Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Lịch sử
Chủ đề: Tướng Nguyễn Cao Kỳ & Chính phủ VNCH
Tác giả: Văn Nguyên Dưỡng

Tướng Nguyễn Cao Kỳ và
Chính quyền Miền Nam VN trong hai năm 1964/1965

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

Lời Tác giả:

Bs Nghĩa thân mến,

BS gởi cho tôi bài viết của TS Geofrey Shaw, chỉ trích Tướng Nguyễn Cao Kỳ và chính quyền Nam VN trong hai năm 1964/1965. Ông ấy nêu lên nhiều điểm chỉ trích sai. Tôi viết trả lời thơ ông hỏi tôi về bài viết đó. Bài viết của tôi không trả lời thẳng những phần chỉ trích của ông ấy mà tôi chỉ trình bày trung thực những dữ kiện lịch sử liên quan đến nhũng điều mà TS Shaw thắc mắc, để ông đọc, suy gẫm lại xem.

Dưới đây là ý kiến của tôi về bài viết này. Tuy nhiên BS muốn sử dụng cách nào cũng được, muốn để như vậy, dịch ra Anh ngữ hay bất cứ dùng về việc gì cần.

BS đọc cho hết, thấy chỗ nào sai sót xin cho biết. Tôi sẽ hoàn tất trước ngày mổ mắt cataract. Hay có phần nào cần giải thích thêm, tôi viết để thêm vào.

Thân mến,

Văn Nguyên Dưỡng

 

Bài viết của TS Geofrey Shaw khá dài về Tướng NCK như một sự bôi bác, nêu lên những khía cạnh yếu kém của MIền Nam Việt Nam hơn là của cá nhân NCK, hay của Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, trong năm bản lề 1965. Trên thực tế, tất cả sự yếu kém của Miền Nam thời điểm đó đều do những policy-makers ở White House tạo ra như:

Về Chính trị: đảo chính, giết TT Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu mà không dự trù người thay thế tạo nên khủng hoảng lãnh tụ, đảo chính liên miên, quân đội chia bè phái, xã hội bất ổn. Đại sứ HK tại Sài Gòn là tay võ biền thiếu kiến thức chính trị, Tướng Maxwell Taylor hống hách coi thường các tướng lãnh VN hơn là kết hợp họ lại để nắm vững quân đội. Điều này rất rõ ràng, rất nhiều sử gia và chính khách HK viết ra, nhưng không thấy TS Shaw đề cập đến.

Về Quân sự: chính sách Trung Lập Lào 1962, bỏ ngỏ hành lang biên giới đông nam Lào, để mặc cho CSVN đưa hơn sáu (6) sư đoàn chính quy xâm nhập vào Miền Nam, nhất là vùng A Shau, A Lưới, QL-14 Cao Nguyên và miền tây bắc Sài Gòn, nên đã diễn ra những trận đánh lớn mà Shaw đề cập đến và đổ lỗi cho sự bất lực của Quân Đội Miền Nam. Trách nhiệm chính phải là các tay làm chính trị bàn giấy ở White House hơn là do sự bất tài của Ông Thiệu hay Ông Kỳ. Điều quan trong này sao không thấy TS Shaw nói đến?

Về tổ chức Cảnh Sát và Nhân Dân Tự Vệ: ngay cả quân đội chính quy đều do HK quyết định, kể cả tổ chức và ngân sách, các Tướng Thiệu-Kỳ làm được gì mà quy trách cho.

Trở lại khúc quanh lịch sử này, cần phải nêu lên các sự kiện hiển nhiên mà ai cũng biết:

1) Hoa Kỳ mua đứt Khối Phật Giáo và một số Tướng lãnh Quân Đội Quốc Gia Việt Nam.

Hoa Kỳ mua đứt nhóm lãnh tụ Phật Giáo để làm sức mạnh chính chống lại chính quyền NĐ Diệm. Người lãnh tụ quan trọng nhất là Thích Trí Quang. Sau khi nhóm tướng lãnh đảo chánh thành công, quân cờ này càng được HK coi trọng hơn nữa trong việc xách động hàng ngũ các tướng lãnh đạo cuộc đảo chính. Yêu sách đầu tiên là phải yêu cầu đón Đại tá Nguyễn Chánh Thi, người được HK yểm trợ đảo chánh Ông Diệm năm 1961, thất bại và lưu vong ở Nam Vang, về nước làm hậu thuẫn và để lập thế tiếp cận với quân đội.

Ai cũng biết, ngoài Thích Trí Quang và một số lãnh tụ Phật Giáo được HK mua chuộc, còn có hai sĩ quan cao cấp cũng được CIA nuôi dưỡng và quý chuộng hết mức là Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Chánh Thi.

Theo hồi ký của Đại tá Phạm Bá Hoa, lúc đó là Chánh văn phòng của Tướng TTK cho biết chính Tướng TTK mới là vai chủ chốt liên lạc với phía HK trong việc tiến hành cuộc đảo chính ngày 1/11/1963. Sau đó, cũng chính Tướng TTK âm mưu cùng Tướng Nguyễn Khánh lật đổ Dương văn Minh, đưa Khánh lên thế.

Sau khi đã nắm chính quyền, để mua chuộc quân đội, Khánh phong cấp tướng một sao cho một số Đại tá trẻ và nới rộng việc thăng cấp trong quân đội.

Nếu tôi nhớ không lầm thì có đến hơn mười Đại tá được phong tướng một sao. Đó là: Chung Tấn Cang, Tư lệnh Hải Quân - Nguyễn Cao Kỳ, Tư lệnh Không Quân - Lê Nguyên Khang, Tư lênh Thủy Quân Lục Chiến - Nguyễn Chánh Thi - Vĩnh Lộc - Ngô Du - Đặng văn Quang - Lữ Lan - Albert Nguyễn Cao (Thủ khoa Khóa 4 Liên Quân Đà Lạt) - Nguyễn Đức Thắng và Nguyễn Bảo Trị.

Trong các vị được phong tướng khoảng từ tháng 5 đến tháng 8/1964 này, có năm vị sau đó được bổ nhậm Tư lệnh Quân Đoàn như Đặng văn Quang, Nguyễn Chánh Thi, Vĩnh Lộc, Ngô Du, và Lê Nguyên Khang.

Nguyễn Chánh Thi là người mang cấp Trung tướng 3 sao trước tiên, vào đầu năm 1965 và là Tư lệnh Quân Đoàn I - Quân khu 1, trong khi Nguyễn Cao Kỳ và Chung Tấn Cang chỉ thăng đến 2 sao.

Huế và Đà Nẵng là môi trường thích hợp cho cặp bài trùng Thích Trí Quang và Nguyễn Chánh Thi, con cưng của HK, cùng hợp tấu khúc chính trị và quân sự. Hẳn là TS Shaw biết rõ điều này nhưng không nói ra. Vi điều ông ta nêu lên về Thích Trí Quang mà ông hết lời tôn sùng là vì TTQ thao túng quyền hành và phục vụ đắc lực cho HK, như dưới đây.

2) Hoa Kỳ chủ trương triệt hạ nhóm Tướng lãnh kỳ cựu thân Pháp và đào tạo thế hệ Tướng Trẻ [The Young Turks], chia rẽ Quân Đội để dễ thao túng.

Thích Trí Quang đã thu phục được Nguyễn Chánh Thi để mặc cả thành công với Khánh, buộc Khánh phải thông báo mọi quyết định chính trị, hành chánh và quân sự quan trọng cho TTQ trước khi đem ra thi hành, để ngược lại Khánh sẽ được khối Phật Giáo Ấn Quang của TTQ ủng hộ, có nghĩa là được HK yểm trợ vì ai cũng biết HK coi TTQ như là cố vấn và là tay sai đắc lực nhất của HK ở Miền Nam ở thời điểm đó, hơn bất cứ một tướng lãnh hay nhà chính trị nào.

Cần phải nhắc lại: khi Nguyễn Chánh Thi từ Nam Vang được rước về, nhóm tướng lãnh đảo chánh phục hồi cấp bậc Đại tá và phong cho làm Tư lệnh phó của Nguyễn Khánh ở Quân Đoàn I. Khi Nguyễn Khánh cùng với Trần Thiện Khiêm chỉnh lý Dương Văn Minh để nắm chính quyền, có sự góp công của Nguyễn Chánh Thi, Thi được phong Chuẩn tướng tháng 5/1964, được Khánh bổ nhậm Tư lệnh SĐ1BB rồi Tư lệnh Quân Đoàn I. Thi ủng hộ Hiến Chương Vũng Tàu, được Khánh phong cấp Thiếu Tướng, tháng 8/1964. Tình nghĩa tưởng như đậm đà, nhưng sau đó Thi đã phản bội Khánh.

Khi nắm chính quyền, Tướng Nguyễn Khánh bộc lộ hai sở đoản chính:

Một là tin dùng và nâng đỡ những cấp tướng trẻ người Bắc (Kỳ, Khang, Trị, Thắng) và người Trung (Thi, Lộc, Du, Lan) trong khi đó lại nghi ngờ các cấp tướng kỳ cựu như Đôn, Kim, Đính, Xuân, Vỹ chủ trương trung lập, bắt và giam họ ở Đà Lạt, đồng thời loại Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn, một nhà cách mạng kỳ cựu, chủ tịch Đảng Đại Việt, lúc đó là Phó Thủ tướng cho Khánh ra khỏi nội các và bạc đãi các sĩ quan cao cấp của Đại Việt phục vụ trong quân đội. Khánh cũng không trọng dụng các tướng lãnh người Nam, trong khi Khánh là người Trà Vinh - trừ người duy nhất là Tướng Albert Nguyễn Cao, Tham mưu trưởng biệt bộ của Khánh.

Hai là, tuy lên đến tột đỉnh quyền lực, nhưng không có tài, thiếu đầu óc tổ chức và không gây dựng được thế lực hậu thuẫn trung thành, nên Khánh cũng không giữ chính quyền được lâu. Và vì nghi kỵ không tin dùng các tướng lãnh và bỏ lơ các Đại tá kỳ cựu người Nam, nhất là khi bãi chức của BS Nguyễn Tôn Hoàn, xóa bỏ tam đầu chế, buộc Dương văn Minh lưu vong và đưa Trần Thiện Khiêm đi làm Đại sứ ở Hoa Kỳ nên cuộc đảo chánh lần thứ nhất diễn ra ngày 13/9/1964 do Trung Tướng Dương văn Đức và Đại tá Huỳnh văn Tồn, Đảng Đại Việt, Tư lệnh SĐ7BB, kéo quân từ miền Tây lên Sài Gòn, chiếm nhiều cơ sở trọng yếu và đưa một cánh quân định bắt Tướng Khánh ở Cư Xá Bộ TTM, trong Trại Trần Hưng Đạo.

Khánh thoát được, giao cho Nguyễn Chánh Thi chỉ huy các đơn vị bộ chiến, phối hợp với Không quân của Nguyễn Cao Kỳ, chống quân đảo chánh. Tướng Đức và Đại tá Tồn rút quân, bị buộc tội và cho giải ngũ. Thi và Kỳ bắt đầu tranh công lao. Rối ren chính trị ở Sài Gòn nhiều hơn và hoạt động của CSBV ở Cao Nguyên mạnh hơn, bộ đội Bắc Việt xâm nhập với mức độ cao hơn.

Nguyễn Khánh tuy thoát được cuộc đảo chánh, nhưng khối Phật giáo và sinh viên tiếp tục biểu tình chống Khánh và đòi thành lập quốc hội lập hiến, thành lập chính phủ dân sự, đả đảo Khánh.

Trước đó, từ cuối năm 1963, sau khi đảo chánh TT Ngô Đình Diệm, khối Phật giáo tranh công, lãnh tụ Phật giáo chia rẽ, chống đối nhau đến độ Đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge phải dàn xếp, lập Khối “Phật Giáo Thống Nhất”... Nhưng kỳ thực, Phật giáo vẫn chia thành hai phái: Phái Ấn Quang do Thích Trí Quang lãnh đạo và phái Vĩnh Nghiêm do Thích Thiện Minh, quản nhiệm luôn Viện Hóa Đạo.

Dưới áp lực của nhiều phía, Phật Giáo, các đảng Chính trị Quốc gia và kể cả một số tướng lãnh, Khánh nhượng bộ, chịu thành lập chính phủ dân sự.

Tháng 10/1964, Khánh và Hội Đồng Tướng Lãnh triệu tập thành lập Thượng Hội Đồng Quốc Gia gồm 9 nhân sĩ và mời Nhà Cách Mạng lão thành, kỹ sư Phan Khắc Sửu làm Chủ tịch Thượng Hội đồng giữ chức vụ Quốc Trưởng, đồng thời mời Giáo sư Trần văn Hương giữ chức Thủ tướng Chính phủ.

Việc mời cụ Trần văn Hương không hạp ý HK và Thích Trí Quang. HK định chọn Ông Trần Quốc Bửu, Tổng Liên Đoàn Lao Động VN vào chức vụ Thủ tướng. Chỉ một tháng sau, Tướng Khánh ra lệnh bắt giam Thủ tướng Hương đem giam lỏng ở Vũng Tàu và bắt 4 nhân sĩ khác trong Thượng Hội Đồng đem giam ở Pleiku. Từ đó tạo nên sự lục đục giữa Tướng Khánh và Đại sứ Maxwell Taylor. Đó là sự kiện báo hiệu sự bất tín nhiệm của Hoa Kỳ đối với Tướng Khánh.

Ngày 27/1/1965 Hội Đồng Tướng Lãnh họp, mời Bác Sĩ Phan Huy Quát thay thế cụ Hương. HK chưa thỏa mãn và khối Phật Giáo vẫn chưa hài lòng, vì có thể đã không thao túng được cụ Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát, mặc dù chính phủ của Ông không có thực quyền.

3) Hoa Kỳ đem quân bộ chiến vào Nam Việt Nam và trực tiếp lãnh đạo chiến cuộc.

Kể từ tháng 1/1964, TT Johnson đã phải đối đầu với tình trạng bất ổn về chính trị và xã hội Mỹ sau khi TT Kennedy bị ám sát ở Dallas ngày 22/11/1963, đồng thời Ông phải có những quyết định dứt khoát về cuộc chiến chống sự bành trướng của CS ở Đông Dương.

Cuộc chiến khép kín [tacit war] ở Lào và cuộc chiến mở rộng [open war] ở Nam Việt Nam. Cả hai cuộc chiến này đều do CSVN phát động. Gạch nối giữa hai cuộc chiến đó là Đường Mòn Hồ Chí Minh, kết quả của Hiệp định Trung Lập Lào, năm 1962, do sáng kiến nông cạn của Thứ trưởng Ngoại giao Averell Harriman. Con đường mòn này là hành lang xâm nhập của hàng trăm ngàn quân CSBV vào Nam trong các năm kế tiếp. Cuộc chiến trở nên không thể tránh ở thời điểm sau đó. Điều sai lầm to lớn này sao không thấy TS Shaw nói đến mà lại đổ cho sự bất lực của Quân Đội Quốc Gia. Thêm nữa, TT Johnson đã quyết định nối tiếp kế hoạch đưa quân bộ chiến [ground force] vào Miền Nam của Kennedy và trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến Việt Nam. Điều này quan trong nhất, TS cũng không đề cập đến!

Thực vậy, tháng 3/1964 TT Johnson đưa Bộ trưởng Quốc Phòng McNamara sang duyệt xét tình hình chiến sự ở Việt Nam. Khi trở về Washington trình TT là, về chính trị, cần chận đứng ngay chủ trương Trung lập Miền Nam của Pháp; về quân sự, Nam Viêt Nam cần phải tổng động viên, lập thêm đơn vị và trang bị tối tân hơn. TT Johnson tức khắc triệu tập Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. McNamara tuyên bố là Miền Nam có thể sụp đổ nếu Hoa Hỳ không hành động. TT Johnson ra lệnh chuẩn bị kế hoạch 37-63 cho Không lực HK dội bom Bắc Việt và tái dội bom trên Đường Mòn Hồ Chí Minh đã đình chỉ sau Hiệp ước Trung lập Lào từ năm 1962; dự trù đưa quân bộ chiến vào Nam Việt Nam đồng thời phác họa kế sách hòa bình với Bắc Việt.

Tất nhiên, TT Johnson đã hiểu được rằng, trước đó, TT Kennedy cho phép đảo chính và triệt hạ gia đình họ Ngô là một sai lầm chiến lược quan trọng vì các tướng lãnh kỳ cựu như Minh, Đôn, Kim, Xuân, Vỹ do Pháp đào tạo vẫn còn mang tư tưởng thân Pháp trong lúc mà De Gaule đang chủ trương trung lập Nam Việt Nam.

Hoa Kỳ, trước tình thế phải giữ quân bài domino Nam Việt Nam, nhưng không thể tin tưởng được nhóm “tướng đảo chính”, nên chọn Trần Thiện Khiêm làm con chủ bài “chỉnh lý” đưa Nguyễn Khánh lên nắm quyền, vì Khánh trước đây đã từng là người cứu nguy cho TT Diệm năm 1961 và thật ra Khánh có tài cầm quân.

Hoa Kỳ thành công trong việc triệt hạ nhóm tướng tá kỳ cựu thân Pháp và đào tạo được nhóm tướng lãnh trẻ thân Mỹ, như trình bày ở trên qua tay của Khánh, để phù hợp với sách lược quân sự mới của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Chiến lược đó gồm hai phần: chiến tranh và hòa bình.

Trước tiên, HK nhờ Đại sứ Canada James Blair Seaborn, Ủy viên trong Ủy ban Điều Hợp Hiệp Định Geneve 1954, ở Việt Nam, đến Hà Nội gặp Phạm văn Đồng, Thủ tướng Bắc Việt, trao Thông điệp Hòa Bình với nhiều điều kiện hữu ích cho Miền Bắc phát triển kinh tế, xã hội, v.v. Đồng thẳng thừng từ chối các điều kiện hòa bình và yêu cầu Seaborn chuyển đạt cho Hoa Kỳ là điều kiện ưu tiên Hoa Kỳ phải rút khỏi Việt Nam, để cho Miền Nam trung lập và cho biết là Hà Nội chấp nhận chiến tranh.

Tháng 8/1964, Seaborn trở lại Hà Nội. Đồng vẫn giữ luận điệu cũ và nói rõ hơn quyết tâm đánh Mỹ đến cùng. Seaborn trở lại Washington cho biết, CSBV ra lệnh cho quần chúng đào hầm hố, giao thông hào chống bom và chuẩn bị chiến tranh ở ngay các khu phố Hà Nội. White House biết là kể hoạch “củ cà-rốt và chiếc roi” của mình chỉ có thể áp dụng vế chót mà thôi. Nghĩa là phải tiến hành chiến tranh.

Sự kiện Khu Trục Hạm Maddox của Hoa Kỳ bị các loại khinh tốc đỉnh của CSVN tấn công khi đi tuần duyên ở ngoài khơi hải phận quốc tế, trong Vịnh Bắc Việt [Gulf of Tonkin] ngày 2/8/1964 là lý do để Hoa Kỳ trực tiếp lâm chiến.

White House nhận tin này lúc nửa đêm. TT Johnson ra lệnh cho chiếc Khu Trục Hạm USS C.Turney Joy vào vùng bắt tay với USS Maddox. Hai ngày sau Washington nhận được báo cáo là cả hai chiến hạm khi tiếp cận nhau lại bị khinh tốc đinh CSBV tấn công lần nữa, đó là ngày 4/8/1964. Hội Đồng An Ninh Quốc Gia đề nghị TT Johnson nên trả đũa ngay.

Ngày hôm sau 5/8/1964, kế hoạch 37-63 dội bom Bắc Việt được thi hành cấp tốc. Lúc 10:30 giờ khi TT Johnson đang tuyên bố với quốc gia là CSBV gây chiến và tấn công chiến hạm của HK ở Vịnh Bắc Việt, Hoa Kỳ cần phải trừng phạt, thì lúc 11:00 giờ, 64 chiến đấu cơ từ Hạm Đội 7 đã cất cánh oanh tạc và dội bom thành phố Vinh, thuộc lãnh thổ Bắc Việt. Tiếp đến, ngày 7/8/1964 Quốc Hội Hoa Kỳ biểu quyết Nghị Quyết Vịnh Bắc Việt [Gulf of Tonkin Resolution], với 416-0 ở Hạ Viện và 88-2 ở Thượng Viện chấp thuận trao quyền cho tổng thống sử dụng mọi biện pháp cần thiết chống lại bất cứ lực lượng võ trang nào tấn công quân lực Hoa Kỳ ở Đông Nam Á và sử dụng quân đội để yểm trợ cho Khối quân sự Hiệp Ước Đông Nam Á, SEATO [South-East Asia Treaty Organization]. Đây là quyết nghị tuyên chiến với CSBV.

Kịch bản “Maddox” hẳn là do phe diều hâu còn sót lại trong số các cận thần cũ của Chính phủ Kennedy mà Johnson vẫn còn tin dùng dàn dựng để Hoa Kỳ thực hiện sách lược mới ở Đông Nam Á và Việt Nam. Đại đa số giới chính trị bàn giấy này luôn luôn muốn đem quân bộ chiến vào và sử dụng Việt Nam như một vùng đất thử nghiệm cho sách lược chống chiến tranh bạo động của CS - counterinsurgency strategy - do TT Kennedy chủ trương trước đó. Kỳ thật, chiến tranh của CS là một cuộc chiến tranh cách mang, “A Revolutionary War” toàn diện và trường kỳ, chia ra làm nhiều giai đoạn, mà du kích và bạo động chỉ là giai đoạn đầu.

Khi mà Bắc Việt đưa các sư đoàn chính quy vào Nam, nghĩa là chúng đang tiến hành giai đoạn “Chiến tranh Vận Động Chiến.” Bộ Tham mưu Liên Quân Hoa Kỳ, và Đại tướng Westmoreland, Tư lệnh MACV, nhận rõ tình hình này và báo cáo cho White House biết sự thay đổi cục diện chiến tranh Việt Nam.

Quả thật, chiến trường đã sôi động suốt dọc biên giới Cao Nguyên; các trại CIDG hay Dân Sự Chiến Đấu do Sĩ quan và Hạ sĩ quan Lực lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ thành lập và chỉ huy ở đó bị tấn công, nhiều đồn trại bị tràn ngập hoặc rút bỏ; một vài căn cứ cấp tiểu đoàn của Quân Đội Quốc Gia cũng bị tấn công và thiệt hại như TS Shaw nói trong bài viết của ông. Nhiều trận CSBV tấn công cấp trung đoàn.

Tuy nhiên có những trận tấn công và đột kích lớn vào các căn cứ không quân do Hoa Kỳ trấn giữ đã diễn ra gây thiệt lớn cho lực lượng Hoa Kỳ không thấy Shaw đề cập đến. Ngày 1/11/1964, Căn cứ không Quân Biên Hòa bị pháo kích, 4 binh sĩ HK chết và 5 oanh tạc cơ US-57 bị cháy.

Ngày 7/2/1965, CS đột kích vào một đơn vị KQHK ở căn cứ Không Quân Pleiku gây cho 9 binh sĩ HK chết và 76 binh sĩ khác bị thương. Hai cuộc tấn công đột kích này tuy thiệt hại còn ở mức hạn chế, nhưng đã buộc Chính phủ HK quyết định quan trọng: mở Chiến Dịch Sấm Rền [Rolling Thunder] dội bom lãnh thổ Bắc Việt. Ngày 2/3/1965, hàng trăm chiến đấu cơ, oanh tạc cơ Hoa Kỳ và KQVN vượt vĩ tuyến 17, bỏ bom và bắn phá bến cảng, trục giao thông, cầu đường hỏa xa ở Vinh, san bằng các doanh trại đóng quân để chuyển vào Nam của bộ đội CSBV ở Đồng Hới. Họ gọi là trạm trung chuyển.

Trong trận không tập Miền Bắc lần này, người hùng Nguyễn Cao Kỳ, dẫn đầu các chiến đấu cơ KQVN cùng tham gia với Không Lực Hoa Kỳ, xuất hiện lần đầu tiên trong bộ trang phục phi hành màu đen, do Ông sáng chế, đội mũ thể thao màu đen, mang hai sao bạc, cổ quấn khăn, tay áo dài, hai bên ngực trên hai túi áo thêu các phù hiệu và cánh chim tượng trưng KQVN, và bằng nhảy dù, lưng đeo một đai da mang khẩu súng lục - mà TS Shaw chỉ trích trong bài viết Bác sĩ gởi cho tôi, đính kèm. Tướng tư lệnh không quân của một quân đội mà tham gia một trận không tập, nghĩ cũng hơi bất thường, nhưng hành động đó báo trước và chứng minh lòng quả cảm và tính cương quyết của ông sau này khi ông giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hành pháp, hay Thủ tướng chính phủ. Tôi cam đoan rằng những lời chỉ trích Tướng NCK của TS Shaw là sai. Tôi sẽ lý giải sau.

4) Sách lược Quân Sự Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam: “Phòng Thủ Diện Địa Cao Độ” [HighProfile Defensive Strategy] và “Tìm và Diệt Địch” [Search and Destroy Tactics].

Trở lại sách lược Hoa Kỳ ở Việt Nam, sau hai lần đánh bom Miền Bắc, cả Bộ Tham Mưu Liên Quân [The Joint Chiefs of Staff of The United States Armed Forces] lẫn Cơ Quan Tình Báo Trung Ương [CIA], và Tướng Westmoreland đều cho rằng kế hoạch Sấm Rền không thành công, chỉ làm cho Bắc Việt quyết tâm chống Mỹ hơn.

Càng dội bom Miền Bắc, để tránh cho bộ đội khỏi bị hủy diệt, CSBV càng đưa quân chính quy xâm nhập nhiều hơn vào Lào và Miền Nam, chiến tranh sẽ dữ dội hơn. Vì vậy, cần đưa quân bộ chiến HK vào Miền Nam. Đại sứ Taylor và Bộ trường QP McNamara vẫn tiếp tục hỗ trương kế hoạch không quân. Cuối cùng Hội Đồng An Ninh Quốc Gia quyết định chấp thuận cả hai phương lược: Tiếp tục kế hoạch Sấm Rền và đem quân bộ chiến [Ground Force] vào Nam Việt Nam.

Trước tiên là hai Tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến đổ vào Đà Nẵng ngày 8/3/1965. Tiếp theo là 4 Tiểu đoàn TQLC nữa. Theo Đại sứ Bùi Diễm của VNCH ở Washington lúc đó, trong 6 tuần kế tiếp, HK đã đổ vào Miền Nam 82,000 quân; trong 4 tháng là 120,000; trong năm đầu (1965), 184,000; đến giữa năm 1966 lên đến 300,000; và đến đầu năm 1967 tổng số trên 500,000 quân. (*) Ngoài ra, Tướng Westmoreland còn tiếp nhận thêm gần 60,000 của các nước thành viên khối SEATO gồm quân của Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan, Đoàn Hòa Bình [Peace Corps] Phi Luật Tân và 2 Sư đoàn quân tác chiến của Nam Hàn. Quân Đội Quốc Gia [National Army, hay Army of The Republic of Vietnam - ARVN] cũng được gây dựng lên đến 550,000 quân.

Tướng Khánh, trước khi HK đánh bom Miền Bắc, đã cho rằng không thể thắng cuộc chiến nếu không tiến quân đánh ra Miền Bắc; ông đề nghị HK tăng cường cho Miền Nam 10,000 quân bộ chiến. Số quân ông yêu cầu quá ít. Tuy nhiên, không ai có thể nghĩ rằng với đạo quân to lớn -hơn một triệu quân- như vậy, mà HK không chủ trương tấn công ra Miền Bắc? Còn tệ hơn nữa, là HK, suốt cuộc chiến Việt Nam, không hề có một kế hoạch để chiến thắng. Nhất là trong thời kỳ HK thực sự dấn sâu vào chiến cuộc dưới thời Chính phủ Johnson, với lực lượng hùng mạnh trang bị tối tân.

Lực lượng to lớn này chỉ dùng để phòng thủ Miền Nam mà các sử gia HK gọi là “High Profile Defensive Strategy”, tức là “Kế hoạch Phòng thủ Diện địa ở Mức độ Cao”. Cao ở đây là cao về quân số tác chiến. Lịch sử chứng minh rằng HK cố giữ vững Nam Việt Nam, vừa làm tiền đồn cho Thế giới Tự do Đông Nam Á và như một tài sản riêng quý giá ở Nam Thái Bình Dương vì có Vịnh Cam Ranh chiến lược, quan trọng, nếu cần sẽ đem đổi chác với hai kẻ thù lớn là Liên Xô và Trung Cộng.

Và, điều sau đã thực sự diễn ra năm 1973, để cứu vãn tình trạng nguy ngập về kinh tế sau khi khối dầu hỏa OPEC cấm vận dầu khí để chống lại Do Thái. Vì muốn cứu Do Thái và ổn định nền kinh tế, HK đã bắt tay với Liên Xô và Trung Quốc, bán đứng Nam VN bằng Hiệp Định Paris (23/1/1973). Đó là chuyện về sau, mà các sử gia giải thích vì sao HK không chủ trương chiến thắng trong chiến tranh VN.

Trở lại Nam VN năm 1965, thời điểm chính mà TS Shaw đề cập khi muốn bôi nhọ Miền Nam và chỉ trích Tướng Nguyễn Cao Kỳ, thiển nghĩ nên xét lại cho kỹ về sách lược “Phòng thủ Diện Địa” của HK ở Miền Nam.

Với đạo quân to lớn có trong tay, Tướng Westmoreland chủ trương đưa chiến tranh sang Nam Lào hơn là đánh nhau với CSBV ở nội địa Nam VN. Ông đề nghị tu sửa lại Liên Quốc Lộ 9 (Đường # 9), từ Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị, đến Khe Sanh rồi đưa một Quân Đoàn sang Nam Lào tu sửa tiếp Đường # 9 và bảo vệ con đường này lên Schepone kéo dài đến Savanakhet, bờ đông Sông Mékong.

Như vậy, HK sẽ sử dụng chừng 60,000 quân bộ chiến trấn giữ con đường từ biên giới Nam VN ở Khe Sanh sang tận biên giới Lào-Thái Lan ở Savanakhet. Có nghĩa là làm một hàng rào cắt ngang Đường Mòn Hồ Chi Minh, là hành lang xâm nhập chính của bộ đội CSBV vào Nam VN và Cao Miên.

Tất nhiên, chiến tranh sẽ diễn ra trên trục Đường # 9. Và, như vậy là thế tất thắng sẽ thuộc về HK. Vì quân lực HK rất mạnh về không quân. Hơn nữa, về chính trị Bắc Việt trở thành kẻ xâm lược và sẽ mất chính danh “nhân dân Miền Nam đánh Mỹ cứu nước”.

Đại sứ Ellsworth Bunker, vừa thay thế Tướng Taylor, yểm trợ kế hoạch này của Westmoreland, báo cáo về White House. Tiếc thay, giới chính trị bàn giấy ở đó, thường gọi là “Nhóm Quyền lực Ăn Trưa” [The Lunch Bunch Powers], hay là Bộ Tham Mưu Chiến tranh của TT Johnson bác bỏ kế hoạch tất thắng này. Không dùng quân bộ chiến tái thiết Đường # 9 ở Nam Lào để cắt đứt Đường Mòn Hồ Chí Minh của CSBV, không tấn công ra Miền Bắc, vì “Nhóm Thế Lực Ăn Trưa” ở White House viện cớ nếu mở rộng chiến tranh ra Miền Bắc hay sang Lào, Bắc Kinh sẽ can thiệp, Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc [The People Liberation Army -PLA] sẽ đổ vào Bắc Việt và Lào, Hoa Kỳ sẽ phải đương đầu với một cuộc chiến tranh quy mô hơn, như Chiến tranh Hàn Quốc trong các năm 1950-1953.

Họ sợ đến đỗi trong chiến dịch Sấm Rền, Đô đốc Grant Sharp, Tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương trình một danh sách gồm 94 mục tiêu quan trọng ở Miền Bắc cần phải đánh bom triệt hạ, trong đó có hệ thống tiếp vận tàu hỏa với hai tuyến đường Nanning-Hanoi và Kunming-Hanoi, đồng thời phong tỏa cảng Hải Phòng để triệt hạ đường tiếp vận thiết bị chiến tranh, vũ khí, đạn dược từ Trung Cộng và Liên Xô chuyển sang cho Bắc Việt, đều bị từ chối. Tướng Westmoreland cuối cùng phải áp dụng Chiến thuật “Tìm và Diệt Địch” bên trong biên giới Nam VN.

Như vậy nếu tiếp tục đánh nhau ở biên giới và nội địa Nam VN sẽ không bao giờ thắng nếu không triệt hạ được Đường Mòn Hồ Chí Minh và các hệ thống tiếp vận của khối Cộng Sản Quốc Tế.

Tóm lại, ở thời điểm đó, với sách lược phòng thủ diện địa, HK đã sử dụng nửa triệu quân vào cuộc chiến tiêu hao kéo dài và vô vọng. Chỉ binh sĩ HK, Nam VN, và dân chúng Miền Nam chịu đựng cuộc chiến phi lý này, do các nhà chính trị bàn giấy HK bày ra. Dù sách lược “Tìm và Diệt” lúc đầu đạt được những thành công là đuổi được các đơn vị chính quy của CSBV ra vùng biên giới. Tuy nhiên từ đó chúng thiết lập các mật khu dọc suốt hành lang biên giới từ Khe Sanh đến vùng Mỏ Vẹt ở Tây Ninh, để bất cứ lúc nào cũng có thể xuất phát từ các căn cứ mật khu đó tấn công vào nội địa Nam VN.

5) Quân bộ chiến Hoa Kỳ và Đồng Minh vào, xã hội Miền Nam thay đổi sâu xa, chính phủ dân sự trung ương không đủ quyền lực ổn định tình thế...

Còn tệ hại hơn chiến cuộc, sự việc Hoa Kỳ đem hơn nửa triệu quân Mỹ và Đồng Minh vào Nam VN đã làm cho xã hội Miền Nam thay đổi sâu xa: đạo đức xuống cấp, sa đọa lên cao, phong tục tập quán bị coi thường. Giá trị đồng dollar đã thay thế sức mạnh của lễ giáo và luật pháp. Có tiền mua tiên cũng được. Người hám lợi tranh nhau đi làm tiền. Quán, bar, nhà gái, chỗ trác táng mua vui cho hàng trăm ngàn lính Mỹ GI mọc lên khắp nơi, buôn trôn, bán phấn ở đâu cũng có; hàng Mỹ sản phẩm PX bày bán ngoài đường phố từ đô thành đến tỉnh lỵ, thị trấn. Ở đâu, người lương thiện cũng nhìn thấy trật tự xã hội đã đổi thay. Người ta ví von cái trật tự mới này bằng một câu đáng buồn và rất mỉa mai: “nhất đĩ, nhì sư, tam cha, tứ tướng”. TS Shaw có nhìn thấy thảm trạng Việt Nam do HK gây ra cho xã hội Việt Nam trong thời điểm Mỹ đổ quân bộ chiến vào Nam VN hay không? Chắc là không, nên ông đã viết những điều xúc phạm Miền Nam.

Trong hoàn cảnh đó, Chính phủ Dân sự và Hội Đồng Quân Lực không thể làm được gì tốt hơn. Bởi vì, bắt đầu từ mùa thu 1964, mọi quyết định chính trị, quân sự, kể cả kinh tế Nam Việt Nam hoàn toàn do Hoa Kỳ quyết định. Chính phủ Dân sự và Quân Đội Quốc Gia Miền Nam hiện ra như những chiếc bóng mờ trong toàn cảnh quy mô của chiến tranh đang diễn ra mãi cho đến khi nền Đệ Nhị Cộng Hòa được thành lập. Cụ Phan Khắc Sửu Quốc trưởng, Thủ tướng Phan Huy Phát chịu áp lực từ nhiều phía, không thể đưa ra được những sáng kiến hay kế hoạch thiết thực để cải tổ công, thương, nông nghiệp để cải tạo xã hội và an ninh ngay cả ở Thủ Đô Sài Gòn. Tổng Tư Lệnh Quân Đội, tướng Khánh không có tầm nhìn thấu suốt thời cuộc, nên vẫn lộng quyền, tự mình quyết định đại sự quốc gia, coi thường Thượng Hội Đồng Quốc Gia và Chính phủ. Vì vậy, bất mãn vẫn còn rất mạnh trong giới tướng tá miền Đồng bằng sông Cửu Long.

Cuộc đảo chính thứ hai -chống Tướng Khánh diễn ra ngày 19/2/1965 do Tướng Lâm văn Phát, Đại tá Phạm Ngọc Thảo và Đại tá Bùi Dzinh phát động. Họ kéo quân và chiến xa lên Sài Gòn, tiến vào Cư xá Sĩ quan Bộ TTM, tìm bắt Tướng Khánh. Một lần nữa Khánh thoát được sang căn cứ Không Quân TSN, được Tướng Kỳ đưa ra Vùng Tàu và lên Đà Lạt. Lại một lần nữa, hai tướng Thi và Kỳ được chỉ định cầm quân chống nhóm đảo chánh.

Chính Tướng Nguyễn Cao Kỳ, trong quyển hồi ký của ông “Buddha’s Child: My Struggle to Save Vietnam”, nói rõ, ngay trong ngày đó, sau khi đưa Khánh ra Vũng Tàu để đáp chuyến bay không lực khác lên Đà Lạt, Kỳ trở về căn cứ không quân Biên Hòa và liên lạc được với Tướng Lâm văn Phát và Phạm Ngọc Thảo, cho biết quyết định sẽ đánh bom quân đảo chánh, nếu không rút quân trước 6 giờ sáng ngày hôm sau (20/2/1965). Đến 7 giờ đêm 19/2, Kỳ nhận được điện thoại của Trung tướng Robert Rowland, cố vấn HK cạnh Bộ Tư Lệnh KQVN, yêu cầu yểm trợ quân đảo chính. Kỳ từ chối và lập lại quyết định sẽ đánh bom quân đảo chính nếu họ không rút quân đúng hạn. Trong đêm đó Phát và Thảo rút quân. Phát và các sĩ quan đảo chánh khác ra Tòa và kết án tùy theo tội trạng, riêng Đại tá Phạm Ngọc Thảo trốn, nhưng bị bắt và chết trong nhà giam Cục An Ninh Quân Đội. Tướng Nguyễn Chánh Thi, không rõ đã nói gì về câu chuyện đảo chánh này trong hồi ký “Một Trời Tâm Sự” của ông. Có người ghi nhận, sau cuộc đảo chánh, Tướng Thi có yêu cầu Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu giải nhiệm Tướng Nguyễn Khánh. Tuy nhiên, Tướng Khánh không phải bị giải nhiệm bởi Quốc trưởng, mà do yêu cầu và quyết nghị của các tướng trẻ trong Hội Đồng Tướng Lãnh. Khánh chấp nhận lưu vong như một “đại sứ lưu động”.

Ngày 25/2/1965 Đại tướng Nguyễn Khánh rời Việt Nam, mang theo một nắm đất quê hương! Nếu đúng như Tướng Kỳ nói, Tướng Rowland, cố vấn HK của BTL/KQVN có gọi điện thoại yêu cầu ông yểm trợ cho phe đảo chánh thì rõ ràng là Washington muốn Tướng Khánh phải rời quyền lực... Vậy Hội Đồng Tướng Lãnh không còn cách nào khác hơn là buộc Khánh ra đi... Nguyễn Chánh Thi được phong Trung tướng, Tư lệnh QĐ I & Vùng 1 Chiến Thuật kiêm nhiệm Đại Biểu Chính phủ Trung Phần. Chức vụ quân sự và chính trị này đối với Ông nghĩ đã đến tuyệt đỉnh, nhưng Thi chưa hài lòng.

Quyền lực quốc gia sau khi Khánh lưu vong, trong thực tế, không nằm trong tay Quốc trưởng Phan Khắc Sửu hay Thủ tướng Phan Huy Quát, mà nằm trong tay các tướng trẻ [The Young Turks], đứng đầu là Trung tướng Nguyễn văn Thiệu, do Hội Đồng Quân Lực bầu ra. Kỳ thật, hội đồng này gồm có 4 nhóm: Nhóm của Trung tướng Nguyễn văn Thiệu ôn hòa, nhóm của Trung tướng Nguyễn Hữu Có sáng tạo, nhóm của Trung tướng Nguyễn Chánh Thi hiếu động, và nhóm của Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ nhiệt tình. Những tướng lãnh kỳ cựu thân Pháp đã biến khỏi chính trường là kỳ công không đổ máu của Chính phủ Johnson sau cuộc đảo chánh đẫm máu gia đình Cố TT Ngô Đình Diệm thời kỳ Chính phủ Kennedy.

Lịch sử không lặp lại, lịch sử đã đổi khác, nhưng vai trò của các quân cờ của HK ở Việt Nam, như Thích Trí Quang, Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Chánh Thi, ở thời điểm đó vẫn chưa thay đổi. Tướng Trần Thiện Khiêm ít nói nhưng hành động những mong mưu ích lợi cho quốc gia, nhưng thời thế diễn tiến không như ông nghĩ. Nguyễn Chánh Thi muốn thao túng Hội Đồng Quân Lực, trong khi đó Thích Trí Quang muốn thao túng Chính phủ Phan Huy Quát, trong khi chiến sự gia tăng ở suốt dọc biên giới Cao Nguyên Trung Phần mà CSVN gọi là Tây Nguyên. Tình trạng rối rắm này thử hỏi do ai gây ra? TS Shaw hẳn là phải biết nguyên nhân chính là do HK muốn như thế để có lý do đưa quân bộ chiến vào Nam Việt Nam. Luận điệu vu khống của Shaw về sự bất lực của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam [The Army of the Republic of Vietnam - ARVN] chẳng qua cũng chỉ để hỗ trợ cho chủ trương của HK đưa quân vào Nam VN và trực tiếp chỉ đạo chiến tranh Việt Nam mà thôi! Và sự thật là HK thực hiện được sách lược của White House như đã trình bày ở phần trên. HK chỉ muốn Nam VN ổn định về chính trị, nhưng cũng nhận thấy rằng một chính phủ dân sự sẽ bất lực.

Trong 4 nhóm tướng trẻ, Tướng Nguyễn Chánh Thi, được Thích Trí Quang yểm trợ, kết bè, nên tỏ vẻ hiếu động nhất, muốn khuynh đảo Chính phủ và nắm Hội Đồng Quân Lực. Ba nhóm tướng khác họp nhau lại chống Nguyễn Chánh Thi.

6) Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ dẹp quân phản loạn, dẹp yên bạo động Phật Giáo Miền Trung.

Ngày 12/6/1965 Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát đồng từ chức vì bất đồng chính kiến, giao quyền lực quốc gia lại cho Hội Đồng Quân Lực [The Armed Forces Council]. Thượng Hội Đồng Quốc Gia tự giải tán. Ngày 19/6/1965, Hội Đồng Quân Lực họp đại hội, quyết định thành lập hai ủy ban điều hành quốc gia là Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia -UBLĐQG [The National Leadership Committee] và Ủy ban Hành Pháp Trung Ương -UBHPTƯ [The Central Executive Committee]. Trung tướng Nguyễn văn Thiệu được bầu làm Chủ tịch UBLĐQG, quyền hạn như Quốc trưởng. Thiếu tướng Không Quân Nguyễn Cao Kỳ được bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBHPTƯ, quyền hạn như Thủ tướng và có trách nhiệm thành lập chính phủ chiến tranh. Hội Đồng Quân Lực chọn ngày 19/6/1965 làm ngày Quân Lực, đồng thời quyết định đổi danh Quân Đội Quốc Gia Việt Nam thành Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa [The Republic of Vietnam Armed Forces - RVNAF].

Có thể Tướng Nguyễn Chánh Thi rất muốn vị trí của Tướng Kỳ, nhưng ông ta bị cô lập bởi ba nhóm tướng trẻ khác trong Hội Đồng Tướng Lãnh. Trong chức vụ cũ, Tư lệnh Quân Đoàn I & Vùng 1 Chiến Thuật, Tướng Thi trở về Đà Nẵng mang theo nỗi bất mãn với Hội Đồng Tướng Lãnh và sự tị hiềm với Tướng Kỳ. Thích Trí Quang cũng thất vọng và không còn hy vọng thao túng được Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ.

Từ khi nền Đệ I Cộng Hòa sụp đổ, Thích Trí Quang đã tự coi là người nắm quyền lợi quốc gia ẩn mình phía sau hậu trường dưới lớp áo ca-sa. Nay, Tướng Kỳ nắm chính quyền, Thích Trí Quang coi như đã bị tước đoạt ngôi vị “quốc sư” của ông.

Manh tâm phiến động chống trung ương, đã có từ trước, của Khối Phật Giáo Miền Trung có cơ hội bùng nổ mạnh trở lại như dưới thời Cố TT Ngô Đình Diệm, mặc dù lúc đó khối Phật Giáo Vĩnh Nghiêm và Viện Hóa Đạo của Thính Tâm Châu không hợp tác bạo động.

Thích Trí Quang chờ cơ hội, nhưng Nguyễn Chánh Thi công khai chỉ trích chính quyền trung ương là bất lực, độc đoán và tham nhũng trên các chương trinh phát thanh ở Huế và Đà Nẵng và có hành động muốn ly khai khỏi quyền lực trung ương. Đó là thời điểm mà TS Shaw chỉ trích sự bất lực của Tướng Nguyễn Cao Kỳ, từ cuối tháng 6/1965 trở đi.

Trong khi đó, ở Thủ Đô Sài Gòn, Thủ tướng Kỳ (xin gọi như vậy cho tiện), thường xuất hiện ở nhiều nơi với bộ y phục phi hành màu đen, mũ thể thao đen thêu kim tuyến các bông lúa trắng ở vành trước bên trên là hai sao kim loại óng ánh --như lần ông lái khu trục đánh bom thành phố Vinh, Miền Bắc -- ngay cả khi dự họp với Tướng Thiệu, với Hội Đồng Tướng Lãnh, họp Nội Các, thanh tra các Tỉnh hay các Đơn vị Quân Đội, cả với các tướng lãnh HK. Những phần tử ủng hộ Tướng Kỳ nhận xét Kỳ như một chính khách và một tướng lãnh có nghị lực, giỏi, nhạy bén, quyết đoán.

Những người không theo phe phái nào như tôi, cũng có nhận xét như trên, chỉ thêm một chữ “unpredictable,” có nghĩa là ông Kỳ có những hành động bất chợt, khó đoán trước được. Người bình dân thường gọi là “bốc đồng”. Nhưng theo tôi, cái bốc đồng của ông là phản ứng nhạy bén, thông minh và quyết đoán của một cấp chỉ huy có tài.

Xin thưa, tôi là người miền Nam, làm việc trong ngành Quân Báo, không một lần nào được tiếp xúc với Tướng Kỳ, không thuộc bè cánh của ông, không hề được hưởng một chút ân huệ nào của Ông Kỳ mà chỉ nhận xét ông trên quan điểm khách quan qua suốt hơn nửa thế kỷ quan sát hoạt động chính trị và binh nghiệp của ông.

Thiển nghĩ, nếu bỏ qua đời tư nhiều vợ, nhiều con... của Tướng Kỳ, chỉ xét nghiệm trên hoạt động binh nghiệp và chính trị phải công nhận ông là người có tài, thu phục được cảm tình đa số thuộc cấp trong KQVN, hơn bất cứ vị tư lệnh KQVN nào khác. Đừng nhìn vào tác phong phóng khoáng mà võ đoán vào bản lĩnh lãnh đạo của Kỳ về quân sự và chính trị của ông.

Bằng chứng hiển nhiên như dưới đây:

Trước tiên là lòng nhiệt thành của ông đối với nhiệm vụ và thượng cấp, lúc đó là Nguyễn Khánh. Phải nói rằng con đường binh nghiệp của Kỳ phát cao là do sự nâng đỡ của Tướng Khánh khi Kỳ chính chức được bổ nhậm tư lệnh KQVN, rồi được phong cấp Chuẩn tướng, rồi Thiếu tướng.

Tướng Kỳ hai lần cứu Khánh trong hai cuộc đảo chánh của các tướng tá miền Tây. Đáng lưu ý là ông đã từ chối lời yêu cầu cộng tác với phe đảo chánh Phát-Thảo của tướng Rowland, Cố vấn trưởng HK ở BTL/KQVN. Sự từ chối này chứng tỏ tính cương nghị và lòng nhiệt thành chu toàn trách nhiệm của một tướng lãnh trước tình thế nguy ngập được thượng cấp giao phó.

Suốt quá trình chấp hành quân kỷ trong binh nghiệp, dù thuở thiếu thời ngang bướng, nhưng chưa bao giờ Kỳ bị mang tiếng như một số tướng lãnh khác. Kỳ liêm khiết, không đặt quyền lợi cá nhân trên tình đồng bạn và tình yêu tổ quốc. Kỳ bộc trực và chân thành với thượng cấp và thuộc hạ, nhưng không khoan nhượng khi phải đối đầu kẻ cần phải đối đầu.

Ông chấp hành pháp luật nghiêm minh và cương quyết. Khi làm Chủ tịch Ủy Ban Hành pháp Trung Ương, ông đã ra lệnh xử bắn một tên gian thương Tạ Vinh đầu cơ tích trữ gạo, làm rối loạn thị trường. Tệ nạn đầu cơ tích trữ giảm rõ rệt, Miền Nam từ đó không còn cảnh thiếu gạo.

Tháng 3/1966, khi đi thanh lý Miền Trung, nhận thấy thái độ của Tướng Nguyễn Chánh Thi muốn tách rời ra khỏi quyền lực trung ương, khinh thường Hội Đồng Tướng Lãnh và muốn tự lập một thể chế bất thành văn cho Miền Trung, ngày 10/3/1966, với tư cách Chủ tịch UBHPTƯ, Kỳ ra quyết định cách chức Thi và bổ nhậm Chuẩn tướng Nguyễn văn Chuân thay thế. Nguyễn Chánh Thi bị Tướng Nguyễn Hữu Có, phó Chủ tịch Ủy ban Hành Pháp Trung Ương bắt ở Đà Nẵng đưa về Sài Gòn.

Ngày 12/3/1966, Thích Trí Quang hành động. Không biết bằng cách nào, Trí Quang thu phục được Tướng Phan Xuân Nhuận và một số đơn vị quân đội, huy động Phật tử Huế, Đà Nẵng, và một vài thành phố khác ở Miền Trung xuống đường, chiếm các đài phát thanh, tuyên bố chống chính quyền trung ương, biểu tình đông đảo hằng ngày, trương biểu ngữ, hô khẩu hiệu đòi Trung Ương phải thả và phục hồi chức vụ cho Nguyễn Chánh Thi, đòi bãi chức Nguyễn Cao Kỳ, đòi bầu cử quốc hội lập hiến và thành lập chính phủ dân sự.

Trung Ương chỉ định Tướng Huỳnh văn Cao, rồi Tôn Thất Đính, cả hai đều là người Huế lần lượt làm Tư lệnh QĐI & V1CT. Nhưng cả hai ông này cũng bất lực trước một Trí Quang thủ đoạn mua chuộc cả giới hành chánh và quân đội địa phương và khối lớn dân chúng Phật tử. Vì vậy phong trào biểu tình càng ngày càng dữ dội hơn. Nhiều nơi người biểu tình còn mang vũ khí hay gậy gộc theo và bày hương án Phật ở các trục lộ giao thông chính của thành phố Huế và Đà Nẵng.

Thấy phong trào bạo động miền Trung lên cao, Tòa Đại sứ HK yêu cầu thả Nguyễn Chánh Thi. Ông này lại ra Đà Nẵng. Trong khi đó, ở Sài Gòn, ngày 19/3/1966 Thượng tọa Thích Tâm Châu, khối Phật Giáo Vĩnh Nghiêm và Viện Hóa Đạo tuyên bố ủng hộ Chính quyền Trung Ương của Nguyễn văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ. Tình hình tao loạn Miền Trung đã kéo dài trên hai tháng.

Ngày 14/5/1966, Tướng Kỳ triệu tập Tướng Cao văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng/Bộ TTM và Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Đặc Ủy Trương Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo & Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, họp và chỉ thị cho hai vị này đem 4,000 Nhảy Dù, TQLC và Chiến xa ra Đà Nẵng và Huế dẹp mối loạn Miền Trung. Sau khi dẹp xong các cuộc biểu tình và bạo động ở Đà Nẵng, bắt lại Tướng Nguyễn Chánh Thi và Thị Trưởng Đà Nẵng, Tướng Viên mang quân ra Huế, ra lệnh thiết quân luật, phong tỏa các đường giao thông và tiếp vận Thành phố Huế, án binh không tấn công các đơn vị theo Thích Trí Quang và Tướng Tư lệnh SĐ1BB là Phan Xuân Nhuận.

Hai ngày sau, Thích Trí Quang và Tướng Nhuận xin đầu hàng. Cuộc bạo động ở Miền Trung đã được giải quyết gọn, không đổ máu. Sự kiện này cho thấy bản lĩnh và sự cương quyết, kể cả sự can đảm của Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Ông nhận lấy trách nhiệm lớn lao giải quyết tình trạng nhiễu nhương đầy khó khăn đó mà không một tướng lãnh nào khác dám nhận. Cũng cần phải đề cao sự khôn khéo, thận trọng và tinh thần huynh đệ chi binh của Tướng Cao Văn Viên, chỉ dùng uy và lược mà không dùng lực để đàn áp đồng bào và đồng bạn, nên tránh được cảnh huynh đệ tương tàn.

Thích Trí Quang được đem về Sài Gòn giao cho bệnh viện của BS Nguyễn Duy Tài chăm sóc. Các Tướng Thi, Đính, Cao, Chuân và Nhuận ra Tòa Án Quân Sự. Hầu hết được quyết định cho giải ngũ. Riêng Trung tướng Nguyễn Chánh Thi HK bảo lãnh, định cư ở Mỹ và được hưởng trợ cấp hưu bổng như sĩ quan cấp Trung tướng ba sao của Hoa Kỳ, 600 dollars/tháng.

“Đứa con cầu tự,” the Buddha’s Child Nguyễn Cao Kỳ đã làm cho các Thầy, các tôn trưởng Phật Giáo từng bị mua chuộc lật đổ một chế độ, từng làm cho nhiều lớp tướng lãnh và chính trị gia Miền Nam điêu đứng, đều “xếp-de”, co rúm lại từ tháng 5/1966 đó mãi cho đến năm 1975.

Tôi có thể nói rằng, trong thời kỳ mười năm đó, nếu còn có mặt Tướng Kỳ ở Miền Nam, dù là Thủ tướng, là Phó Tổng thống, hay là phó thường dân đi nữa, thì các Thầy cũng vẫn còn run, không dám biểu tình, xuống đường gì nữa... Vì đứa con cầu tự đó, mặc dù sở đoản lớn nhất là phóng túng về đường tình ái, nhưng cương trực và biết lẽ hưng vong của tổ quốc, không mê muội về quyền lực.

Thực vậy, khi bị chính trị ngoảnh mặt, người ta cứ hết lần này đến lần nọ đồn đãi là Tướng Kỳ “sẽ đảo chánh” vì thấy Kỳ luôn luôn được KQVN ủng hộ. Nhưng không đâu, không hề có chuyện đảo chánh xảy ra, “Ông Râu Kẽm” không ngu muội mà làm chuyện nhiễu nhương.

7) Bình phục FULRO, một tổ chức võ trang Khmer, Chàm và Thượng đòi thành lập một quốc gia độc lập.

Trong bài viết của TS Shaw, Bác sĩ gởi cho tôi, có đoạn nói về FULRO. Không biết ông Shaw có biết rõ câu chuyện dài của tổ chức này hay không mà đổ lỗi cho sự bất lực của Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ khi tổ chức này khuấy động ở Cao Nguyên Trung Phần trong ba năm 1964-1967. Tôi xin tóm lược.

Chuyện đầu tiên phải nói là chính bởi các giới chức CIA và Lực lượng Đặc biệt HK biến tổ chức này thành một tổ chức võ trang nguy hiểm. Trước tiên, tổ chức đầu tiên liên kết các sắc dân Thượng ở Cao Nguyên Trung Phần, hay Tây Nguyên, là tổ chức BAJARAKA, do các phần tử trí thức các sắc tộc Thượng như Y Bham Ênoul, Y Dhon Adrong, Paul Nur, và một số cựu sĩ quan trong Quân đội Pháp ở Đông Dương thành lập từ tháng 5/1958. Chữ BAJARAKA là chữ viết tắt của 4 sắc tộc lớn ở Tây Nguyên: Bhanar, Djarai, Rhadé và Kaho. Họ trang bị thô sơ và chưa có hoạt động chống chính phủ Bảo Đại và Ngô Đình Diệm. Chỉ trừ Đại tá Y-Bloc, người sắc tộc Hré, kéo một Trung Đoàn sắc tộc chừng 600 người tập kết ra Miền Bắc theo CSBV năm 1955, trước khi BAJARAKA thành lập.

Đến năm 1961, khi TT Kennedy thành lập Lực Lượng Đặc Biệt chuẩn bị cho chiến tranh Việt Nam, CIA ở Sài Gòn thử xây dựng Buôn E-Nao ở Tỉnh Đạc-Lắc - gọi là “Buon Enao Project” thành một làng dân sự chiến đấu của sắc tộc Thượng với hệ thống phòng thủ được trang bị vũ khí, hệ thống máy vô tuyến liên lạc và một đơn vị chiến đấu gọi là strike-force có thể phòng thủ và tấn công, đột kích. Sau đó kế hoạch Enao phát triển rộng lớn trên hai trăm “buôn chiến đấu” như vậy. Số Sĩ quan, Hạ Sĩ quan và chuyên viên, kể cả không yểm HK và cán bộ CIA được điều động lên Cao Nguyên, đến các buôn này để huấn luyện các sắc tộc Thượng tự tổ chức chiến đấu tự vệ chống CSBV lên đến số lượng hàng vài trăm người. Các đơn vị strike-force của 200 buôn Thượng, quân số ít hay nhiều tùy theo dân số của mỗi buôn. Ước tính chung HK thu phục được lối 150,000 người thuộc các sắc tộc Thượng trong tổng số 700,000 sống trong rừng núi Tây Nguyên. Tổng số nhân lực của các đơn vị strike-force trong hai trăm buôn ước tính lên đến 10,600 người. Như vậy LLĐB HK trang bị cho các sắc tộc Thượng bằng trang bị cho một sư đoàn bộ binh trừ trọng pháo của Pháo binh.

Đầu năm 1962, ông Cố vấn Ngô Đình Nhu được mời lên Buôn Enao, ông rất phấn khởi và muốn áp dụng kế hoạch Enao trên toàn Tây Nguyên, phong chức cho các lãnh tụ BAJARAKA, Y Bham Enoul làm Phó Tỉnh trưởng Đạc-Lắc, Paul Nur Phó Tỉnh trưởng Kon-Tum.

Nhưng, khi Hiệp Ước Trung lập Lào do HK chủ trương bỏ ngỏ đông nam Lào, Đường Mòn Hồ Chí Minh mở rộng, biên giới Tây Nguyên trở thành mật khu của CSBV. Việc ưu tiên của chúng là thu phục các sắc tộc Thượng. Năm 1962 Trung Đoàn 120 của Đại tá Y Bloc được CSBV đưa xâm nhập trở lại vùng Ba Biên Giới, hoạt động xuống tận Đức Lập, Tỉnh Đạc-Lắc (Ban Mê Thuột). Chúng đánh phá các buôn chiến đấu do HK gầy dựng. Một số buôn chiến đấu khác sợ hãi, mang súng theo Y Bloc.

Tháng 8/1962, Ông Nhu ra lệnh đình chỉ không tiếp tục xây dựng các buôn chiến đấu khác. Các đơn vị strike-force Thượng được sát nhập vào Địa Phương Quân. Kế hoạch Buôn Enao bị phá sản. Tuy nhiên tinh thần dân sự chiến đấu được các giới chức CIA và LLĐB Hoa Kỳ đem áp dụng thành lập các đơn vị “Dân Sự Chiến Đấu” [CIDGs - Civilian Indigenous Defense Groups, có tài liệu ghi là Civilian Irregular Defense Groups] hay Mike Force. Đơn vị nhỏ nhất làm A-Detachment hay cấp đại đội; 2 hay 3 A họp lại thành một B, cấp tiểu đoàn; cao hơn là C gồm nhiều B. Chỉ huy một A-Detachment là một toán gồm 12 Sĩ quan và Hạ Sĩ Quan Lực Lượng Đặc Biệt HK. Mỗi một A có từ 60 đến 230 chiến binh người Thuộc các sắc tộc Thượng Tây Nguyên, trước đó thuộc các strike-force của các buôn chiến đấu hoặc là thuộc Lực Lượng Đặc Biệt Quân Đội Cộng Hòa mới thành lập, kể cả Sĩ quan và Hạ Sĩ quan và Binh sĩ.

Đến cuối tháng 11/1962 HK đã thành lập được 26 A-Detachments, 3 B-Detachments và chỉ có 1 C-Detachment. Tất cả các A-Detachments đóng trong các căn cứ kiên cố từ Dak-Pak, Dak-Suk, Dak-To, Võ Định trên QL-14 phía bắc Kon-Tum, Đức Cơ trên QL-19 gần biên giới, xuống Pleime, Buôn Brieng, Ban Don, Đức Lập ở Ban Mê Thuột và nhiều căn cứ khác ở Tỉnh Quảng Đức, Phước Long và Bình Long thuộc Vùng 3 Chiến Thuật. Sau tháng 11/1963, Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ, từ đầu năm 1964 nhiều Trại hay căn cứ CIDG suốt dọc biên giới Tây Nguyên bị Bộ đội CSBV xâm nhập tấn công phải rút bỏ hay bị tổn thất nặng.

Năm 1964, sau khi Nguyễn Khánh chỉnh lý Dương văn Minh, Tây Nguyên bị áp lực nặng của CSBV. Y Bham Ênoul không hợp tác với chính quyền. Được HK ủng hộ, Y Bham Ênoul và Y Dhơn Adrong kết hợp với các phần tử mưu phục quốc Chàm hay Champa, và Thủy Chân Lạp hay Kampuchia Krom, đổi tên tổ chức BAJARAKA thành “Mặt Trận Giải Phóng Cao Nguyên” [Le Front de Liberation des Hauts Plateaux -FLHP]. Y Bham chủ trương hòa hoãn, chờ gây dựng thế lực. Ngược lại Y Dhơn Adrong chủ trương bạo động nhân dịp Miền Nam đang chưa ổn định về chính trị. Tháng 5/1964, Y Dhơn Adrong thoát qua Miên, được Sihanouk cho trú đóng trong một căn cứ của Pháp Camp Le Rolland, thuộc Tỉnh Mondulkiri, cách biên giới và Đức Cơ 15km. Y Bham Eoul sau đó cũng đến căn cứ này. Tại đây, dưới sự chủ tọa của Sihanouk, Mặt Trận Giải Phóng Cao Nguyên kết hợp các nhân vật Chàm và Miên do Sihanouk bảo trợ, thành một tổ chức mới gọi là FULRO [Le Front Uni pour la Liberation des Races Opprimees hay The United Front for the Liberation of Oppressed Races].

Danh từ FULRO từ cuộc họp với Ông Vua Miên này mới có. Tổ chức FULRO sở dĩ được hình thành đều do Sihanouk vẫn nuôi mộng đòi lại vùng Thủy Chân Lạp trước đây, đồng thời xúi dục người Chàm, hay Champa, đòi lại các tỉnh miền Nam Trung Việt và người Thượng đòi thành lập nước riêng ở Cao Nguyên Trung Việt, hay Tây Nguyên. FULRO, do đó có các tổ chức nhỏ hơn. Mỗi tổ chức phụ trách giải phóng từng vùng riêng biệt:

-Mặt Trận Chính, Bộ Chi Huy đóng tại Camp le Rolland, phụ trách giải phóng trọn vùng Cao Nguyên vẫn gọi tên cũ: Front de Liberation des Hauts Plateaux. Do Y Bham Ênoul chỉ huy, thường gọi là FULRO THƯỢNG. Ông này cũng là chủ tịch FULRO.

-Mặt Trận Champa, hay Ninh Thuận, có tên gọi là: Front de Liberation du Champa, do Trung tá Nhảy Dù Les Kosem Quân Đội Hoàng Gia Miên, gốc người Chàm, chỉ huy. Ông này sau được vua Miên Sihanouk phong cấp Thiếu tướng.

-Mặt Trận Đồng bằng Sông Cửu Long, có tên gọi là: Front de Liberation du Kampuchea Krom, do nhà sư Chau Dara chỉ huy. Ông này người Miên, bỏ áo cà sa đi làm giải phóng.

-Mặt Trận Hạ Lào, có tên gọi là: Front de Liberation du Kampuchea Nord, do Y Dhơn Adrong chỉ huy.

Đến ngày 20/9/1964, các trận đánh của FULRO nổ lớn ở Cao Nguyên, đặc biệt quan trọng là Tinh Đạc-Lắc (Darlac, hay Ban Mê Thuột), trong đó có sự phản loạn của hai Trại CIDG do LLĐB Hoa kỳ huấn luyện và thành lập là Trại Buôn Sar Pa ở Quận Đức Lập và Trại Bu Đang ở Quảng Đúc.

Nhóm dân sự chiến đấu người Thượng giết hơn ba mươi quân nhân VN, bắt sống Quận trưởng Đức Lập và chiếm đài phát thanh quận lỵ và tuyên bố Tây Nguyên độc lập. Cũng trong đêm đó, một số Trại CIDG khác ở Đạc-Lắc cũng bị tấn công như ở Buôn Mi Ga, Ban Don, Buôn Riêng. Trong các trận tấn công người chỉ huy được nêu tên chính thức là Y Bham Ênoul nhưng kỳ thực do hai sĩ quan Miên là Trung tá Les Kosem và Trung tá Y-Bun Sur.

Trung tướng Nguyễn Hữu Có, đem quân SĐ23BB đến bao vây Trại CIDG Buôn Sar Pa. Đại tá John F. Freund Cố vấn trưởng HK của Tướng Có khuyên nên điều đình. Chính Freund đưa Y Bham Ênoul đến Buôn Enao gặp Tướng Có. Cuộc dàn xếp coi như êm thắm.

Theo nhận xét của tôi, thì FULRO thoát đi từ quan niệm muốn tự trị của các sắc tộc người Thượng, nhưng phong trào lớn mạnh là do chính quan niệm của HK muốn sử dụng họ chống CSBV, nên trang bị và huấn luyện cho họ chiến đấu. Nhưng vì thiếu kiểm soát, hay không hiểu biết nhiều về các sắc tộc Thượng luôn luôn tôn sùng người Pháp, nên HK đã nuôi ong tay áo.

Rốt cuộc rồi phong trào của đồng bào thiểu sồ Thượng bị các sĩ quan tình báo Pháp trong Quân Đội Hoàng Gia Miên của Sihanouk mua chuộc, cho căn cứ ẩn trú trên đất Miên nên khi thì đột nhập vào biên giới sách động binh lính Thượng tạo phản, khi yếu thì thương lượng hợp tác với chính phủ VNCH, khi mạnh thì tấn công phá rối Cao Nguyên, theo chủ trương của Chính phủ Miên. Điều này CIA biết rõ, nhưng cũng đã muốn sử dụng FULRO, khi cần, như giai đoạn thí nghiêm kế hoạch Buôn Enao, để bảo vệ Tây Nguyên trong chiến lược phòng thủ diện địa sau đó.

Sau tháng 9/1964, Tướng Vĩnh Lộc thay thế Tướng Có, cũng phải đối đầu với một vài Trại CIDG người Thượng phản bội, và mỗi lần định tiêu diệt chúng là mỗi lần các giới chức Tòa Đại sứ hay Cố Vấn Đoàn Đơn vị can thiệp yêu cầu điều đình. Có lần, FULRO đem 500 Quân trang bị vũ khí về quy hàng giao nạp súng (ngày 15/9/1965, ở Buôn Buoc, Ban Mê Thuột) Cũng có lần Tướng Vĩnh Lộc cho một cánh quân do Trung tá Y Em tấn công Camp le Rolland bắt Y Bham và Y Dhon đem về Ban Mê Thuột, họ chịu ký thỏa hiệp rồi lại bỏ trốn sang Miên.

Lần cuối cùng Tướng Thiệu và Tướng Kỳ, gặp mặt một số lãnh tụ FULRO trong Đại Hội Sắc Tộc tại Ban Mê Thuột ngày 29/8/1967 và chấp nhận thành lập một Bộ Sắc Tộc trong chính phủ. Ngày 11/12/1968, Chính phủ Nguyễn văn Thiệu chấp nhận đề nghị bổ nhậm chức vụ tỉnh trưởng hay phó tỉnh trướng các tỉnh có nhiều cư dân sắc tộc Thượng cho người Thượng, bổ nhậm các sĩ quan sắc tộc chỉ huy các đơn vị có đa số binh sĩ sắc tộc.

Ngày 1/9/1969 ký kết thỏa thuận với thủ lãnh sắc tộc Paul Nur và Y Dhon Adrong. Paul Nur được bổ nhậm Tổng trưởng Bộ Sắc Tộc. Y Dhon không thấy nhắc đến, còn Y Bham Ênoul ở lại bên Miên, sau bị Trung tá Les Kosem bắt cầm tù và khi Miên bị CS chiếm, Y Bham bị Pol Pot hành quyết. Ở Nam VN từ sau khi có Bộ trưởng sắc tộc, FULRO không còn nhiễu loạn nữa.

Phong trào FULRO sau khi Miền Nam sụp đổ, còn kéo dài đến năm 1992. Từ năm 1976 đến năm đó, nhiều lần họ tấn công vào Tây Nguyên cấp Trung đoàn, CSVN còn bị những đòn tấn công mạnh hơn thời Đê II Cộng Hòa.

Tóm lại, những điều TS Shaw nói về sự bất lực của Tướng Nguyễn Cao kỳ là không đúng và hình như ông ta không hiểu biết nhiều về FULRO. Nói chung TS Geofrey Shaw viết bài mà BS gởi cho tôi đọc là có thiên kiến, không trung thực.

Tôi chỉ viết về Tướng Nguyễn Cao Kỳ trong giai đoạn mà TS Shaw nói đến. Cuộc đời và hành vi sau đó, nhất là thời gian ông lưu vong sau 30/4/1975, xin để cho lịch sử phán đoán.

Tôi xin chấm dứt bức thư này ở đây. Thân mến chúc sức khỏe tốt.


Văn Nguyên Dưỡng

 

 

Bản Anh ngữ (PDF) 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Bộ Huy hiệu Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet E-mail by vnd chuyển

 

Đăng ngày Thứ Bảy, February 18, 2017
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang