Bắc đẩu tinh

 

Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam
Vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận
Chính Trị
Chủ đề: Đoàn Kết
Tác giả: Nguyễn Quốc Đống, Khóa 13
8-12-2016

Đoàn kết là sức mạnh của tập thể

 

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

 

Các bậc tiền nhân đã để lại cho chúng ta nhiều câu nói về sức mạnh của sự đoàn kết, hay sự hợp quần, mục đích khuyên con cháu chớ coi thường sức mạnh được tạo nên do sự tập hợp của các cá nhân vốn yếu đuối nếu đứng riêng lẻ một mình.

 

Hợp quần nên sức mạnh.”
Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”

 

Các cụ còn dạy con cháu bài học đơn giản về đoàn kết qua câu chuyện bó đũa: các cây đũa nếu để riêng từng cái, có thể bị bẻ gãy dễ dàng, nhưng nếu để chung thành một bó, thật khó mà bẻ gãy cả bó đũa một lúc.

Vậy chúng ta hãy ôn lại những bài học về đoàn kết trong lịch sử Việt Nam, trong sinh hoạt cộng đồng của người Việt trong nước cũng như tại hải ngoại, để rút ra những kinh nghiệm có thể đem áp dụng vào công cuộc tranh đấu chống cộng hiện nay.

1. Khi nào cần có sự đoàn kết của mọi thành phần dân tộc:

Trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt, chúng ta không thể quên bài học đoàn kết của vua, quan, và dân đời nhà Trần vào năm 1284, khi phải đối đầu với cuộc xâm lăng của quân Nguyên lần thứ hai. Tại Hội Nghị Diên Hồng, các bô lão, đại diện cho người dân, đã bày tỏ một lòng quyết chống giặc Tàu xâm lược, quyết hy sinh dù thế nước yếu. Sự đoàn kết của mọi thành phần dân tộc lúc nước nhà nguy biến, là sự đoàn kết tối cần để giữ vững lãnh thổ, và chủ quyền của đất nước.

Tại thời gian này, chỉ có quyền lợi tối thượng của nước nhà là quan trọng. Mọi quyền lợi của các sắc tộc, phe nhóm, đảng phái, cá nhân phải bị hy sinh, mới mong giành được thắng lợi sau cùng. Thử hỏi vào lúc nước nhà nguy biến, mà người dân còn chia rẽ vì các khác biệt về chủng tộc, đảng phái, thì làm sao tập trung sức mạnh cho công cuộc giữ nước.

Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, hai bên tham chiến đều dốc toàn lực để mong chiến thắng. Một bên có biểu lộ chia rẽ, thiếu đoàn kết, phe bên kia ắt thấy ngay nhược điểm này, và sẽ lợi dụng triệt để hầu tiêu diệt đối phương. Chúng ta hẳn không quên bài học cay đắng này trong cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ hai (1955-1975): quân, dân miền Nam Việt Nam phải chống lại Bắc quân cộng sản xâm lược để bảo vệ quốc gia Việt Nam Cộng Hòa. Do một số tổ chức của dân chúng tại miền Nam, từ đảng phái, đến tôn giáo, từ giới trí thức đến sinh viên, học sinh... đã bị cộng sản xâm nhập, tuyên truyền, lừa bịp, nên đã bị kẻ thù khuynh đảo, không tập trung được sức mạnh, và bị yếu thế dần trước kẻ thù cộng sản. Hậu quả là một kết cuộc bi thảm cho quân, dân miền Nam. Miền Nam VN mất vào tay kẻ thù CS, chúng ta thành kẻ lưu vong trên xứ người. Khi cuộc chiến đã tàn, nhiều người mới nhận thức rằng một trong những nguyên nhân khiến chúng ta mất nước chính là vì người dân miền Nam thiếu đoàn kết; một số không đặt quyền lợi của quốc gia dân tộc trên quyền lợi của đảng phái, của tôn giáo, của cá nhân... Quả là một bài học cay đắng của lịch sử.

Nếu chúng ta thấy được khía cạnh tích cực của “việc đoàn kết”, thì kẻ thù của chúng ta không bao giờ quên tác dụng của “việc chia để trị”. Thời Pháp thuộc, thực dân Pháp đã áp dụng kế sách này, chia nước VN nhỏ bé thành 3 phần: Bắc kỳ, Trung kỳ, và Nam kỳ. Người dân 3 miền tuy dùng chung một ngôn ngữ Việt, có cùng tổ tiên, cùng nếp sống văn hóa; nhưng sau thời gian dài 100 năm dưới thống trị của thực dân Pháp, có lúc tưởng như mình thuộc 3 quốc gia khác nhau. Sức mạnh đoàn kết của dân Việt do vậy đã thiếu sự tập trung, ảnh hưởng lớn đến công việc giành độc lập cho tổ quốc.

Nhìn vào hiện tình đất nước Việt hiện nay, chúng ta thấy lại tình trạng đáng buồn này. Các lực lượng dân chúng muốn tập hợp lại để có một tiếng nói chung trong cuộc tranh đấu vì dân chủ, nhân quyền cho người dân đã gặp rất nhiều khó khăn. Bọn cầm quyền cộng sản ý thức được một khi các giới dân chúng tập hợp lại, họ sẽ mạnh lên, và CSVN sẽ không dễ gì dập tắt các phong trào dân chủ này. Do đó CSVN đã thực hiện triệt để chính sách chia để trị. Một mặt họ ban phát bổng lộc cho những kẻ trung thành với Đảng CS, với nhà nước “xã hội chủ nghĩa”; một mặt họ đàn áp thẳng tay các tổ chức chính trị, hay xã hội dân sự muốn tham gia vào việc dân chủ hóa VN. Kết quả là nhiều tổ chức dân chúng sau bao năm tranh đấu vẫn chưa có được một tiếng nói chung, chưa tập hợp được sức mạnh của mình, nên chưa ảnh hưởng gì được đến chế độ CS đương quyền.

Nhiều người dân Việt đã ý thức được tình trạng đất nước lâm nguy, do việc Đảng CSVN chỉ coi trọng việc bảo vệ quyền lực và quyền lợi của Đảng; coi nhẹ quyền lợi của đất nườc và dân tộc; dẫn đến việc họ để mất nhiều vùng đất và biển đảo vào tay Tàu cộng. Tuy nhiên, giới cầm quyền, tuy nhu nhược trước giặc Tàu, nhưng rất tàn ác với người dân, nên người dân vẫn chưa tìm được cơ hội tập hợp sức mạnh thành cơn bão cuốn trôi được chế độ độc tài toàn trị tại VN hiện nay. Cuộc chiến giữ nước chống ngoại xâm cần lực lượng tập trung của toàn dân, nhưng hiện nay chúng ta chưa có được sức mạnh tổng hợp này.

2. Cuộc tranh đấu chống cộng của người Việt Tỵ Nạn cộng sản tại hải ngoại có được sự đoàn kết tổng hợp hay không?

Ngày 30-4-1975 chỉ chấm dứt cuộc chiến giữa người Việt quốc gia và người Việt cộng sản trên trận địa chiến. 30-4-1975 không đem lại hòa bình đúng nghĩa cho người dân Việt cả hai miền Nam, Bắc. Chính sách trả thù tàn bạo của “bên thắng cuộc” đối với “bên thua cuộc” khiến cả trăm ngàn người dân miền Nam mất mạng trong các trại “học tập cải tạo”; tại các vùng kinh tế mới, nơi người dân bị buộc phải đi khai hoang các vùng đất chết; trong các cuộc vượt biên, vượt biển kinh hoàng để vượt thoát khỏi chế độ bạo tàn của CSVN...

Những người dân Việt tìm đến được bến bờ tự do, sau thời gian dài vất vả xây dựng cuộc sống mới, đã tập họp thành các cộng đồng di dân tỵ nạn cộng sản (TNCS) tại nhiều quốc gia trong thế giới tự do. Họ vẫn còn sống với các lý tưởng quốc gia, dân tộc cao đẹp mà chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã giáo dục cho họ: tự do, dân chủ, nhân quyền. Đó chính là động cơ thúc đẩy họ bắt đầu cuộc chiến chống cộng trên nhiều mặt trận mới: chính trị, văn hóa, giáo dục, kinh tế, xã hội...

Người dân Việt TNCS tập trung nhiều nhất tại Mỹ, Canada, Úc và Pháp. Tại các quốc gia tự do này, các cộng đồng Việt TNCS được thành lập rất sớm. Họ đoàn kết, và cùng nhau thực hiện được nhiều việc đáng kể, làm sáng danh chính nghĩa của Việt Nam Cộng Hòa. Họ chọn lá cờ vàng ba sọc đỏ làm biểu tượng cho cộng đồng mình, phân biệt rõ lằn ranh giữa họ, những người Việt quốc gia, yêu tự do; và bọn VC, kẻ thống trị toàn nước Việt Nam trong một chế độ độc tài toàn trị. Họ phủ nhận lá cờ đỏ sao vàng, xem đây chỉ là cờ của Đảng cộng sản, không hề đại diện cho đất nước và người dân VN.

Một trong những chiến dịch làm sáng danh chính nghĩa của người Việt TNCS là chiến dịch vinh danh cờ vàng, khởi đầu từ năm 2003, và vẫn còn tiếp diễn đến nay, thành công nhất là tại Mỹ, nơi quốc hội nhiều tiểu bang, và nhiều hội đồng thành phố đã ban hành các nghị quyết công nhận cờ vàng ba sọc đỏ là cờ chính thức của người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ. Sự đoàn kết của người Mỹ gốc Việt đã khiến người Mỹ bản xứ lắng nghe tiếng nói chung của họ, hiểu được nguyện vọng thiết tha của họ: xác nhận chính nghĩa của họ trong việc tranh đấu chống độc tài CS, tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền; bảo vệ cùng vinh danh lá cờ vàng ba sọc đỏ của quốc gia VNCH.

Một chiến dịch khác của người Việt TNCS cũng thành công tốt đẹp tại hải ngoại, do họ biết vận dụng sức người, sức của; chính là chiến dịch xây các đài tưởng niệm chiến sĩ Việt-Mỹ nơi có đông người Việt cư ngụ, như tại thành phố Westminster, California; khu Eden, thủ đô Hoa Thịnh Đốn; tại Houston, và Arlington, Texas; Saint Cloud, Minnesota; Wichita, Kansas; Orlando, Florida; Utah...; và tại Brisbane, Úc châu...

Sự đoàn kết của người Việt còn được thể hiện rõ nét qua nhiều sinh hoạt cộng đồng đa dạng trong nhiều năm qua. Cuộc chiến đã chấm dứt hơn 40 năm, kể từ ngày 30-4-1975, nhưng tinh thần chống cộng của khối người Việt chống cộng vẫn còn rất mạnh. VC đã thử nhiều chính sách, mua chuộc có, hăm dọa có, nhưng họ vẫn không thành công trong việc nhuộm đỏ cộng đồng tỵ nạn CS tại hải ngoại. Cụ thể là nghị quyết 36, với ngân sách cả triệu đô-la, được ban hành vào 26 tháng 3, 2004.

Một trong những nỗ lực của người Việt TNCS tại hải ngoại là bảo vệ cộng đồng chống sự xâm nhập của CS. Họ kiên quyết không chấp nhận sự hiện diện của các biểu tượng CS nơi họ sinh sống, chẳng hạn hình Hồ Chí Minh, hay lá cờ đỏ sao vàng của đảng CSVN. Chúng ta hẳn còn nhớ cuộc biểu tình của hơn 50,000 người dân Nam California năm 1999, chống hình tên Hồ Chí Minh được tên Trần Trường trưng bày trong tiệm cho thuê băng video của hắn. Và trong nhiều năm qua, tại Mỹ, lá cờ máu của cộng sản, cứ được treo ở nơi nào, là bị người dân Việt TNCS địa phương tìm cách hạ xuống, và thay bằng cờ vàng ba sọc đỏ của người Mỹ gốc Việt. Các thành phần cư dân, già có, trẻ có, đã đoàn kết để đất sống của họ sạch bóng lá cờ máu, lá cờ của bọn buôn dân, bán nước mà họ không thể nào chấp nhận được.

Đồng bào Việt TNCS tại khu Phước Lộc Thọ, thuộc Little Saigon, Nam California mới đây, vào ngày 20-11-2016, đã dạy cho tên CS Lê Đình Hùng, biệt danh là “Hùng Cửu Long”, một bài học nhớ đời. Tên này, với sự giúp sức của một vài người Việt tại hải ngoại, đã công khai xuất hiện với áo hình cờ đỏ sao vàng của VC (tại tiệm Trendy Nails & Spa ở Maryland, và tại một số địa điểm ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn). Sau đó tên này đến khu Little Saigon, tính khiêu khích đồng bào tỵ nạn CS với hình ảnh cờ đỏ sao vàng trên áo dài của hắn, mà hắn rêu rao là có mục đích cổ động cho hòa hợp, hòa giải dân tộc Việt. Kết quả ngày hôm ấy, Hùng Cửu Long, tuy không dám mặc áo cờ VC, vẫn bị đồng hương tại khu Phước Lộc Thọ đuổi đi một cách nhục nhã.

Người Việt hải ngoại còn nêu cao tinh thần đoàn kết trong các cuộc biểu tình chống bọn văn công VC xâm nhập cộng đồng để làm công tác văn hóa vận. Các đoàn văn nghệ Duyên Dáng Việt Nam, bọn văn công VC điển hình là Đàm Vĩnh Hưng, dù xuất hiện bất cứ nơi đâu, cũng bị đồng hương tẩy chay, biểu tình phản đối. Họ cương quyết không để nọc độc cộng sản làm tổn hại cộng đồng của họ, nhất là sẽ gây ảnh hưởng xấu đến lớp trẻ không có kinh nghiệm nhiều về sự tuyên truyền của cộng sản.

Những năm gần đây, do việc chính phủ Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với CSVN vào năm 1995, cuộc tranh đấu chống cộng của người Việt tại hải ngoại đã gặp rất nhiều khó khăn, và sức mạnh đoàn kết của khối người Việt TNCS đã bị suy yếu nhiều. Việt Cộng được tự do đến các vùng đất sống của người Việt TNCS: du lịch, du học, công tác trong nhiều lãnh vực như giáo dục, kinh tế, xã hội, văn hóa... nên chúng có nhiều cơ hội xâm nhập vào các cộng đồng của người Việt chống cộng. Chúng mua chuộc những kẻ tham tiền, hám danh; cũng có khi chúng đe dọa người Việt hải ngoại lúc họ trở về quê thăm người thân, hay áp lực thân nhân của họ còn sống tại quê nhà... Hậu quả là không ít người ngày xưa từng liều mạng chạy trốn cộng sản, ngày nay vênh vang về nước góp vốn làm ăn với cán bộ CS, đem bọn ca sĩ CS sang múa hát tại hải ngoại, khuấy động cuộc sống yên bình của người Việt TNCS, khuyến khích các ca sĩ hải ngoại về hát hò cho bọn CS trong nước thưởng thức; tạo sự chia rẽ trầm trọng trong khối người Việt tại hải ngoại. Sự chia rẽ này đã phần nào làm suy yếu các lực lượng chống cộng, ngay cả trong các tổ chức cộng đồng, và các tổ chức của cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Tại nhiều nơi, chúng ta thấy có sự hiện diện của hai hay ba tổ chức cộng đồng, tổ chức thì chủ trương chống cộng triệt để; tổ chức thì chỉ chú trọng đến hoạt động văn hóa, xã hội, tuyên bố không làm chính trị...

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, khi mà sự chống phá của kẻ thù cộng sản đang ở mức quyết liệt nhất, vì chúng có nhiều lợi thế hơn chúng ta (có nhiều tiền, có nhiều quyền lực về chính trị trong cũng như ngoài nước); sự thiếu đoàn kết của các tổ chức cộng đồng và đoàn thể tại hải ngoại thật đáng cho chúng ta quan tâm.

3. Người Việt TNCS tại hải ngoại phải tái lập sức mạnh đoàn kết bằng cách nào?

Trước hết cần phải khẳng định một điều: chúng ta không thể đoàn kết một cách mù quáng, và để kẻ thù cộng sản ru ngủ mình bằng các luận điệu tuyên truyền bịp bợp. CSVN từng đánh lừa người dân Việt Nam bằng khẩu hiệu rất kêu như sau “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”. Chúng muốn tất cả các thành phần dân chúng phải bị đặt dưới sự kèm kẹp của bọn cầm quyền CS (được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, với chủ nghĩa Mác-Lênin làm kim chỉ nam). Nhưng sự đoàn kết này không nhằm mang độc lập cho nước nhà, và hạnh phúc cho người dân; mà chỉ khiến người dân Việt bị quốc tế cộng sản nô lệ hóa. Sau khi chiến tranh chấm dứt, người cộng sản VN lại hô hào “đoàn kết dân tộc”, khuyên người dân miền Nam xóa bỏ hận thù, cộng tác với bọn cầm quyền mới để đất nước sớm phục hồi sau chiến tranh; khuyên người dân Việt hải ngoại quên quá khứ, đem tiền bạc và tài năng về “xây dựng đất nước”.

Không ít người Việt hải ngoại mắc bẫy “đoàn kết” này của cộng sản VN. Nhiều trí thức hải ngoại về nước cộng tác với chúng, nhiều doanh gia về nước đầu tư trong nhiều dự án kinh tế..., kết quả nhiều người lâm vào cảnh tiền mất, tù mang; hay phải bỏ của chạy lấy người...

Tại hải ngoại, để khỏi bị lừa, để tự bảo vệ, và duy trì sức mạnh của tập thể, người Việt hải ngoại chỉ có thể “đoàn kết” dựa trên lập trường quốc gia dân tộc, dựa trên đường lối chính sách của tổ chức, kiên quyết không thể đoàn kết với những kẻ thay đổi lập trường, những kẻ mang danh tỵ nạn chính trị, nhưng qua hành động đã chứng tỏ họ chỉ là người tỵ nạn kinh tế; được chấp nhận sống tại các quốc gia dân chủ, tự do, nhưng phản bội lại cộng đồng của mình, và chỉ còn nghĩ đến việc vinh thân phì gia một cách ích kỷ. Đoàn kết mù quáng với những thành phần này rất nguy hiểm, sẽ không tạo được sức mạnh cần thiết cho cuộc tranh đấu chung của cộng đồng, mà còn tự hủy diệt mình. Câu hỏi chúng ta không thể quên là: đoàn kết với ai, và đoàn kết trên căn bản lập trường nào?

Thời gian vài năm nay, tại quê nhà, có hiện tượng một số thanh niên sinh ra và trưởng thành sau khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, lại dành nhiều thời gian tìm hiểu về chế dộ Việt Nam Cộng Hòa, rồi họ ngày càng yêu mến chế độ này, yêu mến biểu tượng của chế độ này là lá cờ vàng ba sọc đỏ, yêu mến người bảo vệ chế độ này là quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Các thanh niên này không ngại hy sinh sự bình yên của bản thân, không ngại tù tội khi bày tỏ sự kính trọng và lòng yêu mến chế độ VNCH. Họ không muốn “đoàn kết” với chế độ cộng sản, dù họ được sinh ra trong chế độ này, và được giáo dục trong nhà trường của chế độ này. Họ đã chọn “đoàn kết” với người dân của chế độ VNCH, một chế độ bị giới cầm quyền CS xem là “thù nghịch, phản động”. Xem vậy, đủ thấy trong việc “đoàn kết”, việc chọn “chỗ đứng”, chọn “chiến hữu”, vấn đề lập trường quan trọng như thế nào.

4. Tổng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam tại hải ngoại xây dựng sức mạnh đoàn kết của mình trên căn bản nào?

Tôn chỉ của Tổng Hội Võ Bị là “duy trì một tổ chức gồm các cựu sinh viên sĩ quan Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, có lập trường quốc gia dân tộc, không hòa hợp hòa giải với cộng sản dưới bất cứ hình thức nào, giữ vững lằn ranh Quốc-Cộng, mục tiêu quang phục một quê hương Việt Nam tự do, dân chủ, không cộng sản”. Tập thể các cựu sinh viên sĩ quan được đào tạo dưới mái trường Võ Bị, theo tinh thần “tự thắng để chỉ huy”, đã từng là các cấp chỉ huy tài ba của nhiều đơn vị trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Những sĩ quan này được huấn luyện để sống và chiến đấu theo tinh thần: (bảo vệ) Tổ Quốc-(tôn trọng) Danh Dự-và (chu toàn) Trách Nhiệm.

Tập thể Võ Bị không phải là một tập thể ô hợp, gồm nhiều khuynh hướng đối chọi nhau. Đây chính là một tập thể tương đối thuần nhất, về cả lập trường lẫn năng lực. Trong cuộc tranh đấu chống kẻ thù hiểm ác là CSVN, người Việt hải ngoại rất cần đến các tập thể thuần nhất như vậy. Kẻ thù sẽ khó xâm nhập được vào thành trì của những tập thể này. Họ có tinh thần kỷ luật cao của quân đội; họ được trang bị bằng lý tưởng quốc gia; được rèn luyện kỹ năng trong nhiều lãnh vực, nên đã trở thành vốn quý của VNCH.

Tại hải ngoại, nhiều năm qua, các cựu SVSQ/TVB đã nhiều lần nêu gương sáng trong việc phục vụ cộng đồng, trong cuộc tranh đấu chống kẻ thù CS trên mặt trận mới. Họ tham gia cùng các chiến hữu trong các chiến dịch vinh danh cờ vàng, hạ cờ máu của VC, chiến dịch chống VC xâm nhập cộng đồng dù một số đã phải chịu hệ lụy vì các vụ kiện cáo làm hao tổn công sức, thì giờ, và tiền bạc của họ. Tuổi của họ ngày càng cao, sức ngày càng yếu, nhưng không vì thế mà họ chịu đầu hàng. Họ tiếp tục chiến đấu, dù cuộc chiến ngày càng khó khăn và không thuận lợi.

Vậy người cựu SVSQ trường Võ Bị phải làm gì để duy trì và phát huy sức mạnh đoàn kết của tập thể? Tổng Hội Võ Bị (THVB) đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và củng cố lý tưởng cho tập thể. Không có gì tồn tại mãi với thời gian, nếu không được vun xới, nuôi dưỡng. Chính vì thế Tổng Hội cần chú tâm đến việc thành lập một ủy ban chính trị nhằm hướng dẫn các sinh hoạt của các hội địa phương. Nếu không thúc đẩy sinh hoạt của TH theo chiều hướng này, sinh hoạt của TH sẽ chỉ còn thu hẹp vào các sinh hoạt mang tính cách ái hữu, xã hội, và không thể nào thực hiện được tôn chỉ như nhiều lần được khẳng định qua các kỳ đại hội Võ Bị toàn cầu.

Công việc thứ hai THVB cần làm là thúc đẩy hoạt động của các hội Võ Bị địa phương. Các hội VB địa phương chính là các đơn vị căn bản của Tổng Hội, vì các cựu sinh viên sống trong cùng địa phương, có nhiều cơ hội gặp nhau, dễ có quan tâm đến các vấn đề của cộng đồng địa phương, biết và hiểu nhau nhiều hơn cả các bạn sinh viên cùng khóa. Nếu THVB kết nối được các hội VB địa phương, để họ trở thành các chân rết của THVB, sức mạnh của tập thể sẽ được duy trì và phát huy đáng kể. THVB cần có kế hoạch giúp các Hội VB địa phương hoạt động cộng đồng có hiệu quả; như vậy sinh hoạt của các hội VB sẽ đáp ứng cụ thể nhu cầu của cộng đồng.

Chúng ta không thể phủ nhận một thực tế đáng buồn, là một số đông cựu SVSQ Võ Bị hiện nay ngày càng xa rời dân chúng, thiên về sống thụ động, có lẽ vì tuổi đời ngày càng cao, sức ngày càng yếu, chẳng còn tha thiết gì đến hoạt động cộng đồng, hay tranh đấu chống cộng nữa. Thậm chí có người còn nhìn những đồng môn, chiến hữu của mình đang tranh đấu chống cộng bằng con mắt dửng dưng, bằng những lời chê bai dè bỉu. Thái độ này không thể hiện tình đoàn kết cần có trong một tập thể đang còn dấn thân vào cuộc tranh đấu chung của dân tộc.

Tập thể Võ Bị hiện nay rất may mắn là có được sự quan tâm và dấn thân của lớp hậu duệ: các cháu thanh thiếu niên Đa Hiệu. Những người trẻ này dù được sinh ra tại hải ngoại hay tại Việt Nam, đều được thụ hưởng nền giáo dục nhân bản của chế độ dân chủ, và trưởng thành trong không khí lành mạnh của thế giới tự do tại hải ngoại. Hạt giống tự do, dân chủ đã có sẵn trong con người họ, cộng thêm sự giáo dục trong gia đình của các bậc cha chú, là các cựu SVSQ Võ Bị, nên họ ý thức được trách nhiệm của mình là phải tiếp bước cha chú trong việc gieo mầm dân chủ nơi quê hương Việt Nam. THVB nên dành nhiều thời gian cho việc giáo dục lớp hậu duệ này, để họ hoàn thành việc nối gót tiền nhân. Có được sự đóng góp của lớp hậu duệ này, sức mạnh đoàn kết của tập thể Võ Bị sẽ tăng lên bội phần.

THVB là tập hợp của các cựu SVSQ ngày xưa được rèn luyện dưới cùng một quân trường, nhưng với thời gian, vật đổi sao dời, người cựu SVSQ cũng không tránh được thay đổi. Tinh thần tự thắng có thể đã yếu đi, kỷ luật quân đội cũng chẳng còn để cá nhân biết kiềm chế bản thân, nên việc mất đoàn kết cũng có lúc đã xảy ra tại một số địa phương cũng như trong Tổng Hội. Tuy vậy, chúng ta vẫn tin tưởng vào tương lai của tập thể Võ Bị. Chúng ta tin tưởng là các cựu SVSQ Võ Bị sẽ coi trọng các mẫu số chung của tập thể, sẽ biết tự chế để tránh cho tập thể khỏi chịu những tổn thương nghiêm trọng xảy ra do sự mất đoàn kết trong nội bộ.

Kết luận, chúng ta không thể quên lời tiền nhân dặn dò:

 

Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết.”

 

Lời dặn này tuy ngắn gọn, nhưng chứa đựng cả một túi khôn của cha ông dành cho con cháu. Hy vọng là chúng ta sẽ theo lời dạy của tiền nhân, áp dụng điều này trong cuộc sống. Hy vọng là thế hệ hậu duệ của chúng ta cũng sẽ biết áp dụng triết lý sống khôn ngoan này, để cộng đồng nơi chúng ta đang sinh sống được hưởng phúc lợi tốt đẹp nhất. Tinh thần đoàn kết này sẽ giúp chúng ta hoàn thành được mục tiêu do tập thể Võ Bị đề ra.


Nguyễn Quốc Đống, Khóa 13
8-12-2016

Bấm vào đây để in ra giấy (Print)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THIÊN SỨ MICAE - BỔN MẠNG SĐND VNCH  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình nền: Bộ Huy hiệu Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH. Để xem được trang web này một cách hoàn hảo, máy của bạn cần được trang bị chương trình Microsoft Internet Explorer (MSIE) Ấn bản 9 hay cao hơn hoặc những chương trình Web Browsers làm việc được với HTML-5 hay cao hơn.

 

Nguồn: Internet E-mail by Nguyễn Quốc Đống chuyển

 

Đăng ngày Thứ Bảy, February 4, 2017
Ban Kỹ Thuật Khóa 10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH

 

GĐMĐVN/Chi Hội Hoa Thịnh Đốn & Phụ cận
P.O.Box 5345 Springfield, Virginia, VA 22150
Điện thoại & Điện thư: Liên lạc
Trở lại đầu trang