Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Hồi ký Hải Chiến Hoàng Sa - 1974

LÊ HOÀNG SA
Mai Lộc

Huy hiệu những Đơn Vị QLVNCH đã chiến đấu trong
Trận Hải Chiến HOÀNG SA 1974

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

Nhớ có lần phàn nàn với Đơn bên cửa sổ: Đan Hà lại leo lên phá hồ cá - mấy con cá vàng từ ngày Hà lẫm đẫm biết đi đến là khổ vì cứ bị bàn tay bé xíu khuấy động! Chúng tôi thường trao đổi những mẩu chuyện vụn vặt mỗi khi Đơn về cư xá.

Đó là Cát Lái của những năm 1972, 1973, 1974. Vợ chồng tôi đã thuê nhà bên chợ Giồng Ông Tố, căn nhà nhỏ thoáng mát, nền lát xi măng, đàng sau là hàng dừa, bờ ruộng xanh bát ngát. Tôi sinh trưởng tại thành phố, nhưng mê vườn ruộng vô cùng - ngôi nhà nào của Ba Mẹ tôi ở đều có vài góc nhỏ cho tôi trồng giàn cây pháo, lá nhỏ như những chiếc tăm tre chen vào màu hoa đỏ rực rỡ - kế là dây khổ qua ẻo lả uốn mình theo hàng rào - lần dọn vào Ngã năm Bình Hòa (Gia Định), nhà cất san sát từng dãy, tôi phải trồng hai loại dây leo yêu thích ngay hàng ba sân thượng - không phụ lòng chủ, cây hoa xác pháo vẫn cho tôi những đóa hoa bé bỏng đỏ thắm, dây khổ qua không chịu kém thế cũng chắt chiu đơm nụ nở vàng kiêu hãnh trên thân gầy guộc nhỏ - sau đó ít lâu.

Mẹ tôi ngán ngẫm lắc đầu “chưa thấy ai trồng hoa trên sàn xi măng ở sân thượng bao giờ” - tôi cười... nịnh” con gốc nông dân mà Mẹ”.

Trở về căn nhà gần chợ Giồng Ông Tố - nhìn khoảng sân sau nhà, tôi thích ngay và hoạch định trong đầu vườn cây cảnh của riêng tôi. Lúc ấy chúng tôi đang ở chung với đại gia đình bên chồng. Chắc chắn bổn phận làm dâu của tôi không tốt vì tôi mới qua lứa tuổi đôi mươi, lại là con gái duy nhất với chín anh em trai - họ đã làm... hư tôi từ thuở nhỏ. Lần Mẹ đi sinh thằng Út, anh Hai vào bảo sanh viện thăm về, gõ đầu tôi: “cô vẫn là cái chén kiểu của nhà này” - cả nhà đều mong Mẹ sinh em gái để tôi bị “hạ bệ” - hỉnh cái mũi nhỏ cười hết miệng vì biết rất rõ ràng “dù Mẹ có sinh em gái thì các anh em cũng vẫn cưng chiều mình” - mười tám hai mươi tuổi chưa từng nấu chín nồi cơm dù cùng tuổi ấy, các bạn tôi đã “làu thông” đủ thứ - vậy mà tôi dám lấy chồng và bây giờ lại sắp có con!

Những cơn “ốm nghén” làm tôi mệt đừ, chỉ muốn nằm yên trên giường, mùi thức ăn đang nấu trong bếp, ngay cả mùi cơm sôi cũng làm tôi bợn dạ. Bà Ngoại đã ra Vũng Tàu - ở đây ngoài chồng ra, chỉ có bà là thương yêu tôi thật lòng. Sang vẫn đi làm bên căn cứ Hải Quân Cát Lái, sáng đi chiều về trừ những hôm trực phiên, cấm trại hay đi công tác xa - không khí trong gia đình ngột ngạt quá, tôi xui Sang xin cha mẹ cho ra ở riêng - một người lính cùng đơn vị giới thiệu căn nhà ở Giồng Ông Tố. Sang đưa đi xem nhà, tôi mê ngay. Lần thứ nhì trở lại nhận chìa khoá, chuẩn bị dọn nhà - lúc ấy bụng tôi khá to - bà chủ nhà cứ nhìn tôi tỏ vẻ thương cảm - sau cùng bà đành nói thật “Trung úy và cô không nên ở đây, nơi này chưa thật an ninh, cách nay vài hôm, việt cộng về ban đêm bắt ông Xã trưởng và vài người trong vùng, đến nay chưa có tin tức” - túng thế, chúng tôi đành dọn vào khu cư xá dành cho sĩ quan độc thân, ngay phía trước căn cứ Hải quân Cát Lái.

Gọi “cư xá” cho oai chứ thật ra đó chỉ là những căn phòng nhỏ, đủ kê một chiếc giường sắt cá nhân thêm cái bàn và hai chiếc ghế - không có phòng tắm, nói chi đến nhà bếp. Nhu cầu vệ sinh thì ra bờ sông, một dãy nhà cầu có mái che thoáng mát - ngồi “giải quyết bầu tâm sự” lại được nhìn tàu bè qua lại khá thú vị cho dân thành thị như tôi, mặc dù lúc đầu cũng thấy không thoải mái lắm!

Phòng chúng tôi ở đầu dãy, kế bên là phòng cô Chi, nhân viên dân chính của căn cứ - đến một khoảng sân rộng (chúng tôi dùng làm nơi phơi quần áo ban ngày và tắm ban đêm) - giặt rửa thì đã có bờ sông đàng trước, mỗi phòng tự trang bị thêm thùng phuy đựng nước ngọt để nấu nướng do xe bồn của căn cứ đến đổ mỗi tuần một lần. Hai phòng cuối dãy, một của Quách Đình Choát, một của Phan Quý Tung. Góc bên trái là dãy nhà tôn, căn đầu của vợ chồng Nguyễn Duy Tân, kế là Cương và chót là của vợ chồng Trừ. Vợ con Cương không ở đây, thỉnh thoảng xuống thăm vì chị có sạp buôn bán bên chợ Thị Nghè.

Tôi bày cái bếp điện hai lò mua ở chợ trời Ngã tư Bảy Hiền sau cánh cửa, mỗi sáng đi bộ ra chợ ngoài đường lộ mua thức ăn về nấu, chợ Cát Lái tuy nhỏ nhưng khang trang sạch sẽ - nếu muốn ăn tôm cá giá rẻ hơn, chúng tôi có thể đón xe lam hay quá giang xe nhà binh đi chợ Nê hoặc chợ Giồng Ông Tố - tất cả đồ dùng trong nhà đều được chứa dưới... gầm giường.

Đời sống thiếu thốn như thế mà chúng tôi còn cưu mang thêm một miệng ăn Lê Phú Túc, bạn cùng khóa với Sang. Đầu tháng có tiền thì thôi, từ giữa đến cuối tháng thì chàng là khách đến ăn cơm trưa với vợ chồng tôi (chiều về nhà cha mẹ ở Sài Gòn).

Sợ tôi cực, Sang đề nghị ăn cơm tháng trong khu gia binh - anh làm sao biết được nỗi thích thú của tôi khi mỗi cuối tuần về Sài Gòn là tôi lại loanh quanh bên hàng bán chén dĩa, soong nồi ở chợ Bà Chiểu, Đa-kao hay Tân Định. Những chiếc nồi gang, soong nhôm be bé xinh như những món đồ chơi tuổi nhỏ rồi đến chén dĩa tô kiểu... tôi sắm không thiếu thứ gì (bằng đồng lương viết báo rất khiêm nhượng của tôi) - đồ hộp Quân Tiếp Vụ khui ra, đổ vào dĩa oval hoa tím hồng chen lá màu lục nõn, nổi bật trên nền men trắng - canh cà chua nấu trứng đựng trong tô lá xanh viền hoa hồng tỉ muội - rau lang, rau dền luộc phơi phới khoe mình trong dĩa tròn viền bạc với những đóa hướng dương rực rỡ - thức ăn đơn sơ nhưng trông thật... ngon mắt. Có dạo tôi thích ăn khổ qua - hết nấu canh đến xào rồi bào mỏng ngâm dấm đường xả ớt - Túc ngán ngẫm than “bà bầu làm ơn thèm thịt bò lúc lắc hay gà vịt quay cho tụi tui nhờ chớ bữa cơm nào cũng khổ qua, sao tui... khổ quá!”

Cuối năm 1972, tôi về Sài Gòn “nằm ổ”, ba tháng sau bế con trở lại Cát Lái. Choát và Tung thương tình đổi phòng cho vợ chồng tôi - thế là chúng tôi có nhà cửa khang trang đàng hoàng gồm một phòng ngủ, một phòng khách, nhà bếp thì chiếm 1/3 cái sân chung. Cửa sổ phòng khách nhìn xéo qua nhà Tân - Sang trổ cửa từ bờ tường bao bọc khu chung cư để đi vào Bộ Chỉ huy Liên Đoàn Người Nhái cho gần. Từ khi mở cổng phụ, bà con qua lại có phần nhiều hơn trước, khách thường xuyên dĩ nhiên là Túc, Lê Chí Công, Trần Ngọc Mỹ, Nguyễn Tri Phương sau này thêm Phan Đình Linh. Chàng Linh mỗi sáng quần áo chỉnh tề, lưng thẳng, nón sụp xuống... gần mắt nhanh nhẹn bước trên vuông sân nhỏ trước nhà tôi qua lối cổng phụ để vào Bộ chỉ huy Liên Đoàn Người Nhái.

Đối diện dãy phòng của chúng tôi là căn lầu hai tầng, gồm gia đình Trung úy Đức (Vớt tàu), Học (Truyền tin), Tư (Quân tiếp vụ), Hải (CTCT 214) - đó là thế giới riêng biệt, các chị ít giao tiếp với chúng tôi, có lẽ vì tuổi tác!

Đầu năm 1973, Đan Hà là công dân bé nhất gia nhập vào xã hội thu nhỏ của cư xá. Lài vợ Tân đang ốm nghén, chị vốn gầy bây giờ bị thai hành trông càng thảm. Lài hay sang nhà tôi chơi, ôm bé Hà vào lòng rồi ước ao sẽ sanh một em bé xinh như thế - Đan Hà với đôi mắt tròn to đen láy, đặc biệt cái miệng nhỏ, đôi môi mọng đỏ, ai nhìn cũng thích - nhất là tính dạn dĩ hay cười. Sang kê bộ ghế xa lông (làm bằng gỗ thông lấy từ thùng đạn của Pháo Binh) ngay gần cửa sổ - ở vị thế này, hầu như ai đi qua cổng phụ chúng tôi đều biết - bé Hà được cho tập đi ở khoảng sân này vì bóng của rặng dừa sau nhà Tân che mát và Lài có thể ngồi trong nhà, hướng ra sân tán gẫu với tôi.

Đối diện nhà Tân, một căn nhà gạch dùng làm kho chứa đồ, hình như thuộc quyền sở hữu của Trung úy Tư (tôi không biết rõ), nhưng khi Lê Văn Đơn về BCH/LĐNN không có chỗ ở, Sang đã bày cho Đơn vào căn nhà kho, chiếm một góc kê cái giường sắt cá nhân ở chung với đồ đạc lỉnh kỉnh và cũng... “đi đóng về mở” như mọi người ở đây.

Tôi vun đất trồng dàn mướp bên hông nhà kho và mấy gốc ớt hiểm - dây mướp của tôi chịu nắng chịu gió nở hoa vàng rực, rũ quyến những cánh bướm đa tình rộn ràng một góc sân - Đơn thường đứng hút thuốc dưới dàn mướp, thỉnh thoảng hỏi mượn vài thứ lặt vặt bên nhà tôi - có lần Đơn làm tôi... “quê một cục” khi ngắm nghía mấy gốc ớt của tôi rồi nghiêm trang hỏi: “bà trồng cây này để lấy lá hả?”. Quả thật khóm ớt của tôi rất tươi tốt, cao đến ngang thắt lưng người lớn, phủ đầy những phiến lá xanh dầy, căng bóng mà chẳng có lấy một trái... làm thuốc, theo lời diễu cợt của Đơn!

Bé Hà chập chững đi khi mới được 6 tháng tuổi, các chú bác trong đơn vị cưng lắm gọi Hà là “cây nấm lùn” - nhưng bác Túc thì nhất định gọi cháu là “Mai quế Lộ” - chị Trần Cao Sạ lúc ấy đã hai con, vẫn thích ôm Đan Hà nựng nịu rồi mắng yêu khi tôi phàn nàn con bé nghịch quá “cô con nít thế mà bày đặt có con, đã biết dại chưa?” - giọng nói của chị mềm và ngọt làm sao!!!

Sau những chuyến đi công tác, Đơn lại trở về BCH/LĐNN, anh có những ngày những đêm vui chơi, ăn nhậu đàn hát tưng bừng với bạn bè ở căn phòng thiếu tất cả mọi tiện nghi của anh - khi ấy chị Hoa, vợ Đơn nghe nói còn học trường Sư Phạm ngoài Huế. Lài bị ảnh hưởng của Đơn nhiều nhất, vì hàng dừa sau nhà Tân là nơi các quan... “giải thủy mỗi khi bị nhu cầu thiên nhiên réo gọi”.

Là hàng xóm thân cận, Đơn thường sang nhà tôi mượn tờ báo, xin ca nước... bé Hà vẫn lò dò theo chân chú Đơn qua lại hai nhà. Một buổi trưa, Đơn hỏi mượn cái búa - chỉ một lúc sau tôi thấy con gái tôi mặt mũi đỏ ửng đang ì ạch kéo lê chiếc búa trên sân một cách khó nhọc, còn Đơn đứng chống tay bên cửa nhìn một cách... thích thú - té ra khi biết tánh Đan Hà hay “giữ của”, Đơn trêu con bé bằng cách mượn bên nhà tôi những thứ nặng ký để xem con bé làm thế nào, chứ mượn tờ báo, ly nước để con bé loanh quanh chờ chú Đơn đọc, uống xong mang về hoài thì không thú nữa. Tôi năn nỉ Đơn tha cho cháu vì sợ có ngày cháu bị dập chân tay tội nghiệp, Đơn cười, nụ cười... tươi rói (đến phát ghét!) rồi gật gù như nói với chính mình “chú phải kiếm cái búa bửa củi coi làm sao cháu đem về được!!!”.

Thuở ấy chúng tôi còn trẻ, rất trẻ và cuộc chiến Quốc Cộng cũng đang hồi khốc liệt!

Cuối năm 1973, bé Nguyên, Lê Công Nguyên, đứa con kết tinh từ cuộc tình nồng thắm của Hoa và Đơn chào đời. Đơn xin được nhà trong khu gia binh Cát Lái, cạnh nhà Trần Văn Xòn rồi đưa vợ con về ở - anh tâm sự với Linh rằng rất hài lòng với tên thằng bé, theo anh đơn là đơn lẻ, là không toàn vẹn - cha lẻ thì con phải nguyên, nên Lê Công Nguyên là ước vọng của Đơn.

Tháng Giêng năm 1974, tin Lê Văn Đơn anh dũng đền nợ nước làm cư xá chúng tôi rúng động - chỉ mong đó là cơn mộng dữ - anh còn quá trẻ, đời sống còn dài, bé Nguyên hãy còn măng sữa - Phan Đình Linh được giao nhiệm vụ đưa chị Hoa và bé Nguyên ra Nha Trang, quê nhà của Đơn (làng Ngọc Thủy - Cồn Dừa), vì thi hài của Đơn sẽ được đưa về đó mai táng. Suốt chặng đường đi, Linh chẳng dám báo tin dữ cho chị biết vì sợ... chị mới sinh cháu bé - chỉ nói là Đơn bị thương, đưa chị và cháu đi thăm.

Cuối cùng, sự thật phơi bày, chị Hoa ôm con quì sụp trước linh cửu chồng xin cải tên cho con - từ nay cháu không còn tên Lê Công Nguyên như nguyện ước của anh mà là Lê Hoàng Sa, địa danh anh và các bạn đồng đội đã trả giá bằng máu và sinh mạng mình để chiến đấu bảo vệ biển đảo.

Trận hải chiến ngày 19 tháng Giêng năm 1974 với Trung cộng, ngoài Trung úy Trưởng toán Lê Văn Đơn còn có Đỗ Văn Long, Đinh Hữu Từ và Nguyễn Văn Tiến của Liên Đoàn Người Nhái hy sinh, còn có bảy mươi chiến sĩ anh hùng khác nữa trong binh chủng Hải Quân.

Lài buộc một đoạn vải trắng ngang thân mấy cây dừa, nói “để tang” cho Đơn với lời giải thích “khi sống anh ấy hay tưới nó, dù bằng nước tiểu” và thắp những nén hương trầm thơm ngát cắm trước sân nhà. Lài còn dạy tôi bắt bé Hà cúi đầu lạy chú Đơn mỗi tối, xin hồn thiêng của chú phù hộ.

Năm nay bé Hoàng Sa ngày xưa ắt hẳn là một chàng trai kiêu hùng như bố, phải không chị Đơn - thế hệ con em của những chiến sĩ trong Liên Đoàn Người Nhái như Đặng Đình Hiền, Trần Cao Sạ, Lê Phước Lâm, Hoàng Đình Tiến, Phan Đình Linh, Nguyễn Văn Nhựt, Lê Đình An, Trần Ngọc Mỹ, Mai Vàng, v.v. đang làm rạng danh cha anh nơi đất tạm dung - câu “những gì người thường không làm được thì CON của Người Nhái phải làm được” là câu đầu môi của con anh Phan Đình Linh mỗi khi gặp khó khăn, đã làm chúng tôi cười rạng rỡ khi nghe anh chị kể lại - phần quý vị và các anh chị thì sao?

Mai Lộc

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

PHỤ LỤC - HÌNH ẢNH

 

 

Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn Người Nhái QLVNCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Biển Thái Bình/VN. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet E-mail by NN Mai Vàng chuyển

 

Đăng ngày Chúa Nhật, October 30, 2016
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang