Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Văn chương Việt Nam 
Chủ đề: Tiếng Việt
Tác giả: Trần Văn Tích

Tiếng Việt nạn nhân của Tiếng Quê Hương


 

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

Tôi vốn nhất mực chủ trương phải viết sử dụng mà không thể viết xử dụng vì viết xử dụng theo tôi là sai, do đó tôi mới được một anh bạn ở Úc gửi cho đọc tài liệu “Thư gửi bạn trước khi vào sách” do Tủ sách TQH chấp bút. TQH là viết tắt ba chữ Tiếng Quê Hương và tủ sách do nhà văn Uyên Thao phụ trách.

Nội dung “Thư gửi bạn trước khi vào sách

Thư gửi bạn trước khi vào sách” là lời mở đầu của cuốn Nhân văn Giai phẩm với tác giả là nữ sĩ Thụy Khuê nhưng tài liệu không giới thiệu mục đích sáng tác, nội dung nghiên cứu, hoàn cảnh ra đời, tôn chỉ chính luận, v.v. của Bà Thụy Khuê mà lại có phần phân trần về cách viết chữ sử dụng. Nguyên Bà Thụy Khuê viết sử dụng nhưng Tiếng Quê Hương bác bỏ lối viết này và tự cho phép sửa lại thành xử dụng. Sở dĩ có hành động không theo lệ thường như thế là vì “Tủ sách Tiếng Quê Hương phải tự định một chuẩn hướng theo các chỉ tiêu do cân nhắc chủ quan với mong mỏi không gây hỗn loạn thêm cho cách viết và cách dùng từ.”

Dựa vào “chuẩn hướng” định sẵn, Tiếng Quê Hương trình bày lý do viết “xử dụng” thay vì “sử dụng” như sau:

(Trích)Như chúng ta đều biết, đa số từ Việt ngữ là Hán Việt tức có gốc Hán tự. Chẳng hạn chữ sử hoặc xử của ta là 5 chữ Hán viết theo các bộ Khẩu, Nhân, Mã, Hô, Mộc. Trước đây, các học giả Thiều Chửu, Đào Duy Anh đã phiên âm 3 chữ viết theo các bộ Khẩu, Nhân, Mã là sử và 2 chữ viết theo các bộ Hô, Mộc là xử. (...) Từ viết theo bộ Nhân được phiên âm là sử có nghĩa sai khiến (...) Riêng từ viết theo bộ Hô phiên âm là xử bao gồm nhiều nghĩa như thu xếp (...) Theo cách phân tích này, chúng tôi thấy không thể viết sử dụng vì ở đây không hàm nghĩa sai khiến (...) Chữ xử ở đây chỉ đơn thuần mang nghĩa thu xếp (...) những thứ gì đang có trong tay mà thôi nên phải viết là xử dụng.” (Hết trích)

Ai muốn bàn bạc về bệnh tật với chút ít thẩm quyền thì phải theo học ngành y khoa trong bảy năm, sau đó còn phải học thêm năm bảy năm nữa mới có thể góp ý về các vấn đề y khoa vì y học là một khoa học. Tay ngang muốn lên tiếng về một vấn đề y học nào đó, không ai cấm hết nhưng không ai dám đặt tin tưởng hoàn toàn vào tay ngang. Ngôn ngữ cũng là một khoa học. Nó có những qui luật, những nguyên tắc. Nó có những phương tiện từ vựng và các phương tiện ngữ pháp. Người không thành thạo ngôn ngữ học, người đứng bên đường, người ở ngoài nghề muốn phát biểu về ngôn ngữ cũng không bị ai cấm đoán nhưng thực rất khó lòng thuyết phục được người đọc người nghe.

Phép phiên thiết

Chữ viết tiếng Hán là loại chữ biểu ý, chữ viết tiếng Việt là loại chữ biểu âm. Khi nhìn vào mặt chữ mà đọc thì chữ viết tiếng Việt cung cấp ngay âm đọc. Nhưng khi nhìn vào mặt chữ Hán thì không thể đọc được. Muốn ghi âm chữ Hán, muốn chỉ cách đọc chữ Hán, phải dùng lối phiên thiết. Nguyên tắc phép phiên thiết là ghép phụ âm (consonne) hay khung của chữ thứ nhất với nguyên âm (voyelle) hay khung của chữ thứ hai thành cách đọc của từ được phiên thiết. Nói chung, có thể xem phiên thiết là một hình thức nói lái.

Phiên thiết chỉ được sử dụng trong các từ điển, tự điển đơn ngữ Hán-Hán. Cho nên điều kiện tiên quyết nhưng cần và đủ là phải biết đọc chữ Hán mới vận dụng được phép phiên thiết (không cần phải hiểu nghĩa chữ vì đây chỉ là vấn đề phát âm, không phải vấn đề lĩnh ý).

Ví dụ tên tôi chữ Hán viết là ?. Tra chữ này trong Khang Hy, bộ kim, mục tám nét, sẽ thấy ghi như sau: tiên đích thiết (...) âm tích 先的切 (...) 音裼. Phụ âm ở đây do chữ thứ nhất cung cấp, đó là chữ t; nguyên âm do khung của chữ thứ hai cung cấp, đó là ích. Ghép t vào với ích (t + ích), chúng ta có cách đọc tên tôi: tích. Ngoài ra, sau khi đã cho cách phiên thiết, Khang Hy còn sử dụng lối chú âm bằng cách dùng một chữ đồng âm, gọi là phép trực âm. Trong trường hợp tên tôi, Khang Hy ghi thêm “âm tích 音裼” nhằm chỉ rõ rằng tên tôi đọc giống như chữ tích bộ y 裼.

Tôi xin nêu một ví dụ khác hơi rắc rối hơn một chút. Đó là trường hợp chữ tôn trong tôn giáo. Khang Hy ghi ở phần phiên thiết là tác đông thiết. Tác + đông = tông (chứ không phải tôn) và như vậy là do kỵ húy. Cho nên – vẫn căn cứ theo phép phiên thiết! – Đào Duy Anh mới ghi: “Nguyên chữ này trước Nguyễn-triều vẫn đọc là tông, sau khi kiêng tên húy đời vua Minh-mạng, mới đọc là tôn.” Vua Thiệu Trị có đến ba tên khác nhau: Tuyền, Dung, Tông. Vì vậy đến đời vua Minh Mạng, dân chúng kỵ húy phát âm chữ chúng ta đang bàn thành tôn, từ đó Sài Gòn có đường Lê Thánh Tôn ở gần chợ Bến Thành; còn Tuyền thì biến âm thành Toàn, Dung thì biến âm thành Dong. Như vậy do tên vua Thiệu Trị là Tông theo phép phiên thiết nên quần chúng dân gian tránh tên húy của nhà vua và đọc trại đi thành tôn.

Khi biên soạn các bộ từ điển, tự điển Hán-Việt, các tác giả như Đào Duy Anh, Thiều Chửu, Trần Trọng San, Nguyễn Văn Khôn, v.v. đã lấy cách đọc những từ Hán từ đâu? Chẳng lẽ quý vị ấy đã rút cách phát âm những từ đó từ trên Trời xuống hay moi chúng từ đất đen ra? Chư vị đã dùng phép phiên thiết. Cuốn Thiều Chửu biên soạn rất sát theo qui cách của cuốn Khang Hy, cũng từng ấy bộ, cũng cùng thứ tự sắp xếp theo số nét, thậm chí theo cả trật tự các chữ nữa. Có chữ Khang Hy ghi vào chỗ chót, sau ghi chú với chữ tăng 增 (thêm) thì Thiều Chửu cũng dành cho chữ liên hệ vị trí cuối cùng. Có thể nói mà không sợ quá đáng là cách phát âm một từ Hán-Việt như thế nào là do phép phiên thiết muốn thế, bắt thế, qui định như thế, áp đặt như thế. Và không chỉ riêng Khang Hy mới có phần phiên thiết, Từ Nguyên cũng trình bày mục phiên thiết giống Khang Hy; đó là chưa kể đến các bộ bách khoa đại từ điển chữ Hán như Hán văn đại Từ điển, Trung văn đại Từ điển.

Chữ Hán gia nhập vào tiếng ta không phải chỉ từ đời Đường. Sau khi Triệu Đà xưng đế, sau khi Mã Viện thắng Hai Bà thì tiếng Hán đã có cơ hội và thời gian để “chiếm lĩnh” phần nào ngôn ngữ nòi Việt. Nhưng tiếng Hán thuở bấy giờ chỉ len lén vào, qua hình thức khẩu ngữ. Đó là chữ Hán cổ. Đến thời Bắc thuộc lần thứ hai, Trung văn, Trung ngôn chính thức gia nhập gia đình ngôn ngữ Việt, qua chữ viết, qua thi cử. Đó là chữ Hán đời Đường. Cuối cùng, có một số chữ Hán đã Việt hóa. Như vậy, những từ Hán vào tiếng Việt thuộc ba loại.

1. Chuông là âm cổ của chung; kim hay ghim là chữ châm đọc theo âm cổ.

2. Từ gốc Hán mượn của đời Đường chính là những từ mà nay ta gọi là từ Hán-Việt. Hệ thống vần Hán-Việt là hệ thống vần tiếng Hán đời Đường-Tống biến đổi theo qui luật ngữ âm tiếng Việt, kể cả và nhất là thay đổi về thanh điệu. Chẳng hạn trong y học, chúng ta có thương tích, thương hàn, chướng khí, tiêm nhiễm, v.v. Trong ngôn ngữ gốc (tiếng Hán), chúng được biểu thị bằng chữ khối vuông, khi chuyển sang ngôn ngữ đích (tiếng Việt), hiện nay chúng được ghi chép bằng hệ thống chữ cái La-tinh. Sự chuyển dịch đó dựa theo, tuân theo, phục tùng, vâng lệnh phép phiên thiết. Chính vì thế mà nếu Khang Hy ghi nhiều vận luật (Quảng vận, Tập vận, Vận hội, Chính vận) bên cạnh Đường vận thì các từ điển, tự điển Đào Duy Anh, Thiều Chửu, Trần Trọng San, Nguyễn Văn Khôn, v.v. hầu như chỉ chọn Đường vận để phiên thiết, tức là để đọc lên, để phát âm các từ Hán-Việt.

3. Nhóm các từ Hán đã Việt hóa khá đông, chúng ta không còn nhớ gốc gác của chúng nữa. Xin thử liệt kê làm bằng: đại - đời, kính – gương, các – gác, bổn - vốn, long - rồng, thanh – xanh, v.v.

Âm tiếng ta nhiều khi vốn rất gần âm tiếng Tàu. Phiên âm Hán-Việt tương ứng với chú âm Trung văn lắm lúc rất gần gụi, có khi giống nhau như hai giọt nước: ai: ai, ái, ải; ban: ban, bản, bán, bạn, biện, v.v. Xem các từ điển Hán-Hán có phần pin yin rồi đối chiếu với các từ điển Hán-Việt sẽ thấy. Cho nên phiên thiết không hề thuộc lĩnh vực hàn lâm, không hề là món trang sức. Phiên thiết là hơi thở, là mạch sống của một thành phần tiếng nước ta.

Sử dụng hay xử dụng?

Muốn biết sử dụng đúng hay xử dụng đúng thì, như đã trình bày, phải dùng phép phiên thiết chứ không có cách nào khác, lại càng không thể dùng lối lý luận theo kiểu của nhóm Tủ sách Tiếng Quê Hương. Từ điển Từ Hải phiên thiết hai chữ “sử” trong “sử dụng” và “xử” trong “xử sự” như sau:

sử, 使: sảng sĩ thiết; sư chỉ thiết tinh âm sử 史 (phiên thiết là sư + sĩ = sĩ; hoặc phiên thiết là sư + chỉ = sỉ, âm giống như sử).

xử, 處: xương dữ thiết (xương + dữ = xử).

(Phép phiên thiết chỉ cho cách đọc và cách viết nhưng khi chuyển từ Hán sang Việt-Hán thì có thể thay đổi âm từ i sang ư hoặc thay đổi hai dấu hỏi, ngã).

Những người không thông thạo ngôn ngữ học nhưng thích chủ trương viết “xử dụng” thay vì “sử dụng” đưa ra các kiến giải sau đây nhằm biện minh cho chủ trương của mình:

Có người nại cớ rằng phép phiên thiết là dành cho chữ Hán, sao lại có thể áp dụng cho tiếng Việt được? Họ cố tình quên rằng chẳng có ai mang phép phiên thiết áp dụng cho chữ nôm, cho các từ Việt thuần túy; phép phiên thiết chỉ có hiệu lực đối với các từ Hán-Việt vì lẽ giản dị các từ nôm na, các từ thuần Việt không thể nào được các tự điển, từ điển đơn ngữ chữ Hán ghi nhận. Không ai tìm cách phiên thiết hai chữ trùm chăn chẳng hạn vì các tài liệu tham khảo chữ Hán không ghi từ trùm cũng như từ chăn. Có người lại hồn nhiên bảo tôi nói sao thì tôi viết vậy, tôi nói “xử dụng” thì tôi viết “xử dụng”. Họ quên rằng khi họ phát âm “xử dụng” là họ đã phát âm sai! Có người Việt Nam gốc Hà Nội đọc là riệu nên phát âm không đúng nhưng đương sự ý thức được là mình sai và tự giác viết thành rượu. Trên internet, cách đây vài ba năm còn xảy ra chuyện rất khôi hài liên quan đến một nhà ngôn ngữ học tài tử. Anh ta thuộc thế hệ thứ hai trong cộng đồng người Việt tỵ nạn ở Hoa Kỳ và phụ trách dạy tiếng Việt cho một lớp Việt ngữ ở bậc đại học. Anh ta không biết viết “sử dụng” là đúng hay viết “xử dụng” mới đúng. Một số người không chuyên nghiệp về ngôn ngữ học hăng hái góp ý với anh bạn trẻ; người thì bảo “sử dụng” là đúng, kẻ lại cho rằng “xử dụng” mới đúng. Tôi chỉ bảo cho anh bạn này biết rằng “sử dụng” mới đúng chính tả tiếng Việt. Tôi không đá động đến phép phiên thiết vì biết rằng anh bạn không đủ trình độ để hiểu tôi muốn nói gì. Sau một thời gian thu góp ý kiến, anh bạn bèn tổng kết; kết quả số người bảo “xử dụng” là đúng nhiều hơn số người bảo “sử dụng” mới đúng. Người thầy giáo dạy tiếng Việt bất đắc dĩ bèn quyết định dạy cho học trò viết “xử dụng” theo như đa số quyết định! Tôi chỉ biết thở dài và tự dưng nhớ đến chuyện cán ngố dạy tiếng Pháp. Trong một buổi sinh hoạt tập thể, “nhân dân” băn khoăn không biết tiếng Pháp gọi cái bàn là la table hay le table. Tranh luận mãi, cuối cùng cán ngố lấy biểu quyết và số người bảo cái bàn là le table đông hơn! Thế là cái bàn biến thành giống đực trong Pháp ngữ!

Tủ sách Tiếng Quê Hương còn trình bày suy tư về cách viết nhiều chữ Việt khác như dòng/giòng, dấu/giấu, dây/giây, v.v. Nhóm chủ trương còn bác bỏ từ “toàn trị” của nữ tác giả Thụy Khuê. Nhóm nại lý do nhóm phải theo đuổi và tôn trọng “chủ hướng” riêng, nhóm phải dựa vào những “chỉ tiêu” riêng. (Chữ “chỉ tiêu” dùng không đúng, lẽ ra phải là “tiêu chuẩn”. “Chỉ tiêu” là một mức định ra để đạt tới, thường được biểu hiệu bằng con số).

Rất tiếc trong ngôn ngữ học, người chuyên môn nghiên cứu theo khoa này phải chấp nhận những qui tắc, những nguyên tắc khách quan, khoa học chứ không thể tùy tiện, tùy hứng đưa ra những “chủ hướng”, những “chỉ tiêu” chủ quan, cá biệt.

Tủ sách Tiếng Quê Hương dường như còn có một khuyết điểm khác: nhóm không để ý đến cách viết từ sử dụng trong nhiều tài liệu tham khảo phổ thông và phổ biến – trong số các tài liệu này có tài liệu mang tính quan phương. Đó là các từ điển, tự điển, tự vị đơn ngữ Việt-Việt và song ngữ Hán-Việt, Pháp-Việt, Anh-Việt, Đức-Việt, Việt-Đức. Các tài liệu sau đây đều viết sử dụng, nghĩa là viết với chữ s (“ét”):

Đại Nam Quốc âm Tự vị, Huỳnh Tịnh Paulus Của, Imprimerie Rey, Curiol & Cie, 1896, Saigon, mục từ sử dụng.

Pháp-Việt Tự-điển, Đào Duy Anh, Nhà Xuất bản Trường Thi, 1957, Sài Gòn, mục từ emploi.

Việt-ngữ Chánh-tả Tự vị, Lê Ngọc Trụ, Nhà Xuất bản Trường Thi, 1960, mục từ sử, số 2.

Anh-Việt Từ điển, Nguyễn Văn Khôn, Nhà sách Khai Trí, 1968, Sài Gòn, mục từ employ.

Việt-Nam Tự-điển, Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, Nhà sách Khai Trí, 1970, Sài Gòn, mục từ sử-dụng.

Hán Việt Từ-điển, Nguyễn Văn Khôn, Nhà sách Khai Trí, 1960, Sài Gòn, mục từ sử dụng.

Vietnamesisch-Deutsches W#rterbuch, Otto Karow, Otto Harrassowitz, 1972, Wiesbaden, mục từ sử dụng.

Từ điển tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, 1977, Hà Nội, mục từ sử dụng.

Sổ tay từ Hán Việt, Phan Văn Các, Nhà Xuất bản Giáo dục, 1989, Hà Nội, mục từ sử dụng.

Từ điển Tiếng Việt, Nguyễn Văn Đạm, Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin, 1993, Hà Nội, mục từ sử dụng.

Từ điển Hán-Việt, Hầu Hàn Giang chủ biên, Thương vụ Ấn thư quán, 1994, Thượng Hải, mục từ sử dụng.

Từ điển Hán-Việt Hiện đại, Nguyễn Kim Thản chủ biên, Nhà Xuất bản Thế giới, 1994, TPHCM, mục từ shiyè và shiyòng.

Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, 1994, TPHCM, mục từ sử dụng.

Hán Việt Từ điển, Trần Trọng San, Bắc đẩu, 1997, Canada, mục từ sử.

Từ điển Đức-Việt, Nguyễn Văn Tuế, Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin, TPHCM, 2000, mục từ benutzen, Benutzer, Benutzung.

Chữ nho trong đời sống mới, Nguyễn Ngọc Phách, Tác giả xuất bản, 2004, Melbourne, mục từ sử dụng quyền tiên mãi.

Trong tủ sách cá nhân, tôi hiện có hai từ điển viết xử dụng, nghĩa là viết với chữ x (“ích-xì”):

Pháp-Việt Tân Từ điển, Thanh Nghị, Nhà Xuất bản Thời Thế, 1961, Sài Gòn, mục từ emploi, employer.

Anh-Việt Từ điển, Nguyễn Văn Khôn, Nhà sách Khai Trí, 1968, Sài Gòn, mục từ usage. Tuy nhiên ở hai mục từ employ và employable thì cũng cùng chính từ điển này lại viết sử dụng!

Tủ sách Tiếng Quê Hương đã phát hành sách của một số tác giả quen thuộc như Hoàng Hải Thủy, Cung Trầm Tưởng, Hồ Trường An. Tôi chưa được đọc thành quả trí tuệ nào do Tủ sách ấn loát và phát hành nhưng tôi tự hỏi chẳng rõ những tác giả khác cộng tác với Tủ sách Tiếng Quê Hương có ai phải chịu cảnh phải “thông cảm” với Tủ sách Tiếng Quê Hương như trường hợp nữ sĩ Thụy Khuê không, khi Bà viết đúng chính tả tiếng Việt mà lại bị cho là sai một cách vô cùng oan ức!

04-12-2017
BS Trần Văn Tích

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

Những bài viết của Tác giả đăng trong website này

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Ngôi sao Phương Đông hướng dẫn Ba Vua tìm Hài Đồng Giê-su. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet E-mail by Tôn-thất Sơn chuyển

 

Đăng ngày Thứ Ba, December 5, 2017
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang