đầu tập đoàn doanh nghiệp quân đội Geasa, độc quyền quản lý một cách 80% lãnh vực kinh tế trọng yếu từ vũ khí, xăng dầu, khách sạn, nhà hàng, xuất nhập cảng, viễn thông, phi trường, hải cảng, xây dựng.... Con gà đẻ trứng vàng đáp ứng nhu cầu mở cửa kinh tế.

Khi tướng Julio Casas Regueiro qua đời, Luis Alberto Rodriguez chính thức lên thay và được bố vợ thăng cấp tướng, bất chấp những dị nghị. Chưa hết, ngành an ninh tình báo, lá chắn bảo vệ chế độ và an nguy của Raul nằm trong tay đại tá Alejandro Castro, không ai khác hơn là con trai của Raul.

Raul tham khảo rất kỹ hồ sơ mật, báo cáo mật về tâm tư, suy nghĩ dự án của thành phần cán bộ, sĩ quan cốt cán của chế độ và hiểu rằng chuyện sinh tử của gia đình Castro là làm cách nào để cứu sống toàn gia khi bị dân chúng đòi xét công luận tội. Raul nhất định không để xảy tới ngày này sau khi ông anh “Râu Xồm”, biệt danh của Fidel, từ giã cõi đời.

Hiểu rõ não trạng người dân Cuba, Raul không tin vào “Mùa Xuân Cuba” theo mô hình các nước Ả Rập. Theo ông, dân Cuba, nhất là thế hệ trẻ khát khao lối sống và văn hóa Mỹ. Sau nửa thế kỷ bị trói buộc, thanh niên Cuba không quan tâm đến chính trị, họ bất cần ký ức và chỉ lo “xoay sở” sao cho có cái ăn nhét vào bụng mỗi ngày. Nếu có nổi dậy thì cũng vì cái dạ dày. (l’Obs 15/01/2015).

Cho dân ăn no để tránh nổi dậy...

Do vậy, nỗi ám ảnh ông Raul Castro là nuôi dân để tránh biển máu. Đáp án của ông là phải đổi mới kinh tế, mà muốn đổi mới kinh tế thì phải giải tỏa cấm vận. Mà muốn cấm vận được giải tỏa thì phải hòa giải với kẻ thù.

Thế là Raul bổ nhiệm hai chuyên gia kinh tế trẻ không có thẻ đảng vào Hội đồng Nhà nước. Omar Everleny và Pavel Vidal có trọng trách lập kế hoạch dự báo kinh tế Cuba trong 10 năm tới. Theo hai nhà kinh tế Cuba này thì tương lai Cuba không tùy thuộc một cường quốc xa xôi nào, ám chỉ Nga và Trung Cộng, mà tùy thuộc vào nam Mỹ và bắc Mỹ nhất là Brasil và... Hoa Kỳ.

Tháng 7/2007, một năm sau khi Fidel Castro nằm bệnh viện, Raul Castro đọc một bài diễn văn gây chấn động: “phải cải cách tận gốc rễ từ cấu trúc cho đến học thuyết kinh tế. Hoặc chúng ta đổi mới, hoặc sẽ bị tụt hậu” (Orectificamos, o nos hundimos). Thực ra, theo giới quan sát, Raul chỉ muốn cho dân đủ ăn mà thôi để họ đừng làm loạn.

Cho Fidel đi vào quên lãng...

 

 

Với đầu óc thực tế, không như ông anh Fidel, Raul thấy rõ là chế độ La Habana sống còn là nhờ Venezuela. Hai nhà “cách mạng hoang tưởng” Fidel Castro và Hugo Chavez không bao giờ quan tâm đến kinh tế và đời sống của dân chúng. Được Caracas mỗi ngày cho không từ 80,000 đến 100,000 thùng dầu, La Habana bán lại một phần cho thị trường quốc tế thu vào một số ngoại tệ đủ để cầm hơi xây dựng Xã hội Chủ nghĩa.

Cái chết của tổng thống Hugo Chavez và cuộc khủng hoảng kinh tế, lương thực, chính trị làm rung chuyển Venezuela cho thấy Raul sáng suốt, phải đổi mới. Tiến trình bình thường hóa bang giao với Mỹ, do vậy, được tăng tốc.

Rút kinh nghiệm thất bại đắng cay trong việc khuyến khích ông anh chủ tịch bắt chước Mikhail Gorbachev, Raul âm thầm thương lượng với nước Mỹ của Barack Obama từ năm 2013. Fidel hoàn toàn không hay biết gì về 9 cuộc gặp gỡ bí mật ở Canada và ở Vatican qua sự giúp đỡ của Giáo Hội Công Giáo Cuba và Tòa Thánh.

“Thằng em nhỏ”, sau 50 năm nhẫn nhịn chờ thời, đã “giết chết thằng anh lớn hơn 5 tuổi” (L’Express 02/01/2015). Từ thuở thiếu thời cho đến tuổi 83, Raul mới thật sự thoát khỏi bóng phủ của Fidel, cho dù trong thời cách mạng, Raul mới là bộ não chính trị và quân sự. Fidel chỉ đóng vai người hùng “trừ gian diệt bạo” trước ống kính của truyền hình quốc tế.

Điều trớ trêu là vào ngày 17/12/2015, khi Washington và La Habana long trọng thông báo lật qua trang sử hận thù trước sự chứng kiến của hàng tỷ khán giả truyền hình thế giới thì Fidel Castro vắng mặt. Sức khỏe suy nhược, ở tuổi 88, Fidel đã vĩnh viễn bị loại khỏi đấu trường chính trị.

... Và hòa giải dân tộc để tránh biển máu

Tương lai của đảng Cộng sản Cuba và của 93% dân chúng không là đảng viên giờ đây tùy thuộc vào quân đội, yếu tố bảo vệ “ổn định” như các nước chậm tiến châu Phi.

Báo mạng Mediapart nhân bầu cử Quốc Hội Cuba năm 2013 đã nhận định: Một khi Raul qua đời, quân đội có thể phải lên nắm quyền, ít nhất là trong giai đoạn đầu, để những hận thù kềm chế trong suốt 50 năm Fidel cầm quyền không dẫn đến “bạo loạn và biển máu”.

“Biển máu” là một trong số những ưu tư ám ảnh Tòa Thánh Vatican qua một số điện thư mà Wikileak đã tiết lộ. Cũng vì thế mà Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ cũng như Giáo Hội Cuba đã giúp Cuba trong tiến trình “hòa giải dân tộc và hòa giải với Hoa Kỳ” (Mediapart 05/02/2013).

Tú Anh

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Bộ Huy hiệu Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet E-mail by Vũ Văn Chương chuyển

 

Đăng ngày Thứ Sáu, September 23, 2016
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang